"Bing boong...!Bing boong...!Bing boong..."

Chuông cửa bỗng reo lên.

- Ủa?

Hình như Dương Lãng nhớ ra rằng mình không hề mời ba người đang đứng trước mặt tới nhà chơi.

Ngoài Mạc Ưu Đàm ra, hai người kia hắn không hề quen biết.

- Vào chơi.

- An Kỳ giờ mới tin Lôi Hoành bị liệt nửa người thật.

Vì gã vẫn phải viện đến sự giúp đỡ của chiếc xe lăn điện tử để di chuyển.

Và Lương Gia Huy vừa là cận vệ, vừa là trợ lý của gã.

Chưa kịp đóng cánh cửa lại, An Kỳ nhác thấy Judas và Đường Trí Nghĩa đương băng qua đường, nên bèn đứng tựa lưng vào thành tường chờ họ.

Gã trai Nam Mỹ kia có vẻ đã trở thành bạn thân của anh chàng cao kều, tính cách hai người đều điềm đạm nên nói chuyện với nhau rất hợp ý.

Tự dưng anh cảm thấy mừng cho họ, vì đã tìm được một người tri kỷ để san sẻ gánh nặng trần gian.

- Ô! Người nước ngoài hả? - Đặng Xương Tuyết ngạc nhiên ra mặt.

- Anh ấy là Judas Amadeus Monteclaro.

Bọn tôi quen gọi là Judas.

- Đường Trí Nghĩa thấy anh bạn thân hơi ngần ngừ, bèn nhanh miệng giới thiệu thay.

Judas đưa tay ra bắt với Đặng Xương Tuyết.

Gã và người bạn thân hùn tiền mua vài ký crawfish sốt Cajun để đem tới đây "góp vốn", hy vọng sẽ đủ ăn.

Vệ Minh đưa hộp bánh xếp cho đám người mới tới ăn lót dạ.

Đoạn trở vào bếp coi sóc nồi cháo gà.

An Kỳ cũng lẽo đẽo theo vợ xuống gian bếp nhỏ bé nhà họ Đặng để phụ việc lặt vặt.

Hai người dự tính nấu lẩu, nên mang tới nồi lẩu điện và đồ bổi.

"Bing boong...!Bing boong..."

- Hello!!!

- Anh là...!Thôi hai cha con vào nhà chơi đi.

Còn anh? - Đặng Xương Tuyết khẽ khàng hỏi.

- Tôi tên Uông Trác.

- Mộ Khuynh Chiêu.

Kia là con trai tôi, Triệu Kiếm Phong.

Và kế bên nó là Phạm Hải.

- Không đợi chàng văn sĩ nghèo cất giọng hỏi, Mộ Khuynh Chiêu liền giới thiệu nhanh.

Judas đương ngồi "đánh chén" mấy cái bánh xếp ngon tuyệt.

Gã mới biết ăn tương ô-môi, cảm thấy nó còn hơn cả tương cà.

Vệ Minh gợi ý gã nên trộn một lúc bốn loại tương chấm lại với nhau cho thức chấm ngon hơn.

Trên truyền hình, phiên chất vấn càng lúc càng diễn ra gay cấn và kịch liệt.

Có cảm tưởng sau trận chiến này, Hác tổng thống sẽ phải nghỉ nói ba năm để phục hồi lại dây thanh quản bị hoạt động quá sức.

Một cụ bà run rẩy chống gậy bước lên sân khấu.

Hai người cận vệ lập tức chạy tới dìu bà, tác phong của họ vô cùng ân cần và bặt thiệp.

- Dạ, thưa cậu.

Hôm nay tôi tới đây với một vấn đề mà hằng mong cậu sẽ giải đáp.

Đó là việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính.

Tôi thấy, việc này đã gây ra rất nhiều hệ lụy xấu với nhiều gia đình và tương lai thế hệ trẻ trong xã hội nước ta.

Vậy, vì đâu mà cậu đồng ý cho cái việc bất thường này được diễn ra dưới tình trạng hợp pháp hóa vậy?

- Dạ, thưa cụ.

Con không hiểu tại sao khi chúng ta thấy hai tên khủng bố cầm súng nã đạn thì chỉ biết ôm đầu chạy trốn và kêu cứu, họa hoằn lắm mới có người anh dũng xông lên chống trả chúng.

Ngược lại, khi nhìn thấy hai người đàn ông ôm hôn nhau thì chúng ta lại bỏ thời gian chạy tới để đánh đập, phỉ nhổ hoặc xua đuổi họ - Trong khi đó họ chẳng gây phương hại đến ai cả.

Việc kết hôn đồng giới, theo thiển ý của con thì đó là một hiện tượng bình thường giữa hai cá thể yêu nhau, và muốn gắn bó bên nhau trọn đời.

Nó sẽ chỉ trở nên bất thường và không được phép hợp pháp hóa trong trường hợp hai người đó cùng chung huyết thống, hay chưa hoàn tất thủ tục ly hôn với người cũ mà thôi.

Cụ bà im lặng hồi lâu, rồi chợt òa lên khóc nức nở.

Nhưng sắc mặt Hác Đăng Khánh vẫn dửng dưng như không, tuy rằng đáy lòng chú đang gợn những cơn sóng trào dữ dội; bởi chú nghĩ rằng chắc có lẽ gia đình cụ bà đang vướng phải những đau khổ do không biết xử sự sao cho đặng khi phát hiện người thân là người đồng tính luyến ái.

Bên dưới, nhân dân đang lặng im hết thảy.

Họ cũng không biết mình đang chờ cái gì từ hai người này.

Một Sự Thật chăng? Nhưng vốn dĩ, đã từ lâu con người khước từ Sự Thật để có thứ nuôi lấy tấm thân mình.

Ngày nào trên báo đài cũng giựt tít về những "thợ diễn" và "thợ hát" sống trong nhung lụa hòng vỗ về những người "vô tư" rằng nước mình phát triển lắm lắm.

Nhưng chỉ cần dạo một vòng phố thị, đâu đâu cũng có thể bắt gặp những hoàn cảnh éo le lấy gầm cầu làm nơi ở tạm, những đứa trẻ bị chăn dắt đến thân tàn ma dại, những con người xinh tươi chấp nhận bán thân xác để thỏa mãn nhu cầu vật chất cá nhân, những tổ chức từ thiện bị lợi dụng hoặc đi lợi dụng kẻ nghèo khó, những vụ đánh đập hoặc thanh trừng nhau chỉ vì một con chó hay một con mèo,...!Những Sự Thật ấy cay nghiệt như dung dịch axit, nên chẳng ai muốn nhớ tới hay ngó vào, đầu óc họ thà lửng lửng lơ lơ trong giấc mộng Hoàng Lương được sơn son thếp vàng, còn hơn là đối mặt và chung sức giải quyết chúng.

Có nhiều người hay hỏi tại sao những cậu ấm cô chiêu xuất thân từ tầng lớp thượng lưu trở lên hiếm khi nào viết được một tác phẩm hay mà đầy tính thực tế.

Câu trả lời hết sức đơn giản: Đó là họ chưa từng trải qua và thấu thị thì làm sao có khả năng viết lại một cách chân thực và rõ nét được.

Con người có trải qua chứng trầm cảm, mới cảm thông cho người tự sát.

Con người có từng đói ăn đói mặc nhiều ngày, mới cảm thương và ghé mắt đến những người đang sống ở tầng lớp mà trước kia mình từng thuộc về.

Cha cho tiền, mẹ nuôi cơm thì mãi mãi cũng không thể hiểu được cái cảnh khổ của những người sống nơi đầu đường xó chợ, và nguyên nhân nào đã đẩy họ tới bờ vực "Sống chờ chết như không niềm vui" như trong nhạc phẩm "Hãy nhìn xuống chân" của nhạc sĩ Lê Hựu Hà; bây giờ nằm khểnh vẫn còn có người lo thì sẽ dửng dưng với tình hình xã hội và đất nước, tự khắc một mai bị đẩy ra ngoài đường vạ vật xin việc và chạy chọt kiếm sống, họ sẽ thức tỉnh thôi, không một ai có thể khuyên bảo hết.

Cụ bà không muốn giải thích cho Hác Đăng Khánh biết.

Chú cũng không dám cưỡng cầu.

Chú đứng dậy, rồi bước tới bên cạnh cụ bà, ân cần dìu cụ xuống sân khấu.

Trước khi chia tay cụ, chú rút chiếc khăn mùi soa của mình ra lau nước mắt cho cụ; xem như là một kỷ vật nho nhỏ.

Một ông bác ăn mặc tuềnh toàng xin phép được tham dự phiên chất vấn.

- Thưa ngài, trước tình trạng quan chức chính phủ xài tiền công như rác, đưa dòng họ nhà nó sang định cư nước ngoài mà miệng vẫn bô bô yêu nước, ngài sẽ xét xử như thế nào nếu như có đầy đủ tang chứng - vật chứng trong tay?

- Bắn bỏ.

Kế đến là tịch thu và phong tỏa tài sản.

Thưa bác.

- Rồi số tiền đó sẽ đi về đâu thưa ngài? Mái ấm tình thương hả?

- Dạ thưa không.

Đó là Quỹ Hưu trí.

Bà con đã còng lưng làm lụng vất vả bao nhiêu năm đời người, mà tới khi sức cùng lực kiệt, chỉ nhận được một món tiền không bằng một lần thằng quan tham "cưỡi ngựa xem hoa" với mấy ả đào.

Ông bác sực nhớ tiền lương hưu hằng tháng đã tăng thêm một trăm đồng sau...!
- Cảm ơn ngài.

Cảm ơn ngài rất nhiều.

- Dạ, con cảm ơn bác đã...!hiểu thấu lòng con.

- Hác Đăng Khánh thoáng thấy sắc mặt tím tái của ông bác, liền biết ngay bác đã nhận ra được điều đó.

Người này là ai mà mưu trí không thua gì Gia Cát Khổng Minh vậy nhỉ?

Hác Đăng Khánh chợt nhớ đến câu chuyện xảy ra vào thời Đông Châu liệt quốc: Biết được nước Triệu đã lâm vào cảnh cùng đường - Đến nỗi phải đổi con cho nhau để giết thịt ăn vì trong thành cạn kiệt lương thực - Viên tướng nước Tần tên là Bạch Khởi mới chiêu dụ người dân nước Triệu quy hàng để được tha cho con đường sống.

Hết cách, người dân chấp nhận điều kiện của Bạch Khởi và mở cổng thành đón ông ta vào.

Sau khi đã ổn định tình hình ở trong thành, Bạch Khởi liền sai quân lính chôn sống bốn mươi vạn bại quân nước Triệu, và nuốt trọn những lời hứa đã từng nói trong lúc chiêu dụ người dân nước Triệu quy hàng.

Huênh hoang với trận đại thắng của mình, Bạch Khởi nào có lường trước được kết cục sau khi chết của mình sẽ thê thảm khôn cùng.

Vài năm sau, những người làm nghề đồ tể liên tiếp nhìn thấy hai chữ "Bạch Khởi" nằm ẩn sau lớp lông đen kịt trên mình con heo.

Sách "Liêu trai chí dị" của Bồ Tùng Linh cũng có một chương không nhớ rõ tiêu đề, kể về chuyện một con trâu bị sét đánh chết nằm phơi bụng trên cánh đồng; dưới bụng nó ghi rõ hai chữ "Bạch Khởi".

Có thể chỉnh sửa Lịch Sử để vui lòng bên thắng cuộc, nhưng không một ai có thể thoát nổi vòng tròn Nhân - Quả báo ứng.

Do đó, bất cứ một hành động nào của mình, ông Trời ông Đất đều biết.

Khi cái cây ấy kết quả, cũng là thời khắc mà rất nhiều kẻ chạy tới quỳ dưới chân Chúa hay cội Bồ Đề để xin được sám hối, nhưng tất cả đã quá muộn rồi.

Thuở còn sinh thời, Bàng Đông Quân đã từng nói với chú một câu rất hay: Hiện tại chính là tấm gương đối chiếu những gì ghi trong Lịch Sử là Đúng hay Sai, là Thật hay Giả.

Và chú đã bắt đầu thấm thía được điều đó.

Xa hơn chút nữa, thầy dạy Sử của chú đã từng nói một câu khiến chú nhớ tới suốt đời: "Tôi giảng sử cho trò, tôi nói người đó xấu, thì chẳng lẽ trò tin răm rắp người đó xấu, tôi nói người đó tốt, thì trò tươm tướp khen hay sao? Thế thì bộ não của trò chỉ dành cho mỗi việc là làm con két nhại lại, thay vì dành đúng chức năng là suy luận, phân tích, tìm tòi và quán chiếu các sự kiện và nhân vật lịch sử.

Đừng mang tư tưởng rằng mình còn nhỏ thì mình biết cái gì, bất cứ thiên tài nào trên thế giới này ở thuở thiếu thời đều là những đứa trẻ tò mò, tọc mạch và ham học hỏi, nhờ thế mà chúng mới tích lũy được vô vàn kinh nghiệm sống và tri thức cho tương lai của mình."

Nhưng có một số đứa trong giới trẻ bây giờ cứ hễ tranh luận với chúng một hồi mà chúng đuối lý, thì chúng sẽ bắt đầu văng tục bừa bãi và đưa ra những từ ngữ không hề có trong tự điển tiếng Việt để bào chữa cho cái đầu óc hạn hẹp của mình.

Lý Quỳ thì vĩnh viễn cũng chỉ biết giết người và ăn nói tục tằn, Nguyễn Du thì mãi mãi vẫn là bậc trí thức tác phong mực thước và hào hoa, phong nhã.

Giống vế đầu thì rất là dễ, nhưng vế sau có khi trải qua mấy kiếp người cũng chưa tôi rèn được.

Đáng tiếc thay, cái vế đầu thì chú thấy nhan nhản như hàng rong ngoài phố, còn vế sau hiếm có khó tìm.

Người tham dự phiên chất vấn lần này là một cô bé hãy còn rất trẻ, chắc nhỏ hơn Hác Đăng Khánh chừng ba mươi mấy tuổi, ắt hẳn vẫn còn là một cô học sinh tuổi hoa niên.

- Dạ, con muốn hỏi ngài về...!
Cô bé có chiều cao những một mét bảy trong khi mới mười lăm tuổi, nên thoạt tiên chú nhìn lầm thành cô gái.

- Ồ, chú xin phép được giải đáp cho con như sau: Quân đội của nước ta không bảo vệ cho một đảng phái nào sất.

Quân đội của nước ta do chú điều hành và chỉ huy, nhưng dưới sự giám sát của Lưỡng Viện và người dân, chú không được phép làm hai điều trên mà thiếu vắng đi sự đồng ý của họ, cốt là để tránh lạm quyền gây phương hại đến Quê Hương.

Nếu như bên Hoa Kỳ, tổng thống cũng đồng thời kiêm chức tổng tư lệnh, thì bên mình, chú chỉ là một phó tư lệnh thôi.

Người đảm trách chức vụ tổng tư lệnh, chắc con cũng biết tên rồi chứ?

Cô bé ngượng ngùng gật đầu.

Rồi hướng mắt về phía An Đình Luận.

Ông cũng mỉm miệng cười với cô bé, nhưng không vẫy tay chào.

Hác Đăng Khánh nhờ cận vệ đi lấy hộp chocolate để làm quà tặng cho cô bé.

Trong lúc đó, hai chú cháu trao đổi với nhau về vấn đề khoa giáo nước nhà.

Cô bé dần dần bạo gan nêu lên sáng kiến của mình, chú mở sổ tay ghi nhận lại tất.

Thái độ hòa đồng và cầu thị ấy đã làm cho một số người dân vơi đi ác cảm với ông chú sắp sửa tròn năm mươi tuổi.

Lôi Hoành đang vào nhà vệ sinh đi giải.

Anh ta cương quyết không chấp nhận bất cứ sự giúp đỡ nào của bạn thân lẫn anh Thuốc Sắc.

Nhưng Lương Gia Huy và Mạc Ưu Đàm vẫn đứng đợi trước cửa nhà vệ sinh để dìu gã ngồi lại xe lăn sau khi xong việc.

Con heo quay mà Lôi Hoành đem tới chắc cả làng mới ăn hết mất.

Họ dự tính sẽ mang nửa con tới một quán cơm từ thiện để góp thêm miếng thịt cho người lao động nghèo.

Nghĩ là làm, phần công việc ấy sẽ do Lương Gia Huy phụ trách sau khi anh ta xem xong buổi chất vấn.

Trên truyền hình, buổi chất vấn đã tới hồi kết thúc.

Hác Đăng Khánh tự tay kéo lá Quốc Kỳ.

Sắc cờ Đại Việt tung bay trong ánh nắng Xuân rực rỡ.

Bản nhạc "Thề không phản bội Quê Hương" được phát sau khi lá Quốc Kỳ đã phất phới trên đỉnh cột.

Chú và muôn vạn người dân Đại Việt lặng thinh chào cờ được mười mấy giây đầu, rồi bỗng giọng hát của chú cất cao lên đã khiến không gian quảng trường vỡ òa.

Những giọng hát của mọi tầng lớp nhân dân nay hòa làm một, như thể một ngọn sóng thần cuốn phăng hết thảy đau thương do chiến tranh trong quá khứ gây ra.

"...!Ta thề chết chứ không hề lui, quyết không hề phản bội Quê Hương

Ta thề chết chứ không hề lui, quyết không hề phản bội Quê Hương."

- Quê Hương sẽ bỏ mặc người thua cuộc, và hậu thế sẽ chỉ biết vài tài liệu mù mờ về người đó dựa trên lời thêu dệt của bên thắng cuộc.

Như Lê Long Đĩnh chẳng hạn, đã có nhiều người thời nay thắc mắc tại sao một người bị nói trong sách sử là hoang dâm vô độ, bệnh ốm liệt giường, mà lại có thể sáu lần cầm quân đánh giặc đại thắng trở về, chưa kể đến là ông ấy cũng đã góp gần đưa Phật Giáo du nhập nước ta...!- Dương Lãng đưa mắt nhìn tổng tư lệnh An Đình Luận đương đứng sau lưng Hác tổng thống.

Đôi mắt đào hoa ấy nay lạnh tanh, dường như bầu không khí trang nghiêm của buổi chất vấn đã ảnh hưởng đến sắc diện của người đàn ông đã hết thời trai tráng tươi đẹp.

An Đình Siêu không có mặt trong buổi chất vấn, cả con trai của ông ta - Tức thượng tá Nhân - cũng thế.

- Tới nay mà mọi người vẫn gọi Phan Kim Liên là dâm phụ, và Võ Đại Lang là thằng lùn lưng gù thất học.

Bởi mới nói nếu viết sử hoặc viết sách không công minh, sẽ đem tới tai hại ngàn đời là vậy.

- Đặng Xương Tuyết buông xuống tiếng thở dài nặng nề như chì.

Quả báo của Thi Nại Am là cái gương ̣để anh quán chiếu lại bản thân mỗi khi cầm bút lên viết.

- Vẫn còn nhớ thảm án của gia tộc cụ Ức Trai Nguyễn Trãi chứ? Đấy, đấy là minh chứng cho việc lấy quyền lực lấn át sự công minh.

- Dương Lãng tuy không sinh ra trong thời phong kiến, nhưng anh hiểu thấu cái câu "Gần vua như gần cọp".

Bây giờ ở đất nước này không có vua, nhưng có vài kẻ làm sếp sở hữu quyền lực và tài sản gấp vạn lần vua chúa ngày xưa, và đã gây ra không biết bao đau thương cho nền kinh tế nước nhà vì cấu kết với quan tham làm lũng đoạn thị trường, cũng như "ăn trên ngồi tróc" luật pháp nước này.

Những cái chết bí ẩn của đám tham ô ấy dưới thời Hác tổng thống tại nhiệm đã khiến cánh báo chí giấy lẫn mạng tốn không bao nhiêu công sức và thời gian để phân tích, nhưng không ai giải đáp được một cách chính xác hết.

Đặng Xương Tuyết ngỏ lời khuyên Vệ Minh khi nghe cậu hỏi nên mua sách nào cho sắp nhỏ bổ túc kiến thức:

- Một số tiểu thuyết của "Tủ sách Tuổi Hoa" đã bị chỉnh sửa nội dung lẫn hình thức câu văn sau khi tái bản nên nó không còn có cái hồn như ngày xưa nữa.

Đối với tôi, một nhà văn vì đồng tiền mà chấp nhận sự thay đổi ấy thì họ chỉ đáng gọi là "con buôn chữ" và "kẻ trở cờ với đứa con tinh thần của mình".

Murakami Haruki đã bị phản ứng kịch liệt vì một chi tiết ở chương "Drive my car" trong tác phẩm "Những người đàn ông không có đàn bà", nhưng ông ấy chẳng thèm cải chính, cũng chẳng hề lên tiếng thanh minh, bởi vì ông ấy tôn trọng tư tưởng và ý kiến của "đứa con tinh thần".

- Nhắc mới nhớ, thuở bé tôi thường đọc sách của các nhà văn thuộc Tự Lực Văn Đoàn.

- Đường Trí Nghĩa bồi hồi giới thiệu mấy đầu sách quý mà mình hãy còn giữ gìn.

Anh đặc biệt yêu thích những tác phẩm văn chương không bị bàn tay của nhà cầm quyền can thiệp và cấm đoán thô bạo.

- Cụ Nhất Linh, Hoàng Trọng, Thạch Lam,...!tôi chỉ nhớ mang máng được vài cái tên thôi.

- Trong số những bậc Thánh Hiền bên Trung Hoa cổ đại, anh tâm đắc với ai nhất? - Đấy là câu hỏi của An Kỳ dành cho Đặng Xương Tuyết.

- Lão - Trang.

Tôi không thích Khổng - Mạnh.

Tôi thích những người nói lời biết giữ lấy lời hơn là những người chỉ biết nói suông.

- Đặng Xương Tuyết không ngần ngại mà nói thẳng.

- Nhưng tốt nhất, là không nên sùng bái hay suy tôn ai hết có phải không? - An Kỳ không hỏi đùa mà hỏi thật.

- Phải.

- Nhưng rồi Đặng Xương Tuyết không giải thích cho An Kỳ nghe.

Anh ta để mặc cho con thuyền Ngôn Từ lênh đênh trên bờ biển Nội Tâm, rồi lại để mặc cho cơn bão lòng nhấn chìm nó xuống khoảng không Suy Tưởng của mình.

"Bing boong...!Bing boong...!Bing boong..."

Lại thêm năm người nữa.

Đa phần là bạn bè từng làm chung trong quán trà sữa do cậu Minh làm chủ.

Kiểm tra quân số, Đặng Xương Tuyết thấy "dư" ra tận mười mấy người.

Anh nhớ A Lãng hứa chỉ mời chừng năm người thôi mà?

Căn gác trọ chưa đầy bốn mươi mét vuông "nhét" gần hai mươi thằng đàn ông nặng không dưới sáu mươi ký lô, nên tự dưng nó trở nên "yếu ớt" đến lạ.

- Căn gác này đúc sàn thật nên không sợ bị sập đâu.

- Đặng Xương Tuyết cười khổ.

Với cái tật hay viết văn theo lối móc mỉa và đả kích những lề lối hủ bại của xã hội, anh tự giác biết mình chẳng được ai ưa.

Nhưng nhờ thế mà đêm về mới ngủ ngon và mộng đẹp, vì biết mình không góp phần đầu độc thế hệ trẻ tuổi bằng thứ văn chương ru ngủ, xa rời thực tế và tình người.

- Hơi chật thì phải? - Dương Lãng ái ngại phát biểu.

- Dư sức qua cầu.

- Đặng Xương Tuyết ra hiệu cho mọi người đứng im.

Rồi bước tới xê dịch chiếc giường sang một bên.

Đằng sau đầu giường là một cánh cửa phòng thường ngày được anh che chắn bằng một tấm rèm vải.

"Roạt."

- Đây là Tàng Kinh Các của tôi.

- Đặng Xương Tuyết bông đùa.

Nhưng quả thật ngoài sách và kệ chứa ra, nơi đây chẳng còn gì nữa; trên trần độc mỗi cái bóng đèn chụp sáng trắng.

"Két."

Cửa sổ được Đặng Xương Tuyết mở tung ra, những tràng thanh âm "Ken két..." lập tức vọng đến tai mọi người.

Hướng nhìn của nó rơi xuống giếng trời trong nhà gia chủ.

- Mỗi bận họ đi vắng, tôi thường mở cửa này để hong khô sách vở.

- Khuôn mặt cương nghị của anh được những ánh nắng cuối ngày soi rọi.

Những vệt nắng hoàng hôn vắt mình nằm trên mái nhà, nền sân và tường nhà.

- Họ có tăng tiền nhà không? - Thẩm Ý Hiên tò mò hỏi.

- Không.

Nơi này trước đây là phòng ngủ của ông cố chủ nhà.

Sau khi cụ lớn qua đời, con cháu không ai dám ở hết, nên "nhường" luôn cho tôi.

- Oa! Tận ông cố lận à? Cụ ông trường thọ thật.

- Thẩm Ý Hiên trầm trồ xong, bước vào trong phòng ngó thử.

Toàn sách là sách, sách cũ, sách kỹ, sách sang, sách bình dân đều có hết; tất cả được cất gọn gàng trong thùng carton hoặc xếp trên kệ sách gỗ mộc mạc.

- Phải.

"Bing boong...!Bing boong...!Bing boong..."

- Trời đất! Ai tới nữa vậy? - Thẩm Hạc Hiên ngạc nhiên đến nỗi mở bừng mắt.

Dương Lãng nghe thế quay lại nhe răng cười khổ với ông bác; càng đông càng vui, nhưng điều đó chỉ đúng trong trường hợp đây là nhà riêng của người yêu hắn.

Lang Quân Tử mừng rỡ ôm chầm lấy Dương Lãng.

Đã lâu lắm rồi, gã mới thấy khuôn mặt không qua hóa trang của thằng bạn thân chí cốt.

Đặng Xương Tuyết rít một hơi thuốc lá, rồi bước tới bắt tay Lang Quân Tử.

Song phương nhìn nhau bằng cặp mắt dò xét và thăm chừng, thiếu điều nếu có cái máy quét trên tay, ắt hẳn họ sẽ "quét" trên người đối phương vài lần để bảo đảm những suy nghĩ đang vẩn vơ trong đầu mình là tầm phào tầm bậy.

- Này, muốn tìm sách hay cho sắp nhỏ học Quốc Văn, tôi nghĩ cậu nên chọn sách của nhà văn Hoài Mỹ, đặc biệt là tác phẩm "Dưới mái gia đình", nội dung của nó xoay quanh về tình cảm giữa các thành viên trong gia đình và rèn giũa về tính tự lâp.

Tuy là các bé mới gần tám tuổi, nhưng đọc trước vẫn không sao, bởi sách này không đề cập đến tình yêu đôi lứa và dục vọng đâu.

Kế đó là "Dế mèn phiêu lưu ký" của nhà văn Tô Hoài.

Và các tác phẩm của nhà văn Duyên Anh.

- Cảm ơn anh rất nhiều.

- Vệ Minh cảm ơn anh ta mà mắt lại hướng về phía An Kỳ - Chồng cậu hiện đương kê bàn ăn cùng Vệ Lô Địch, Tần Hối và Uông Trác; chủ sở hữu của bộ bàn ăn này là Lôi Hoành, gã đã nhờ người mang đến sau khi thấy chỗ ngồi không được chu đáo và gọn gàng.

- Cậu Minh nhờ tôi làm giùm món khổ qua chiên bột.

Có cậu nào khoái ăn món này hả? - Thẩm Hạc Hiên huơ huơ hộp khổ qua chiên bột.

- Có tôi.

- Lang Quân Tử hớn hở ra mặt.

Y tưởng đâu hôm nay mình không được ăn khổ qua rồi chứ.

Mất cả buổi mới quét dọn xong "Tàng Kinh Các", Đặng Xương Tuyết nghĩ bụng đúng là "Trong phiền có phúc", nhờ mọi người tới đông thế nên căn gác trọ mới sạch đẹp như vậy.

Thẩm Hạc Hiên bắt taxi ra chợ mua hoa tươi về cúng cho em gái của anh chàng văn sĩ điên.

Mãi đến khi nồi lẩu sôi ùng ục, ông mới trở về.

Hương hoa Lily và Tử Đinh Hương thoang thoảng khắp căn gác trọ ngột ngạt.

Mùi nhang trầm đốt cả bó khiến căn gác trọ thoáng chốc trở thành cảnh chùa u tịch; ý là mỗi người chỉ đốt có một cây, chứ không phải là con số Ba như thường lệ.

Lâu thật lâu mới có cuộc hội ngộ vui vầy bên nhau, oán thù lúc trước tạm thời lắng xuống, bên mâm cao cỗ đầy, những mẩu chuyện nửa đời phiêu bạt của mỗi người cứ thế tuôn trào ra không dứt.

Thẩm Hạc Hiên và Mộ Khuynh Chiêu nhìn những người tráng niên xung quanh họ.

Một chút tủi hờn vì tuổi xuân vội qua len lén gõ cửa trái tim hai người, mối tình đầu dang dở như thể bữa cơm bị ngưng ngang, tiếc rẻ cố nuốt lại nhưng rốt cuộc phải phun ra vì nó đã trở nên nguội lạnh và khô khốc như sỏi đá, ăn vào chỉ tổ trúng thực.

Cuộc tình của họ giống hệt như nhạc phẩm "999 đóa hồng" do ca sĩ Hồng Kông Thái Chánh Tiêu trình bày, lời Việt có ca sĩ Lâm Nhật Tiến hát rất hay và truyền cảm.

Vệ Lô Địch nhìn em họ và chồng nó tình tứ với nhau mà chợt nhớ đến mẩu hồi ức năm nó chưa đầy mười bảy tuổi:

"Anh Ba...!Anh coi chồng tương lai của em có đẹp trai không?"

"Y hệt như con đười ươi.

Người gì mà lắm lông thế không biết." Người đàn ông trong bức hình mà nó đưa cho anh hãy còn rất trẻ, tướng tá đã ra mãn đàn ông cứng cáp, nhưng khuôn mặt trông chỉ áng chừng dưới hai mươi lăm tuổi.

"Anh không có một xíu nào gọi là mắt thẩm mỹ hết." Vệ Minh bậm môi tức tối.

Cái cử chỉ bậm môi ấy hình như đã lâu lắm rồi anh chưa thấy lại trên gương mặt nó.

Có lẽ, nó đã qua cái tuổi làm nũng làm hờn.

Hoặc giả, nó chỉ thích phô bày điều ấy cho mỗi mình người thương xem.

"Nó tên gì?" Vừa xúc một muỗng thanh long với ít đá bào, anh vừa hỏi em họ.

"Ảnh tên Andy." Đôi mắt của em họ anh càng lúc càng mơ màng, thiêm thiếp như chú gà con lần đầu thoát khỏi vỏ trứng mỏng manh.

"Nó tên Andy chứ không phải "Ăn-Đi" đâu mà mày nhìn nó thèm thuồng vậy." Vệ Lô Địch bẹo má đứa em họ, mắng yêu.

Rồi vì xót thương cho mối tình vô vọng của em trai, nên anh đã kêu thêm một dĩa phô-mai que để an ủi nó trong âm thầm.

An Kỳ đang trả lời câu hỏi của Hà Tễ, cảm nhận được ánh mắt của Vệ Lô Địch đang hướng về mình thì hơi quay qua nhìn anh cười.

Một nụ cười thâm tình vô cùng.

- Cậu Minh!

- Hửm?

Mộ Khuynh Chiêu không bận tâm đến những ánh mắt xung quanh mình, ông bình thản nói:

- Tôi không muốn nhắc lại đầu cua tai nheo chuyện năm qua, nên chỉ dặn hờ cậu một câu: Chó cùng đứt giậu.

- Họ sẽ không làm phiền tôi nữa đâu.

- Vệ Minh gắp một cái bông cải xanh vào chén của chồng cưng, rồi lừ mắt bắt phải ăn.

Chồng con của cậu cứ hễ vắng mặt cậu là lại rủ rê nhau vào mấy quán ăn lề đường, hậu quả là dạo gần đây thường xuyên bị táo bón hoặc nhiễm trùng đường ruột và rối loạn tiêu hóa, khiến sức khỏe đi xuống thấy rõ.

- Đừng quá cả tin.

- Mộ Khuynh Chiêu hơi nhếch miệng cười.

Gia đình ông mang tới mấy ký tôm càng sốt trứng muối để góp vui, người ăn nhiều nhất là Judas, Đặng Xương Tuyết và Hà Tễ - Sức ăn của ba ông thần này khỏe đến nỗi khiến mọi người phải kinh ngạc và khiếp đảm.

Vệ Minh cười nhẹ, đoạn lắc đầu, rồi cất giọng nhẹ hẫng:

- Bao nhiêu nguyện vọng trong cuộc sống, hết thảy đều đã thành hiện thực, nên bây giờ tôi không còn gì hối tiếc hay lo sợ cái chết nữa.

Cái bông cải này đã là cái thứ ba.

An Kỳ biết mình đã thoát án tử, vợ yêu sẽ không bắt anh ăn thêm miếng nào nữa.

Mới vừa đêm qua thôi, hai chú cháu đã có một phen tâm sự với nhau về việc thực hiện chế độ thức ăn dinh dưỡng và tuân theo khoa học:

"Chú Kỳ!"

"Sao Boo?"

"Dạ, chú Kỳ mới vừa ăn bông cải phải hôn chú Kỳ?"

"Sao Boo biết hay vậy?"

"Dạ, tại con thấy mặt chú Kỳ buồn hiu..."

An Kỳ cười xòa, rồi xoa xoa mái tóc bông xù của bé con.

Vừa làm, vừa hỏi:

"Còn con? Con cũng mới vừa bị bắt ăn củ dền phải không?"

"Dạ đúng..." Boo mỡ phụng phịu đáp.

Bé con ghét nhất là ăn rau dền, củ dền và củ cải đường.

Nhưng tuần nào baba cũng bắt phải ăn một bữa để bổ sung chất dinh dưỡng cho cơ thể.

Mặc dù hổng thích ăn một chút nào hết, song vì sợ baba buồn nên bé con phải ráng nuốt xuống.

Nuốt xuống xong rồi lần nào mặt cũng dài hơn cái thuẫn.

"Con thương baba lắm.

Nhưng con hổng có thương củ dền nổi.

Ăn dở òm hà."

- Không có bắt ăn bông cải nữa đâu mà liếc tôi mãi.

- Vệ Minh véo đùi chồng cưng một cái.

Rồi mới gắp thêm thức ăn vào chén của mình.

Để đáp lại vợ hiền, anh cọ mũi mình lên trên chóp mũi cậu.

Trông thấy cái cảnh ấy, miệng của Vệ Lô Địch trề gần cả thước, khiến Tần Hối nhịn cười gần chết.

Liễu Nhược Thần ngồi tựa lưng vào góc tường chăm chú ăn.

Y hình như đương nhớ tới người kia, hay đang canh cánh trong lòng chuyện chi đó nên không hào hứng chuyện trò và xỏ xiên như mọi khi.

Y cũng ăn vài miếng khổ qua chiên bột theo kiểu tempura Nhật Bản do ông Thẩm chế biến, về khoản nấu nướng thì y dốt trất, chỉ biết mỗi việc pha chế thức uống mà thôi.

Dẫu sao, nếu y đói, cũng sẽ còn người kia vào bếp nấu mỳ gói và chiên hoành thánh cho y ăn...!Có lẽ đúng thật, "Ngày mai không có anh trong đời, trần gian riêng em đâu có vui gì..."*

oOo

Run rủi thế nào mà gõ trên thanh tìm kiếm của Youtube nhóm chữ "Có Hùng Cường Sơn Ca", Nhậm Hiền Tề đã tìm lại được những giai điệu thân ái của tuổi ấu thơ.

Người chắp bút cho nhạc phẩm này là nhạc sĩ Y Vân.

Bài hát này rất khó tìm thấy vì phải gõ đúng nhóm chữ trên mới hiển thị kết quả đúng.

Sau khi nghe ông chú đồng nghiệp cũ khoe "chiến tích" của mình, Đoàn Cảnh Trú mới bước vào nhà hàng "Giấc mơ Mùa Đông" - Tên của nhà hàng được lấy theo ca khúc "Giấc mơ Mùa Đông" mà ông chủ nhà hàng từng nghe qua giọng hát của Bằng Kiều.

Trần Trí An đặt khay trà bánh xuống bàn Đoàn Cảnh Trú.

Rồi xoay người rời đi.

Đống chén bát dơ ở trong bếp đang vẫy gọi anh vào rửa sạch chúng.

Món pot pie trông thật đẹp mắt và hấp dẫn.

Phần nhân thịt bò sốt vang thật mềm và béo ngậy, kết hợp với vỏ bánh xốp giòn vì được nướng đúng giờ, đúng lửa, nên hương vị vô cùng ngon miệng.

Hắn châm trà vào chiếc tách sứ in hoa văn mai vàng; những bông mai vàng ấm chạy quanh thân tách, uốn lượn một cách nhịp nhàng.

An Đỉnh Nhân và Trương Tử Kỳ sẽ đến đây vào nửa tiếng tới, cốt là để tạo tình huống nói chuyện với nhau theo sự yêu cầu của An Đình Luận.

Chưa từng quen biết hai người rõ ràng, nên hắn không cảm thấy thoải mái mấy.

Bản nhạc "Người thợ săn và Đàn chim nhỏ" do ca sĩ Khánh Ly trình bày nghe réo rắt như tiếng suối chảy.

Bài hát này dựa trên một sự kiện lịch sử có thật được nhạc sĩ Anh Bằng phác họa lại theo hình thức ẩn dụ.

"Lon...!coong...!Lon...!coong..."

Chuông gió vang lên mấy tiếng, rồi lắc mình kêu rên hừ hừ.

Người bước vào quán không phải là bọn họ.

Một thoáng thất vọng hiện trên khuôn mặt xấu trai của Đoàn Cảnh Trú.

Hắn mong mỏi hai người kia tới sớm một chút để hắn còn về nhà nằm ườn trên giường xem truyền hình.

- Phục vụ!

- Dạ có! - Ông chú chủ nhà hàng nhanh nhẹn bước tới bàn của hắn, với một nụ cười rất tươi trên môi.

- Dạ, chú làm ơn lấy cho tôi một phần lê sốt chocolate.

- Dạ có ngay.

"Lon...!coong...!Lon...!coong..."

Trương Tử Kỳ quấn mấy lớp khăn cổ.

Phổi của anh ta vẫn chưa bình phục, nên phải kiêng cử nhiều thứ và hạn chế tiếp xúc với nước lạnh.

- Khụ...!
- Chào anh.

Sau mấy tiếng ho sặc sụa, Trương Tử Kỳ mới cúi đầu chào Đoàn Cảnh Trú.

Y không có ý định bắt tay vì sợ lây vi khuẩn cho anh ta.

Đoàn Cảnh Trú nhìn Trương Tử Kỳ rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn dạng gel một đỗi, rồi mới thủng thẳng bắt chuyện:

- Anh An vẫn chưa đến...!Anh Trương có muốn uống chút gì không?

- Ừm, tôi đã gọi trà chanh mật ong rồi...!Cảm ơn anh Đoàn vì đã quan tâm đến tôi nghen.

- Trương Tử Kỳ cười lên thật rạng rỡ và tươi tắn, mặc cho cơn đau của vết mổ hãy còn âm ỉ trong buồng ngực.

"Lon...!coong...!Lon...!coong..."

- Mưa rồi mấy đứa ơi! Chịu khó theo tôi ra ngoải dắt xe của khách vào hàng hiên trú mưa nghe? Có vài chiếc hà.

- Dạ...!
- Để tôi làm cho.

Thành thật xin lỗi vì đã để xe...!
- Không sao.

Không sao...!- Ông chú bật cười, rồi ra hiệu cho vị khách để xe mất trật tự "an tọa".

Đoạn hối hả đi dẹp xe.

Vừa hay An Đỉnh Nhân đẩy cửa bước vào, suýt nữa thì "răng-hàm-mặt" của ông chú đã tán thẳng vào cánh cửa, nhờ có gã lấy tay che mặt cho chú mà khuôn mặt chú mới không bị xây xát nặng.

- Không sao chứ chú...!
- Cả Vũ Trụ thu vào tầm mắt luôn rồi...!- Ông chú dở khóc dở cười.

Đám nhân viên đứng gần đấy là cười lớn nhất.

An Đỉnh Nhân hơi nhếch nhếch khóe miệng.

Chắc anh ta cũng mắc cười lắm nhưng không biểu hiện ra được vì căn bệnh liệt dây thần kinh số Bảy của mình.

Để chấm dứt tình trạng khó xử của hai người, An Đỉnh Nhân giữ cửa cho ông chú bước ra ngoài, rồi mới bước đến quầy thu ngân đặt đồ uống và bánh ngọt.

Hồi còn ở bệnh viện, Richard Trương từng nhờ anh ta mua giùm bánh cheesecake "rung rinh", cậu ta dặn loại nào cầm lên "rung rinh" thì đích thị là nó.

Cũng nhờ cái lần đi mua hộ nhớ đời ấy mà gã quen miệng gọi bánh này là bánh "rung rinh", khiến cho người nhân viên tính tiền nào cũng bật cười khúc khích.

Trong quán đương phát tình khúc "Ngậm ngùi" do cố ca sĩ Ngọc Lan ca.

Nhạc phẩm này do nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc từ thơ của thi sĩ Huy Cận, người trình bày hay nhất có con trai của bác - Tức ca-nhạc sĩ Duy Quang, ca sĩ Tuấn Ngọc, ca sĩ Sĩ Phú và ca sĩ Vũ Khanh; bên nữ thì có cô Ngọc Lan, cô Lệ Thu và cô Thanh Lan.

Nghe đâu bài thơ này dựa trên chuyện tình buồn của thi sĩ Huy Cận.

- Cho.

- Cảm ơn.

- Trương Tử Kỳ sờ tay lên mặt bánh hãy còn nóng hổi và thơm phức vì mới vừa ra lò chưa được mười phút.

Y thích vị phô-mai "thuần" nhất, kế đó là vị sầu riêng, sau rốt là vị cà-phê.

Còn mấy vị khác, lâu thật lâu y mới ăn lại.

- Đây là tấm hình mà bác Luận nhờ tôi đem tới cho anh.

- An Đỉnh Nhân đưa một cái bao thư cho Đoàn Cảnh Trú.

Rồi nâng ly bạc xỉu lên, nhấp một ngụm nhỏ.

Trong bức hình chụp lén, một người đàn ông vén ống quần trái lên tới tận đùi, phơi bày ra cái chân dị dạng của mình, cây baton hình như chẳng thể giúp ích cho ông ta trong việc đứng vững vàng hơn.

Tay bác sĩ (tư) đang quỳ một gối trên mặt sàn để xem xét và thăm khám cái chân dị tật của bệnh nhân; cái đầu hói họi ấy bóng loáng như quả cầu thủy tinh của mấy bà bói bài Tarot.

Không phải là dị tật bẩm sinh, mà là gặp tai nạn theo kiểu dập nát hoặc đứt gãy từng khúc nên cái chân mới bị teo lại "chút ít".

Đoàn Cảnh Trú cau mày.

Đôi mắt một mí nheo lại thành hai vạch dài trên khuôn mặt chữ Điền.

Cái miệng của anh ta lẩm bẩm rất khẽ, nên hai người chẳng nghe rõ được một chữ, nhưng đoán được rằng điều ấy có liên quan tới nội dung của bức hình mà anh ta đang cầm trên tay.

Xắn một miếng lê ngọt lịm, Đoàn Cảnh Trú khoan ăn vội mà trầm tư đặt câu hỏi với hai người:

- Người này sao?

- Phải.

Là "Bánh Plan".

- Trương Tử Kỳ gật đầu.

- Không dưng lại đem "Bánh Plan" tặng cậu.

- Đoàn Cảnh Trú nguýt môi, ra chiều đăm chiêu lắm.

- Cậu có chắc trước đây chưa từng giao hảo với cậu không?

- Tôi không rõ nữa...!
Ông chú đương phỏng vấn một cậu sinh viên xin vào đây làm việc.

Hai người ngồi ở gần chỗ lối ra vào.

Dáng điệu cậu sinh viên lúc đầu căng thẳng lắm, nhưng sau vài câu hỏi của ông chú, cậu bỗng dạn dĩ hẳn.

Chắc nụ cười hòa nhã và giọng nói trầm ấm của ông chú đã phá vỡ bức tường ngăn cách trong lòng cậu trai trẻ tuổi.

"Lon...!coong...!Lon...!coong..."

Nhà hàng lại có thêm một người khách mới.

Trên môi anh ta đương giữ điếu xì-gà đang cháy dở...!
oOo

An Đỉnh Nhân chưa kịp bước vào nhà thăm thằng bạn chí cốt, đã nghe thấy tiếng nhạc của ca khúc "Lính du Xuân" do đôi song ca Hùng Cường - Sơn ca trình bày.

Có mùi xào nấu từ trong bếp thoảng ra, ắt hẳn cô Nguyễn Hoàng đang làm cơm.

Mong nó và cô sớm ngày kết hôn, để gã còn được làm cha đỡ đầu.

- Mới tới hả mậy? - Tăng Trường Sa đương lúi húi rửa chiếc xe mô-tô phân khối lớn của mình, nghe tiếng gõ hàng rào đùng đùng thì nhỏm dậy nhìn.

Trông thấy thằng bạn thân, gã mừng húm chạy tới mở cổng rước nó vào nhà chơi.

- Ừ.

Cho này.

- An Đỉnh Nhân đưa túi đựng hộp thuốc cường dương cho Tăng Trường Sa.

- Mẹ.

Thằng quỷ dịch.

- Tăng Trường Sa đấm vào cánh tay phải của thằng bạn, rồi cặp cổ nó, lôi vô nhà.

An Đỉnh Nhân đột nhiên muốn dọng cho thằng bạn một phát, vì người nó hôi chua quá, nhất là chỗ "hạ cánh".

Nguyễn Hoàng Thường Khanh đang lẩm nhẩm hát theo nhạc phẩm "Tình thư của lính" do ban Tứ Ca Nhật Trường trình bày.

Ca khúc này ca sĩ Tuấn Vũ cũng hát hay không kém, nhưng nàng lỡ ưng cái giọng điệu đà và nụ cười rất duyên của bác Trần Thiện Thanh nên thích nghe và xem video của bác hơn.

"...!Thư của lính, không xanh màu trời như mơ ước đâu em

Thư của lính, không thơm nồng hương, không nét hoa đa tình

Thư của lính, ba-lô làm bàn nên nét chữ không ngay

Nhưng thư của lính, ghi giữa rừng cây khi nhớ em thật đầy..."

- Dạ, anh Nhân mới tới chơi.

- Nguyễn Hoàng Thường Khanh hơi cúi đầu chào An Đỉnh Nhân.

Chiếc váy màu vàng ấm tươi tắn vừa vặn với dáng người tầm thước.

Khuôn mặt tròn trịa dễ thương, chỉ thoa chút son dưỡng trên cánh môi.

Nét đẹp giản dị thuần hậu của người con gái nước Nam ấy khiến cho gã liên tưởng đến đóa hoa điên điển trinh trắng ở miệt Cửu Long giang.

Gã bỗng chốc nhớ đến câu hát:

"Người con gái mộng mơ thanh bình

Yêu Quê Hương như đã yêu mình."*

- Ngồi ăn hết ba chén cơm thì tao mới cho về đấy nghen.

- Vừa xối vài ca nước rửa mình, Tăng Trường Sa vừa nói vọng vào nhà.

Gã nhờ thợ dựng một buồng tắm lộ thiên quây bằng "ván" lục bình ép, để sau này có con cần thay tã gấp thì cứ đem nó ra đây "xử lý".

- Mày không cho tao ăn đồ ăn hả.

Giọng nói "vô hồn" của An Đỉnh Nhân làm hai vợ chồng Sa Khanh cười rũ rượi.

Chạy chữa không biết nào nhiêu là chỗ mà vẫn không thoát kiếp "linh hồn tượng đá".

Cũng nhờ khuôn mặt đẹp trai của mình mà gã đỡ bị người khác ghét bỏ.

Nguyễn Hoàng Thường Khanh xin chồng chờ mình ghé chợ mua thêm đồ ăn rồi hãy bắt đầu dùng bữa.

Vừa lấy đũa xới cơm trong nồi, Tăng Trường Sa vừa tán gẫu với thằng bạn nối khố.

- Có định hoạt cảnh lại "Hai mươi Bốn giờ phép" không...!
- Mẹ mày...!
- Hay là "Tục ca" của Phạm Duy...!
- Còn ghẹo vợ chồng tao nữa là "guốc bay" đấy! - Tăng Trường Sa gõ đũa bếp lên vai thằng bạn.

Rồi ném đôi đũa vào trong bồn rửa chén.

Sau đó đi sửa soạn bàn ăn.

Vợ gã chiêu đãi chồng một bữa cơm đậm chất miền Tây sông nước, với nghêu kho sả và tóp mỡ, đậu rồng xào thịt bò, canh cá nấu mẵng, dưa mắm kho cay và gỏi chân gà rút xương trộn bồn bồn, ngó sen.

"Ngày xưa Hoàng Thị" được nhạc sĩ Phạm Duy phổ từ bài thơ "Ngày xưa người tình" của thi sĩ Phạm Thiên Thư.

Nàng thơ của thi sĩ tên đầy đủ là Hoàng Thị Ngọ, quê gốc Hải Dương và sống cạnh nhà ông.

Hai người học chung một lớp nên ngày nào thi sĩ cũng bám theo nàng Ngọ từ trường học qua công viên Tao Đàn.

Cho tới tận lúc nàng ra trường, Ngọ của lòng thi sĩ cũng không hề rung động trước tấm chân tình của ông.

Bài thơ ấy chắt chiu từng giọt tương tư mà thi sĩ dành tặng mối tình đầu đời, mà cũng có thể gọi là mối tình cuối cùng trong cuộc đời ông.

Bởi vì về sau, do phát duyên với cửa Phật, thi sĩ đã rời chốn hồng trần, xuống tóc quy y...!
Nhưng rốt cuộc, ông cũng không dứt được tơ lòng thế gian, nên đã hoàn tục...!
Nguyễn Hoàng Thường Khanh yêu chàng Hải Quân ấy nhờ một mảnh giấy nhắn kẹp trong lưu bút:

Em có nghe chuyện tình Hoàng Thị

Mối tình câm của anh chàng thi sĩ

Tình tương tư, tình vạn kiếp không phai

Em có nghe tiếng lòng anh nức nở

Như sóng biển Đông xô dạt vào bờ

Rặng phi lao run rẩy đầy hững hờ

Gió đại dương thổi tốc nắng bàng bạc

Sắc bàng bạc như đáy mắt em đây

Mỗi bận nhìn anh, sao nhìn mau thế?

Để anh bồi hồi, tiếc rẻ đến ngẩn ngơ

Em ơi em, xin hãy nhìn anh thêm vài phút nữa

Để đêm về anh còn dệt mộng trong mơ...!
Nguyễn Hoàng Thường Khanh vẫn còn giữ lại bài thơ ngây ngô và gieo vần đầy vụng dại ấy.

Nàng không sợ mình sẽ trở thành nhân vật chính của một loạt nhạc phẩm "Góa phụ ngây thơ", "Người chết trở về", "Trường ca Hòn Vọng Phu",...!bởi vì nàng là "Người yêu của Lính" mà...!
- Ăn thêm đi em.

- Tăng Trường Sa gắp mấy lát thịt bò vào trong chén của vợ gã.

Mấy thằng lính dưới trướng mà nghe thấy giọng nói ngọt hơn cả đường hóa học của gã chắc nằm lăn dưới đất cười bò.

Kệ, thằng nào cười thì phạt chết cha thằng nấy.

- Dạ...!
oOo

Khuôn mặt chằng chịt sẹo của người đàn ông trạc tuổi tứ tuần mang đến một cảm giác thương hại vô ngần cho đội ngũ y tá - bác sĩ trong bệnh viện quân đội.

Anh ta thẳng thắn khai báo bản thân hành nghề trai bao, có thể bị chồng của khách hàng phát hiện nên đánh ghen dằn mặt.

Sự thẳng thắn ấy không giúp anh ta được bình yên, trái ngược lại, còn khiến cho tổ trọng án nghi ngờ và đề phòng hơn lúc trước.

Nhưng anh ta vẫn nhởn nhơ khẳng định những gì mà mình khai báo hoàn toàn là sự thật.

Nhạc phẩm "Sài Gòn Thứ Bảy" do ca sĩ điển trai Bảo Tuấn trình bày vang lên nơi căn-tin đông nghịt người.

Giọng hát của ca sĩ Bảo Tuấn có nhiều nét tương đồng với ca sĩ kiêm vũ sư Nguyễn Hưng, nhưng nếu nghe thật kỹ sẽ thấy vài điểm khác biệt một cách thú vị.

- Hôm nay ăn gì đây?

- Có canh chua không? Tôi thèm quá đi mất.

- Anh ta tì cằm trên mu bàn tay phải.

Đôi mắt đen huyền như viên kim cương đen.

- Một khứa cá kho tộ và...!gà rim nước cốt dừa.

Ờ, thế thôi thưa chú.

Người bếp trưởng nhúc nhích cái thân hình ục ịch sang trái...!bảy phân, rồi khó nhọc nâng cánh tay núng nính thịt và mỡ lên múc canh chua.

Rồi chầm chậm xoay qua xoay lại để múc hai món kia vào khay thức ăn của anh ta.

Mất hết mười phút thì anh ta mới nhận được phần ăn của mình.

Biết rằng bếp trưởng bị bệnh tim nên anh ta và mọi người không phàn nàn chi sất.

- A, sếp Phạm!

Phạm Đình Vân ngả mũ chào anh ta, đoạn kéo ghế ngồi xuống.

Ông vừa dùng xong phần cơm trưa do vợ nhà chuẩn bị, nên chỉ gọi một ly cà-phê đen tẩy vị.

- Cảm thấy sức khỏe thế nào rồi? Có muốn xuất viện chưa?

- Dạ, tôi nghĩ là được rồi, thưa sếp Phạm.

- Nếu vẫn chưa thể khẳng định được sức khỏe và tình hình hiện nay của mình đã ổn thỏa chưa, thì tốt nhất hãy tạm trú ở đây vài tháng...!
- Dạ, thôi khỏi, thưa sếp.

- Vừa dẻ cá, anh ta vừa vội vàng từ chối lời khuyên của Phạm Đình Vân.

Cho nên bây giờ mới xảy ra cơ sự như vầy.

"...!Anh sinh ra từ trong khói lửa

Mẹ anh từng dự đoán rằng bất cứ ai trên đời này cũng đều muốn biết tên anh

Anh là người tuyệt vời nhất mà em từng có

Nếu như em đang nghĩ anh "nổ banh xác", thì thứ lỗi chứ đó chưa bao giờ là đặc tính của con người anh..."

Bản nhạc "Fireball" do đôi song ca Pitbull - John Ryan trình bày đã mang đến một trận cười giòn giã cho anh ta, dẫu rằng tình huống hiện tại vô cùng ngặt nghèo và ngàn cân treo sợi tóc.

- Dalziel?

- Lâu rồi không gặp...!- Bên kia đường truyền, Dalziel đang ngồi đếm tiền đựng trong chiếc cặp táp hiệu Louis Vuitton.

Bạn thân của gã - Douglas - Đương thay quần áo trong phòng ngủ của gã.

- Hỏi cậu ta xem bị rạch mặt có đau không?

- Anh đưa mặt đây cho tôi rạch thì biết cảm giác ngay mà.

- Đặt vé qua Anh một chuyến đi thì họa may còn có cơ hội.

- Douglas.

Người mà tôi cần gặp là Dalziel, không phải anh.

Bớt nói một tí đi cưng.

- Anh ta sờ tay vào vệt sẹo kéo dài từ trán xuống tới cằm.

Cảm giác ran rát vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí anh ta.

Có tiếng cười của Dalziel vọng vào.

Tiếng cười rất khẽ, nhẹ hẫng như cánh diều no gió.

- Tôi chưa chết, anh buồn lắm phải không?

- Ừ.

- Anh tin Venn được bao nhiêu phần?

- Zero.

- Đã biết như vậy mà còn phải cố chấp giúp đỡ anh ta sao?

- Đang ở đâu mà cái miệng oang oang như chốn không người vậy? - Douglas chợt xen vào khi nhận thấy tình hình trở nên bất ổn.

Anh ta ngước nhìn lên khuôn mặt của người đàn ông đang chĩa súng vào gáy ót của mình.

Rồi nhếch miệng cười:

- "Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và Chốn tận cùng thế giới".

Dalziel như đã hiểu ra, bèn cười nói:

- Thế thì cứ việc ngồi đó mà "Lắng nghe gió hát" đi.

- Nghe cái gì? Nghe "Tiếng chim hót trong bụi mận gai" hả?

- Không, "Sự im lặng của bầy cừu"...!Ai đang đe dọa anh? Á, Âu hay Phi? - Dalziel thôi bỡn cợt.

- Á rặt.

Người đàn ông kia tước lấy điện thoại, chưa kịp mở miệng nói thì Dalziel đã tắt máy.

- Xong rồi.

- Gã nhìn chằm chằm vào màn hình điện thoại tối thui, rồi hờ hững tuyên bố.

- Không định làm gì tôi sao? - Y nhéo nhéo đùi của gã, mặc cho họng súng của người kia có thể bóp (hoặc cướp) cò ngay lập tức.

- Không.

Giết một con tốt thí chỉ tổ tốn thời giờ phi tang xác.

- Người đàn ông đó khóa cò súng, rồi giắt lại vào bên hông lưng quần.

Đoạn dẫn anh ta ra ngoài mé sông hoang vắng.

Hai người sóng vai nhau mà đi, đi trên thảm cỏ xanh mượt và rậm rạp.

Gió đêm thổi từng cơn mát rượi.

Những vì sao đêm lấp lánh trên bức màn trời nhung đen sang quý.

Vầng trăng lưỡi liềm đã nằm ở trên đỉnh hướng Tây, nó sắp lặn rồi.

Bất chợt người đàn ông ấy khe khẽ hát nhạc phẩm "Nụ hồng mong manh", khiến trong đầu anh ta bỗng dưng so sánh giọng ca của gã với ca sĩ Lâm Nhật Tiến.

Không hay bằng, nhưng nghe đau khổ hơn hẳn.

Y chưa từng yêu bao giờ, nên chẳng thể hiểu thấu tâm tư của gã.

Bởi vì y cho rằng, tình yêu không mài ra đồng xu hay cắc bạc nào hết, nên bận tâm chi cho phí thì giờ.

oOo

Chú thích:

1/ Tựa chương này được đặt theo tên nhạc phẩm "Lạy Trời con được bình yên" do nhạc sĩ Lam Phương sáng tác.

Người trình bày thành công và đặc sắc thì có rất nhiều, điển hình như Duy Quang, Duy Khánh, Khánh Hà, Chế Linh, Thái Thanh, Thanh Thúy,...!
2/ Một câu trong nhạc phẩm "Ngày mai không có anh trong đời" do nhạc sĩ Phạm Duy viết lời Việt từ ca khúc "Et si tu nexistais pas" do danh ca Joe Dassin trình bày.

Lời Việt do cô Ngọc Lan hát rất hay.

3/ Hai câu trong nhạc phẩm "Người con gái Việt Nam da vàng" do cô Khánh Ly trình bày.

Người sáng tác là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn..

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play