Nói mười mấy năm cũng không ngoa chút nào.
Tống Mạt tên thật là Tống Mạt Lị, từ nhỏ đã lớn lên trong khu ký túc xá dành cho công nhân nhà máy. Đó là một nhà máy biến thế, bố cô ở tổ quét sơn, mẹ ở phòng tiêu thụ. Hồi trẻ mẹ cô là hoa khôi nhà máy, người đẹp có tiếng trong tổ, dáng người đẹp, giọng hát hay. Trong ấn tượng của Tống Mạt, ký ức khắc sâu nhất là hình ảnh mẹ mặc bộ đồ tập thể hình vô cùng thời thượng mở TV nhảy aerobics theo nhạc, còn Tống Mạt thì lặng lẽ ngồi một bên làm bài tập giáo viên giao về nhà.
Bố mẹ Dương Gia Bắc cũng là công nhân trong nhà máy, ở ngay bên dưới nhà Tống Mạt. Lúc nhảy aerobics, mẹ Tống Mạt dậm chân bình bịch, nếu là nhà khác thì đã khiếu nại 800 lần rồi, nhưng nhà Dương Gia Bắc thì không hề đi lên mà luôn khoan dung hết thảy với hàng xóm này.
Độ khoan dung và tầm nhìn xa không chỉ thể hiện ở đó, vào năm 1998, do lợi nhuận không tốt, nhà máy đã bắt đầu tinh giảm biên chế. Khi đó thịnh hành kiểu nhà xưởng mới, một số công nhân bị sa thải, số còn lại dùng tiền để được ở lại, trở thành công nhân hợp đồng.
Bố mẹ Tống Mạt đều không thuộc danh sách công nhân bị sa thải, bố mẹ Dương Gia Bắc cũng không. Bọn họ ở phòng tiêu thụ – nơi ít bị giảm biên chế nhất. Nhưng khác những công nhân khác cam chịu công việc lái xe đi quanh quanh nhà máy hoặc làm mấy việc lặt vặt, bố mẹ Dương Gia Bắc cuối cùng vẫn bỏ việc, sau đó khởi nghiệp bằng hai bàn tay trắng, tìm một đường ra.
Khi Tống Mạt lên tiểu học, Dương Gia Bắc chuyển đến một tiểu khu đẹp hơn, xịn hơn. Gia đình cô vẫn ở chỗ cũ, thường xuyên nghe người ta nói bố Dương Gia Bắc mở quán ăn giờ đã phát tài, cảm thán rằng hoá ra hồi xưa ông từ bỏ công việc cũ cũng không hẳn là ngốc.
Ngược lại, những người ở lại nhà máy thì tiền lương càng ngày càng thấp, cuối cùng không trụ nổi nữa, nhà máy vẫn phải đóng cửa vì chuyển đổi cơ cấu thất bại.
Số tiền thất nghiệp được phát lần này ít ỏi vô cùng.
Những biến động này không hề ảnh hưởng đến tình cảm giữa Tống Mạt và Dương Gia Bắc. Vẫn giống như trước đây, hễ có gì ngon, Dương Gia Bắc lại đạp xe tới tìm cô, bản thân chưa được ăn miếng nào cũng phải để “em gái Tiểu Mạt Lị” ăn trước.
Nói thẳng ra thì tình hình nhà Tống Mạt và những hộ gia đình công nhân đã hoặc sắp nghỉ việc ở đây đều giống nhau, mặc dù chưa nghèo đến mức không có gì để ăn nhưng cũng phải chắt chiu dành dụm từng đồng mới mua được một món đồ mới. Từ sau khi cả hai đều nghỉ việc, tính tình bố mẹ Tống Mạt trở nên kém hơn, số lần cãi cọ, chỉ trích nhau ngày một nhiều. Ở Đông Bắc, việc bạo hành phụ nữ không nhiều, bình thường đều là hai bên đánh nhau không ai chịu nhường ai.
Khi mẹ Tống Mạt đánh bố cô, Tống Mạt chỉ ngoan ngoãn ngồi trên bậc thang học bài một mình hoặc là nhìn ra hàng cây bên ngoài, nghe nói đó là cây ngô đồng nước Pháp, được nhổ gốc mang đến trồng ở đây, cái nơi vừa phì nhiêu lại vừa hiu quạnh này. Trong không khí thoang thoảng mùi rỉ sắt, Tống Mạt lật sách, loáng thoáng nghe thấy cách đó không xa có tiếng tàu hoả xình xịch truyền đến. Thời gian từ tốn đi qua giống như cụ già trầm mặc yên tĩnh.
Đến khi tiếng tàu hoả dần không còn nữa, mẹ Tống Mạt cũng rời nhà đi mất.
Không biết bà bỏ đi từ bao giờ. Sáng sớm trước khi Tống Mạt đi học, mẹ vẫn còn chiên trứng gà cho cô, còn dặn cô thi tốt. Đến khi Tống Mạt thi xong về nhà thì mẹ đã đi rồi.
Chẳng để lại gì.
Tối hôm đó, bố cô ở nhà uống rượu giải sầu, uống xong thì khóc. Tống Mạt không khóc, cô một mình đi dọc theo con đường yên tĩnh trước khu nhà, rồi lại ra đường lớn, đi qua từng cây từng cây ngô đồng nước Pháp to cao vững chãi. Khi ấy là mùa đông, Dương Gia Bắc thở hồng hộc đạp xe tới. Lúc đó anh đang học cấp hai, trốn học đi tìm cô. Anh không nói gì, chỉ dắt xe đi theo Tống Mạt, đi cùng cô đến khi trời tối hẳn, rồi lại đạp xe chở cô về nhà.
Ngày hôm đó Tống Mạt quàng một chiếc khăn màu đỏ, khóc ướt nửa khăn, gió thổi qua vừa lạnh vừa cứng.
Dương Gia Bắc muốn đưa khăn của mình cho cô nhưng cô không nhận. Chiếc khăn kia cho chính tay mẹ đan, dùng chính chiếc áo len màu đỏ mẹ thích nhất, một nửa làm khăn cho cô, nửa còn lại mẹ cuộn lại thành cuộn rồi cất vào túi.
Hôm nay là lần đầu tiên cô quàng nó.
Cuối cùng, Dương Gia Bắc vẫn đưa khăn quàng cổ và găng tay của mình cho cô, bọc cô kín mít không để hở chỗ nào. Còn anh thì ngược gió mà về, đôi tay tím tái vì lạnh, ngón tay cũng sưng phù.
Tống Mạt vẫn luôn giữ cuộn len màu đỏ kia, sau này cô học được cách đan khăn từ bà ngoại, dùng nó để đan cho Dương Gia Bắc một chiếc khăn thật to.
Phải đan to vì Dương Gia Bắc càng lớn càng cao. Do ưu thế địa lý, người phương Bắc thường có vóc dáng cao, mũi cũng cao. Dương Gia Bắc càng đặc biệt hơn, mẹ anh là người dân tộc Nga, bà ngoại anh có mắt xanh và mái tóc vàng. Gen này tới đời Dương Gia Bắc thì biến thành tóc xoăn màu nâu, mắt cũng nâu. Mùa hè, khi Dương Gia Bắc cõng Tống Mạt mệt nhoài vì chơi nhiều trên lưng, Tống Mạt hé nửa con mắt, dưới ánh mặt trời, đến lông tơ trên cổ anh cũng ánh lên một màu nâu nhàn nhạt.
Cũng có người nói do điều kiện gia đình Dương Gia Bắc tốt, được bổ sung dinh dưỡng đầy đủ nên lớn lên mới khoẻ khoắn như vậy. Về điểm này, Tống Mạt cũng có quyền lên tiếng. Bố cô chểnh mảng, ngày nào cũng bận rộn kiếm tiền, Dương Gia Bắc không muốn thấy Tống Mạt bị đói hay phải ăn bánh bao thay cơm nên đã đưa cô tới nhà mình ăn. Thực phẩm dinh dưỡng mẹ mua cho anh cũng phải đưa cho cô em gái này một nửa… Lâu dần, mẹ Dương Gia Bắc cũng xem như đang nuôi hai đứa trẻ, hai người mỗi người một phần, cùng ăn cùng học cùng trưởng thành.
Hiện tại Tống Mạt đã cao một mét bảy.
Không phải không có ai trêu chọc bọn họ, ai cũng biết sớm muộn gì hai người cũng sẽ ở bên nhau. Tất cả mọi người xung quanh, bao gồm cả người nhà Dương Gia Bắc và bố Tống Mạt đều ngầm cho phép hai đứa nhỏ quen nhau. Mấy chuyện cấm yêu sớm này kia đều không tồn tại. Dù sao cũng chứng kiến đứa nhỏ lớn lên như thế nào, Dương Gia Bắc lại là con ngoan trò giỏi, năm nào cũng được thưởng, giấy khen trong nhà xếp thành chồng; thành tích của Tống Mạt cũng chẳng kém, vừa cao vừa trắng, tính cách trầm tĩnh lại ngoan ngoãn.
Khi Tống Mạt học cấp ba, Dương Gia Bắc đã đỗ học viện Cảnh sát. Trường Cảnh sát cực kỳ nghiêm khắc, kỳ nghỉ cũng không nhiều. Mỗi lần được nghỉ, anh đều đi thăm Tống Mạt trước, xem thành tích của cô, lại dạy thêm những phần cô còn yếu.
Thỉnh thoảng bố mẹ hai nhà sẽ ngồi uống rượu với nhau, trong lòng ngầm hiểu chỉ là không nói ra.
Chỉ có một điều đó là bố Tống Mạt không cho phép cô qua đêm ở bên ngoài.
Chấp nhận rằng có thể sau này hai người sẽ ở bên nhau là một chuyện, nhưng tiếp xúc thân mật lại là một chuyện khác.
Thật ra bố mẹ hai bên suy nghĩ nhiều rồi, lúc chỉ có hai người, Tống Mạt và Dương Gia Bắc cũng sẽ không làm gì quá thân mật. Một người giảng bài một người nghe, mỗi người một cây bút, tay còn chẳng chạm nữa là.
Chỉ là khi thời tiết bắt đầu nóng, Tống Mạt mặc ít, xương quai xanh tinh tế, dáng người mảnh mai ẩn hiện dưới lớp áo phông mỏng giống như cánh bướm mỏng manh rơi xuống. Chỉ liếc mắt một cái, Dương Gia Bắc đã vội nhìn sang hướng khác, thuận tay cầm áo khoác đồng phục khoác lên vai cô.
Dương Gia Bắc vẫn luôn đứng đắn như vậy đó.
Đến độ ngay cả nụ hôn đầu tiên cũng là do Tống Mạt nói ra.
Nụ hôn đầu tiên của Tống Mạt và Dương Gia Bắc là ở trên cáp treo.
Khi đó Tống Mạt vừa thi đại học xong, điểm không cao cho lắm nên đã trượt trường mình mong muốn, ở nhà lâu cũng buồn chán, cuối cùng bị Dương Gia Bắc kéo ra ngoài xả stress.
Hôm đó trời mưa nhỏ, sương mù bao phủ rừng, hai người đều không có ý định ngắm cảnh. Một người quay mặt nhìn sương đọng trên cửa kính, người kia thì nhìn cô.
Dương Gia Bắc giỏi ăn nói, chủ đề gì cũng đối đáp được một hai, nhưng lại chẳng biết an ủi Tống Mạt đang buồn bã mất mát như thế nào.
Quanh đi quẩn lại chỉ có mấy câu đó, mồm miệng có dẻo đến mấy cũng chỉ thốt ra được một câu vụng về, “Sau này còn có anh mà.”
Đến lần thứ ba Dương Gia Bắc nói câu này, Tống Mạt quay sang hỏi anh: “Anh Gia Bắc, anh đã hôn ai bao giờ chưa?”
Dương Gia Bắc sửng sốt.
Sau đó Tống Mạt nghiêng người, một tay vịn vai anh, một tay ôm cổ anh.
Cô tựa như miếng váng sữa lần đầu tiên Dương Gia Bắc được ăn thời thơ ấu, vừa thơm vừa mềm lại vừa run run. Anh luyến tiếc không nỡ ăn, chỉ dám nhìn rồi ngửi một cái sau đó chạy lên lầu đưa cho Tống Mạt ăn trước.
Lần này anh được nếm rồi.
Vị hoa nhài (*) độc nhất vô nhị.
(*) Tiểu Mạt Lị cũng có nghĩa là hoa nhài.
Dương Gia Bắc cũng rối bời, Tiểu Mạt Lị của anh vừa mềm vừa thơm. Tay cô hãy còn run, cánh tay cũng run, một lớp mồ hôi mỏng rịn ra như làn mưa bụi tinh tế ngoài rừng. Dương Gia Bắc muốn vững vàng chống đỡ cho người con gái yếu đuối này, nhưng anh lại quên mất sự chênh lệch giữa hai người và bản năng của mình. Cho tới khi phản ứng lại, Tống Mạt đã bị anh ôm chặt vào trong lòng, hôn đến phát khóc.
Anh thở hổn hển, bình ổn lại hô hấp, vừa yêu vừa thương buông tay ra, luống cuống chân tay nhìn Tống Mạt còn đang gạt nước mắt.
Dương Gia Bắc xin lỗi chẳng thấy tí chân thành nào: “Anh xin lỗi, lần sau anh không làm vậy nữa.”
Tống Mạt lau nước mắt mấy lần, Dương Gia Bắc lo lắng cô sẽ sợ mình, duỗi tay muốn lau cho cô, tay vươn ra lại ngập ngừng không dám, cứ đắn đo mãi, muốn tới gần lại sợ doạ cô khóc. Ấy cũng là lần đầu tiên anh phát hiện ra rằng, hoá ra tình yêu là một chuyện vừa buồn rầu, vừa mâu thuẫn cũng đầy rối rắm như thế.
Những cảm xúc ngày xưa anh chẳng thể lý giải, giờ đây đột nhiên trở nên cụ thể hoá, xuất hiện trên người anh, rơi xuống bàn tay như bị đóng băng giữa không trung.
Bỗng nhiên Tống Mạt nhào vào lòng anh rồi khóc. Giờ phút này, tiếng khóc của cô đã đánh tan sự bối rối của anh. Dương Gia Bắc ôm cô, nhẹ nhàng vỗ về đôi vai gầy yếu, nghe cô vừa khóc vừa gọi mẹ, nghe cô nói ra hết những uất ức gần mười năm qua.
Anh sẵn lòng gánh chịu hết thảy khổ đau và nước mắt mà người con gái yếu đuối như cô vốn không nên chịu.
Mà một tuần sau, trong căn phòng oi bức ngột ngạt, cũng chính Dương Gia Bắc đã tự mình xỏ xuyên qua đoá hoa nhài yếu đuối của mình.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT