Ngày thứ ba sau khi tôi chết..

"Vẫn còn chút thời gian đã vội đi vậy sao?"

"Như vậy là được rồi, người đã chết không thể sống lại, ở lại thêm sẽ khiến bản thân quyến luyến mà chẳng thể rời đi, từ đây trở đi âm dương cách biệt."

"Sẵn sàng sang thế giới bên kia rồi chứ?"

"Tôi cũng không muốn trốn chạy." – tôi mỉm cười, nụ cười có đau đớn và hạnh phúc, có dữ dội chất chứa trong bình yên, đây là cách tôi đối diện với cuộc sống này từng ngày. – "Cảm ơn ngài, tử thần!"

Sau đó, tôi nhận ra bản thân mình trôi dạt vô định trong vòng luân hồi, trước khi rời đi còn kịp nghe thấy những lời của thần chết: "Đúng là ngu ngốc!"

Những kẻ lạ mặt với khuôn mặt kì dị gớm ghiếc đến từ địa ngục xuất hiện và dẫn tôi đi, chúng còn tệ hơn cả những gì tôi từng được nghe kể. Ngay cả những bức họa về quỷ sai địa ngục cũng không lột tả chính xác thần thái đủ để dọa chết người khác này. Bọn họ cứ vậy mà dẫn tôi đi, tôi chẳng biết mình đã đi qua những đâu, xung quanh tối đen như mực chỉ có cảm giác ớn lạnh chạy dọc sống lưng, cõi âm quả là một nơi u ám và lạnh lẽo.

Trước mặt tôi lúc này là Quỷ Môn quan với mười sáu quỷ lớn, nghe nói Diêm La Vương đã đặc cách chọn ra một nhóm quỷ để trấn giữ ải này, mỗi người qua đây đều bị tra xét rất hà khắc, nghiêm ngặt. Quỷ Môn quan này quả thực đáng sợ, mười sáu gương mặt gớm ghiếc kì dị không ngừng dò xét, nhìn thấu từng ngóc ngách trong tâm hồn bạn, xem xét tỉ mẩn những việc bạn đã làm trong quá khứ.

"Hồn ma kia, không mau tới đây khai báo."

Hồn siêu phách tán ban nãy đã trở về tự lúc nào, tôi rụt rè cẩn trọng làm như họ yêu cầu. Ở nơi địa ngục âm ti này vốn đã rất tối và lạnh, lại thêm mười mấy quỷ thần thế này cũng đã là thử thách lòng can đảm lắm rồi. Họ thì thầm bàn tán với nhau chuyện gì đó, lát sau một người ngồi ở hàng cao nhất, phán: "Thanh danh trong sạch, không làm việc ác, không may gặp nạn mà qua đời. Vong linh tiếp tục tiến vào cõi luân hồi."

Qua khỏi Quỷ Môn quan phải đi qua một con đường dài đằng đẵng gọi là đường Hoàng Tuyền, hai bên đường nở rộ một loài hoa đỏ rực như máu, nhân gian gọi đây là hoa bỉ ngạn – loài hoa của cõi âm, trông xa cứ ngỡ như một thảm máu trải dài. Bỉ ngạn ngàn năm hoa nở, ngàn năm hoa tàn, hoa vừa nở lá đã vội tan, có lá không hoa, thấy hoa không lá. Chung một rễ mà chẳng thể gặp, cứ nhớ thương mà ôm sầu thương nhớ. Vạn kiếp luân hồi, vạn kiếp bi. Không ngờ rằng xuống đến nơi âm ti địa ngục này vẫn còn phải chứng kiến nỗi yêu hận tình si. Tình là gì mà đau đớn và bi ai đến thế? Thấy nhau mà chẳng thể gặp mặt, cứ mãi sầu bi nhớ nhung. Mạnh Bà Thang ai quên ai nhớ, cầu Nại Hà ai ngóng ai trông.

Trên con đường Hoàng Tuyền này còn có rất nhiều cô hồn dã quỷ. Họ đã không thể lên trời, cũng chẳng thể đầu thai, càng không thể đi đến âm gian, chỉ có thể lang bạt nơi đây. Họ giống những vong hồn còn quyến luyến trần gian, còn nhiều điều dang dở nhưng chẳng thể trở về được nữa.

Con đường Hoàng Tuyền này, dường như kéo dài đến vô tận. Cả không gian thấm đượm một nỗi u buồn, tựa như nước mắt của loài hoa bỉ ngạn – thấy hoa mà chẳng có lá. Tương truyền loài hoa này biểu tượng cho sự phân ly, đau khổ và là vẻ đẹp của cái chết. Bỉ ngạn hoa tuy đẹp nhưng gợi cho người ta một nỗi bi thương, hoa nở dọc con đường Hoàng Tuyền chốn U Minh, đơn độc trơ trọi chẳng thấy lá, những cánh hoa mảnh mai tựa như những giọt nước mắt. Chẳng thế mà bỉ ngạn còn có tên gọi Mạn Châu Sa Hoa.

Có nhiều truyền thuyết về loài hoa này, cũng có nhiều dị bản khác nhau, nhưng về cơ bản tất cả mọi dị bản đều muốn nói về một thứ: Loài hoa này chính là sự chia ly, là yêu hận tình si của ái tình. Lá một màu, hoa một màu, vĩnh viễn cùng thân nhưng chẳng gặp được nhau. Loài hoa này nở ở âm giới dẫn người đã chết vào cõi u minh.. Chà, đây mà là một câu chuyện ngôn tình thì tôi nhất định sẽ khóc, nhưng tôi đã khóc cho cuộc đời của chính mình quá nhiều rồi, tôi chỉ có thể đồng cảm nỗi đau đớn mà bỉ ngạn kia đang phải chịu đựng thôi. Cứ như vậy, đi qua hết quan này lại quan khác, chẳng mấy chốc mà đi đến tận cùng của đường Hoàng Tuyền, trước mắt tôi lúc này là một tảng đá phải cao đến vài thước, khổng lồ kiên cố, phía bên trên tảng đá khắc bốn chữ đỏ như máu: Tảo Đăng Bỉ Ngạn. Đây, có phải chính là Tam Sinh thạch?

Nghe nói rằng tảng đá này ghi chép lại đời này, đời sau và cả đời trước của mỗi người, bởi vậy mà có cái tên gọi Tam Sinh. Trăm nghìn năm nay, nó đã chứng kiến sầu khổ và mừng vui, bi ai và hạnh phúc, nụ cười và cả nước mắt, hết thảy mọi món nợ và tình cảm phải trả của tầng tầng lớp lớp chúng sinh. Tảng đá này đều thấu tỏ hết. Tảng đá thực sự rất cao, cứ sừng sững đứng đó như thế, không hoan lạc, cũng chẳng bi ai. Những chuyện của đời này và cả đời trước, bây giờ chết đi rồi, ngẫm lại cũng chẳng có tác dụng gì. Không thể quên đi, cũng không thể nhớ nhung cho hết, những chuyện đã qua rồi, cứ vậy mà bước qua, không thấy không có nghĩa là đã quên..

Vọng Hương đài, cũng chính là Thổ Cao đài, ở nơi này có thể lên đài và nhìn về dương thế. Kiến tạo của Vọng Hương đài rất kỳ lạ, trên rộng dưới hẹp, mặt như cánh cung, lưng như dây cung ngang nhau, ngoài một con đường đá rất nhỏ ra còn lại đều là núi đao rừng kiếm, hiểm trở vô cùng. Đứng ở trên đó toàn thể năm châu bốn biển đều có thể nhìn thấy. Chẳng rõ tự khi nào nơi đây đã trở thành cửa sổ nhìn về dương gian của quỷ hồn và thánh địa, là nơi liên lạc tình cảm giữa người sống và người chết. Đứng ở đây mà nhìn về quê hương, có thể thấy người thân đang khóc lóc thảm thiết, có thể khóc lớn một trận cho hết hi vọng và đi đến "Âm Tào Địa Phủ".

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play