Gió thổi xào xạc, trăng mờ sao vắng, Liên Đăng ngẩng đầu nhìn lên trời, dường như không phải thời điểm thích hợp để ngắm sao. Nhưng đã ra đến đây rồi, cõi lòng cô vẫn ngập tràn chờ mong.
Cô cầm đèn đi về phía trước, con hươu ấy thực sự dẫn đường cho cô. Nó nhảy tung tăng trên con đường đá xanh, đi trước cô cả trượng, cái đuôi ngắn ngủi và bờ mông tròn trịa cứ đung đưa trước mắt cô, nhìn hơi buồn cười.
Ao tụ sao cách Lâm Lang giới một đoạn, nằm ở phía đông Cửu Trùng Tháp, cần phải đi qua một rừng đào. Liên Đăng chưa từng tới nơi này, chỉ biết đi theo con hươu. Được một đoạn, cô bắt đầu nghi ngờ có phải nó đang phục thù, dẫn cô đi vòng quanh không. Cô đang lưỡng lự thì đã dần đến rìa rừng đào, hóa ra rừng đào được trồng trên một dốc cao, cô không đề phòng, suýt nữa là bước hụt ngã xuống. Đến khi hoàn hồn lại, cô lập tức bị cảnh sắc trước mắt làm rung động khôn nguôi.
Ao tụ sao tên là ao nhưng thực ra lại là một hồ nước, dù không rộng lắm nhưng nước hồ xanh thẳm. Giống như Phương Châu từng kể, mặt hồ như gom cả trời sao lại. Từ trên cao nhìn xuống trông như chén ngọc đựng muôn vàn mảnh lưu ly, ánh sao rọi xuống được phản chiếu rực rỡ. Cô quay lại hỏi hươu: "Này Vô Danh, mày nói xem rốt cuộc Thái Thượng thần cung có phải là tiên giới không? Nếu không thì sao lại có nơi đẹp đến thế?"
Hươu kia rất bất mãn với việc cô gọi nó là Vô Danh, tiếc là nó không thể lườm nguýt giống con người nên nó đành hừ mũi, như thể đang nói tầm nhìn của cô quá hạn hẹp, chưa trải sự đời.
Liên Đăng ngó lơ việc nó khinh bỉ mình. Cô hít một hơi rồi lao từ trên xuống, đến gần bờ thì chạy vòng quanh hồ, xuýt xoa tán thưởng. Tuy nói rằng những thứ trong nước thì khó lòng nắm bắt được nhưng dù sao vẫn gần hơn bầu trời, dường như chỉ cần giơ tay ra là có thể chạm đến. Có lẽ đây là nơi quốc sư quan sát tinh tượng, đầu óc đơn giản của Liên Đăng không thể hình dung ra sự lung linh bậc này, chỉ biết cái đẹp nơi đại mạc phóng khoáng mà bi tráng, vẻ đẹp ở Trung Nguyên tinh tế huyền diệu. Dù cho tương lai thế nào, đi chuyến này quả không uổng một đời.
Cô gọi Vô Danh đến, ra hiệu nó nhìn chiếc thuyền nhỏ bên bờ hồ: "Tao chèo thuyền chở mày du ngoạn nhé?"
Không ngờ con hươu lại lùi về sau, lắc đầu nguầy nguậy. Cô cũng không ép nó: "Hươu không thích đến gần nước sao? Thế thì mày ở trên bờ chờ tao, không được đi xa đâu đấy." Cô vừa dặn dò vừa nhảy lên thuyền, cầm sào trúc chống xuống, khuấy tan trời sao. Cô thích chí, cười vang hát bài Cáo đỏ, chèo một mạch về phía bên kia hồ.
Không nhiều người lớn lên ở đại mạc biết chèo thuyền giống Liên Đăng. Lần đó có một đội buôn từ Trung Nguyên đến Ba Tư làm mất một bao ấu trên đường núi, cô nhặt được ở hồ Nguyệt Nha Tuyền, sau nhiều lần qua lại trên hồ, cô luyện được kỹ năng chèo thuyền cừ khôi.
Ao tụ sao đương nhiên rộng hơn Nguyệt Nha Tuyền, cũng sâu hơn rất nhiều. Cô thả lỏng tay chân mà chèo, không hề tạo nên gợn sóng, xoay người nhìn lại, sau đuôi thuyền là cả một vệt dài như mặt gương bị nứt, hai bên mạn thuyền vẫn rợp trời sao sáng. Cô dứt khoát buông sào đậu lại giữa hồ, ngồi ôm gối, chăm chú ngắm mặt nước, thấp thoáng cảm giác giẫm lên màn trời. Vào thời khắc này, chẳng cần phải suy nghĩ gì, cô nhắm mắt khẽ thở dài, gió mát lướt mặt hồ, mang theo hơi lạnh thấm vào xương cốt.
Bốn bề yên tĩnh, chỉ nghe thấy tiếng sóng vỗ mạn thuyền bì bõm. Mới đầu, cô còn không để ý, dần dần, tiếng nước trở lên rõ hơn, róc rách không ngừng. Cô hơi lo lắng đứng dậy, chiếc thuyền dập dềnh xuôi gió đi về phía nam, tiếng nước cũng ngày càng lớn. Cô vội tìm sào trúc nhưng sờ khắp mạn thuyền vẫn không thấy, quay đầu lại nhìn, không biết nó đã rơi xuống nước từ lúc nào, trôi ra rất xa.
Con thuyền như có ý thức, muốn dẫn cô tới nơi nào đó. Liên Đăng to gan nhưng vẫn hơi sợ. Cô nắm chặt tay chăm chú nhìn phía trước, khi đầu thuyền vượt qua khúc ngoặt, cô mới thấy có người ở dưới mỏm đá cao vút, ánh trăng chiếu rọi tấm lưng trần, thác nước ở trên cuồn cuộn đổ xuống, bắn ra hơi nước nhỏ li ti, bao vây chàng ta ở giữa hư và thực.
Liên Đăng run sợ, cuống đến mức đi đi lại lại trên thuyền nhưng lại không dám phát ra tiếng động, sợ khiến người đó chú ý. Cô thoáng qua hai cái, chỉ biết đó là một chàng trai, tạm thời không rõ thân phận. Cô cuống quýt ghé vào đuôi thuyền, dùng hai tay làm mái chèo, sự thật chứng minh có đôi khi sức người quả thực có hạn, cô không có thể thay đổi dòng nước, con thuyền nhất nhất nghe theo ý nó, lao thẳng đến bên cạnh người đó.
Cuối cùng, Liên Đăng vẫn đối mặt với chàng ta. Dưới ánh trăng, tầm nhìn trở nên mơ hồ nhưng gương mặt bất phàm như vậy không phải ai khác, chính là quốc sư.
Cả đời này, cô cũng không thể nào quên được gương mặt khiếp hãi của quốc sư, môi son hé mở, hai mắt trợn to như mắt của Vô Danh trên bờ vậy. Ấn tượng của Liên Đăng về chàng ta chẳng có gì khác ngoài vẻ lạnh lùng xa cách ra, ai ngờ nhân vật giống như thần tiên này lại vô tình bị cô khinh nhờn, phút chốc từ trên trời rơi xuống nhân gian, lưu lạc đến mức đứng đây trợn trừng nhìn nhau với cô.
Thì ra đây không phải nơi chàng ta quan sát tinh tượng mà là chỗ tắm rửa!
Quốc sư lúc này đơn thuần, yếu ớt đến mức khiến người ta khó lòng tưởng tượng. Liên Đăng nghe thấy giọng nói run run, phẫn nộ kèm xấu hổ của chàng ta: "Cô... cô... cô...". Lông tơ trên lưng cô đều dựng hết lên, cô ngồi sụp xuống thuyền, lúng túng hồi lâu rồi tự cho là thông minh, làm mắt lác nói: "Hả? Ở đây có người ư? Tôi bị quáng gà, không nhìn thấy gì hết... Không nhìn thấy..."
Đương nhiên là quốc sư không tin mấy câu nhăng cuội của cô. Chàng ta muốn đứng thẳng người lên nhưng chợt nhớ ra điều gì đó nên lại vội vàng trầm người xuống, nói với giọng căm hận: "Đợi tôi lên bờ, nhất định phải giết cô!"
Sao thần tiên có thể giết người chứ! Liên Đăng muốn chạy trốn nhưng chiếc thuyền lại chẳng mảy may di chuyển, cô đành phải tiếp tục đối mặt với quốc sư, muốn tránh cũng không có chỗ tránh. Lòng cô vô cùng sốt sắng, cuống đến mức loạn ngôn: "Tôi vô tình đi lạc, không phải cố ý đâu. Hơn nữa buổi tối mắt tôi không tốt, thật sự không nhìn thấy gì hết... Trường An một mảnh trăng tròn, muôn nhà nện áo chày giòn đêm thâu*... Tôi nghe tiếng đập áo, huynh đang giặt quần áo bên hồ đúng không?" Cuối cùng, cô còn bồi thêm một tràng ha ha.
(*Tử Dạ thu ca – Lý Bạch, Nguyễn Phước Hậu dịch)
Thật ra cô cảm thấy đây là bậc thang rất tốt, bước xuống là hết chuyện. Thế nhưng quốc sư lại quá cố chấp, lửa giận của chàng ta khó mà dập được. Chàng ta không muốn bị người khác vấy bẩn một cách uổng phí như thế. Thế là, Liên Đăng choáng váng trông thấy chàng ta cầm áo che người lại, khẽ nhảy một phát lên đầu thuyền.
Cô giật mình hét lên, chống hai tay ra sau lùi lại, lùi đến đuôi thuyền thì cuộn tròn người lại. Sau đó, cô nghe thấy chàng ta lên tiếng, giọng nói ẩn chứa lưỡi dao như cắt cô ra thành từng mảnh: "Không nhìn thấy bổn tọa là ai? Cô lặp lại lần nữa xem nào!"
Liên Đăng run rẩy xua tay: "Thật sự không nhìn thấy... Không nhìn thấy... Tôi bị quáng gà."
Quốc sư hừ lạnh, chiếc đèn lồng trước đó còn tắt rụi bỗng tự cháy lại, ánh lửa bập bùng chiếu sáng gương mặt trắng bệch như ma. Chàng ta ngồi xuống gần cô, mái tóc dài ướt nhẹp dính vào hai bên má, không hiểu sao lại thấy đẹp đến yêu mị.
"Giờ thấy rõ chưa?" Chàng ta nói, hơi nước lạnh lẽo phả vào mặt, tràn ngập mắt cô.
Liên Đăng không kìm được muốn thét lên. Bình thường cô tự xưng là nữ hiệp, ai ngờ gặp phải tình huống này thì hoàn toàn không thi triển được quyền cước. Quốc sư quá lợi hại. Trong tiềm thức, cô đã sớm nhận định mình không phải là đối thủ của chàng ta, vậy nên ở trước mặt chàng ta, cô còn không bằng cả người bình thường. Cô cuống quýt gật đầu: "Thấy rõ rồi... Lần này thấy rõ rồi." Nói xong, cô lại càng hoảng sợ hơn, bởi tội của cô đã được chứng thực rồi, chẳng lẽ chàng ta định ra tay thật ư? Cô khó nhọc nuốt nước bọt: "Thế nhưng chỉ thấy rõ quốc sư hiện giờ, vừa nãy... vẫn không có ấn tượng gì."
Nếu cấu tạo não quốc sư đủ phức tạp thì sẽ nghe ra ẩn ý bảo chàng ta lại cởi áo ra ở dưới đèn lần nữa xem nào. Quả nhiên, chàng ta tỏ ra hơi kinh ngạc kèm chút khinh bỉ: "Hạng bỉ ổi, tham sống sợ chết lại không dám thừa nhận thì sớm muộn gì cũng làm liên lụy Vương Lãng và thần cung, không bằng bây giờ giết cô luôn, để tránh hậu hoạn."
Cô không thể bó tay chịu trói, cũng tuyệt đối không thừa nhận mình là người không biết tín nghĩa như vậy. Cô bật dậy cãi lại: "Là tôi sai trước, quốc sư muốn xử trí thế nào cũng được. Nhưng có câu này tôi phải nói cho rõ, là quốc sư nói với tôi thần cung đã thu kết giới lại, tôi có thể đi thăm thú đó đây. Trước đấy tôi cũng không biết quốc sư ở đây, càng không ngờ được rằng trời lạnh như vậy mà lại có người tắm ngoài trời. Thế nên dù có sai thì cũng chỉ là do vô ý, quốc sư khoan dung độ lượng, chớ nên chấp nhặt với tôi. Còn về việc quốc sư lo tôi sẽ bán đứng A Bồ và thần cung thì đúng là khéo lo trời sập. Tôi đã nhận ân tình của A Bồ và quốc sư, dù có bị phanh thây xẻ thịt cũng tuyệt đối không làm chuyện bội bạc, xin quốc sư yên tâm."
Liên Đăng cảm thấy lời mình nói vừa có lí lẽ vừa có căn cứ, cho dù chàng ta nghĩ như thế nào thì trước tiên vẫn phải phân rõ trách nhiệm. Nếu như chàng ta không cho cô bước ra khỏi Lâm Lang giới thì cô đã chẳng tới ao tụ sao. Nếu không phải chàng ta tùy tiện tắm rửa thì cô cũng không thể thấy dáng vẻ lõa thể của chàng ta... Có điều, thân hình quốc sư quả là không tệ, mặc dù trăng đêm nay không sáng lắm nhưng ánh sao trên ao tụ sao lại sáng rực, thắt lưng ấy, đường cong ấy khiến cô vừa nghĩ tới là lại cảm thấy nóng hừng hực. Với thân phận của chàng ta, chắc hẳn là đã quen được sùng bái, không ngờ bị người khác nhìn thấy hết, có lẽ sẽ cảm thấy uy nghiêm mất sạch, sống không bằng chết.
Lại nhìn trộm vẻ mặt quốc sư, bởi vì tức giận nên hiện ra vẻ lạnh lẽo thấu xương, tim hụt một nhịp, cô biết mình nói dài ắt nói dại, chàng ta sắp ra tay rồi.
Cô che tay trước ngực, lắp bắp nói: "Quốc sư và A Bồ là bạn thân, chắc quốc sư không nhẫn tâm khiến A Bồ đau lòng chứ! Hơn nữa không phải người Trung Nguyên đều cảm thấy trong chuyện này, người thiệt thòi là đằng gái hay sao? Nam nhi đại trượng phu, dù có bị người khác nhìn thì cũng chẳng sao. Thời Ngụy Tấn, những văn nhân dùng hàn thực tán còn phanh ngực lộ bụng đó thôi... Tôi sẽ không nói với ai đâu, ngày mai trời vừa sáng là tôi sẽ rời đi ngay, đi thật xa, kiếp này không bao giờ xuất hiện trước mặt quốc sư nữa, như thế được không?"
*Hàn thực tán: tên khác là Ngũ thạch tán
Chàng ta lạnh lùng nhìn cô, khóe môi nhếch lên đầy vẻ kì dị: "Xong chuyện là dứt áo rời đi, cô tính hay nhỉ."
Liên Đăng nghĩ đến nỗi lòng u oán của cô gái bị tình lang phụ bạc trong Tô Mạc Già*, nghĩ lại thì cô cũng chẳng làm gì chàng ta. Đôn Hoàng trời nóng nên hay có đàn ông mình trần đi trên sa mạc, nếu như ai cũng không chịu bỏ qua thì chắc cô đã chẳng còn lại đến một mảnh vụn. Quốc sư lại khác, cao quý hơn họ, chỉ nhìn thoáng qua cũng phải trả giá bằng tính mạng. Cô không thể nào phản bác, đầu óc trống rỗng, không nghĩ ra cách gì để bồi thường.
Cô hít sâu: "Thế này đi, nếu quốc sư thấy mình đã phải chịu tổn thất nặng nề thì tôi cũng sẽ cởi cho quốc sư nhìn. Không phải tôi sợ chết mà là thù cha chưa báo, chưa thể chết được. Đợi tôi giải quyết xong đám nịnh thần ấy rồi sẽ quay lại thần cung, lúc đó tùy ý quốc sư định đoạt." Nói xong, cô nhìn chàng ta với vẻ tội nghiệp, đi về phía trước nửa bước, vòng tay ra sau tháo móc bạc, thả đai điệp tiệp xuống dưới chân.
Làm đến nước này coi như lấy tiến làm lùi, quốc sư là người thanh cao, tuyệt đối không thể để bản thân chịu sỉ nhục thêm lần nữa. Liên Đăng đoán chàng ta sẽ từ chối nên tháo đai điệp tiệp xong thì yên tâm chờ chàng quát ngưng lại, ai ngờ lại không có, chàng ta mím chặt môi, rõ ràng là muốn nhìn. Cô cứng đờ người, không biết nên làm gì tiếp theo, lại nghe chàng ta chất vấn: "Sao còn chưa cởi?"
Cô cảm thấy có lẽ chàng quá tức giận đến mức ảnh hưởng đến đầu óc: "Quốc sư thật sự muốn nhìn ư?"
Chàng ta nheo mắt, môi đỏ như máu: "Là tự cô đề nghị, giờ lại hỏi bổn tọa? Hay là để cho công bằng, bổn tọa tắt đèn nhé?"
Liên Đăng tiến thoái lưỡng nan, cô có đọc sách Trung Nguyên, cũng biết thẹn thùng. Cơ thể con gái bị người khác nhìn thấy thì nửa đời sau coi như đã bị hủy hoại, quốc sư đã cả mớ tuổi rồi mà chẳng lẽ đến đạo lý này cũng không biết ư? Trước kia, cô chỉ cảm thấy chàng ta ngồi trên mây cao không dính khói lửa trần gian, không ngờ chàng ta quen thói có thù tất báo. Từ trước đến giờ, cô dám làm dám chịu, nếu chàng ta đã khăng khăng thì cô sẽ trả cả gốc lẫn lãi, sau này không ai nợ ai.
Cô nói: "Không cần tắt đèn, tránh cho quốc sư không nhìn rõ." Cô thật sự tháo dây buộc trên cổ áo, mở áo choàng ra rồi bắt đầu cởi đến trung y.
Thật ra chàng ta chỉ đang giận lẫy. Chung quy lại, người thanh tâm quả dục không thể để cho tục vật làm vấy bẩn đôi mắt, lúc cô cởi thắt dây trung y, cuối cùng chàng ta cũng lên tiếng, kiên quyết bảo cô dừng lại. Liên Đăng thấy nhẹ cả người, lần này tốt rồi, mọi chuyện đều qua rồi. Nhưng mặt mày quốc sư lại xuất hiện vẻ kì lạ. Chàng ta nói với giọng điệu âm u: "Chuyện thiên hạ, có chuyện không ảnh hưởng tới đại cục, có chuyện lại rất khó nhân nhượng. Tôi có thể giữ cô ở thần cung, cũng có thể dịch dung cho cô, duy chỉ có chuyện hôm nay khiến tôi rất mất hứng. Cô biết mình đã phạm lỗi gì không?"
Liên Đăng ngoan ngoãn gật đầu: "Tôi đã nhìn thấy quốc sư tắm rửa, khiến quốc sư xấu hổ."
Cô đáp thẳng tuột khiến khóe miệng quốc sư khẽ giần giật. Chàng ta cố gắng bình tâm rồi mới nói: "Đại Lịch là nước trọng lễ nghi, Tây Vực thế nào thì tôi không quan tâm nhưng tập tục ở Trung Nguyên là không thể nhìn lén người khác tắm rửa, nhìn rồi thì phải chịu trách nhiệm, cô hiểu không?"
Vẻ chối bỏ của cô càng khiến chàng ta càng bực hơn, thái độ nghiêm nghị khác thường, quát lớn: "Cô đã bái làm học trò của Vương Lãng. Vương Lãng là dòng dõi thư hương thế gia, ngay cả chút lễ nghĩa liêm sỉ này mà cậu ta cũng không dạy cô ư? Cô đã đọc nhiều sách trong hang như thế, những thứ đọc được đi đâu rồi?" Nói đoạn, chàng ta hừ lạnh: "Thái độ cung kính giả dối là thứ lễ nghĩa của kẻ gian tặc*!" (Nguyên văn: 足恭伪态, 礼之贼也!)
Cô bị lời mỉa mai của chàng ta làm nghẹn họng, người có văn hóa mắng người quả là sâu cay, lễ nghĩa của gian tặc gì chứ? Sao tự nhiên cô lại thành hạng gian tặc rồi? Nhưng dù sao cô cũng đuối lý, chàng ta không giết cô đã là ân huệ lớn lao, cô còn gì phản bác được gì đây!
Cô cúi đầu ủ rũ: "Quốc sư dạy rất phải, là tôi lỗ mãng, tôi cam nguyện chịu tội. Phải chịu trách nhiệm thế nào thì xin quốc sư chỉ rõ."
Chàng ta bọc áo choàng lại rồi hừ lạnh: "Không thể móc mắt cô được, cô nói xem chịu trách nhiệm thế nào đây? Quay về suy nghĩ cho kĩ, nghĩ thông rồi thì ngày mai tới đình Đào Nhiên gặp tôi, tôi muốn nghe ý định của cô."
Có lẽ chàng ta cũng nhận thấy mình để chân trần được nho nhã cho lắm nên liếc cô với vẻ vừa tức giận vừa oán trách. Chàng ta bắt cô dùng hai tay chèo thuyền, kiên quyết đưa chàng ta đến bên bờ hồ, sau đó tung mình nhảy lên, nghênh ngang rời đi.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT