Thời Hùng Vương, thiên hạ thái bình, dân gian giàu có. Vua nhà Ân lấy cớ nước Nam không có triều kiến, sai tuần thú đem quân sang đánh. Hùng Vương nghe tin, triệu tập quần thần hỏi kế chống cự. Có người tâu rằng: “Sao không cầu Long Vương đưa âm quân lên giúp”. Vua nghe lời, bèn ăn chay, lập đàn, bày vàng bạc lụa là lên trên, thắp hương cầu đảo ba ngày. Trời nổi mưa to gió lớn, bỗng thấy một cụ già cao hơn sáu thước, mặt to bụng lớn, mày râu bạc trắng, ngồi ở ngã ba đường mà cười nói múa ca. Những người trông thấy đều cho là kẻ lạ thường, mới tâu lên vua. Vua thân hành ra vái chào, rước vào trong đàn. Cụ già không nói năng cũng không ăn uống. Vua đến hỏi: “Nghe tin quân phương Bắc sắp sang xâm lược, ta thua được thế nào” (1). Cụ già ngồi im một lúc, kính cẩn rút thẻ ra bói, bảo vua rằng: “Ba năm nữa, giặc Bắc sẽ sang đây”. Vua lại hỏi kế chước ra sao?. Cụ già đáp: “Kế giữ nước, ấy là phải nghiêm ngặt chỉnh đốn khí giới, rèn luyện binh lính cho tinh nhuệ, lại phải đi tìm bậc kỳ tài trong thiên hạ, kẻ nào phá được giặc thì phong cho tước ấp, truyền hưởng lâu dài. Nếu được người giỏi, có thể dẹp được giặc vậy”. Dứt lời, bay mất lên không, mới biết đó là Long Quân vậy.
Ba năm sau, người biên giới cấp báo có giặc Ân tới. Vua làm theo lời cụ già dặn, sai sứ đi khắp các nơi cầu tìm người hiền tài. Tới làng Phù Đổng, huyện Vũ Ninh (2), trong làng có một phú ông tuổi hơn sáu mươi, sinh được một bé trai, đã ba tuổi còn không biết nói, nằm ngửa không ngồi dậy được. Người mẹ nghe tin sứ giả tới mới nói giỡn rằng: “Sinh được thằng con trai này chỉ biết ăn, không biết đánh giặc để lấy thưởng của triều đình, báo đáp công ơn bú mớm”. Bé trai nghe mẹ nói, đột nhiên bảo: “Mẹ mời sứ giả tới đây, hỏi xem có việc gì”. Người mẹ kinh ngạc vô cùng, vui mừng kể lại với hàng xóm rằng con mình đã biết nói. Hàng xóm cũng lấy làm kinh ngạc, tức tốc mời sứ giả tới. Sứ giả hỏi: “Mày là đứa trẻ mới biết nói, mời ta đến làm gì?”. Đứa trẻ nhỏm dậy bảo sứ giả rằng: “Mau về tâu với vua rèn một ngựa sắt cao mười tám thước, một thanh kiếm sắt dài bảy thước và một nón sắt. Ta cưỡi ngựa đội nón ra đánh, giặc tất phải kinh sợ bại trại, vua phải lo gì nữa?”. Sứ giả vội về tâu với vua. Vua mừng nói rằng: “Ta không lo nữa”. Quần thần tâu: “Một người thì làm sao mà đánh bại được giặc?”. Vua nói: “Lời nói của Long Quân ngày trước không phải là ngoa, các quan chớ nghi ngờ gì nữa”, rồi ra lệnh cân năm mươi cân sắt đúc thành ngựa, nón”.
Sứ giả tới gặp, người mẹ sợ hãi nói con rằng tai họa đã đến. Người con cả cười bảo rằng: “Mẹ hãy chuẩn bị cơm, rượu cho con ăn, việc đánh giặc mẹ chớ có lo”. Người con lớn lên rất nhanh, ăn uống tốn nhiều, người mẹ cung cấp không đủ. Hàng xóm sửa soạn trâu bò, bánh quả rất nhiều mà người con ăn vẫn không no bụng. Vải vóc rất nhiều mà mặc vẫn không kín thân, phải đi lấy lau lách buộc thêm vào cho kín người. Kíp đến lúc quân nhà Ân tới chân núi Trâu (Trâu Sơn), người con mới duỗi chân đứng dậy, cao hơn mười trượng, ngửa mũi hắt hơi liền hơn mười tiếng, rút kiếm thét lớn: “Ta là tướng nhà trời đây!” rồi vung kiếm, đội nón cưỡi ngựa, ngựa chồm lên hí dài mà chạy như bay, quan quân theo sau, tiến sát đồn giặc, đánh nhau ở dưới núi Trâu, huyện Vũ Ninh Quân giặc đại bại, chém giết lẫn nhau. Vua nhà Ân bị giết ở núi Trâu, quân lính còn lại đều bái lạy, xưng gọi “Tướng nhà trời” rồi cùng hàng phục. Đi đến đất Sóc Sơn, thôn An Việt, Tướng nhà trời cởi áo, cưỡi ngựa bay lên trời, còn để vết tích ở hòn đá trên núi.
Vua Hùng Vương nhớ công ơn đó mới tôn là Phù Đổng Thiên Vương (3), lập miếu thờ ở nhà cũ trong làng, lại ban cho một ngàn mẫu ruộng, sớm hôm hương khói. Nhà Ân, qua hơn 27 đời vua, 644 năm không dám đem quân quấy nhiễu. Bốn phương nghe tiếng thảy đều đến thần phục vua Hùng.
Sau vua Lý Thái Tổ phong làm Xung Thiên Thần Vương (4), lập miếu thờ ở làng Phù Đổng cạnh chùa Kiến Sơ, lại tạc tượng ở núi Vệ Linh, xuân thu hai mùa tế lễ.
Chú thích:
1) Bản VHV 1473 còn có thêm câu: “Có ý kiến gì xin ngài bảo giúp”.
2) Nay là tỉnh Bắc Ninh
3) Phù Đổng Thiên Vương: Chữ Hán có nghĩa là “Tướng trời ở làng Phù Đổng”, tục gọi là thánh Dóng.
4) Xung Thiên Thần Vương: Chữ Hán có nghĩa là “Tướng thần bay vút lên trời”.
Bình:
• Truyện này trong nguyên bản Hán Văn là truyện “Đổng Thiên Vương”. Có thể Đổng là chữ Hán viết âm nôm Dóng mà ra. Tuy nhiên “thánh Dóng” hay “thánh Gióng” vẫn còn là một đề tài tranh luận. Ở đây, chúng ta sẽ tạm dùng “thánh Dóng”.
• Câu chuyện bắt đầu 3 năm trước khi đánh nhau với nhà Ân: Có nghĩa là phải luôn chuẩn bị cho chiến tranh. Đừng đợi nước đến chân mới nhảy. Lo cho chiến tranh khi đang hòa bình.
• Nhiều số 3 dùng trong truyện. Ta đã nói đến tâm lý con người yêu chuộng số ba trong truyện Đầm Một Đêm.
• Ông già to lớn ca hát ở ngã ba: Già là biểu tượng cho thông thái. Ca hát là biểu tượng cho văn nghệ sĩ và trí thức. Ca hát ở ngã ba là điên điên khùng khùng.
Vào ngày xưa, nam thì cầm kỳ thi tửu–đàn, cờ, thơ, rượu, và nữ thì cầm, kỳ, thi, họa. Cho nên trí thức và văn nghệ sĩ gần như có cùng một nghĩa, không như ngày nay.
Đây là nói về văn nghệ sĩ và giới trí thức có tiếng nói “điên điên khùng khùng”, không giống đại đa số dân chúng. Họ là những người sâu sắc, thấy xa trông rộng, thấy những điều không mấy người thấy, thấy chuyện chưa xảy ra, cho nên tiếng nói của họ thường “không giống ai” và “điên điên khùng khùng”. Chỉ rất ít người thông thái mới hiểu được họ.
Và văn nghệ sĩ và trí thức cảm nhận được hồn thiêng dân tộc, nói lên được tiếng nói của hồn thiêng dân tộc, nên truyện mới nói “ông già múa hát” chính là Long Quân.
Hùng Vương không những không chê cười “ông già múa hát” mà còn mời vào xin ý kiến, để có thể nghe các lời điên điên khùng khùng, đó là vua thông thái.
Vua không có tầm nhìn chỉ có thể nghe ve vuốt của những kẻ “thức thời.”
• Cố vấn của ông già Long Quân là: “Kế giữ nước, ấy là phải (1) nghiêm ngặt chỉnh đốn khí giới, (2)rèn luyện binh lính cho tinh nhuệ, lại phải đi (3) tìm bậc kỳ tài trong thiên hạ.”
“Cố vấn” này thì rất đơn giản, ai cũng biết, sao lại phải cố vấn cho vua? Thưa, đơn giản nhưng lại cực kỳ căn bản. Vì cực kỳ căn bản và quan trọng cho nên chính Long Quân phải lập lại cho vua.
Chú ý đến thứ tự, không làm đúng thứ tự này thì thuật trị nước không thành: (1) nghiêm ngặt, (2) rèn luyện, (3) tìm nhân tài.
Ngày nay, thuật trị nước này không chỉ cho chiến tranh quân sự, mà còn là chiến tranh chống nghèo đói và lạc hậu, chiến tranh kinh tế với các quốc gia khác trên thương trường quốc tế…
• Ông già ở làng Phù Đổng 60 tuổi mới sinh con, bé trai 3 tuổi mà chỉ biết nằm ngửa và không biết nói: “Già 60 tuổi” là biểu tượng cho khôn ngoan thông thái.
Đứa bé là đứa con của sự khôn ngoan thông thái. Đứa bé là biểu tượng của nhân dân. Nhân dân lúc nào cũng xem ra yếu đuối, ngu ngơ, không biết nói, không biết làm gì cả, ngu ngơ đần độn. Nhưng nhân dân thực sự là đứa con của khôn ngoan, vì khi quốc biến nhân dân là cứu tinh của quốc gia.
Đứa bé cũng là biểu tượng của quân đội, từ nhân dân mà ra, khi quốc biến.
• Vua phải đến với dân, dân không tự động đến với vua. Đối thoại phải do vua khởi xướng và người thay mặt vua phải đến gặp dân trong làng xã. Và vua, cũng như người đại diện, phải nghe dân nghiêm chỉnh, dù là dân chỉ có vẻ ngu ngơ như trẻ lên ba. Theo ý dân mà làm việc.
Binh pháp Tôn Tử nói đến 5 yếu tố chính của chiến lược: Đạo, thiên, địa, tướng, pháp. Đạo là quan trọng nhất: “Đạo là chỉ việc chính trị, đạo nghĩa, phải làm cho nguyện vọng của dân chúng và vua nhất trí với nhau, đồng tâm đồng đức.”
Vua dốt, thì không những không “gợi” cho dân nói, mà khi dân phê phán kêu ca thì bịt miệng dân cho được việc.
• Ngựa sắt cao mười tám thước, một thanh kiếm sắt dài bảy thước và một nón sắt: Đây hẳn nhiên là quân trang quân dụng cần thiết cho một quân đội.
Ngựa sắt là phương tiện và khả năng di chuyển thần tốc, quan trọng số một trong quân sự, nên ngựa sắt cao 18 thước. 18 là 2 lần 9, 9 là số lớn dương lớn nhất (thái dương), ý nói rất nhiều, rất lớn (Số 18 cũng dùng trong 18 đời Hùng Vương).
Kế tiếp là vũ khí tấn công, kiếm sắt 7 thước. 7 là số dương lớn thứ 2, dưới số 9.
Sau đó là nón sắt, bảo vệ binh sĩ.
Điểm quan trọng cần lưu ý ở đây là lý thuyết chiến lược của Việt Nam nhắm vào vận tốc là yếu tố quan trọng nhất (số 18 của ngựa sắt), và binh sĩ phải nhẹ để di chuyển nhanh (cho nên chỉ có mũ sắt mà không có giáp sắt). Vũ khí đứng thứ hai sau vận tốc. Đây là lý thuyết chiến lược giúp chúng ta bách chiến bách thắng trong cả nghìn năm nay, không thể sao nhãng được.
Binh pháp Tôn Tử nói: “Chim ưng vồ mồi chỉ một cú có thể xé nát con mồi, đó là nhờ vào thế tiết nhanh chớp nhoáng.”
Điều này rất thường đối với dân Việt, đã rành thuật chiến tranh ngay khi còn trong bụng mẹ. Nhưng quan sát các trận chiến của các đại gia thế giới, như Mỹ trong mấy thập niên qua, thì trọng tâm của chiến lược của họ là sức mạnh trấn áp của vũ khí, chứ không phải vận tốc uyển chuyển, xuất quỷ nhập thần, của chiến binh.
• “Một người thì làm sao mà đánh bại được giặc?” Một người đây là “đồng lòng nhất chí. Một dân tộc, một tấm lòng.”
Một quân đội (đứa bé) đến từ dân, toàn dân lo lắng nuôi nấng quân đội, vua lo lắng quân trang quân dụng, đáp ứng các nhu cầu của quân đội. Một quốc gia đoàn kết như thế, ắt phải chiến thắng.
• Và đứa bé bắt đầu ăn uống to lớn: Đó là biểu tượng của quân đội và nhu cầu của quân đội. Quân đội rất tốn kém. Một đứa bé mà cả làng phải lo ăn lo mặc. Cho nên chuyện chiến tranh là chuyện rất tốn phí, chỉ là chuyện bất dắc dĩ. Không nên đánh nhau khi không cần.
Binh pháp Tôn tử nói: “Bách chiến bách thắng cũng chưa phải là cách sáng suốt trong sự sáng suốt. Không cần đánh mà làm cho kẻ địch khuất phục mới gọi là sáng suốt nhất trong sự sáng suốt.”
• Cả làng nuôi đứa bé cũng là ý nói quân đội cần gần dân, cần được dân hỗ trợ. Quân đội không thể sống vững nếu xa dân.
• Kíp đến lúc quân nhà Ân tới chân núi Trâu (Trâu Sơn), em bé mới duỗi chân thành người cao lớn cưỡi ngựa sắt tấn công: Đây là chiến lược “phòng thủ bằng cách tấn công”, không đợi địch đến vây thành và ở trong thành để chỉ phòng thủ bị động. Chủ động tấn công trước, tại chiến địa do ta lựa chọn.
Dùng thế núi tấn công là chọn lợi thế địa hình cho ta: Vừa có địa thế tốt, vừa quen địa thế.
Luôn luôn chủ động chiến trường. Binh pháp Tôn Tử nói: “Người chỉ huy tác chiến giỏi là người có thể điều khiển quân địch chứ không theo sự điều khiển của quân địch.”
• Thắng trận song rồi cởi áo bay về trời: Các chiến binh sau chiến tranh là cởi áo giải ngủ, trở về đời sống vô danh, không mong danh lợi.
Chiến binh chiến đấu vì tổ quốc, không vì lợi danh.
Toàn dân chiến đấu vì tổ quốc, không vì lợi danh.
Đây có hai điều hơi trái ngược nhau trong truyện. Long Quân khuyên vua: “Phải đi tìm bậc kỳ tài trong thiên hạ, kẻ nào phá được giặc thì phong cho tước ấp, truyền hưởng lâu dài.” Đó là về phần vua, phải tỏ lòng thành bằng chính sách đãi ngộ nhân tài.
Nhưng nhân tài, nhất là chiến sĩ, chiến đấu hy sinh vì yêu tổ quốc chứ không phải vì danh tiếng, quan chức, bỗng lộc. Vua cũng phải hiểu đến điều này, để lấy cái tâm, láy lòng thành, mà trị quốc, chứ không phải chỉ đem lợi danh ra mồi chài những kẻ bất tài vô tướng.
Tưởng nhớ đến Thánh Dóng Phù Đổng Thiên Vương chính là tưởng nhớ đến các anh hùng vô danh của tổ quốc, từ các chiến sĩ vô danh đến các người dân vô danh, luôn hy sinh đời mình cho tổ quốc khi quốc biến.