dũng sỹ chép còm

chương 2


1 năm


Chép còm bừng tỉnh giấc mơ. Chú thấy mình đang dựa lưng vào chân một khóm cỏ nước trơn nhớt rêu trong làn nước tù hãm, sặc bùn. Những hình ảnh kinh dị và rực rỡ trong mơ vẫn còn làm tim chú đập mạnh, xao xuyến mãi không thôi. Đặc biệt hình ảnh con sông màu cốm mới, lặn mãi không tới đáy, dào dạt muôn ngàn con sóng lớn, xuôi ngược những cánh buồm, cứ bám riết lấy trí nhớ chú, không làm sao dứt ra được. Chú tự hỏi: liệu có một dòng sông như vậy trên đời này không?
Nếu có thì ở đâu? Và làm cách nào để bơi tới đó?
Không thể tự trả lời Chép còm liền bơi đi khắp ao, tìm các cụ già để hỏi. Nhưng cụ nào cũng lắc đầu.
- Một dòng sông như thế thì may ra chỉ trong chuyện thần tiên cổ tích mới có cháu ạ!
- Ờ, mà dù có thật đi  nữa thì ông cháu ta làm sao thoát khỏi ao để bơi tới đó. Họa là có phép tiên!
Một đêm trăng sáng, cụ Ngão móm lúc nghe Chép còm hỏi liền đưa cái miệng vểnh ngược trở xuống vừng trăng lung linh đáy nước nói:
- Đúng là có một dòng sông như vậy, và nó nằm kia kìa
! - Và bất thần cụ nổi cơn thịnh nộ, quật mạnh đuôi làm cho vừng trăng đáy nước tan nát ra muôn nghìn mảnh. Cụ không nói không rằng quay ngoắt bơi đi.
Chép còm buồn lắm nhưng vẫn không nản.
Chú lại bơi đến hết mọi ngóc ngách trong ao, tìm hỏi các cụ già chưa kịp hỏi.
Một buổi chiều, đang bơi ven mí nước gần gốc sung già. Chép còm bỗng nghe tiếng một cô gái khóc nức nở trong một đám rễ bèo, chú liền ngoặt đuôi bơi đến. Một cô cá Chày đang chúi đầu vừa khóc vừa dụi dụi mắt vào rễ bèo. Chày thân tròn lẳn, thon dài, bộ vẩy trên lưng cô rung rinh theo tiếng khóc. Chép còm sẽ sàng hỏi:
- Bạn làm sao thế?
Chày ngước cặp mắt đỏ hoe nhìn Chép, trả lời qua tiếng khóc:
- Chị tôi đêm qua bị một con thú gì hung tợn lắm, lặn xuống đây bắt đem đi ăn thịt.
- Con thú ấy hình dáng ra sao?
- Nó to gần bằng con chó nhưng lùn thấp hơn. Bốn chân nó có vuốt rất sắc, lông nó màu bùn non. Nó bơi lặn giỏi không thua gì loài cá chúng mình. Hai chị em tôi đang dựa lưng ngủ say trong đám rong liễu đằng kia,nó bất thình lình bơi đến vồ chị tôi, ngoạm ngang mình, rồi bơi lên bờ ngồi nhai rau ráu cả thịt lẫn xương... Mẹ chúng tôi chỉ có hai chị em chúng tôi. Mẹ bị tụi Bói cá rằn ri giết mất, bây giờ chị tôi lại bị ăn thịt... tôi chẳng còn ai thân thích trên đời... - Kể đến đó Chày òa khóc to hơn.
Nhìn bạn khóc Chép còm tự nhiên mủi lòng cũng muốn khóc theo. Nhưng chú đã ghìm lại được, lựa lời an ủi bạn, chú kể cho bạn nghe tình cảnh của mình, cũng đau buồn không kém. Mẹ bị cất vó cách đây chưa lâu và bây giờ chú cũng chỉ đơn độc một mình. Chú kể về những giấc mơ hóa Rồng, về dòng sông xanh màu cốm mới trong mơ và niềm ước mong sôi sục cứu bà con dân ao thoát khỏi cảnh chết dần chết mòn hiện nay.
Nghe chuyện Chép còm, Chày đỏ mắt nguôi nguôi buồn khổ. Cô nín khóc từ lúc nào không hay.
Cùng cảnh ngộ, Chép còm ngỏ ý được kết nghĩa anh em với Chày. Cô suy nghĩ rồi gật đầu nói:
- Dù anh là Chép, em là Chày nhưng từ nay chúng mình sẽ là ruột thịt như cùng một lứa trứng mẹ nở ra.
Chép còm nói:
- Suốt mấy hôm nay, anh lặn lội khắp ao tìm hỏi các cụ, liệu có thể có một dòng sông như dòng sông anh đã nhìn thấy trong mơ.
Chày hồi hộp ngắt lời Chép còm:
- Anh đã hỏi được chưa?
- Chưa, hầu hết các cụ đều trả lời một dòng sông như vậy chỉ có trong chuyện cổ tích mà thôi.
- Thế anh đã hỏi cụ Nheo mù chưa?
- Cụ Nheo mù? Chưa, anh chưa hỏi. Cụ hiện giờ ở đâu?
- Cả ao này, anh là người vô tình số một! Chày nói giọng trách móc - Cụ Nheo là mù là bậc trưởng lão già nhất ao, và còn là nhà thơ lớn của loài ta. Cụ bị mù cả hai mắt, quanh năm suốt tháng sống trong cái hang tối lạnh dưới chân rặng tre. Nhưng chuyện gì xảy ra trong ao cụ cũng biết và đều đặt thành thơ, anh đã bao giờ nghe thơ cụ chưa?
- Hồi nhỏ mẹ anh vẫn thường hát ru anh bằng những bài thơ của cụ. Nghe nhiều lần anh đâm thuộc. Anh thích hất là bài thơ cửu tuyệt, vịnh cái chết, bác Sộp bẹt đầu... Vi vây vẫn xòa như đang bơi. Về phía tự do nắng rực rỡ. Không hiểu sao mỗi lần bất chợt nhớ đến hai câu thơ này anh chỉ muốn làm ngay một việc gì thật tốt đẹp, thật hữu ích...
- Em thì không bài nào của cụ em không thuộc. Em thuộc cả trong khi mê ngủ - Chày nói, gương mặt cô rạng ngời niềm thán phục. - Cụ thông thái tài giỏi biết bao! Em tin chắc thế nào cụ cũng biết rõ có dòng sông đó hay không.
- Em đưa anh đến gặp cụ ngay bây giờ nhé?
- Em với anh phải bơi đi kiếm vài con trùn nước đem biếu cụ. Ngày mẹ còn sống bao giờ dẫn hai chị em đến thăm cụ mẹ cũng đều có quà, cụ sống khổ lắm, quanh năm chỉ ăn lá mục, bùn hôi...
Hang cụ Nheo mù là một hốc đá sâu hun hút, sát đáy ao, ngay dưới chân rặng tre. Bóng tre trùm lấp suốt ngày nên nước quãng này lúc nào cũng lạnh và tối hơn những chỗ khác. Trước cửa hang mọc san sát một rừng rong, bởi vậy nếu không biết lối, khó mà tìm thấy cửa hang.
Chày ngậm con trùn nước còn sống ngọ nguậy bơi trước dẫn đường. Cô rẽ ngang, lượn dọc, bơi nhanh như tên bắn. Chép còm phải vất vả mới theo kịp. Hai anh em bơi ngoắt ngoéo, vượt qua khỏi rừng rong xanh sẫm bóng nước, cửa hang cụ Nheo mù đã hiện ra trước mắt. Mùi bùn, mùi lá mục thối rữa từ bên trong hang xông ra nồng nặc. Chày gởi con trùn nước cho Chép còm ngậm hộ rồi thò đầu vào cửa hang gọi thật to:
- Ông ơi ông - Cô quay lại nói với Chép còm - Cụ nặng tai, phải gọi to cụ mới nghe tiếng.
- Ai gọi gì lão đấy? - Bên trong hang tiếng hỏi vọng ra, giọng khàn và trầm đục.
- Cháu đây ông ạ!
- A, cháu Chày đấy phải không? Sau lâu nay không lại chơi với ông?
Từ bên trong cửa hang tối mờ mờ, một cụ cá nheo to... da mốc thếch màu rêu, dò dẫm trườn ra. Cụ gầy quá cái đầu to lấn át cả thân mình, gồ ghề lồi lõm, da nhăn nheo dán sát vào xương. Cụ mù cả hai mắt, hai hốc mắt trám đầy bùn. Khi cụ bơi nghiêng, mảng da bụng lộ ra, trắng nhợt. Cụ vừa bơi vừa khua khua hai sợi râu mép dò đường. Hai sợi râu cụ chạm vào mình Chày và Chép còm. Chép còm xếp vây cung kính chào:
- Cháu chào ông!
- Còn cháu nào nữa đây?
- Thưa ông, anh Chép còm đấy ạ!
- Chép còm nào? Có phải cậu con trai út chị Chép vây hồng vừa bị mắc nạn tuần trăng trước không?
- Dạ phải đấy ạ!
- Đâu, Chép còm đâu, bơi lại gần đây để ông nhận mặt.
Chép còm nhích lại sát bên vây cụ. Cụ đưa hai sợi râu rờ mặt, lưng, vây, đuôi Chép còm rồi trầm ngâm nói:
- Ông biết mẹ cháu từ ngày mới bằng cái lá chanh. Trên thế gian này hiếm có bà mẹ nào xinh đẹp, hiền thục, gan dạ, thương con đến như mẹ cháu... Được tin mẹ cháu mất, ông có vịnh một bài tứ tuyệt nhưng vì bài thơ không đạt nên chẳng muốn cho ai nghe. Cụ cất giọng khàn đục khẽ ngâm:
Đầu mẹ khi cứu con,
Đã hóa thành thép cứng.
Lưới nào cũng xé toang,
Vó nào cũng phá thủng... ủng... ủng...
Giọng cụ bỗng nhiên nghẹn tắc. Im lặng một lúc khá lâu, cụ hướng hai hốc mắt trám đầy bùn về phía Chép còm nói:
- Phải phải gắng sống làm sao cho xứng với sự hy sinh của mẹ cháu.
Nghe cụ già tàn tật mà lỗi lạc này nhắc tới mẹ Chép còm rưng rưng nước mắt. Chú mím mím môi, cố nuốt nước mắt đang chực trào ra, vội nói lảng sang chuyện khác.
- Ông ơi chúng cháu kiếm được hai con trùn nước đem biếu ông đây, ông ăn đi cho tươi...
- Chà các cháu còn nhớ đến ông thỉnh thoảng đến thăm là quý hóa rồi. Chớ bày quà cáp làm gì?
Chày và Chép còm nài ép mãi cụ mới chịu ăn và ăn với vẻ ngon lành trông thấy.
Trong lúc cụ ăn, hai anh em kể cho cụ nghe tình cảnh hết sức đau thương khốn quẫn của ao quê hiện nay.
Cụ Nheo mù cúi thấp mái đầu gồ ghề lồi lõm ép sát bùn, thở dài buồn bã:
- Cả một đời ông, đã nhận thấy tận mắt mọi loài ác thú, nhưng chưa từng thấy một loại nào hung ác hơn cái bọn “rằn ri” kia...
Chép còm kể cho cụ nghe giấc mơ hóa rồng và dòng sông nhìn thấy trong mơ rồi hỏi cụ:
- Ông ơi, liệu có trên đời này có một dòng sông như thế nà không?
Cụ Nheo mù rung rung đôi râu chậm rãi nói:
- Có, quả là có một dòng sông như vậy... Thật là chuyện lạ cháu đã nằm mơ thấy một dòng sông có thật.
Chày thích quá reo lên:
- Em đã bảo rồi mà cứ hỏi cụ thể nào cũng cũng biết, cụ là nhà thơ!
- Dòng sông ấy ở đâu hở ông? Có cách xa đây lắm không? - Hai anh em tranh nhau hỏi - Trời ơi, ông kể đi chúng cháu nóng lòng muốn biết quá.
Nghe giọng mừng rỡ cuống quýt của Chày và Chép, gương mặt hốc hác của nhà thơ mù càng lộ vẻ buồn rầu ảm đạm hơn:
- Dòng sông đó tục gọi là dòng sông lớn nằm về phía mặt trời mọc và cách đây khá xa, nhưng xa bao nhiêu thì ông không rõ. Ông được nghe kể về dòng sông lớn từ cái thuở còn trai tráng. Chính bà ngoại cháu và các anh cò anh vạc thường bay đến đây kiếm mồi kể cho ông nghe. Đó là một dòng sông hùng vĩ và tuyệt đẹp, như lưỡi gươm rộng mênh mông, sóng vỗ ngang trời. Nghe đâu dòng sông bắt nguồn từ đỉnh núi quanh năm chìm khuất trong mây, chảy qua biết bao nhiêu thác ghềnh hiểm trở, những bãi bờ xanh ngút, những làng mạc trù phú, những cánh đồng thẳng cánh cò bay... rồi dào dạt tuôn ra biển lớn...
Chép còm và Chày cùng hăm hở nói:
- Nếu đúng là có một dòng sông như ông vừa kể thì nhất định chúng cháu phải tìm cách đưa tất cả bà con thoát khỏi cảnh chết dần chết mòn hiện nay và cùng bà con bơi đến đó.
- Các cháu còn ít tuổi mà đã biết nghĩ đến bà con đồng loại như vậy là tốt, tốt lắm... nhưng việc này khó quá, khó quá các cháu ơi...
- Khó như thế nào hả ông?
- Cái khó trước tiên là dân ao chúng ta chưa một ai biết lối bơi đến dòng sông lớn. Mà lối bơi đến đó lại vô cùng xa với cách trở, dọc lối bơi có biết bao nhiêu ngã bảy ngã ba, có biết bao nhiêu cái kênh ngang, mương tắt... Lúc nào cũng chỉ rình đánh lạc hướng ta, đưa ta vào chỗ không còn lối thoát. Đấy là chưa kể đến tụi Bói cá rằn ri rình rập trên khắp các kênh mương. Rồi nhung nhúc trong mỗi kênh rạch đủ cá loài ác thú, ác điểu, cò, vạc, bồ nông, rái cá, rắn mòng, rắn nước, rắn cạp nong, cạp nia... không không... - Cụ Nheo mù lắc cái đầu to sụ, gồ ghề lồi lõm như muốn xua đuổi những ám ảnh ghê rợn trong đầu. - Không một ai trong loài ta, dù có phép rồng phép tiên đi nữa, đủ sức, đủ tài, đủ trí, thoát ra khỏi chốn ao tù này và bơi đến được dòng sông mộng tưởng đó... Phải phải, dòng sông lớn cũng chỉ là dòng sông mơ ước của loài ta... - Giọng cụ trở nên thì thầm gần như một tiếng nấc dài.
Càng nghe cụ nói Chày và Chép còm càng buồn rầu thất vọng. Cặp mắt Chày đã đỏ càng đỏ hoe. Chép còm im lặng một lúc khá lâu, gương mặt hiền lành của chú bỗng trở lên lầm lì giận dữ. Chú nói giọng bướng bỉnh:
- Dù khó đến đâu cháu cũng quyết tìm cách thoát khỏi đây và bơi được đến dòng sông lớn. Cháu chẳng chịu thua đâu!
Cặp râu lang mốc của cụ Nheo mù khua nhẹ nhẹ trong làn nước tối sẫm bóng rong như muốn tìm kiếm một cái gì đó mà không tìm thấy. Cụ nói, giọng trầm khàn rung lên nỗi xót xa, nuối tiếc.
- Chao ôi, nghe cháu nói làm ông nhớ bồn chồn tuổi trẻ của ông. Cụ ngâm khe khẽ: Nhớ đứt ruột những ngày mũi dũ... Ngày đó, bày Bói cá rằn ri kéo đến chiếm cái làng này xây tổ đào hang và ao vừa bị chúng lấp kín. Ông cũng trạc tuổi các cháu bây giờ và tính khí cũng giống các cháu: cứng đầu cứng cổ, tim sôi sục máu nóng, mặc dầu loài ta là loài máu lạnh - đầu lúc nào cũng chỉ nghĩ đến chuyện vá trời lấp biển, nung nấu những ước mơ táo bạo, táo bạo đến liều lĩnh. Ông cũng không hề biết sợ là gì, và chưa bao giờ chịu cúp vây, co đuôi trước những trở lực khó khăn. Cũng như các cháu, khi nghe bà cá Chép lai Anh Vũ và mấy anh Cò anh Vạc kể về dòng sông lớn, và trùng trùng khó khăn, gian nan, nguy hiểm mà loài ta không thể nào vượt qua để bơi thấu, ông liền nói: “Tôi sẵn sàng đánh đổi cả cuộc đời trai trẻ của tôi dù chỉ để được nhìn thấy một con sóng, một cánh buồm căng gió...”
Chày hồi hộp ngắt lời cụ:
- Thế rồi sau đó ông có dám làm không?
- Có... có... các cháu ạ! Cụ khó nhọc trả lời, như phải bộc bạch một kỷ niệm đau lòng mà từ lâu muốn giấu kín chôn chặt. Chính vì sự xốc nổi của tuổi trẻ làm mà không lượng sức ông đã phải trả giá khá đắt... Ông đã bị mù cả hai mắt.
Chày sửng sốt hỏi:
- Ơ, thế mà lâu nay cháu cứ tưởng ông bị mù từ nhỏ.
Cái miệng rộng ngoạc cụ Nheo mù hơi nhếch cười:
- Ngày bằng tuổi các cháu, mắt ông cũng sáng không thua gì mắt các cháu đâu. Mà sức lực thì còn gấp ba, gấp năm các cháu kia. Có lần ông chúi đầu vào hốc đá nằm ngủ, vô ý thò cái đuôi ra ngoài. Một lão cua đá bò ngang qua tưởng ông đã chết, mon men định dứt thịt ăn. Lão đưa cả hai càng túm chặt lấy đuôi ông. Ông đau quá bừng tỉnh giấc, vùng một cái mà cả hai cái càng lởm chởm răng nhọn của lão ta gãy lìa khỏi thân, bám nhũng nhiễng vào đuôi ông, phải giũ mãi mới ra. Đầu ông rắn như lưỡi xẻng, muốn đào hang, húc mạnh bờ đất một lúc là thành hang. Hai ngạnh ông to bản và nhọn sắc như hai thanh mã tấu. Một lần ông đánh nhau với một tên rắn mòng vì nó chặn đường định ăn thịt chú cá diếc con. Ông lừa miếng, dùng thế võ hiểm “Cò bợ xỉa mồi” đâm một nhát xuyên từ bụng ra lưng hắn. Phải vất vả lắm ông mới rút được ngạnh ra.
Sợ bà con can ngăn, chế diễu, ông bí mật lầm lũi một mình, dùng đầu và ngạnh đào một con đương ngầm vừa mình ông chui lọt, xuyên qua ao. Ông phải đào suốt một tuần trăng với cái quyết tâm và sức mạnh của người tù tử hình đào tường vượt ngục. Thoát ra khỏi ao, ông nhắm mắt theo một con kênh chảy về hướng mặt trời mọc, cắm đầu cắm cổ bơi. Ông bơi cả ngày lẫn đêm, chỉ khi nào không nhấc nổi vây, đuôi thẳng đơ không lái nổi đường bơi ông mới chịu ép bụng xuống sát bùn nằm nghỉ một lúc cho lại sức, rồi ngoi lên bơi tiếp. Đói ông chỉ ăn bùn, rong, rêu, cầm hơn vì sợ mắc phải lưỡi câu. Các cháu thử tưởng tượng đang cái tuổi ăn tuổi lớn, lại đang đói thắt ruột thắt gan mà cứ phải nhìn thấy treo lủng lẳng trước miệng mình là là trùn đất, trùn xoăn, cào cào, châu chấu, nhái cốm, chuồn chuồn... con nào cũng béo mầm mẫm, mà phải cắn răng, nhắm mắt lướt qua, thì nó khó khăn khổ sở đến như thế nào.
Ông cứ bơi như vậy không biết bao nhiêu ngày đêm, vượt qua không biết bao nhiêu kênh, mương, máng, lạch. Ngày kia, ông bơi đến một vùng chi chít kênh rạch nhìn cứ hoa cả mắt. Ông dành chọn liều một con kênh chảy về hướng mặt trời mọc bơi đi. Ông phải bơi suốt một ngày một đêm, té ra con kênh cụt. Ông phải quay lại chỗ xuất phát, đâm đầu vào con kênh khác để rồi lại lạc nữa. Ông cứ bơi vào như một trận đồ bát quái, có lối vào mà chẳng có lối ra. Rồi đến một hôm ông bơi lạc vào một vùng rong nước đục lờ lờ. Mệt quá, ông dừng lại một lúc để nghỉ vây. Bỗng một con trùn nước béo mập không biết từ đâu hiện ra ngay trước mặt ông. Con trùn lượn lờ, nhấp nhỏm trong làn nước đục mờ như chực lẩn trốn. Lâu ngày không có chút chất tanh vào bụng nên vừa nhìn thấy con trùn, ruột gan ông cồn cào đau thắt vì thèm. Đầu óc ông phút chốc mê mụ đi. Ông quên phứt hết nguy hiểm. Cái đói trói cái khôn là thế đấy cháu ạ. Ông trườn nhanh đến không kịp rỉa cũng không kịp nhay, đớp một miếng gọn cả con trùn vào miệng lôi thật mạnh. Bỗng một sức mạnh ghê gớm giật ngược ông trở lại. và một vật sắc nhọn giấu trong mình con mồi đâm ngược từ trong hàm xuyên qua con mắt của ông. Ông chưa kịp vùng, chưa kịp quẫy, đã bị giật bắn từ đáy kênh lên khỏi mặt nước. Xung quanh loang loáng nắng, rộ lên tiếng cười reo: “- Ha ha ha, ông thiếu úy câu được con nheo to quá! Hai ký chứ không ít!”
Thằng Bói cá rằn ri có tên là thiếu úy chưa thèm bắt ông vội. Hắn cầm cần đung đưa ông ở đầu dây câu để kéo dài thêm sự khoái trá. Một thằng đứng cạnh la lên: “Ối, ối! Thiếu úy đưa nó vào bờ không lỡ sẩy mất thì uổng lắm!” Thằng thiếu úy nhe răng cười: “-Cần câu Tây, dây cước Mỹ, lưỡi câu Nhật, nó có sẩy đằng trời!”. Trước cái chết không còn cơ chi tránh khỏi, ông bỗng thấy tức giận tràn hông, giận mình ngu dại tham miếng mồi ngon mà đến nông nỗi này... Thế rồi, trong cơn giận dữ điên khùng, ông đã vùng một cái với tất cả sức lực còn lại. Không ngờ cái vùng tuyệt vọng ấy đã cứu sống ông. Ông thấy mình tự nhiên rơi tõm xuống nước. Thì ra cái vùng của ông mạnh đến nỗi lưỡi câu bằng thép trắng bạc phải duỗi thẳng ra. Ông thoát chết nhưng đã để lại trên ngạnh thép lưỡi câu đôi mắt của mình. Với cặp mắt mù, ông biết mình chẳng còn hy vọng gì bơi đến được dòng sông lớn, mà có ở lại trong cái miền rong nước xa lạ ấy rồi cũng có ngày thân biến thành chả nướng.
Kể đến đây cụ Nheo mù thở dài nặng nhọc như người ta mỗi lần phải nhắc lại những kỷ niệm đắng cay, cố quên mà không sao quên nổi. - Cụ kể tiếp - Thôi, ta đã không đủ tài đủ chí để đến đắm mình trong giòng sông mộng tưởng thì cũng phải quay về để được chết trong đáy nước ao quê... Thế rồi ông mò mẫm, vừa bơi vừa hỏi dò đường, trở lại với bà con. Ông rời ao quê bơi đi vào lúc mùa hoa súng hoa sen nở rộ, khi trở về thì rong nước đã ngả màu thu... Từ đó, ông chui vào hốc đá này, sống nốt những ngày còn lại. Sức tàn, lực kiệt, mộng ước tiêu tan... Nhưng nhiều lúc, mộng ước xưa lại thức dậy trong lòng, ông chỉ còn biết đem gửi gắm vào thơ. Cụ hắng giọng cất tiếng ngâm khe khẽ:
Chỉ tuy không đạt a a a... mộng không thành,
Dũng khí i i i... ngàn đời con cháu nhớ ơ ơ...
Giọng cụ rè, rạn vỡ, trầm đục, có âm hưởng da diết đến xé lòng, làm cho Chày và Chép còm đều rưng rưng nước mắt.
Khi nỗi xúc động đã dịu lắng, Chép còm chợt quật mạnh đuôi như cố vùng thoát khỏi những ý nghĩ thất vọng đang xiết chặt mình như những mắt lưới. Chú nói:
- Dù khó khăn nguy hiểm như ông vừa kể hay hơn nữa, cháu cũng quyết không từ bỏ con đường đã chọn ông ạ. Cháu sẽ theo gương ông, bơi lại con đường mà ông đã bơi. Một là cháu sẽ phơi xác trên kênh mương cho quạ rỉa, kiến tha. Hai là cháu thực hiện được ước mơ của giống ta.
Chú ngoảnh sang hỏi Chày:
- Em có cùng với anh đến dòng sông lớn không?
- Có, - Chày nói nghiêm trang như một lời thề. - Dù có phải vượt qua “nơm đó, vó, lờ” em cũng quyết theo anh.
Cụ Nheo mù nói, giọng trầm ngâm:
- Ông biết, ông biết! Khi dòng sông lớn đã cất tiếng gọi thì khó ai đủ dức cưỡng lại, nhất là khi trong huyết quản ta dạt dào máu trẻ và trong đầu ta đầy ắp những ước mơ cao cả. Xưa ông cũng thế và ngày nay các cháu cũng sẽ thế. Ông đâu có muốn làm nhụt khí phách của các cháu, ông đã đi và đã thất bại, ông cứ đinh ninh rằng việc này vượt quá sức loài cá chúng ta...
- Ông đừng lo, - Chày nói với giọng cả tin, - rồi chúng cháu sẽ bơi được đến dòng sông lớn cho ông xem. Hay... hay ông cùng bơi với chúng cháu ông nhé, Đúng rồi, phải đấy! Ông không thấy đường chúng cháu đã ngậm râu ông dắt ông. Dọc lối bơi, ông sẽ dạy cho chúng cháu cách tránh khỏi những cạm bẫy. Những lúc nghỉ vây, ông sẽ đọc thơ cho chúng cháu nghe. Ông biết không, mỗi lần được nghe một bài thơ mới của ông là cháu thấy háo hức muốn làm ngay được một việc gì thật tốt thật có ích cho bà con, và cháu quên hết mọi buồn khổ trên đời...
Những lời sôi nổi của Chày làm nảy ra trong đầu Chép còm những ý tưởng mới mẻ. Chú nói:
- Ý của Chày thế mà hay đấy ông ạ. Ông cùng bơi với chúng cháu nhé. Trước đây, ông đơn độc vượt ao, dọc lối bơi gặp khó khăn hoạn nạn ông chẳng còn biết trông cậy vào ai ngoài sức khỏe và đôi ngạnh của mình. Bây giờ chúng cháu sẽ chia nhau bơi đi rủ tất cả bà con cùng hợp sức thoát khỏi nơi đây, và bơi đến dòng sông lớn. Gặp nguy khốn, cả đàn sẽ cùng nhau bàn bạc tìm cách đối phó. Gặp khó khăn sẽ cùng nhau hợp sức để vượt qua. Gặp hoạn nạn sẽ nương tựa vào nhau, cùng nhau chia xẻ. Cháu tin chắc thế nào cũng bơi được đến nơi.
Cụ Nheo mù ngẫm nghĩ rồi nói:
- Các cháu tôi giỏi giang thông minh lắm. Các cháu đã nghĩ ra những điều mà trước đây ông không nghĩ thấu. Thật đúng như lời người xưa “Hậu sinh khả úy” ừ... ừ... mà biết đâu làm như các cháu dân ao ta bơi được đến dòng sông lớn cũng nên...
Chày quạt vây, múa đuôi reo lên:
- Hay quá! Thế là ông bằng lòng đi với chúng cháu! Ngay bây giờ chúng cháu sẽ chia nhau bơi đi khắp ao để rủ bà con...
Cụ Nheo mù vội đưa hai sợi râu ra khua khua trước mặt nói.
-khoan  đã các cháu. Đây là chuyện mất còn sống chết của tất cả bà con, không thể quyết định vội vã hay nôn nóng được. Để ông suy nghĩ kỹ thêm rồi sẽ bàn bạc với các cháu thật chu đáo.
Vừa lúc đó, từ trong rừng rong trước cửa hang có tiếng gọi giật giọng:
- Ông ơi, ông ơi!
- Cháu nào gọi ông, có chuyện gì mà nghe hớt hải vậy?
- Hình như tiếng bạn Rô nhọ ấy ông ạ!
Chày nghiêng đầu lắng nghe.
Một chú cá rô luồn lách ra khỏi từng rong bơi như xé nước đến phía ba ông cháu. Chú rô này có bộ vây đen anh ánh như tắm bùn vì vậy mà các bạn gọi là Rô nhọ, Rô nhọ thân hình tuy bé nhỏ nhưng trông thật cứng cáp, nhanh nhẹn, Vây chú nhỏ, cứng cáp và ken dày khin khít khác nào một bộ áp giáp, mọi thứ chông chà, gai nhọn bộ vẩy chú đều coi khinh. Vây lưng chú chạy dài suốt từ cổ đến đuôi, lúc dựng lên nhọn tua tủa như một hàng chông. Đặc biệt hai nắp mang chú hình bán nguyệt, rất cứng, sắc lẻm và có răng cưa, có thể xòe cụp nhanh như cánh chim. Đôi nắp mang của Rô nhọ vô cùng lợi hại, nhờ nó mà chú nổi tiếng khắp ao về tài rạch, lách, trèo. Sau trận mưa rào, Rô nhọ có thể men theo những lạch nước chảy, dùng nắp mang như một cặp chèo, rạch ngược lên những bờ đất dựng đứng, rong chơi thoải mái đó đây, rồi rạch trở lại ao một cách dễ dàng. Do đó chú là kẻ độc nhất trong Ao Cây Sung am tường chuyện kỳ thú về cuộc sống của các loài ở trên cạn. Cũng nhờ cặp nắp mang lợi hại này, Rô nhọ đã từng thực hiện những cuộc vượt ngục kỳ tài: Trèo ngược thành giỏ dựng đứng lách qua những khe hom lờ, hom đó, trườn rạch từ những nơi giam giữ rất xa trên mặt đất trở về ao... Chỉ nhìn cái trán hẹp mà vồng lên, vững chắc như một tấm lá chắn, cặp mắt tròn xoe óng ánh xanh, viền một vòng đỏ của Rô nhọ, cũng biết được chú là một chàng trai ngỗ ngược, không biết sợ là gì và sẵn sàng lao vào mọi việc nguy hiểm.
Rô nhọ bơi đến trước mặt cụ Nheo mù, kêu to đau đớn:
- Ông ơi bạn Lóc hoa...
- Lóc hoa làm sao? - Cụ Nheo mù thảng thốt hỏi.
- Bạn ấy mắc phải lưỡi câu của tụi Bói cá rằn ri!
- Trời ơi! Chứ mắc vào lúc nào! Sáng nay nó vừa tạt vào đây thăm ông kia mà!
- Dạ, vừa bị mắc xong... thì cháu bơi thẳng xuống đây!
Đuôi và vây Rộ nhọ run lên trong làn nước mờ tối, bóng rong như bất thần bị đánh một sống dao vào giữa trán.
Chày thì thầm nói với Chép còm:
- Không ai thân thiết nhau hơn hai cậu ấy! Cứ liền nhau như vẩy với da. Muốn tìm Lóc hoa cứ hỏi Rô nhọ, muốn tìm Rô nhọ cứ hỏi Lóc hoa. Khổ thân bạn ấy quá!
Lóc hoa bạn chí thân của Rô nhọ còn có tên là Lóc bông. Chú là con trai chị Lóc - chết hụt, một bà mẹ lừng danh của Ao Cây Sung. Cái tên Lóc - chết hụt nảy sinh từ cuộc đời đầy những tai họa kinh hồn mà chị đã trải qua.
Mẹ của Lóc hoa vốn không phải dân Ao Cây Sung, chị sinh trưởng ở một đầm nước cạn mọc đầy cỏ năn, cỏ lác phía sau làng. Có lần, chị bị tụi Bói cá rằn ri bắt được giữa giữa lúc đang bụng chửa gần sắp đến ngày vật đẻ. Cũng vì bụng tức trứng nặng nề quá nên chúng mới bắt được chị. Hồi đang con gái thì chúng đừng hòng! Chị có thể lao phóng qua miệng nơm, thành vó nhanh như một tia chớp đen.
Lần đó chị Lóc thoát chết nhưng khắp thân hình đầy thương tích. Xương đầu chị rạn vỡ nhiều chỗ và vẫn không ngớt rỉ máu. Nửa mình bị tróc sạch vẩy, chỉ cần một cọng rong chạm vào cũng rát như lửa đốt. Bà con dân ao vừa kinh hãi vừa khiếp phục, ngay chiều hôm đó, tất cả đều gọi chị là Lóc - chết hụt.
Hai hôm sau chị vật đẻ. Trứng bám trắng xóa một khóm rễ bèo cái. Bà con dân ao kéo đến giúp chị, nhưng chị đều lễ phép và kiên quyết từ chối: “Cảm ơn bà con có lòng tốt, nhưng khi tôi sinh nở một mình đã quen rồi. Xin bà con cứ để mặc tôi”.
Mặc cho các vết thương vẫn như lửa cháy khắp mình, chị Lóc - chết hụt vẫn bơi lượn suốt ngày đêm vòng quanh ổ trứng. Hễ thấy bất kỳ ai mon men đến gần ổ trứng là chị trừng mắt, há miệng rộng hoác đến mang tai, trắng lóa những hàng răng nhọn hoắt, dày sin sít, làm tất cả đều phải sợ hãi lánh xa. Chị đã cắn gần chết hai lão ếch cốm, cắn đứt ngang mình một con rắn mòng, và tiện lìa chân một ả vịt trời, mon men đến gần ổ trứng. Bà con dân ao chưa từng thấy một bà mẹ nào chăm con và dữ tợn đến như chị. Cuộc đời đầy những tai họa, bất trắc đã làm chị luôn đề phòng, không kể khác loài, hay cùng loài. Cả khi chị chợp ngủ, hai mắt chị cũng mở trừng trừng, răng cũng nhe ra, sẵn sàng trong tư thế lao vào những kẻ địch ám hại các con mình.
Ít lâu sau trứng nở. Một đàn rồng rồng đỏ hỏn ra đời. Chị dẫn con đi ăn quanh rìa nước có bóng sẫm bờ ao. Đàn con ăn nổi trên mặt nước, chị lội ngầm bên dưới trông con. Thoáng một bóng nghi ngờ, đe dọa là chị đánh đuôi ra hiệu cho con lặn biến xuống nước rồi sau đó nổi lên ở một chỗ khác.
Thức ăn trong ao ngày một khan hiếm, mà đàn con lại quá đông. Thiếu mồi, chúng cứ gầy rạc đi, không lớn được. Nhiều đứa xuôi vây nằm lả trên mặt nước vì đói. Mắt chị long lên ánh hung dữ khác thường, và hai hàm răng chị càng nghiến chặt hơn. Chị phải dùng đến cách kiếm mồi quyết liệt đến điên khùng. Chị nhảy phóng lên bờ, nằm phơi mình giữa khoảng đất dưới nắng trưa như đội lửa. Kiến vàng, kiến đen, kiến lửa đánh hơi thấy mùi tanh, lũ lĩ kéo đến bâu lấy thân hình chị. Chúng cắn, chúng xé, chúng vục răng vào các vết thương mưng mủ lở loét trên làn da đã bị tróc hết vảy. Chúng chui cả vào mang, vào các vết rạn nứt trên đầu chị. Chúng rứt thịt chị miếng lớn miếng nhỏ, kìn kìn khiêng đi. Mặc, chị vẫn nằm im giả chết và cắn răng chờ. Chị chờ cho đến lúc chúng kéo đến bâu kín không còn hở một chỗ nào trên thân mình. Lúc bấy giờ chị mới bất thần tung mình lao vọt xuống ao. Chị lặn biến xuống nước, đàn kiến bâu trên mình chị chới với buông bị ra, nổi hết lên mặt nước. Đàn rồng rồng xô lại tranh nhau đớp kiến. Mỗi lần kiếm mồi bằng cách đó, đàn con chỉ được một bữa lưng lửng dạ. Cung cách kiếm mồi nuôi con của chị làm bà con dân ao vừa thương xót vừa khiếp đảm. Nhưng không một ai dám ngỏ lời khuyên can. Nhìn ánh mắt long lanh hung dữ và hàm răng nghiến chặt của chị, họ biết mọi lời khuyên can đều vô ích.
Nuôi con và thường xuyên kiếm mồi cho con bằng cách đó, đầu chị mỗi ngày một to ra, thân hình quắt lại, mỏng dính như lưỡi dao, vẩy sát vào xương. Bà con nhiều lần bắt gặp chị đang bơi bỗng ngất xỉu, xuôi vây, ngay đuôi, chìm từ từ xuống đáy bùn. Nhưng chỉ chốc lát chị lại cựa mình quạt vây. Lòng thương con và hơi mát lạnh của bùn ao giúp chị tỉnh lại, nâng đỡ chị ngoi lên tiếp tục cuộc đời làm mẹ bi tráng và lẫm liệt của mình.
Một buổi sáng, bà con dân ao ngạc nhiên thấy đàn rồng rồng bơi lặn xao xác như chim vỡ tổ, họ xô cả lại xem có chuyện gì xảy ra thì thấy chị đã chết tự bao giờ. Đầu chị ghếch lên một đám rễ cỏ dừa, miệng còn ngậm chặt con cào cào. Hình như chị vừa nhảy lên bắt mồi, chưa kịp nhả ra cho các con thì gục chết vì kiệt sức.
Ôi, lòng các bà mẹ cá lóc thương con. Kể sao cho xiết.
Cụ Nheo mù vịnh một bài bốn câu khóc chị:
Đầu rạn nứt, nửa mình không vẩy,
Thoát tử thần đuôi xé làm đôi.
Phơi thân dụ kiến nuôi con đói,
Tình mẹ mênh mông động đất trời.
Chỉ ít lâu sau, đàn rồng rồng mồ côi mẹ chết dần chết mòn gần hết. Chúng còn nhỏ dại non nớt quá, không có mẹ che chở nên lần lượt làm mồi cho lũ rắn mòng, cò, vạc, bói cá, ếch, chẫu chàng... Chỉ một mình Lóc hoa sống sót. Chú sống sót là nhờ nhanh nhẹn, khỏe mạnh hơn hẳn các anh chị. Nhờ rong nước chú lớn nhanh như thổi. Đang mới bằng đầu đũa, ngoảnh đi ngoảnh lại chú đã bằng cái ngó sen. Và ngoảnh lại ngoảnh đi chú đã bằng cái cán dao. Bà con dân ao thấy vậy đều rất mừng, nói với nhau: “Nó lớn cho cả phần mấy trăm anh chị nó, không may sớm nằm trong bụng rắn, bụng cò...”
Lóc hoa đầu thuôn nhọn như được nước gọt đẽo mà nên, hai má phinh phính, cặp mắt đen huyền sáng óng ánh, viền một vòng màu lục trong, miệng rộng đến mang tai, hai hàm răng dày sin sít, sắc nhọn, trắng đẹp như thép mạ. Thân mình chú dài hơi quá cỡ, tròn lẳn, ức nở, rốn thon, vây bơi chèo rộng, vây bụng xuôi, đuôi mềm mại như cọng rong giữa dòng nước chảy. Bộ vẩy chú láng ánh như bùn non dưới trăng, phía trên lưng màu xám nhạt điểm những vân hoa màu đỏ tươi, phía dưới bụng màu rơm phơi nắng. Do những vân hoa trang điểm trên lưng mà chú có tên là Lóc hoa hoặc Lóc bông.
Chẳng bao lâu Lóc hoa đã trở thành một chàng trai lực lưỡng, vạm vỡ, nhảy cao, bơi nhanh, bắt mồi mười phát không sai một. Nhìn chú lướt bơi vun vút như con thoi đen vân hoa gieo trong rong nước hoặc nhảy phóng lên khỏi mặt nước đớp bắt cào cào, châu chấu, chuồn chuồn đang bay, đang đậu, dân ao ai cũng phải dựng vây ngắm, trầm trồ tấm tắc khen.
Lóc hoa không ở chỗ nào nhất định cả, cả cái Ao Cây Sung này là nhà của chú. Chú có rất đông bạn bè và anh em kết nghĩa. Chú quen biết gần hết bà con dân ao, coi ai cũng là bà con ruột thịt. Bởi vì chú thường không tiếc sức giúp đỡ các cụ cá già bệnh tật, yếu đuối, và che chở bênh vực các bé cá nhỏ dại. Bơi đến đâu, hễ gặp chuyện chướng tai gai mắt là xông ngay vào can thiệp, lấy việc thiên hạ làm việc của mình. Chú sẵn sàng liều mạng đánh nhau với những địch thủ to xác và mạnh gấp hai ba gấp ba, dùng hàm răng nhọn sắc, cái đầu như mũi lao và toàn bộ sức lực cường tráng của mình để bênh vực lẽ phải. Mỗi ngày thân hình chú lại dày thêm những vết xây xát sứt sẹo, vết cũ chưa lành đã chồng lên vết mới. Bộ vẩy láng ánh vân hoa của chú bị tróc mất nhiều mảng. Bà cụ Vền một hôm ngắm nhìn cái thân hình đầy thương tích của chú phải chép miệng nói:
- Cháu cứ ham đánh lộn như vậy rồi cũng đến như má cháu thôi chẳng còn lấy một chiếc vẩy mà hộ thân!
Lóc hoa nói:
- Nhưng hễ nhìn thấy những chuyện chướng tai gai mắt là cháu sôi gan nóng tiết, không sao dằn lòng được.
Chú bơi ngang qua một khóm bèo chợt nghe một bà Thiểu than thở với một bà Mương:
- Ối dào, nhìn lũ chuồn chuồn, châu chấu chao liệng trên mặt ao mà tôi thèm rệu cả nước miếng. Bây giờ già yếu quá rồi, chẳng còn đủ sức bắt lấy nổi một con chuồn chuồn kim chị ơi!
Thế là Lóc hoa phóng ngay lên mặt ao, bơi vào sát bờ, nép dưới đám cỏ ống, rình mồi. Hôm đó trời nắng rất to, nước gần rìa bờ nóng như luộc. Nhưng chú vẫn gan liều nằm phục suốt cả buổi trưa. Chú nhảy đớp được một con bọ ngựa cái béo mẫm, con bọ ngựa cũng không phải tay vừa, vung cặp kiếm răng cưa, cứ nhè vào mắt chú mà bổ liên tiếp, chú không nhanh nhẹn dìm nó xuống nước thì chắc đã bị nó chém mù mắt rồi. Chú ngậm con bọ ngựa bơi khắp ao tìm trao cho bà Thiểu.
Sau đó, chú bơi lướt quanh bờ ao định rình bắt con nhái bén thật béo, biếu bà cụ Cua - một càng. Bà là bạn thân của mẹ chú từ thủa chú đang tuổi rồng rồng. Bà già yếu lại tàn tật sống thui thủi một mình trong cái hang nông choèn. Hôm đó, vừa trông thấy chú bà đã sụt sùi, kể lể một hồi: “-Cơ khổ mẹ cháu. Mẹ cháu trông bề ngoài hung dữ như vậy nhưng bụng dạ như hoa súng, hoa sen, nở ra mà thơm cho cả thiên hạ. Một lần, mẹ cháu đến chơi với thím, mang cho thím một con nhái lưng sọc xanh, béo cứ múp ra bắp tay bắp đùi nần nần toàn những thịt. Lần đầu đời thím được nếm mùi thịt nhái, nuốt tới đâu biết tới đó. Thịt nó ngọt, mềm, mà cứ thơm phưng phức”.
Lóc hoa hỏi:
- Thế lâu nay thím có được ăn thịt nhái không thím?
Bà Cua - một càng cười mếu máo:
- Cháu làm như thịt nhái là lá mục không bằng! Một đời thím được ăn một lần cũng là phúc phận lắm rồi.
Bà ngo ngoe cái càng độc nhất, xuýt xoa, chắp chắp miệng, nuốt nước bọt.
Lóc hoa nhìn bà lòng đau nhói vì buồn và xót thương. Chú quyết ngay trong ngày hôm đó phải lùng bắt cho bằng được một con nhái thật béo để biếu bà bạn già của mẹ, dù cho có phải bơi vào giữa một dàn lưỡi câu rà.
Chú lướt bơi hết sức nhẹ nhàng, cố tránh không làm động một thân cỏ một cọng rong không để ngời lên một gợn nước. Tụi nhái cực tinh mắt thính tai. Chúng ngồi chồm chỗm trên các lá bèo, lá súng vẻ mơ màng trầm ngâm như không nhìn thấy gì. Nhưng chỉ cần một tiếng động rất nhỏ, hoặc một thoáng khả nghi là chúng đã nhảy tót xuống nước, lặn biến như tan vào trong nước.
Đang bơi, Lóc hoa chợt dừng vây, chững lại dưới một khóm rễ bèo. Chú nghe có tiếng quất nhẹ trong không khí và tiếp theo tiếng bõm! Cặp mắt chú vụt lóe sáng, vây lưng dựng đứng, miệng mím khít, toàn thân thẳng căng. Đó là tư thế quen thuộc của chú chuẩn bị lao lên bắt mồi. Chú biết rất rõ tiếng bõm vừa xong là tiếng con nhái từ trên bờ nhảy phóng xuống nước. Chú nghếch cao đầu, lắng tai để định hướng. Chỉ trong nháy mắt chú đã phát hiện ra con mồi đang lao chạy ngay trước mặt. Chú xòe rộng đuôi, quạt mạnh vây lao vút đến con mồi như một mũi tên. Con nhái béo mẫm chỉ còn cách chú một nhảy, một lao và một đớp. Nó có vẻ hoảng sợ vì biết mình đang bị săn đuổi nguy kịch. Nó bơi một đường bơi ngoắt ngoéo theo bờ nước, nhảy chồm qua những khóm bèo lục bình, rồi hấp tấp nhào xuống nước như muốn lẩn trốn. Nhưng đời nào chú chịu để nó tẩu thoát! Chú rượt theo như bay, vừa đúng tầm, chú quật mạnh đuôi lấy đà, lao phóng lên khỏi mặt nước, phối hợp tuyệt khéo giữa cú nhảy và cú đớp. Tốp! Cú đớp chính xác như một phát súng của nhà thiện xạ. Con nhái đã nằm gọn giữa hai hàm răng chú. Con nhái to quá làm miệng chú cứ bạnh ra. Đúng lúc đó, chú nghe tiếng Rô nhọ kêu thét từ xa:
- Nhả ngay ra! Nhả ngay ra! Mồi lưỡi câu quang đế... ế...
Nhưng không kịp nữa rồi, Một cái giật rất mạnh, con nhái nằm giữa hai hàm răng như bất thần nhảy vọt, tha luôn cả chú bay qua đám bèo nằm chắn ngang trước mặt. Mép bên trái vụt đau nhói tưởng chừng như có ai cầm mà tước ra. Chú há miệng to vùng quậy dữ dội, muốn khạc con nhái ra, nhưng vô ích. Con nhái như bị khâu chặt vào miệng chú.
Rô nhọ bơi xé nước đến bên cạnh la đến khản giọng:
- Vùng thật mạnh ra! Vùng thật mạnh ra! Bẻ thẳng lưỡi câu hoặc rách mép!
Nghe lời bạn. Lóc hoa vùng quẫy, liên tiếp tung cao mình lên khỏi mặt nước, cố giằng mép ra khỏi lưỡi câu. Nhưng lưỡi câu quăng làm bằng thép trắng to như gọng dù, ngạnh dài và nhọn như mũi lao, sức cá chục cân cũng khó lòng bẻ thẳng. Và mép của Lóc hoa đâu có dễ dứt như mép các cậu diếc. Chú vẫn bị lôi phăng về phía trước không sức gì cưỡng lại nổi. Thân hình Lóc hoa trượt vùn vụt qua những xơ rau muống, những búi cỏ dừa, thoáng chốc chú đã nằm gọi trong cái thùng đạn của tên lính rằn ri. Trong đó đã có mấy anh Lóc và một chị Sộp đang có mang bụng trứng.
Lúc này cái “xà lim thép” đặt ở xó bếp, nằm phía góc trái đồn. Lóc hoa nghe chúng bàn soạn: Làm món cháo ám thật ngon mời ngài đại úy đồn trưởng. Một bàn tay khét mỡ rán thọc vào đáy thùng, khua khoắng tóm cổ từng anh chị lóc, quật đánh bốp xuống nền bếp. Lóc hoa nghe rõ tiếng xương đầu, xương hom rạn vỡ, tiếng dẫy đau đớn của các bạn, tiếng đập đuôi hấp hối. Một... hai... ba... bốn... chú nhẩm đếm tiếng giáng quật, nhắm mắt, xuôi vây, chờ đến lượt mình. Trước cái chết hiển nhiên không còn cách gì tránh khỏi, chú bỗng thấy lòng trở lên bình thản lạ thường. Không sợ hãi, cũng chẳng tiếc nuối. Chú chỉ ân hận một điều là không còn bao giờ được bắt một con nhái thật béo biếu bà bạn già tàn tật của mẹ. Chú thở dài:
- Thế là bà cụ sẽ nghĩ đến mà thèm cho tới chết...
- Xin các ông làm ơn làm phước tha chết cho tôi... tôi đang bụng mang dạ chửa... - Chị Sộp khóc lóc van vỉ, nghe muốn đứt ruột: bàn tay khét mùi mỡ rán lại thò vào đáy thùng, tóm trúng lưng chị Sộp, chị quẫy mạnh tuồn ra được khỏi tay hắn, run rẩy nép sát vào góc thùng. Lóc liền lách đến luồn vào giữa bàn tay đang khua khoắng, bụng nghĩ. Biết đâu chúng chỉ làm thịt đến mình còn chị Sộp chúng sẽ để lại... Những ngón tay đầy nhớt như gọng kìm bóp chặt ngang cổ chú. Chú nằm im chẳng buồn ngúc ngoắc đuôi. Cổ họng chú tự dưng đắng nghét như mật vỡ ra, trào lên cổ. Cũng vừa lúc đó trên cao có tiếng hỏi:
- Còn mấy con trong đó mày?
- Dạ bẩm đại úy, hai ạ!
- To không?
- Dạ cũng khá, to hơn bốn con vừa rồi.
- Để hai con đó lại. Sáng mai làm món nướng nhậu chơi! - Những ngón tay gọng kìm đang xiết ngang cổ họng Lóc hoa buông ra. Tiếng tên được bẩm là đại úy hỏi:
- Ao còn nhiều cá không mày?
- Dạ bẩm đại úy còn bộn.
- Hôm nay là ngày mấy ra nhỉ?
- Dạ bẩm mồng tám ạ!
- Thế thì đến đúng ngày rằm ngài cố vấn Uyn-sơn sẽ về đây kiểm tra đồn ta. Chúng ta sẽ bắt cá ao mời ngài nhậu một bữa ra trò.
- Dạ bẩm nếu vậy thì đại úy phải cho người lên quận mượn cái máy bơm về bơm từ sáng ngày mười hai đến rằm mới có thể cạn được.
- Cần gì máy bơm máy biếc cho mệt mày. - Tiếng tên đại úy cười khành khạch - Tao đã có cách. Tương xuống ao một trái mìn là xong.
- Bẩm đại úy cái ao khá rộng, một trái mìn sợ không ăn thua.
- Một không ăn thua thì hai! Loại mìn điện hai mươi cân của Mỹ cho nổ cả hai cùng một lúc thì cả ao chẳng còn một mống tôm tép sống sót. Lo gì mày. Tha hồ cho chúng mày bắt cá. Bắt sướng tay thì thôi.
Câu chuyện trao đổi giữa hai tên Bói cá rằn ri lọt vào tai Lóc hoa không sót một tiếng. Bốn câu thơ tứ tuyệt nghe hàng trăm lần chú chỉ nhớ nổi hai câu thế mà đoạn đối thoại trên chỉ nghe có một lần chú nhớ như được đục vào óc. Mãi rất lâu về sau, mỗi lần sực nhớ lại chuyện này Lóc hoa vẫn không thôi ngạc nhiên. Chú cứ băn khoăn tự hỏi: Cái gì đã giúp mình trong khoảnh khắc ấy trở lên thông minh kỳ lạ như vậy! Thế là cái chết của Lóc hoa và chị Sộp được lùi lại đến sáng hôm sau. Và sẽ không phải chết theo cách đánh vẩy, chặt vây, chặt đầu, cắt thành khúc bỏ vào nồi nước sôi sùng sục. Họ sẽ chết theo cách bó sống vào bẹ chuối và đặt lên giàn lửa.
Hình như đã khuya lắm. Gian nhà bếp vắng tanh, bóng tối quánh đặc tưởng dùng muỗng múc được. Dưới đáy “Xà lim thép”, Lóc hoa chốc lại trở mình, bên cạnh chú chị Sộp mê man ngủ thiếp. Chị vùng quẫy, nức nở khóc trong mơ, Lóc hoa cũng mệt và đau như dần từ đầu đến đuôi nhưng không tài nào chợp mắt. Câu chuyện tình cờ nghe được đang thiêu đốt ruột gan chú. Chú chưa được biết loại mìn điện hai mươi cân ấy hình dạng ra sao, nhưng chú cũng mường tượng nó giết bằng sức nổ, ép vỡ tan bong bóng như kiểu những phát súng đã giết các bé cá mài mại rô cờ, đòng đong, xin xít...
... Cho nổ cả hai cùng một lúc thì cả ao chẳng còn một mống tôm tép sống sót... Câu nói của tên Bói cá rằn ri, như cái dùi sắt nung đỏ cứ xuyên qua xuyên lại trong đầu chú. Nó nhắc nhở thôi thúc chú phải làm ngay, làm gấp một việc gì đó để cứu bà con dân ao thoát khỏi thảm họa bị giết sạch.
- Việc trước tiên là ta phải vọt ra khỏi thùng nhốt, gắng sức trườn về ao báo cho bà con biết cái tin ghê gớm này - Lóc hoa nghĩ vậy - Biết đâu từ hôm nay đến ngày rằm lại chẳng có một và con tài giỏi nghĩ ra được kế cứu thoát dân ao...

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play