Quả nhiên không phụ mong đợi của toàn thể quần chúng từ trên xuống dưới, tới tháng chín tôi đã sinh ra một con nhóc trắng trẻo mập mạp, Trần Khâm đặt cho nó cái tên rất kiêu, gọi là Huyền Trân.

Lúc này Trần Khâm chỉ hận một ngày chỉ có mười hai canh giờ, lại càng hận vì mình không thể phân thân, hoặc chí ít là ba đầu sáu tay cũng được. Động thái của bọn Thát ngày càng lộ rõ, anh ta phải quanh quẩn trong mùi vị của chiến sự, để không lâm vào cảnh bị động khi chúng đột ngột cất quân sang.

Tôi thì lại đang ở cữ, trong vòng ba tháng kiêng gió kiêng nước nên chỉ quanh đi quẩn lại trong phòng, đa số thời gian thì nằm ngắm xem con bé này tóc tai mũi miệng ra sao. Con nhóc Huyền Trân lại là kẻ vô ưu vô lo, suốt ngày chỉ chu chu cái môi lên rồi ngủ ngon lành, vốn không biết được bên ngoài đã căng thẳng đến mức nước sôi lửa bỏng.

Nhưng kể từ khi có em gái, thằng nhóc Thuyên và Quốc Chẩn giống như trưởng thành lên rất nhiều, những lúc ngủ thì thôi, nếu như con bé dậy mà đúng lúc các anh không bận học, thì tôi lại chẳng cần trông chừng, trong nhà lúc nào cũng vang lên tiếng cười khanh khách. Tôi lại tranh thủ nghỉ ngơi, bởi từ khi có con bé, ban đêm giấc ngủ của tôi thường không thể nào tròn giấc. Lúc tỉnh lại đúng lúc gặp chị Trinh ngồi ở đó, không biết nghĩ thế nào liền nói:

- Mấy hôm nay thằng nhóc Thuyên giống như chuyển nhà sang đây, cơm nước và nhà ở cũng không phải miễn phí. Chị xem, em sắp không nuôi nổi người ăn kẻ ở trong nhà rồi.

Thằng nhóc Thuyên quay ngoắt sang nhìn tôi, ánh mắt vừa đáng thương vừa phẫn hận. Tôi quay mặt sang hướng khác, giả vờ ngủ tiếp.

Nhưng mấy lời chì chiết của bà mẹ ghẻ là tôi đây vốn không thể chống lại sự đáng yêu không cưỡng lại được từ con bé Huyền Trân. Vừa ra tháng là con nhóc đỏ hỏn ngày nào đã trắng trẻo hẳn ra, hai gò má phúng phính thơm sữa, cái môi chúm chím hồng hào. Đặc biệt là đôi mắt to tròn mở to mỗi khi giận dỗi, lại thêm hai lúm đồng tiền xoáy sâu khiến người ta phải thương yêu. Tôi nhìn Trần Khâm, nghi hoặc:

- Cả em và chàng đều không có..

Lúc này thằng nhóc Thuyên liền chỉ lên mặt mình nói:

- Con cũng có này!

- Thế sao con lại không có nhỉ? – Thằng bé Quốc Chẩn cũng phân bì.

À, thế thì thứ này vốn không phải do di truyền rồi.

Lại nhớ khi đầy tháng thì nghe nói có Mạc Đĩnh Chi đến thăm, tôi lại đang ở cữ nên không tiện gặp, chỉ nằm bên trong nghe loáng thoáng tiếng thằng nhóc Thuyên cùng với Đĩnh Chi chuyện trò. Lát sau thì mới biết hóa ra là nó đến tặng mấy thứ đồ lễ linh tinh gì đó của ông chú sáu nhà mình. Ngoại trừ kiềng vàng hay mấy cái vòng ngọc quý theo lệ, trong rương còn có..à, cái này.. Tôi cầm một vật bằng lá cọ có hình dáng con châu chấu lên, thắc mắc:

- Bình thường ông sáu nhà con rảnh rỗi lắm hả? Rồi còn cái này...

Thằng nhóc Thuyên còn chưa kịp trả lời, tôi bèn bắt lấy một thanh kiếm nhỏ bằng gỗ được điêu khắc cực kỳ tinh xảo.

Lúc bấy giờ đúng lúc Trần Khâm rảnh rỗi ghé sang, thấy thế thì nghiến răng nghiến lợi:

- Nhà ta chỉ một người gây họa là đủ rồi, chú ta còn muốn cho con gái của ta học theo nữa à?

Lúc này tôi tức thì liếc mắt nhìn anh ta, bèn chỉ vào mình ngờ vực:

- Gây họa? Chàng là đang nói em?..

Trần Khâm giống như giật mình, bèn cười cười chống chế. Thôi thôi, anh ta là quan gia thì tôi vốn chẳng thể làm gì được, chỉ là không muốn nói chuyện tới anh ta, cứ thế hễ lúc nào anh ta tới thì tôi liền quay mặt đi, suốt hai ba ngày làm Trần Khâm hết sức rầu rĩ. Cái kẻ này thật sự là không quản nỗi mồm miệng mình.

Trong cái hòm đầy kỳ trân dị bảo của ông chú sáu vẫn còn rất nhiều thứ hay ho như là trống bỏi, ngựa gỗ nhỏ, còn có mấy con thuyền chiến thu nhỏ y như đúc thuyền chiến của quân ta, đáng nói là hình dáng hết sức bắt mắt. Trong lòng tôi vừa không ngờ tới ông chú này có nhiều tài lẻ như vậy, lại vừa hoang mang cái cách tặng quà của ông chú. Hay là bởi vì xung quanh chú ta toàn những nữ sĩ cầm đao cưỡi ngựa nên chú ta sớm quên mất bộ dạng thật sự của nữ nhi mất rồi? Thế nên Trần Khâm vốn không ưa gì ông chú này lại càng thêm mặt nhăn mày nhó.

Về việc này sau đó thằng nhóc Thuyên có kể lại với tôi rằng sau khi Trần Nhật Duật để vụt mất cô nàng Ngọc Châu, nói chung việc cần làm vẫn cứ làm, làm xong thì lại rơi vào trạng thái ngơ ngẩn, sầu hoa rụng, sầu trăng rơi, đến việc đàn hát như thông thường cũng là miễn giảm. Nhưng ông chú sáu này hình như vẫn không nhận ra được điểm kỳ lạ của mình, vẫn tỏ ra điềm nhiên nhưng không hề biết chữ nghĩa đều đã viết hết lên trên mặt. Cái đống đồ kỳ lạ này cũng từ những lúc thất thần mà sinh ra, khi ấy mỗi khi làm xong một thứ thì Trần Nhật Duật giống như người trong mộng bừng tỉnh, lại ngơ ngẩn hỏi:

- Đã hai ngày rồi sao?

Mạc Đĩnh Chi liền không nén được lắc đầu. Thầy sáu của mình, áng chừng là bệnh tương tư nặng lắm.

Sau ngày đầy tháng không lâu, đại quân cũng lục tục chia nhau ra hành quân về các cứ điểm đã bố trí từ trước. Lần này tôi lại không thể ra tận nơi hợp binh để tiến Trần Khâm, nên đêm cuối đành bịn rịn ôm lấy anh ta mà rơi nước mắt. Trần Khâm bật cười, nói rằng anh ta sẽ cố không để cho mẹ con tôi nhọc nhằn, nhất định sẽ đánh lui chúng trước khi chúng kịp tiến quân vào kinh. Tôi thở dài, trong lòng tôi mặc dù có chút an ủi, nhưng nếu nói tin hay không thì cũng không chắc được.

Lần này tôi hiểu rõ thân thể mình, nên không có ý định đi theo làm vướng chân mọi người, chỉ âm thầm gửi một phong thư cho Trần Quốc Toản, ý bảo cậu ta một mình dẫn dắt Hoài Văn quân, mọi việc hãy nên cẩn thận. Sau đó cậu ta cũng hồi âm, dặn tôi đừng lo lắng, cứ tin tưởng vào cậu ta, trước mắt cứ điều dưỡng thân thể cho tốt. 𝙏rải nghiệ𝒎 đọc 𝘁ruyện số 1 𝘁ại # 𝙏RÙ𝗠𝙏R𝐔YỆ𝙉﹒𝑉n #

Trong lòng tôi vui vẻ, người có gia đình nên cũng không còn thái độ ngông nghênh như trước, cũng biết quan tâm tới người khác rồi, lại nghĩ cuộc hôn nhân này chắc là khá viên mãn.

Quả nhiên đến tháng mười hai, đã có tin quân Thát vượt biên giới tiến đến Lộc Châu, sau đó lại chia làm hai đường đánh xuống vào Chi Lăng và Vạn Kiếp, mà Thoát Hoan thật sự đưa Trần Ích Tắc trở lại Vạn Kiếp đúng như tôi dự đoán. Thoát Hoan nếu như biết Trần Ích Tắc là một con sói mắt trắng ở bên cạnh anh ta thì sẽ phản ứng ra sao nhỉ?

Ngoài đường tiến quân đó, bọn chúng còn đi theo hai đường khác đánh sang. Sớm hơn cả là cánh quân đánh từ Vân Nam xuống Bạch Hạc, nơi này chính là cứ điểm của Chiêu Văn Vương.

Cuối cùng là đông đảo thủy quân từ cảng Khâm Châu vượt biển tiến vào Vạn Kiếp theo đường thủy. Mai phục ở vùng Đông Bắc cụ thể là Vân Đồn không ai khác chính là đội thủy quân của Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư, đi tiên phong là Hoài Văn Quân của Trần Quốc Toản, Trần Khâm cũng đứng chỉ huy đội quân này. Nắm được bọn chúng chủ yếu là tập trung ở lực lượng thủy quân nên đội quân của Trần Khánh Dư phải nói là vô cùng hùng mạnh, Hoài Văn quân của tôi cũng là vô cùng được tín nhiệm mới được giao trọng trách.

Tuy nói giặc tiến quân thì nhanh như gió lốc, ngày trước lúc tôi ở trên chiến trường, toàn quân lúc nào cũng hừng hực sĩ khí nên cảm thấy thời gian trôi qua rất nhanh. Hiện tại cùng con bé này lăn lộn ở nhà, cả ngày rầu lo khiến thời gian như ngưng lại, mãi lại chẳng thấy tin tức gì truyền về. Chị Trinh lại trông có vẻ điềm tĩnh hơn tôi, an ủi:

- Thật ra không có tin tức mới là tin tốt, trước đó cha tin chắc như vậy không phải là không có lý do.

Chị Trinh xem ra rất quen thuộc với cảnh này, nói một câu mà mặt không biến sắc, tâm cũng không loạn, ra chiều rất tin tưởng vào cục diện trên chiến trường. Lần này mấy chị em của tôi đã từ các vùng thái ấp lân cận Vạn Kiếp lần lượt được hộ tống trở về, chị Anh Nguyên cũng rơi vào số phận y như tôi, suốt ngày chống cằm thở hắt ra trông cứ như một quả bóng vải xì hơi.

Người vui vẻ nhất chỉ có mấy đứa nhỏ, con bé Duyệt định mệnh của thằng nhóc Thuyên (theo lời của nó) vào kinh thì nó không vui vẻ đến mức nhảy cẫng lên mới là lạ. Con nhóc này vừa qua thôi nôi, trông bụ bẫm đáng yêu hơn Huyền Trân nhiều, nhất thời lại giúp con bé này dời đi sự chú ý. Huyền Trân lại rất tận hưởng khoảng thời gian tự do, dứt khoác ngủ một giấc dài không thèm dậy.

Trẻ con hơn một tuổi so với trẻ con chỉ mới hai tháng tuổi rất khác biệt, đương nhiên một đứa nhóc có thể tự ngồi, tự bám để đứng dậy, có thể ăn uống làm trò sẽ hấp dẫn hơn một đứa chỉ biết ngủ và tay chân huơ loạn. Hơn nữa con bé Duyệt lại còn vô cùng có thiên phú, mới từng đó đã i a gọi cha gọi mẹ, lại còn lẫm chẫm tập đi thì đúng là đáng yêu vô cùng, chốt hạ vẫn là cái miệng hồng hồng mỗi khi cười ló ra bốn cái răng con con khiến người ta mềm nhũn.

Ngay cả Quốc Chẩn vốn ngoan ngoãn trầm tĩnh cũng đặc biệt ngây ngẩn, đến lúc này thì tình anh em khắng khít giữa thằng nhóc Thuyên, thằng nhóc Tự và Quốc Chẩn bắt đầu rơi vào hẻm cụt. Rốt cuộc chỉ có thằng bé Nhữ Triết là bị bỏ rơi, lần đầu tiên bị hắt hủi bởi các anh trai bên đằng ngoại.

May mắn là anh Quốc Tảng của tôi đã theo cha đi chiến trường từ sớm, nếu không mấy thằng nhóc có ý đồ xấu này vốn đã mềm xương. Mất mặt nhất là thằng nhóc Thuyên, tuổi tác được xếp là lớn nhất, vậy mà vẫn mang ý định cùng mấy đứa còn lại tranh giành. Nó còn trưng ra bộ mặt bổn thái tôn ở bối phận cao nhất, cùng mấy đứa cạnh tranh công bằng là nương tay lắm rồi. Tôi vốn không có lòng bận tâm tới mấy việc này, hết thảy đều để chị Trinh giải quyết.

Chị An Hoa vào kinh lần này lại đang mang thai bốn tháng, vóc dáng thanh mảnh còn chưa lấy lại được đã trở về với cảnh chậm chạp nặng nề, nhưng sắc mặt chị ta hồng hào, làn da được chăm sóc trắng tinh như bông, tuy cả người phổng phao nhưng lại rất xinh đẹp ưa nhìn, đúng kiểu càng có tuổi càng trẻ đẹp. Hèn gì anh Quốc Tảng nhà tôi lại cam tâm làm kẻ ác, đứa trước vừa mới bao nhiêu tháng đã có thêm đứa sau.

Đỏ mắt trông ngóng suốt nửa tháng, quả nhiên cái câu mà chị Trinh nói đã có hiệu nghiệm, không có tin tức thì thôi, vừa mới truyền tin tức đầu tiên về đã nghe được tin Trần Nhật Duật thất bại ở ải Mộc Ngột, lực lượng tương đương nhau nhưng binh mã của chúng lại tinh nhuệ hơn. Lúc này mới phát hiện ra kẻ cầm đầu lại là một vị vương tử tên là A Thai, là một kẻ trẻ tuổi có tài năng thiên bẩm, đội quân của anh ta lại là những kẻ được đích thân anh ta huấn luyện từ nhỏ, một người có thể địch được với năm mười người.

Nói vậy Trần Nhật Duật thắng lợi thì mới là kỳ tích, tôi chỉ mong anh ta an toàn rút lui, giữ được rừng xanh sợ gì không có củi đốt. Tuy vậy, mặc dù Trần Nhật Duật thành công lui về ải Phú Lương, nhưng hai tướng dưới trướng anh ta vì chặn hậu mà bị bọn Thát bắt được, hiện tại chỉ sợ lành ít dữ nhiều.

Tuy bước đầu có thất bại, nhưng tầm một tuần sau truyền về tin cánh quân của chúng ở Chi Lăng tiến xuống Bắc Giang bị Cấm quân của Hưng Đức Hầu Trần Quán thuỷ bộ mai phục, dùng tên độc bắn chết rất nhiều người, lại phải lui về Chi Lăng trở lại để đợi hợp quân với Thoát Hoan. Cha tôi đóng quân ở Vạn Kiếp, vừa bày trận lớn, lại vừa thủ sẵn đường lui, cốt yếu không cho hai cánh quân đó họp mặt với nhau.

Nhưng rốt cục vài ngày sau lại có tin bọn chúng đã hội được quân, lại giống như vô cùng điềm tĩnh chờ đợi thuỷ quân của Ô Mã Nhi vượt sông Bạch Đằng tiến vào, chẳng hề tỏ vẻ gấp gáp tiến vào chiếm kinh thành như trước nữa. Có lẽ từ thất bại của việc đánh nhanh thắng nhanh lần trước mà Thoát Hoan đã trở nên thận trọng hơn, anh ta trải lực lượng của mình ra thám thính, rồi lại từng bước chậm rãi chờ đợi đến khi thời cơ chín muồi, sau đó sẽ há mồm ngoạm một cái thật lớn để chắc chắn tỉ lệ thành công là tuyệt đối.

Đêm nay con nhóc Huyền Trân cứ ê a mở mắt mãi không chịu ngủ, tôi dỗ nó mãi đâm ra nổi nóng, chính bản thân cảm thấy tỉnh táo hẳn, lại bắt đầu nhìn lên xà nhà nghĩ ngợi. Đến lúc này thì kẻ ở kinh đô mù mờ như tôi cũng hiểu rõ, mấu chốt rõ ràng đang nằm ở chỗ liệu thuỷ quân của Trần Khánh Dư có thắng lợi giữ chân đại quân của Ô Mã Nhi hay không, đội quân này khả năng rất cao là chở một lượng lớn quân lương để tiếp tế cho quân bộ, nếu như chiến thắng gần như đã giành thắng lợi một nửa rồi, còn nếu như thua, tình thế của cha tôi ở Vạn Kiếp lại càng thêm chật vật, khả năng cao kinh thành phải tiến hành sơ tán.

Đang mông lung suy tính, phía cửa sổ bỗng nhiên vang lên tiếng sột soạt, cả người tôi vốn nhạy cảm ngay lập tức liền cảm thấy căng thẳng, tay với lấy cây đao ngắn ở phía đầu giường, cẩn thận rút nhẹ nhàng ra khỏi vỏ.

Ánh đao vừa loáng, tôi đã nhanh như cắt từ phía đầu giường phóng hai cái tới bên cửa sổ, đá tung cánh cửa lao ra ngoài, bất thình lình đè người nọ xuống dưới đất khiến cho đối phương không có nổi một giây để phản ứng. Lúc này tôi phải thầm khen chính mình vừa mới sinh xong ba tháng đã hồi phục được sự nhanh nhẹn dẻo dai, vẫn còn chưa hết ngày ở cữ đã minh mẫn phát hiện ra có điều gian trá. Hoá ra vì vậy mà con nhóc nhà tôi đến giờ vẫn không chịu ngủ, có lẽ chính nó cũng cảm thấy bất thường.

Lúc này mới phát hiện ra bên dưới là một người đàn ông vừa ngoài ba mươi, trên mặt vẫn còn bùn đất và máu quện lại thành vệt, khiến tôi nhất thời không thể nhận ra được ngũ quan. Có điều bộ quần áo trên người lại vô cùng quen mắt, đấy không phải là người của Hoài Văn Quân chứ còn ai?

Có vẻ như lần đầu tiên thấy tôi trông bộ dáng này nên anh ta có chút thất thần, bây giờ tôi mới để ý tới bản thân đang mặc một bộ trung y màu trắng, đai lưng cột hờ, mái tóc dài quá thắt lưng tuỳ ý xoã tung, trong tư thế này lại như muốn quết đất. Thoáng nhớ lại ngày xưa bản thân trong quân luôn mặc giáp minh quang, tóc cột cao trên đỉnh đầu, cả người luôn toát ra vẻ cứng cỏi không giận mà uy. Hiện tại quần là áo lượt lại vô thức toả ra vẻ yêu kiều mềm mại, trên người lại thoang thoảng mùi hương của nữ nhi.

Có điều thanh đao đặt trên cổ của anh ta cũng không phải vật trang trí, người đó thoáng ngẩn người xong lại bắt đầu tỏ ra kinh sợ, tôi chỉ vừa chau mày, anh ta đã nhỏ giọng lắp bắp:

- Tướng quân..không..phu nhân, xin người hãy cứu Hoài Văn quân! – Giọng điệu vừa thành khẩn vừa run rẩy.

Tôi lại lạnh toát cả sống lưng, lúc này mới nhớ ra vội từ trên người anh ta đứng dậy, trông kỹ thì quả nhiên quen mắt, người này thật sự chính là một binh lính đắc lực của tôi ngày xưa, tên là Tô Thức.

Tôi đứng thẳng lưng nhìn xuống anh ta, bóng trăng trên đỉnh đầu soi xuống rõ bộ dạng mệt mỏi, trên người cũng không ít vết máu đã khô lại, chẳng biết là của địch hay của anh ta, nhưng nhìn những vết đao kiếm chém rách quần áo, có vẻ anh ta cũng không phải hoàn toàn lành lặn, đúng là bộ dạng vừa bước ra khỏi chiến trường.

Thấy tôi đã bình tĩnh lại, Tô Thức vội quỳ lên, chắp tay kính cẩn thưa:

- Trong Hoài Văn quân có nội gián, vốn dĩ lúc ở cửa Ngọc Sơn chỉ tiên phong đánh chặn để nắm tình hình, ai ngờ trong lúc ấy có vài kẻ đã lẻn sang thuyền địch, sau đó thì một đường đánh tới cứ điểm của Nhân Huệ Vương ở Vân Đồn. Thuỷ binh ở Vân Đồn bị đánh ở chỗ hiểm, rất nhanh liền thất bại, quân ta chết nhiều, Nhân Huệ Vương phải ra lệnh rút lui. Cũng may Nhân Huệ vương nhanh chân, bọn chúng cũng không đuổi giết mà chỉ đi thẳng sông Bạch Đằng trở vào Vạn Kiếp!

- Có gì mà may? – Tôi quát.

Bên dưới bỗng im bặt. Tôi khẽ hít sâu một hơi, nếu như bọn chúng trở vào Vạn Kiếp, thì chắc hẳn cha tôi sắp phải gặp khó khăn chất chồng. Nhưng nếu như hôm nay mà chúng không trở vào Vạn Kiếp thì kẻ gặp hiểm cảnh lại là vua tôi Trần Khâm ở Vân Đồn, thật nực cười, Hoài Văn Quân ấy vậy mà lại có nội gián.

Tôi nghĩ xong thì cố gắng lấy lại bình tĩnh, lại hỏi:

- Vậy tại sao các người lại biết là do nội gián?

Tô Thức vội tâu:

- Lúc lui quân Hoài Văn hầu đã phát hiện ra có vài kẻ mặc quân phục của Hoài Văn quân ở trên thuyền giặc, nhưng bọn chúng lại rất lạ mặt, đáng tiếc mấy người bọn tôi từ đầu tới cuối vẫn không nhận ra.

Trần Quốc Toản, nếu như là Trần Quốc Toản nói, thì chín phần là thật rồi.

- Xin phu nhân cứu giúp, toàn bộ Hoài Văn quân đều bị trói lại chờ chém, nếu không phải do Hoài Văn hầu khẩn xin quan gia nương tay để đợi tra rõ thì bọn chúng tôi đã bị chém lâu rồi. Hoài Văn hầu nói vốn dĩ là không có biện pháp để thanh minh, lần này là vì biết quan gia sẽ niệm tình Hoài Văn quân có công lao nên khoan dung cho thêm thời gian, thật ra không phải là cách, cách duy nhất là phu nhân đến đảm bảo cho chúng tôi. Mong phu nhân niệm tình chúng tôi luôn một lòng vì nước mà ban ơn, Hoài Văn quân không bao giờ dám hai lòng.

Đúng là Hoài Văn quân không có hai lòng, nhưng sự sơ suất vốn là thứ không thể nào để xảy ra trong hoàn cảnh này được. Phạm vào quân pháp, ngoài lấy cái chết ra để tạ tội thì thật sự không còn giải pháp nào khác.

Tuy biết là vậy, chính bản thân tôi lại không hề cam lòng, Hoài Văn quân đã từng dùng một ngàn quân ít ỏi chiến thắng hết trận này tới trận khác, đây là những người đã từng lăn lộn trên chiến trường, vào sinh ra tử cùng với tôi, và được tôi từng bước huấn luyện thành một đội quân sắc nhọn, sẵn sàng vung gươm vào kẻ thù, vậy mà...

Tôi quay gót, phía sau lại vang lên tiếng người kia khẩn thiết:

- Đây là nửa miếng quân lệnh mà Hoài Văn hầu trả lại cho người, mong người suy nghĩ lại.

Miếng gỗ khảm chữ vàng loé lên phía sau lưng tôi, tôi bỗng nhớ ngày trước chính Trần Quốc Toản đã vung kiếm chém đôi thứ này rồi trao cho tôi một nửa. Sau khi cuộc chiến năm đó kết thúc, tôi cũng trả lại cho cậu ta, mặc dù cậu ta không muốn nhận, nhưng tôi lúc ấy thật sự muốn rửa tay gác kiếm để trở về làm mẹ hiền vợ đảm, lại không ngờ hôm nay gặp lại thứ đó trong hoàn cảnh này. Tôi bất giác nhìn vào trong phòng, thấy Huyền Trân vẫn nằm huơ tay múa chân loạn xạ mãi mà vẫn không khóc, đáy lòng bỗng chốc nặng nề.

Tôi thở dài một hơi, vẫn là mềm lòng chậm rãi xoay người cầm lấy nửa miếng quân lệnh. Ánh mắt của Tô Thức loé lên vui mừng, tôi trầm giọng nói:

- Một lần này thôi, khi cuộc chiến kết thúc, các người chỉ có một chủ tướng là Hoài Văn hầu!

Không biết kịp không nhưng tôi hy vọng là mình có thể làm được.

Tôi trở vào nhà trao lại hai đứa trẻ cho Thuỵ Hương, dặn dò sau khi tôi đi khỏi hãy giao chúng cho chị Trinh chăm sóc. Thuỵ Hương bèn khóc thút thít, tôi lại cười bảo mình vốn có số vất vả, âu cũng là ý trời.

Tôi vốn ngây thơ nghĩ rằng Trần Quốc Toản đã là kẻ truyền tin về sớm nhất, ai ngờ vừa mới bước ra khỏi cửa đã bị cảnh tượng trước mắt làm cho giật mình.

Xung quanh cửa cung đèn đuốc sáng choang, lính tráng gươm áo chỉnh tề đứng hàng hàng lớp lớp giống như biết trước ý định của tôi vậy. Mấy người này tôi chẳng hề xa lạ, đây là cấm vệ quân bảo vệ an ninh của Cấm thành, người nào người nấy đều sức lực to lớn, hễ nhận nhiệm vụ gì là liều chết không thôi. Tôi cười khổ, trong lòng cũng rõ ràng ai là kẻ đã bày ra chuyện này.

Tôi một mạch bước vào trong, lại ôm Huyền Trân từ trên tay Thuỵ Hương bước ra, tức thì Cấm vệ quân như tường đồng vách sắt cũng nhìn nhau nao núng, chẳng biết tôi muốn làm gì. Tôi bước ra cửa quỳ xuống, tay nâng Huyền Trân lên cao, lớn giọng khẩn khoản:

- Mong hoàng hậu thương xót, cưu mang đứa bé này!

Lặp lại hai ba lần thì dập đầu một cái, Thuỵ Hương lúc này hồn vía lên mây, cũng khóc lóc quỳ xuống bên cạnh tôi với tay định đón lấy đứa nhỏ. Tôi lại làm như không thấy, vẫn tiếp tục vừa nói vừa dập đầu, lát sau thằng bé Quốc Chẩn cũng hay tin chạy tới quỳ xuống bên cạnh tôi, khóc lóc không thua kém gì Thuỵ Hương.

Áng chừng hai khắc, phía xa bỗng có ánh đèn tới gần, binh lính tự động dạt ra hai bên, từ đằng trước bước tới là một đoàn xa giá. Tôi cúi đầu, thấy trước mặt mình là đôi mũi hài thêu rồng bốn móng, dù đã đoán trước được nhưng vẫn không nén nổi run rẩy, phía trước giống như có một áp lực vô hình.

Bên trên đỉnh đầu vang lên tiếng thở dài:

- Đúng là cố chấp, ta cứ tưởng mình đã nhanh lắm rồi, ai ngờ vẫn là chậm một bước. Đứng dậy đi, trẻ con không có tội, sao phải bắt nó chịu khổ vì mình?

Tôi ngẩng đầu, nước mắt lưng tròng. Đây đúng là Thượng hoàng từ Thiên Trường trở về, bên cạnh lại còn gương mặt cười cười gợi đòn của Trần Thì Kiến, hoá ra là do anh ta hộ tống Thượng hoàng về kinh.

Chị Trinh bước đến bên cạnh đỡ lấy tôi, thật ra tôi biết ngay từ đầu đây là lệnh của Thượng hoàng, nhưng chị Trinh vốn dĩ mềm yếu, thấy tôi chịu khổ há không nói giúp tôi một hai câu. Quả nhiên là tôi đoán đúng, chị ta đã đưa Thượng hoàng tới đây, còn Trần Thì Kiến và Thượng hoàng lần này trở về, nhắm chừng là phía chiến trường tình thế không ổn, chuẩn bị di tản dân chúng rời khỏi kinh đô.

Người trước mặt không giận mà uy khiến tôi không dám ngẩng đầu, chỉ cúi mặt bất đắc dĩ nói:

- Bẩm Thượng hoàng, Hoài Văn quân là vô tội.

- Quân lệnh như núi, bao nhiêu người đã chết vì chúng, chẳng lẽ con còn không thấy sao?

Trong lòng tôi có tiếc hận, cũng có bi thương, lại càng không đành lòng, cuối cùng lấy khí thế chắc nịch nói:

- Mong người niệm tình Hoài Văn quân công nhiều hơn tội mà cho con một cơ hội. Nếu như con tới kịp lúc, con dám dùng tính mạng đảm bảo đưa họ lập chiến công cho quân ta!

Thượng hoàng nhẹ giọng nói:

- Tính mạng của con..aizz... bây giờ cũng không phải của một mình con nữa!

Trong lòng tôi thất vọng tràn trề, một nỗi buồn khổ bao trùm. Bỗng nhiên Thượng hoàng lại phất tay:

- Thôi đi đi, để không kịp!

Tôi vừa mừng vừa sợ nhìn chị Trinh, chị ta đón lấy con bé Huyền Trân mỉm cười với tôi. Lúc này binh lính hai bên cũng nghe lệnh rời khỏi, chỉ còn lại một toán quân nho nhỏ khoảng chục người hộ tống tôi.

Tôi cảm động quỳ xuống tạ ơn, sau đó đợi tất cả đều rời khỏi Quân Hoa cung thì trầm ngâm ngoảnh lại nhìn tất cả một vòng, cuối cùng leo lên con ngựa chiến quen thuộc của mình đã được chuẩn bị sẵn, cùng với người lính của Hoài Văn quân ngược gió lên đường. Tôi biết chính chị Trinh cũng không hề muốn giúp tôi, bản thân mình vừa sinh xong còn chưa hết thời gian ở cữ, cố chấp như thế chỉ chuốc lấy hậu hoạ sau này.

Nhưng từ trước đến giờ, chị Trinh chưa lần nào cản được quyết định của tôi.

Tháng Mười Hai, hoa đào hai bên sườn đồi đã bắt đầu hé nụ, chúng tôi đi từ lúc giữa đêm, đến khi mặt trời vừa ló dạng soi rõ cảnh sắc của mùa xuân thì cũng vừa tới nơi. Từ trên sườn đồi cao xa xa trông xuống đã thấy những chiến thuyền to lớn hùng vĩ đậu san sát, lại nhìn rõ hơn quả nhiên thấy Hoài Văn Quân đang quỳ trước một người mặc giáp minh quang sáng choang, trong lòng tôi lạnh lẽo, đó không phải là Trần Khâm thì còn ai.

Tô Thức thúc ngựa đuổi kịp tôi, lớn giọng nói:

- Ngày hôm qua vẫn còn bận rộn lui quân nên chưa thể tra xét rõ ràng, Hoài Văn Hầu biết rõ lợi hại nên mới ngay lập tức sai tôi đi tìm phu nhân, quả nhiên sáng nay Hoài Văn quân đã bị đưa ra xử trí!

Tôi lạnh mặt:

- Nói vậy việc Hoài Văn quân bị định tội và bao giờ xét xử chỉ là do Trần Quốc Toản suy đoán thôi ư? Nói gì mà xin với xỏ, e là chính cậu ta cũng không có khả năng đó đâu. Phiền phức!

Tô Thức hiểu ý của tôi, hổ thẹn đáp:

- Tuy chỉ là suy đoán nhưng thật sự đã xảy ra, Hoài Văn hầu đã đúng, mà chúng ta cũng vừa kịp!

Tôi không thèm trả lời anh ta, vô thức thúc ngựa nhanh hơn một chút. Trần Quốc Toản này ấy vậy mà lại giở trò này với tôi, tính mạng của Hoài Văn quân vốn dĩ chỉ như chỉ mành treo chuông, dù tôi thật sự đi cầu xin giúp, thì khả năng thành công chỉ có một phần trong mười phần, cậu ta đúng là thà để tôi chịu khổ và khó xử cũng không thể bỏ mặt Hoài Văn quân được. Có điều lần này cậu ta tính toán không sai một li.

Tôi thúc ngựa dừng lại phía sau đám người đang quỳ, chỉ thấy ánh mắt không thể tin của Trần Khâm từ phía đối diện phóng tới, phía sau anh ta là Trần Khánh Dư và Trần Quốc Toản cũng đang cúi người khom lưng. Nhìn thấy tôi, trái ngược với vẻ mờ mịt của Trần Khánh Dư thì ánh mắt của Trần Quốc Toản lại lóe lên vui mừng, sau lại giật mình tiếp tục cúi gằm mặt, nhưng khóe môi thì như đang nhếch lên.

Tôi xuống ngựa, từng bước tiến tới trước mặt Trần Khâm, nhìn thẳng vào mắt anh thì thấy đủ loại biểu cảm, từ kinh ngạc ban đầu chuyển sang tức giận, rồi lạnh nhạt, cuối cùng là bất lực và cam chịu. Trong lòng tôi cảm thấy buồn cười, không ngờ cho đến bây giờ anh ta vẫn đối với tôi không thể kháng cự.

Tôi quỳ xuống trước mặt anh, ở phía sau tôi là chỉ bảy tám trăm Hoài Văn quân quỳ hàng hàng lớp lớp. Sau trận chiến với đội quân của Trà Luân năm đó, Hoài Văn quân đã tổn thất hết ba phần, những người còn lại ở đây đều là những người thật sự tài giỏi và thiện chiến, chưa từng nao núng trước tên giặc nào.

Tôi quỳ một chân trên đất, tay bắt thành quyền dõng dạc nói:

- Khẩn xin quan gia cho Hoài Văn quân thêm một cơ hội để lấy công chuộc tội!

Trần Khâm quay mặt sang hướng khác, lạnh giọng:

- Phạm phải sai lầm chỉ có lấy cái chết để đền tội, còn em đến đây khi chưa có quân lệnh, đã phạm phải tội gì nữa? Hãy mau trở về đi.. – Nói đến đó thì vô thức nhỏ giọng – Em vẫn.. chưa hồi phục sức khỏe đâu.

Tôi nắm chặt nắm đất cát trong tay, thanh âm khô khốc:

- Ngày xưa đám Trần Lộng Trần Kiện phạm vào quân lệnh, gặp trận vẫn được tha để đi đánh giặc, Hoài Văn quân đã lập biết bao nhiêu công lao, sao lại không thể tha thứ? Đây rõ ràng không hoàn toàn là lỗi của họ!

Trần Quốc Toản liếc mắt nhìn tôi, tôi bỗng nhớ tới ngày xưa lúc tôi xin ra chiến trường giết giặc, chính Trần Quốc Toản là người đã cho tôi cơ hội, sau đó là Hoài Văn quân cam tâm tình nguyện theo tôi. Lúc ấy cũng là tôi và cậu ta quỳ trước Trần Khâm nói khó, sau đấy cũng là nhờ Thượng hoàng khai ân. Đến nay Hoài Văn quân gặp nạn, thật lòng mà nói chính tôi cũng đau xót trong tâm, nếu có lòng mà không thể làm gì được, thì bản thân cũng không hề hổ thẹn.

Trần Khâm bỗng nhiên tức giận, lại trừng mắt nhìn tôi:

- Chính là vì tha thứ cho chúng nên mới khiến chúng có cơ hội đem một vạn quân đi đầu hàng, đã phạm sai lầm một lần rồi làm sao lại để có lần thứ hai? Em.. hãy trở về đi!

Lúc này tôi cảm giác ở xung quanh tôi đều vang lên tiếng thở dài khe khẽ, có lẽ Hoài Văn quân đã nhận mệnh rồi. Tôi lại nghe phảng phất bên tai mấy câu:

- Phu nhân không cần khó xử, chúng tôi cam lòng chịu phạt!

Sau đấy càng lúc càng nhiều những âm thanh như thế vang lên. Trái tim tôi bỗng dưng thắt lại, cảm giác bất lực và buồn bực không thể thốt ra lời. Tôi bỗng ngẩng đầu nhìn thẳng vào Trần Khâm, quả quyết nói:

- Thần đã nói với Thượng hoàng dùng tính mạng để bảo đảm, Thượng hoàng đã đồng ý rồi!

- Nói xằng! – Trần Khâm quát lớn.

Lúc này Tô Thức đang quỳ phía sau tôi bỗng bước tới quỳ xuống bên cạnh, lại không hề run sợ khẳng định:

- Thần cũng dùng tính mạng để đảm bảo là có việc này!

Tô Thức này quá là không biết tiếc mạng, chỉ là tính mạng của anh ta sẽ đáng giá bao nhiêu đây, đừng quên anh ta cũng là người tham gia cuộc chiến lần này, cũng chính là kẻ mang tội. Trần Khâm đã cố bác bỏ việc này, ấy vậy mà Tô Thức còn muốn đối đầu với Trần Khâm, thật đúng là khờ hết chỗ nói.

Không ngờ Trần Khánh Dư phía trước tôi lại đột ngột lên tiếng:

- Thất bại này thần cũng có lỗi, cũng mong bệ hạ khai ân với Hoài Văn quân!

Tôi liếc mắt nhìn anh ta, người này với tôi từ trước giờ hình như cũng không được tính là hòa thuận lắm.

Nhưng Trần Khâm nào phải kiểu người dễ thỏa thuận, liền quát anh ta:

- Chính ngươi cũng phải về kinh thỉnh tội, thôi nói giúp người khác đi!

Lúc này mọi thứ trở nên im bặt, đến tiếng xào xạc của lá rơi cũng nghe thật rõ ràng, nhưng dường như xung quanh không ai có ý định thay đổi lòng dạ của mình. Ở đây nhìn về xa xa chỉ thấy thuyền bè muôn đội, cờ bay phấp phới, ba quân tuy có tổn thất và mệt mỏi nhưng vẫn uy nghiêm. Lát sau chợt nghe tiếng thở dài, Trần Khâm bất đắc dĩ nói:

- Thôi được rồi, đều đứng lên hết đi.

Bên tai tôi ong ong, một chốc thì vang lên tiếng hò reo như sấm dậy, lẫn trong đó là tiếng lạy tạ phấn khởi, có kẻ còn khóc lóc sụt sùi, đến cả tôi cũng thấy khóe mắt cay cay, vui sướng đến bất ngờ khiến tôi không thể nào đứng dậy nổi. Bỗng nhiên một cánh tay chìa ra trước mặt tôi, ngước mặt lên chỉ thấy vẻ mặt bất đắc dĩ của Trần Khâm, lúc này tôi mới nhớ ra đã hơn một tháng không gặp, bỗng dưng nhìn thấy ở khoảng cách gần như thế, lại tưởng như trong mơ.

Dưới chân sớm tê cứng, tôi có chút không vững đứng dậy, đột nhiên cảm thấy nhiệm vụ của mình cũng xem như là hoàn thành, liệu Trần Khâm sẽ lệnh cho mình trở về chứ?

Chưa kịp lên tiếng thì Trần Quốc Toản đã giành nói trước:

- Thần tài hèn sức mọn phạm phải sai lầm, nay phu nhân đã tới, dù sao...

Dù sao tôi cũng là một vị chủ tướng của Hoài Văn quân trước đây, nên thay cậu ta gánh vác trọng trách dẫn dắt đội quân này. Đáng tiếc chỉ nói tới đó đã bị Trần Khâm lườm cho một cái nín bặt.

Trần Khâm không hổ là một vị quan gia, tuy không nói nhiều nhưng đã áp chế được khí thế hừng hực của Trần Quốc Toản. Anh ta nhìn một vòng xung quanh, trầm giọng nói:

- Bọn chúng đã chiếm được Vạn Kiếp rồi, Hưng Đạo vương dàn trận bên bờ sông Đuống, chúng ta hết thảy trở về giữ kinh thành thôi. Lúc này có lẽ dân chúng ở kinh thành đã bắt đầu di tản.

Không nói rõ là có chấp nhận để tôi lãnh trọng trách hay không, chỉ yêu cầu tất cả trở về, cái kiểu lửng lửng lơ lơ này thật khiến người ta khó chịu. Nhưng Hoài Văn quân sẽ trở về được sao, nếu như chưa lập được công lao nào để chuộc tội, khi trở về có phải sẽ bị người ta chế giễu?

Lần này trở về, e là mấy người ở đây cũng khó lòng giải thích cho cặn kẽ mọi chuyện với vị Thượng hoàng trong cung, huống hồ nghe đâu Thượng hoàng còn chỉ đích danh Trần Khánh Dư phải bị xiềng xích áp giải về kinh vấn tội.

Trần Khánh Dư nghe Trần Khâm nói thế, vừa mới đứng dậy đã lập tức quỳ xuống phủ phục:

- Thần xin chịu lấy quân pháp xử tội, nhưng xin bệ hạ cho khất vài ba ngày để thần mưu lập công rồi về chịu tội búa rìu cũng chưa muộn.

Trần Khâm nhìn Trần Khánh Dư, có lẽ cảm thấy đây dù sao cũng là kẻ mà mình từng thật lòng thật dạ chiêu dụ quay về, cho dù có thất bại cũng không hẳn hoàn toàn là do anh ta nên nghĩ ngợi một chút liền đồng ý. Tôi bèn cũng kéo Trần Quốc Toản quỳ xuống, tát nước theo mưa xin được ở lại lập công.

Trần Khâm ấy vậy mà lại chau mày từ chối. Sau khi cho tất cả trở về ai làm việc nấy, lúc chỉ còn tôi và anh ta đứng với nhau, mới nghe anh ta hòa hoãn dịu dàng với tôi:

- Em vừa mới sinh ba tháng, đi một quãng đường dài như thế đã quá lắm rồi, bây giờ còn định ở đây chịu khổ hay sao? Không được, em phải trở về kinh với ta. Huyền Trân vẫn còn nhỏ lắm.

Nhắc tới Huyền Trân, quả nhiên ngực mình vẫn còn có chút căng tức, tuy tôi là phu nhân, sinh con xong vốn không cần phải cho con bú sữa, việc đó hoàn toàn là nhiệm vụ của bà vú. Nhưng mới ba tháng cơ thể vẫn chưa hẳn là trở về trạng thái bình thường, có điều cũng không phải yếu ớt đến mức không thể cầm quân như xưa.

Nhưng lần này, có lẽ là phải giao lại trọng trách cho Trần Quốc Toản rồi.

Thu xếp xong xuôi, tôi và Trần Khâm cùng số ít quân binh lên đường trở về. Thấy Trần Quốc Toản có điều muốn nói, tôi bèn cười bảo với cậu ta:

- Quân lệnh này tôi giữ, lần này cậu phải giúp Nhân Huệ vương giành thắng lợi, làm cho Hoài Văn quân khôi phục lại mặt mũi. Thắng lợi quay về, vẫn còn phải đánh thêm vài trận sảng khoái nữa.

Trần Quốc Toản gật đầu, trong lòng thầm thấy yên tâm.

Trên đường trở về kinh, tôi lại vô tình biết được mấy chuyện bát quái về Trần Khánh Dư ở Vân Đồn, lúc đấy mới hiểu ra lời thú tội mà anh ta đã từng nói khi cầu xin cho Hoài Văn quân.

Vân Đồn vốn là một quần đảo và cảng biển, người dân chủ yếu đều lấy việc buôn bán với người phương Bắc làm kế sinh nhai, may mặc dựa vào khách buôn phương Bắc, quần áo, đồ dùng đều theo tục của người Bắc. Lúc Trần Khánh Dư trấn giữ Vân Đồn, thấy vậy liền ra lệnh cho quân trấn giữ Vân Đồn để ngăn phòng giặc thì không thể đội nón của phương Bắc, sợ khi vội vàng khó lòng phân biệt, mà phải đội nón Ma Lôi, ai trái tất phải phạt.

Thực tế trước đó tên Trần Khánh Dư này đã ngầm sai người nhà mua nón Ma Lôi. Thuyền chở nón đã đến đậu trong cảng. Lệnh vừa ban ra, anh ta lại ngầm sai người phao tin rằng hôm qua thấy trước vùng biển có thuyền chở nón Ma Lôi đến đậu. Quả nhiên người dân nhận được tin, vội vàng tranh nhau mua nón. Ban đầu mua không tới một tiền, sau một chiếc nón đổi một tấm vải, số vải thu được tới hàng nghìn tấm.

Tôi nghe xong thì phải há hốc mồm kinh sợ, Trần Khánh Dư này hoá ra thích kinh doanh buôn bán, nhưng số phận lại đưa đẩy làm tướng chăng? Ngày trước anh ta bán than có vẻ cũng rất là khá khẩm. Nếu như anh ta không sinh ra trong gia đình nhà quý tộc, nói không chừng...ầy, Đại Việt lại có một phú hộ có tài sản ngang ngửa với quốc khố rồi.

Trần Khâm lại cười mỉa mai:

- Lúc ta cất quân đến đây, vô tình nghe một câu của con buôn phương Bắc, rằng: "Vân Đồn gà chó hết thảy đều kinh sợ". Câu này nghe giống như là mượn ý sợ uy danh của hắn ta, thực chất lại là đang châm biếm.

Tôi lại ồ một tiếng, thắc mắc:

- Thế chàng không làm gì anh ta à?

- Theo em thì phải làm gì? – Trần Khâm ý cười càng đậm – Bán thì cũng đã bán rồi, bọn con buôn hầu hết cũng đầy mưu ma chước quỷ, hắn ta có thể áp chế được bọn chúng cũng xem như là tài lẻ của hắn ta. Hơn nữa trong lúc này mà trị tội chủ tướng thì e sẽ làm cho sĩ khí của quân giảm sút.

Nhưng rốt cuộc thì cũng vì Trần Khánh Dư khiến lòng quân chán ghét vì cái thói mưu lợi của anh ta mà chẳng hết sức hết lòng, đó tuy nhìn qua thì việc này không phải là bề nổi, nhưng cũng góp phần không nhỏ để bọn Thát một đường đánh vào. Huống hồ gã này trước nay tôi còn nghe phong thanh việc anh ta coi tướng là chim ưng, coi quân lính như gà vịt, quả thực là hống hách lắm thay.

- Bởi vậy phàm là hắn ta đóng quân ở nơi nào, người ở nơi đó đều rất ghét bởi cái thói tham lam tư lợi. – Trần Khâm tiếp tục bổ sung.

Tôi lại không tin Trần Khâm chịu bỏ qua cho Trần Khánh Dư một mình chiếm lợi, gặng hỏi một hồi thì anh ta mới nói:

- Cũng không phải là không có biện pháp. Hắn ta thất bại lần này tổn thất không ít, ta thuận tiện lấy số của cải đó của hắn đắp vào, dù sao mấy thứ đó là vật dùng gian trá để có được, cũng là của thiên trả địa mà thôi. Lần này như ý nguyện để hắn ở lại, hành xử thế nào đấy lại là việc của hắn rồi, nếu như để thất bại một lần nữa, cho dù là ta có tha thì Thượng hoàng cũng không dễ dàng mà bỏ qua đâu.

Tôi gật gù, thầm nghĩ trước giờ Trần Khánh Dư đúng là chưa từng thất bại lần nào, luôn có khả năng làm người ta tin tưởng. Còn chuyện của mấy hôm trước, hai ba lý do như vậy, hầy, cứ cho là anh ta gặp phải xui xẻo đi.

Mà hiện giờ anh ta nhất quyết xin ở lại, nói không chừng đã phát hiện ra được điều gì rồi, không hiểu sao tôi lại có một niềm tin mãnh liệt với anh ta, có lẽ anh ta sắp lập nên một đại công đủ để lưu danh sử sách.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play