Thắm thoát mà đã hơn năm rưỡi, gần hai năm, kể từ khi Mén sang đấy theo đuổi con đường nghiên cứu của mình.
Tính ra cuộc sống ở nước ngoài cũng không phải như ta nghĩ, nó không phải màu hồng. Nghĩ về những chuyện mà Mén kể chỉ vỏn vẹn trong một cái viện nghiên cứu không quá lớn, mà tôi cảm thấy cuộc sống thật sự không dễ dàng gì.
Không những thế, tôi cứ tưởng chỉ ở môi trường làm việc tư bản thì con người ta mới cảm thấy ức chế, bị chèn ép. Còn nếu là môi trường học thuật, những người có học thức cao, am hiểu nhiều thì cũng sẽ hiểu và cảm thông cho những nỗi vất vả trong con đường học tập và nghiên cứu của sinh viên. Nhưng không hoàn toàn như vậy!
Nhớ chuyện Mén kể tuần rồi, thấy cuộc đời những người đi theo con đường nghiên cứu hẩm hiu quá. Nó không giống như trong những bộ phim khoa học viễn tưởng.
Trong các bộ phim khoa học, cũng có thể là những bộ phim liên quan đến điều tra tội phạm, chúng ta hay bắt gặp các nhà khoa học với thần thái đỉnh đạt, rất là quách.
Chúng ta thấy cảnh họ tự do nghiên cứu, phát huy sáng tạo, làm việc một cách vui vẻ, không bị gò bó, cảm giác rất ư là tự do, dù là không phải muốn làm gì làm, nhưng trong phim, họ luôn toát ra ánh hào quang của một nhà khoa học, tư duy và sáng tạo.
Và thực tế thì, nếu bạn là người trong cuộc, bạn sẽ cảm nhận được cái gọi là bị cuộc sống vả vào mặt!
Trên con đường nghiên cứu, có người sẽ bỏ cuộc giữa chừng, có người sẽ chuyển hướng ở thời điểm sớm. Và đó có thể là lựa chọn đúng đắn.
Tại sao ư? Thử nghĩ mà xem, một chương trình đào tạo nghiên cứu sinh ở trình độ thạc sĩ có thể mất khoảng 2 đến 3 năm. Nếu như trong quá trình học tập nghiên cứu mà họ cảm thấy không phù hợp, hướng nghiên cứu sai, hoặc bị áp lực đến mức tuột mất đam mê. Vây thì bỏ đi trước khi chưa quá muộn quả là quyết định tốt cho cả đôi bên – cho chính họ và cả những người thuộc đội nghiên cứu trong dự án của họ, kể cả người hướng dẫn.
Có người lại hơi sai lầm, đi quá xa, đi gần tới đích thì lại bỏ cuộc vì chiu đựng quá nhiều áp lực, trầm uất dồn nén đến nỗi tuột hết đam mê, mất hết mong đợi. Và khi họ dừng lại, họ phải đánh đổi bằng sự đổ sông đổ biển công sức từng ấy năm, cùng với những nỗi đau sâu thẳm trong tâm hồn họ. Mặc dù họ không điên dại, cũng không đánh mất tự tin. Thứ họ đánh mất là ngọn lửa đam mê, và đổi lại một cuộc sống trầm lặng, như những bóng ma đến từ phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, dù sớm hay muộn, dừng lại trên con đường không phù hợp, chọn cho mình hướng đi mới thì không bao giờ là quá muộn cho một cuộc đời.
Như trường hợp của bạn nữ sinh viên cao học, hệ đào tạo thạch sĩ mà Mén kể hôm trước. Nghe đâu bạn nữ đó cũng học gần hết chương trình, cũng chuẩn bị báo cáo đề tài tốt nghiệp giống như Mén. Thế mà đâu có ngờ, bạn đó quyết định bỏ ngang và quay về nước.
Mấy tuần nay, tôi cũng bận, mà Mén cũng bận, và đủ thứ chuyện xảy ra, nên chúng tôi không có gọi nói chuyện nhiều. Nhưng cũng nghe được đôi chút chuyện của nó và những người trong phòng thí nghiệm ấy.
Nghe Mén kể là giờ thấy cuộc sống của cô bạn nữ đó tươi hơn nhiều, bớt thảo mai hơn xưa.
Tôi chợt ngẫm nghĩ. Ừ thì ra hoàn cảnh sống có thể thay đổi tâm tính con người! Ví như lúc còn trong chương trình đào tạo nghiên cứu đó, còn ở phòng thí nghiệm đó, với bao nhiêu chèn ép, áp lực, tâm tính nó cũng trở nên xấu đi, theo hướng nịnh hót, chơi xấu đồng nghiệp. Thế mà đến khi rời khỏi môi trường đầy áp lực, họ nhận ra một điều, đó là sao phải đấu đá với người cùng xuồng, cùng bị bóc lột vô hình bởi thế lực gọi là tư bản, có thể là cấp trên, là người hướng dẫn, đôi khi đơn giản là người đàn anh đàn chị khóa trên, hoặc người có thâm niên trong phòng thí nghiệm chèn ép. Mặc dù khuynh hướng đấu tranh sinh tồn của cô bạn ấy có phần lệch hướng, sai trái một chút. Nhưng tôi cũng mừng rằng bạn ấy dừng lại đúng lúc, đã lấy lại tinh thần sau ngã rẻ, và trở lại con người tràn đầy sự sống. Dù rằng vẫn chưa nghe Mén nhắc đến là cô bạn đó có ý định chuyển hướng nghiên cứu khác hay đi làm, nhưng đó vẫn là một thay đổi theo chiều hướng tích cực.
Nếu thảo luận về sự uổng phí cho cả một quá trình học tập và nghiên cứu ròng rã mấy năm trời, thì tôi lại nhớ đến chuyện của anh chàng nghiên cứu sinh, hệ đào tạo tiến sĩ, chung nơi làm việc với Mén. Vâng, là chương trình đào tạo tiến sĩ! Tùy quốc gia, cũng như tùy vào mỗi trường đại học, quan trọng hơn là tùy vào "văn hóa" từng phòng thí nghiệm - nó giống như văn hóa công ty vậy- và đặc điểm của mỗi người hướng dẫn – được biết với tên gọi giáo sư – mà thời gian đào tạo sẽ ngắn hay dài.
Thời gian đào tạo ở đây nói nôm na dễ hiểu là bao lâu thì được tốt nghiệp! Có chỗ thì trong vòng bốn năm. Nếu gặp phải các vị "giáo sư xộp" thì có khi còn sớm hơn, khoảng ba năm rưỡi! Nhưng cả hai trường hợp trên là cực hiếm, có chăng nếu như bạn đã từng tốt nghiệp bằng thạch sĩ chỗ đó, và tiếp tục học lên bằng cấp cao hơn. Chúng ta gọi đó là sự ưu ái – ưu ái cho sự gắn bó – cũng giống như ở công ty, nó gọi là ưu đãi thâm niêm, hay đối với khách hàng thì đó là ưu đãi cho thành viên V. I. P. Đa số sẽ là năm năm cho trường hợp cực siêng năng, giỏi giang, nghiên cứu có chút thành tượu thì cơ hội báo cáo khóa luận sẽ được thông qua. Nhưng mà, Mén bảo toàn thấy các anh chị đàn trên theo học chương trình tiến sĩ – nghĩa là đã có bằng thạc sĩ rồi - phải mất trên năm năm thôi!
Ôi, nghĩ đến học hành nghiên cứu, thời gian dài đằng đẳng, cũng như số phận may rủi để được tốt nghiệp, tôi thấy thật mông lung quá! Tôi thấy mệt quá! Tôi muốn được nghỉ ngơi quá! Để đạt được những thành tựu - có khi thành tựu chỉ là những bài báo khoa học không to lắm - nhưng lại đổ rất nhiều mồ hôi công sức, và sự suy tư trăn trở. Có người sẽ thấy thỏa mãn dù là thành tựu nhỏ, nhưng cũng có người sẽ thấy hụt hẫng vì không như họ mong đợi, hoặc không xứng đáng với công sức mà họ đã bỏ ra. Còn với tôi, tự nhiên bản thân mình thấy mệt ngang xương hà!
Mà thôi, mấy tuần nay Mén bận rộn với cuộc chiến phòng thí nghiệm và sự kiện trọng đại cho cuộc đời nghiên cứu của nó, nên nó không có thời gian tám chuyện với tôi. Tôi tổn thương quá!
Thôi đi ăn cái gì ngon ngon lấy lại tinh thần để chờ đến cuộc gọi tuần sau vậy!
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT