Đời người đúng là có một số chuyện phải quy về hai từ duyên phận. Giống như suốt một năm qua tôi chưa từng một lần gặp gỡ Đặng cung phi, nhưng sau lần gặp ở chùa Khai quốc, thì rất nhanh lại gặp chị ta một lần nữa.
Nhưng có một số loại duyên phận là do tự mình tạo ra, giống như khi vừa mắt một anh chàng đẹp trai, mà lại không tìm cách để gặp gỡ anh ta thêm một lần nữa thì quá tệ, cũng giống như phát hiện ra Đặng cung phi có điều mờ ám mà lại không tìm cách theo dõi chị ta thì là lỗi của tôi rồi.
Chuyện mấy hôm trước ở chùa Khai quốc nói ra, Trần Khâm cũng rơi vào mờ mịt, về bảo vật trấn quốc thì chỉ được đồn đại trong tông thất, nên có khả năng kẻ đó là người họ Trần. Có điều Tuệ Trung thượng sĩ từ lâu đã đi vân du, tung tích thoắt ẩn thoắt hiện, Trần Khâm cũng không mấy quan tâm tới thứ đó nên từ lâu nó cũng dần bị lãng quên. Tôi lại càng cảm thấy khả năng cao là trò bịp rồi.
Được hôm Trần Khâm bị Phạm Ngũ Lão và Trần Thì Kiến quấn lấy đến tối mịt ở cung Quan Triều, tôi lẻn đến tẩm cung của Đặng cung phi, giở một viên ngói trên nóc nhà nhìn xuống, mất nửa canh giờ nhìn chị ta ngẩn người, gói vào mở ra một mảnh giấy mấy bận rồi đốt đi. Trong lòng tôi vô cùng tiếc hận, rằng tại sao lại chọn vị trí không mấy thuận lợi này để theo dõi, chẳng biết mảnh giấy kia viết cái gì, liệu có phải là bước tiếp theo của kế hoạch tạo phản hay không, liệu rằng kẻ đó còn sai khiến Đặng phi làm điều gì quá đáng hơn thế nữa.
Đặng phi đốt xong mảnh giấy rồi bắt đầu tháo tóc rửa mặt đi ngủ. Tôi ngáp ngắn ngáp dài, thầm nghĩ không biết Trần Khâm đã xong việc chưa. Anh ta từ lúc nghe tôi kể lại sự việc ở chùa Khai Quốc, đã ngay lập tức cho người đi lùng bắt kẻ thủ ác kia, mặc dù tôi cũng cảm thấy nên tha cho kẻ đó một mạng, dù sao thì gia quyến anh ta cũng bị chết oan không ít. Trần Khâm lại nói kẻ có lòng dạ thù hằn và hành động ác độc nhắm vào phụ nữ vô tội như vậy, để lại e là nuôi một mầm họa về sau, không cần biết kẻ đó còn sống hay đã chết, sống phải thấy người, chết phải thấy xác.
Điều đáng nói ở đây là Trần Khâm cứ thế không muốn cho tôi ra khỏi Quân Hoa cung, tôi nói với anh ta, lần này thật ra chỉ là vô tình bị liên lụy, bọn chúng vốn không nhắm vào tôi, nếu như muốn nhắm vào tôi thì cho dù là cung Quan Triều của anh bọn chúng cũng có thể mò đến. Trần Khâm nói với tôi:
- Thế thì dọn tới cung Quan Triều.
Tôi nhìn anh ta như nhìn thấy quỷ, phần phước này tôi không dám nhận, chỉ e cả Cấm Thành này sẽ nhìn tôi bằng nửa con mắt mất. Thay vì cho tôi dọn tới cung Quan Triều, thì cho Đặng cung phi dọn tới để chị ta bị kèm cặp suốt mười hai canh giờ để khỏi liên lạc được với người đứng sau còn có ý nghĩa hơn. Tôi lắc đầu, Trần Khâm lại nói:
- Vậy từ nay ngoan ngoãn ở đây đi, ta cử thêm người bảo vệ em.
Tôi thở dài, anh ta hẳn là nên cử thêm người theo dõi nhất cử nhất động của Đặng cung phi thay vì bảo vệ tôi đấy. Bởi thế cho nên đến hôm nay tôi mới thừa cơ lúc anh ta bận sự vụ lén lút đến chỗ của Đặng cung phi này dò la một chút, chỉ còn không tới một tháng nữa, e là âm mưu để Đặng cung phi chủ động nói ra sẽ không kịp nữa.
Mãi nghĩ, bên dưới Đặng cung phi đã lên giường đi ngủ, tôi cũng nên trở về rồi. Đột nhiên Đặng cung phi hô lên một tiếng "ai đó"? Tôi giật bắn cả người, thầm nghĩ không lẽ chị ta phát hiện ra mình? Nhưng cùng lúc đó, một bóng đen từ sau tấm màn đối diện giường ngủ của chị ta phóng ra, lao thẳng ra cửa chạy mất. Tôi từ nóc nhà nhảy xuống, tức tốc đuổi theo cái bóng kia, đuổi đến bờ tường thì hết đường, kẻ đó quay lại tấn công tôi.
Đánh nhau một hồi, cân tài cân sức, những chiêu thức của kẻ này xuất ra giống như là tôi có thể đoán trước được, ngược lại kẻ đó dường như cũng biết được là tôi đang nghĩ gì. Trong đầu tôi lập tức nghĩ tới khả năng lần trước Trần Nhật Duật nói, đám người của Trịnh Giác Duy cùng tôi giống như là có liên quan. Chẳng lẽ kẻ này cũng là một trong những kẻ đi theo Trịnh Giác Duy hoặc kẻ chủ mưu đứng sau Trịnh Giác Duy?
Đánh nhau một hồi, đầu tôi đột nhiên choáng váng, lúc tôi nghĩ là mình xong đời rồi, thì kẻ đó lại không ra tay tiếp nữa, nhân lúc tôi sơ hở lủi mất. Tôi khó hiểu nhìn bóng hắn biến mất trong màn đêm, chẳng hiểu tại sao lại tha cho tôi, lúc ấy hắn ta vốn dĩ đã có thể giết người diệt khẩu nhưng lại chần chừ, hắn ta không sợ tôi biết mình là ai hay sao.
Tôi quay lại cung của Đặng phi, nhìn thấy chị ta đang ngồi thẫn thờ trên giường mới thở phào, có lẽ kẻ đó chỉ có ý muốn tra xem Đặng phi đã lấy được vật báu chưa chứ không muốn giết chị ta, hoặc cũng có thể kẻ đó muốn đột nhập để lấy vật báu. Nếu thế thì kẻ đó phải chăng là người của kẻ chủ mưu đằng sau chị ta, còn nếu như không phải, thì tại sao lại biết vật báu có liên quan đến Đặng phi. Còn có một giả thuyết khác, là kẻ đó chỉ đơn thuần là trà trộn vào chỗ chị ta với một mục đích nào đó khác mà tôi không nghĩ ra thôi.
Phòng của Đặng phi vẫn chưa đóng lại, tôi nhìn chị ta, chị ta cũng nhìn tôi. Tôi định hỏi chị ta về lá thư đó, nhưng lại cảm thấy đây không phải lúc, cứ để chị ta tĩnh tâm suy nghĩ một thời gian, xem niềm tin của mình đã đặt đúng chỗ hay chưa. Nếu như chị ta là kẻ có đầu óc, hẳn cũng sẽ suy nghĩ như tôi.
Tôi xoay người trở về Quân Hoa cung, cảm thấy Đặng phi nhìn cũng không giống một kẻ có dã tâm, chẳng biết kẻ đứng sau giật dây là người như thế nào mà lại khiến chị ta ngoan ngoãn nghe lời. Lại suy nghĩ về cơn choáng váng ban nãy, có lẽ dạo gần đây suy nghĩ về chuyện của Đặng phi quá nhiều nên sức khỏe bị ảnh hưởng.
- Ngày mai phải đến hồ Thủy Tinh bắt cá chép lớn để tẩm bổ.
Vừa lẩm bẩm vừa đi tới cổng bỗng dưng đụng trúng người nào đó, tôi ngước lên nhìn thấy Trần Khâm đang hướng ánh mắt hừng hực như lửa từ trên nhìn xuống tôi, giống như muốn thiêu tôi thành tro bụi. Này, tôi chỉ muốn bắt vài con cá của anh, chứ có phải muốn lấy mạng anh đâu mà nhìn tôi bằng ánh mắt này?
- Xem ra vẫn còn sức để đi bắt cá, là ta quá nhẹ nhàng với em rồi!
- Cũng chỉ là vài con cá mà thôi, anh ích kỷ cái gì?
Nói xong nghĩ lại bất giác đỏ mặt, này tên Trần Khâm này đang nói cái gì linh tinh vậy?
Kể từ sau lần trốn đi bị bắt gặp đó, Trần Khâm lại càng để mắt đến tôi, những ngày này tôi cảm thấy tác động vào Đặng cung phi có khả năng là sẽ thành công, nhưng vấn đề cấp thiết hiện tại là làm sao để Trần Khâm không lẽo đẽo theo tôi nữa, mặc dù tôi đã kể cho anh ta về những bức thư của Đặng cung phi và sự uy hiếp của nó. Đại Việt sẽ không còn đủ sức để chống lại lân bang cho dù là một Chiêm Thành nhỏ bé chứ nói gì là một đội quân Mông Cổ hùng mạnh hiếu chiến nếu như chịu bất kỳ cuộc nội chiến nào, hơn nữa đây còn là một cuộc chiến tranh đoạt hoàng vị. Nếu thắng thì sao, nếu bại thì sao, mâu thuẫn từ nội bộ sẽ là một mũi dao chí mạng găm trên ngực một quốc gia, có thể đoạt đi mạng sống của Đại Việt bất cứ lúc nào.
Tôi không dám kể về chuyện lần đó đuổi theo kẻ đột nhập cung Đặng phi cho Trần Khâm, chỉ sợ anh ta khóa cửa nhốt tôi lại hay thật sự đưa tôi vào cung Quan Triều thì càng hư bột hư đường, chỉ giả vờ ngoan ngoãn nghĩ cách đối phó.
Hôm nay trùng hợp là ngày sinh thần của tôi, không, nói đúng hơn là sinh thần của Trần Thị Tĩnh, còn với tôi hôm nay chỉ có một ý nghĩa duy nhất. Tôi phải chuốc say tên Trần Khâm này chứ không thể để anh ta cản trở kế hoạch của mình được. Nhưng Trần Khâm có vẻ rất cảnh giác với tôi, rượu quá ba tuần mà anh ta vẫn tỉnh như sáo, ngược lại đầu óc tôi có chút váng vất rồi. Tôi uống được vài chén, cảm thấy cả người lâng lâng, bởi vì hôm nay là sinh thần của tôi, nên hình như ai cũng muốn uống với tôi kể cả thằng nhóc Thuyên cao chưa tới eo tôi cũng vậy. Tôi thầm than, lần này đúng là tự lấy đá đập chân mình.
Trần Khâm ngồi cạnh tôi cười cười, ánh mắt như nhìn thấu tất cả. Mãi đến khi tối muộn tiệc tan, tôi say đến bất tỉnh nhân sự bị Trần Khâm đưa vào phòng dưới ánh mắt của đám quan khách, chỉ kịp để lại một tiếng thở dài.
Ngủ một giấc đến tận nửa đêm, lúc tôi giật mình tỉnh lại đã thấy mình nằm trong lòng tên đàn ông này rồi. Tôi trở mình, thấy anh ta vẫn còn say ngủ, có lẽ ban nãy cũng uống không ít. Dưới ánh đèn lờ mờ ngũ quan anh ta lộ ra đẹp đến kinh thế hãi tục, tôi có lần nghe chị Trinh kể lại, Trần Khâm từ lúc sinh ra đã được tinh anh thánh nhân, thuần túy đạo mạo, sắc thái như vàng, thể chất hoàn hảo, thần khí tươi sáng, nên vua cha và ông nội đã gọi anh ta là Kim Tiên đồng tử. Bên vai trái Trần Khâm lại có nốt ruồi đen lớn như hạt đậu, thuở xưa người xem tướng đoán rằng anh ta về sau sẽ làm được việc lớn. Tôi ngơ ngẩn nhìn rèm mi anh ta khẽ lay động, cảm thấy cuộc sống cũng thật vô thường, ai mà ngờ được một người cao quý như vậy hôm nay nằm đây ôm lấy tôi, cố hết sức bảo vệ tôi khỏi những nguy hiểm bên ngoài. Nhưng hôm nay đành phải làm anh thất vọng rồi.
Tôi thổi tắt đèn, mở một cánh cửa sổ phóng ra bên ngoài, tuy đầu óc tôi vẫn chưa tỉnh táo hẳn, nhưng trạng thái này ngược lại làm lá gan của tôi trở nên to hơn. Lần này đúng là chó ngáp phải ruồi, tùy tiện ra cửa liền gặp có mấy kẻ khuân một bao tải từ phòng của Đặng cung phi nhanh như gió phi ra ngoài.
Tôi vốn không tưởng tượng tới mọi chuyện lại đi xa như vậy, càng không ngờ được bọn chúng lại có gan bắt cóc cả một cung nhân, bèn lén lút bám theo sau. Đúng là khi có tí men trong người thì con người ta trở nên quả cảm hơn hẳn, tôi theo lối đi bí mật mà bọn chúng tạo ra, bám theo bọn chúng đến tận cổng thành.
Ra đến đây đã có một cỗ xe ngựa đợi sẵn, bọn người này cũng thật sự liều lĩnh quá rồi, giữa trùng trùng lớp lớp quân binh lại có thể ngang nhiên cướp người. Nhưng không biết có phải do tôi ảo tưởng hay không, cổng hoàng thành hôm nay giống như yên ắng lạ thường.
Tôi nấp sau một chậu cây gần đấy nhìn thấy mấy người bọn chúng bỏ Đặng phi lên xe ngựa, tôi đợi xe ngựa bắt đầu dời bánh, liền nhanh chân nhảy lên phía sau xe. Hé mắt thăm dò vào cửa sổ, thấy bên cạnh Đặng phi còn có một người bịt mặt canh chừng bèn thò tay vào đập mạnh lên gáy kẻ đó. Kẻ đó lập tức gục xuống, nhưng nhắm chừng cũng không được bao lâu sẽ tỉnh. Tôi lách mình chen vào trong xe, rất muốn đá văng hắn xuống đường nhưng thể lực không cho phép, nên lấy thắt lưng hắn ta trói tay chân lại, mà một mảnh tay áo để bịt mồm.
Đặng phi hiện tại vẫn còn đang mê man, có lẽ là vì bị trúng mê hương. Xe ngựa chạy một đoạn thì tôi nhìn thấy một cột khói bốc lên từ hướng của Cấm thành, thầm nghĩ đúng là có một âm mưu được sắp đặt sẵn rồi, kẻ này hẳn là muốn bắt cóc Đặng phi rồi ngụy tạo thành chị ta đã chết cháy. Nhưng thật khó hiểu, làm thế có mục đích gì nhỉ, muốn tìm báu vật thì trói chị ta lại rồi thẩm tra một hồi chắc gì chị ta sẽ không nói? Còn nếu như rơi vào trường hợp chị ta không lấy được báu vật, làm vậy có khác gì tốn công vô ích đâu.
Mải nghĩ một lúc thì thiếp đi lúc nào không hay, không biết đã qua bao lâu, chợt nghe bên tai có tiếng ú ớ, tôi choàng tỉnh thì thấy tên đàn ông ban nãy bị tôi trói tay bịt miệng đã tỉnh lại từ lúc nào. Hai kẻ bên ngoài nghe động tĩnh cũng dừng xe lại, chỉ đợi bọn chúng vén màn nhìn vào trong, tôi lập tức tung ra hai chiêu vào cổ chúng. Chỉ có điều hai tên này cũng không phải hạng tầm thường, dễ dàng né được ám chiêu.
Sức khỏe tôi dạo gần đây không được tốt lắm, thường xuyên cảm thấy choáng váng mệt mỏi, nếu không với khả năng của mấy người này cũng chẳng khiến tôi mảy may lo lắng. Tôi đánh đấm một hồi, quả nhiên liền có dấu hiệu đuối sức, cũng may Đặng cung phi bên kia cũng đã kịp thời tỉnh lại, chị ta ném cho tôi con dao găm, tôi mới dần lấy lại được lợi thế. Đúng là tay không tấc sắt dù võ nghệ có tốt tới đâu cũng khó mà chiếm được lợi.
Chỉ vài tên tay chân cỏn con sao làm khó được tôi, kẻ làm khó được tôi thật sự chắc chỉ có tên đàn ông hiện đang tức điên lên ở cung Quân Hoa kia kìa. Hiện tại điều tôi lo lắng là làm sao về đối phó với anh ta đây. Lần này trở về, nói không chừng anh ta trói tay chân tôi lại mất.
Hai tên nọ bị đánh bại, dao kề lên cổ vẫn không sợ hãi, tôi vốn định theo bọn chúng đến tận hang ổ, nhưng mấy kẻ này vừa thất thế đã cắn lưỡi tự sát. Tôi nhìn về phía Đặng phi, thấy kẻ trong xe hình như cũng chết rồi, chị ta cũng trầm ngâm nhìn tôi một lát thì hỏi:
- Sao lại là ngươi nữa?
Tôi mệt mỏi tựa lưng vào gốc cây bên vệ đường, mỉm cười bảo:
- Tôi lại cứu chị một mạng nữa nhé!
Đặng phi chậm rãi nâng mắt nhìn một lượt, lắc đầu nhỏ giọng nói:
- Không, bọn chúng không giết ta đâu. – Chị ta bỗng thở dài ngồi lại vào trong xe, sau đó đóng rèm xuống bảo tôi – Đã đến đây rồi, đi thêm một đoạn nữa đi!
Tôi trở thành phu xe bất đắc dĩ của Đặng phi, chị ta giống như biết rõ bọn người này muốn làm gì nên chẳng hề tỏ ra chút sợ hãi nào. Tôi đang định hỏi nguyên cớ, thì Đặng phi bên trong xe đã lên tiếng:
- Ta là Đặng Thị Loan, con gái của dòng họ Đặng ở Duyên Dương, ở trong triều cũng là một họ có thế lực. Năm bệ hạ lên ngôi, cha ta nhờ làm quan lớn trong triều đã đưa ta vào làm phi. Lúc đấy ta cũng rất bàng hoàng, nhưng chợt nhận ra ta chỉ là con thứ, sinh ra chỉ để làm tảng đá lót đường cho người ta.
Hóa ra số phận của Đặng cung phi cũng lắm trắc trở gian nan chẳng thua kém gì tôi cả, chị ta sinh ra ở một danh gia nhưng lại chẳng thể làm chủ số mệnh của mình. Tôi không đáp lời chị ta, tôi nghĩ chuyện tiếp tay cho người nhà tạo phản chắc cũng không phải ý muốn của chị, nếu thế tôi có thể dỗ chị ta nói ra bí mật không nhỉ?
- Đừng nói với tôi là chị đã có người mình thích nhưng bị gia tộc đưa vào làm phi để củng cố địa vị đấy nhé?
Tôi cảm thấy tình huống như vậy trong mấy vở tuồng mình hay xem cũng hay xuất hiện, nhưng phần lớn đều lâm vào bị kịch. Thuở trước ở Hưng Đạo Vương phủ, chị Quỳnh Trân cũng xem như là một nạn nhân, nhưng nạn nhân này lại quay sang phải lòng kẻ thủ ác là anh Quốc Nghiễn của tôi, thật là một chuyện tình đáng ngưỡng mộ. Nếu như lần đó chị Quỳnh Trân bỏ theo Trần Khánh Dư thì có lẽ đã gặp một kết cục không có hậu rồi. Đặng phi đáp lời tôi:
- Cũng gần như là vậy. Ta và anh ấy quen biết từ nhỏ, đã tự đính ước. Nhưng thân phận của ta vốn không với được tới anh ấy, ta bị đưa vào cung không lâu thì nhà ta đã gả người chị cả của ta cho anh ấy, thật là nực cười.
Tôi cảm nhận được vẻ bất lực qua giọng nói của Đặng phi, bởi vì trước đây hoàn cảnh của tôi cũng gần như vậy. Mặc dù tôi là con nuôi nhưng dưới danh nghĩa của một người con vợ cả, tôi vốn dĩ là người được chọn vào cung. Có muôn ngàn cách giải quyết nhưng họ lại chọn cách mắt nhắm mắt mở để Tô Ngọc Lan hại chết tôi. Chẳng lẽ con nuôi thì không phải là con người sao? Tôi hít một ngụm khí lạnh, trầm giọng nói với Đặng phi:
- Chị xem họ là người thân, nhưng họ vốn dĩ không xem chị là người nhà. Không giấu chị, bức thư đêm hôm ở chùa Khai quốc tôi đã đọc được rồi, nếu như họ nghĩ cho chị sẽ không để chị làm chuyện phản nghịch như vậy. Nếu âm mưu thành thì sao, chị vẫn là vợ của bệ hạ, liệu chị có được sống yên với miệng đời hay không? Chưa kể đến khả năng họ có thể giết chị để bịt miệng. Nếu như chuyện không thành, với thân phận con gái của tội nhân thì chị sống thế nào trong cấm thành này, nếu như chị bị bệ hạ phát hiện ra, thì chị nghĩ mình sống nỗi không? Chị cẩn thận nghĩ lại đi, đã có muôn vàn bẫy rập giăng sẵn từ khi chị bước chân vào con đường này rồi. Bọn họ hứa hẹn cho chị lợi lộc gì, là chàng trai chị từng yêu thương hay sao, nhưng liệu mọi thứ có còn được như ban đầu hay không?
Tôi nói xong, bỗng nghe Đặng phi lên tiếng nấc nghẹn, có lẽ chị ta đang cố nén cơn xúc động.
- Muộn rồi, bây giờ ta còn con đường nào để đi sao?
Đến một thôn trang, Đặng phi mở rèm xe bước xuống. Tôi nhìn thấy nét kinh ngạc lẫn mừng rỡ hiện lên gương mặt chị ta. Đây có lẽ là làng Duyên Dương, nhưng tôi không ngờ thôn trang này lại trù phú như vậy, đứng trên đồi cao nhìn xuống, chỉ thấy bạt ngàn một màu xanh của ruộng nương, lấp ló trong đó là những mái nhà khang trang đẹp đẽ. Đặng phi thẫn thờ nhìn một lát, nước mắt bỗng không ngừng chảy ra:
- Ta không ngờ làng Duyên Dương lại thay đổi nhiều như vậy, giống như mặc lên một màu áo mới. Năm xưa nhà Lý suy tàn, dân chúng đói khổ, nơi đây chỉ cằn cỗi trơ sỏi đá, lại thêm chiến tranh khiến làng ta càng thêm lầm than, vậy mà hiện tại trước mắt ta quang cảnh thanh bình nhộn nhịp. Tuyên phu nhân hãy trả lời ta, đây rốt cuộc là cảnh thực hay mơ?
Tôi bật cười đáp lời:
- Từ khi bệ hạ lên ngôi, thực hiện muôn vàn cải cách, hết lòng chăm lo cuộc sống của người dân. Đừng nói chỉ là một làng Duyên Dương. Chỉ e là vài ba năm nữa, cả Đại Việt sẽ đều giống như làng Duyên Dương ở trước mắt chị.
Đặng phi nghe tôi nói, ánh mắt bỗng dưng xa xăm, chị ta ngồi xuống tựa vào gốc cây sưa đỏ, thở dài nói:
- Không giấu gì ngươi, thật ra kẻ muốn đoạt ngôi vốn không phải cha ta, mà là chàng trai ta yêu sâu đậm. Anh ấy thông minh hiếu học, thông hiểu lịch sử, lục nghệ, văn chương nhất đời, là hoàng tử được tiên đế yêu mến nhất. Dù nghề vặt như đá cầu, đánh cờ, không nghề gì không thông thạo. Người ấy lại từng mở học đường ở bên hữu phủ đệ, tập hợp văn sĩ bốn phương cho học tập, cấp cho ăn mặc. Anh ấy than với ta, chỉ vì ngôi trưởng đích mà ngôi báu như một giấc mộng xa vời. Trong suốt những năm tháng đó, anh sống ẩn mình bên ta, dày công khổ luyện, cha ta vì nhìn thấy được khát vọng và sự phi thường của anh, nên từ trung lập dần chuyển sang ủng hộ. Chỉ là trong mắt ông ấy vốn không có ta, ông ấy gả ta vào cung như một con cờ giúp chàng đoạt vị, còn chị ta thì định sẵn được phong quang vô hạn ở bên người. Ta biết anh ấy cũng không muốn lấy chị của ta, nhưng giữa tình yêu và quyền lực, anh ấy vẫn chọn vế sau. Những kẻ hôm nay đến bắt cóc ta, thực ra là người của anh ấy, là ta không chịu theo sắp xếp rời cung, nên anh ấy phải dùng đến hạ sách này, để đưa ta an toàn đi khỏi cuộc binh biến. Ta biết anh ấy vẫn còn yêu ta, nhưng với thân phận của ta hiện giờ, làm cách nào để đối mặt với anh ấy đây?
Đặng phi nói đến đây bỗng bật cười, có lẽ cười cho số phận hẩm hiu của chị ta. Cười xong, chị ta lại than:
- Chàng trai ấy từng hứa với ta rằng, khi anh ta lên làm vua thì sẽ khiến làng Duyên Dương của ta hồi phục sức sống, nhưng Tuyên phu nhân ngươi xem, bệ hạ còn làm tốt hơn những gì ta tưởng tượng, thì ta còn có lý do gì để giúp chàng đoạt vị nữa đây. Tuy ta bị ép phải vào cung, nhưng bệ hạ là người thứ hai đối với ta tử tế, chưa hề ép uổng ta điều gì, cho dù kết quả là thắng hay thua, nếu như phải chết, ta cũng muốn trả cho người một phần ân nghĩa. Trong thâm tâm ta hiện tại, chỉ một lòng muốn ở lại trong dân gian, giúp đỡ người nghèo, vui thú điền viên, trồng trọt dệt vải. Ta đã chán ngán cảnh phù phiếm xa hoa chốn cấm cung hoa lệ. Nhưng tiếc thay, đã muộn rồi.
Tôi ngồi xổm xuống trước mặt Đặng phi, thương cảm vuốt nhẹ gương mặt có phần xanh xao tiều tụy của chị, bảo:
- Không muộn đâu, tôi dùng tính mạng hứa với chị, nếu như lần này bệ hạ thắng, bệ hạ sẽ trả tự do cho chị.
Đặng phi trầm ngâm một lát, gật đầu:
- Còn một nguyện vọng nữa, ta muốn các người giữ mạng cho anh ấy. Con dao này là anh ấy tặng ta thuở thiếu thời, ta luôn mang bên mình để phòng thân, ta nhờ ngươi...trả lại cho anh ấy giúp ta.
Tôi hứa với Đặng phi, cho dù tôi không chắc Trần Khâm có đồng ý hay không, nhưng tôi thề với lòng sẽ cố gắng hết sức. Chị ta đã đại nghĩa diệt thân, tôi cũng sẽ không khiến chị ta thất vọng.
Tôi đánh xe trở về, nhìn thấy khắp nơi đều là binh lính, hóa ra Trần Khâm đã lo lắng đến mức lục tung cả Phượng thành lên. Tôi đánh xe đến cổng thành thì bắt gặp Trần Thì Kiến, liễn vẫy tay gọi:
- Này, tìm cái gì thế anh miệng quạ?
Trần Thì Kiến nhìn thấy tôi thì giật mình một cái, giống như không thể tin được vào mắt vào tai mình nên dụi mắt mấy cái. Dụi mắt xong anh ta réo ầm lên, thanh âm như than khóc:
- Phu nhân của tôi ơi, tại sao hai vợ chồng các người lúc nào cũng thích gây rắc rối cho tôi hết vậy? Tôi mà không tìm được em thì tôi mềm xương với người ấy mất thôi.
Tôi bật cười khanh khách:
- Ngày xưa chẳng phải anh là kẻ thích gây rắc rối cho tôi nhất sao, bây giờ tôi trả thù được rồi nhé.
Trần Thì Kiến không chấp nhất tôi, vội vội vàng vàng đưa tôi trở lại Cấm thành.
Đối mặt với Trần Khâm lúc này tôi lại cảm thấy có chút xa lạ. Còn nhớ hôm qua lúc tôi đi khỏi, thần thái của anh ta sáng lạng, lúc ngủ khóe miệng còn vương ý cười. Nhưng hiện tại kẻ đang ngồi tựa lưng trên trường kỷ xem công vụ, ánh mắt âm u ảm đạm vằn tơ máu, đôi mày chau lại, mái tóc tùy tiện xỏa ra cũng có vài sợi rối. Nếu như Trần Thì Kiến không nói, tôi cũng không tưởng tượng được anh ta vì mình mà làm đến mức này.
Tôi chậm rãi bước đến bên cạnh anh ta, nhưng có lẽ do suy nghĩ chuyện gì đó lung lắm, suốt buổi anh ta vẫn không hề phát hiện ra tôi. Tay tôi khẽ đưa ra chạm nhẹ lên vai Trần Khâm, ngay lập tức cả người đã bị một lực đạo mạnh mẽ kéo xuống trường kỷ. Anh ta đè lên người tôi, đôi mắt phát ra sát khí rợn người, tôi hốt hoảng, lắp bắp:
- Là em, là em, anh không nhận ra em nữa à?
Lúc này anh ta mới bình tĩnh lại, sát khí trong mắt dần tiêu tan, nhưng lúc nhìn tôi cũng không được tính là trìu mến lắm. Bỗng nhiên đầu óc quay cuồng, bình tĩnh lại thì đã thấy anh ta hôn mình ngấu nghiến, mặt tôi nóng lên rần rần, ôi giữa ban ngày ban mặt, thật không chừa cho người ta chút mặt mũi.
Nhưng chẳng biết do xấu hổ hay mệt mỏi quá mức, tôi lịm đi trong lòng anh ta. Cũng tốt, ít ra còn trì hoãn được một lúc về việc phải giải thích với anh ta như thế nào, bởi tôi cũng khá bối rối khi nhìn ánh mắt lo lắng lẫn phẫn nộ của anh. Lúc tôi tỉnh lại, ánh tịch dương xuyên qua cửa sổ hắt lên chiếc áo màu vàng nhạt của Trần Khâm, tuy tôi đã ngủ suốt một ngày một đêm, nhưng tỉnh lại thấy bóng dáng anh ta ở bên cạnh thì mọi cảm giác mỏi mệt cũng tan biến.
Ánh mắt Trần Khâm lúc này đã hòa hoãn hơn rất nhiều, nếu không nói là có gì đó vui sướng. Tôi định nói với anh ta về chuyện của Đặng phi thì anh ta đã chặn tôi lại, mỉm cười ôn hòa nói với tôi:
- Không cần phải giải thích gì cả, Loan đã nói với ta hết rồi. Từ bây giờ tất cả hãy để ta gánh vác, việc của em là tĩnh dưỡng cho thật tốt, em làm được không?
Tuy không biết tại sao Trần Khâm lại thay đổi thái độ với mình nhanh như vậy, nhưng trong lòng cũng có một dòng suối ấm áp chảy qua. Tôi khẽ gật đầu, cảm thấy nếu Đặng phi đã nói rõ hết rồi thì tôi cũng đỡ tốn một phần sức lực.
Trần Khâm ngồi lại với tôi thêm một lát thì trở về giải quyết sự vụ của anh ta, tôi vừa mới thở phào thì bên ngoài đã nghe tiếng thằng nhóc Thuyên ầm ĩ. Nó chạy xộc vào giường tôi, hai cánh tay nho nhỏ đặt lên bụng tôi hô lên:
- Mẹ ơi, em của con, em của con!
Tôi thấy chị Trinh từ bên ngoài bước vào cười tủm tỉm, liền nheo mắt nhìn chị ta. Ban đầu có hơi khó hiểu, nhưng bỗng nhớ lại thái độ của Trần Khâm lẫn câu nói của thằng nhóc Thuyên, cộng thêm cảm giác mỏi mệt mấy ngày hôm nay thì giật mình. Gì vậy, đừng nói là...
Chị Trinh càng cười tươi rói, gật đầu nói với tôi:
- Đúng vậy, em có mang rồi!
Tôi bần thần mất một lúc, không tin được vào tai mình.
{{{
Ngày hai mươi lăm tháng sáu, Phủ quân tư Đặng Dương đem quân đánh vào Cấm thành, trước thời hạn mà tôi đọc được trong bức mật thư của Đặng phi nửa tháng. Có lẽ hôm đấy Đặng phi bị cướp trở lại dọc đường nên kẻ đứng sau đã có lòng sinh nghi nên đẩy nhanh tiến độ. Nhưng cũng vì lẽ đó mà Cấm quân vẫn chưa kịp chuẩn bị kỹ lưỡng, phải hết sức chật vật chống cự.
Hôm ấy tôi ngồi ở Quân Hoa cung, cảm thấy nếu như trong người mình không mang giọt máu của Trần Khâm, thì chắc chắn sẽ cùng đến đó đánh một trận cho thỏa thích, dù sao không góp mặt vẫn không thể yên tâm được. Cuối cùng lại cảm thấy trước giờ chuyện gì cũng ôm hết vào người, lần này hẳn là nên đặt niềm tin vào Trần Khâm một lần, anh ta là chồng tôi, là kẻ còn tài giỏi hơn tôi gấp nhiều lần nữa.
Phủ quân tư nuôi quân nghìn ngày dùng trong một lúc, số quân nuôi trong nhà còn đông hơn cả cấm quân đúng là không dễ dàng gì, hiện tại quân đội Đại Việt phần thì canh giữ biên cương, phần thì là gia quân của các vương hầu, một phần thực hiện chính sách ngụ binh ư nông của cha tôi trở về quê làm ruộng, nên quân số trong thành chẳng đáng là bao. Cũng may nhờ tài chỉ huy và võ nghệ trác tuyệt của Phạm Ngũ Lão, Cấm quân mới giữ chân được binh lính của Đặng Dương tại Cấm thành.
Trần Khâm nói với tôi, chính anh ta cũng không thể ngờ được quân đội của Đặng Dương lại lớn mạnh như thế. Nhưng cái làm anh ta đau lòng nhất là cảnh người mình đánh người mình, quân thần vốn dĩ nên hòa hợp tin tưởng nhau, không nên tranh đấu, bởi vì kẻ chịu thiệt cũng chỉ là những người vô tội mà thôi.
Lúc này gia quân và đội quân người Tống mà Trần Nhật Duật từng chiêu mộ được bỗng nhiên tiến vào bao vây Đặng Dương, tạo thành thế gọng kìm áp sát đội quân của ông ta. Tôi có thể tưởng tượng được lúc đấy Trần Khâm sẽ mỉa mai rằng: "Chú Chiêu Văn của ta đến lúc này hẳn là muốn dọn xác của ta rồi". Tên Trần Khâm này theo tôi được biết thì anh ta vốn rất thích đùa trong những lúc nước sôi lửa bỏng.
Dù sao thì qua một hồi đao binh, tổn thất cũng không nghiêm trọng, số quân binh của Đặng gia được Trần Khâm giữ lại mạng sống, còn Đặng gia thì đày đi biên ải xa xôi. Dù sao trước tình thế hiện nay thì một người lính cũng không thể tùy tiện mà đem đi giết được. Còn về kẻ chủ mưu của chuyện này, tôi vẫn còn một lời hứa với Đặng phi, chị ta đã rời khỏi cung son gác tía nhưng vẫn không muốn gặp lại chàng trai ấy một lần nào nữa.
Vốn dĩ người trực tiếp cầm quân tạo phản là Đặng Dương, lúc Cấm quân xông vào vương phủ, người ấy có thể chống cự và không nhận tội. Nhưng anh ta đã không làm vậy. Tôi cảm thấy đây chẳng phải là một âm mưu gì, giống như anh ta không cam tâm với quyết định của cha mình, trong lòng canh cánh mãi chuyện đó nên chỉ muốn cùng Trần Khâm làm một ván cược, nhưng xem ra ván cược này vì những người phụ nữ như tôi và Đặng phi mà thất bại. Anh ta có lẽ cũng chấp nhận sự thật rằng mình đã thua rồi.
Vào một ngày chớm thu, tôi cùng Trần Nhật Duật đi xe ngựa ra hoàng thành, dừng trước một phủ đệ đã hoang tàn xơ xác. Tôi bất chợt nhớ đến năm ấy lúc mới đến đây, đi ngang qua hoàng thành uy nghiêm tĩnh mịch, trong giấc ngủ chập chờn chỉ nghe tiếng xe ngựa lộc cộc hòa vào tiếng mưa thu rả rích và mùi hoa sữa thoang thoảng đưa hương. Lúc ấy tôi cũng không nghĩ đến sẽ có ngày này.
Trần Nhật Duật cẩn thận đỡ tôi xuống xe, bây giờ trên người tôi đã mang thêm sinh mạng của một đứa trẻ, không thể tùy tiện bay nhảy như ngày xưa được nữa. Trời chớm thu se lạnh, Trần Khâm bắt tôi mặc thêm một lớp áo khoác dày dặn mới cho tôi đi. Tôi nhìn Trần Nhật Duật cười nói:
- Chú Chiêu Văn học rộng hiểu nhiều, lúc sinh đứa bé này ra thì nhờ người đặt cho nó một cái tên thật oai nhé!
Anh ta cũng cười cười nhìn tôi, nhưng nụ cười lại có vẻ ảm đạm.
Hai người chúng tôi bước vào cổng, lính canh nhìn thấy Trần Nhật Duật thì cung kính mở cửa cho vào. Tuy tôi chưa từng bước chân vào đây nhưng nhìn phủ đệ rộng lớn, vẻ hoang tàn hiện tại không giấu nổi nét uy nghiêm của xa xưa, như có thể nhìn thấy được ngay trước mắt cảnh tôi tớ lũ lượt theo đoàn.
Hiện tại mọi thứ đều tối giản nhất, chỉ có Mạc Đĩnh Chi ra cửa đón chúng tôi. Thằng bé mặc một bộ quần áo tối màu, nay trông đã chững chạc hơn trước nhiều lắm, có lẽ xảy ra nhiều biến cố khiến nó như già hơn tuổi. Nhưng sau tất cả, nó vẫn còn chịu ở lại nơi đây bầu bạn cùng thầy thì đã là trọn tình trọn nghĩa rồi.
Mạc Đĩnh Chi đứng trước cửa phòng, nhẹ giọng gọi vào:
- Thầy ơi, có thầy sáu và chị đến thăm ạ!
Nghe anh ta đồng ý, mấy người chúng tôi mới nối gót theo nhau vào. Trong phòng có mùi trầm hương nhàn nhạt, chàng trai áo trắng ngồi chống cằm bên cửa sổ, trông anh ta vẫn giống như lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau, khoé môi vẫn chứa ý cười nhưng lại đầy vẻ lạnh lùng xa cách. Trên người anh ta vẫn mang một khí phách tối cao, không giận mà uy, khiến người ta chỉ vừa gặp là nảy sinh cảm giác sùng bái cúi đầu. Nhưng hiện giờ người này lại thiếu đi phần sinh khí, giống như một bức tranh tuyệt đẹp nhưng lại không có hồn.
Trần Ích Tắc nhìn thấy chúng tôi thì xoay người qua ngồi lại ngay ngắn trên sập, anh ta ung dung mỉm cười bảo:
- Chỗ ta không trà không rượu, hãy mau ngồi xuống ôn lại chuyện xưa. – Nói xong lại quay sang Mạc Đĩnh Chi đang đứng bên cạnh, trách – Nàng ấy là là Tuyên phu nhân, đứa trẻ này thật không có phép tắc.
Tôi ngồi xuống ghế nhỏ, cũng cười với anh ta:
- Không sao, anh Năm cứ gọi em như trước.
Trần Ích Tắc đáp:
- Sao lại không sao, ngày đó vì không biết danh tính phu nhân nên mới ăn nói bừa bãi, bây giờ đã biết rồi, sao lại làm như không biết được?
Mạc Đĩnh Chi cúi đầu thưa vâng.
Trần Nhật Duật có chút bất đắc dĩ, anh ta vẫn đứng đó đối mặt với Trần Ích Tắc, giống như không thể nhìn thấu con người này. Trần Nhật Duật lúc này mới lên tiếng chất vấn, giọng nói có chút khổ sở:
- Rốt cuộc là từ khi nào?
Trần Ích Tắc không có vẻ gì nao núng, anh ta vẫn điềm đạm giống như trên đời này chẳng có việc gì làm nhọc lòng được anh ta. Cho dù Trần Ích Tắc nay đã ngã ngựa, quyền và thế chẳng còn lại gì, chỉ còn một cái tên Chiêu Quốc Vương chẳng còn chút giá trị, nhưng trên khóe môi anh ta vẫn còn nụ cười không bao giờ tắt.
- Bây giờ em hỏi chuyện đó có ích gì đâu, mọi thứ đã xảy ra và không thể vãn hồi, anh không muốn liên lụy đến em. Nhật Duật, em là đứa em anh thương nhất.
- Đừng nói nữa! – Trần Nhật Duật gằn giọng – Hai ta là anh em cùng một mẹ sinh ra, nếu anh thật sự muốn như vậy, thì anh đã không làm thế rồi. Hoặc chí ít anh đã nói mọi chuyện với em, chứ không để đến nông nỗi này khi tất cả đã không còn gì để cứu vãn. Anh tin tưởng nhà họ Đặng hơn là em hay sao?
Trần Ích Tắc chậm rãi đứng dậy tiến tới cạnh Nhật Duật, anh ta vỗ vai đứa em trai của mình, ánh mắt trìu mến:
- Làm sao anh có thể làm bẩn lòng trung như trời biển của em? Giống như hôm nọ, khi hay tin Đặng Dương tạo phản, em đã không ngại ngần đem quân đi cứu viện, dù em thừa biết đó là người của anh. Anh không hề trách em điều đó, giữa hai ta dù không chung chí hướng nhưng sự thật em là em của anh không hề thay đổi.
- Nhưng tại sao anh lại làm vậy? – Tôi hỏi – Tôi tin anh không phải loại người tham quyền lực giàu sang. Anh chỉ dưới một người trên vạn người, chẳng lẽ điều đó không làm anh thỏa mãn sao? Anh dùng người tài cho đất nước, không quan trọng giàu nghèo, chứng tỏ anh không phải kẻ thấy lợi quên nghĩa, vậy thì tại sao?
Trần Ích Tắc lại cười lớn, giống như vừa được nghe một điều buồn cười nhất thiên hạ. Anh ta trả lời tôi:
- Phu nhân tin người quá rồi, những kẻ tưởng chừng như vô tâm mới là kẻ có dã tâm nhất. Chỉ khi phu nhân rơi vào hoàn cảnh như ta mới hiểu cảm giác của ta như thế nào.
Trần Ích Tắc dừng lại một chút, giống như đang hồi tưởng về quá khứ ngày xưa, hiếm hoi lắm mới nghe anh ta buông ra tiếng thở dài. Anh ta lại nói, chất giọng ảo não:
- Ngày xưa lúc tiên đế còn sống, yêu thương ta hết mực khiến bản thân ta có chút tự mãn. Ta chuyên tâm học hành, không thứ gì là không muốn học, nhưng cuối cùng mới phát hiện ra tất cả đều là do tự mình huyễn hoặc. Anh cả là do hoàng hậu sinh ra, ngay từ khi lọt lòng đã được chỉ đích danh làm thái tử, còn ta, chỉ vì ngôi trưởng đích mà kẻ cha coi trọng nhất như ta phải chấp nhận thoái lui.
Lần này đến lượt tôi cười với Trần Ích Tắc, bởi vì anh ta nói ra một chuyện hết sức nực cười.
- Nếu nói như anh, vậy chẳng phải thiên hạ sẽ vì tranh đoạt ngôi báu mà đại loạn sao? Nếu như Thượng hoàng là hôn quân, nếu như bệ hạ vô đạo, thì tôi chấp nhận anh tạo phản. Còn đằng này, anh có chắc rằng khi mình có được ngôi báu sẽ làm được như họ hay không?
- Phu nhân đang có mang đúng không? – Thấy tôi sững lại, anh ta liền cười nói – Hiện tại bệ hạ yêu quý phu nhân hết mực, nếu như phu nhân lại sinh ra một hoàng nam tài giỏi, liệu phu nhân có dòm ngó ngôi báu hay không? Ta nghe nói thái tử ham chơi, nhưng nếu chỉ vì nó là thái tử mà ngồi được vào ngôi báu, liệu phu nhân có tránh khỏi ấm ức? Đến lúc đó, thật muốn biết suy nghĩ của phu nhân thế nào.
Tôi lại bật cười, Trần Ích Tắc, anh đang muốn thao túng tâm lý tôi sao?
- Anh năm, anh đừng suy bụng ta ra bụng người nữa, cho dù sau này bệ hạ truyền ngôi cho ai thì đó là quyết định của người, tôi sẽ hết lòng tin tưởng, hết lòng phò trợ cho minh quân. Đừng nói là tôi, cho dù là con tôi nếu như có ý nghĩ không an phận đó, thì chính tôi sẽ vì nghĩa diệt thân, nhất định không để nó lại đi vào vết xe đổ của anh.
Cả Trần Ích Tắc và Trần Nhật Duật đều nhìn tôi, cái nhìn y hệt đêm đầu tiên bọn tôi gặp nhau, lúc tôi khảng khái buông ra lời mắng mỏ tên Đỗ Thiên Hư ngông cuồng đó. Tôi lại cảm thấy có làn gió nhè nhẹ, đầu mũi tôi lại như ngửi được mùi dạ lý hương thơm ngát đã từ lâu rồi không bắt gặp, như lại khiến khứu giác tôi một lần nữa lâng lâng.
Tôi lấy ra con dao găm mà Đặng phi đã giao phó, trả lại cho Trần Ích Tắc, chỉ thấy ánh mắt anh ta tối sầm lại, phút chốc như trút đi hết sức lực của anh ta. Tôi nghe anh ta nhỏ giọng than:
- Thì ra em ấy đã bội bạc với ta..
- Nếu như chị ấy không bội bạc với anh, chị ấy sẽ bội bạc với cả Đại Việt.
Tôi nghe thấy tiếng dao rơi "cạch" một tiếng xuống nền gạch. Lúc định rời khỏi, thì nghe giọng của Trần Ích Tắc vang lên bên tai:
- Mạc Đĩnh Chi là một đứa trẻ có tài, nếu như theo ta thì thật phí phạm cho nó quá. Chi bằng Nhật Duật hãy đưa nó về nuôi dạy đi. Gia đình nó đã có một vết nhơ rồi, ta không muốn tiếp tục liên lụy nó nữa.
Tôi quay sang thì thấy Mạc Đĩnh Chi ôm lấy chân Trần Ích Tắc, nước mắt vòng quanh. Từ ban nãy đến giờ nó vẫn đứng bên cạnh không lên tiếng, nay nghe Trần Ích Tắc nói vậy thì khóc thút thít bảo:
- Lúc bái người làm thầy con đã thề mãi mãi bên cạnh chăm lo cho người, một ngày làm thầy trọn đời làm thầy, dù người có sa cơ lỡ bước thế nào con cũng sẽ không rời bỏ. Hãy cho Đĩnh Chi ở lại chăm sóc người.
Tôi không ngờ thằng nhóc này lại là một người khí khái như vậy. Chưa kịp nói, Trần Nhật Duật đã lên tiếng trước:
- Anh học cao hiểu rộng hơn em rất nhiều lần, Đĩnh Chi đi theo anh là thích hợp nhất. Nếu như anh muốn tốt cho nó thì cứ hết lòng mà rèn giũa. Đến một lúc thích hợp, khi Đĩnh Chi đã đủ chững chạc, em sẽ tiến cử nó lên làm quan. Bệ hạ trọng người tài, sẽ không hỏi đến xuất thân của nó đâu.
Tôi và Trần Nhật Duật bái biệt anh ta, e là lần tạm biệt này sẽ không biết bao giờ mới gặp lại được. Cố nhân khó khăn lắm mới lại gặp nhau, không ngờ lại gặp nhau trong hoàn cảnh này.
Tôi và Nhật Duật ngồi lặng im trong xe ngựa, bên ngoài tiếng mưa thu cứ rả rích đổ lên mái hiên mãi không thôi, tôi lặng yên ngó Trần Nhật Duật, thấy tà áo của anh ta có chút mỏng manh, không biết đã lạnh trong lòng rồi thì bên ngoài có lạnh không nữa.
Cả hai chúng tôi cứ lặng im như vậy suốt quãng đường, tôi biết Trần Nhật Duật lúc này không muốn nói gì cả, chính tôi cũng không biết phải nói gì để an ủi anh ta. Có lẽ cảm giác của Trần Nhật Duật không chỉ là bi thương mà còn xen lẫn cả thất vọng tràn trề. Tôi chống cằm tựa cửa sổ ngắm mưa, chỉ thấy trắng xóa một màu, tiếng xe ngựa lộc cộc quyện vào tiếng mưa rơi trên mái ngói lưu ly như một bản nhạc buồn da diết.
Đã đến Cấm thành, từ xa xa tôi đã nhác trông thấy bóng dáng Trần Khâm che ô đứng dưới làn mưa trắng xóa, ánh mắt anh ta nhìn về phía tôi dịu dàng đến kỳ lạ. Tà áo của anh đã bị mưa tạt ướt một mảng, trông buồn cười mà cũng thấy thương thương. Trước đây Quốc Tảng cũng có lần nhìn tôi từ xa dưới làn mưa rả rích như thế, nhưng cảm giác lúc ấy tôi chỉ thấy thương cảm và ray rứt, nhưng lần này đối với Trần Khâm lại thấy thật ngọt ngào. Giống như vĩnh viễn có một người đứng chờ tôi bên cổng thành như vậy, dù gió ào ạt, dù mưa mịt mù.
Xe ngựa của Trần Nhật Duật dừng lại trước cổng Cấm thành, Trần Khâm cẩn thận đỡ tôi xuống. Anh ta bất chợt mỉm cười với tôi, tôi cũng nhìn anh ta bật cười. Có lẽ đây chính là điều hạnh phúc nhất của đời người, khi người ấy vì ta mà mỉm cười, và ta cũng cười khi thấy được người ấy.
Trần Nhật Duật cũng xuống xe bái biệt với Trần Khâm, tôi nhìn anh ta an ủi:
- Rồi Chiêu Quốc Vương sẽ hiểu ra anh ta sai ở chỗ nào, chú Chiêu Văn không cần phải canh cánh trong lòng nữa, cứ để mọi chuyện đi theo quỹ đạo của nó đi.
Trần Nhật Duật cũng mỉm cười với tôi:
- Hy vọng mọi chuyện được như lời phu nhân nói!
Tôi đứng nép mình trong lồng ngực ấm áp của Trần Khâm, nhìn cỗ xe ngựa của Trần Nhật Duật đi xa dần, khuất dạng trong màn mưa thu thăm thẳm.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT