Chiều thứ Bảy, chỉ một giây sau khi cô Vân chủ nhiệm kết thúc lớp ôn tập Ngữ Văn lúc 3 giờ chiều và thông báo kì nghỉ Tết chính thức bắt đầu, đám học sinh hú hét sung sướng chạy ào ào ra khỏi lớp.
Diệp ngó sang bên cạnh thấy Đăng vẫn đang từ tốn thu xếp sách vở, nó ngồi ôm ba lô xoay hẳn người sang bên nhìn cậu, hỏi: "Đang dọn ngăn bàn hả?"
"Không, sao thế?"
"Mọi khi tác phong của mày nhanh lắm mà, sao hôm nay thua cả tao thế?"
"Xong rồi đây. Về thôi."
Tính ra Đăng cũng chỉ xếp sách chậm hơn Diệp năm mười giây là cùng nhưng cũng bị Diệp kì kèo, căn bản vì Đăng rất hay mắng nó tác phong lề mề, chẳng mấy khi Diệp thu xếp xong trước Đăng.
"Rõ ràng hôm nay mày chậm hơn tao..." Diệp lẩm bẩm.
Đăng đeo ba lô, quàng nốt chiếc khăn len Diệp đan tặng lên cổ sau đó đứng dậy, vươn tay cầm lấy tay Diệp kéo nó dậy theo.
"Ừ thì chậm hơn, về thôi."
Người có tay lạnh như Diệp, vào ngày trời rét cóng được bàn tay ấm áp của Đăng bao phủ lập tức có cảm giác muốn bám chặt không buông. Cả hai nắm tay nhau tới tận nhà gửi xe, những ngón tay đan vào nhau dần nới lỏng sau đó tách ra, Diệp sụt sùi nói: "Từ mai được nghỉ Tết rồi, chắc tao phải ở nhà lau ghế rồng phượng tới hết 30."
Tuy nhà Đăng dùng ghế sô pha nhưng trong quá khứ bố mẹ cũng từng dùng ghế rồng phượng nên cậu biết nỗi khổ đó là gì. Trước đó Diệp cũng kể lể với Đăng chuyện ngày Tết ở nhà với bố mẹ bị sai đủ thứ, dọn dẹp lau quét từng ngóc ngách xa vời nhất như cái nóc tủ với quạt trần cho đến việc lôi đôi dép cả chục năm chưa từng dùng đến của bà nội ra đánh rửa một lần.
Cả nhà tập trung dọn dẹp trang trí nhà cửa từ sáng tới tối, đương nhiên Diệp cũng khó mà được cho phép đi chơi. Hôm nay mới là 27 âm, sáng chiều không được gặp, tối thì bố mẹ Diệp sợ mấy lão trung niên say xỉn đi xe máy và cả mấy tên túng quẫn làm liều ngày giáp Tết nên cũng không muốn cho Diệp ra ngoài, chẳng biết còn lúc nào để gặp nhau nữa.
Nghĩ đến đây, Đăng lại nắm tay Diệp, nó thấy vậy cũng hiểu cậu đang nghĩ gì, tay vô thức nắm lại an ủi, ngập ngừng nói: "Mày đừng buồn, tao sẽ gọi video call mà. Có điện thoại mới rồi."
Thực ra tâm trạng Đăng gần đây hơi trầm, bình thường đã ít nói dạo nào còn kiệm lời hơn, Diệp cứ nghĩ do trời lạnh nên cậu ta lười nói chuyện, nhưng nhìn cái mặt lầm lì này xem ra là có chuyện gì nhưng lại ỉm rồi.
"Hay tao qua nhà mày chơi một lát nhá?" Diệp hỏi.
"Không sợ bố mẹ nói hả?" Đăng trả lời ngay bằng một câu hỏi.
"Về trước khi trời tối là được."
"Ừ, vậy đi."
Trên đường về cả hai ghé qua cửa hàng cho thuê truyện tranh thuê liền một lúc 23 tập truyện Vua sáng chế để đọc dần vì cửa hàng sẽ không mở ngày Tết. Bộ truyện này Diệp mới đọc tập 1 thấy khá hay nên mới quyết định thuê cả, Đăng cũng thích đọc truyện tranh nên hai đứa cùng thuê và đọc chung.
Về đến nhà Đăng, cậu lấy ra một đôi dép bông in hình Doraemon mới tinh, ngồi xổm xuống để tự tay cởi giày cho Diệp và xỏ dép vào chân nó. Tay Diệp bám lên vai Đăng trong lúc đợi cậu ta xỏ dép cho, hỏi: "Í, mới mua à? Đẹp thế?"
"Ừ, thấy đi dép nhựa vẫn lạnh nên mua đôi này."
"Thế mày không có hả? Sao vẫn đi dép nhựa?"
"Người tao ấm sẵn rồi, đi dép kiểu này sẽ nóng chân."
Trong lúc đợi, Diệp ngẩng đầu nhìn phòng khách im lìm phía sau lưng Đăng, đột nhiên thấy có gì đó không ổn lắm. Gần đây Diệp không hay qua nhà Đăng chơi, hầu hết chỉ được gặp ở trên lớp, lâu lâu mới tới chẳng hiểu sao nơi này khiến nó có cảm giác là lạ. Sau khi chắc chắn rằng nhà Đăng vẫn hệt như vậy, chẳng có thay đổi gì, nó mới nhận ra rằng chính cái không thay đổi gì mới là điều bất thường vào những ngày sát Tết thế này. Ở nhà Diệp, bố mẹ nó đã bắt đầu tân trang một số nơi, trải thảm, trong góc nhà có cây đào, ngoài thềm đặt thêm cây quất.
Diệp mím môi tự quyết định không nhắc tới chuyện này, sau đó hỏi: "Ơ Trâm đâu nhỉ? Nay không thấy chạy ra đón."
Đăng đi xong dép cho Diệp cũng đứng dậy nói: "Không phải học thứ Bảy nên nghỉ Tết sớm hơn mình một ngày, chắc là đang ngủ. Trời lạnh mà."
Đăng và Diệp cùng đi lên tầng, khẽ mở cửa phòng Trâm, thấy đúng là con bé đang ôm gấu bông ngủ lăn quay mới an tâm khép cửa lại.
"Kiểu này nhà có trộm vào cũng không biết." Diệp nói.
"Ừ, cho đi học an tâm hơn để ở nhà."
Đóng cửa phòng Trâm thật nhẹ nhàng, Đăng kéo tay Diệp sang phòng cậu. Hai đứa nhanh chóng trèo lên giường, kéo chăn đắp lên người sau đó lôi truyện tranh trong túi ra đọc.
"Tao đọc tập một rồi, bây giờ đọc tập hai. Mày đọc tập một đi." Diệp vừa nói vừa phân phát.
"Ừ."
"Đọc xong cuốn này tao về."
"... Ừ."
Đăng tựa lưng lên thành giường nghiêm túc đọc truyện, còn Diệp thì do tướng ngồi của nó không nghiêm túc được lâu nên cứ hết vặn bên này lại vặn bên kia, cuối cùng dựa cả vào người cậu. Trong tầm mắt của Đăng ngoài các trang truyện còn lọt thêm cái đỉnh đầu đầy tóc của Diệp nữa.
Sau đó Đăng ném cuốn truyện đang đọc dở đi, vòng tay ôm lấy Diệp, cúi xuống chạm môi hôn lên cái xoáy tóc trên đỉnh đầu nó, tiện hỏi: "Mới gội đầu à?"
Diệp ngửa đầu nhìn cậu: "Ò, mới gội hôm qua. Mùa đông này lười gội lắm, nhưng thấy mày thích nghịch tóc tao nên tao mới chăm gội hơn í."
Chẳng hiểu sao Đăng rất thích nghịch tóc của nó, hết cầm nắm lại vân vê, ở nơi không người sẽ chúi mũi vào hít hít ngửi ngửi như nghiện. Và thường thì sau mỗi lần như thế Đăng sẽ muốn làm gì đó thân mật, ví dụ như lúc này cậu ta cúi đầu hôn lên trán nó, sau đó lại hôn xuống mũi, rồi rướn thêm một chút hôn lên môi.
Cuối cùng Diệp cũng không đọc truyện tiếp được nữa, xoay người ôm lấy Đăng, thì thầm: "Ấm quá, thích thật ấy nhỉ?"
Đăng hơi mỉm cười ôm lại nó: "Ừ."
Thời gian dần trôi, ngoài cửa sổ, ánh hoàng hôn le lói, Đăng chợt nhiên nói một câu là lạ: "Ước gì mày không về."
Trước giờ, cấu trúc câu của Đăng chỉ có khẳng định với phủ định, một là một hai là hai, chẳng bao giờ thấy giả định như thế này.
Nó biết điều gì đang diễn ra trong đầu cậu nhưng không nói ra, chỉ đưa tay lên xoa xoa gương mặt cậu nhỏ giọng an ủi: "Làm như không gặp nữa vậy? Cùng lắm thì tao sang nhà mày chơi, mày qua nhà tao chơi."
"Ừm."
Đăng ậm ừ hơi nghiêng đầu hôn vào lòng bàn tay nó, nhưng vẻ mặt vẫn không thả lỏng như người vừa được an ủi.
Sau khi được Đăng hộ tống về tận nhà, đôi mày Diệp cứ nhăn lại, cật lực suy nghĩ cách làm sao để tên kia bớt trầm trầm sầu sầu.
***
Gia đình bên nội của Diệp rất đông các cô bác do ông bà nội nó đẻ tận sáu lứa, thêm nữa mọi người đều sinh sống và làm việc tại Hạ Long nên có truyền thống tụ tập ăn tất niên vào trưa ngày 30 Tết. Bố Diệp tuy không phải là con cả nhưng vẫn nhận trách nhiệm chăm sóc ông bà nội từ xưa do nhà cửa rộng rãi thoải mái, vì vậy việc tổ chức tất niên đương nhiên cũng ở nhà nó.
Và vì đứng trên vai trò chủ nhà chứ không phải làm khách nên Diệp làm việc không ngơi tay.
Bị dựng dậy từ bảy giờ sáng để phụ nấu nướng nhặt rau gọt khoai tây bóc hành ngâm mộc nhĩ đánh vỏ hàu, thiếu chai dầu ăn liền gào tên nó chạy đi mua, không những thế lát sau còn tiếp tục sai đi mua mấy củ tỏi, nói là không có tỏi không làm ăn gì được, rồi chạy khắp nơi tìm mua đá để uống bia, không có đá thì bia không ngon dù trời rét như ma làm, hết giai đoạn nấu nướng bày xong bốn mâm cỗ uống được vài hớp Cocacola ăn thêm cái đùi gà vừa đứng dậy đã bị đám em kéo đi đánh sâm lốc đếm lá ăn tiền, đánh được vài ván thua chưa kịp gỡ lập tức bị hú đi rửa bát trong lúc các cô bác đang ngồi nói chuyện phiếm thật là một cảm giác ố dề, may mắn thay vẫn có mấy con em họ rửa cùng nên nhanh hơn một chút, dọn xong bãi chiến trường kia và các cô dì chú bác đã ra về hết thì nó vẫn đang sắp xếp đống bát đĩa chưa ráo nước vào mấy cái rổ to tướng, rồi lại lau nhà quét nhà, mệt quá lăn ra ngủ được một lúc bị mẹ lay dậy kêu đi bày biện chuẩn bị bữa tối, bữa tối lại có mấy người tới làm khách, ăn xong lại rửa một mâm bát thật lớn, lần này chỉ rửa một mình do khách bữa này toàn người lớn không có trẻ con, mà người lớn thì chẳng đời nào phải rửa bát khi có mấy đứa nhỏ hơn để sai vặt, rửa xong lại úp bát vào rổ, lau bát cất xếp vào tủ, khi nó ngửa được mặt lên đã là chín giờ tối, đến đây mới có dấu chấm kết thúc câu.
Chín giờ tối, nó vừa nhắn tin nói chuyện linh tinh với Đăng vừa ngồi xem Táo Quân cùng bố mẹ mà bồn chồn không thôi, lòng cứ thôi thúc muốn làm một điều gì đó.
"Mẹ ơi, nếu... nếu Tết này con không có ở nhà thì có sao không mẹ?"
Mẹ Diệp nhìn nó như người ngoài hành tinh: "Tết không ở nhà thì đi đâu? Định xông đất ám nhà ai à?"
"Con sang nhà Đăng."
Giữa tiếng cười giòn giã của khán giả trong chương trình Táo Quân, không khí ngoài tivi lại im ắng lạ thường.
Bố Diệp hỏi: "Tết này Đăng với em gái ở nhà một mình thôi hả?"
"Vâng ạ. Có lẽ trong mấy ngày Tết cũng không có ai qua chơi, cũng chẳng qua nhà ai."
Nam Tào Bắc Đẩu trong tivi lại nói ra vài câu bông đùa nhưng chẳng ai cười nữa.
Sau đó mẹ Diệp thở dài, nói: "Mày đúng là... Đợi tao đun lá mùi cho tắm rồi đi đâu thì đi."
Diệp bất ngờ vì được đồng ý dễ dàng như vậy.
"Tại sao cứ phải tắm nước lá mùi vào ngày 30 vậy mẹ?"
"Giải vận xui, xua tan năng lượng tiêu cực, mang lại năng lượng tích cực."
"Vậy cho con tắm nửa bó rau mùi thôi, nửa còn lại con mang sang nhà Đăng."
"Rồi, biết rồi. Mùng một vẫn phải về đi chúc Tết đấy."
"Vâng, con nhớ rồi."
Trước giờ nó không hay thắc mắc nhưng lúc này nó mới suy nghĩ việc tắm bằng nước rau mùi vào ngày 30 Tết có vẻ là truyền thống của người Việt. Vừa tắm Diệp vừa thầm nghĩ may mà người Việt chọn lá mùi để tắm vì mùi hương của nó lúc đun cũng thơm lạ, không đến nỗi, chứ dùng rau mùng tơi để tắm chắc coi như xong.
Tắm xong Diệp vơ vét đồ dùng cần thiết, sau đó được bố lai qua nhà Đăng để đảm bảo an toàn.
Lưng đeo ba lô, một tay bế Bin tay còn lại cầm túi bóng đựng lá rau mùi, nó bấm chuông cửa nhà Đăng.
Đèn ngoài sân sáng lên, bố Diệp thấy bóng dáng Đăng ra mở cửa mới yên tâm đi về, còn nói nhỏ với Diệp: "Bố về trước đây, hai đứa cứ tự nhiên nhé."
"Dạ. Bố đi đường cẩn thận nhé ạ!"
Đăng thấy bố Diệp vẫy tay với cậu rồi lái xe đi nên chạy vội ra ngoài cổng, nhưng vẫn không kịp chào hỏi nên dùng vẻ mặt ngạc nhiên hỏi Diệp: "Mày đi đâu mà mang nhiều đồ vậy? Sao chú về sớm thế?"
"Tao nhờ bố chở qua đây. Bố nói là để tao với mày tự nhiên nên về rồi." Diệp vừa đáp vừa đưa túi lá mùi cho Đăng cầm.
ngôn tình ngượcĐăng cũng ngơ ngác cầm túi lá mùi giúp nó, sau đó đứng ngây một chút nhìn nó thả Bin xuống đất rồi lôi lôi kéo kéo ba lô sau vai, mở khoá zip lấy từ bên trong ra một cành đào nhỏ xinh.
Nhà hàng xóm có người tàng trữ pháo hoa trái phép, mới mười giờ tối đã ngứa tay đứng trên sân thượng đốt pháo, "víu" một cái, rồi "đùng".
Từng tán ánh sáng đủ các màu lấp lánh giữa bầu trời đêm phản chiếu trong đôi mắt rạng rỡ của Diệp.
Nó nói: "Chúc mừng năm mới! Tao qua ăn Tết với mày."
Thấy Đăng cứ đứng đực ra, Diệp cảnh giác phủ đầu, chĩa cành đào về phía cậu: "Mày đừng có mắng tao như hồi Tết dương lịch. Tao khóc đấy. Tao qua chơi sáng mai tao về."
Diệp vừa nói vừa nhét cành đào vào tay Đăng.
Cậu cầm cành đào trong tay, đột nhiên cảm thấy trong cổ nghèn nghẹn, hít thở bình thường cũng dần trở nên khó khăn. Có thứ cảm xúc gì đó trong cậu như muốn thoát khỏi sự kiểm soát của lý trí tràn ra ngoài, cậu càng cố ngăn lại chúng lại càng muốn nhảy ra.
Khác với Trâm - cô bé được nhận lì xì trong khi đang được bế và chẳng có tí ấn tượng nào về cái gọi là ngày Tết, thì Đăng là kẻ có trải nghiệm cực kì rõ ràng. Tuy rằng cái việc được rồi lại mất so với chưa từng sở hữu có vẻ là đáng thương như nhau, nhưng Đăng nghĩ bản thân là người phải chịu nỗi giày vò này khi Tết đến nhiều hơn.
Gia đình sum vầy, không gian ấm cúng, bánh kẹo ăn thả ga, những chiếc lì xì nhỏ xinh, dọn nhà mệt bở hơi tai.
Sau khi bố mẹ mất, Đăng không còn phải chịu áp lực việc dọn nhà cửa, nhưng chính những thứ đó lại là khung cảnh vui vẻ ít ỏi còn sót lại chầu chực giây phút yếu mềm của cậu để giày xéo cảm xúc mà cậu luôn muốn chôn giấu bên trong. Không phải Đăng không muốn bày biện một chút không khí Tết để khiến Trâm vui, chỉ là mỗi lần cậu định làm vậy lại thấy mình đáng thương đến thảm hại, cảm tưởng muốn khóc như một kẻ yếu đuối, mà cậu thì chẳng muốn thấy hình ảnh bản thân như vậy chút nào nên tới ngày Tết cậu chẳng làm gì cả, chỉ lì xì cho Trâm coi như xong.
Tết là thứ khiến cậu chán ghét vô cùng.
Thế nhưng, hôm nay Diệp tới đây, đưa cho cậu một cành đào.
Đăng chậm rãi bước tới ôm lấy Diệp, tựa cằm vào vai nó, thì thầm bên tai: "Vạn vật vô thường vô ngã, tao không chắc chắn về tình yêu vĩnh cửu cho lắm. Nhưng vì cành đào này tao hứa sẽ yêu mày suốt đời."
Diệp cảm nhận được từng cơn run nhè nhẹ của Đăng khi cậu đang ôm chặt lấy nó.
Hai đứa ôm nhau dưới pháo hoa, tác giả thấy pháo hoa đẹp quá, nhưng tóm lại là vẫn không tả được. Nói chung là không nên tàng trữ pháo hoa trong nhà.
Sau khi Đăng thả Diệp ra, Diệp hơi băn khoăn hỏi: "Vô thường, vô ngã là gì?"
Ở bên cạnh, Trâm đã chạy ra cổng từ lúc nào, vui vẻ kêu lên: "Lêu lêu anh Đăng khóc nhè."
___Lời tác giả: Đây là chương cuối hàng real rồi đó mọi người. Một cái kết đời thường cho những nhân vật đời thường. Phía sau chỉ còn một phụ chương nữa thôi. Mong mọi người đã có những giây phút vui vẻ khi đọc câu chuyện mà mình bịa ra:D
Vốn dĩ truyện đã kết thúc một cách dở dang ở chương 68 bên Enovel - tương ứng bên Wattpad là chương 41 (chỗ mà hai người hạnh phúc mãi mãi về sau), nhưng rồi bên đó tình cảm nguội lạnh, chị Tiên Nữ Plastic đã khuyên mình đăng trên Wattpad và quảng cáo cho truyện trên Tiktok. Mình rất bất ngờ khi đăng bên này lại gặp được các bạn đọc mới, vì vậy mình đã lấy lại được động lực và hứng thú để viết tiếp một cái kết đỡ dở hơi hơn. Cảm ơn các lượt vote và bình luận truyện của các bạn.
Cảm ơn chị arthan tác giả Chanh Mật Ong đã PR cho view tăng vèo vèo và đặc biệt là chị Tiên Nữ Plastic đã luôn động viên ủng hộ trong quá trình viết và đăng truyện, nếu không có chị thì Đăng Diệp đã hạnh phúc mãi mãi về sau ở chương 20 rồi.
Hành trình có thể coi như kết thúc tại đây nhưng nếu yêu mến Đại Bông mọi người có thể follow để nói chuyện xàm xí, coi các ngoại truyện vớ vẩn và các dự án truyện tiếp theo nha.
Sắp tới mình định đăng một bộ khác nữa nên nếu mọi người có hứng thú với mình thì nhớ bấm theo dõi mình trên Wattpad nhé.
Link page Facebook để xem các ngoại truyện nhảm:
fb.com/daibongthdBtw, mai 12/12 là sinh nhật Nguyễn Linh Diệp rồi, mình phải đi mua bánh sinh nhật cho nó đây, tạm biệt mọi người.