*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.Bài viết phục vụ cho truyện
Hộc Châu phu nhân.
Cửu Châu là thế giới cổ đại kỳ ảo giả tưởng của riêng Trung Quốc do một nhóm nhà văn trên diễn đàn mạng Thanh Vận chung tay sáng tạo vào năm 2001, kể từ đó, Cửu Châu trở thành bối cảnh nền cho rất nhiều tác phẩm phim truyện kỳ ảo của giới văn học và điện ảnh Trung Quốc,
Hộc Châu phu nhân là một trong số đó. Cửu Châu có những thiết lập riêng về địa lí, chủng tộc, triều đại, giờ giấc, các thiên thể và cả thần thoại cho riêng mình.
Bản đồ sơ lược thế giới Cửu Châu (Redraw Việt hóa: Cá Không Biết Bơi)
Tam Lục Cửu Châu
Theo lịch sử của Cửu Châu, nhà Triều – một triều đại cổ tại Cửu Châu – đã chia đại lục thành chín châu: Thương Châu, Hãn Châu, Ninh Châu, Trung Châu, Lan Châu, Uyển Châu, Việt Châu, Vân Châu, Lôi Châu. Đến những năm cuối nhà Triều, động đất và lũ lụt đã ngăn tách Cửu Châu thành ba lục: Bắc Lục, Đông Lục và Tây lục, trong đó:
– Bắc Lục gồm Thương Châu, Hãn Châu, Ninh Châu
– Đông Lục gồm Trung Châu, Lan Châu, Uyển Châu và Việt Châu
– Tây Lục gồm Vân Châu, Lôi Châu.
Bao quanh đại lục là Hạo Hãn Hải, bên trong đại lục có ba biển nước nông và nhỏ hơn lần lượt là Hoán Hải, Duy Hải và Trừ Lạo Hải. Đối với đo lường đất và biển, đơn vị đo độ dài là dặm và bước, đơn vị đo chiều cao là thước, và đơn vị đo diện tích là thác (tức một trăm dặm vuông).
Thương Châu có băng nguyên, là nơi sống của tộc người khổng lồ khoa phụ. Hãn Châu có thảo nguyên, là nơi ở của người du mục tộc Man. Ninh Châu có rừng rậm, nơi sinh sống của vũ tộc. Bốn châu Trung Lan Uyển Việt còn lại thì là đất tạp cư của tộc Hoa làm nông canh và hà lạc luyện kim. Giao nhân sống trong ba vùng biển nông Hoán Hải, Duy Hải và Trừ Lạo Hải nằm trong đại lục. Mị Linh phân bố khắp Cửu Châu.
Sáu chủng tộc
Sinh sống ở Cửu Châu có sáu chủng tộc người: nhân tộc, hà lạc, mị tộc (mị linh), giao tộc, khoa phụ và vũ tộc. Trong đó:
– Nhân tộc: là chủng tộc có các thuộc tính trung bình nhưng phức tạp nhất và có số lượng nhiều nhất với nền văn minh hoàn thiện nhất. Nhân tộc có ba vùng văn minh: Bắc Lục, Đông Lục và Tây Lục. Người Bắc Lục cư trú tại Hãn Châu, sống bằng nghề du mục, được gọi là tộc Man. Người Đông Lục sống bằng nghề nông canh, gọi là tộc Hoa Tộc, chung sống với tộc Hà Lạc và những tộc khác ở bốn châu Trung, Lan, Uyển, Việt. Khởi nguồn văn minh của nhân tộc là Tây Lục, nhưng vì dịch bệnh nên giờ chỉ còn rừng rậm, sa mạc bao trùm.
– Hà lạc: sống chủ yếu ở các khu vực đồi núi tại Việt Châu và Uyển Châu, Đông Lục, là chủng tộc rất giỏi về kĩ thuật công nghệ và có khứu giác vượt trội.
– Mị tộc: còn được gọi là mị linh, sinh ra từ các ý thức tinh thần tản mát khắp Cửu Châu, hóa thực thể bằng cách ngưng tụ, nếu thực thể chết, mị linh cũng biến mất, có khả năng thi triển bí thuật vượt xa năm tộc còn lại.
– Giao tộc: sống dưới biển, một số ít sống trong hồ lớn nối thông với biển, thân trên là thân người, thân dưới là đuôi cá. Không xác định nguồn gốc, có truyền thuyết nói rằng giao nhân là người của một quốc gia cổ, để tránh chiến tranh đã sử dụng ma pháp thay đổi cơ thể rồi trốn xuống nước sống, cũng có truyền thuyết nói giao nhân là ngư dân bị thần tiên trong biển biến thành nô lệ. Giao nhân nam có vây cá sau lưng, giao nhân nữ trong suốt mềm mại, thế nên tướng mạo giao nam hung ác còn giao nữ thì nhu mì. Giao nhân có tóc, màu sắc đa dạng. Giao nữ buộc tóc hoặc đội mũ tơ, giao nam tầng lớp dưới thấp bị cạo đầu từ bé để lao động và chiến đấu, đỉnh đầu có hình xăm, giao nam để tóc thường là dấu hiệu của quý tộc và tầng lớp thượng đẳng.
Hộc Châu phu nhân miêu tả khá kĩ chủng tộc này.
– Khoa phụ: là tộc người khổng lồ, sống rải rác ở các cao nguyên phủ tuyết Thương Châu, to gấp hai nhân tộc, số lượng ít, da dày cứng có màu đỏ, máu nóng, cao lớn vạm vỡ nhưng chậm chạp kềnh càng, có khả năng chống lạnh tốt, thính giác nhạy cảm, sức mạnh và tinh thần của chủng tộc này tỷ lệ nghịch với nhau, càng to lớn càng trì độn, càng thông minh càng nhỏ yếu.
– Vũ Tộc: phân bố ở cao nguyên và rừng rậm Ninh Châu và Lan Châu, ngoại hình giống nhân tộc nhưng nhỏ nhắn cao gầy hơn, màu da và tóc nhạt hơn nhân tộc, có cánh, trọng lượng nhẹ hơn nhân tộc, cơ bắp kém phát triển, yếu nhất về sức mạnh thể chất trong sáu tộc, thị lực tinh tường.
Triều đại
Nhân tộc Cửu Châu đến nay đã trải qua tám triều đại: Tiển – Triều – Bôn – Dận – Tiếp – Thịnh – Đoan – Trưng.
Hộc Châu phu nhân diễn ra vào thời nhà Trưng.
– Nhà Tiển: Kéo dài khoảng 900 năm. Vì niên đại xa xưa nên rất ít tư liệu lịch sử, không rõ tình huống cụ thể. Nhà Tiển là triều đại cha truyền con nối đầu tiên được ghi lại trong sử sách Cửu Châu.
– Nhà Triều: Kéo dài khoảng 800 năm, là triều đại đã chia quốc thổ ra là chín châu, từ đó đại lục có danh xưng “Cửu Châu”, cuối thời nhà Triều triển khai công trình mở kênh đào song xảy ra sơ suất, bị nước biển rót ngược chia tách đại lục vốn liền nhau thành ba lục địa Đông Lục, Tây Lục, Bắc Lục, là thời kỳ chiếm hữu nô lệ thứ hai trong lịch sử, rất hưng thịnh, giai cấp thống trị là quý tộc và chủ nô.
– Nhà Bôn: Kéo dài khoảng 400 năm, là thời kì thịnh vượng của xã hội cổ đại Cửu Châu. Bắt đầu từ thời Bôn, biên giới các bộ lạc và tộc người nhân tộc không ngừng dung hợp, từng bước hình thành nên Hoa tộc. Để củng cố địa vị thống trị, nhà Bôn đã áp dụng chế độ “chia đất lập chư hầu”. Cuối thời nhà Bí, mâu thuẫn xã hội và lục đục nội bộ ngày càng gay gắt khiến quốc gia suy tàn, cuối cùng chìm trong nội loạn.
– Nhà Dận: Kéo dài 700 năm, chế độ chính trị học hỏi rất nhiều từ nhà Bôn, trung ương thực hiện tam công cửu khanh, địa phương thực hành phân đất phong hầu. Thời kì này đã lưu hành phổ biến trâu cày với đồ sắt, là thời kì giao thoa văn hóa ở Đông Lục, tộc Hoa chính thức thành hình, cũng là thời đại hoàng kim của Đông Lục.
– Nhà Tiếp: Kéo dài 120 năm.
– Nhà Thịnh: Kéo dài 300 năm.
– Nhà Đoan: Kéo dài hơn 300 năm, là triều đại do hai họ Mục Vân và Mục Như đồng thời cai trị một chính một phụ, đến cuối thời Đoan, hai họ trở mặt với nhau, chia đất nước thành Tây Đoan của họ Mục Như và Đông Đoan của họ Mục Vân.
– Nhà Trưng: Cho đến
Hộc Châu phu nhân thì hiện đã kéo dài hơn 670 năm.
Thần thoại Khư Hoang
Thời Viễn Cổ, Cửu Châu không phải chỉ có vùng hỗn độn mà còn có vô số hạt bụi bay lang thang trong không gian, không phương hướng, không thời gian, cũng không có ranh giới nào cả. Lực đẩy và lực liên kết của các hạt với nhau gây ra chuyển động trong vùng hỗn độn. Khi xu hướng chuyển động dần dần phát triển, không gian vô tình bị phá vỡ bởi một kích động tình cờ nào đó. Sự kích động này chỉ là trật tự sắp xếp của các hạt bụi một cách ngẫu nhiên, rồi từ đó xuất hiện nên kì tích, đây là lần đầu tiên sự sắp xếp, kết hợp có trật tự xuất hiện ở vùng hỗn độn, cũng được coi đây là ý thức đầu tiên.
Trong một thời gian ngắn ở thế giới ban đầu đó, ý thức đầu tiên ấy không ngừng phát triển, chống chọi lại sức mạnh ngưng tụ của hỗn độn. Ý thức đầu tiên trong thế giới ấy được coi là vị thần đầu tiên, được gọi là Khư, hỗn độn đã sinh ra một vị thần tương ứng, một khái niệm tương ứng, là Hoang – vị thần chính của thế giới. Hoang đại diện cho lực liên kết, nhưng không có ý thức. Khư là vị thần chính của ý thức, Hoang là vị thần chính của vật chất. Hoang muốn mang không gian hỗn độn trở lại, nhưng Khư không cho phép y phá đi tạo vật của mình chỉ còn tàn tích, thế nên Khư ra sức đánh vào trung tâm của hỗn độn, từ đó tạo ra một vụ nổ lớn chưa từng có ở hỗn độn. Một phần thân thể của Hoang bị tan thành cát bụi, nhưng cơ thể chính bị ngưng tụ lại thành một quả cầu, Trái Đất. Mà Khư sau va chạm đã hoàn toàn tan biến, ý thức của y biến thành những ngôi sao bay ra khỏi vùng hỗn độn, nhưng bị giữ lại bởi sức mạnh ngưng tụ xung quanh Trái Đất. Tinh linh từ đó cũng trở thành ý thức độc lập thứ hai – Thứ Thần.
Thứ Thần là những mảnh vỡ của Khư, và họ tiếp tục loáng thoáng nhớ lại ý muốn tàn tích của Khư là ngăn thế giới hỗn loạn tái sinh lần nữa. Tuy nhiên sự gắn kết mạnh mẽ của chủ thần Hoang vẫn đang thu hút các mảnh vật chất xung quanh, và mảnh ghép của sự liên kết vật chất cuối cùng này những Tinh Linh đang nắm giữ ý thức của thần Khư, và rồi tạo thành một không gian hỗn độn một lần nữa. Các Thứ Thần hoảng sợ đã dùng một pháp ấn lên cơ thể của Hoang, họ dùng tinh hoa vật chất từ những mảnh vỡ của Hoang để tạo ra phong ấn trói buộc Hoang, bao phủ lấy thực thể của Hoang, đồng thời đem một phần ý thức của mình vào pháp ấn để tái tạo ý thức. Từ đó Sinh Mệnh sinh ra.
Trong những sinh mệnh này, sinh mệnh nhận được nhiều ý thức, đã dần phát triển thành một bộ tộc có trí tuệ. Thứ Thần hiểu rằng chỉ có sức mạnh ý thức mới khiến Hoang không thể ngưng tụ, thế nên họ đã đặt những sinh vật này ở bốn phía của Trái Đất, cũng cho các sinh vật biết được mọi thứ đều xuất phát từ sự mâu thuẫn: khao khát trật tự và bản năng chiến đấu. Thứ Thần hi vọng các sức mạnh xung đột sẽ ngăn cản các chủng tộc tiến đến với nhau, ngăn cản liên kết giữa các mảnh vỡ của Hoang, từ đó một hỗn độn mới sẽ không xuất hiện. Bất kì ý thức nào cũng đều có mâu thuẫn, Khư hy vọng sẽ thông qua chiến tranh cuối cùng mà hoàn thành trật tự thế giới mới. Mà Hoang lại âm thầm sử dụng sức mạnh của mình mà lần nữa hợp nhất thế giới thành một thể vô trật tự. Thế giới hiện nay chỉ là một mộng ảo của Khư để y thể nghiệm thế giới trong mơ của mình, Khư từ thế giới này mà hấp thụ kinh nghiệm, sáng tạo, và từ chiến thắng của Hoang mà thành lập thế giới mới. Còn Hoang, mục đích cũng chỉ là hủy diệt thế giới, đưa nó trở lại cõi hỗn độn. Tinh thần và vật chất, hỗn loạn và trật tự, là xung đột cuối cùng để cấu thành thế giới, cũng trở thành tiềm thức của mọi Sinh Mệnh.
Tổng hợp và biên soạn: Bạc / Biên tập: Cụt