*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Phúc tấn thấy thực chẳng khéo gì cả. Dạo này quan hệ giữa nàng và Tứ a ca được cải thiện đáng kể, đương muốn tranh thủ dịp này có lấy một đứa con, ngờ đâu chàng lại phải khăn gói ra ngoài hơn một năm. Nhưng Tứ a ca đương vào độ trẻ trung sung sức, bây giờ cũng không còn sống trên thảo nguyên, trong các a ca ngoài Đại a ca ra thì chẳng còn người nào biết dẫn binh nữa. Không đi đánh giặc thì biết lập công trạng bằng đường nào? Không có công trạng thì tranh tước kiểu gì?

Vậy nên Tứ a ca đi chuyến này, nàng chẳng những không nên giận, mà ngược lại phải thấy vui thay chàng. Dẫu sao đường tương lai của Tứ a ca rộng mở, người được hưởng lợi đầu tiên sẽ là nàng. Lý cách cách có được sủng ái nữa cũng không có phần của nàng ta.

Thế là, phúc tấn và đại ma ma bèn bàn nhau chuyện nên thu xếp hành lý cho Tứ a ca thế nào.

Phúc tấn cẩn thận hơn, cứ sợ sắp nhiều đồ quá sẽ gây phiền hà cho Tứ a ca, nên chỉ dặn chuẩn bị thêm dược liệu mỗi thứ một ít, mang thêm vài bộ đồ dày dặn, bớt những áo quần mỏng, đến nơi mua vẫn kịp. Suy cho cùng phải đi những một năm hơn, mang đồ đủ mặc cả năm chẳng bằng đem thêm ít bạc cho nhẹ nhàng.

Xe gọn dễ lái ấy mà.

Đại ma ma lại có một cách làm khác, danh sách đồ đạc bà ta liệt ra phải dài ba tấc. Ngoài những thứ ở nhà hiện có, thì còn phải ra ngoài mua sắm thêm nhiều.

"Ở nhà tiết kiệm, đi đường rủng rỉnh, thà bây giờ chịu rườm rà một chút, cũng tránh được cảnh trên đường khi cần lại chẳng có gì để dùng." Đại ma ma nói, "Chuyến này a ca đi biệt hơn một năm, ăn uống mặc dùng đều diễn ra trên đường. Lắm lúc đụng cảnh trước không có làng, sau chẳng có tiệm, cầm bạc đây lại không mua được đồ." Huống chi a ca ra ngoài, tùy tùng gần trăm người, còn sợ không có xe la chở đồ hay sao?

Phúc tấn mới nhận ra mình lo sai hướng mất. Tứ a ca dù giản dị đến đâu, thì chàng cũng là một a ca, phải có những phô trương đáng có. Chung quy đại ma ma cũng xuất thân từ trong cung, chưa khi nào ngại việc Tứ a ca sắm sửa hoành tráng, mà chỉ sợ hoành tráng chưa đủ.

Thế nên đến than dùng đốt trong xe cũng phải chất hai cỗ xe đầy; những thứ khác như bồn tiêu tiểu*, thùng tắm các loại đã có trong danh sách. Phúc tấn không chút nào bất ngờ. Sau cùng, quả nhiên soạn ra hẳn hai mươi mấy cỗ xe, tùy tùng theo xe có hơn sáu chục người. Người của thư phòng ở tiền viện cơ hồ được dẫn theo cả, chỉ để Trương Đức Thắng và hai tiểu thái giám ở lại trông nhà. Cửa thư phòng vừa khóa, không ai được mở ra.



Trong hậu viện, đại ma ma còn xếp cho bốn a đầu đi theo; ba vị cách cách hiện giờ đều không còn chuyện gì quẩn chân nữa, phải xem Tứ a ca muốn dẫn theo người nào. Phúc tấn biết vậy, ngẩn ra một lúc, đưa a đầu và cách cách ra ngoài là điều dễ hiểu, nhưng chẳng lẽ lần này lại bị họ lấn lướt nữa hay sao?

Tứ a ca vốn muốn đưa Lý thị đi theo, nhưng Lý thị vừa hết ở cữ chưa được bao ngày, ra ngoài rồi lại đường xe mệt nhọc, ăn gió nằm sương, nghĩ cũng biết với sức khỏe của Lý thị ắt sẽ không chịu đựng nổi. Tống thị từ khi sinh ra một Đại cách cách yếu ớt, thái độ của Tứ a ca với nàng ta luôn có chút gì đó không thoải mái. Võ thị thì còn trẻ, chàng vẫn chưa thấy phiền chán. Nhưng nghĩ mình đi chuyến này, trong hậu viện sẽ chỉ còn mỗi Lý thị ở chăm Nhị cách cách mới lọt lòng, dù có đại ma ma săn sóc, cũng chưa chắc không mắc sai lầm.

Bèn thôi không đưa người nào theo nữa cả. Phúc tấn nghe vậy nhẹ nhõm thở phào, bốn a đầu kia đều là hạ nhân, chẳng đáng để nàng sầu muộn.

Khi tiễn Tứ a ca ra cửa, Lý Vi chỉ muốn cảm thán: Rốt cuộc cũng đi rồi. Nghe nói hoàng thượng cử chàng đi công tác đã là chuyện của hai tháng trước, phải dành hai tháng ròng xếp đặt mới lên đường đi được. Phí phạm thì giờ quá thể. Lúc vừa biết chuyện nàng cũng lưu luyến bịn rịn hết mấy hôm, còn tự tay làm giày cho chàng. Kết quả làm những mười bảy đôi giày mới tiễn được chàng đi, luyến lưu gì đó đã tiêu hao cả rồi.

Giày này cũng là một ý mới mẻ mà Lý Vi nghĩ ra. Người Mãn xỏ ủng là nhiều, đế ủng thường làm từ da trâu. Sau khi chuyển vào Trung Nguyên, họ cũng học đi thứ giày có đế bằng vải cứng, như thế thoáng khí hơn. Lý Vi đã tham khảo cách của hiện đại, gắn thêm một lớp gỗ không dễ nứt gãy vào dưới lớp vải cứng, còn tạo ra vô vàn các kiểu hoa văn ở đế giày nhằm tăng lực ma sát.

Hết cách rồi, cỡ đế giày cao su thì nàng bó tay.

Giày làm ra có phần đế hơi nặng, nhưng đi được đường dài, chống mài mòn. Thêm nữa đế giày khó hư, mặt giày bị mòn có thể đổi luôn sang mặt giày mới, khá là tiện lợi.

Lý Vi rớt hết cả lước mắt, rút cục cũng được thể hiện một lần rồi. Xuyên không về thời ngày xửa ngày xưa mà chẳng đóng góp thêm phát minh gì thì quả tình như là không xuyên.

Ý tưởng làm giày đã có từ ngay lần đầu nàng học đi hoa bồn để, chủ yếu vì kiểu thể hiện này không thực hành được ở Lý gia. Cũng chỉ trong phủ Tứ a ca, nàng mới được bảo thợ thủ công là: "Tìm một miếng gỗ khó nứt rạn, khó gãy bể làm thành đế giày độ một tấc năm phân hoặc hai tấc". Ai biết thợ đã thử bao nhiêu loại gỗ? Và có những loại gỗ quý báu cỡ nào?

Dù sao thì, sau rốt, đế giày mà thợ gửi tới cái nào cái nấy đều rất đẹp và trang nhã, mặt ngoài được phết nhiều lớp dầu trẩu và nước sơn, hình như để tăng độ bền. Dưới sự hướng dẫn của thợ thuyền chuyên nghiệp, Lý Vi lại dán đế giày kiểu mới vào phần đế sẵn rồi dùng đinh đồng cố định lại, thoạt trông giống hệt giày bánh mì ở hiện đại, đế dày dặn ra phết.

Lúc Tứ a ca sang, bèn cho chàng đi thử, phút chốc thấy chàng cao hơn trước đôi chút, chiều cao thay đổi thấy rõ.

Tứ a ca đi lại vài vòng trong phòng, trong viện, khi về thấy Lý Vi phấp phỏng hỏi chàng luôn miệng: "Có dễ đi không? Có cứng quá không? Nặng quá à?"

"Nàng đi hoa bồn để có nặng quá không?" Hiếm khi Tứ a ca cao hứng chọc ghẹo nàng trước mặt người ngoài.

Tứ a ca rất vừa ý kiểu đế giày này, bèn dặn phải khẩn trương dán hết vào giày cho chàng không sót chiếc nào.

"Nàng muốn đặt tên cho loại giày này là gì?" Tứ a ca hỏi Lý Vi.

"Đặt là Thiên Lý Lộ* đi?" Lý Vi nói, "Lúc ấy thiếp làm cốt muốn khi mang ra ngoài đi đường sẽ tiện cho người hơn, không bị mòn gót."

*Đường ngàn dặm.

Đêm đó, khi hai người nằm trong màn, Tứ a ca bèn giải thích với nàng, lúc đầu vốn dĩ chàng muốn đưa nàng theo, "Chỉ là suốt hành trình này, các thị trấn dọc đường đã hóa tiêu điều cả, dầu là ngày xuân, lại chẳng thể ngắm cảnh. Cũng không có những cảnh phồn hoa đô hội như ở Giang Nam hay trên ải, để mà ngắm cho qua thì giờ. Nàng mới ở cữ xong, cần thêm thời gian cho cơ thể phục hồi. Tiểu cách cách bị sinh son, cũng không thể rời khỏi mắt nàng được."

Lý Vi nghe cứ mải gật đầu, nói nhiều thế chỉ vì muốn làm rõ lý do không đưa theo nàng. Thực ra nói một câu thôi là được rồi, nàng cũng đâu hiểu lầm chàng.

"Gia, thiếp nghe người mà." Lý Vi nhoài người trên ngực chàng liên tục cho thấy sự quyết tâm.

Tứ a ca thở dài, "Sao lại nghe ta hết được? Tự nàng cũng phải có chủ kiến mới được." Chuyến này đi hơn một năm, chẳng biết nàng ở lại phủ có tự chăm sóc mình và đứa nhỏ được nữa hay không.

Lòng dạ Lý thị có lẽ đã đổ hết vào cho chàng mất rồi, hãy xem giày kia vừa tiện vừa dễ đi, lại còn không tốn bạc, có đế giày đây rồi thì thợ nào cũng làm được, đơn giản mà lại dễ có. Vừa nghe chàng sắp đi xa đã nghĩ ra được việc này, làm chàng cũng phải động lòng cảm kích trước chân tình của nàng.

Nếu nàng san sẻ được một nửa sự quan tâm ấy cho bản thân và đứa nhỏ, thì chàng đâu tới nỗi ra ngoài thôi mà cũng phải lo sốt vó.

Nghĩ rồi vẫn không nhịn được dặn dò nàng, "Phủ ta tuy ít người ít phức tạp, nhưng chỗ nào có người ắt sẽ có thị phi. Xưa này nàng không mưu kế gì, ngày thường cũng không lui tới với ai. Trước kia một mình còn đỡ, giờ đã thêm một đứa con, ắt phải học cách chín chắn hơn."

Lý Vi 囧.

Phủ Tứ a ca là đầm rồng hang hổ à? Nàng và nhóm phúc tấn, Tống thị cũng chung sống được hai năm trời, chưa bàn chuyện khác, nhưng một số việc vẫn tự hiểu trong bụng. Sẽ không có những chuyện hạ độc hay đâm chém, muốn giết người phóng hỏa thì còn phải xem tài thiên phú, nên bình thường rất khó động chạm tới nhau.

Ví dụ đi đào cái hố trước mặt nàng rồi nhìn nàng nhảy vào trong đó thì còn được, cơ mà chỉ có ngày ngày làm giặc, chứ đâu ai ngày ngày phòng giặc? Nàng cứ lo hết ngày này sang ngày khác, thì thôi sống làm gì nữa. Huống hồ, nếu mãi canh cánh câu hỏi liệu có phải bọn họ ai cũng muốn hại ta, thế chẳng thà đợi những người ấy ra tay rồi hẵng tính. Chỉ cần chưa chết thì chưa thể phân thắng bại.

Tứ a ca nghe Lý thị tuôn một tràng những điều lòng nghĩ, rồi nàng chốt hạ bằng một câu: "... Thiếp chỉ cần bảo vệ mình và tiểu cách cách, có người ngồi lên đầu lên cổ thực thì sẽ đánh trả, đợi gia về phân xử cho thiếp chẳng được rồi hay sao?" Nàng được sủng, nàng kiêu ngạo, nàng tự hào.

Phải một năm sau gia mới về đấy.

"Chưa nói cái khác, ở nhà gia là người tốt với thiếp nhất, thiếp biết rõ mà." Lý thị nói câu này chẳng đỏ mặt tí nào.

Ừ thì gia tốt với nàng nhất, nhưng nàng không phát hiện người chung quanh ai nấy đều ghen đỏ mắt với nàng à? Gia không có ở phủ, bọn họ sẽ ước sao nàng đổ bệnh rồi chết quách đi, để đến khi gia về chỉ còn nước đi thăm mộ nàng. Dù có giết một trăm người đền mạng cho nàng, nhưng nàng mất rồi, làm vậy cũng còn nghĩa lý gì đâu. Dần dà ngày tháng qua đi, gia đã có mỹ nhân bầu bạn, sao còn nhớ điều tốt của nàng nữa?

Tứ a ca đành từ bỏ ý định đốc thúc Lý thị tiến bộ thông suốt, nghĩ rồi bèn để Trương Bảo ở lại. Vì là thái giám nên không cần kiêng kỵ gì, cử hẳn sang luôn chỗ phúc tấn ở hậu viện. Trước khi đi còn dặn Trương Bảo phải mở to con mắt.

Mở to mắt nhìn ai thì không cần Tứ a ca nói rõ. Trương Bảo quỳ xuống thưa: "Xin chủ tử yên tâm, Lý chủ tử và tiểu cách cách thiếu một sợi tóc nào, nô tài không còn dám gặp chủ tử lần nào nữa."

(còn tiếp)

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play