Trans: Nhật Nguyệt Phong Hoa

***

Tạ Trường Yến trầm tư giây lát, cười nói: "Muốn tìm ngài ấy là chuyện khó còn hơn lên trời nhưng ngài ấy tìm con thì rất dễ dàng."

"Con muốn dụ ngài ấy tới? Bằng cách nào?"

Tạ Trường Yến nháy nháy mắt.

Nàng chạy khắp các tiệm xe trên trấn, cuối cùng tìm được một chiếc ưng ý ở một nhà nọ.

Thùng xe dài gần một trượng, rộng năm tấc, vô cùng to. Nhưng do để lâu không bảo dưỡng nên trông bẩn vô cùng, có vài chỗ còn lên nấm mốc.

"Năm trước có một vị khách tới đặt chiếc xe này, bảo là dùng để chở quan tài. Nhưng mà giao tiền xong mãi không thấy đến lấy, chúng ta hối thúc rất lâu cuối cùng người ta nói là không cần nữa, bây giờ chỉ dùng làm chỗ chứa đồ linh tinh."

Tạ Trường Yến sờ mó hết mọi ngóc ngách trên dưới thùng xe, trầm ngâm nói: "Ta muốn cải tạo một chút."

"Không thành vấn đề. Lưu sư phụ ông qua đây, khách nói muốn cải tạo xe." Nhà tiệm gọi một lão thợ mộc tới. Tạ Trường Yến nói ra yêu cầu xong, ai nấy đều tròn xoe mắt.

"Sao thế? Không được à?" Tạ Trường Yến hỏi.

"Được thì được nhưng mà... trước nay không ai làm vậy cả." Lão thợ mộc khó xử.

Tạ Trường Yến mím môi cười: "Bây giờ có rồi."

Lão thợ mộc gọi vài đồ đệ tới bắt đầu cải tạo xe ngựa dưới sự chỉ dẫn của Tạ Trường Yến. Do cần hoàn thành sớm nên sản phẩm làm ra rất thô sơ nhưng miễn cưỡng tính là đạt yêu cầu.

Thân xe quét lại nước sơn, thêm ngói trên nóc, biến thành một căn phòng nho nhỏ. Trong phòng chia thành hai phần trước sau, phần trước đặt trường kỷ nhuyễn tháp để nghỉ ngơi, phần phía sau có bình phong chắn lại làm thành phòng ngủ, hai người chung một phòng vẫn dư sức. Dưới giường ngủ là đủ loại ngăn kéo, bên trong để những món đồ lặt vặt. Tuy không gian nhỏ nhưng cái gì cũng có, tủ quần áo, bàn trang điểm, chén trà, bàn cờ và những món trang trí khác đều được đóng đinh cố định trên xe, còn chuẩn bị cả bô và chậu rửa mặt. Điểm đặc biệt là trên nóc xe có gắn có một cái thùng to dùng để chứa nước, có ống dẫn thông thẳng vào chỗ chậu rửa mặt trong xe, tiện để lấy nước rửa mặt khi xe chạy.

Ngoài ra, vách xe sau đặt ba hàng cung tên, ấn vào cơ quan có thể ngăn cản tấn công từ phía sau. Trục bánh xe đặt ba tấc lưỡi dao, bình thường sẽ thu lại trong bánh xe, lúc cần thì ấn xuống có thể phát động lúc nguy cấp.

Đây một chiếc xe mới kết hợp từ xe chiến và xe phòng. Lưu sư phụ làm nghề mộc bốn mươi năm, đây là lần đầu tiên chế tạo đặc biệt mới lạ thế này.

Điều đáng kinh ngạc hơn là Tạ Trường Yến mới nhiêu đấy tuổi mà hiểu biết về kết cấu xe ngựa còn nhiều hơn ông ấy.

"Xin hỏi... người cải tạo xe này là để làm gì thế?" Lưu sư phụ do dự một lúc, không kiềm được tò mò hỏi.

Sau đó thấy tiểu cô nương kỳ quái ấy mỉm cười: "Dùng xe thay nhà, đi khắp nơi nhìn ngắm, tiện bề hấp dẫn sự chú ý của người nào đó."

Một chiếc xe ngựa nổi bật thế này chắc chắn sẽ truyền tới tai Công Thâu Oa. Làm sao hắn có thể không đến xem cho được?

Tạ Trường Yến nắm chắc mười mươi việc này, nhưng điều nàng không chắc là... giá cải tạo xe không hề rẻ, nhà tiệm có chịu ưu đãi cho nàng hay không.

Nàng lấy hết dũng khí đi gõ cửa phòng ông chủ hàng xe, thương lượng chưa đến nửa tuần hương thì đã bị hai người đầy tớ đuổi ra ngoài.

"Không có tiền mà ngươi còn yêu cầu này yêu cầu nọ?" Ông chủ tức muốn xì khói.

"Ta có thể tặng bản vẽ của xe cho ông, ông cứ chế tạo theo đó chắc chắn có thể tìm được khách mới, tiền vào như nước."

"Phì! Ngoài người điên như ngươi thì còn ai thèm cái xe đó? Cút cút cút! Đừng để ta nhìn thấy mặt ngươi nữa, phí hết thì giờ của bọn ta!"

Tạ Trường Yến nóng ruột nói: "Vậy bây giờ chiếc xe đó phải làm sao?"

"Khi nào ngươi gom đủ tiền thì lại chuộc! Cút đi!"

Tạ Trường Yến bị đuổi ra khỏi cửa tiệm. Lưu sư phụ đứng ở xa xa nhìn nàng, định nói gì đó nhưng cuối cùng đành thôi. Xe không bán được, ông ấy cũng không lấy được tiền công, công sức làm mấy hôm nay coi như uổng phí.

Tạ Trường Yến cảm thấy rất có lỗi với ông ấy.

Trước đây nàng không hề cho rằng tiền là vấn đề. Tạ gia tiết kiệm, mẹ có bổng lộc, ăn mặc không cần lo. Sau khi vào kinh, mọi chi tiêu đều tính vào sổ của triều đình, tiền tài càng là vật ngoài thân.

Đợt này rời kinh, xe ngựa là bệ hạ chuẩn bị, khách điếm cũng là bệ hạ bỏ tiền, nên mãi đến bây giờ mới nhận ra tiền trên người nàng và mẹ còn không đến hai lượng vàng.

Hai lượng vàng đủ để ngồi thuyền về Ẩn Châu, nhưng muốn mua một chiếc xe thì còn lâu mới đủ.

Bởi thế, sau khi trả trước một lượng vàng đặt cọc, Tạ Trường Yến bắt đầu sầu não. Sầu rồi sầu, sầu đến tận bây giờ: xe đã xong nhưng không còn tiền dư thanh toán.

"Cam La biện giải cứu tổ phụ, Phùng Huyên gõ kiếm được cả xe cá(*). Sao tới lượt mình, tài ăn nói không có tác dụng vậy?" Đến cả thánh chỉ của thiên tử nàng còn từng biện luận thuyết phục nổi, thế mà không thuyết phục được ông chủ tiệm xe giảm cho mười lượng vàng.

(*) Thần đồng Cam La châm chọc Tần Thuỷ Hoàng cứu ông nội.

Tích Phùng Huyên làm thực khách nhà Mạnh Thường Quân.

Tạ Trường Yến thở dài, đứng dậy phủi bụi rồi quyết định về khách điếm.

Không có tiền đồng nghĩa với không có xe, không có xe đồng nghĩa không có Công Thâu Oa, không có Công Thâu Oa đồng nghĩa không có tương lai.

Rầu ghê...

Tạ Trường Yến vừa đi vừa nghĩ làm sao để có tiền, bất giác tự cười mình, nếu ngũ bá bá biết nàng biến thành người vật chất như vậy không biết sẽ có vẻ mặt gì. Nhưng mà, bây giờ nàng không còn là hoàng hậu nữa, e là ngũ bá bá nhìn cũng lười nhìn nàng.

Mới bước vào khách điếm, còn chưa đến viện đã nghe tiếng ồn ào phía trong đó.

Tạ Trường Yến giật mình, tưởng mẹ xảy ra chuyện gì, lập tức xông vào. Một đám người túm tụm trước cửa viện đang tặc lưỡi khen ngợi.

"Nở rồi! Nở rồi này! Ba đoá đấy!"

"Sống thật rồi này! Không ngờ đời này còn có thể thấy được hoa mai ở Vị Lăng, điềm lành đấy!"

Một người bất mãn nói: "Mai là xui rủi, điềm lành ở đâu ra?" Chưa nói hết thì bị những người khác đánh đuổi ra ngoài.

Tạ Trường Yến len lỏi qua đám người đi vào, thấy Trịnh thị và ông chủ khách điếm đang nói gì đó. Ông chủ nhìn thấy nàng lập tức tươi cười chạy qua, cúi người với nàng.

Tạ Trường Yến vội né ra: "Ông chủ cần gì đại lễ thế?"

"Cần chứ cần chứ! Cây mai này của ta nhờ vào bàn tay diệu kỳ của khách quan người mới sống lại, còn nở hoa nữa! Người là quý nhân của ta đấy!"

Tạ Trường Yến bước đến trước cây mai, trên những cành cây khô bị cắt trụi lủi đã mọc ra mấy nhánh nhỏ, một nhánh trong đó còn ló ra ba nụ hoa, dù nhỏ nhưng căng tràn sức sống.

Đôi mắt Tạ Trường Yến bất giác đỏ lên. Nhìn sang ông chủ, mắt ông ấy cũng đỏ hoe: "Người có điều không biết, đứa con gái nhỏ không may chết yểu của ta tên Mai Nhi, tâm nguyện trước khi mất của con bé là được nhìn thấy hoa mai nở. Ta tốn biết bao tiền tài chuyển cây từ phía Nam về, trồng trong viện hứng nhiều ánh nắng nhất, nhưng trồng cây nào thì chết cây đó, bây giờ đã tám năm trôi qua... Nếu con bé còn sống chắc cũng lớn bằng người rồi..."

Người không cam tâm, hành động không cam tâm, cuối cùng sẽ tạo nên kỳ tích.

Tạ Trường Yến chìa tay cẩn thận sờ vào ba nụ hoa đó, khoé môi nở nụ cười.

Đêm, dưới ánh đèn, Tạ Trường Yến đang vẽ lại bản đồ kênh đào theo trí nhớ thì Trịnh thị đi vào, đặt một chiếc túi lên kỷ.

Tạ Trường Yến mở ra xem, bên trong đầy ắp một túi tiền, nàng ngỡ ngàng: "Đây là?"

"Lúc sắp xếp hành lý phát hiện ra vài món đồ vô dụng bèn dứt khoát bán đi." Trịnh thị nói rất đơn giản nhưng Tạ Trường Yến nghẹn ngào trong lòng, ánh mắt lướt qua tai bà ấy. Bông tai của mẹ quả nhiên không còn nữa.

Tạ Trường Yến trả túi tiền lại cho Trịnh thị.

Bà ấy ngạc nhiên: "Sao vậy?"

"Mẹ giữ để phòng thân đi, con không cần đâu."

"Nhưng xe của con..."

"Nếu đi theo con gái mà mẹ phải bán quần áo trang sức kiếm sống thì con còn mặt mũi nào ra biển dốc sức vì nước nhà?" Tạ Trường Yến nhìn tấm bản đồ mình vẽ, cười nói: "Tin con đi, sẽ có cách thôi."

Trịnh thị nhìn nàng một hồi rồi nhận lại túi tiền: "Được."

Ngày hôm sau, Tạ Trường Yến lại đến tiệm xe. Ông chủ đang định đuổi người thì nàng đề ra một kiến nghị.

"Cho thuê?"

"Phải. Quý tiệm mở tại nơi này vì nhắm trúng bến cảng nhiều người qua lại. Nhưng ở đây người cần xe thì đều có xe rồi, lượng cầu xe ngựa không nhiều. Thế nên ngoài buôn bán xe quý tiệm còn cho thuê để thương khách chuyên chở vật phẩm." Tạ Trường Yến phân tích, "Nhưng theo ta thấy, nghề này một năm, à không, nửa năm tất sẽ tiêu vong."

"Tại sao?"

"Bởi vì kênh đào." Đây là kết luận Tạ Trường Yến quan sát mấy hôm nay mà có được, "Vốn dĩ muốn từ Ngọc Kinh về Ẩn Châu theo đường thuỷ chỉ có một lựa chọn là cảng Vị Lăng. Nhưng một khi kênh đào Ngọc Tân khai thông, mọi người sẽ đổi hướng, thêm vào đó, hướng dòng chảy thay đổi, nơi này đến mùa đông sẽ đóng băng, lâu dần, trấn này sẽ trở nên vắng vẻ, người không lui tới nữa thì xe ngựa của ngài cho ai thuê?"

Ông chủ nhíu mày: "Vậy ngươi tính thế nào?"

"Mỗi ngành mỗi nghề, muốn thành công, có hai bí quyết: một là hiểu nhu cầu thực tế, hai là mới mẻ thú vị. Ngài nên giành cơ hội thị trường trước, bắt đầu từ bây giờ, dùng xe ngựa ta cải tạo chở khách, thu phí đắt vào, người theo xe phải lanh lợi để người ta có ấn tượng sâu sắc. Sau đó trên đường đến kênh đào, ưu tiên bán danh tiếng trước bằng cách bày những chiếc xe ngựa thế này. Khi ấy, chỉ cần trông thấy xe ngựa to là sẽ nghĩ ngay đến quý tiệm. Mở rộng nhu cầu, lấy được tiếng tăm mới có thể bất bại." Tạ Trường Yến nói hăng say, đôi mắt phát sáng, "Ta nguyện tiên phong, ngài cho ta một chiếc xe, ta sẽ xuống phía Nam theo đường kênh đào, rêu rao, khuếch trương danh tiếng cho ngài."

Ông chủ cười ha ha, sau đó sầm mặt, vẫy tay gọi người làm đuổi nàng ra ngoài.

"Không ngờ một đứa con gái như ngươi mà dám đặt điều bịa chuyện! Cút cút cút! Còn nói nhăng nói cuội nữa ta báo quan bắt ngươi!"

Tạ Trường Yến bị ném ra ngoài, bụi đất đầy mặt.

Bấy giờ, kế bên cạnh có người cười khẽ.

Thật ra người chỉ chỉ trỏ trỏ xung quanh không ít nhưng tiếng cười này lọt vào tai nàng nghe rõ đến lạ.

Tạ Trường Yến giật mình, vội quay đầu, nhìn thấy Thu Khương đang ngồi trên nóc xe, đung đưa đôi chân dài, xem góp vui với những người xung quanh.

Sao nàng ta còn ở đây? Chẳng phải... đã theo mọi người ra biển rồi sao?

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play