Mọi chuyện cứ tưởng như thế đã giải quyết xong, nhưng không ngờ nhà ta bị đánh còn bị kiện. Nhà ông Chín có bà con làm bên huyện, lo lót, ăn vạ đủ kiểu, cuối cùng sau bao lần triệu tập hầu tòa, bao nhiêu tiền bạc chạy luật sư thì Ba và bác Hai ta bị kết án cố ý đánh người gây thương tích, phạt tù hai năm. Nỗi ám ảnh, sự đau thương dằn xé, oan khuất không ai thấu hiểu, mọi thứ như biến thành địa ngục. Khoảng thời gian chết chóc ấy, nhà ta không còn tiếng cười, chị Ba ta muốn bỏ học, Mẹ ta gầy hẳn đi, gồng mình chịu đựng tai tiếng từ ba phương tám hướng.. Tất cả chìm trong đau thương..
Hai năm, khoảng thời gian không dài, nhưng đối với gia đình khố rách áo ôm như nhà ta, thì là một khoảng thời gian đăng đẵng. Hết lớp chín, chị Ba ta muốn nghỉ học, ở nhà phụ Mẹ lo cho em, chăm lo đồng áng.. Họ hàng nội ngoại cũng chẳng ai học hành nhiều, nên không ai khuyên can.. Mẹ ta không nói gì, nhưng cũng có vẻ là đồng ý, bởi với Mẹ mà nói, chỉ cần con ngoan, không hư hỏng, thì học hay không cũng chả có gì quan trọng cả.. Chỉ riêng chị Hai ta thì nhất quyết không chịu. Chị vì hoàn cảnh mới bỏ học giữa chừng, chị không muốn em mình cũng dở dang trên con đường tìm tri thức. Kết quả cuối cùng vẫn là chị Ba tiếp tục đi học, chị Hai thì ngày càng lao vào con đường kiếm tiền nuôi sống cả một gia đình.
Có lẽ cuộc sống ép con người đi vào đường cùng thì ý chí con người càng mạnh mẽ. Từ một đứa con gái ham chơi, suốt ngày đánh đấm, chị Ba ta bây giờ học có tiếng tại trường, bỏ qua miệng đời, bỏ qua sự nghèo đói mà vươn lên. Trong mọi cảnh đời, khi lâm vào khó khăn mới thấy ai tốt, ai xấu. Xã hội thì đầy rẫy loại người, nhưng người có thể giúp đỡ người khác thật hiếm có biết bao nhiêu. Không ai trông chờ vào cái thứ gọi là lòng thương hại, nhưng vẫn không thể chịu nổi cái nhìn đầy vô tâm của xã hội mình đang sống đây.
Hai năm sau.
Sau khi ra tù, Ba ta cũng về đoàn tụ với mấy Mẹ con. Ngày đầu tiên Ba bước chân về nhà, ta còn chơi đùa bên hàng xóm. Nghe tin Ba về, ta bỏ tất cả chạy một mạch về. Trong hai năm ấy, Mẹ và cu Út ta đi thăm Ba, chị Ba cũng lâu lâu lén vào thăm, chỉ duy nhất có ta là không được. Nhớ quay quắt nhưng rồi cũng cố gắng chịu đựng cho đến ngày hôm nay, Ba đã về.
Ta lo sợ, ta thấp thỏm, chỉ sợ Ba không nhớ ta, chỉ sợ Ba không quan tâm xem ta như thế nào. Lén lút ngoài cửa, ngó đôi mắt nhìn từ xa xa, Ba vẫn ngồi đó, rắn chắc khỏe mạnh, chỉ có đôi mắt xa xăm, lạnh nhạt nhìn mọi người đến thăm hỏi, nhưng đúng hơn chắc có lẽ là thăm dò. Rồi ánh mắt ấy bỗng vụt sáng, ông ngoắc tay ta vào, ta lại rụt rè không dám bước, chỉ đi nhẹ nhàng chậm rãi đến bên ông. Lập tức, ta được ôm vào lòng, có lẽ lần đầu tiên ta nhận thấy, nước mắt ông lặng lẽ vùi vào cổ ta. Ta ngơ ngác, Ba ta khóc sao? Hay là ta chỉ sinh ảo giác?
Một lúc lâu ông mới ngẩng mặt lên, đôi mắt khô ráo, ông mỉm cười vỗ đầu ta, nói chậm rãi với mọi người: "Nhớ con bé này quá, lâu lắm rồi không nghe nó nói nhiều chuyện..".. Ấm áp không ở đâu xa, chỉ cần như thế.. Cảm nhận được hạnh phúc từ chính cái ôm của gia đình. Chỉ cần một chút yêu thương cho ta, ta liền cảm thấy chính mình được trân trọng. Có lẽ từ nhỏ ta thiếu vắng sự quan tâm của Ba Mẹ, tự mình chơi, tự mình ôm lấy bao nhiêu buồn tủi của bản thân, cho nên khi nhận được chút yêu thương nào đó, ta bỗng cảm thấy lớn, rất lớn..
Kể từ khi bắt đầu có được ý thức với cuộc sống này, trải qua bao nhiêu chuyện, ta dường như càng ngày càng khép kín nội tâm, vui vẻ với gia đình mình, còn người ngoài, có lẽ là sự xã giao bắt buộc phải có ngoài xã hội. Khoảng thời gian ta đi học, chưa từng giao lưu tiếp xúc với một nhóm hay câu lạc bộ nào. Ta gần như mất hẳn sự tự tin vốn có. Không phải vì Ba ta đã từng bị đi tù, không phải vì ta xấu xí để mặc cảm, mà chỉ vì nhà ta nghèo. Không có tiền thì chính là không đủ tự tin, còn nhiều tự ti.
Cuộc sống vất vả lo toan rồi cũng dần ổn định. Trong mắt ta, không có gì vui vẻ bằng chính sự hạnh phúc của cả gia đình mình. Chị Ba vào Sài Gòn học, ta vừa lên lớp tám. Sức học ta càng ngày càng yếu. Từ một học sinh giỏi trở thành học sinh trung bình. Ta không dám nhìn ai. Đi học về lủi thủi phụ Mẹ chăm em, phụ nấu cơm, giặt giũ. Ráng hết sức nhưng kết quả môn Toán của ta luôn thấp dưới điểm trung bình. Có lẽ do ta, cũng có lẽ do thầy dạy. Trong lớp không ai được điểm tối đa môn của thầy ấy.
Qua năm lớp chín, may thay thấy ấy không dạy lớp ta nữa, thay vào đó là thầy Bảo, một người thầy được các học sinh thời bấy giờ tôn sùng là cha đẻ của các trẻ em giỏi Toán. Được thầy dạy sau một tháng, từ một đứa ghét nhất môn Toán, ta thật sự yêu thích nó sau khi được thẩy chỉ dạy tận tình. Ta kiên trì học, kiên trì làm bài tập, kết quả cho cuối năm điểm Toán ta đứng cao nhất trên bảng điểm một cách thần kì, ta lại làm một học sinh Giỏi. Trong mắt Ba Mẹ, có lẽ ta là tấm gương học tập điển hình của cả gia đình và ta biết, Ba ta luôn tự hào về điều đó.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT