Tôi bất lực nhìn Trần Khâm cứ ngồi ở đối diện chống cằm nhìn mình không chớp mắt, ấy thế mà tôi cảm giác anh ta nhìn rất say sưa mê mẩn, không một chút chột dạ nào.
Tôi sờ sờ mặt mình đã nóng ran lên như muốn phát hỏa, rồi bỗng vỗ vào vết thương của anh ta, gắt gỏng nói:
- Anh mà còn nhìn tôi nữa thì tôi đổi ý đấy nhé!
Trần Khâm rên lên một tiếng, ai oán nói:
- Ta chỉ muốn kiểm chứng đây là thật hay mơ thôi mà. – Nói xong lại cười hì hì – Nhưng bây giờ thì ta biết là thật rồi, em nhẹ tay chút, làm ta đau quá.
Tôi nhìn Trần Khâm cười như kẻ ngốc kia, cảm giác như mình đã bị lừa. Đây mà là vị quan gia quyền lực ở Phượng thành lừa tôi hết lần nay tới lần khác, khiến tôi hết mực đề phòng hay sao, sao lại trông như vô hại thế này? Tôi nghĩ thế rồi ép bản thân phải bình tĩnh lại, không được để anh ta lừa gạt thêm nữa.
Trầm Khâm lại dùng ánh mắt thâm tình nhìn tôi, si mê đến mức làm tôi nổi cả da gà, dịu dàng nói:
- Nhưng ta thật sự không tin được em đã ở lại. Em không giận ta nữa, ta rất vui. Em biết không, đã rất lâu rồi ta không cảm thấy vui như vậy.
Tôi không chịu nỗi cái miệng dẻo của anh ta, nhỏ giọng bảo:
- Còn không phải tôi đang ở đây hay sao?
Anh ta lại nắm lấy tay tôi cọ cọ lên mặt mình, ôi ôi thật là ngốc hết chỗ nói.
Ban nãy Trần Khâm bị Trịnh Giác Duy đâm cho một dao, vết thương không đến nỗi nào, nhưng cũng không nhẹ, vẫn cần phải đắp thuốc băng bó. Anh ta vén quần lên cho tôi băng bó, tôi cũng ngại không dám nhìn. Trần Khâm bật cười, xoay mặt tôi qua, gian trá nói:
- Có gì đâu mà ngại, sau này có những chuyện khác còn ngại hơn phải làm nữa kìa.
- Không biết liêm sỉ. – Tôi đỏ mặt nói – Ơ cái gì đây?
Đùi anh ta ấy vậy mà lại có cả một hình xăm rồng đen to tướng, hình xăm bao phủ hết phần đùi đến gần tới bắp chân. Hình xăm tinh xảo ấy toát ra vẻ oai phong và khí thế không thể tả bằng lời, sống động đến nỗi có thể tưởng tượng một giây sau liền phá bỏ lớp mực để chui ra. Mặt tôi lại càng đỏ thêm, tại sao tôi lại thấy hình xăm này lại quyến rũ và nam tính thế này nhỉ, trời ơi chắc tôi trúng tà rồi.
Trần Khâm nghe tôi hỏi thì ngó xuống đùi mình, à một tiếng giải thích:
- Nhà ta vốn là người sông nước, đời đời chuộng dũng cảm, thường xăm hình rồng vào đùi. Nếp nhà theo nghề võ, nên xăm rồng vào đùi để tỏ là không quên gốc. Em là người khác họ, không biết cũng phải. À mà trên bả vai em hình như cũng có hình xăm gì ý, giống như một chiếc chuông nhỏ vậy.
Tôi lục lại ký ức mà mình nhớ được, hình như cũng không có đoạn nào nói rằng tôi có hình xăm, có vẻ là do vết xăm ở phía bả vai nên bình thường tôi cũng không chú ý lắm. Ủa mà khoan,..
- Này anh nhìn thấy hình xăm đó khi nào vậy? – Tôi trầm giọng.
- À thì... - Trần Khâm hơi lắp bắp – Hôm ấy vào đúng lúc em đang tắm nên...khụ...
Tôi nhìn vẻ mặt có chút ửng hồng của anh ta thì thật muốn đấm cho một cái, nếu anh ta không phải là vua thì anh ta đã mềm xương với tôi rồi. Tôi ngẩng đầu trừng mắt với anh ta, quát:
- Tôi đã cho phép anh nhìn khi nào? Bệ hạ, anh có tự trọng không vậy?
Trần Khâm gục đầu lên vai tôi, thủ thỉ:
- Cho ta chút mặt mũi đi mà!
- Hừ, anh còn cần mặt mũi hả? – Tôi đáp – Chính anh là kẻ không giữ mặt mũi cho mình thì có.
Tôi nói xong thì trên vai đã nghe tiếng thở nhè nhẹ, chắc tên đàn ông này đã ngủ rồi. Tôi bất giác thở dài, cũng thật cực khổ cho anh ta, một mình vượt quãng đường xa như vậy đến đây, chẳng biết ở kinh thành đã có ai phát hiện ra chưa. Tôi bỗng nhớ đến Trần Thì Kiến, chắc chắn anh ta đã bày ra mưu ma chước quỷ gì rồi, suốt mấy tháng vào thành không thấy mặt mũi anh ta, cái gã báo hại tôi phải đau đầu đó.
Tôi để mặc Trần Khâm ngủ trên vai mình, đắp thuốc rồi băng bó tỉ mỉ cho anh ta, lại đỡ anh ta lên sập đắp chăn kê gối ổn thỏa. Gương mặt của anh ta rất đẹp, ngay từ lúc đầu gặp anh ta, đã thấy như trăng thanh gió mát, khiến tôi phải ngẩn ngơ. Lúc đấy tôi cũng không ngờ có một ngày mình lại rơi vào hoàn cảnh này.
Tôi mặc thêm áo khoác, chậm rãi bước ra bên ngoài. Hiện tại đã là nửa đêm.
Trần Nhật Duật đã đứng bên ngoài từ lúc nào, anh ta đứng khoanh tay tựa vào gốc đào, nhìn miên man tới nơi nào không rõ. Tôi bước lại gần anh ta, cười bảo:
- Ngày mai hồi kinh rồi mà Chiêu Văn vương giờ này vẫn còn ở đây ngắm trăng, thật là có nhã hứng!
Trần Nhật Duật xoay người lại nhìn tôi, nhếch môi:
- Chỉ sợ có người thắc mắc trong lòng nên nán lại một chút.
Phải công nhận là từ trước đến nay không khí của tôi và Trần Nhật Duật vẫn luôn hòa hợp, cho dù gặp phải chuyện như thế nào, khí tức của anh ta vẫn có thể làm cho mọi thứ trở nên trầm tĩnh, như con người anh ta vậy.
Tôi sững người, vậy là manh mối cuối cùng cũng mất rồi. Nhưng tại sao đột nhiên Trịnh Giác Duy lại chết, là không chịu nổi tra khảo, hay bị thủ tiêu, hay hắn ta vì đại nghĩa diệt thân, chọn con đường tự sát? Thấy tôi trầm ngâm, Trần Nhật Duật lại nói tiếp:
- Đã tra hỏi được là do hắn cấu kết người Nguyên, có người cho hắn ta lợi lộc rồi sai khiến, mà hắn ta chỉ biết người đó có địa vị rất cao chứ chưa từng biết thân phận của y là gì. Số người mà Trịnh Giác Duy đưa về thành Phượng ẩn nấp trong dân gian, nghe theo sai khiến của một vị quý nhân trong cung. Đúng lúc hắn đang nói về thân phận của vị quý nhân đó thì bị phát độc mà chết. Lúc ta phát hiện ra hắn đã trúng độc rồi, nhưng ta chỉ có thể giúp hắn giữ được tính mạng bao lâu đó thôi. Còn về lợi lộc, ngươi đoán xem là lợi lộc gì?
Tôi suy nghĩ, hẳn là cũng chỉ vàng bạc châu báu thôi chứ chi. Tôi nói, Trần Nhật Duật đáp:
- Là một bộ võ công cùng với Đà Giang này!
Ồ, thế thì cũng thật hấp dẫn, hèn gì Trịnh Giác Duy cúc cung tận tụy, sai gì làm đó. Nghe nói Trịnh Giác Duy thể chất bình thường, đầu óc cũng bình thường, vậy mà từ chuyến đi đó trở về thì võ công lẫn thể lực đều tiến bộ hơn hẳn, lại còn bí mật mua chuộc được lòng người, gần một nửa Đà Giang trở thành người của hắn ta. Lần này sinh chuyện, xem ra Trịnh Giác Mật muốn khắc phục hậu quả cũng không dễ dàng gì đâu.
Đang suy nghĩ, bỗng nhiên Trần Nhật Duật nói:
- Vậy là quyết định trở về à?
Nhắc tới thì cũng thật mất mặt, chính tôi là người nói muốn đi, đến khi đi được rồi thì lại quyết định trở về. Thật uổng cho Trần Nhật Duật một hồi lao tâm khổ trí, lại còn đắc tội với vị quan gia kia.
- Xin lỗi nhé, đã để anh phải lo nghĩ giúp tôi rồi!
Trần Nhật Duật nói:
- Tiện tay thôi, không cần phải để trong lòng. Chỉ là ta cũng không ngờ được là thằng nhóc ấy lại chạy đến tận đây. Đúng là ngươi làm ta mở mang tầm mắt một phen đấy.
Tôi thấy mặt mình hơi nóng, Trần Nhật Duật này thì ra cũng biết trêu người ta. Tôi giả vờ ho mấy tiếng, chống chế:
- Ngài cũng thấy tình hình hiện tại đấy thôi, người Nguyên càng ngày càng quá đáng, nếu như bên cạnh bệ hạ không có một người đáng tin, chỉ e tai họa đến trong chớp mắt, không kịp trở tay.
- Ồ, thật là một kẻ biết vì đại nghiệp – Trần Nhật Duật đánh giá. Nhưng tôi chưa kịp cười thì anh ta lại vạch trần tôi – Nhưng ta lại thấy có người bị làm cho cảm động rồi.
Tôi không ngờ Trần Nhật Duật lại nói thẳng thừng như thế, thật khiến người ta ngại ngùng. Tôi nhất thời không biết phải đáp ra sao, bị nói trúng tim đen thật làm cho người ta khốn đốn. Trần Khâm, nói tôi không cảm động với anh ta thì không phải. Ngày trước đoạn tình cảm của tôi với Quốc Tảng đã dỡ dang rồi, dạo đấy anh ta thích tôi nhưng đến lúc tôi nhận ra mình cũng rung động với anh ta thì đã là quá muộn, giữa hai chúng tôi có quá nhiều thứ ràng buộc, và chính những thứ đó khiến tôi dần dập tắt lửa lòng, giữa tôi với anh ta, tôi chấp niệm chỉ vì một lời hứa. Tôi cứ tưởng mình sẽ mãi mãi như vậy, nhưng không, cho đến hôm nay Trần Khâm bỏ cả an nguy, bỏ cả ngôi vua của anh ta vì tôi, và cái cách anh ta trả tự do cho tôi, thì ngọn lửa trong lòng tôi như được đốt lên một lần nữa.
Trần Nhật Duật thấy tôi im lặng, lại nói:
- Ngươi cũng nên suy tính cho bản thân mình đi, tìm một người như vậy không dễ.
- Tôi thấy ngài cũng thật rành mấy chuyện phong tình! – Tôi nhếch môi nhìn anh ta.
- À ta xem được trong kịch đấy! - Trần Nhật Duật không được tự nhiên nói.
Tôi nhìn vầng trăng hôm nay to tròn sáng rõ, cảm thấy lòng mình cũng bớt mịt mù như ngày xưa. Có lẽ Trần Nhật Duật cũng nhận ra được sau chuyến đi này, tôi đã thay đổi. Bỗng dưng nghe tiếng anh ta thở dài:
- Nếu như đã quyết định trở lại nơi đó thì hãy cẩn thận, ta không thể bất cứ lúc nào cũng có mặt để giúp ngươi. Giờ hai ngươi đã là vợ chồng, nhớ lấy, vợ chồng thì không cần câu nệ, hãy tương trợ lẫn nhau.
Tôi lại phải dùng ánh mắt khác nhìn anh ta, thật là, sao lại có cảm giác là cha đang răn dạy con gái trước khi về nhà chồng nhỉ. Nhưng đúng là trước giờ tôi chưa từng ỷ vào ai thật, là vợ chồng thì thật sự là hợp thành một thể sao?
Gà đã gáy canh ba, Trần Nhật Duật cũng không định đứng đây thêm nữa, lúc sắp đi, anh ta bỗng quay lại bảo tôi:
- Còn một chuyện nữa, không biết ngươi có nhận ra không, võ công của ngươi và Trịnh Giác Duy có điểm tương đồng và rất có thể giống cả với đám người hành thích bệ hạ. Ta biết năm xưa Hưng Đạo vương phủ bị người Nguyên tập kích và ngươi bị thất lạc một khoảng thời gian, ta không hi vọng ngươi có gian dối, nếu như thật sự có ngày đó, chỉ mong ngươi đừng trách ta trở mặt vô tình.
Lúc tôi đang bần thần thì anh ta lại cười nói:
- À quên mất, sau này cứ theo thằng nhóc kia gọi ta là chú!
Trần Nhật Duật nói xong thì rời đi mất hút trong đêm đen, bỏ lại tôi với sự nghi hoặc trong tâm trí.
Sáng hôm sau tất cả bọn tôi cùng rời khỏi Đà Giang, Trần Nhật Duật đưa theo gia quyến của Trịnh Giác Mật về Phượng thành, hoàn thành chuyến công cán không tốn một binh một tướng nào.
Trần Khâm vốn định tách khỏi đoàn người của Trần Nhật Duật, nhưng tôi lại cứ cảm thấy kẻ tối qua đến cướp Trịnh Giác Duy có thể sẽ còn lởn vởn đâu đây. Vì thế khi đã tới thành Phượng, Trần Khâm mới bí mật cùng tôi tách khỏi đoàn người. Tôi nhìn vẻ hí hửng trên mặt anh ta, cảm thấy kẻ này thật ham chơi hết thuốc chữa.
Hai người chúng tôi ở trong thành mua được một cỗ xe ngựa nhỏ, cũng không có kẻ nào theo đánh xe nên Trần Khâm phải đích thân ngồi trước đánh xe cho tôi. Tôi ngồi trong xe vén rèm ra nhìn, trong lòng miên man suy nghĩ, được vua một nước đánh xe cho cảm giác cũng không tệ. Ha ha.
Tôi bất giác hỏi anh ta:
- Trong triều dạo này chắc không có sự vụ gì nhỉ?
Trần Khâm quay ra sau nhìn tôi cười nói:
- Đương nhiên là có, nhưng không đến mức ta muốn đưa vợ ta đi chơi vài ngày cũng không được.
Mặt tôi đỏ bừng, sau trước đây không cảm thấy anh ta lưu manh thế này nhỉ.
Trần Khâm quay ra nói chuyện với tôi lại không để ý phía trước, vô ý đụng phải một cụ già. Cụ té lăn ra đất, sau đó ngồi dậy khóc thảm thương. Tôi liếc Trần Khâm rồi nhanh chân nhảy xuống đất, tên này thật là hậu đậu quá đi.
Tôi đỡ lấy ông cụ ngồi dậy, hỏi han ông cụ có sao không rồi ngỏ ý đưa ông đi khám thầy thuốc. Ông cụ cứ lắc đầu bảo không sao nhưng vẫn khóc lóc tỉ tê, tôi sốt ruột gặng hỏi suốt buổi thì ông cụ mới nói:
- Không phải lỗi của anh ấy đâu, là già đi đường không cẩn thận, ôi số của già sao mà khổ thế này hả trời ơi!
Ông lão càng nói càng khóc lớn. Tôi nhìn dáng vẻ ông cụ chắc không phải kẻ mượn chuyện để vòi tiền, lại không đau đến mức phải đi thầy thuốc, nhưng thật tình lại chẳng đoán được tại sao mà ông ấy cứ khóc mãi không ngừng. Người trên phố xúm lại chỉ trỏ, tự nhiên tôi cảm giác như mình đang phạm tội tày trời vậy.
Đang lúc bối rối thì Trần Khâm bước tới, ngồi xổm xuống hỏi:
- Ông cụ có oan khuất gì đúng không? Ta có người quen làm An phủ sứ ở đây, có gì ông cụ cứ nói ta sẽ giúp.
Tôi nhìn Trần Khâm, hóa ra sức mạnh của những kẻ có gốc gác là đây hay sao.
Không ngờ ông cụ lại phẫn uất hô lên:
- Lại là An phủ sứ, An phủ sứ xử án bất công, lòng người khó mà tin phục. – Ông cụ nói đến đó thì ngất đi.
Tôi và Trần Khâm nhìn nhau, không ngờ vô tình ra khỏi cửa thì đã thấy hàm oan trước mắt. Kẻ làm vua như Trần Khâm dù muốn nhưng làm sao mà quản được hết mọi chuyện của thiên hạ đây. Bởi thế, xưa nay cha tôi luôn chủ trương chọn người tài để phục vụ cho đất nước chứ không phải là những kẻ con cháu họ hàng của đám quan viên có gốc rễ trên triều, bởi dù anh ta có tốt cũng chưa chắc anh ta có thể dạy con tốt.
Hai người bọn tôi đưa ông cụ tới y quán, đợi lúc ông cụ tỉnh lại thì quả nhiên nghe được một câu chuyện bất bình. Nhà ông cụ này làm nghề bán vải, mấy ngày trước có một cô gái lại mua vải, thấy cô gái dịu dàng dễ mến, con trai ông cụ hào phóng tặng thêm cho một mảnh vải tốt để thêu khăn. Ấy vậy à không ngờ lại chọc giận gã đàn ông đang theo đuổi cô gái đó, gã đó cùng gia nô của mình đến tiệm vải tìm con trai ông lão đập phá. Con ông lão vì tự vệ lại vô ý đánh gã đàn ông vỡ đầu chảy máu, gã đó đến phủ An phủ sứ kiện, kết quả An phủ sứ xử con ông lão cố ý đánh người, phạt đi lao dịch ba năm. Ban nãy đụng trúng ông lão là lúc ông nghe tin định chạy đi đến đó đòi công bằng.
Tôi nghĩ, trên đời này vốn không có thứ gọi là công bằng. Còn kẻ mà ông lão nhắc tới kia, lại trùng hợp là người quen của tôi trước kia – Đỗ Thiên Hư. Tôi hỏi Trần Khâm:
- Đỗ Thiên Hư này tôi từng gặp qua, hắn ta là kẻ vô cùng ngang ngược, rất thích ỷ thế hiếp người. Nghe đâu là em trai của chi hậu cục thủ Đỗ Khắc Chung, người này có lai lịch như thế nào thế?
Trần Khâm liền kề sát vào tai tôi giải đáp:
- Là người Giáp Sơn, cũng có chút tài năng nhưng rất hay tỏ vẻ. Ta dùng nhưng không tin.
Tôi né tránh anh ta, bực bội nói:
- Giải thích thì giải thích, lại gần vậy làm gì?
Trần Khâm cười hì hì bảo:
- Thì bởi ta đang vi hành, không thể để lộ thân phận được.
Tôi cau mày nhìn anh ta, tên quan gia này đúng là làm người không đáng tin. Nhưng năng lực làm việc của anh ta thì lại rất đáng tin, chỉ sáng hôm sau là Trần Thì Kiến đã xuất hiện ở phủ An phủ sứ. Tôi đứng phía sau nhìn hai người bọn họ sóng vai, lại có cảm giác mình là người thừa. Hừ, tên Trần Thì Kiến này, nếu như tôi không biết gốc gác của anh ta, chắc chắn tôi sẽ nghĩ là anh ta là kẻ mà Trần Khâm cử đến để lót đường cho Trần Khâm tính kế lên đầu tôi. Tôi ở phía sau theo hai người họ bước vào phủ An phủ sứ, loáng thoáng nghe được Trần Khâm nói:
- Thấy chỗ này được không, thời gian nữa ta cho ngươi đến đây nhậm chức?
- Thần không dám! - Trần Thì Kiến giống như được sủng ái quá sinh ra hoảng hốt, vội chắp tay cúi đầu nói.
Tôi chỉ biết lắc đầu, Trần Khâm à Trần Khâm, anh cũng quá tùy hứng rồi. Nhưng mà vị An phủ sứ hiện tại đúng là không đáng tin lắm, Trần Thì Kiến cũng có vẻ được.
Trần Thì Kiến lần này đến, liền đi tìm gặp An phủ sứ để đưa ý chỉ của bệ hạ, xử lại vụ án của Đỗ Thiên Hư. Đúng là vị quan xử án đó ngại Đỗ Khắc Chung nên không dám ra phán quyết, sau khi nhận được ý bệ hạ thì đã ra phán quyết công bằng hơn, bắt Đỗ Thiên Hư bồi thường lại gấp ba tổn thất mà tiệm vải phải chịu, lại còn bị phạt hai mươi roi răn đe vì dám ỷ thế hiếp người. Cái tôi thấy thú vị nhất là vẻ mặt hoảng hồn như gặp quỷ của Đỗ Thiên Hư khi nhìn thấy tôi đứng bên cạnh Trần Khâm, ha ha, lần này thì anh biết mình chọc vào ai rồi chứ? Chỉ là tiếc vì Đan Thanh không thể nhìn được cảnh thú vị này, Đan Thanh nhỉ?
Trần Thì Kiến làm xong việc, lại phải trở vào hoàng thành. Anh ta cười nham hiểm nói nhỏ với tôi:
- Đấy, người của vương phủ là phải vậy, trở thành tâm can bảo bối trong lòng bệ hạ nó phải khác biệt hơn những kẻ ở Vạn Kiếp đúng không? Ta đã nói rồi mà.
- Cũng nhờ cái miệng quạ của anh đấy Thì Kiến ạ! – Tôi nói.
Trần Thì Kiến cười ha ha mấy tiếng rồi cưỡi ngựa rời khỏi, ôi cái tên gián điệp này, thật muốn đá cho một cái.
Tôi thiếp đi trong xe, mơ màng cảm thấy cả người mình cứ lộc cà lộc cộc nẩy lên rồi rớt xuống, đúng là có chút nhớ nệm ấm chăn êm. Tôi ngủ một giấc dài đến xế chiều cứ nghĩ là đã tới Cấm Thành, nhưng nhìn lướt ra bên ngoài lại thấy bạt ngàn rừng trúc xanh mơn mởn, màu xanh tươi tốt của cây lá làm choáng ngợp tầm mắt, phía xa xa thấp thoáng mất đỉnh núi vút cao, kéo dài như một dãy tường thành bao quanh.
Tôi tựa vào cửa xe nhìn chàng trai đang chăm chú đánh xe, ánh mắt chính trực cương nghị, chỉ đánh xe thôi mà thật chuyên tâm. Trên những kẽ hở của tán lá thỉnh thoảng những tia nắng chiếu xuyên qua, rơi xuống trên mặt, trên áo anh ta những vệt nắng lấp lánh, trông như anh ta đang phát sáng vậy. Tôi dằn lại quả tim đang đập loạn, hỏi anh:
- Phu xe đưa tôi đi đâu thế?
Trần Khâm bật cười, bỗng cất lên tiếng hát:
- Đưa người đi ngắm sơn cốc ngàn hoa, thuở sơ khai đến cùng tận, dẫu chân trời hay góc biển.
- Ồ, không nhìn ra anh cũng có máu nghệ sĩ.
Trần Khâm có vẻ phấn khởi đáp:
- Trần triều ta ai ai cũng là nghệ sĩ cả!
Tôi nghe cảm thấy cũng đúng, tuy Trần Triều ta luôn đề cao võ thuật nhưng về những thú vui chốn nhân gian thì vẫn rất để tâm. Cả võ thuật và âm nhạc hình như trong Hoàng thành ai cũng rành cả. Lại nghe nói ở phương Bắc rất quan trọng lễ tiết, hát xướng bị coi là thấp hèn và chỉ dành cho những kẻ thấp hèn làm kế mua vui.
Đi suốt một ngày đường cũng đã từ giã núi rừng về với thị thành đông đúc. Tôi nhìn thấy bảng tên đề mấy chữ phủ Bí Giang, cảm giác có chút quen thuộc, giống như từng ngõ ngách ở đây mình đều có thể biết đến vậy. Trần Khâm cho xe dừng lại, tôi vén màn nhìn ra thì thấy xe dừng trước một phủ đệ, tuy không bằng được phủ đệ ở Vạn Kiếp, nhưng cũng được xem là bề thế nguy nga.
Trần Khâm đỡ tôi xuống xe, lúc này tôi mới chú ý đến mấy chữ đề trên tấm biển – phủ của Tô gia. Tôi bàng hoàng nhìn anh ta, trong lòng bỗng nhiên run rẩy lưỡng lự không muốn vào. Trần Khâm dịu dàng nhìn tôi rồi khẽ vuốt mái tóc tôi, nhẹ giọng trấn an:
- Trong lòng em chẳng phải còn vướng mắc chuyện này sao, hiện tại đã ở ngay trước mắt rồi sao lại không dám đối mặt? Đừng lo lắng, có ta ở bên cạnh em.
Tôi nghe Trần Khâm nói, chẳng biết có ma lực gì mà khiến mình yên tâm hơn rất nhiều dù trước đó rõ ràng đang rất căng thẳng. Tôi nghi hoặc nhìn anh, hơi run rẩy hỏi:
- Tại sao anh lại biết...
- Trước đây ta là người phê tấu chọn em vào cung mà. – Trần Khâm cười nói – Không biết tại sao lại đổi thành Tô Ngọc Lan nhưng ta cũng không truy cứu, dù sao lúc đấy ta cảm thấy là ai cũng như nhau thôi. Dù sao chuyện chị gái thay thế cho em mình cũng là chuyện thường tình.
Tôi nghĩ lúc đấy anh ta vẫn còn nhớ thương chị Tĩnh, đã bắt buộc phải lấy chị Trinh rồi, lại còn bị bắt phải tuyển người để lấp lại hậu cung, thật sự là tâm như tro tàn.
Trần Khâm đỡ lấy tôi bước lên bậc tam cấp, tôi nói với gia nhân đứng canh, mau vào trong báo cho quan tri phủ, cô ba đã về rồi, muốn được gặp quan. Tên gia nhân này hình như cũng nhớ mặt tôi, vội chạy ngay vào trong báo lại. Chưa tới nửa khắc sau anh ta đã chạy ra đưa tôi vào.
Trần Khâm cẩn thận dìu tôi vào trong, tôi nhìn xung quanh một vòng, cảm thấy mọi thứ ở đây vẫn y như những gì tôi gặp trong giấc mơ, từng tán cây ngọn cỏ đều rất giống, giống đến nao lòng. Mọi thứ vẫn vậy, chỉ có tôi là thay đổi. Năm tôi lên mười, mẹ tôi mất, hình như lúc ấy cha tôi cũng dần quên mất tôi, cuộc sống tôi chỉ quanh quẩn bên mẹ kế Lâm thị và ba người con của bà ta: Tô Bình, Tô Ngọc Lan, Tô Kim Lan, mà cả ba người đó, đều đối với tôi có mục đích xấu. Bây giờ nhìn lại quá khứ, tuy không còn căm ghét như trước nữa, nhưng thật khiến người ta phải thở dài.
Hai chúng tôi bước vào gian bên trái, đã thấy cha tôi và mẹ kế ngồi trên sập uống trà, Tô Kim Lan thì quỳ một bên têm trầu, rất có không khí của một nhà đầm ấm, chỉ có tôi bước vào là lạc lõng thôi. Gương mặt họ đúng là rất quen thuộc nhưng chẳng khiến tôi có chút cảm tình nào. Tôi nhìn bọn họ vẫn rất thong dong nhàn tản, có lẽ chưa biết được kết cục của hai đứa con mình đắc ý nhất trong cung thê thảm thế nào.
Khi bước vào, Tô Kim Lan liền nhìn tôi từ trên xuống dưới một lượt rồi bĩu môi, chắc có lẽ thấy tôi ăn vận như một kẻ nghèo hèn, tôi nhìn sang Trần Khâm cảm thấy anh ta cũng không khá khẩm hơn là bao. Chậc, đứa con xa xứ lâu ngày không về, lúc trở về lại tàn tạ nhếch nhác, thật khiến người ta chê cười.
- Con gái ra mắt cha mẹ, con gái đã về thăm nhà đây ạ.
Lâm Thị lúc này mới giống như phát hiện ra tôi, cười mỉa nói:
- Năm đó ta nghe Ngọc Lan nói mi vì không muốn vào cung đã bỏ trốn theo nhân tình, bây giờ xem ra đã hối hận rồi nhỉ? Trở về đây vì bên ngoài sống không nổi sao? Trở về thì trở về, dù các người làm cô làm cậu nhà này vẫn phải làm việc cho nhà ta đấy nhé.
Tôi lén lút ngó Trần Khâm một cái, thấy sắc mặt anh ta vẫn bình thường mới nhẹ thở phào một cái, xem ra anh ta cũng không tin cái lý do ấu trĩ mà Tô Ngọc Lan bịa ra. Mà khoan, anh ta nghĩ gì thì mặc kệ anh ta chứ, tôi lo lắng làm gì? Tô Ngọc Lan này cũng thật độc ác, đã ra tay giết người còn muốn hủy đi thanh danh của người ta. Còn Lâm thị, tôi vừa trở về đã đánh đòn phủ đầu, sợ tôi về ăn không của nhà bà ta hay sao?
Tên nhân tình bên cạnh tôi nghe vậy thì thản nhiên đáp:
- Bọn ta đi công vụ chỉ tiện thể ghé ngang qua do Linh Lan muốn về thăm cha mẹ em ấy chứ không hề muốn về đây ăn bám đâu ạ, dì không cần phải lo lắng. Hơn nữa đây là nhà em ấy, cha cũng chưa từng thẳng mặt nói đuổi em ấy đi mà. Bọn ta ở bên ngoài cũng sống rất vui vẻ hạnh phúc, không phiền dì phải âu lo.
Tôi cười nhìn Trần Khâm, sao tôi không phát hiện ra anh ta lại miệng lưỡi như vậy nhỉ, có điều nói cũng thật đúng ý tôi. Chỉ có một chuyện, anh ta muốn nói thì cứ nói, sao phải nắm chặt tay tôi làm gì chứ, thật ngại muốn chết đi được.
Lâm thị nghe thế thì giận đến nghiến răng nghiến lợi, lập tức đập chén trà xuống dưới chân bọn tôi, quát lên:
- Thật là hỗn xược, đúng là kẻ đầu đường xó chợ không hiểu phép tắc.
Ồ, nếu như bà ta biết kẻ đầu đường xó chợ trong miệng bà ta là vị quan gia nào đó trong kinh thành thì không biết biểu hiện của bà ta sẽ thế nào nhỉ.
Tô Kim Lan ở bên cạnh Lâm thị vội khuyên nhủ:
- Mẹ, chị ba mới đưa anh ba về ra mắt gia đình, mẹ chừa cho chị ấy chút mặt mũi đi mẹ.
Tôi lại không biết Tô Kim Lan lại hiểu chuyện như vậy. Trong ký ức của tôi, Tô Kim Lan chính là một kẻ đanh đá chua ngoa, không có đầu óc. Nếu so sánh với chị của ả ta là Tô Ngọc Lan thì đúng là một trời một vực.
Lúc này khi đã náo loạn xong xuôi, cha tôi mới ngồi từ trên sập ngó xuống hai người chúng tôi, ôn hòa nói:
- Nếu đã về thì cứ ở lại đây đi. Bây đâu, dọn dẹp phòng ốc lại cho cô cậu ở.
Tôi và Trần Khâm cùng cúi đầu tạ ơn. Người cha này, không biết có bao nhiêu phần phước mà lại được bệ hạ gọi cha, cúi đầu tạ ơn đây nhỉ.
Tôi đưa Trần Khâm về viện nhỏ của mình, nơi đây giống như vẫn còn nguyên hình dạng của những ngày mà tôi còn ở trong phủ, có điều bụi bặm đã chất dày thành lớp, chắc là bình thường chẳng ai quan tâm.
Trong lúc đợi nô gia thu dọn sạch sẽ, tôi đưa Trần Khâm đi bái tế mẹ mình ở gian thờ. Mẹ tôi là người duy nhất thật lòng yêu thương tôi trong nhà này, chỉ đáng tiếc bà mất sớm. Hơi ấm của mẹ từ lâu tôi đã không còn nhớ rõ nữa rồi.
Tôi thắp nhang cho bà, xúc động nói:
- Mẹ ơi, con đã về thăm mẹ đây, nhưng lần này chỉ sợ là lần cuối con về đây rồi. Mẹ trên trời đừng lo cho con nhé, con bây giờ sống rất tốt.
Trần Khâm thấy tôi khấn, cũng thắp nhang rồi khấn theo, anh ta nói:
- Mẹ yên tâm, con nhất định chăm sóc tốt cho Linh Lan, không để em ấy phải chịu khổ nữa. Con hứa với mẹ suốt đời suốt kiếp này sẽ thương yêu, bảo vệ em ấy thay mẹ.
Tôi trừng mắt nhìn anh ta:
- Ai là mẹ anh chứ?
- Mẹ em cũng là mẹ ta, nhỏ mọn cái gì chứ. Cha mẹ ta cũng nhường cho em luôn.
- ...
Nói chung ngày đầu tiên ở Tô phủ cũng không có trở ngại gì lớn, trong lúc ăn cơm cha tôi hỏi Trần Khâm tên họ là gì, công việc ra sao. Anh ta bảo tên là Trịnh Khởi, chỉ làm buôn bán nhỏ ở Vạn Kiếp, vì đường sá quá xa xôi mà sức khỏe tôi thì yếu ớt nên tới tận hôm nay mới đưa tôi trở về thăm nhà được. Trong nhà cũng tạm đủ ăn đủ mặc, gia cảnh đơn chiếc chỉ còn một mình anh ta thân cô thế cô.
Tôi nhìn tên "Trịnh Khởi" đang ăn cơm rất ngon lành bên kia mà không có một chút biểu hiện nào của sự chột dạ thì thầm than, tính cách của thằng nhóc Thuyên đúng là được truyền từ anh ta sang rồi.
Buổi tối tôi nằm lăn qua lộn lại trên giường, Trần Khâm nằm nghiêng chống cằm nhìn tôi khiến tôi không tài nào ngủ được, nhìn chán chê rồi thì anh ta bỗng nói:
- Hôm nay về rồi, tâm trạng đã đỡ hơn chưa, có còn cảm thấy hận hay không?
Tôi nhìn anh ta, cũng không ngờ là Trần Khâm lại quan tâm đến cảm xúc của mình như thế. Chuyện nhà tôi chỉ kể cho anh ta đúng một lần, vậy mà anh ta lại nhớ rõ, và còn cố ý đưa tôi đi. Trần Khâm, hôm nay anh đối đãi với tôi như thế, là do đơn thuần thích tôi hay sao? Tôi gác tay lên trán, khẽ thở dài:
- Chuyện này đối với tôi, cũng chỉ còn mờ nhạt như một đời trước. Vốn dĩ nghĩ là hận, nhưng hiện tại gặp gỡ, lại không cảm thấy chấp nhất như trước nữa. Chắc có lẽ gặp gỡ nhiều người, nhận sự quan tâm từ nhiều người, khoảng trống trong lòng cũng dần được khỏa lấp rồi. Bệ hạ, cảm ơn anh đã quan tâm tôi nhiều như vậy.
Trần Khâm ôm chặt lấy tôi, thổn thức:
- Đã là vợ chồng mà còn nói mấy lời này thật là không hiểu chuyện! – Anh ta nói thế rồi cũng thở dài – Hôm đó nhìn thấy những vết sẹo chằng chịt trên lưng em, ta đã hạ quyết tâm đời này sẽ bảo vệ em thật tốt. Vết sẹo trên bả vai của em là do ta gây ra, ta cũng sẽ chịu trách nhiệm.
- Ồ, chịu trách nhiệm gì đây? Vàng bạc châu báu hay quyền cao chức trọng?
Trần Khâm cười cười hôn tôi, thì thầm vào tai tôi:
- Ta chấp nhận lỗ vốn, chịu trách nhiệm với em một đời được không?
Tôi nằm trong vòng tay anh ta, cảm thấy sự ấm áp trước giờ chưa từng có, nhưng lại có chút căng thẳng, cho đến khi tiếng thở đều đều vang lên bên tai mới dần thả lòng được.
Đêm nay thật khó ngủ, tôi chui ra khỏi vòng tay của Trần Khâm, đắp chăn cho anh ta cẩn thận, rồi bước xuống giường. Bởi thích đọc sách nên trong phòng tôi trước đây có rất nhiều thơ và ca dao, kể cả khi mất trí thì thói quen đó vẫn không thay đổi. Tôi bước đến giá sách từ rất lâu rồi đã không chạm vào, lấy một quyển thơ của Lý Thanh Chiếu, lại chong đèn lên, bất giác ngâm nga:
"Ai bạn bên song ngồi tựa?
Chiếc bóng với ta hai đứa.
Đèn tắt chực đi nằm,
Bóng cũng bỏ ta trơ đó.
Vò võ!
Vò võ!
Khéo cảnh thê lương mắc mớ."
Trong trang thơ đó rơi ra một tờ giấy đã cũ, chính là bút tích của tôi, nhưng lật mặt sau lại có thêm mấy dòng ẩn hiện, nét chữ cứng cáp, tinh tế có lực, viết rằng:
"Linh Lan em ơi, từ xa xôi dời bước đến thấy em đang còn say giấc mộng vàng, không nỡ đánh thức, đành lặng lẽ dời gót đi. Lần từ biệt này có lẽ một năm, hai năm, hay ba năm ta cũng không chắc chắn được, chỉ sợ lành ít dữ nhiều. Chỉ mong em đừng trách kẻ này không từ mà biệt, khi nào đại cục đã ổn, ta lại đến tìm em, hi vọng em vẫn đơn thân lẻ bóng, để ta giữ vẹn lời thề."
Tôi lật trang giấy, thấy mình viết rằng:
"Đằng đẵng một năm đã có bốn mùa xoay chuyển mà chưa thấy người trở lại, tôi thì đợi được nhưng chỉ sợ cường quyền ép uổng. Nay tôi được chọn làm vợ vua, chỉ sợ không thể trọn vẹn cùng người. Nhớ mãi bóng hình người đứng dưới tây hiên, cầu lam vườn thúy làm sao tái ngộ?"
Đau đớn giày vò kia giống như chỉ mới hôm qua, tôi ôm lấy ngực mình, trong lòng đột nhiên dâng lên uất nghẹn. Tôi cố gắng dằn xuống tâm trạng khác thường, cho dù thật sự trước đây tình yêu đó có tồn tại mãnh liệt cỡ nào thì bây giờ tất cả đã là quá khứ, anh ta đã bỏ mặc tôi chết dưới chân núi Yên Tử. Kể từ hôm ấy, Tô Linh Lan của ngày xưa đã chết rồi, những ký ức dù trắng dù đen thì hãy chôn sạch nó đi.
Tôi giơ tờ giấy lên ngọn đèn, một mồi lửa thổi sạch toàn bộ. Ngẩn người, đột nhiên bất chợt nước mắt chảy ra.
- Vĩnh biệt! – Tôi nói.
{{{
Trở về nhà không thể bình an nỗi đến ngày thứ hai.
Hôm nay trùng hợp là ngày giỗ mẹ tôi, cha tôi cũng xem như cho tôi chút mặt mũi, đám giỗ mẹ để tôi đứng ra lo liệu. Tôi bận đầu tắt mặt tối, lo chuẩn bị cỗ cúng mẹ và tiếp đãi họ hàng, cho dù những người họ hàng đó tôi cũng chẳng nhớ một ai. Trần Khâm cũng rất trọn đạo làm chồng, hôm nay anh ta giống như chính thức ra mắt bên nhà vợ nên vô cùng hăng hái, lại ăn nói khéo léo nên rất được lòng họ hàng của tôi.
Mà cũng bởi cái sự hăng hái đó của anh ta, chỉ mới tầm một hai canh giờ là anh ta đã say không thấy đường về. Tôi định đưa Trần Khâm trở về thì Lâm thị gọi lại, bảo rằng:
- Hôm nay giỗ mẹ ngươi, quan khách còn chưa về, đã vội về rồi ư?
Tôi bực mình nhìn bà ta, thật là, đám của vợ cả đáng ra nên để bà ta lo liệu. Tôi nhìn họ hàng bên mẹ, đều từ xa đến thăm nên đành ở lại. Tôi gọi gia nô đưa Trần Khâm về phòng trước.
Tôi nghĩ xong ngày giỗ mẹ, cũng nên trở về rồi, khúc mắt cũng đã gỡ, chẳng còn lưu luyến. Còn chuyện của Tô Bình và Tô Ngọc Lan thì cứ thuận theo tự nhiên, không cần phải đả kích họ.
Ấy thế nhưng không phải ta cứ muốn yên bình thì trời sẽ sóng yên biển lặng. Lúc tôi đang tất bật ở nhà trước thì nhà sau lại sinh chuyện ầm ĩ, tôi vội hớt hải chạy đi xem, cả khách lẫn chủ đều lũ lượt rời khỏi gian chính. Cái tôi không ngờ được nơi xảy ra chuyện lại ở trong trạch viện của mình.
Lúc này cửa phòng đã mở toang, Trần Khâm đang đứng khoanh tay tựa cửa, vẻ mặt tỉnh táo không có chút biểu hiện nào của kẻ đang say. Anh ta từ xa trông thấy cha tôi bước nhanh tới, liền cười hỏi:
- Cha là tri phủ ở đây, đúng lúc con muốn hỏi em vợ đi quyến rũ anh rể làm chuyện trái với luân lý, đồi phong bại tục thì được tính là tội gì?
Nét mặt của Trần Khâm ẩn chứa ý cười nhưng chỉ có tôi nhìn ra anh ta đang vô cùng tức giận. Tôi nhìn xuống chân anh ta thì thấy Tô Kim Lan chỉ mặc một chiếc yếm cùng váy trong, phần da thịt trắng nõn nà bị phơi bày ra giữa thanh thiên bạch nhật trước ánh mắt của biết bao người. Tôi dần hiểu ra nguyên nhân, thảo nào cả ngày nay Tô Kim Lan này cứ quấn lấy Trần Khâm, thì ra là nhìn thấy mỹ mạo của anh ta nên sinh ra lòng riêng như thế.
Tô Kim Lan lần này xui xẻo chọc giận long nhan rồi.
Tôi từ phía sau bước đến cạnh Trần Khâm, mỉa mai nói:
- Em thích chồng chị sao không nói với chị, ta là chị em máu mủ ruột rà, chị từ xưa đến nay có tiếc gì với em đâu, cớ sao lại âm thầm sau lưng chị mà làm điều quấy thế kia?
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT