Lời kể của chị An Hoa vang lên bên tai như một điệu nhạc êm đềm giữa đêm xuân se lạnh, khiến tôi giống như được tận mắt chứng kiến cái kết đẹp của chị sau gần mười bảy năm chờ đợi một người.
"Ngày ấy sau khi trở về Vạn Kiếp rồi đến lúc anh ấy trở về đất phong, chẳng biết sao chị lại có đủ dũng khí để leo lên yên ngựa đuổi theo. Khoảnh khắc nhìn thấy chị chật vật trên lưng ngựa, có lẽ anh ấy đã mềm lòng. Sau đấy..."
Chị An Hoa kể đến đây thì bất ngờ dừng lại, tôi nhìn vẻ thẹn thùng trên mặt chị trong lòng tò mò không thôi. Lúc này chị Anh Nguyên ngồi bên cạnh liền lên tiếng:
"Sau đấy anh ba xuống ngựa bước đến bên cạnh chị An Hoa nở nụ cười ôn nhu trìu mến rồi lấy ra chiếc vòng hổ phách đã chuẩn bị từ lúc nào trong túi áo ra đeo lên tay chị ấy và nói: "Không cần đi theo tôi, để tôi nói với cha mẹ xin rước em về thái ấp!". Ây dà, lúc ấy nắng và gió đẹp như một bức tranh, chính chị là người chứng kiến hết thảy!"
Chị Anh Nguyên vừa nói vừa giả giọng Quốc Tảng làm bọn tôi cười rộ lên, chị An Hoa lại càng thẹn thùng.
Chị Anh Nguyên lại được nước làm tới, tiếp tục trêu:
"Chị dám cá mười phần là anh ba đã quay đầu từ lâu, chỉ là ngại không dám nói vì trước đây đã từ chối người ta. Rồi bỗng một ngày thấy chị An Hoa chủ động thì nắm bắt ngay tức khắc mà không cho người ta cơ hội từ chối. Đúng là cô gái ngày xưa ta từng xua đuổi, nhiều năm sau nhìn lại thì thấy cô ấy từ lâu đã chiếm một chỗ trong trái tim ta!"
Không hổ là Quốc Tảng, dù trong hoàn cảnh nào cũng không thể làm anh ta thất thế.
Sang ngày hôm sau, vừa tảng sáng tôi đã nghe tiếng pháo đì đùng vang lên bên tai. Với tay kéo rèm cửa bỗng thấy trước mắt mờ mịt, chỉ xòe tay ra ngoài một chốc đã âm ẩm lành lạnh hơi sương.
Tôi lay Quốc Chẩn tỉnh dậy, mặc cho nó một bộ viên lĩnh màu trắng viền đỏ thêu hàn mai ngạo tuyết, thêm một áo bông lót bên trong cho khỏi lạnh rồi đeo trên cổ một chiếc kiềng vàng có chạm chữ phúc.
Tôi vừa thay áo cho Quốc Chẩn vừa ngắm nghía hồi lâu, đến lúc trông thằng bé trắng trắng tròn tròn như cục bông, thơm tho sạch sẽ ưa nhìn mới hài lòng cho nó ra gian trước.
Hôm nay tôi búi tóc cao trên đỉnh đầu rồi uốn thành hình rẽ quạt, trâm cài hình phượng, tai đeo khuyên ngọc trai, bên hông lại treo một túi hương bằng lụa thoảng mùi hoa bưởi. Thụy Hương ở bên ngoài đã đợi sẵn, thấy tôi ra thì bước đến dắt tay Quốc Chẩn, miệng tươi cười cất giọng khen:
"Hiếm thấy phu nhân ăn vận chỉnh chu như thế!"
Tôi cũng cười đáp lời:
"Hôm nay đúng dịp đặc biệt, tốt xấu gì cũng không nên xuề xòa!"
Cũng khá lâu rồi tôi không chải chuốt ăn dọn, ngày thường nếu ở trong Quân Hoa cung cũng chỉ tùy ý xõa tóc, mặc trung y rồi khoác tràng vạt bên ngoài.
Trên chiến trường lại càng đơn giản, đa số thời gian toàn mặc giáp minh quang, mái tóc dài thường xuyên trong tình trạng bám đầy bụi cát, tôi dứt khoác cột đuôi ngựa sau đầu, thỉnh thoảng còn cảm thấy nó cứng hơn cả lông chổi.
Sau này chiến thắng trở về, cả người đen đúa thô kệch như một gã đàn ông, suốt nửa năm mới khôi phục lại được dáng vẻ ngày nào.
Vừa bước ra nhà chính đã thấy thằng nhóc Thuyên xếp đầu hàng nhận lì xì. Tôi chậc lưỡi, thằng nhóc này ỷ mình là hoàng thái tôn định hớt tay trên đây, trong khi theo vai vế trong nhà thì thằng bé Tự con của anh cả mới là người lớn nhất. Nó nhìn thấy tôi và Quốc Chẩn bước ra liền há miệng cười hì hì, cha tôi bèn gọi Quốc Chẩn tới bên cạnh.
Quốc Chẩn lần này tài sản lại tăng lên không ít, chỉ trong sáng nay mà túi áo của nó đã rủng rỉnh.
Trong sân bọn trẻ từ các nhà quan lại tề tựu chơi trò chơi hết sức náo nhiệt, mấy trò trong dân gian cũng có, thanh nhã hơn là cầm kỳ thi họa cũng có, ầm ĩ lên hết cả. Lại còn có mấy đứa con gái hội lại hát mấy câu: "Cô dâu chú rể, làm bể bình bông, đổ thừa con nít" gì gì đó, lại cảm thấy có thể chị Anh Nguyên sẽ làm thế thật.
Thằng nhóc Thuyên cũng kéo Quốc Chẩn sà vào một đám đang chơi ô ăn quan, trong đó có vẻ Mạc Đĩnh Chi đang là đứa cầm đầu. Tôi lại xung phong giữ tiền lì xì cho Quốc Chẩn, nó hết nhìn tôi rồi nhìn đám trẻ đang chơi, cảm thấy có lẽ bản thân cũng không có khả năng gìn giữ nên giao cho tôi tất cả.
Khắp nơi trong phủ đều treo đèn kết hoa, dán câu đối đỏ, giống như còn trong xuân nên không khí tự nhiên cũng tưng bừng tươi mới hơn hẳn. Tôi nhìn chị Trinh và thằng nhóc Thuyên một người thì bận rộn cắt giấy hỉ, một người thì cắm hoa bàn thờ gia tiên, chính mình bèn xung phong ra gian trước đón khách.
Nhưng cuối cùng cũng không phải chỉ riêng mình tôi là vụng về chuyện hậu viện, ngoài chị Anh Nguyên hôm nay phải làm một cô dâu nền nã đoan trang chỉ ru rú trong khuê phòng ra thì vẫn có một kẻ còn mạnh mẽ hơn tôi đang chạy loanh quanh phụ việc. Tôi nhìn chị ta hết chạy đông chạy tây, lại xoắn tay áo làm chân sai vặt cho thằng nhóc Thuyên thì rốt cuộc phải buông ra một câu: có cố gắng!
Cũng may Trần Nhật Duật là một vị khách bề trên chỉ ngồi gian trước, nếu không chẳng biết chị ta phải giấu mặt đi đâu. Tôi lại cảm thán trong lòng, chị ta nào phải đến để làm dâu đâu.
Ngày hôm nay quý tộc khắp nơi đã tề tựu về gần như đông đủ, nhưng quý nhất phải kể đến một kẻ từng là môn khách nay đã làm đến chức An phủ sứ Thiên Trường. Đó chẳng ai khác chính là Trần Thì Kiến.
Trần Thì Kiến quay về phải nói là nở mày nở mặt, anh ta chưa cần đợi đến trước cổng đã vội cho dừng xe đằng xa, bước chân vừa khoan thai lại giống như có chút vội vã đến trước cha tôi bái lạy. Cha tôi đỡ anh ta lên gật đầu hài lòng. Tôi nhìn ánh mắt rưng rưng của Trần Thì Kiến âm thầm cười trộm.
Trần Thì Kiến đã đứng dậy, cha tôi bỗng vỗ vai anh ta:
"Việc anh làm đã nổi tiếng gần xa, đúng là không phụ lòng ta mong mỏi!"
Nói xong thì lớn giọng cười. Trần Thì Kiến cũng cung kính cúi đầu, khiêm tốn đáp:
"Cũng nhờ ngài khéo dạy dỗ ạ, Quốc công khen tặng làm Thì Kiến hổ thẹn vô cùng!"
Tôi nhìn hai người kẻ xướng người họa, lại không nén được tò mò, chẳng biết anh ta đã làm gì mà được một người kiệm lời khen như vàng là cha tôi có thể mở miệng hào phóng như vậy.
Anh cả giống như nhìn ra được chỗ thắc mắc của tôi, bèn ghé tai tôi nói nhỏ:
"Chỉ nghe ngóng được chú ta nổi tiếng thanh liêm khắp một vùng, tuy hành xử nhiều lúc lạ lùng nhưng chẳng thể nào khiến người khác cãi lại được. Ngẫm lại ngày trước Thì Kiến đúng thật là người như thế, tính tình thẳng thắng chẳng nể nang ai, còn suýt nữa là bị anh tư em tẩn cho một trận!"
Nghe anh cả nói thế, anh tư Quốc Hiện bèn hừ một tiếng, hằn hộc buông ra một câu:
"Biết đâu là chó ngáp phải ruồi?"
Ơ, mặc dù hai người chẳng ưa gì nhau nhưng đừng hở một chút là mỉa mai có được không? Trần Thì Kiến hôm nay được mang tiếng thơm dù sao cũng đem lại vẻ vang cho vương phủ, không phải hơn hẳn anh sao?
Lúc này Trần Thì Kiến đã ôn chuyện với cha tôi xong, đương quay lại thì nghe Quốc Hiện châm chọc mình như thế, thản nhiên cười đáp:
"Không thể nói chuyện băng tuyết với côn trùng mùa hạ!"
Ý bảo tranh luận với kẻ cố chấp không chịu hiểu vấn đề là một điều vô ích. Trần Thì Kiến làm quan một thời gian, lúc quay trở lại còn nham hiểm hơn xưa nữa.
- Mi nói ai là côn trùng? – Quốc Hiện xoắn tay áo định nhào vô.
Anh cả nhoài ngươi đứng chắn trước anh tư còn tôi thì lập tức kéo Thì Kiến rời đi, chỉ sợ chốc lát nữa anh ta mồm miệng đi xa rồi không còn giữ được bộ mặt tươi cười như thế này nữa. Ngày trước không ít lần anh ta thoát khỏi móng vuốt của anh tư tôi, vậy mà đến nay vẫn cái thói thích cà khịa dù thật ra anh tư tôi mới là kẻ khơi mào trước.
Đến khi tránh khỏi tầm mắt của Quốc Hiện rồi, bản tính buôn chuyện của tôi nổi lên, vội hỏi:
"Chuyện đó là sao thế?"
"Chuyện gì?" – Trần Thì Kiến hỏi lại.
"Thì là chuyện đồn đại về anh đấy. Vị An phủ sứ thanh liêm chính trực đến mức lạ lùng trong miệng mọi người là bắt đầu từ đâu, trên trời rơi xuống à?"
Trần Thì Kiến nghe đến đó thì à lên một tiếng, lại có vẻ ngại ngùng gãi đầu:
"Không có gì to tát. Dạo trước bên cạnh nhà tôi có kẻ làm giỗ, cuối ngày bèn đem biếu một mâm. Tôi thấy giữa mình và anh ta trước giờ cũng không giao thiệp nên mới lập tức hỏi lý do, anh ta lại hết mực nhiệt tình đáp rằng chỉ vì là hàng xóm nên biếu. Ấy thế mà thời gian sau lại đến xin tôi ban cho chức câu đương. Tôi chỉ là một An phủ sứ nho nhỏ, sải tay cũng không dài tới mức này, truyền đến tai quan gia thì chút tài sản ít ỏi của tôi cũng không thể giữ nổi."
Tôi nghe thế thì gật gù, Trần Thì Kiến nói vậy có hơi khiêm tốn. Cả nước ta tính từ thời tiên đế chia làm mười hai lộ, anh ta chí ít cũng là quan đứng đầu lộ Thiên Trường. Tuy rằng không gần Trần Khâm nhưng lại ở dưới mắt Thượng hoàng, kẻ nọ không đến xin anh ta thì xin ai đây, chẳng lẽ lại đến hành cung của Thượng hoàng mà xin xỏ.
Tuy Trần Thì Kiến vẫn giữ cái điệu bộ không màng thế sự, nhưng trải qua khoảng thời gian rời khỏi phủ đệ Vạn Kiếp thoạt nhìn anh ta đã toát ra loại khí chất của kẻ hiền tài rồi.
"Vậy sau đó thế nào, anh làm thế nào nôn ra mâm cỗ đó thế?" – Tôi cười hi hi ha ha hỏi.
Trần Thì Kiến tỉnh bơ đáp:
"Tôi móc họng nôn!"
"..."
Tôi nheo mắt nhìn anh ta đầy nghi hoặc, anh ta biết tôi đang mông lung, liền mạnh dạn nói:
"Cũng không được tính là lỗ lã gì, mâm cỗ của gã đó toàn sơn hào hải vị còn bữa hôm nọ tôi chỉ xơi ít cơm trắng với dưa cà. Lúc nôn xong nhìn vẻ không thể tin trên mặt gã ta tôi lại cảm thấy mình ăn một đằng trả một nẻo cũng chẳng lấy làm vinh dự, tôi đã cố bưng bít chuyện đấy lại nhưng chẳng hiểu sao càng ngày càng đồn ầm ra..."
Trần Thì Kiến nói tới đó lại thở dài, thở dài xong bỗng nhìn thấy vẻ mặt chưng hửng của tôi, vội thốt lên:
"Đó, chính là vẻ mặt đó, lần trước gã kia cũng nhìn tôi y như vậy!!"
Ừm, quyết đoán lắm, không hổ đi theo Trần Khâm bấy lâu!
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT