Bẵng đi một thời gian, Lục Nguyên lại tìm đến tôi.

Chỉ đi có một chuyến mà cậu ta đã gầy rộc, nhìn bộ dạng này của cậu ta tôi cũng không biết an ủi thế nào.

Có một số việc, trừ mình ra, chẳng ai có thể tháo gỡ thay được.

Lục Nguyên lấy được một ít đồ từ Cam Nam về, còn chụp không ít ảnh.

Lúc cậu ta lấy mấy thứ kia ra khỏi túi, đôi mắt liền đỏ hoe.

Cậu ta đưa cho tôi mấy tấm ảnh trước, trên đó là một bức tường đổ nát có những dòng chữ chằng chịt được viết bằng than củi, cậu ta chỉ vào những chữ ấy, nhẹ nhàng nói: “Cậu có tin không Tô Đồng? Như Họa không được ra khỏi nhà nên viết mấy thứ này lên tường, đều là những chuyện trước đây của cô ấy và Ngụy Như Phong, cứ lặp đi lặp lại, chồng chéo lẫn nhau, nhưng cô ấy viết rất nghiêm túc, chỉ cần là lời mà Ngụy Như Phong đã nói thì đều có cùng một nội dung, đủ thấy cô ấy đã yên lặng nhớ lại biết bao nhiêu lần.

Mấy năm nay, cô ấy toàn lặp lại hồi ức khi còn ở bên Ngụy Như Phong… Mùa hè có thể biến thành mùa đông, mùa xuân có thể biến thành mùa thu, hôm nay có thể trở về năm 12 tuổi, ngày mai có thể quay lại năm 20 tuổi, chỉ có điều, không ai có thể trở thành Ngụy Như Phong.

Ngụy Như Phong chỉ có một, vẫn ở mãi trong tim cô ấy, cô ấy vẫn một mực đợi chờ cậu ta…”

Sau đó tôi không rõ cậu ta đang nói chuyện với tôi hay là đang nói với một ai khác, hôm ấy Lục Nguyên nói rất nhiều, mỗi lần lấy một món đồ, một tấm ảnh ra khỏi túi, cậu ta sẽ luyên thuyên một hồi, tỉ mỉ tái hiện lại cuộc sống của Hạ Như Họa.

Một chốc lại nói cô ấy hay ngủ ở chỗ này, một hồi lại nói cô ấy đã từng bị trói ở chỗ kia, một chốc lại nói cô ấy chưa bao giờ mặc trang phục của mình mà chỉ mặc áo sơ mi của Ngụy Như Phong, một hồi lại nói cô ấy đã uống rất nhiều thuốc, chai chai lọ lọ nằm ngổn ngang khiến cho người ta thấy mà đau lòng… Cuối cùng Lục Nguyên lấy ra một chiếc băng cát xét, bỏ vào chiếc đài nhỏ, đưa tai nghe cho tôi.

Vì thời gian mà chiếc băng phát ra tạp âm ầm ỹ, ở cuối màn ca kịch, tôi nghe thấy giọng nói đã vùi lấp sâu trong nội tâm của tôi.

“Alo?”

… “Cô chọn thời gian chuẩn ghê, tốt lắm, cô tới tìm tôi đi, tôi đang ở tại rạp hát Hải Bình, vừa khéo cách nhà cô rất gần.”

… “Chuyện gì thế? Tối nay có về không?”



Yên tâm, chỉ đi gặp một người bạn thôi, còn buổi tối… Được ạ.”

“Phải về nhé! Chị có chuyện muốn nói với em!”

“Vâng.”

“Chị đi trước đây! Nhưn em nhất định phải về nhà đấy!”

“Ừ.”

Nghe tiếng “ừ”

đồng ý ôn nhu của anh ấy, cuối cùng tôi cũng khóc trong câm lặng.

Lục Nguyên nhấn nút dừng, tháo ống nghe xuống nói: “Cái này được vô tình ghi âm trong lần chúng tôi đi xem ca kịch, thật không ngờ Như Họa vẫn còn giữ lại, lúc Diệp Hướng Vinh thẩm vấn A Cửu mới biết được cô ấy vẫn còn giữ lại cuộn băng, khó có thể tưởng tượng được cô ấy đã nghe đi nghe lại bao nhiêu lần, lời hứa của Ngụy Như Phong đã khiến cho cô ấy khăng khăng đợi chờ.

Nhiều năm như vậy, cô ấy vẫn cho rằng Ngụy Như Phong còn sống, cô ấy quá yêu cậu ta.”

Đúng vây, cô ấy quá yêu anh, cho nên ngay từ lúc bắt đầu, chúng tôi đều chịu thua trước họ.

Nhớ lại những tâm tư làm tôi phiền não trước đây, bây giờ nhìn lại, thật ra tôi vẫn nhất mực quý trọng, bất kể là sự lạnh lùng Ngụy Như Phong, hay là sự yếu ớt của Hạ Như Họa, tôi cũng đều thích, nhưng mà cho tới bây giờ, tôi vẫn chưa kịp nói cho họ biết… Sau đó Lục Nguyên sao lại một cuốn băng khác cho tôi, cậu ta nhờ vào quan hệ với Diệp Hướng Vinh, mua lại căn nhà ở Cam Nam, còn những tấm ảnh chụp những dòng chữ trên tường của Hạ Như Họa đều giao cho tôi giữ gìn.

Tôi định chỉnh lý lại một chút, dù sao thì những dòng chữ này tương đương với cuộc đời của hai người họ, mà một phần lớn cuộc đời của bọn họ lại không có tôi tham dự.

Tôi tốn khá nhiều thời gian mới sắp xếp lại được những những sự việc mà cô ấy viết, Lục Nguyên nói không sai, trong đó có rất nhiều việc bị lặp lại.

Tôi không thể tưởng tượng nổi Hạ Như Họa làm cách nào mà viết được những thứ này khi tinh thần đang rối loạn, còn viết trong rất nhiều năm, hơn nữa những gì vô ấy viết lại khiến cho con người ta đau lòng như vậy.

Nhìn lại từ đầu đến cuối một lần nữa, tôi biết được rất nhiều chuyện và cũng không rõ rất nhiều chuyện.

Tỷ như chuyện Hạ Như Họa bị cường bạo năm 17 tuổi làm thay đổi vận mệnh cả đời cô, tỷ như vì sao Ngụy Như Phong rời khỏi hộp đêm Đông Ca, tỷ như Trình Hào tàn nhẫn âm hiểm đến mức nào… Cách lớp lớp thời gian, tôi cảm thấy thương xót cho thời bọn họ còn nhỏ.

Khi nhặt Như Phong về nhà, có lẽ bà nội của Hạ Như Họa chỉ cảm thấy hoàn cảnh của cậu bé này quá đáng thương, nhưng không biết bà có nghĩ tới chuyện cậu bé này sẽ mang tới cho cháu gái mình một cuộc sống như thế nào hay không? Nếu như cha mẹ ruột của Ngụy Như Phong còn sống ở trên đời, liệu họ có biết được con trai họ sẽ trải qua những ngày tháng như thế nào, sẽ chết một cách không cam lòng như thế nào không? Nếu như những kẻ buôn người kia có chút lương tri, hắn có đưa đứa trẻ nhỏ như vậy rời khỏi quê hương, để cho cậu sa chân vào vũng bùn giam hãm con người khó lòng thoát ra được hay không? Nếu như Lâm San có thể thân thiện hơn một chút, không độc ác và xa lánh Hạ Như Họa, thế thì Hạ Như Họa có đánh mất khát vọng tươi sáng của mình không? Nếu như A Phúc biết trước mình sẽ phải trả giá bằng cả tính mạng, biết trước là cuộc sống của rất nhiều người sẽ vì sự dâm dục nhất thời của mình mà vạn kiếp bất phục, liệu rằng gã có quyết tâm phạm tội với mối tình đầu của mình hay không? Nếu như trước đây Ngụy Như Phong bình tĩnh một chút, không lấy dao đi chém người, nếu như anh ấy đi báo cảnh sát, nếu như sau đó cảnh sát hay bất kì người người có chức có quyền nào đó có thể giơ tay ra giúp họ, liệu rằng anh và Hạ Như Họa có thể có được một cuộc sống bình thường hay không? Nếu như Trình Hào buông tha cho họ, làm chút việc thiện cho cô gái trạc tuổi con gái của hắn ta, biến sự hứng thú đối với cô ấy thành sự bảo vệ chứ không phải là một màn trêu đùa tàn khốc, thế thì Hạ Như Họa sẽ thật lòng mỉm cười với hắn một lần hay không? Nếu như sau khi cứu được Trình Hào, Ngụy Như Phong liền dứt khoát rời khỏi hắn ta, nếu như Trình Tú Tú không ích kỷ giữ anh lại, đi thuyết phục cha cô ta, có phải vụ cháy ở Tây Nhai sẽ không xảy ra hay không? Nếu như trước khi lấy chứng cứ, Hồ Vĩnh Tân kéo Ngụy Như Phong lại, khuyên anh đi tự thú, có phải anh sẽ giữ được tính mạng của mình hay không? Nếu như A Cửu suy nghĩ kỹ một chút, nếu gã biết trước được rằng đằng sau sự tham lam sẽ là trọng tội, nếu gã nhớ lại tình bằng hữu với Ngụy Như Phong ngày trước, thế thì gã có dừng lại hay không? Có thể không bắt cóc Hạ Như Họa hay không? Nếu như sau khi Trình Tú Tú chết, Trình Hào có thể gác kiếm buông đao, có thể buông tha cho Hạ Như Họa, vậy có phải hắn sẽ không phải trốn chui trốn lủi, sẽ không phải phơi thây đầu đường? Nếu như, nếu như… Tiếc là trên đời cái gì cũng có, chỉ không có nếu như.

Trong một năm nào đó tại một thành phố nào đó, một người nào đó gặp phải một bi kịch nào đó… Ngay lúc tôi bị sa lầy trong hồi ức, cuộc sống đã kéo tôi về với quỹ đạo bình thường.

Tôi lại mang thai, tính toán ngày một chút, không ngờ lại chỉ mấy ngày trước khi Hạ Như Họa chết.

Sự tiếc nuối khi một sinh mệnh kết thúc cuối rồi sẽ từ từ phai đi, thay vào đó là niềm hy vọng đối với sinh mệnh mới.

Con gái tôi cứ một mực khẳng định em bé sẽ là một cậu em trai, sự chờ mong của con bé khiến cho tôi khuây khỏa nỗi buồn.

Những câu chữ mà Hạ Như Họa viết trên tường được tôi chép lại thành tập mang đi cất.

Tôi chọn một chiếc hộp thật đẹp, bìa cứng màu xanh đậm, ở trên có mấy chữ màu bạc dập chìm: BEAUTYFULCOLLECTION.

Tôi đặt cuốn tập vào tầng cuối cùng, nhìn nó một lần nữa rồi đậy nắp hộp lại.

Ngẫm lại thì một tháng nay tôi vẫn bận bịu với những chuyện ngày trước nên không chăm sóc tốt cho con gái và ông xã.

Tối đó tôi quyết định về nhà sớm một chút, đến siêu thị mua không ít đồ đoàng, định làm mấy món ăn ngon bù đắp cho hai cha con một chút.

Lúc làm xong hơn phân nửa thì chồng tôi gọi điện về, nói tối nay có xã giao, chẳng biết mấy giờ mới về được, không cần chờ.

Tôi bất đắc dĩ nhìn bàn đồ ăn, dặn dò anh ấy hai ba câu rồi thôi.

Con gái thì cũng chẳng thấy đâu, hôm nay nó đi chơi cực kỳ trễ, mãi đến lúc trời sẩm tối mới về nhà, dường như nó không được hoạt bát như thường ngày, tôi bắt chuyện mà nó không đáp lời, chỉ lặng lẽ đi vào phòng.

Tôi hơi tức giận, đi tới xem thử, không ngờ con bé lại đang khóc.

“Sao thế? Lại cãi nhau với bạn à?”

Tôi ngồi ở bên giường nhẹ nhàng vuốt ve tóc nó.

“Mẹ ơi!”

Con bé nhào vào trong lòng tôi, khóc lớn tiếng hơn.

“Rốt cuộc là thế nào, ngoan, nói mẹ nghe xem.”

Tôi bắt đầu lo lắng, con bé này vừa nhút nhát vừa ngoan ngoãn, ít khi hờn dỗi với bạn nặng đến mức này.

“Mẹ… Chú… Hu hu… Chú đi mất rồi.”

Con bé cố kìm tiếng nấc nói.

“Chú nào cơ? Sao lại đi mất?”

Tôi khẽ thở phào, dịu dàng hỏi nó.

“Chính là chú cho con kẹo đó… Chú Như Họa…”

“Chú… Như Họa…”

Đầu tôi ong một tiếng, tim đập thình thịch, bỗng nhiên cảm thấy có cái gì đó không đúng.

“Chính là chú ấy, ông chủ của chú ấy không buôn bán sắt thép nữa, chú Như Họa bảo là muốn đi nơi khác… Chú ấy đã hứa với con là cuối tuần mới đi, còn cho con thêm một ít kẹo, nhưng hôm nay con qua đó thì mọi người đều biến mất cả rồi… hu hu.”

Tiếng nức nở của con bé lại làm cho tôi run lên từng đợt, tôi kéo con bé, có chút kích động hỏi: “Ngoan, chú Như Họa đó trông như thế nào? Bao nhiêu tuổi? Mau nói cho mẹ biết!”

Con bé thấy tôi như vậy nên hơi sợ, quên cả khóc, đứt quãng nói: “Chú ấy cao, tóc dài đến đây, lớn hơn mẹ…”

Con bé miêu tả không có trọng điểm, tôi lo lắng hỏi: “Còn người nhà? Chú ấy có nói mình có chị hay gì gì đó không?”

“Không thấy chú ấy nói ạ, đầu óc của chú ấy không được tốt, chuyện trước đây đều không nhớ rõ… A, đúng rồi! Chỉ nhớ rõ cái tên Như Họa thôi, con thấy cái tên này rất hay nhưng người ta cứ chê cười chú ấy suốt.

Mắt của chú Như Họa nhìn không rõ lắm, tai cũng hơi bị lãng.

Ông Uy mắng chú ấy ngốc, nói năm đó cứu được chú ấy ở bến tàu Tây Nhai… Nhưng chú Như Họa là người tốt! Con thích chú ấy lắm.

Mẹ, mẹ có biết chú Như Họa không?”

Nghe đến đó tôi đã không suy nghĩ được gì nữa, chỉ cảm thấy có thứ gì đó đang trào ra trong thân thể, nó bị mắc kẹt giữa cuống họng tôi, rất bí bách.

Ký ức cứ thế ùa về, kéo cái tên ấy ra, sau đó nhẹ nhàng gọi, Như Phong, Như Họa… Như Họa, Như Phong, kêu gào bên tai tôi hết lần này đến lần khác, càng lúc càng rõ ràng, rồi lại càng lúc càng xa xôi… Tôi không để ý tới tiếng hô của con gái, lảo đảo chạy xuống lầu.

Cửa hàng sắt thép kia cách nhà tôi rất gần, chỉ cần quẹo một là tới, tôi run rẩy đi vào gian nhà đó, những chiếc giá hoen gỉ nằm bất động, tôi vuốt ve chiếc tủ nhỏ, từ phòng trong đến gian ngoài, từng bước từng bước một, đi tới lại đi lui.

Ngụy Như Phong đã tới nơi này được bao lâu? Có phải hằng ngày anh cũng vội vàng chạy ra chạy vào, cũng sờ những chiếc giá sắt này, cũng mở những cánh cửa sổ này ra hay không.

Anh đã từng nhìn thấy tôi chưa? Thấy tôi gả cho người khác, sinh con, nghiêm chỉnh sống từng ngày; thấy tôi ta đi mua thức ăn, đi đổ rác, từ một cô gái trở thành một người đàn bà rồi làm mẹ; thấy tôi đêm ngủ không yên, phải thức dậy đi nhìn bức tranh mà tôi vẽ vì anh.

Nhất định là đã từng nhìn thấy! Có lẽ đã từng gặp thoáng qua cũng không chừng.

Nhưng anh không gọi tôi lại, mặc tôi lo lắng cho anh nhiều năm như vậy, mặc tôi rõ ràng cách anh gần như vậy nhưng lại không thể nói một câu với anh, mặc tôi từ từ già đi ngay trước mặt anh, để mặc những kỉ niệm giữa tôi và anh vuột mất… Thật là vô tình.

Anh ấy thực sự đã quên mất tôi rồi… À, cũng không đúng.

Anh ấy quên luôn cả bản thân mình! Nhưng lại nhớ kỹ cái tên đó, Như Họa, chú Như Họa… Nực cười… Quá nực cười… Khi con gái tìm được tôi, tôi đang cười.

Vừa cười vừa rơi lệ.

Con bé sợ hãi chạy lại ôm lấy tôi, không ngừng kêu mẹ ơi mẹ ơi.

Tôi ngồi bệt xuống, ôm con bé vào lòng thật chặt.

Sắc trời mỗi lúc một đậm, trên đường có rất ít người, ở một góc nhỏ trong cửa hàng sắt thép trống rỗng, tôi ôm con gái khóc lớn.

Rất đau xót.

Thì ra tôi chưa bao giờ rời khỏi câu chuyện của họ.

Chưa từng… Bảy tháng sau, tôi thuận lợi sinh được một bé trai.

Con gái rất vui vẻ, lúc nào cũng ríu rít gọi em trai em trai.

Hai năm sau, thằng bé biết gọi mẹ, tôi theo ông xã rời khỏi Hải Bình, triệt để vứt bỏ hết tất cả tiền duyên liên quan đến nơi đây.

Ba năm sau, con gái đi học, tôi lấy chiếc hộp màu lam đậm kia ra.

Tôi quyết định phải ghi nhớ chuyện này, khi già rồi sẽ kể cho các con nghe.

Câu chuyện rất dài rất dài.

Từ lúc sơ sinh cho đến khi chết đi, từ trẻ dại đến già nua, từ lương thiện đến hung tàn, từ trung thành đến phản bội, từ chính nghĩa đến tà ác, từ bảo vệ đến giết chóc, từ tình yêu đến tội lỗi, từ xử phạt đến chuộc, từ yêu đến hận… Có lẽ người hoài niệm có thể nhìn thấy.

Có lẽ người quên đi có thể nhìn thấy.

Có lẽ linh hồn có thể nhìn thấy.

Có lẽ kẻ giết người có thể nhìn thấy.

Có lẽ người từng trải có thể nhìn thấy.

Có lẽ người đang hối hận có thể nhìn thấy.

Có lẽ người có tên Như Phong Như Họa, có thể nhìn thấy… Tôi quay đầu lại, treo bức tranh tôi vẫn lưu giữ bên người suốt nhiều năm qua lên tường, trong bức tranh, người thanh niên ôn nhu năm đó, vẫn dịu dàng tựa cơn gió như xưa.

Lời tác giả Khi viết xong mấy chữ cuối cùng, Bắc Kinh liền đổ mưa, ngoài trời hơi lạnh, lòng tôi cũng có phần lạnh lẽo.

Ngay từ phần dẫn truyện, tôi nghĩ rằng đại đa số độc giả đều cảm nhận được hương vị bi kịch, tôi không muốn đột ngột kết thúc truyện này trong sự viên mãn, theo như lời Tô Đồng nói thì, hai chữ viên mãn này, xa xỉ đến mức nực cười.

Những người bạn quen thân với tôi chắc đã biết, vào năm 2005, tôi đã từng post lên mạng một bộ truyện dài có nhan đề “em trai, hãy yêu chị một lần nữa nhé “, đó là tiền thân của cuốn tiểu thuyết này.

Nhưng bây giờ mọi người có thể thấy “hoa nở giữa hè “và “em trai, hãy yêu chị một lần nữa nhé “hoàn toàn khác nhau, ngoại trừ các nhân vật chính và mối quan hệ giữa họ vẫn được tôi sử dụng, lời lẽ cho hai bộ truyện này gần như không có chỗ nào giống nhau.

Sở dĩ tôi thay đổi nhiều như vậy là vì đề tài.

“Hoa nở giữa hè “được xây dựng trên một vụ án có thật, hồi tôi còn đi học, người ta có phát cho chúng tôi một quyển tạp chí, trong quyển tạp chí đó có chuyên mục nhắn tin, tức là mình có thể viết thư cho người khác và sẽ được đăng lên tạp chí.

Tôi nhìn thấy một bức thư do một cô gái tầm 20 tuổi viết, người nhận là một cậu bé đã qua đời.

Từ những hàng chữ đó có thể nhìn ra, cậu bé kia là một thiếu niên từng phạm tội, giữa lúc cảnh sát phá án thì cậu bị bắn chết.

Vì cậu bé nhỏ hơn cô gái kia một chút, cho nên cô gái ấy gọi cậu là em trai.

Tôi có ấn tượng rất sâu đậm với câu cuối cùng trong bức thư, cô gái nói, “em trai, em đã hứa với chị là nhất định sẽ quay về mà, chẳng lẽ em đã quên rồi ư?”

Lúc đó đọc xong bức thư này tôi đã khóc rất nhiều, còn đặc biệt viết một đoản văn tình cảm, bản viết tay của tôi được các bạn học chuyền tay nhau đọc, tựa đề là “hãy yêu chị một lần nữa nhé “, đó chính là phần sơ khai nhất của bộ tiểu thuyết này.

Đến năm 2005 tôi lại viết lại một lần nữa, để kỷ niệm những câu chữ thuở ban sơ của mình, tôi dùng lại đề tài đó và mở rộng thành “em trai, hãy yêu chị một lần nữa nhé “.

Lúc ấy tôi chỉ quan tâm tới chuyện tình yêu thê lương mà mỹ lệ, cho nên xây dựng câu chuyện cũng dựa trên chủ đề tình yêu và vận mệnh.

Nhưmg giờ đây, khi một lần nữa nghĩ về câu chuyện này, tôi có ý tưởng khác so với lúc trước.

Cho dù là cậu bé cô bé trong tạp chí, hay là Ngụy Như Phong và Hạ Như Họa, sở dĩ tình yêu của họ trở thành bi kịch là vì có liên quan tới hành vi phạm tội của trẻ vị thành niên.

Có thể sẽ có người thắc mắc, thực sự có chuyện như vậy sao? Tuổi còn nhỏ như vậy mà lại làm ra chuyện như vậy ư? Tôi muốn nói rằng, có, thực sự là có.

Phạm tội ở lứa tuổi vị thành niên là một chuyện u ám khiến cho người ta thương xót, thế nhưng nó cách chúng ta không quá xa đâu ạ.

Những bạn đã từng đọc “Năm tháng vội vã “hẳn đều còn nhớ rõ, trong truyện tôi đã đề cập tới một thiếu niên phạm tội, cậu bé Lý Hạ, lúc ẩu đả với những đứa thanh niên lêu lổng khác, cậu ta bị đâm trúng tim mà chết ở ngay cổng trường.

Đây là một chuyện có thật xảy ra tại một ngôi trường ở gần chỗ tôi lúc tôi học cấp 2.

Tôi có một người bạn có quen biết với nạn nhân, cậu ta nói cho tôi biết, trước khi đánh nhau vào xế chiều hôm ấy, nạn nhân đã gọi cậu ta tới đó hỗ trợ, nhưng trùng hợp là cậu ta bận việc nên không đến.

Kết quả là ngay ngày hôm sau, tin người kia đã chết được truyền đi.

Sau đó tôi hỏi cậu ta, nếu như hôm đó cậu không bận thì sao? Cậu có đi qua đó không? Cậu ta chần chờ một chút, sau đó gật đầu nói, sẽ đi, không ai ngờ được là người kia sẽ chết! Những người trẻ tuổi có mấy ai có thể nghĩ xa tới chuyện đối diện trực tiếp với cái chết chứ? Những thiếu niên phạm tội cũng như thế, không ai ngờ được chuyện sẽ đột ngột phát sinh khi mình chưa kịp chuẩn bị gì cả.

Tôi vốn dĩ cho rằng đó là một chuyện cá biệt, nhưng không ngờ khi đọc những bình luận online có liên qua tới “Năm tháng vội vã “, tôi thấy có rất nhiều người kể ra những chuyện tương tự như vậy, các độc giả đều cho rằng “Năm tháng vội vã “là một câu chuyện có thực, bởi lẽ ở trường của họ cũng đã từng phát sinh “sự kiện Lý Hạ”

, thậm chí là mười mấy vụ trong cùng một trường, hơn nữa chuyện cũng xảy ra khắp nơi trên toàn quốc.

Điều đó khiến tôi rất kinh ngạc, tôi nhớ lại hồi còn học cấp ba, có lần đang học môn đạo đức thì nghe được một thông báo, đó là tổ chức “Tam hợp đường”

của nhóm thiếu niên bất hảo đã được phá, các thành viên đều bị bắt giam, trong đó tên lão đại mới chỉ có 17 tuổi, và thủ hạ của hắn lên tới 1000 người! Hội ấy được tổ chức thành cấp trên cấp dưới y như trong tiểu thuyết võ hiệp, phân bố chặt chẽ, sắp xếp chặt chẽ, khiến cho người ta mất hồn.

Sau đó càng tìm hiểu thêm, tôi lại càng biết được nhiều chuyện như thế này, ví dụ như nạn bắt nạt học đường, thanh thiếu niên hút thuốc phiện, vv… Cũng bởi lẽ đó mà tôi một lần nữa hư cấu toàn bộ cốt truyện, viết ra “Hoa nở giữa hè “mà mọi người đang đọc đây.

“Hoa nở giữa hè “không phải là một bộ tiểu thuyết rao giảng đạo lý, tôi chỉ muốn kể cho mọi người một câu chuyện tình yêu cùng với gút mắt số phận một cách nghiêm túc.

Sự bi ai, sự vô thường của vận mệnh, sự hèn nhát của con người, sự sơ hở của luật pháp, sự cứu chuộc tội lỗi.

Trong câu chuyện này có 4 thiếu niên phạm tội, A Phúc cưỡng hiếp, A Cửu tham lam, Trình Tú Tú lêu lổng, Ngụy Như Phong phạm tội khi còn quá trẻ, sai lầm của 4 người ấy tạo thành toàn bộ câu chuyện, từng bước đi đến kết cục cuối cùng.

Nhưng lúc đầu họ vốn dĩ không nghĩ như vậy, A Phúc chẳng qua là do thích Hạ Như Họa, A Cửu chỉ là muốn kiếm nhiều tiền, Trình Tú Tú chỉ muốn có được Ngụy Như Phong, Ngụy Như Phong chỉ muốn vĩnh viễn được sống bên cạnh chị gái mình, họ đều không phạm tội chỉ vì muốn thế, chỉ do họ đã lựa chọn sai lầm, đi lầm đường mà thôi.

Thật ra lúc trạc tuổi bọn họ, mỗi người chúng ta hẳn đã từng phạm sai lầm, nhẹ thì bị phê bình, viết kiểm điểm, nặng thì bị mời phụ huynh, bị cảnh cáo.

Nhưng thanh thiếu niên phạm tội nên được xử phạt như thế nào? Tôi cảm thấy tất cả các mức hình phạt đều rất khó xác định.

Bởi vì áp lực xã hội không có cách nào cân đo được, pháp lý không thể nào cân đo được, sự thống khổ ở trong lòng không có cách nào cân đo được, tương lai u ám cũng không có cách nào cân đo được.

Mà tất cả những điều này đều dẫn đến một kết quả duy nhất, đó chính là bi kịch cuộc sống.

Ở cuối truyện, Lục Nguyên hỏi Tô Đồng, họ đã từng hối hận hay chưa? Tô Đồng trả lời, họ còn chưa kịp hối hận.

Bởi vậy tôi rất thương họ, bì họ đã không kịp nữa rồi.

Tuổi thanh xuân và tình yêu đều thật đẹp, mà cái đẹp của Ngụy Như Phong và Hạ Như Họa lại qúa mức tàn nhẫn.

Họ rất nỗ lực mưu cầu hạnh phúc, cũng đã từng có được hạnh phúc, nhưng không thể hạnh phúc mãi mãi.

Sinh ra như đóa hoa mùa hạ, nhưng họ chỉ có thể là hoa nở giữa hè.

Trong hiện thực có ảo mộng, trong ảo mộng lại có hiện thực.

Tình yêu thuần khiết không có tội, sau khi bị xử phạt chúng ta đều được cứu chuộc.

Tôi hy vọng sau này sẽ không có Ngụy Như Phong và Hạ Như Họa khiến người khác thương cảm nữa.

Cửu Dạ Hồi, mùa đông năm 2008, Bắc Kinh..

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play