Thành phố S, hơn sáu giờ chiều, tuyết đã ngừng rơi.
Trong phòng bệnh rất yên tĩnh.
Nam sinh tóc đen dựa vào ghế trông nom người trên giường bệnh, hàng mi khép lại, tóc mềm lòa xòa trên lông mày, khuôn mặt trắng như men sứ, dung mạo xinh đẹp lộ ra vẻ ốm yếu nhưng vẫn khiến người ta khó lòng rời mắt.
Nghe thấy động tĩnh, Khương Nghi mở mắt quay đầu lại, trông thấy một người phụ nữ tóc vàng toát ra khí chất trang nhã khoác áo choàng đứng đầu giường bệnh, sau lưng là hai vệ sĩ xách hộp giữ nhiệt, bà uyển chuyển thướt tha đi tới chỗ cậu.
Khương Nghi lập tức đứng dậy nhường chỗ cho mẹ Lục, nào ngờ bà vươn bàn tay trắng nõn đặt nhẹ lên vai cậu rồi nói không cần đâu.
Khương Nghi bị ấn ngồi xuống ghế, người phụ nữ tóc vàng xoa vai cậu rồi dịu dàng nói: "Gầy đi rồi này."
Nói xong bà lại sẵng giọng: "Mấy ngày nay thành phố S lạnh lắm, có chuyện gì để Arno về một mình là được rồi. Nó da dày thịt béo nên có bị đánh cũng chẳng sao, con theo nó về dễ nhiễm lạnh lắm. Xem tay lạnh chưa này, ủ cũng không ấm nữa."
Khương Nghi vô thức cúi đầu nhìn tay mình bị nắm lấy, nghe mẹ Lục trước mặt lo lắng hỏi: "Tay lạnh vậy chân có lạnh không? Đói bụng chưa? Lúc nãy trong điện thoại nghe con ho mấy tiếng. Có chỗ nào khó chịu không?"
Khương Nghi mờ mịt nhìn Lục Lê sốt bốn mươi độ nằm truyền dịch trên giường bệnh, sắc mặt tái nhợt, hai mắt nhắm nghiền, sau đó lại nhìn mẹ Lục đang lo lắng nhìn mình.
Cậu lí nhí nói: "Dì ơi, Arno bị sốt chứ không phải con bị sốt đâu ạ."
Mẹ Lục nhìn Lục Lê truyền dịch có vẻ ngủ say trên giường bệnh rồi gật đầu ôn tồn nói: "Dì biết chứ."
Không phải nằm phòng ICU.
Chân cũng không gãy.
Vẫn còn sống.
Chẳng phải tốt lắm sao?
Mẹ Lục quay đầu lại, hai vệ sĩ xách hai hộp giữ nhiệt lớn sau lưng lập tức mở nắp bày ra những món ăn nóng sốt, vừa đẹp mắt vừa thơm ngon, hết đĩa này đến đĩa nọ, cuối cùng còn bưng ra một thố canh từ hộp giữ nhiệt.
Khương Nghi đang ngây người thì tay bị nhét vào một đôi đũa, bảo cậu tranh thủ ăn lúc còn nóng đi.
Khương Nghi há to miệng: "Arno chưa tỉnh mà dì......"
Mẹ Lục ngồi trên ghế ưu nhã múc canh cho cậu, dịu dàng nói: "Chẳng phải bệnh viện có căn tin à? Arno ăn ở đó là được rồi."
Khương Nghi đành phải gượng gạo ăn cơm.
Mẹ Lục đến nửa tiếng thì hàn huyên với Khương Nghi hết hai mươi lăm phút và nhìn Lục Lê hai ba lần, dường như sau khi biết chắc người trên giường bệnh sống chết thế nào thì yên tâm lại.
Trước khi đi, Khương Nghi tiễn mẹ Lục ra bãi đậu xe ngầm.
Bãi đậu xe trống trải rất yên tĩnh, mẹ Lục nhìn Khương Nghi đeo khăn quàng cổ tiễn mình về.
Bà chợt nở nụ cười rồi đưa tay xoa đầu cậu.
Mái tóc đen mềm bồng bềnh, hệt như người trước mặt vậy.
Yên tĩnh mềm mại như hoa sơn trà trắng muốt đua nhau mọc trên vách đá thẳng đứng.
Xinh đẹp mà trầm tĩnh.
Đây là một cảm giác rất kỳ lạ.
Lặng lẽ bao dung như nước vậy.
Người phụ nữ khoác áo choàng, mái tóc vàng bóng mượt dài chấm vai, bà nói khẽ: "Hồi nhỏ Arno xấu tính lắm."
Khương Nghi nao nao.
Người phụ nữ tóc vàng cười nói: "Lúc đó dì và cha nó đều bề bộn nhiều việc, cha nó ở trong nước rất hiếm khi bay sang thăm, dì và Arno ở Anh nhưng hầu như Arno luôn phải ở nhà ngoại một mình."
"Trước khi Arno được đón về nước năm bảy tuổi thì rất ít khi nói chuyện với người xung quanh."
Thật ra cả bà và Lục Đình đều không phải những bậc cha mẹ đạt chuẩn.
Cả hai đều có cá tính mạnh, tuy bị thu hút bởi tính cách của nhau nhưng phải mất nhiều năm mới có thể chung sống hòa hợp, từ nhỏ đã tiếp nhận nền giáo dục tinh anh khắt khe, hệt như sư tử biết cách săn lùng nguồn tài nguyên dồi dào nhất nhưng lại không biết xử lý thế nào với đứa con mới ra đời.
Mấy năm sau khi sinh con, hai người họ gần như luống cuống tay chân, mắt to trừng mắt nhỏ nhìn đứa bé mắt xanh trong nôi.
Mấy năm đó cũng là thời gian hai vợ chồng bận rộn nhất, đợi đến lúc hai người nhớ ra mình còn có một đứa con thì cậu bé mắt xanh kia đã có thể bước lên bàn đạp cưỡi ngựa trong trường đua.
Nhưng tính tình rất xấu, gần như tập hợp mọi tính xấu của hai vợ chồng, cũng chẳng thân thiết gì với họ.
Cho đến năm bảy tuổi, Arno gặp cậu bé giống hệt búp bê này.
Lần đầu kiềm chế tính nóng nảy, lần đầu gọi điện nhỏ giọng hỏi bà: "Mẹ, con làm người ta khóc thì phải làm sao ạ?"
Lần đầu tiên mẹ Lục gặp cậu bé xinh đẹp như búp bê này chỉ cảm thấy cậu mềm mại đáng yêu cực kỳ, hai mắt cong cong ngồi trên ghế nghe Arno nói chuyện, bao dung tính xấu của Arno.
Bao dung suốt cả mười mấy năm sau đó.
Ngay cả mẹ Lục không biết cách ở chung với trẻ con cũng nhịn không được ôm đứa bé này, tim như sắp tan chảy.
Mẹ Lục cũng không rõ những năm qua ảnh hưởng của Khương Nghi đối với Arno xấu tính lớn đến mức nào, nhưng bà biết từ đó về sau Arno rất hiếm khi nổi cáu, dù có cáu lên cũng phải tránh Khương Nghi.
Arno dần hiểu được làm gì là sai, làm gì là đúng.
Bởi vì nếu làm sai Khương Nghi sẽ giận.
Người phụ nữ tóc vàng lại cười, bàn tay ấm áp của bà nhẹ nhàng xoa đầu Khương Nghi, đôi mắt sâu thẳm trìu mến nhìn cậu: "Bé ngoan."
"Dì rất mừng vì Arno gặp được con."
"Con tốt lắm, dù không gặp Arno thì con vẫn có thể lớn lên rất tốt."
"Nhưng Arno thì khác."
Khương Nghi vô thức lắc đầu, cậu nói: "Arno cũng tốt lắm ạ."
Mẹ Lục phì cười, bà gõ trán cậu rồi thở dài cười nói với vẻ thân mật của người lớn: "Bé cưng, chỉ có con mới thấy nó tốt thôi."
Khương Nghi ngẩn người, vành tai đỏ lên, từ lúc chào đời đến giờ cậu chưa từng được ai gọi là bé cưng như mẹ cả.
Từ nhỏ đến lớn, những hình ảnh ấm áp về mẹ của cậu đều đến từ mẹ Lục, tựa như ánh nắng chiều đông rực rỡ chiếu vào người vô cùng dễ chịu.
Mẹ Lục dịu dàng nói tiếp: "Chỉ khi nào ở trước mặt con thằng nhóc kia mới giả làm hình người dạng chó thôi."
Khương Nghi: "???"
Mẹ Lục vội sửa lời: "À nhầm, ở trước mặt con thì nó mới giống người thôi."
Bà tiếc nuối nói: "Tiếc là chẳng biết phấn đấu gì cả."
Lâu như vậy mà vẫn chưa giải quyết được cha vợ.
Khương Nghi có chút bất đắc dĩ.
Trước khi mẹ Lục lên xe, bà nhẹ nhàng ôm cậu rồi xoa đầu cậu nói mấy câu.
Bà nói: "Bé ngoan, nếu ngày nào Arno làm chuyện gì không thể cứu vãn thì con có thể tới tìm dì, dì sẽ bắt Arno không được quấy rầy con nữa. Đây là cam kết của dì và chú Lục đối với con đấy."
Khương Nghi nhìn theo chiếc xe đen lướt êm rời đi, khi quay về phòng bệnh đẩy cửa ra, cậu mới định thần lại và hiểu được ý nghĩa những lời này.
Trong phòng bệnh, nam sinh tóc vàng khập khiễng loay hoay bên giá treo dịch truyền, nhìn như muốn bưng chai đi ra ngoài.
Khương Nghi tưởng Lục Lê muốn đi toilet nên vội vàng đi tới cầm chai dịch nói: "Muốn đi vệ sinh à? Để tớ cầm cho."
Ai ngờ Lục Lê đờ đẫn vì bị sốt chỉ quay đầu nhìn cậu, toàn thân căng cứng lập tức thả lỏng, nói mình không cần đi vệ sinh.
Khương Nghi treo chai dịch lên, chợt nghĩ đến chuyện gì nên hỏi hắn: "Có phải cậu tưởng tớ đi rồi không?"
Lục Lê làm thinh.
Khương Nghi bảo hắn lên giường nằm nghỉ, hắn nhìn cậu không chớp mắt, sau đó mới chịu làm theo.
Hơn tám giờ, Lục Lê truyền dịch xong đã hạ sốt nhưng vẫn còn hơi sốt nhẹ, y tá nói đây là hiện tượng bình thường vì chứng viêm vẫn chưa hết hẳn.
Khương Nghi hỏi y tá có cần ở lại bệnh viện theo dõi thêm mấy ngày nữa không, vừa quay đầu lại thì thấy Lục Lê thu dọn đồ đạc nhét vào ba lô rồi mang giày chuẩn bị về.
Khương Nghi: "......"
Hơn chín giờ, Khương Nghi mặc áo kín mít đưa Lục Lê về ngôi nhà ở trung tâm thành phố, không về nhà họ Khương mà cũng chẳng về nhà họ Lục.
Dù sao sau lưng còn có một chú gấu túi cỡ bự đeo cứng không gỡ ra được, nhìn dễ thấy cực kỳ.
Khương Nghi bắt chước Lục Lê trước kia, bật máy sưởi cho phòng ấm lên rồi giục hắn đi tắm.
Trong khi Lục Lê tắm thì Khương Nghi nấu mì, đứng trước nồi chờ nước sôi ùng ục mới thả mì vào, tuân thủ nghiêm ngặt từng bước nấu mì trên mạng hướng dẫn như làm thí nghiệm.
Mười phút sau.
Khương Nghi nếm thử mì mới nấu rồi im lặng.
Có chỗ đã chín, có chỗ còn sống nhăn nồng nặc mùi tinh bột.
Lục Lê tắm xong sấy khô tóc đi ra, trông thấy Khương Nghi đang nấu mì cho mình.
Hắn hỏi: "Nấu cho tớ à?"
Khương Nghi ngẩng đầu lên, chưa kịp nói gì thì đã thấy Lục Lê bưng nồi mì đi chụp mấy bức ảnh.
Sau đó vừa ăn mì nửa sống nửa chín vừa đắc ý đăng lên vòng bạn bè.
Khương Nghi lấy nước tương ra định thêm vào mì cho ngon, kết quả ngẩng đầu lên thấy Lục Lê đã húp cạn nước mì.
Khương Nghi: "......"
Cậu yên lặng cất nước tương về chỗ cũ.
Nếu không cậu chỉ sợ mình rót nước tương ra chén thì Lục Lê đang bệnh mụ mẫm đầu óc sẽ vui vẻ bưng cả chén lên húp.
Hơn mười giờ đêm, tuyết rơi dày đặc ngoài cửa kính, cả thành phố S chìm trong mưa tuyết trắng xóa.
Trên giường trong phòng ngủ, Lục Lê lười biếng ôm Khương Nghi từ phía sau, rúc đầu vào cổ ngửi mùi hương trên người cậu.
Khương Nghi quay đầu bảo hắn: "Phải rồi, hôm nay dì tới thăm cậu đấy."
Lục Lê nói mình biết rồi.
Hắn lẩm bẩm: "Thật ra lúc đó tớ không ngủ đâu."
Chỉ giả bộ như chưa tỉnh thôi.
Nếu không kiểu gì cũng bị mẹ hắn chế giễu lâu như vậy mà vẫn chưa giải quyết xong cha vợ.
Hắn cúi đầu hôn má Khương Nghi rồi hỏi: "Có phải bà bảo cậu nếu sau này tớ làm chuyện gì không thể cứu vãn thì cậu có thể đến tìm bà không?"
Khương Nghi sửng sốt: "Sao cậu biết?"
Lục Lê cúi đầu nhìn cậu: "Hồi mười bảy tuổi tớ đã hứa với mẹ rồi mà."
Yết hầu Khương Nghi khẽ động, nhìn Lục Lê nghịch tóc cậu rồi nói không đầu không đuôi: "Thật ra mẹ tớ nói không sai đâu. Nếu không gặp cậu tớ cũng chẳng biết giờ mình thế nào nữa."
Hắn suy nghĩ một lát rồi nói: "Có khi còn rác rưởi hơn Trần Triệu cũng nên."
Khương Nghi khựng lại, cậu do dự hỏi: "Chuyện không thể cứu vãn là gì cơ?"
Lục Lê bị sốt mụ mẫm đầu óc im lặng nở nụ cười, hắn đưa tay nắm chặt cổ chân Khương Nghi, bàn tay màu lúa mì hệt như xiềng xích trói lại cổ chân mảnh khảnh trắng nõn của cậu.
Hắn không trả lời mà thân mật cọ xát chóp mũi Khương Nghi.
Chỉ nói thầm trong lòng giống như vậy này.
Trói lại.
Có lẽ vì bị bệnh nên đầu óc trở nên mụ mị, tính chiếm hữu điên cuồng bị đè nén mười mấy năm cấp tốc khôi phục và bộc phát theo chiều hướng mãnh liệt hơn, hưng phấn đến độ kêu gào.
Suốt mười mấy năm qua, thiếu niên lòng dạ hẹp hòi có tính ham chiếm hữu cực mạnh kia đã hơn một lần mơ thấy người trước mặt hoàn toàn thuộc về mình, vừa hèn hạ vừa xấu xa.
Khương Nghi vô thức rút chân lại nhưng không được, dường như cậu bị người trước mặt làm giật mình, ngơ ngác nhìn Lục Lê.
Lục Lê nhìn cậu rồi buông tay ra, cúi người hôn lên khóe mắt cậu, lẩm bẩm dỗ cậu đừng sợ.
Có mẹ hắn giám sát mà.
Năm mười bảy tuổi hắn đã nói với mẹ nếu mình váng đầu làm ra chuyện này thì họ cứ đem bé ngoan đi đi.
Ai cũng không được làm Khương Nghi chịu ấm ức.
Kể cả hắn.
Hai chữ kiềm chế này hắn đã học mười mấy năm nay, đã sớm khắc sâu vào xương tủy, hệt như dã thú từ nhỏ bị xích cổ, học được cách nhẹ nhàng liếm láp da thịt bằng răng nanh, hệt như chó dữ bị thuần phục biết nghe lời.