Tối thứ sáu, sau khi Diệp ăn cơm rửa bát xong xuôi liền sắp xếp sách vở đợi Đăng đến đón đi học thêm như thường lệ, nhưng nó chưa dọn xong đã nghe tiếng Bin sủa dưới nhà. Hôm nay Đăng tới rất sớm, cậu ta lại còn đi xe máy, ăn mặc chỉnh tề hơn bình thường.
"Cháu chào bà, cháu chào cô chú. Hôm nay cháu qua xin phép đưa Diệp đi chơi Giáng Sinh, sẽ về trước 9 giờ rưỡi ạ." Đăng vào nhà lễ phép nói.
Mẹ Diệp nhìn lịch ghi ngày 24/12 liền quay ra đánh bố Diệp một cái: "Ông không mời tôi đi chơi Giáng Sinh à?"
"Tôi theo đạo Phật, amen." Bố Diệp bình tĩnh nói tiếp, "Tình yêu gà bông vui quá nhỉ. Đăng cho chú xem giấy tờ xe và giấy phép lái xe nhé."
Đăng đem giấy tờ đã chuẩn bị sẵn đưa ra: "Xe này là xe 50 phân khối không cần bằng lái. Cháu chưa có bằng nhưng có giấy tờ xe ở đây ạ."
Bố Diệp gật đầu, đeo kính cầm giấy tờ lên kiểm tra một lúc rồi nói: "Ừ được rồi, hai đứa đi đi. Đi cẩn thận, nhớ về sớm. Chín giờ về, chín rưỡi muộn quá."
"Đường đông thế này cứ để chúng nó đi từ từ. Chín rưỡi cũng được."
Diệp cúi đầu chào bố mẹ, vừa định bước ra khỏi cửa thì bị mẹ cản lại: "Diệp, định mặc thế này đi chơi à?"
Nó cúi đầu nhìn trang phục có phong cách mang tên "quần áo ở nhà" trên người mình, tự nhiên thấy hơi sai sai nên cũng đi vào nhà tìm bộ đồ mới. Mẹ Diệp nhìn con gái mình cầm lựa trên tay toàn quần áo con trai đột nhiên cảm thấy may mắn vì có người hốt nó. Không thể để cậu con rể tiềm năng này chạy mất được.
Thế là mẹ kéo Diệp lao vào phòng nhặt ra những chiếc áo điệu đà nhất mà mẹ đã chọn mua. Quần áo của Diệp đều do mẹ lôi nó xềnh xệch khắp chợ Hạ Long tìm kiếm, nhưng toàn chọn loại mẹ thích dù nó là người mặc nên những bộ đó Diệp không bao giờ sờ đến, toàn vứt xó rồi mặc quần áo trong tủ của anh trai. Cuối cùng thì hôm nay cũng có dịp cắt mác, mẹ Diệp ướm lên ướm xuống một hồi, mãi mới tìm được bộ ưng ý.
Diệp nhìn mình trong gương, lúc này nó đang mặc chân váy kẻ caro cùng quần tất màu da chân, phối áo len dáng rộng, thêm một chiếc áo khoác lông đáng yêu (của mẹ nó cho mượn). Sau đó mẹ còn giúp nó kẹp lại mớ tóc lòa xòa, dặm thêm cho tí son, vừa dặm vừa nói: "Mày con tao mà sao da mày đen thế! Thôi chẳng đánh phấn đâu, tốn phấn của tao."
Diệp còn chưa kịp cảm thấy đau khổ thì mẹ nó nói thêm một câu thót tim: "Cái dây chuyền này mua ở đâu đây?"
Nó lắp bắp trả lời: "Con mua trên Shopee... có... 15 nghìn thôi ạ."
"Ô, 15 nghìn đẹp nhỉ, bao giờ đặt mua hộ mẹ một cái, mẹ bo cho mày hẳn 20 nghìn luôn. Mà có 15 nghìn thì đeo ngoài áo cho xinh đi, cứ nhét bên trong làm gì."
"Dạ." Diệp nuốt nước mắt trong lòng, chuẩn bị tinh thần lên Shopee tìm thử.
Lúc Diệp bước tới trước mặt Đăng, gương mặt cậu hơi biến hoá một chút, nhiều loại cảm xúc vụt qua trong đáy mắt rồi biến mất như đang cố ngăn bản thân thể hiện cảm xúc quá đà. Nhưng vẫn không thốt ra được lời nào.
Chân váy này mẹ đưa Diệp đi mua từ năm trước, vốn để mặc đi đám cưới của chị họ, mặc một lần sau đó cũng chẳng mặc nữa. Sau một năm đem ra sử dụng thì chiếc váy vẫn đẹp và mới như ngày đầu, nhưng đôi chân của Diệp lại thay đổi. Mấy năm nay chiều cao của Diệp cứ tăng dần, dồn hết cả vào hai chân. Bình thường Diệp mặc quần dài với quần thể thao chun quá đầu gối của anh trai thì chẳng ai để ý làm gì, nhưng lúc này nó mặc chiếc váy ngắn với phong cách khác hoàn toàn như muốn thu hút tất cả ánh mắt dồn về đôi chân thon gọn dài thẳng hết sức xinh đẹp ấy.
Đăng ngây ra mất một lúc, tuy không quá lâu nhưng mẹ nó bắt trọn phản ứng này của Đăng liền tự cho rằng bản thân đã thành công.
Diệp bẽn lẽn đi tới cạnh Đăng, hai đứa cứ nhìn nhau, trong đầu bắt đầu có những nhận thức đầu tiên về cái thứ gọi là "hẹn hò".
Đăng máy móc chào tạm biệt các phụ huynh. Diệp nhấc chân dài của mình lên vẽ thành một vòng tròn định trèo lên yên xe.
Nhưng chân của nó chưa kịp hạ xuống thì nghe thấy một tiếng hét rõ to của mẹ: "Mặc váy sao lại ngồi thế?? Ngồi ngang đi!"
Diệp chưa kịp thấy nhục thì mẹ bị bà nội lôi vào nhà, nó loáng thoáng nghe thấy bà bảo mẹ nó "lắm chuyện".
Lúc này Đăng mới hoàn hồn đôi chút, cậu quay lại thấy Diệp đội mũ bảo hiểm loại mỏng mua 30 nghìn ngoài chợ, cau mày hỏi: "Còn cái mũ nào khác không?"
"Hả? Mũ này làm sao?"
"Mũ này không đảm bảo chất lượng, đội mũ khác đi."
"Nhà tao toàn loại mũ này thôi."
Đăng nghe xong liền tháo mũ bảo hiểm loại có tem bảo hành chứng nhận hàng thật chính hãng của cậu đưa cho Diệp, nói: "Vậy đổi mũ đi. Đưa mũ của mày đây."
Diệp không hiểu lắm nhưng cũng tháo mũ ra đưa cho Đăng. Nó cầm mũ của Đăng trên tay, nhìn chằm chằm khi cậu ta thản nhiên đội chiếc mũ 30k của nó lên đầu.
"Nhìn gì đấy? Sao chưa đội mũ?" Đăng hỏi.
"Mày có xem phim bao giờ không Đăng?"
"Có xem."
"Phim tình cảm ấy. Nam chính cài quai mũ bảo hiểm cho nữ chính."
"À."
Đăng "à" xong liền cầm mũ trong tay Diệp, đội và cài quai mất đúng một giây.
"Thấy sao?" Đăng hỏi.
"Không có cảm giác gì." Diệp trả lời.
"Ừ, đi thôi."
Kể ra thì hai đứa đã quen nhau được gần một tháng, vậy mà đây mới là lần đầu tiên hai đứa cùng nhau đi chơi, dùng từ chuẩn hơn một chút thì gọi là hẹn hò. Diệp hơi suy tư, tự hỏi tại sao đến bây giờ mới hẹn hò nhỉ?
"Đăng ơi, hình như mình quên cái gì đấy."
"Nếu là chuyện quên được thì chứng tỏ nó không quan trọng." Đăng đáp.
Diệp gật gù: "Đúng nhỉ."
Nghĩ một lúc, Diệp giật mình nói: "Tao nhớ ra rồi! Trâm đâu??"
Thế mà nó lại quên mất cái bóng đèn.
Bình thường ngoài những lúc ở trên trường thì hai đứa sẽ có thêm khoảng thời gian ở cùng nhau khi hết giờ học. Nhưng những khoảng thời gian ấy giữa họ luôn có một Trâm, mà cũng chẳng đi đâu chơi được vì tất nhiên hai đứa không thể bỏ con bé ở nhà một mình.
"Gửi Trâm sang nhà ông bà hàng xóm rồi. Lát mua quà về cho Trâm là được."
Đây cũng không phải là lần đầu Đăng mang Trâm đi gửi. Đôi lúc Đăng sẽ có những lúc bận rộn không thể sắp xếp được thời gian nên đành phải gửi nhờ ông bà hàng xóm. Kể ra xung quanh nhà Đăng không hề có đôi vợ chồng trẻ hay trung niên nào nên chẳng có lấy một mống trẻ con mà toàn là các ông bà trên 60 tuổi. Trâm có vẻ cũng không bài xích việc phải chơi với ông bà, trái lại còn rất thân thiết. Đó có thể là một trong những lí do vì sao con bé nhiều lúc nói chuyện như một bà cụ con chứ không giống mấy đứa trẻ cùng lứa khác.
Tuy cũng cảm thấy có lỗi nhưng xét đến việc hai đứa chưa có buổi hẹn hò nào thì thôi đành để Trâm thiệt thòi một chút vậy.
Đi một lúc Diệp lại thắc mắc hỏi: "Sao mày đi chậm ngang xe đạp vậy?"
Đường phố dịp lễ có vẻ đông hơn bình thường, nhưng vẫn rộng rãi thoáng đãng đủ để đi với tốc độ nhanh hơn chứ không phải 20km/h như thế này.
Diệp ngồi sau không thấy vẻ mặt Đăng, nhưng lại nghe ra một chút bối rối trong giọng nói cậu: "Đường đông... đi cẩn thận chút vẫn hơn."
Nó nhìn con đường lớn phía trước, lúc này mới nhớ ra mình chưa hỏi xem hôm nay hai đứa sẽ đi đâu.
Đăng nói: "Tao cũng chọn được một vài chỗ rồi, định ra quảng trường với đi ăn vặt một chút. Nhưng nếu mày có chỗ nào muốn đi thì cứ bảo."
***
Đăng lái xe chậm đến nỗi Diệp không hề cảm nhận thấy gió lạnh của cuối tháng 12.
Không ngờ đi với tốc độ như vậy mà cũng tới được nơi luôn đấy? - Hung thần xa lộ như Diệp thầm nghĩ trong lòng. Nó đi xe đạp còn nhanh hơn thế này.
Diệp và Đăng tìm chỗ gửi xe xong cũng bắt đầu chen vào dòng người tấp nập ngược xuôi dưới chân dốc nhà thờ.
Vừa rồi khi Đăng hỏi muốn đi đâu, Diệp nghĩ ngay đến chỗ này. Ngay trung tâm thành phố có một nhà thờ nằm ở vị trí khá cao, phải đi lên một con dốc dài chừng 200 mét mới tới nơi. Thường người ta có thể phóng xe lên dốc rồi gửi trong nhà thờ nhưng vào ngày này cả con dốc đều chật ních người, đi bộ còn khó khăn nữa là đi xe nên hai đứa quyết định gửi xe phía dưới.
Trên con đường người người chèn ép lẫn nhau, tất nhiên là hai đứa phải nắm chặt tay cùng di chuyển theo đoàn người. Diệp thấy vậy cũng áy náy nói: "Tại tao đòi đi nhà thờ nên giờ mới phải chen lấn như thế này. Hay là về đi nhỉ? Chưa đi xa lắm, quay lại còn kịp."
Hai người đứng sát nhau, đường tuy đông nhưng cũng không đến mức ồn ào. Đăng siết chặt tay nó nói: "Cũng không đến nỗi tệ. Tao chưa đi xem nhà thờ dịp Giáng Sinh lần nào, đi thử cho biết cũng được."
Diệp thấy mình không bị trách, trông Đăng cũng không có vẻ gì khó chịu nên nó lấy nốt tay còn lại bám vào cánh tay Đăng vui vẻ gật đầu: "Ừ!"
Khi hai đứa tới được trước cổng vào thì cảm thấy bên trong lại không quá đông như tưởng tượng. Có lẽ lúc ở dưới dốc có cả người đến kẻ đi nên mới chật chội như vậy, nhưng khuôn viên bên trong nhà thờ rất rộng rãi, dù đông nhưng dễ thở hơn nhiều, vẫn đủ không gian để ngắm cảnh.
Nhà Thờ Giáo Xứ Hòn Gai vào Giáng Sinh được trang trí lung linh hơn bình thường rất nhiều, giữa khoảng sân lớn là một cây thông lớn được làm hoàn toàn bằng công nghệ hiện đại, phát ra ánh sáng trắng lại còn liên tục xoay tròn, là nơi thích hợp để chụp ảnh tự sướng cũng như quay video Tóp Tóp.
Gần đó có một bức tượng Chúa Jesus đang tạo dáng T-pose, nó vừa chắp tay phía trước vái mấy lần vừa hỏi: "Giáng Sinh người ta tới nhà thờ làm gì ấy nhỉ?"
Đăng cảm thấy mình đã nghiên cứu khá kĩ về Thiên Chúa Giáo cũng như ngày Giáng Sinh, nhưng câu hỏi này của Diệp thì cậu cũng bó tay.
Diệp nhìn quanh thấy mọi người cũng chỉ đi dạo qua lại nhìn ngắm, xa xa có một đám người đang đứng nghe dàn đồng ca có cả trẻ em lẫn người lớn hát thánh ca trên bục.
Vì nhà thờ được xây ở vị trí cao nên có thể nhìn xuống quang cảnh toàn thành phố. Đứng cùng nhau được một lúc thì Diệp bắt đầu nghe thấy Đăng kể về các điển tích Thiên Chúa Giáo mặc dù cậu ta tự nhận là kẻ vô thần. Khi Diệp thắc mắc thì Đăng nói rằng đó là do cậu ta nghiên cứu kinh thánh dưới dạng một nguyên tác văn học cổ đại cũng như một trong các văn bản đầu tiên về luân lý, đạo đức và siêu hình.
Thi thoảng thấy Đăng thao thao bất tuyệt nói về chủ đề nào đó như vậy, Diệp lại thấy hơi buồn cười.
Nghe tiếng phì cười rõ to của Diệp, Đăng mới ngừng nói, quay sang hỏi: "Buồn cười lắm à?"
"Ừa."
Đăng này đúng là khác xa với cái tên lạnh lùng trên lớp, không ngờ dạo gần đây nó được thấy mặt này của cậu ta nhiều đến vậy.
Có lẽ chỉ mình nó thấy thôi nhỉ?
Đăng hơi cay, ngừng nói. Diệp sợ mình khiến Đăng mất niềm tin về sau không nói nữa nên cũng phải đi dỗ dành: "Mấy kiến thức mày nói rất bổ ích, tao rất mở mang đầu óc mà. Nãy cười là tại... tại..."
Diệp nghĩ mãi không ra lí do, đành đứng sát vào người Đăng lấy lòng.
Đăng vừa quay sang đã thấy gương mặt phóng đại của Diệp.
Hôm nay nó rất có tự tin hỏi: "Thấy xinh không?"
Từ lúc bắt đầu quen nhau nó rất thường xuyên hỏi câu này. Đăng chẳng bao giờ chủ động khen nó, nên nó thường phải tự hỏi để nghe câu trả lời.
Đăng vẫn đáp như mọi khi, nhưng có lẽ không khí đặc biệt hôm nay khiến cảm giác hơi khác: "Xinh."
Tiếng hát du dương văng vẳng, gió lạnh, nhưng bên cạnh lại ấm áp.
Bầu trời đen thẳm phía sau Diệp nhiều sao và rất đẹp nhưng tác giả không biết tả, đại khái là đôi mắt Diệp lấp lánh dưới bầu trời sao rất đẹp, Đăng rất rung động. Mình đã viết lại vài lần không ưng. Nếu có ai học sinh giỏi văn viết được hộ mình thì thật tốt biết bao, để thế hệ độc giả sau này không cần phải đọc đoạn văn ngu ngục này. Tại sao mình phải viết cái chương này thật là trầm cảm quá biết thế end từ đoạn "hai người hạnh phúc mãi mãi về sau"...
Đăng không dám hôn Diệp nơi đông người, nhưng Diệp thì dám. Nó tiến tới hôn lên môi cậu một cái thật nhanh. Xung quanh, ánh đèn đủ các loại sắc màu thi nhau toả sáng, những tiên nữ áo trắng hoạt động bằng cơ học không ngừng múa may trên nóc nhà thờ.
Nó cảm thấy từ lúc bắt đầu yêu nhau, càng ngày nó càng bạo dạn hoang đường. Có lẽ phần tự tin này đều do Đăng tiếp thêm cho nó, bởi Đăng khiến nó cảm thấy mình là duy nhất, cảm thấy mình là đặc biệt.
"Tao biết người ta đến đây làm gì rồi. Hình như chỉ để có mấy khoảnh khắc ở cùng nhau, có kỉ niệm để về sau nhớ lại." Diệp đưa ra kết luận.
"Có lẽ vậy."
Trong không gian náo nhiệt, nơi có hai người dường như chỉ tồn tại lẫn nhau.
Đứng một lúc thấy hơi lạnh, hai đứa kéo tay đối phương xuống bậc, không ngắm cảnh thành phố nữa.
Khi rời khỏi nhà thờ, Diệp khá thắc mắc chẳng biết mình đã đi chơi nhà thờ dịp Giáng Sinh đúng cách hay chưa. Có lẽ kinh nghiệm này hai đứa cần học hỏi thêm.
Trên đường Đăng đưa nó đi ăn vặt, cả hai chứng kiến thấy một vụ tai nạn xe máy có vẻ như mới xảy ra. Khi đám người thi nhau dừng lại để xem biển số xe khiến đường ùn tắc thì Đăng tỏ rõ thái độ khó chịu và tránh đi.
Diệp thấy Đăng bất thường, dường như xe càng đi càng chậm, mà xung quanh hiện khá ồn ào nên nó nghiêng người về phía trước ghé tai cậu hỏi: "Có chuyện gì thế?"
Thấy cậu vẫn bất động, Diệp xuống xe cúi đầu nhìn Đăng.
Lúc này Đăng nhắm chặt mắt, bàn tay đang cầm lái run nhẹ.
"Đăng?" Diệp gọi.
Đăng gian nan trả lời: "Không sao. Đợi một chút, tao cần bình tĩnh lại."
Nó nhìn chàng trai ảm đạm trước mắt, cảm thấy bản thân rất hiểu cái tính nết kiểu lúc nào cũng không chia sẻ như cậu ta nên nói: "Mày lúc nào cũng vậy. Chuyện gì mày cũng giấu trong lòng. Không nói ra thì làm sao tao biết được?"
"Nói đi." Diệp lấy bàn tay lạnh như đá của mình chạm lên mặt Đăng bóp cho cậu ta tỉnh lại.
Đăng gian nan mở mắt ra. Cả hai nhìn nhau im lặng một lúc, cuối cùng cậu mở miệng nói.
"Bố mẹ bị tai nạn giao thông. Sợ."
Chỉ là những câu đứt quãng không rõ nghĩa, nhưng Diệp lại hiểu.
"Từ đó đến giờ vẫn sợ hả?" Diệp hỏi.
"Không sợ nữa. Nhưng đèo mày sau lưng, tao sợ."
Kẻ có ánh mắt lúc nào cũng lạnh lùng kiêu ngạo như Đăng nay lại hơi cụp xuống như chú chó nhỏ.
Ngày bố mẹ Đăng mất, có người tới tận cổng nhà cậu yêu cầu cậu đi nhận dạng người thân. Lúc tới nơi, đầu óc cậu đã tê cứng. Nhận dạng gì nữa chứ? Ngoài trang phục quen thuộc của bố mẹ thì họ đâu còn hình dạng để nhận?
Họ còn cho cậu xem hình ảnh một chiếc xe nát bấy.
"Tao vẫn có thể lái xe bình thường. Nhưng có mày ở sau lưng, tao căng thẳng lắm. Tao sợ."
Cuối cùng thì nó cũng hiểu một chút những gì đang diễn ra trong đầu Đăng. Có vẻ như ngày đó cậu ta mãi không tỏ tình cũng là vì những lí do này.
Dù cho Diệp cảm thấy không tán thành những lo nghĩ trong đầu Đăng nhưng nó vẫn muốn an ủi cậu. Chỉ là nó không biết phải an ủi như thế nào.
Đăng của hiện tại suy nghĩ không lý trí như bình thường chút nào: "Tao sợ một lúc nào đó, nếu có chuyện không hay xảy ra khi mày đang ngồi sau lưng tao, tao sẽ, tao sẽ không biết phải làm gì mất."
Đăng trong tưởng tượng của nó chưa bao giờ là người tiêu cực như vậy.
Diệp nhìn Đăng, tay chạm lên má cậu, dịu dàng nói: "Mày điên à. Như mày từng nói với tao lúc kèm thêm, ứng theo toán học thì tỉ lệ một con người xảy ra tai nạn nghiêm trọng trong cuộc đời rất nhỏ so với số đông nên mới có thứ gọi là công ty bảo hiểm tồn tại trên đời này. Còn theo văn học thì mày chỉ nghĩ chắc nó chừa mình ra là được rồi. Tai nạn không dễ xảy ra vậy đâu, đi cẩn thận chút là được."
Nghe giọng điệu quen quen và lập luận khá thuyết phục này, có vẻ như Đăng đã bình tĩnh lại đôi chút.
Lúc này có mấy tên racing boy chẳng hiểu chui ở đâu ra, bấm còi inh ỏi ngay cạnh xe Diệp cười cợt hỏi: "Hai bạn nhỏ này, xe bị làm sao đây? Cô em chân dài có cần anh đèo về không?"
Diệp vừa quay ra, một tên suýt xoa: "Uây, xinh thế này mà lỡ mất buổi đi chơi Giáng Sinh thì tiếc lắm. Đi với bọn anh không? Anh đèo."
Tự nhiên bị trêu đùa như vậy khiến nó hơi bối rối.
Nó đang không biết trả lời thế nào thì Đăng tắt máy xuống xe nhìn nó nói: "Cô em xinh đẹp này đi chơi Giáng Sinh với anh không? Đi thì đèo anh."
Diệp nói "ÔK", sau đó ngồi vào ghế lái. Đăng ngồi sau vòng tay ôm lấy eo Diệp, đầu tựa lên hõm vai nó nhắm mắt nghỉ ngơi. Diệp vít ga bay đi với tốc độ bàn thờ.
The End.
***
[Ngoại truyện: Xem tuổi]
Lúc Diệp về đến nhà, thấy bố mẹ và bà mình đang ngồi chụm đầu ở bàn phòng khách xem cái gì đó. Diệp tới gần thì nghe thấy thế này:
"... Nam và nữ mạng năm 2004 tuổi Giáp Thân, tức tuổi con Khỉ, thường gọi là Quá Thụ Chi Hầu, tức Khỉ leo cây. Mệnh Thủy, Tuyền Trung Thủy, nghĩa là nước trong suối."
"Đọc cái đấy làm gì, đọc dòng này này. Những năm thích hợp để kết hôn là Quý Mão 2023..."
"2023 làm gì đã đủ tuổi để lấy! Chọn dòng dưới này, 2025 Ất Tỵ."
Diệp:???:D???
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT