1.

Ta nhớ mình luôn được cha nương yêu thương, nâng niu như con ngọc con ngà. Cha ta là tú tài duy nhất của cả thôn. Cha thường hay dạy đám trẻ con trong thôn học. Có nguồn thu là tiền học phí nên gia đình cũng không đến nỗi khổ.

Nương hay bện đuôi tóc xinh xinh cho ta. Mỗi lần lên thôn trên, nương lại mua dây cột tóc mới cho ta. Khi rảnh rỗi, cha dạy ta học. Nhưng, hồi đó ta nghịch ngợm ham chơi, chẳng mấy khi học đến nơi đến chốn nên cũng hay bị cha mắng.

Lớn thêm hai tuổi, ta nghe thấy rất nhiều lời bàn tán về gia đình mình. Đám người ấy nói nương ta vô dụng, không sinh được con trai. Nhưng, cha và nương êm ấm mà, có con trai quan trọng thế sao.

Ta biết bọn họ muốn cha ta cưới vợ bé.

2.

Năm ta sáu tuổi, nương có thai, cha mừng lắm. Ta âm thầm cầu nguyện, hi vọng nương sinh đệ đệ. Như vậy, sẽ không ai dám nói gì nương nữa.

Nhưng, ta không ngờ, đệ đệ còn chưa kịp chào đời đã mất non. Cũng vì thế nên nương đổ bệnh.

Đại phu nói, thân thể a nương suy nhược, lại cộng thêm lo âu quá độ nên không giữ được đệ đệ. Lo âu quá độ? Hình ảnh đầu tiên xuất hiện trong đầu ta chính là đám người độc miệng ấy. Đến ta còn nghe thấy bao lời xì xào bàn tán, có lẽ nương còn phải nghe nhiều hơn. Nhất định là do bọn họ.

Nương ốm lắm, phải uống rất nhiều thuốc, mà mua thuốc thì cần tiền. Thời gian ấy, nhà ta khổ trông thấy. Không phải chỉ riêng chuyện tiền bạc, quan trong hơn cả là vì sức khỏe của a nương. Cha ta hay bảo, tiền có thể kiếm lại được, quan trọng nhất là sức khỏe.

3.

Nhưng, rất nhiều chuyện trên đời không thuận ý người.

Năm ta 8 tuổi, nương nhắm mắt xuôi tay. Ta cầm chặt tay nương, không chịu buông ra. Cha phải đến kéo ta ra.

Đó là lần đầu tiên ta biết thế nào là sinh li tử biệt. Không bao giờ ta muốn phải trải qua cảm giác ấy nữa.

4.

Năm ta 9 tuổi, mưa bão liên miên mấy tháng trời. Nước lũ vỡ cả đê. Mặc dù thôn ta không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bão lũ, nhưng cũng không thoát nổi dịch bệnh.

Để sống tiếp, cha bèn gói ghém nguyên tiền bạc và bài vị a nương, dẫn ta rời khỏi vùng quê chôn rau cắt rốn. Nhưng, chuyện vẫn chưa kết thúc.

Dịch bệnh, thực sự rất đáng sợ! Người chết như ngả rạ! Cha mất rồi để lại mình ta trên cõi đời.

Ta không còn nhà nữa.

5.

Con gái một thân một mình sống được thực sự là điều gian nan. May mà triều đình phát tiền cứu trợ. Nhờ tiền quyên góp khắp nơi, nên ta mới thoát được cảnh chết đói.

Lớn hơn, ta bắt đầu tìm đường sống cho mình. Dù triều đình xây dựng cô nhi viện, nhưng cũng không thể ở đó mãi được. Khoảng 14, 15 tuổi đổ đi là hầu như không được cứu giúp nữa rồi.

Hồi trước, nhiều ca ca tỷ tỷ bị đuổi đi như vậy. Nếu không có thạo nghề gì thì đành phải bán thân làm tôi tớ. Mà dù có thạo việc thì vẫn chẳng dễ gì nuôi sống được mình. Sống rất khó, với con gái lại càng khó hơn.

Nhưng ta không muốn làm nô tỳ. Cha ta là tú tài, sao ta dám nghĩ đến bán thân? Cũng may mấy năm nay, ta bán mấy hàng thêu kiếm được mấy đồng. Ta bèn nghĩ hay là làm nghề tú nương vài năm đã.

Nhưng đi hỏi mỡi vỡ ra, tiệm nhà người ta thiếu thốn gì một tú nương như ta. Dù sao, ta cũng chẳng lành nghề lắm.

Vậy đành phải chịu khổ cực. Ta thuê một căn phòng bé tẹo, nhận giặt y phục thuê cho người ta. Mệt lắm. Đông đến lạnh cắt da cắt thịt. Nếu dùng nước nóng thì lại cần củi đun, mà củi phải mua mất tiền.

Tay ta chai sần xấu xí, ta nhìn bàn tay mình, nước mắt trực trào. Nếu như cha nương còn sống, chắc chắn ta không phải khổ sở đến mức này.

6.

Dần dần, ta nghĩ ra một cách. Trong chốn cô nhi, có rất nhiều con gái, ta có thể thuê các muội ấy giặt, rồi ăn chênh lệch, ít nhất cũng sẽ đỡ khổ hơn.

Chúng ta đều là những đứa trẻ không cha, không mẹ, trải đời từ rất sớm, nên cũng hiểu rõ sự quan trọng của đồng tiền. Bởi vậy, dần dần, càng có nhiều muội muội đến xin làm hơn. Nhưng, đây không phải là cách lâu dài.

Vì kiếm được chẳng bao nhiêu mà vẫn còn có kẻ cạnh tranh.

7.

Mọi chuyện thay đổi vào năm ta 16 tuổi.

Khi ấy vẫn chưa hết tháng giêng, ta biết được một sự thật động trời, không ngờ ta không phải con ruột của cha nương. Năm đó ta bị đánh tráo. Cha nương thực sự của ta phó thác hai ca ca đến đưa ta trở về.

Nhìn dáng vẻ của họ, ta nghĩ có lẽ chuyện này là thật. Bởi lẽ, y phục của hai người ấy chắc chắn đắt gấp đồ của ta nhiều lần, họ có muốn lừa ta thì cũng chẳng có gì để lừa. Cho nên, ta giao lại công việc thuê người giặt giũ cho một muội muội mà ta rất quý, muội ấy cùng cô nhi viện với ta.

Nếu đến được kinh thành rồi, chắn là ta sẽ không phải nai lưng ra thế này nữa đâu.

8.

Suốt đường đi, hai ca ca đối xử với ta rất tốt, mua cho ta quần áo mới, đưa ta đi ăn thật nhiều đồ ăn ngon. Nhưng, cứ đến tối ta lại nhớ cha nương, ta buồn lắm. Nếu như cha nương còn sống thì tốt biết bao. Bây giờ, cả nhà ta có thể vào kinh, cha nương còn được gặp lại con gái ruột.

Đến kinh thành rồi ta mới biết, hai ca ca ấy là thiếu gia của Ninh Quốc phủ. Đúng là ngoài sức tưởng tượng. Phủ ấy trông vô cùng hoành tráng. Còn mọi người đều dễ mến, không đáng sợ như ta nghĩ. Ta và mẫu thân nhìn giống nhau lắm. Khi ấy, mẫu thân ôm ta khóc một lúc lâu. Sau đó, mẫu thân dẫn ta đến làm quen từng người một.

Cho đến khi đứng trước mặt người con gái bị đánh tráo thân phận với ta kia, dường như mẫu thân không biết phải giới thiệu thế nào. Nàng ấy giống hệt a nương, ta nghĩ mình nên gọi nàng một tiếng tỷ tỷ.

9.

Mẫu thân đã chọn và sắp xếp viện ở cho ta từ lâu. Đối với ta, khung cảnh ấy quả thực như lạc vào cõi tiên. Khi ta thốt ra câu ấy, mọi người đều khóc.

Ở đây được nửa tháng, cũng dễ nhận ra, mọi người đều có ý muốn bù đắp cho ta. Khi nghe ca ca kể về những ngày ta còn ở Từ Châu, mẫu thân cứ che mặt khóc.

Nhưng thực ra, ta nghĩ ông trời cũng chẳng bạc bẽo mình.

10.

Hơi lạ là người mà ta cảm thấy gần gũi nhất lại là tỷ tỷ Dĩ Nhu, con gái ruột của cha nương. Tỷ ấy giống nương lắm, có thể nói là hình ảnh thanh xuân của nương. Trông thấy tỷ, ta lại nghĩ về những ngày hạnh phúc bên cha nương.

Cho nên, ta thích ở bên tỷ ấy.

Mẫu thân và phụ thân thấy vậy cũng vui lòng. Ta biết, hai ta, một người là con gái ruột thất lạc nhiều năm, một người là con gái nuôi ở bên phụ mẫu 16 năm nay, phụ mẫu không muốn cả hai xảy ra tranh chấp.

Nhưng, ta cảm nhận được hình như Dĩ Nhu tỷ tỷ lúc nào cũng có vẻ áy náy, vì tỷ nghĩ mình đã cướp mất cuộc sống tươi đẹp của ta nên thấy có lỗi. Biết ý, ta bèn kể cho tỷ ấy nghe về tuổi thơ của mình. Ta muốn nói với tỷ rằng, thực ra ta rất hạnh phúc, ta đã lớn lên trong tình yêu thương của cha nương.

Thế nên, tỷ ấy đừng thấy gánh nặng gì.

Mà ngược lại phải là ta thấy có lỗi mới đúng. Nếu như không phải cha vẫn luôn che chở cho ta, có lẽ ta đã chết rồi. Nếu như không có ta, có lẽ cha sẽ không...

11.

Dĩ Nhu tỷ tỷ giỏi giang lắm, tỷ ấy dạy ta rất nhiều thứ. Ta thực sự khâm phục tỷ. Tỷ ấy giỏi như vậy, không như ta, ngoài vài con chữ học hồi nhỏ, ta chỉ biết giặt y phục, làm mấy việc chân tay.

Cho dù ta có cố gắng học thế nào thì so với Dĩ Nhu tỷ tỷ, ta vẫn kém lắm. Mẫu thân nói muốn để bọn ta nhận tổ quy tông, ta bảo như thế có khi nào làm Dĩ Nhu tỷ tỷ không vui không?

"A Nhu là cô nương thông minh, con yên tâm."

12.

Nhưng, chuyện ấy vượt ra khỏi dự liệu của chúng ta.

Đột nhiên hoàng đế ban hôn, cả nhà bối rối, không biết tính sao. Đương lúc phụ thân mẫu thân nặng lòng chuyện hôn sự, Dĩ Nhu tỷ tỷ nói tỷ ấy sẽ đi. Tỷ ấy còn kể ra nhiều lý do, ta thấy tỷ ấy nói đúng. Hơn nữa, hoàng đế ban hôn gả cho vương gia, không phải là chuyện tốt sao? Tại sao mọi người trông có vẻ không vui.

Đến khi ta hỏi nha đầu mẫu thân phân đến chỗ mình mới biết vị vương gia này là người thế nào. Ta mới hiểu ra, tại sao phụ thân mẫu thân lại cãi vã, bởi vì, như vậy chẳng khác nào đi vào chỗ chết.

Đáng ra đó là hôn sự của ta, sao mà bắt Dĩ Nhu tỷ tỷ đi thay ta được? Như vậy không công bằng với Dĩ Nhu tỷ tỷ. Nhưng, Dĩ Nhu tỷ tỷ lại nói, ta còn chưa rõ lễ nghi quy củ, đến đó sẽ làm vương gia giận mất, như vậy, chúng ta đều gặp họa.

13.

Mẫu thân cũng đã nói trước với ta về chuyện của hồi môn, rằng sẽ cho tỷ tỷ thêm ít của hồi môn. Đến khi ta thành thân, có lẽ không nhiều như vậy.

Ta vâng dạ biểu thị mình đã hiểu. Dẫu sao, vì ta nên Dĩ Nhu tỷ tỷ mới phải gả qua đó, ta phải biết chừng mực.

"Con nghĩ được vậy, ta cũng yên lòng."

Còn chuyện gia phả, phụ thân, mẫu thân cũng đã giải thích kỹ càng cho ta, không phải phụ mẫu không muốn mà là bây giờ không thể.

Ta nghĩ ta được sống với cả nhà là tốt lắm rồi, ta không đặt nặng danh phận. Dù sao, phụ mẫu biết ta là do phụ mẫu dứt ruột đẻ ra, như vậy là được rồi.

Cho và nhận phải đi đôi với nhau. Ta không thể không làm gì lại đòi hỏi tiếng thơm ấy.

Dù có cho Dĩ Nhu tỷ tỷ nhiều hơn nữa cũng không phải quá đáng.

14.

Ngày Dĩ Nhu tỷ về thăm nhà, ta không trông thấy vương gia. Ta nghe mẫu thân hỏi han tỷ ấy về chuyện trong vương phủ, chỉ lo tỷ tỷ phải khổ. Nhưng nghe tỷ tỷ kể, có vẻ cũng không đến nỗi.

Đến khi tỷ tỷ đi rồi, mẫu thân nói: "A Nhu từ nhỏ đã hay tự mình ôm hết mọi chuyện."

Cũng may bên vương phủ, tỷ tỷ quản lý nội vụ, nên ta và mẫu thân có thể đến thăm tỷ ấy thường xuyên. Nghe nói, vương gia không hay ở phủ. Ta nghĩ phu thê phải như cha nương mới phải, mỗi ngày đều ở bên nhau, không ngờ cũng có kiểu phu thê như tỷ tỷ và vương gia.

Tương kính như tân, không thấy khó chịu hay sao?

Đến khi qua thăm tỷ tỷ, vô tình gặp vương gia, chỉ nhìn thoáng cái mà ta đã hiểu được tại sao tỷ tỷ lại nghĩ tương kính như tân kiểu vậy là tốt. Mặc dù vương gia cũng không đến nỗi ba đầu sáu tay như trong lời đồn, nhưng người đằng đằng sát khí, à không, nên nói là uy nghiêm chứ, làm ta không dám thở mạnh.

Tỷ tỷ đáng thương quá, cũng chỉ vì ta. Ta nói với tỷ tỷ, tỷ ấy còn cố an ủi ta, nói là mình sống vẫn tốt.

Chung chăn chung gối với người như vậy, sao mà tốt được chứ? Ta sợ quá, lỡ nửa đêm y rút đao chém tỷ tỷ thì sao!

15.

Thời gian sau, phụ thân, mẫu thân nói với ta đã nhắm được cho ta một mối lương duyên. Người kia là học trò của phụ thân, vừa mới thi đỗ tiến sĩ, cũng có nhà cửa, của ăn của để. Chàng hơn ta 2 tuổi, là người đáng trọng, biết giữ mình, chẳng qua lỡ dở là vì chịu tang.

Bây giờ chàng không còn phụ mẫu, bèn mua một căn nhà nhỏ trong kinh thành, họ hàng thì ở dưới quê hết, nên ta lấy chàng cũng được nhàn thân.

"Trò ấy lanh lợi, cũng biết cách đối nhân xử thế, về sau sẽ đối tốt với ta." Phụ thân nói. Ta ngẫm rất lâu mới hiểu vì sao phụ thân nói chàng sẽ đối tốt với ta vì chàng là người lanh lợi. Dẫu sao ta cũng có danh phận con nuôi của Ninh Quốc phủ, chàng sẽ không dám bạc đãi ta.

Mẫu thân cũng giảng giải thật kĩ cho ta về mối hôn sự này. Đơn giản là, trong hôn sự này, chàng đang ở thế dưới. Lấy nhau về, chàng phải nể mặt Ninh Quốc phủ, không dám tỏ thái độ gì, ngược lại còn phải thuận ý ta.

Nghe ra có vẻ tốt hơn tỷ tỷ nhiều.

Mặc dù ta đã học quy củ lễ nghi hơn hai năm, nhưng vẫn không so được với các tiểu thư khuê tú lớn lên ở kinh thành. Nếu như gả vào nhà gia cảnh tốt quá, thì chắc chắn phép tắc cũng phức tạp hơn nhiều.

Cho nên, ta đồng ý.

Nhưng phụ thân, mẫu thân vẫn tạo cơ hội cho ta và Từ Hằng gặp mặt nhau. Gặp chàng rồi, ta cảm càng vừa ý mối hôn sự này. Từ Hằng mi thanh mục tú, tính tình nhã nhặn, có vẻ dễ gần. Quan trọng nhất là nhìn chàng toát lên vẻ thư sinh, trông hơi gầy, có lẽ không đánh được ai.

16.

Mẫu thân tự tay chuẩn bị của hồi môn cho ta, cho ta rất nhiều ngân phiếu: "Con không giống như A Nhu. Tỷ con gả vào hoàng gia, của hồi môn cần nhiều món quý giá để giữ thể hiện gia tộc. Con gả vào nhà bậc thường, có nhiều thứ không cần đến, mẫu thân đã đổi sang ngân phiếu cho con rồi."

Ngân phiếu tốt mà, ta thích. Hơn nữa ta cũng không như tỷ tỷ, có một số thứ ta chẳng biết thưởng thức, cũng chẳng dùng đến. Tỷ tỷ tặng ta rất nhiều đồ nữ trang, cùng với nhiều thứ khác.

Cuộc sống hôn nhân khá thoải mái. Ta và Từ Hằng ăn ở cũng hợp ý nhau. Quả nhiên gả vào gia đình bậc thường tốt thật, không như phụ thân mẫu thân muốn ăn với nhau bữa cơm cũng khó, hễ có cái gì là lại bị người ta lời ra tiếng vào. Bây giờ ta và chàng là chủ tử của nhà này, đám hầu cũng mong hai ta hòa thuận.

Đi làm về, Từ Hằng hay mang về cho ta những món thơm ngon, khi có thời gian, chàng đi dạo với ta. Chẳng trách sao cha lại nói chàng lanh lợi lắm, không hề bảo thủ.

17.

Thành hôn được hơn một năm, ta có thai. Ta rất mong ngóng đến ngày con ra đời. Mẫu thân và tỷ tỷ đến thăm ta, tặng cho ta bao nhiêu là đồ tẩm bổ. Từ Hằng biết, chàng nói: "Vi phu sắp được nương tử nuôi đẫy luôn rồi."

"Chàng không vui sao?"

"Vui chứ, vui chứ."

Nhưng ta lại nghĩ về quy tắc từng học, khi chính thất mang thai thường sẽ cho nha hoàn thiếp thân hầu hạ tướng công. Nhưng mà ta không muốn, ta mong rằng chàng chỉ là của mình ta. Nhưng ta biết suy nghĩ như thế là không đúng. Lần trước mẫu thân đến cũng đã ngầm nhắc nhở ta.

Ta không hiểu tại sao cuộc sống của gia đình thường dân và gia đình quyền quý lại không giống nhau, là vì gia đình quyền quý thì có nhiều tiền nên nuôi được nhiều thị thiếp sao?

Song, ta nghĩ vẫn nên tìm dịp nào đó nói với chàng. Nhưng không ngờ Từ Hằng còn phản ứng gay gắt hơn cả ta: "Ta chẳng phải quỷ háo sắc, chẳng lẽ rời nữ nhân ra là không sống nổi sao?"

"Nhưng mà, mọi người đều như vậy mà." Ta cũng đâu có thích.

"Thế coi như ta sợ vợ đi." Chàng xoa xoa mặt ta nói.

Chàng cực kì thoáng, cái kiểu nói này không phải là lần đầu tiên chàng nói đâu, chàng cũng ảnh hưởng đến ta. Chàng nói trên đời này, mình sống vui sống đủ là được, kệ người khác thế nào.

Chàng thực sự làm được điều ấy. Năm nay, mọi người đều về đông đủ để mừng thọ tổ mẫu, cả Lệ vương cũng đến. Khi ấy, ta lo Từ Hằng sẽ không thoải mái, bởi lẽ, ai nấy đều quyền cao chức trọng, chỉ có chàng làm chức quan nhỏ.

Không ngờ, khi ta còn đang lo lắng thì chàng đã bắt chuyện với Lệ vương rồi, không biết là nói cái gì, mặt lệ vương vẫn vô cảm vậy. Ta sợ lỡ Lệ vương mà đánh chắc chàng đi luôn quá, chàng mình hạc xương mai, Lệ vương đánh thì mười chàng cũng không chịu nổi.

Về nhà ta nói với chàng vậy, chàng hùng hổ phản bác lại ta, nói là cùng lắm là năm người thôi, làm gì mười. Thế cũng tự hào sao?

18.

Con chúng ta vừa mới chào đời, là bé trai. Sinh xong, ta thở phào nhẹ nhõm, nhưng lại thấy nha hoàn vội vội vàng vàng đến nói với ta, Từ Hằng chưa kịp trông mặt con thì đã ngất xỉu rồi.

Khi chàng tỉnh lại, chàng nắm tay ta nói không sinh con nữa đâu, ta nói: "Chàng nói như thể chàng mới sinh em bé vậy."

"Nhưng mà ta đau lòng."

Nghe nói khi ấy chàng bỗng dưng ngất đùng, nha hoàn không kịp đỡ, đầu chàng đập xuống đất, ta bỗng nghĩ chàng đúng là chỉ có cản trở ta thôi. May mà về mặt khác thì chàng vẫn có chí tiến thủ.

Tiệc đầy tháng vô cùng náo nhiệt. Chàng mời bằng hữu, đồng liêu đến. Bé con cũng hay lắm, không hề khóc không hề quấy. Cuối cùng ta cũng thoát ở cữ rồi, phải tắm rửa thật kĩ càng. Ta nghĩ đúng là sống trong sung sướng, con người ta cũng yếu ớt hơn hẳn.

19.

Không lâu sau, Lệ vương xuất chinh, tỷ tỷ lại có tin mừng. Thỉnh thoảng ta cũng đón Dao Dao sang chơi. Từ khi nhóc con lớn lớn, trông bụ bẫm đáng yêu hơn, Dao Dao không chê nữa, nhưng mà hay sợ lỡ cái đệ đệ lại biến thành cục bông xấu xí như hồi mới sinh.

Nhưng mà, thấy bọn ta sống trong êm đềm, có kẻ lại không vừa mắt. Tỷ tỷ phải dưỡng thai nên không mấy khi ra ngoài, còn ta thì nghe ngóng được không ít.

Mặc dù chỉ là mấy tin đồn nhảm, nhưng vẫn thấy khó chịu. Từ Hằng phải khuyên ta mãi, ta mới nhịn được. Những kẻ đàm tiếu ấy, xuất thân cũng chẳng phải thấp kém, nhưng vẫn cứ hay ghen tỵ với tỷ tỷ.

Ta nói với chàng: "Chàng cũng cố gắng đi, lên chức rồi để thiếp có chỗ dựa đi xử bọn họ."

Chàng xòe hai tay ra, cũng bất đắc dĩ: "Vi phu cũng muốn chứ, nhưng nương tử nghĩ xem, phu quân nàng chỉ biết đọc sách, chứ sức lực thế này sao mà lập công danh chiến trận gì được, cũng khó cho ta."

"Hầy."

Chàng cũng thở dài theo: "Hầy."

20.

Cuộc sống trôi đi như vậy. Sự nghiệp của Từ Hằng tính ra cũng hơi khởi sắc, mặc dù chỉ là chút ít thôi, nhưng cả hai vẫn vui lắm, còn bày tiệc mừng với nhau. Sau khi ăn uống no say, chàng có lời: "Hai ta đúng là thuận vợ thuận chồng. Nếu như là người khác, mới lên chút ít thế, chắc chắn chẳng có tâm trạng mà ăn tiệc mừng đâu."

"Chút ít thì cũng là thành tựu mà." Ta thấy Từ Hằng rất giỏi. Chức vị triều đình chỉ có bấy nhiêu, năm ấy chàng đỗ tiến sĩ, nhưng mà tiến sĩ cũng nhiều, còn có cả trạng nguyên, hoa thám nữa, nên mấy ai xuất sắc đến mức giành được cả chỗ của người khác.

Ở lại được kinh thành cũng là vì có phụ thân can thiệp, chàng cũng biết chừng mực.

"Nhóc con lớn rồi, hay là chúng ta sinh thêm đứa nữa đi." Ta nói.

"Đang vui mà, nàng đừng nhắc mấy chuyện không vui đó."

"Sao lại là chuyện không vui?"

Chàng dỗi: "Nàng không biết ta sợ sao, dù gì một đứa là đủ rồi."

"Thiếp muốn có con gái, như Dao Dao ý."

21.

Chuyện con cái còn chưa có chuyển biến gì, thì kinh thành đã rúng động rồi. Lệ vương đăng cơ.

Cũng tính là chuyện tốt, Từ Hằng thì thầm với ta, không ngờ chàng lại là em rể hoàng đế.

Ta nhìn chàng cười ngây ngô, không muốn nói với chàng, chàng còn có một thê tử suýt nữa trở thành hoàng hậu đây.

Từ khi Lệ vương đăng cơ, mẫu thân hay ghé thăm ta. Ban đầu ta cũng không nhận ra, sau mới biết mẫu thân sợ ta suy nghĩ, sợ ta thấy bất bình. Phải nói sao, hoàng hậu mà, ai không muốn?

Nhưng mà, ta không muốn. Ta thấy mình không xứng.

Nên ta cũng nói rõ với mẫu thân, ta không mộng tưởng gì hết, tên tỷ tỷ đã được ghi rõ trên gia phả Triệu gia, ta chỉ là con nuôi, vốn đã không đủ tư cách.

"A Hòa, con nghĩ được vậy ta cũng yên lòng." Khóe mắt mẫu thân đo đỏ.

Ta nói: "Cuộc sống của con êm ấm, hạnh phúc, con không cần phải ngưỡng mộ ai hết."

Mặc dù, thực ra lúc đầu ta cũng hơi ngưỡng mộ tỷ tỷ, nhưng ta cũng không phải kẻ không biết suy nghĩ. Mà nếu ta nói ra, người khác tin, vậy sẽ thế nào? Sẽ phạm tội khi quân, cả nhà đều bị chém đầu. Tỷ tỷ thì có lẽ không sao, chắc hoàng đế cũng niệm tình phu thê bao năm nay mà tha cho tỷ ấy, còn ta lắm mồm lại rước họa vào thân ấy. Ta có chán sống đâu!

Đã bao năm rồi, đâu thể thay đổi được gì. Nếu tỷ tỷ bị phế hậu, không lẽ ta được làm hoàng hậu sao?! Hoàng đế sao phải lấy lại vợ chứ?

Chuyện này tốt nhất là sống để bụng chết mang theo. Với ta, có tỷ tỷ làm hoàng hậu là chuyện tốt.

Nhưng, ta không ngờ, vì hoàng đế không chấp nhận tuyển tú, nên có đại thần đương triều đã đâm ra hoài nghi thân thế của ta và tỷ tỷ. Mặc dù hoàng đế không tin, nhưng cũng không ngăn nổi thiên hạ bàn tán.

Ban đầu, Từ Hằng còn thấy nực cười, kể ta nghe lấy vui. May mà chàng không để ý vẻ mặt ta ngay lúc ấy.

"Đồn đại kiểu này còn có người tin sao?" Ta giả vờ không quan tâm.

"Đồn đại thì có quan tâm thật giả đâu."

Nhưng khi ấy thực sự là tin đồn lan rầm rộ quá, ngay cả Từ Hằng cũng bắt đầu thấy nghi hoặc. Ta vẫn giả vờ điềm tĩnh, gõ vào trán chàng: "Chàng đọc sách nhiều quá nên không lú lẫn sao. Nếu ta mà là con ruột của phụ mẫu, ta lại bỏ qua hoàng đế mà chọn lấy chàng sao?"

Thời gian đúng là kì diệu. Bây giờ mọi người đều quên hết tiếng xấu năm ấy của Lệ vương, giờ mọi người chỉ nhớ rằng ngài là thiên tử. Ta nói vậy, Từ Hằng cũng bình thường lại: "Đúng rồi, cái đám người này bị sao vậy."

22.

Nhưng, ta vẫn thấy bất an, mà mẫu thân lại đang bệnh, không thể vào cung, ta đành phải tự đi một chuyến đến chỗ tỷ tỷ. Khi ấy ta vẫn nghĩ đúng là tỷ tỷ có khác, chuyện động trời vậy mà tỷ cũng không hề hoang mang.

Ai dè, khi tỷ ấy cho cung nhân lui xuống, ta vừa nói đã thấy tỷ biến sắc, ta hơi ngờ ngợ. Không ngờ tỷ tỷ không hay biết gì, ta bỗng cảm thấy hoảng sợ. Tỷ tỷ kịp lấy lại bình tĩnh an ủi ta, đợi tỷ ấy đến hỏi hoàng đế.

Nói đến hoàng đế, ta bất giác nghĩ đến lần đầu tiên gặp khi ngài vẫn còn là Lệ vương, bóng ma tâm lý vẫn còn, ta nói: "Hay là kệ đi, dẫu sao cũng không thấy bệ hạ có động tĩnh gì."

"Nhưng cũng không thể người đời đồn mãi được. A Hòa, muội đừng sợ, chỉ cần chúng ta nhất quyết không nhận thì sẽ không có chuyện gì đâu."

Có lẽ tỷ tỷ đã nói gì đó với hoàng đế, ngay sau đó, hoàng đế đã xử lý mấy tên đại thần khơi mào chuyện này, cũng không thấy ai bàn tán nữa.

Phải nói là tỷ tỷ giỏi thật đấy, qua mắt được cả hoàng đế, đúng là tinh thần thép.

23.

Ta và Từ Hằng vẫn êm ấm như thế. Điều nuối tiếc duy nhất đó là, ta phải thuyết phục mãi chàng mới động lòng chịu sinh đứa nữa, vậy mà vẫn không sinh được một tiểu cô nương đáng yêu chứ.

Còn lại có thể nói là đều như ý, cả đời suôn sẻ!

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play