Cô vừa khóc, chàng ta lập tức luống cuống, vội lấy tay áo lau nước mắt cho cô, song vẫn biện minh: “Không thể trách tôi hết được, nếu cô không đi xem mắt thì bổn tọa cũng không nghĩ ra cách này. Rõ ràng hai ta đã thề ước rồi, sao cô có thể bội ước chứ!”
Liên Đăng giận mà không có chỗ xả, vung tay áo phần phật: “Quốc sư bôi nhọ thanh danh của tôi như vậy, bảo tôi sau này phải gặp người khác thế nào đây?!”
“Vậy đừng gặp nữa. Đợi chúng ta quay lại thành Trường An, cô cứ ở trong Thần Cung đi, sẽ chẳng ai biết chuyện ở thành Toái Diệp.” Chàng ta nở nụ cười lấy lòng, đưa bút lông cho cô: “Nếu cô không vui thì viết tên mình đi, tôi không ngại đâu.”
Cô giật cây bút, cầm ngón tay chàng ta rồi chà thật mạnh mấy cái lên phần móng tay sạch sẽ, đầy đặn. Đến khi nhấc bút, cô lại chẳng biết viết gì, rốt cuộc là Di Độ, Liên Đăng hay An Ninh đây.
Cô chưa bao giờ đau khổ đến vậy. Cô không nhớ nổi mình là ai, làm một người không có trí nhớ, mọi thứ của cô đều do bọn họ đưa cho. Đôi khi, cô còn ngờ rằng mình chỉ là một cô hồn dã quỷ được triệu hồi vào cơ thể này, thật ra cô chẳng là ai hết.
Liên Đăng ném bút đi, nhấc váy rồi đi xuống thềm. Cô đi dọc theo đường mòn trở về, mặt trời nóng như thiêu đốt trên đỉnh đầu, cô đứng yên một chỗ rất lâu. Dưới ánh mặt trời chói lọi, tại sao cô không bị thiêu đốt đến hồn phi phách tán?
Chàng ta đuổi theo, sợ cô bỏng nắng nên giơ tay áo lên che cho cô. Liên Đăng ngẩng đầu dưới ống tay áo thơm ngát mùi hương của chàng ta: “A Bồ đang ở đâu?”
Quốc sư ngẫm nghĩ: “Chắc là về quê rồi.”
Cô nghẹn ngào: “Vì lừa tôi mà vẽ bích họa ở Minh Sa Sơn hai năm trời, lòng kiên trì này quả là đáng khâm phục.”
Chàng ta dời mắt đi, đáp ậm ừ: “Cũng không hẳn là vì lừa cô. Vốn dĩ, cậu ta chịu vết thương tình nên mới chạy đến quan ngoại ở ẩn. Khi cứu cô, cậu ta rất vui vẻ, cảm thấy cuối cùng cũng có người bầu bạn. Sau khi cô đi Trường An, lòng cậu ta cũng khô héo, không lâu sau thì rời khỏi đó.”
Cô cười chua chát: “Vậy mà còn lập ước hẹn ba năm với tôi, kết quả chẳng biết đã đi đâu rồi.” Nói đoạn, cô bỏ chàng ta lại, ủ rũ bước vào bóng râm.
*
Thần Hà quả thực là một người anh tốt, toàn bộ sự oán hận của anh ta đều trút hết lên quốc sư, biết em gái mình còn nhỏ, không đấu lại lão yêu quái này nên lúc gặp lại cũng không trách cứ cô.
Hai anh em ngồi trước cửa sổ hóng mát, anh ta bóc vỏ nho sạch sẽ rồi đưa cho cô: “Anh đã giải thích với họ rồi, nói quốc sư là họ hàng thích bông đùa thôi, bọn họ nghe vậy thì không thắc mắc nữa.”
Thần Hà là người trung thực, văn nhã, hiếm lắm mới nói dối nên mấy người bạn đó đều tin không chút nghi ngờ. Liên Đăng nở nụ cười áy náy: “Em xin lỗi anh.”
“Không sao. Anh biết em có chỗ khó, chỉ trách A Gia quá si mê quyền thế nên mới khiến em bị cuốn vào vòng xoáy này.”
Cô im lặng cúi đầu, một lát sau mới hỏi: “Đã xác định được ngày xuất binh chưa ạ? Khi nào vậy anh?”
Thần Hà đáp: “Năm ngày nữa, định vào mười sáu tháng tám, để binh sĩ nghỉ ngơi qua Trung Thu rồi khởi hành.”
Cô biết chuyện này đã không thể nào vãn hồi, thắng cũng được bại cũng được, mặc cho trời đi. Cô hỏi: “Anh có theo quân xuất chinh không?”
Thần Hà lắc đầu: “A Gia muốn anh dẫn hai vạn quân đóng giữ thành Toái Diệp, bất luận tình hình chiến đấu ở tiền phương ra sao, thành Toái Diệp là căn cơ, không thể để rơi vào tay người khác. Đô hộ An Tây bị A Gia thuyết phục nên trước mắt cũng đã dao động, tập kết năm vạn binh mã gia nhập, theo đó ta có tổng cộng hơn mười ba vạn quân, lương thực và quân lương vẫn cần anh ở hậu phương cung cấp.”
Mười ba vạn miệng ăn, còn vô số chiến mã, lượng tiêu thụ phải lớn chừng nào, khoản này tính ra khiến người ta phải kinh hãi. Cô cau mày: “Kho lương còn dự trữ không? Nếu điều động khẩn cấp chỉ sợ rất khó trụ vững.”
Thần Hà đáp: “Khắp hành lang Hà Tây đều có kho lương thực, không cần lo lắng vấn đề này. Đến khi qua Biển Đô Khẩu vào Quan Nội thì Trường An cũng không còn xa, lương thực mang theo từ thành Toái Diệp cũng đủ ứng phó rồi.”
Mọi thứ đã được chuẩn bị, dã tâm làm phản của Định Vương cũng không phải hình thành trong ngày một ngày hai. Như ông ta đã nói, bị đày ở thành Toái Diệp gần bốn mươi năm, không ngày nào là không tính chuyện quay về Trường An. Liên Đăng thở dài: “Anh, em vẫn cảm thấy hơi thấp thỏm…” Cô không biết khuyên bọn họ thế nào, chẳng lẽ lại nói quốc sư có mưu đồ khác sao? Cô không có chứng cứ xác thực, huống hồ cũng chưa chắc Định Vương đã chịu nghe. Cô chỉ có thể khuyên Thần Hà: “Triều đình đề phòng A Gia từ lâu, đừng quá tin tưởng quốc sư. Ngộ nhỡ quốc sư nhận lệnh từ hoàng thượng thì A Gia sẽ sập bẫy bọn họ, theo đó, mười ba vạn đại quân cũng bị sáp nhập thành của triều đình, vậy chẳng phải mọi thứ đều thành công dã tràng ư?”
Thần Hà nghe vậy thì hơi ngạc nhiên: “Em nhìn nhận như vậy sao? Em với quốc sư…”
Đây chắc gọi là mâu thuẫn nội bộ, nói ra thật xấu hổ, một bên là người thương, một bên là cha anh. Mặc dù đến giờ cô vẫn chưa quen với cuộc sống của một quận chúa, nhưng cô cũng không thể trơ mắt nhìn người thân gặp nạn được.
Cô tỏ vẻ ngượng ngùng, cười qua quýt: “Em chỉ phòng bệnh hơn chữa bệnh thôi. Anh nghe rồi bỏ ngoài tai, mà nếu thấy có lí thì phải cân nhắc.”
“Được. Anh sẽ truyền đạt lại với A Gia, để cha quyết định.”
Cô đáp vâng, bắt đầu tính xem nên mang theo thứ gì. Thần Hà đặt chén trà xuống, ngờ vực hỏi: “Em cũng muốn xuất chinh sao? Như vậy không hay đâu, dù sao em cũng là thân gái…”
Cô nhấc tay: “Em đã quyết rồi, anh không cần nói thêm đâu. Hơn nữa em vốn không phải tiểu thư được nuôi trong khuê phòng, bắt em ở lại vương phủ đợi tin tức, em không chịu nổi. Vả lại Đàm Nô cũng sẽ theo quân xuất chinh, em càng không có lí do ở lại.”
Thần Hà vẫn mong cô nghĩ lại, dù sao chiến tranh cũng không phải chuyện đùa, khi giao chiến thì đao kiếm không có mắt, cô ở trong quân chỉ sợ sẽ gặp nguy hiểm. Nhưng những năm lưu lạc bên ngoài đã tôi luyện tính cách độc lập quả quyết cho cô, một khi đã quyết thì rất khó thay đổi.
Thần Hà đành lùi một bước: “Việc này phải hỏi A Gia đã, nếu ông ấy phản đối thì em bỏ suy nghĩ này đi được không?”
Liên Đăng đáp vâng. Cô không hề lo Định vương sẽ phản đối, trái lại, ông ta cầu còn chẳng được ấy chứ. Dù sao, trong quá trình chiến đấu khó tránh khỏi có lúc bất đồng ý kiến, chỉ cần có cô ở đó thì cô có thể khơi thông tư tưởng với quốc sư bất kì lúc nào, bớt được những xung đột chính diện không cần thiết. Trong ngôi nhà này, dường như chỉ có Thần Hà là thật lòng quan tâm cô, còn Định vương và những người anh khác chỉ tỏ ra dễ gần trước mặt, sau lưng chẳng biết bọn họ nghĩ gì. Cô vẫn cảm thấy rất khó hòa nhập được với cuộc sống của bọn họ, cô như kẻ lạc loài trong chốn tường cao viện sâu này. Liên Đăng tha thiết muốn rời khỏi đây, dù là theo quân đánh trận còn tốt hơn bị buộc chân chốn này.
Đương nhiên, Định vương nhận con là việc của ông ấy, quan điểm của vương phi sẽ không thay đổi. Lại nghe cô là con gái của Đường nương tử thì càng thấy cô như cái gai trong mắt hơn.
Hai ngày trước Trung Thu bắt đầu chuẩn bị đại tiệc. Định vương muốn mở tiệc chiêu đãi các đại tướng dưới trướng, cũng là bữa đoàn viên cuối cùng trước khi xuất chinh, trong phủ cũng rất chú trọng việc này. Liên Đăng chẳng háo hức mong ngóng mấy dịp lễ kiểu này cho lắm, bọn họ bận việc của bọn họ, sẩm tối cô vẫn đi dạo trong vườn, cắt hai bó hoa, xong xuôi thì quay về trang trí cho phòng ngủ. Vương tinh thần sa sút đã lâu, không biết thế nào mà hôm nay lại ra khỏi điện Lương Phong, ai ngờ oan gia ngõ hẹp, bà ta lại chạm mặt Liên Đăng ở con đường nhỏ trong vườn hoa.
Con đường đá rất hẹp, Liên Đăng ghét bà ta, nhưng vì Định vương và Thần Hà nên cô vẫn nhân nhượng cho yên chuyện. Cô ôm bó hoa sơn chi né sang bên cạnh, vốn đợi bà ta đi qua là xong, không ngờ Lý thị đến tới trước mặt cô thì không lướt qua như dự định mà lại dừng bước.
Bà ta nheo mắt quan sát cô từ đầu đến chân, búi tóc cắm đầy trâm bằng vàng bạc, trông hệt con gà cảnh. Giọng nói cũng không giấu nổi vẻ cay nghiệt, gằn từng tiếng một: “Từ lúc nhận tổ quy tông, quận chúa vẫn chưa đến thỉnh an “người mẹ cả” này lần nào, phải chăng quận chúa chẳng thèm để tôi vào mắt?”
Bà ta vẫn còn mặt mũi gây chuyện ư? Thần Hà tốt như thế lại có người mẹ ác độc dường này, đúng là trứng liu điu lại nở ra rồng*, quả khiến người ta phải kinh ngạc.
*Gốc là 砖出自坏窑口
Liên Đăng không có ý định nể nang bà ta, cô đã được nghe kể chuyện của Đường nương tử từ lúc chưa biết thân thế của mình, mặc dù không có ký ức về mẹ đẻ nhưng việc đối đầu với Lý Thị đã thành bản năng của cô. Liên Đăng liếc bà ta, thẳng thừng đáp: “Phải.”
Vương phi nhất thời không phản ứng kịp, phải nghĩ lại lời bà ta vừa nói, cô nói phải? Cô thực sự không thèm để bà vào mắt?
Bà ta tức tối, từ trước đến nay chưa có ai dám chống đối bà ta như thế. Giọng bà ta the thé như thể muốn băm vằm cô ra. Bà ta cất tiếng sắc lẻm: “Chớ cho rằng quay lại vương phủ rồi thì đã thành quận chúa. Trong mắt tôi, cô vẫn chỉ là đồ tạp chủng do ả tiện tì dấm dúi qua lại với người khác thôi. Ra vẻ trước mặt tôi hả? Chết từ tám trăm năm trước rồi.” Nói đoạn, bà ta đẩy cô ra, giận dữ bỏ đi, động tác quá mạnh khiến bó hoa sơn chi trong tay cô rơi đầy đất.
Liên Đăng máu nóng xộc lên não, thù mới hận cũ cùng xông tới. Cô đập mạnh nhánh hoa xuống đất, duỗi chân ra ngáng bước vương phi, quật bà ta ngã xuống đường đá dễ như trở bàn tay.
Vị phu nhân sống trong nhung lụa đã bao giờ gặp chuyện bẽ mặt đến vậy. Bà ta vừa thẹn vừa giận toan đánh lại, nhưng đám người hầu còn chưa kịp nâng dậy thì cánh tay bị sát tinh đó bắt lấy. Cô nói: “Nể mặt thế tử, tôi không giết bà, nhưng phải để bà nhớ lâu một chút.” Chỉ nghe rắc một tiếng, cổ tay đau đến chết đi sống lại, bà ta gào khóc thất thanh, biết xương tay đã bị cô bẻ gãy.
Đám người hầu đi theo kinh hoàng không biết làm gì, nháo nhào hết lên. Liên Đăng mặc kệ bọn họ kêu khóc om sòm, lại giơ kéo lên, tìm cây hoa để cắt cành khác.
Cô cứ nghĩ sẽ có người tới rủ rỉ khuyên nhủ cô nên nhường nhịn gì đó, không ngờ chờ cả đêm vẫn gió êm sóng lặng. Nghĩ cũng phải thôi, vương phi làm những chuyện xấu đó, chỉ trả giá bằng một cánh tay đã là quá rẻ rồi. Nếu không phải cô vẫn còn nể tình Thần Hà thì đáng ra cây kéo đó đã đâm vào cổ bà ta rồi.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT