Tôi không biết rằng có ai lạ đời và ngộ nghĩnh như tôi không. Thuở còn là sửu nhi với phong thái trẻ trâu, tôi là một đứa trẻ hay cười, dễ bắt chuyện, dễ làm quen.
Tôi hoà đồng, thân thiện đến mức xóm trên, xóm dưới không ai là không biết con bé tóc ngắn cũn cỡn, cái mái chó gặm lởm chởm, người gặp người chê, tên Linh Lan, con nhà ông Tấn tiệm sửa xe và bà Huệ bán tạp hoá.
Trái ngược với tôi, Bảo gầy nhom gầy nhách, còn thấp bé hơn cả tôi. Bảo không hay ra nắng nên da vừa trắng lại vừa mướt, tôi thích sờ da của Bảo lắm ý, vừa trắng vừa tròn như bánh trôi nước.
Mọi người nghe tôi miêu tả thì thấy hơi sai sai phải không? Không hề, " công túa " của tôi không có nổi một cọng lông trên người luôn. Còn tôi thì vừa đen nhẹm như cục than, lại vừa bẩn bẩn dơ dơ vì cứ trưa trưa, trốn mẹ đi bắt ve hay bắn bi trong sân, rồi đến chiều chiều lại biến mất tăm mất tích để khỏi đi tắm.
Tính tôi cứ khùng khùng điên điên, đã chơi thì phải chơi mấy trò nghịch dại, thế mà Bảo luôn là người đồng hành với tôi trong những trò chơi báo đời, báo tổ tiên, báo cha, báo mẹ ấy.
Tôi còn nhớ mang máng, hồi năm tôi 4,5 tuổi, chúng tôi hay chơi trước nhà bác trưởng thôn, bởi bác có một cái sân lát xi măng siêu to khổng lồ để phơi cà phê, bên cạnh đó còn có vườn rau và mấy chậu cây cảnh quý.
Bác trưởng thôn mến chúng lắm, suốt ngày thấy chăm sóc rồi tâm sự nỉ non, vợ bác thì lại sợ mấy thằng trộm mất dạy lấy mấy bạt cà phê, nên nuôi hẳn một con chó béc giê to hơn cả tôi với Bảo cộng lại.
Khi ấy, chúng tôi còn nhỏ, suốt ngày bị các bậc phụ huynh răn đe không được chọc chó, nó cắn cho là dại cả đời.
Ừ thì lúc đầu tôi cũng sợ, nhưng mà càng cấm thì tôi lại càng muốn báo cha mẹ cho vui nhà, vui cửa.
Thế là tôi rủ Bảo ném đá vào người con chó béc giê đang ngáp ngáp sầu đời ở sân hè. Bảo lúc đầu không đồng ý, còn ra sức khuyên răn tôi.
Hồi đó, tôi non người trẻ dạ lắm, còn nghĩ Bảo là con trai mà nhát gan, tôi khịt khịt mũi, tỏ ý khinh thường, bo xì không thèm chơi với Bảo.
Nó thấy tôi giận dỗi quay mông đi như vậy thì có hơi tần ngần một chút, nhưng cuối cùng vẫn đòi đi cùng tôi.
Chúng tôi bắt đầu sự báo đời từ khi ấy và kết quả là hai đứa chạy té khói, muốn rớt luôn cái háng.Chúng tôi sao có thể bì với con chó mồm miệng to hơn hai đứa trẻ mầm non cao chưa đến 1m.
Và úm ba la xì bùa hậu quả của việc chơi ngu là bị chó cắn.
Ừ chính tôi đấy! Tôi bị con chó béc giê với đầy chí bò lổm ngổm trong đám lông vàng hoe, cắn phập một phát ngay đùi.
Nhưng đừng vội chửi tui ngu, bởi tôi là anh hùng cứu mỹ nhân, nên mới bị như thế đấy nhé!
Chuyện là Bảo nhỏ con hơn tôi nên không may bị tụt lại, con chó hung hăng nhảy vồ lên người Bảo, chuẩn bị cắn một nhát chí mạng vào mặt thằng bé.
Lúc đó, tôi cũng chẳng nghĩ gì nhiều, chỉ biết là phải cứu Bảo!
Vâng, tôi xồng xộc lao vào chắn trước hàm răng vàng khè, với những chiếc răng sắc nhọn đang hùng hục khí thế cắn người của con chó béc giê.
Nhìn vết răng hằn sâu vào chiếc đùi nhỏ, hai hốc mắt tôi ầng ậc nước, òa khóc nức nở nhìn Bảo đang loay hoay đỡ tôi dậy.
Về nhà, mẹ tôi định cầm chổi quất tanh bành một trận vì tội nghịch ngu, nhưng sau một hồi khuyên tới khuyên lui từ ba tôi, từ cô Phụng - mẹ của Bảo và cả thằng bé đứng hiên ngang chắn cho tôi dù chỉ có một mẩu.
Mẹ đành nhịn cơn đánh để vội vàng chuẩn bị đồ chở tôi đi tiêm chủng ngừa dại ở trạm y tế.
Cái đêm bị chó cắn, tôi không ngủ được, lén mở cửa sổ với mong muốn tâm sự với Bảo.
Nhà của chúng tôi sát vách nhau, phòng của hai đứa chỉ cách một khe nhỏ và dàn hoa thường xuân leo trên mảng tường trắng đen lẫn lộn, bám đầy rong rêu.
Tôi không nhịn được khóc, nước mắt ngắn, nước mắt dài kể cho Bảo nghe nỗi lo của tôi, nào là sợ rằng ngày mai tôi sẽ biến thành con chó sủa gâu gâu, tôi không còn ngồi đây tâm sự với Bảo được nữa.
Từ khi xảy ra chuyện chó cắn, Bảo lúc nào cũng trực chờ mang bún bò qua cho tôi. Nhà nó bán bún bò siêu thơm ngon luôn ý! Tôi ăn 17 năm cuộc đời vẫn chưa biết chán là gì.
Quay lại chuyện cũ, Bảo vuốt lưng tôi, nó vẫn ít nói như lúc chưa xảy ra chuyện, nhưng ánh mắt tràn ngập sự lo lắng và tự trách, tôi nín khóc, cười cười vuốt mặt Bảo, giọng nói non nớt vang lên giữa khoảng không tĩnh mịch:
- Tớ không sao, Bảo đừng có lo... Nhưng mà tớ sợ ngày mai sẽ biến thành con chó, lúc đó, tớ không nói chuyện cũng không chơi với Bảo được nữa.
Bảo vẫn nhìn tôi bằng ánh mắt ấy, hàng lông mi dài chớp chớp vài cái, nó ôn tồn trả lời, giọng nói siêu ngọt ngào:
- Linh Lan có biến thành con chó, tớ vẫn thích Linh Lan.
Tôi ngạc nhiên nhìn Bảo, sau đó cười tít cả mắt, đưa tay ra móc ngoéo:
- Hứa nhé! Cho dù tớ có sủa gâu gâu, Bảo vẫn phải sủa gâu gâu đáp lại tớ đấy.
Tôi dừng một chút rồi quàng tay qua cổ Bảo, miệng đã cười đến mang tai:
- Trời ơi, tớ thương Bảo nhất trên đời này luôn!
Ánh trăng óng vàng hất qua những mái ngói, qua làn đường vắng tanh và qua ô cửa sổ nhỏ, nơi tôi ôm lấy Bảo.
Tôi không rõ khuôn mặt của Bảo, chỉ thấy hai tai thằng bé đỏ như máu, người nóng rực đến nỗi hai tay tôi muốn cháy bỏng.
Thật may sau bao nhiêu đêm mất ngủ vì sợ biến thành chó, tôi vẫn bình an vô sự sống đến giờ để nói chuyện với các cậu đây.
Nhưng mà hồi đó, tôi vẫn không bớt cái tật nghịch dại, kéo Bảo cũng bị tôi dạy hư.
Khi chúng tôi lên cấp 1, hai đứa cùng nhau bòn tiền mua được một chiếc xe đạp màu đỏ, đèo nhau đi học.
Ở cuối thôn của chúng tôi, có một con dốc khúc khuỷu, cheo leo giữa những đồi chè xanh ngát, chúng tôi rủ nhau thả phanh xe đạp để lao từ đỉnh xuống cuối con dốc.
Tôi là người cầm lái, còn Bảo ôm chặt lấy eo tôi, chúng tôi thỏa sức la hét khi lao xuống con dốc thẳng đứng như ruột ngựa ấy.
Nào biết khi xuống tới sườn dốc, xe đạp mất lái, chúng tôi té chỏng vó xuống nền đất đỏ, trước đó còn lộn hẳn một vòng.
Lần này, tôi bị trầy đầu gối và khuỷu tay, nhưng người vào viện là Bảo, bởi nó té gãy chân luôn.
Ôi thôi, tất nhiên tôi gánh chịu tất cả hậu quả rồi. Mẹ cấm không cho tôi chơi với Bảo, mẹ Bảo cũng không cho nó chơi với tôi.
Thế nhưng không có gì có thể ngăn cản tôi và Bảo, chúng tôi vẫn ngày đêm ngồi nói chuyện qua ô cửa sổ, hai bà mẹ thấy vậy thì sợ hai đứa tôi tự kỉ, nên đành cho phép chơi lại với nhau.
Vậy là chiều hôm nghe tin ấy, chúng tôi chơi rượt đuổi nhau ở đồi chè, tôi còn mè nheo đòi Bảo đeo mấy bông hoa cứt lợn cho tôi.
Nhà tôi không nghèo, tôi vẫn có bông tai bằng vàng được mẹ đỡ đầu cho từ bé - tức là mẹ của Bảo ý, nhưng tôi thích loại bông tai đeo lủng lẳng, trông giống các nương nương trong phim cổ trang cơ.
Bảo chiều tôi, còn tận tình đeo cho tôi cả hai bên, còn tôi cũng không thể không báo đáp, tôi liền bứt một chùm hoa màu trăng trắng cài lên tóc của Bảo, thoang thoảng một mùi hương thum thủm trong gió. Chúng tôi bụm miệng cười dưới ánh nắng hoàng hôn của mùa hạ.
Chuyện còn nhiều lắm! Chúng tôi hay chơi bán hàng dưới gốc cây mít, bán bún bò fake, với những vị khách là những chiếc lá mít đã ngả sang một màu vàng đất.
Hồi đó, tôi dùng toàn bộ tiền lì xì để mua một con búp bê tóc vàng, mắt xanh để chơi trò gia đình.
Cũng là gia đình nhưng gia đình này hơi lạ, tôi là ba, Bảo là mẹ, và con búp bê là em bé. Mải mê chơi quá, khi mẹ tôi và mẹ Bảo gọi về ăn cơm, tôi quên béng đi con búp bê đang ra tín hiệu ét o ét, nằm trên những lá mít xơ xác.
Đến nửa đêm, nhắm mắt lại tôi mới thấy con búp bê đáng thương hiện hồn về cầu cứu, mẹ mặc tôi khóc lóc đòi đi tìm con búp bê, ba tôi thì nửa muốn giúp tôi, nửa lại sợ mẹ. Cuối cùng, tôi đành phải từ bỏ việc cứu lấy em nó.
Sáng hôm sau, tôi đứng như trời trồng khi thấy đầu con nhỏ bị con chó béc giê nhà bác trưởng thôn gặm nhồm nhoàm, nát bét. Nào là bông, nào là nhựa văng tứ tung.
Ôi đứa con gái của tôi, ôi bao tiền lì xì của tôi, tôi khóc ầm lên, mẹ không những không an ủi mà còn đòi quất tôi.
Chỉ có Bảo thương tôi thôi, Bảo cứ nhìn tôi, rồi nhìn con búp bê, nghĩ gì đó, rồi lại vuốt ve tấm lưng của tôi.
Đôi tay trắng trẻo tỉ mỉ lau nước mắt, mãi sau thấy tôi nín khóc, Bảo mới chạy ra cầm theo một con heo đất. Nó nói với tôi bằng chất giọng thản nhiên:
- Linh Lan cầm lấy con heo đất này rồi mua búp bê mới đi.
Tôi đứng hình, như một pho tượng, nhìn cậu nhóc trước mặt.
Trời ơi, tôi yêu Bảo chết mất!
- Thôi, Bảo giữ lấy đi. Linh Lan không cần chơi với búp bê nữa, Linh Lan chơi với Bảo là đủ rồi.
Tôi và Bảo đã cùng nhau trải qua một tuổi thơ dữ dội như thế đấy!
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT