Trương Bình bốc trúng phòng ba trăm năm mươi tám, đề Luân.
Trần Trù đề Nhã, phòng bốn mươi ba.
Trường thi vô cùng rộng lớn, phân làm mười hai dãy, mỗi dãy sáu mươi gian, tổng cộng bảy trăm hai mươi gian.
Bức tường ngăn cách giữa hai gian thi gần nhau không phải được xây bằng gạch, mà bằng những phiến đá nguyên khối, hai dãy phòng lưng đối lưng được cách nhau bằng một con lạch, chính giữa lạch trồng hoa sen, tường sau lưng có cửa sổ. Trong tiết trời này, quang cảnh hoa sen nở rộ bên ngoài cửa sổ sẽ giúp tinh thần sĩ tử thư thái hơn phần nào.
Để phòng tránh gian lận, cứ một dãy có người sẽ cách một dãy trống, như vậy phòng thi trước mặt và sau lưng đều không có người. Hai gian thi nằm gần nhau cũng không cùng đề, vậy là có thể tuyệt đối ngăn chặn hành vi giúp đỡ lẫn nhau của các sĩ tử.
Trương Bình bước vào phòng thi số ba từ dưới đếm lên của dãy thứ mười một.
Phòng không lớn lắm, bên trong có một cái sạp nhỏ, một bàn một ghế, một bàn con, một cái ghế đẩu hình vuông, trên bàn có để giấy mực bút nghiên đồng bộ, kỷ trà và ghế đẩu dùng lúc ăn cơm, tránh việc sĩ tử ăn trên bàn làm bẩn bài thi. Trong góc phòng còn có một cái kệ, trên kệ có chậu rửa mặt, dưới là một thùng nước sạch.
Mỗi phòng đều có một cái chuông đồng đặt nơi cửa, dây thừng buộc chuông đồng luồng qua bức tường treo cạnh cửa, nếu như có vấn đề gì, có thể rung chuông gọi hộ vệ đến bất cứ lúc nào.
Trong phòng thi còn có một vách ngăn nhỏ, dùng để làm chỗ vệ sinh.
Trương Bình cẩn thận đánh giá một lượt căn phòng, mái được che lại bằng tấm ván gỗ, không nhìn thấy xà, sạp nhỏ không có thanh giường, trên tường cũng không có đinh, tránh việc sĩ tử nghĩ không thông liền làm bậy.
Dưới đất có trải một tấm chiếu mịn, Trương Bình dùng tay móc móc rờ rờ, chiếu được dán xuống nền đất, có lẽ để sau khi thi xong thì tháo ra luôn, đỡ phải sửa chữa lại sàn nhà.
Tường đều được sơn phết lại, cả bàn ghế cũng được quét sơn qua. Thật nhìn không ra vết tích còn sót lại của kỳ thi trước.
Trên bàn con có để một cây đèn dầu, trên bàn là đá lửa, ngoài ra còn có nhang muỗi.
Ngoài cửa, tiếng chân hộ vệ đi qua lại tuần tra rồi dừng hẳn trước cửa, một gương mặt đầy vẻ cảnh giác nhìn Trương Bình. Hắn cũng không tiện xem tiếp nữa, ngồi trên sạp, lấy cây quạt quạt quạt vài cái, hộ vệ dừng chân một lát rồi mới bỏ đi.
Ban đêm, Trương Bình giải đề có chút mệt mỏi nên dừng bút nghỉ ngơi, hắn nằm trên sạp, đột nhiên phát hiện vài thanh trúc trên đầu sạp có thể tháo ra được.
Hắn tháo mấy thanh trúc ra, chỉ nhìn thấy sau lưng mấy thanh này có vết khắc. Hắn xáo trộn thứ tự tháo ráp, rồi xếp lại, vết khắc cư nhiên lại nối thành một hàng chữ cong cong vẹo vẹo.
Trương Bình lớn lên ở đạo quán, hắn nhớ đây là bùa chú, có lẽ là do một sĩ tử nào đó của mấy đợt thi trước muốn nhờ sự giúp đỡ của quỷ thần hoàn thành bài thi, thế là khắc bùa chú lên trên sạp, trước lúc rời đi y sợ bị phát hiện bèn tháo hết mấy thanh trúc ra rồi lắp lại. Mấy nét khắc này trông không giống với chữ viết nên không bị mấy người tu sửa trường thi để ý tới.
Chỉ là, những sĩ tử muốn làm như thế thường hay vẽ Văn Xương phù, Khôi Tinh phù…. Thế nhưng phù chú này lại là phù chú mời quỷ hiển linh, không những thế lại thỉnh quỷ chết oan.
Trương Bình nhìn mấy thanh trúc này, suy tư trong chốc lát, ngọn đèn dầu chập chờn lay động, từ khe hở của cửa và cửa sổ bất chợt lọt đến âm thanh bi thảm khe khẽ.
Thanh âm đó lúc gần lúc xa, Trương Bình mở cửa sổ nghe ngóng, nhìn thấy từ cửa sổ phòng đối diện có ánh đèn nhỏ nhoi chớp động.
Âm thanh thê thảm kia chính là từ cửa sổ đó vọng tới, một bóng đen thoáng qua lớp giấy trên cửa sổ, ánh đèn đột nhiên tắt ngấm, âm thanh thảm thương kia cũng chìm trong đêm tối.
Gian phòng thi nằm cách một con lạch kia vẫn tĩnh mịt trong màn đêm, tựa như những việc vừa xảy ra chỉ là ảo tưởng trong giấc mộng mà thôi.
Sáng ngày hôm sau, sĩ tử cách Trương Bình một phòng nằm trên cáng cứu thương được khiêng ra khỏi trường thi.
Sáng hôm đó khi phục vụ trường thi đến đưa cơm, trong phòng không có ai đáp lời, thế là gã đẩy cửa bước vào, chỉ nhìn thấy tên sĩ tử này miệng sùi bọt mép nằm lăn quay ra đất, bất tỉnh nhân sự.
Y quan đến xem tình hình trước, nói là bệnh động kinh tái phát, hên là vẫn chưa cắn trúng lưỡi nhưng không thể tiếp tục thi cử gì nữa rồi, chỉ có thể để y nộp bài, kêu người khiêng ra trường thi.
Sĩ tử kia nằm trên cáng, hai tay co giật nhẹ, rồi đột nhiên ngồi bật dậy thật mạnh, hét to lên: “Có ma! Có ma!”
Vài hộ vệ ấn y nằm xuống cáng, vội vàng chạy đi, quan tuần tra nhìn thấy Trương Bình cùng mấy người khác đứng ở cửa thì nhăn mặt xua xua tay: “Đi vào hết đi, năm nào khoa thi chẳng có một hai người như thế. Ai bước ra khỏi cửa, sẽ cho là nộp bài hoặc gian lận mà xử phạt.”
Trương Bình và đám sĩ tử đều trở vào trong phòng.
Trương Bình còn nhớ, căn phòng có ánh đèn đêm qua, lại chính là căn phòng trống đối diện với phòng ba trăm năm mươi sáu.
Sau sự việc này, trường thi chìm trong cảnh thái bình, cho đến khi cuộc khảo thí kết thúc cũng không có chuyện kỳ quái nào xảy ra nữa.
Ba ngày thi cuối cùng cũng trôi qua, Lan Giác được phóng thích khỏi tiểu viện. Một cái kiệu nhỏ đưa y đến Quan Văn Các trong Hoàng Thành, y cùng các vị quan chấm thi tiếp tục bị nhốt lại trong này, cho đến khi bài thi được chấm hết.
Nghe nói kỳ thi lần này diễn ra vô cùng thuận lợi, ngoại trừ việc một thí sinh bị khiêng ra khỏi trường thi, số còn lại đều hoàn thành bài thi.
Lan Giác cùng các vị quan khi nghe tin này đều rất vui vẻ. Thế nhưng vào lúc này, sếp của Lan Giác, cũng là trụ cột chính của kỳ thi tuyển lần này, Lễ bộ Thượng thư Cung Tụng Minh do bị trúng gió lại thêm bệnh kiết lỵ nên đã được đưa về phủ nghỉ ngơi, không thể tham gia công cuộc chấm bài.
Sau khi Cung đại nhân gục ngã, hai vị đại nhân khác vốn cũng cao tuổi như ông cũng không chống đỡ nổi nữa. Triều đình không thể không điều người khác đến chấm thay, tạm thời phái hai đại học sĩ trẻ tuổi từ Hàn Lâm Viện đến nhưng vai vế cấp bậc lại kém hẳn Cung đại nhân, người thay thế cần tìm ít nhất cũng phải đồng cấp với ông. Lan Giác và các vị quan khác đoán mò, e rằng phải mời Vân thái phó đến áp chế rồi, thế nhưng không ngờ tiểu hoàng đế lại ra chỉ, mời Hình bộ Thượng thư Đào Châu Phong đến thay vị trí của Cung Tụng Minh, chủ trì việc chấm thi.
Theo tình mà nói, Đào Châu Phong là người có học vấn giỏi nhất trong các môn sinh của tiên Thái phó Liễu Tiễn, có thể nói là một nhà thông thái của đương triều, đảm nhiệm vị trí này so với ở Hình bộ thích hợp hơn rất nhiều. Hơn nữa tính tình Đào Châu Phong rất tốt, trước nay không thích tự quyết định, ưa để thuộc hạ làm chủ, quyền hạn chấm bài của các quan cũng thoáng hơn, cho nên tất cả các quan đều vui lòng nghe theo, hân hoan phấn khởi, cảm thấy tiểu hoàng đế thật anh minh thần vũ.
Quan Văn Các ở góc Tây Nam của Hoàng Thành, Lan Giác cùng tám vị quan chấm thi mỗi đêm ngủ trong góc điện, ban ngày thì chấm bài ở chủ điện. Chủ điện chia làm bốn gian, mỗi gian có hai vị quan chấm một đề, Đào Châu Phong ngồi bên ngoài uống trà trấn giữ.
Lần chấm thứ nhất, với bốn đề Điển, Luân, Nhã và Hiền, mỗi đề tiến cử mười bài. Lần chấm thứ hai, do Đào Châu Phong chủ thẩm, từ bốn mươi bài thi chọn ra ba mươi bài, cũng chính là danh sách trúng tuyển trong kỳ thi năm nay, dâng lên ngự tiền, chuẩn bị cho kỳ thi Đình.
Lan Giác ra đề Điển, cháu vợ y là Liễu Đồng Ỷ bốc trúng đề Hiền, cho nên y chỉ có thể chấm đề Luân hoặc đề Nhã. Lan Giác vốn muốn chấm đề Luân nhưng đại học sĩ Lý Phương Đồng, người từng tố cáo y cũng muốn chấm đề này. Lý Phương Đồng là cháu trai của Trung thư lệnh Lý Nguyệt, con gái Lý Nguyệt lại sắp trở thành Hoài Vương Phi, nói cách khác, Lý Phương Đồng sắp sửa trở thành cháu ruột của nhạc phụ của thúc thúc của hoàng thượng, tính ra thì cao hơn hoàng thượng một vế.
Lan Giác thầm nghĩ không nên dây vào vị hoàng thân này, Lý đại nhân tính tình sắc bén, căm ác như thù, cách xa y một chút xem chừng cũng tránh được việc dễ gây hiềm khích với y, việc này đối với mọi người cũng tốt, cho nên Lan Giác chọn đề Nhã.
Sự thật chứng minh rằng, lựa chọn của Lan Giác vô cùng thông minh. Mấy ngày sau, Lý đại nhân và người cùng chấm bài với y là Lưu đại nhân cứ cấu véo lẫn nhau, cấu đến tận trước mặt Đào Châu Phong.
Lan Giác thận trọng đứng trong góc cửa phòng chấm đề Nhã quan sát, Lý Phương Đồng và Lưu đại nhân vì hai bài thi mà đấu đá nhau không ngừng, bên đề Luân số người được tiến cử chỉ còn lại một, Lưu đại nhân ưng ý một bài thi, Lý Phương Đồng lại chấm một bài thi khác, gây ầm ĩ muốn Đào Châu Phong làm trọng tài. Đào Châu Phong ôn hoà nói: “Thánh dụ của hoàng thượng có nói, kỳ thi này là để tiến cử người tài, cho nên không cần phải câu nệ mấy nguyên tắc cổ hủ. Mặc dù chọn ra bốn mươi bài là quy tắc từ xưa, nhưng cũng có ngoại lệ chứ, ví như tuy bản bộ đường là Hình bộ Thượng thư, nhưng cũng có thể ngồi đây vậy. Nếu như hai vị đã khó bề quyết định, có thể thấy hai vị sĩ tử này đều có chỗ tài giỏi hơn người. Luân bộ chọn ra mười một bài thi, rồi quyết định lại lần nữa từ bốn mốt bài. Ta sẽ viết sớ tâu hoàng thượng.”
Đào Châu Phong ngay trong đêm viết sớ tấu dài hơn năm ngàn chữ, tiểu hoàng thượng phê đúng năm chữ: “Khanh tự quyết định đi.”
Đào Châu Phong phụng theo lời phê, ba mươi chín bài thi còn lại đã chọn ra, bắt đầu chấm lại từ đầu.
Lúc chấm lại, Đào Châu Phong cầm lên một bài thi đề Hiền, thích đến nỗi không bỏ xuống, tấm tắc khen ngợi, hai vị chủ thẩm đề Hiền cũng khen ngợi không dứt bài thi này, bảo rằng có khí phách thánh hiền, văn chương rực rỡ, nhất định sẽ là trạng nguyên năm nay, liền lập tức chọn ngay.
Sau khi chấm xong, Lan Giác cũng đi qua xem bài thi kia.
Quả là nét bút xuất sắc, đối đáp xuất thần, văn chương minh tường, không có chỗ nào để bắt bẻ cả. Khi mở niêm phong bài thi ra, quả nhiên là cái tên nằm trong dự liệu – Liễu Đồng Ỷ.
Hai mươi tám bài thi được chọn ra rất nhanh, sau đó, đến bài thứ ba mươi lại mắc kẹt ở hai bài đã khiến Lý Phương Đồng và Lưu đại nhân cãi nhau. Lý Phương Đồng và Lưu đại nhân mỗi người một ý. Đào Châu Phong đứng giữa hai bài thi cũng do dự không thể quyết, hai mươi chín bài kia đã mở niêm phong, chép xong danh sách, chuẩn bị yết bảng rồi, thế nhưng Đào Châu Phong mãi cứ phân vân.
Trong hai mươi chín cái tên đã được chọn xong, Lan Giác không nhìn thấy tên Trương Bình, lòng y chợt có cảm giác tiếc nuối mơ hồ. Có thể tên hậu sinh trẻ tuổi này tuy đầu óc thông minh, nhưng không hợp với thi cử. Đối với triều đình mà nói, lại là một sự đáng tiếc vô cùng.
Nghĩ đến đây, Lan Giác lại có chút buồn cười, tên Trương Bình kia mà vào triều, có thể sẽ về phe Lý Nguyệt, Lý Phương Đồng, rồi cũng đâu can dự gì với mình. Không biết tự lúc nào y lại dấy lên cảm giác thanh thản thế này.
Về phía bên kia, Lý Phương Đồng và Lưu đại nhân, hai bên đã bắt đầu công kích lẫn nhau, nghi ngờ lẽ nào đối phương đã nhận của hối lộ từ thí sinh mình đã chọn hay không.
Cuối cùng Đào Châu Phong nói: “Hay là thế này, trước tiên cứ mở niêm phong hai bài thi này ra, công bố danh tính, sau đó mọi người sẽ cùng thẩm duyệt để quyết định.”
Hai bài thi được mở giấy niêm phong, Lan Giác nhìn thấy tên tuổi, nhất thời ngẩn người ra y như Đào Châu Phong, tiếp theo vui rồi đây.
Người Lý Phương Đồng lựa chọn, lại chính là Trương Bình.
Người Lưu đại nhân tiến cử, tên trong bài thi đề hai chữ Mã Liêm.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT