Tào phớ nóng hổi chan nước dùng, cho thêm ít giấm, rắc hành lá và tôm nõn lên trên, cuối cùng là dầu tam hợp.

Canh lòng gà phủ một lớp mỡ vàng sóng sánh, thơm nức mũi.

Đã gần tới mùa đông mà trong cửa tiệm vẫn nóng hầm hập, lính quân đội rất có sức ăn, trước mặt mỗi người đều chồng tận mấy cái bát.

A Hương cũng rất phấn khởi, thấy bọn họ ăn ngon miệng như thế thì che môi cười, sau đó lại múc tào phớ cho họ.

Bọn họ vừa ăn vừa cười cười nói nói, bảo tướng quân không nói dóc, tào phớ này quả thực thơm ngon tuyệt đỉnh.

Họ còn kể về trận chiến kéo dài ba năm ở biên ải, thời tiết khắc nghiệt, bọn man tộc mọi rợ quỷ kế đa đoan, nhưng bọn họ vẫn đánh thắng, gần như giết sạch bọn mọi rợ kia, đuổi chúng ra ngoài Hổ Khẩu.

Nói đến đây, không hiểu sao họ lại đột nhiên ngưng cười, bầu không khí thoáng chốc trầm mặc, tất cả cúi đầu xuống ăn tào phớ, chẳng có ai ngẩng đầu lên.

Cuối cùng, một tiểu tướng trẻ tuổi đứng dậy, lau mặt, cười gượng với ta, đôi mắt còn hoe hoe đỏ: “Tẩu tẩu, có còn tào phớ không, bưng thêm mấy bát ra đi, chúng ta còn rất nhiều người không về được, lúc trước đã hẹn là sẽ cùng nhau ăn rồi.”



Những binh tướng Bùi Nhị Lang dẫn về đây hơn nửa sẽ tiếp tục theo hướng Kinh Châu về nhà. Sau khi đã ăn no rồi, bọn họ vội vàng từ biệt.

Chỉ có bốn người là lưu lại huyện Vân An, trong số đó có vị tiểu tướng trẻ họ Hàn nọ.

Bùi Nhị Lang nói, bốn người này đều là những kẻ lang bạt, trong nhà đã chẳng còn ai, dù cho Thánh Thượng đặc biệt cho phép họ về nhà thăm người thân thì bọn họ cũng chẳng có chỗ nào đi cả, vậy nên đều ở nơi này với hắn.

Ta nói: “Lúc có tin tức cho binh lính về thăm thân ta đã bớt chút thời gian quay về thôn Đại Miếu rồi. Hiện tại nhà cửa đã được thu dọn sạch sẽ, thúc giữ họ ở lại nhà mình đi, ta và Tiểu Đào, thái mẫu đã sớm dọn qua cửa tiệm này rồi, trong nhà hẳn là đủ chỗ cho bọn họ ngủ.”

Bùi Nhị Lang “ừ” một tiếng: “Ta biết, yên tâm, cho dù không có chỗ ở thì bọn họ cũng không để mình chịu thiệt đâu.”

Mấy ngày sau đó, khi bốn người kia cùng nhau xuất hiện tại một nơi buôn son bán phấn trong hẻm Sư Tử, ta mới run môi, bất chợt hiểu ra ý tứ trong lời hắn nói.

Vì chân thái mẫu không tiện trèo cao nên gian phòng chứa đồ linh tinh ở sau hậu viện đã sớm được thu dọn cho bà ở.

Còn hai căn phòng trên lầu hai thuộc về ta và Tiểu Đào, mỗi người một căn.

Từ năm ngoái thái mẫu đã trở bệnh suốt một thời gian dài, còn ta thì trời chưa sáng đã bận tối tăm mặt mũi. Tiểu Đào phải học rất nhiều, nhưng vì muốn giảm bớt gánh nặng cho ta nên đã chủ động nhận nhiệm vụ chăm nom thái mẫu, dọn xuống dưới ngủ cùng bà.

Căn phòng bỏ trống ở lầu hai liền bị ta chất một vài vật dụng ít dùng, những khi nhàn rỗi ta cũng thỉnh thoảng may vá bên ấy.

Ta vốn không định để Bùi Nhị Lang ở lại cửa tiệm, bởi vì hai căn phòng trên lầu kia quá sát nhau, cực kỳ bất tiện.

Nhưng hình như hắn cũng không định ở lại nhà cũ trong thôn Đại Miếu.

Ngày đấy hắn đưa bốn thuộc hạ tới thôn Đại Miếu, lúc gần ra cửa còn nói với ta: “Ta đi một lát rồi về.”

Ta thoáng sửng sốt, đi một lát rồi về là ý gì? Chẳng lẽ hắn không ở bên ấy ư?

Xong rồi ta lại nghĩ, hắn vội vã trở về nhà, còn chưa chính thức bái kiến thái mẫu, cũng chưa thấy mặt Tiểu Đào, hẳn là muốn quay lại gặp người thân.

Thế nên ta cũng không để ý nữa.

Hắn quay trở lại cũng vừa lúc Tiểu Đào mới từ trường tư thục về, cô nhóc hưng phấn vọt vào cửa tiệm, nhảy nhót quanh hắn: “Nhị ca! Nhị ca! Nghe nói giờ huynh đã là đại tướng quân rồi, tẩu tử quả nhiên là không lừa muội, từ lâu tẩu ấy đã bảo là huynh rất lợi hại, chắc chắn sẽ trở thành đại tướng quân!”

Ta đang dọn dẹp bàn ghế, bất thình lình nghe câu ấy thì liền liếc nhìn Bùi Nhị Lang theo phản xạ, kết quả lại phát hiện là hắn cũng đang nhìn ta.

Trong nháy mắt, động tác của ta trở nên hoảng loạn.

Còn hắn thì lại hoàn toàn ngược lại, vẫn cứ bình thản ung dung như lúc gặp ta ban trưa, đôi môi mỏng hơi cong lên, tạo thành một nụ cười nhàn nhạt.

Song Tiểu Đào chẳng mừng vui được bao lâu. Bùi Nhị Lang hỏi cô nhóc về bài tập về nhà, còn kiểm tra cái gì mà kinh sử tử tập(1) với bát cổ văn(2) này nọ.

(1) Kinh, sử, tử, tập: Cách phân loại sách vở thời cổ đại, bao gồm kinh điển (sách Nho gia), lịch sử, chư tử (triết học, tôn giáo) và văn tập (văn thơ).

(2) Bát cổ văn: Một thể loại văn biền ngẫu tám vế, được quy định là phần thi bắt buộc trong khoa cử triều Minh – Thanh của Trung Quốc và triều Nguyễn của Việt Nam.

Tiểu Đào lắp ba lắp bắp trả lời, cẩn thận nhìn hắn với một vẻ mặt đau khổ: “Nhị ca, sao huynh lại biết mấy thứ này vậy, chẳng lẽ ở trong quân cũng phải đọc sách ạ?”

“Đấy là đương nhiên, các học giả trong doanh đều được gửi tới chỗ quân sư giảng bài, nếu không ai cũng mù chữ thì sao có thể xem hiểu binh thư với bản đồ quốc phòng được.”

Giọng Bùi Nhị Lang vừa lạnh lẽo vừa trầm thấp mà bén nhọn, có vẻ rất không vừa lòng với câu trả lời của Tiểu Đào.

Nhưng Tiểu Đào vẫn là đứa trẻ thông minh, không đợi hắn mở miệng răn dạy đã cười ngọt xớt: “Nhị ca đi đường vất vả rồi, mau lên nhà nghỉ ngơi đi ạ, quần áo cũng phải thay ra giặt nữa, bẩn hết cả rồi.”

Nói xong, cô nhóc liền tiến tới cầm tay hắn lấy lòng, dẫn hắn về phía cầu thang ở hậu viện.

Ta bỗng nhiên thót tim, vội vàng đuổi theo bọn họ: “Ấy… nhị thúc cũng muốn ở lại cửa tiệm sao?”

Bùi Tiểu Đào quay đầu nhìn ta: “Không thì sao ạ, trên lầu chẳng phải có phòng trống ư?”

Bùi Nhị Lang cũng quay đầu nhìn ta: “Tẩu tẩu không chuẩn bị chỗ ở cho ta à?”

Mặt hắn vừa lạnh lùng vừa mỏi mệt, giọng nói cũng vừa lạnh lùng vừa mỏi mệt, trong tiếng nói trầm đục còn lộ ra chút không hài lòng, khiến ta càng thêm căng thẳng: “Sao có thể chứ, ta đã chuẩn bị rồi, chỉ là ta tưởng nhị thúc muốn ở cùng hội Hàn tiểu tướng.”

Sắc mặt Bùi Nhị Lang lúc này mới hơi giãn ra, hắn mở miệng nói: “Theo bọn họ làm gì nữa, đã về nhà dĩ nhiên là muốn ở cùng người nhà.”

Ta sững sờ, cảm giác như hắn tựa hồ không còn là Bùi Nhị Lang rời nhà ba năm trước nữa, nhưng lại cảm thấy thế này mới đúng là hắn.

Hắn rốt cuộc là người như thế nào, sao mà ta biết được chứ, chúng ta vốn đâu có tiếp xúc nhiều với nhau.

Song ta vẫn hơi chột dạ, trên căn phòng không người kia ngay chăn đệm cũng chưa có, chỉ có một giỏ kim chỉ để trên một cái bàn nhỏ, cực kỳ lộn xộn.

Thế là ta căng da đầu tiến lên, nói với Tiểu Đào: “Đi đi đi, muội ra kia dọn bàn giúp ta đi.”

Tiểu Đào sảng khoái nhận lời, tựa như đã muốn chuồn đi lâu rồi.

Còn ta thì lòng rốt loạn, bước chân yếu ớt, đầu óc mụ mị, dẫn hắn lên chính căn phòng mà mình đang ở.

Cũng may là phòng này rất sạch sẽ, mọi thứ ngăn nắp gọn gàng, chăn đệm đều mới giặt xong, cửa sổ cũng được mở ra cho thoáng khí.

Mặc dù như vậy nhưng vào phòng vẫn có thể ngửi thấy hương hoa quế thoang thoảng, trên chăn còn thêu toàn hoa mẫu đơn đỏ rực, rèm giường cũng là màu đỏ.

Nhìn qua vừa hân hoan vừa dung tục.

Ta ngượng ngùng nói: “Trong nhà đều là nữ quyến, cho nên cũng bài trí theo kiểu mà chúng ta thích…”

“Không sao.”

Bùi Nhị Lang không để ý lắm. Hắn gỡ kiếm bên hông xuống, để lên bàn, sau đó bắt đầu cởi áo giáp trên người.

Ta vội bước lên đón lấy, định bụng lát nữa sẽ mang xuống giặt.

Bên trong hắn mặc một cái áo lông cừu màu xanh lá sẫm, phần cổ cũng đính một lớp lông dày, đề phòng gió lọt vào cổ.

Không phải đồ mới, chính là thứ năm ngoái ta may cho hắn.

Ta chỉ xuống đôi ủng quân đội của hắn: “Ủng cũng cởi ra đi, để ta mang ra ngoài phơi. Nhị thúc tạm nghỉ ngơi đã, tối đun nước xong tắm sau cũng được. Ta đang may dở áo mới cho thúc, chỉ cần khâu viền nữa thôi, một lát nữa ta làm nốt, thúc đi tắm xong thì thay là vừa.”

Bùi Nhị Lang “ừm” một tiếng. Ta một tay cầm áo giáp, một tay xách ủng của hắn, lại hỏi: “Nhị thúc lần này có thể ở nhà bao lâu?”

“Khoảng hơn một tháng.”

“Sau đó phải quay về biên quan sao?”

“Không về nữa, ta sẽ tới nhậm chức ở doanh trại tại hoa kinh Trường An.”

Ta nhịn không được mà líu lưỡi, doanh trại tại hoa kinh Trường An, nằm ngay dưới chân thiên tử, con người này thật sự thăng chức quá là nhanh mà.

“Tốt quá rồi, ta vẫn nghe nói kinh thành phồn hoa, ai nấy đều mặc gấm vóc tơ lụa, tấm biển Thừa Thiên Môn làm bằng vàng ròng, trên núi Tam Trùng có một ngôi tháp cổ, đứng tại đó có thể nhìn thấy tất cả châu quận của Đại Sở chúng ta.”

“Đợi khi nào sắp xếp xong, ta sẽ đón mọi người qua đấy.” Bùi Nhị Lang khẽ cười một tiếng, tâm trạng có vẻ không tệ.

Ta ngạc nhiên, lặp lại những lời này trong đầu một lần nữa, lòng lại thở dài khe khẽ.

Muốn đón cũng là đón Tiểu Đào và thái mẫu, còn ta thì thôi đi. Nếu ta vẫn là quả tẩu của hắn thì tất nhiên cũng có thể đi theo hưởng phúc, nhưng ta không định thủ quả cả đời ở nhà họ Bùi.

Duyên phận giữa người với người vốn đã được định sẵn rồi.

Ban đầu tất cả mong mỏi của ta chỉ là ăn no mặc ấm, có thể cùng Tiểu Đào và thái mẫu an cư lạc nghiệp. Bây giờ tất cả đã thành hiện thực, ta cũng bước sang đầu hai.

Tới tuổi này rồi, suy nghĩ không thể nào không khác trước, dù sao cũng phải tính toán cho nửa đời sau của mình.

Ta bắt đầu có ý định muốn lấy chồng, bởi vì thực ra, ta đã gặp được một người rất tốt.

Đó là một tú tài họ Trần, là tiên sinh dạy học ở trường tư thục của Tiểu Đào.

Nói đến cũng thấy trùng hợp, năm ấy chép sách ở hiệu sách, người đưa ta một cái bánh hấp cũng chính là Trần tú tài kia.

Cha mẹ hắn qua đời sớm, trong nhà chỉ còn mình hắn, hắn lại một lòng hướng tới thi cử công danh, đến nay vẫn chưa thu xếp được chuyện gia đình.

Ta nhớ rõ ân tình trong cái bánh nọ, lại thương cảm nhà hắn không có một ai nên thường làm ít thức ăn, bảo Tiểu Đào mang cho hắn.

Hai năm trước hắn thi rớt một lần, nản lòng thoái chí, ta ở cửa tiệm bưng cho hắn một bát tào phớ, cổ vũ hắn ba năm sau đi thi lại.

Lúc ấy tú tài rầu rĩ hỏi ta: “Cô cảm thấy ta thực sự có thể thi đậu sao? Ngay cả thi hương mà ta cũng không qua nổi.”

“Có thể chứ, đâu phải là không còn cơ hội nữa, những tú tài ngoài bốn mươi vẫn còn nghĩ tới chuyện đậu cử nhân nữa là. Huynh còn trẻ tuổi, học vấn lại tốt, nhất định sẽ thi đậu thôi.”

“Thật ra hôm đó thi hương ta cảm thấy không khỏe lắm, cả người rét lạnh, ta vốn cứ nghĩ là mình có thể thi qua chứ.” Mắt của tú tài đỏ lên.

Ta nói: “Đúng vậy, cho nên dù bận đọc sách cũng phải ăn cơm đầy đủ, những gì thuộc về huynh cuối cùng vẫn sẽ là của huynh thôi.”

“Ngọc Nương, ta sẽ cố gắng, lần sau ta nhất định có thể thi đậu cử nhân. Nếu ta thi đậu, cô… cô có thể… nhìn ta một cái hay không?”

“Nhìn huynh làm gì?”

“Ta… ta muốn cưới cô làm nương tử, nhưng mà hiện giờ chưa được, nhà ta chỉ vỏn vẹn bốn vách tường…”

“Nhưng ta là quả phụ mà.”

“Ta không để ý đâu, Ngọc Nương, ta thật sự không để ý, ta cảm thấy cô tốt cho nên mới muốn cưới cô, không liên quan gì tới chuyện cô có phải là quả phụ hay không cả.”

Tú tài gấp gáp giải thích, cả khuôn mặt lẫnh đôi tai đều đỏ rực. Ta nhịn không được, cười bảo: “Được rồi, nói chuyện này làm gì, huynh bây giờ nên tập trung vào việc thi cử mới đúng, đợi huynh đậu xong hẵng nói.”

Ta đối với vị tú tài này, kỳ thực ấn tượng không tồi.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play