Trà My nghĩ đông nghĩ tây vẫn chưa tìm được cách nào gỡ rối.
Nhưng có câu "trời sinh voi sinh cỏ", cuối cùng ngõ cụt cũng có đường ra.
Buổi sáng, sau khi cô lo liệu xong cơm nước cúng ba mẹ thì có người tìm đến, là ông Tuấn.
Đối với bên nội, Trà My không có cảm tình, chỉ như bao người từng đến đám tang khác thôi.
Nhưng nói gì cùng là khách, đã đến nhà dẫu sao cũng phải rộng cửa mời vào.
"Mời bác Hai vào nhà! Để con đi lấy nước!", Trà My lễ phép mời ông Tuấn, sau đó đi vào phòng bếp lấy nước.
Ông Tuấn không ngồi xuống ghế sofa mà thong thả dạo quanh phòng khách.
Em trai ông lúc nào cũng thích tối giản mọi thứ, nhà cao cửa rộng như ai mà bình dị quá đỗi, nội thất toàn là đồ rẻ tiền.
Xem ra người em trai quá cố tài chính cũng không khá giả gì mấy.
Ở cạnh bàn nhỏ đặt tạm di ảnh là một khoảng lớn, đồ đạc xung quanh có dấu hiệu bị xê dịch, chừa ra khoảng trống lớn sát mép tường, có lẽ đợi đủ ngày sẽ đưa lên bàn thờ.
Ông Tuấn đứng trước di ảnh em trai, tay đút trong túi quần, hoàn toàn không có ý định thắp nhang.
Ông cảm thấy hành động đó rất dư thừa, bao ngày qua em ông hít nhang còn ít sao?
"Bác Hai ngồi đi ạ!"
Trà My từ phòng bếp đi ra, đặt ly nước lên bàn.
Ông Tuấn ngồi xuống ghế sofa, không vòng vo mà đi thẳng vào vấn đề chính:
"Bác Hai đến đây vì lý do gì chắc con cũng đoán được mà đúng không? Ba con mất đi, ông nội rất đau lòng đến ngất lịm.
Mặc cho ngày xưa hai người vì bất đồng mà xảy ra mâu thuẫn thì một giọt máu đào vẫn hơn ao nước lả, Trà My, con về ở với ông và bác đi, để mọi người còn thay ba mẹ chăm lo con!"
"Con đã lớn rồi thưa bác, không phải con nít mà cần người chăm sóc!", Trà My vẫn không thay đổi ý định.
Ông Tuấn sớm đã lường trước, hai cha con đều cứng đầu y như nhau.
Ngả người về sau, tựa lưng vào ghế sofa, bắt chéo chân, ông hỏi:
"Con dĩ nhiên là tự lo cho mình được rồi nhưng còn em con thì sao?"
Cô cháu gái này điên rồi, một người thực vật còn có thể trông chờ cái gì? Vậy mà nó lại bất chấp tất cả đốt tiền, ông không hiểu nổi.
Ngày ngày thuê người tập vật lý trị liệu có tác dụng gì, trầy da tróc vảy thì thằng nhóc kia cũng nằm đó thôi.
Nhưng mặc kệ, nhờ nó suy nghĩ khác người ông mới tìm được điểm yếu.
Mềm cứng không ăn vậy thì đổi sang trò chơi tình thân xem sao.
Trà My bị chiếu tướng, cứng họng không nói nên lời.
Đây chính là câu hỏi khó với cô hiện tại.
Ông ta nói như vậy, không lẽ có cách?
Ông Tuấn biết mình bắt đúng bài rồi, bèn nói tiếp:
"Số tiền chi trả không nhỏ, với một sinh viên vừa ra trường như con làm sao lo xuể? Đồng ý là ba mẹ có để lại tiền nhưng có thể cầm cự được bao lâu? Một tháng? Một năm? Hay mười năm? Dài ngắn ra sao thì đằng nào cũng tới lúc hết, có phải niêu cơm Thạch Sanh đâu, đúng không Trà My?"
Trà My dù không muốn cũng phải công nhận ông Tuấn có lý, tình hình thực tế chính là vậy.
Cô rũ mắt mân mê đầu ngón tay, giả ngu:
"Ý bác Hai là sao ạ? Con đang rối trí, không hiểu được!"
Ông Tuấn chỉ đợi có thế liền tung mồi:
"Số tiền đó là vấn đề với người thường chứ còn nhà chúng ta thì khác.
Nói thì sợ mang tiếng khoe khoang nhưng thực tế nhà chúng ta chẳng có gì ngoài tiền, số lẻ ấy không đáng nhắc tới.
Nếu con trở về, tháng ngày sau này không cần lo cái ăn cái mặc.
Em con...",
Ông Tuấn ngừng lại, liếc Trà My, mỉm cười nói nốt:
"Cũng sẽ được hưởng mọi loại dịch vụ chăm sóc tốt nhất! Dẫu sao Luân cũng là máu mủ, bác và ông nội làm sao nỡ."
Nói đi nói lại vẫn là muốn cô trở về, Trà My tự hỏi mình có gì mà ông ấy phải tốn công tốn sức.
Nhà chúng ta? Chúng ta nào? Cô biết thừa bản thân không nằm trong phạm vi đó.
Sớm không tới, muộn không tới, đợi lúc cô gặp khó khăn về tài chính liền xuất hiện, thật khéo.
Bắt gặp ánh mắt sáng rực có phần toan tính của đối phương, cô bỗng thấy khó chịu.
"Con hơi mệt, chuyện này để sau đi ạ!", Trà My xoa trán, lộ vẻ mệt mỏi.
Ông Tuấn không ngờ tới mình nói hết nước hết cái mà đối phương chẳng mấy mặn mà.
Nghe ý là muốn đuổi khách, ông cũng không tội gì hạ mình nán lại.
Ông đứng lên, sửa sang áo vest đắt tiền, đằng nào thì kết quả cũng như ý ông.
"Được rồi vậy con nghỉ ngơi đi, hãy nhớ rằng bác Hai lúc nào cũng thiết tha mong ngóng con về nhà!"
Người đi khỏi, Trà My quay sang nhìn di ảnh ba mẹ.
Ba đã dạy, trên đời này bất cứ chuyện nào cũng có giá, không ai cho không ai cái gì.
Đạo lý này con luôn nhớ trong lòng nhưng với tình cảnh rối rắm hiện tại, nên quyết định thế nào mới đúng?
***
Bệnh viện tư Nhân Ái, phòng bệnh ba lẻ một.
Bên trong phòng chỉ có một bệnh nhân duy nhất, đó là một cậu nhóc trẻ tuổi đang nằm trên giường, nhiều máy móc gắn vào người.
Ít ai đoán được, dăm ba ngày trước cậu cũng như bao bạn bè đồng trang lứa, đầy nhiệt huyết tuổi trẻ, ấm ủ hoài bão.
Trà My vắt ráo khăn, nhẹ nhàng lau mặt cho em.
Làm được mấy lần, cô vội quay mặt đi, mắt rơm rớm.
Thấy Luân như vầy, cô chịu không nổi.
"Em lúc nào cũng thất hứa với chị, đàn ông mà thế là không cô nào thèm lấy đâu!", cô trách.
Hiển nhiên là không ai trả lời, Trà My cũng bắt đầu quen dần.
Cô tiếp tục độc thoại:
"Chị không thể nhớ được là em đã hứa lèo bao nhiêu lần.
Em nhớ không, có lần em ăn hết đồ ăn vặt của chị rồi thề thốt mua đền, kết quả bao năm qua phòng chị không có nổi cục kẹo.
Vụ máy tính nữa, em nịnh nọt xin mượn mấy hôm, tới khi nó hư chị cũng không thấy tăm hơi."
Luân mặt nào cũng giỏi, đặc biệt trong lĩnh vực hố chị.
Cậu biết Trà My cưng mình nên làm nũng chôm đủ thứ.
Là chị, Trà My ngoài miệng càm ràm nhưng vui lòng nhường cho em.
Ai rồi cũng khác, theo thời gian, Luân trưởng thành, ra dáng đàn ông hơn.
Hôm Trà My tốt nghiệp, Luân vỗ ngực hứa sẽ mua một bó hoa thật to, thật đẹp đến chúc mừng.
Và cô đã đợi nhưng rồi chẳng có bó hoa nào, thay vào đó là khăn tang cùng nước mắt.
"Thằng nhóc này, em sao lại tiếc của như vậy? Hoa mua cho chị mà phút cuối tiếc tiền hay gì lại không chịu tặng, cứ ôm mãi?", Trà My hóm hỉnh hỏi.
Trà My vuốt ve gò má Luân, chỉ mới mấy ngày mà thịt đi đâu mất, toàn xương xẩu.
Nước mắt cuối cùng vẫn là không cầm được, từng giọt thi nhau rơi xuống.
Cầm lấy bàn tay Luân áp lên má mình, Trà My đờ đẫn nhìn ngắm mọi ngóc ngách.
Thật lâu sau, khi những vệt nước mắt đã khô, bầu trời bên ngoài chuyển sang màu vàng cam, cô nhắm mắt, thở dài, nghe mới bất lực làm sao.
Lừa người thì dễ, tự huyễn hoặc chính mình mới khó.
Cô đã dao dộng, đành chịu thôi, cô không có bản lĩnh đội đá vá trời nên đành đem bản thân ra thế chấp.
Trà My không tham lam vật chất nhưng tại thời điểm này, cô buộc phải thực dụng.
Cầm điện thoại lên, Trà My gọi cho ông Tuấn.
Đường dây vừa thông, cô chỉ nói ngắn gọn hai từ mà như tiêu hao hết sức lực:
"Con về!"
Bên kia ông Tuấn còn chưa kịp phản ứng thì điện thoại chỉ còn lại tiếng tút dài.
Đây là hành động vô lễ nhưng ông Tuấn không để tâm.
Cứ để nó vênh mặt, mai sau thành con rối, làm gì còn cơ hội.
Ông Tuấn nhìn điện thoại cười nham hiểm, bà Quyên ngứa mắt liền hừ lạnh châm chọc:
"Lại tơ tưởng tới con nào nữa đấy?"
Không thể trách bà ấy được, ai biểu ông Tuấn bản tính phong lưu, bao năm qua cứ nuôi nhân tình bên ngoài.
Bà Quyên là người phụ nữ kiêu ngạo, việc này khác gì vả vào mặt.
Mỗi lúc tụ tập với bạn bè hay đi tiệc, mọi người cứ xầm xì sau lưng mãi, bà ấy tức điên lên được.
"Con nào là con nào? Ăn nói cho đàng hoàng, bà này bà nọ mà làm như dân chợ.
Con gái thằng Tâm chứ con nào! Bà lo chuẩn bị đi, con bé sẽ về đây ở cùng chúng ta!"
Ông Tuấn khó chịu nạt ngang, sau đó vớ áo vest đi thẳng ra ngoài, nhà có con cọp cái thế này, điên mới ở lại.
Những cô nhân tình cái gì cũng không bằng vợ ông, chỉ được cái biết điều, vậy là đủ ăn đứt.
"Ông Tuấn, ông đứng lại cho tôi!", bà Quyên rít lên.
"Nhỏ tiếng vào, hoặc nếu bà thích uống trà tâm sự với ông già đêm khuya thì cứ tiếp tục!", ông Tuấn đầu không ngoảnh lại nhắc nhở.
"Á!"
Bà Quyên căm tức ném gối, ánh mắt lộ vẻ độc ác.
Bà ta biết là chồng mình vẫn nhớ mãi không quên người phụ nữ kia mà, con cô ta vừa gọi là miệng cười toe toét ngay.
Hồ ly tinh, chết rồi cũng không thôi quyến rũ chồng người khác!
Con nhỏ kia về đây ở? Được thôi, là nó tự tìm lấy, đừng trách người khác.
Bà ta sẽ toàn tâm toàn ý yêu thương cô cháu gái tội nghiệp này, nỗi hận năm đó bà chưa quên đâu.
Trong nhà mình, Trà My từ trên lầu đi xuống.
Mở phòng ba mẹ ra, cô đặt va li xuống, bước vào trong, tham lam nhìn ngắm khắp nơi.
Chỉ ít phút nữa, cô sẽ phải từ biệt nơi đây đến chốn xa lạ.
Có thể sẽ xa hoa, tráng lệ gấp trăm ngàn lần nhưng mãi mãi không bằng căn nhà này.
Bên ngoài vang lên tiếng còi xe, tài xế đã đến, cô phải đi rồi.
Trà My vừa khép cửa phòng lại thì đã thấy một người đàn ông xuất hiện ở phòng khách.
Đối phương cúi người chào cô, sau đó nhanh nhẹn xách va li mang ra xe.
Trà My cẩn thận ôm lấy di ảnh ba mẹ, từng bước đi ra ngoài.
Khi xe bắt đầu lăn bánh, Trà My ngoái đầu, lưu luyến nhìn về phía sau.
Cô không muốn nhưng buộc phải đi, ông bụt chỉ có trong truyện cổ tích còn đời thực luôn bắt ta chọn lựa.
Đích đến như thế nào nhỉ? Có đúng như ba đã nói là lũ lang sói vô tình không?