Truyện Cá tinh (Ngư tinh)

Ở ngoài biển Đông có con cá đã thành tinh, mình như rắn dài hơn năm mươi trượng, chân nhiều như rết, biến hóa thiên hình vạn trạng, linh dị khôn lường, khi đi thì ầm ầm như mưa bão, lại ăn thịt người nên ai cũng sợ.

Đời thượng cổ có con cá dung mạo như người, bơi tới bờ biển Đông, biến thành hình người, biết nói năng, dần dần sinh ra nhiều con trai con gái, hay bắt cá, tôm, sò, hến mà ăn. Lại có giống mọi sống ở đảo biển, chuyên nghề bắt cá, sau cũng biến thành người, giao dịch với man dân các vật như muối, gạo, áo quần, dao, búa, v.v thường qua lại ở biển Đông. Có hòn đá Ngư tinh, răng đá lởm chởm cắt ngang bờ bể, ở dưới đá có hang, cá tinh sống ở trong đó. Thuyền dân đi qua chỗ này thường hay bị cá tinh làm hại.Vì sóng gió hiểm trở, không có lối thông, dân muốn mở đường đi khác nhưng đá rắn chắc khó đẽo. Một đêm, có tiên đến đục đá làm cảng để cho người đi dễ dàng qua lại. Cảng sắp làm xong, cá tinh bèn hóa làm con gà trắng gáy ở trên núi. Quần tiên nghe tiếng ngỡ rằng đã rạng đông nên cùng bay lên trời (nay gọi là cảng Phật Đào). Long Quân thương dân bị hại, bèn hóa phép thành một chiếc thuyền lớn, hạ lệnh cho quỉ Dạ Xoa ở dưới thủy phủ cấm thần biển không được nổi sóng, rồi chèo thuyền đến bờ hang đá cá tinh, giả vờ cầm một người sắp ném vào cho nó ăn. Cá tinh há miệng định nuốt, Long Quân cầm một khối sắt nung đỏ ném vào miệng cá. Cá tinh chồm lên quẫy mình quật vào thuyền. Long Quân cắt đứt đuôi cá, lột da phủ lên trên núi nay chỗ đó gọi là Bạch Long Vĩ, còn cái đầu trôi ra ngoài bể biến thành con chó. Long Quân bèn lấy đá ngăn bể rồi chém nó. Nó biến thành cái đầu chó, nay gọi là Núi Đầu Chó (Cẩu Đầu Sơn), còn thân mình. trôi ra ngoài Mạn Cầu, chỗ đó nay gọi là Cẩu Mạn Cầu.
.

Truyện Chồn tinh (Hồ tinh)

Thành Thăng Long xưa còn có tên là Long Biên, hồi thượng cổ không có người ở. Vua Lý Thái Tổ chèo thuyền ở bờ sông Nhĩ Hà, có hai con rồng dẫn thuyền đi, vì vậy đặt tên là Thăng Long, rồi đóng đô ở đấy, tức là đất kinh thành ngày nay vậy.

Xưa ở phía tây thành có hòn núi đá nhỏ. Trong hang dưới chân núi, có con chồn chín đuôi sống được hơn ngàn năm, có thể hóa thành yêu tinh, biến hóa thiên hình vạn trạng, hoặc thành người hoặc thành quỉ đi khắp nhân gian. Thời đó, dưới chân núi Tản Viên, người mọi chôn gỗ kết cỏ làm nhà. Trên núi có vị thần, người mọi thường thờ phụng. Thần dạy người mọi trồng lúa, dệt vải làm áo trắng mà mặc cho nên gọi là “mọi áo trắng” (Bạch y man). Con chồn chín đuôi biến thành người mọi áo trắng nhập vào giữa đám dân mọi cùng ca hát, dụ bắt trai gái rồi trốn vào trong hang núi đá. Người mọi rất khổ sở. Long Quân bèn ra lệnh cho lục bộ thủy phủ dâng nước lên phá vỡ hang đá, làm thành một đầm nước lớn. Nơi này trở thành một cái vũng sâu gọi là “đầm Xác Chồn” (tức Hồ Tây ngày nay). Rồi cho lập miếu để trấn áp yêu quái (tức chùa La đã ngàn năm). Cánh đồng phía Hồ Tây rất bằng phẳng, dân địa phương trồng trọt làm ăn, nay gọi là “đồng Chồn” (Hồ Đồng). Đất ở đây cao ráo, dân làm nhà mà ở, thường gọi là “thôn Chồn” (Hồ Thôn). Chỗ hang chồn xưa, nay gọi là đầm Lỗ Hồ (Lỗ Hồ Đàm).
.

Truyện Cây tinh (mộc tinh)


Thời thượng cổ ở đất Phong Châu có một cây lớn gọi là cây chiên đàn, cao hơn ngàn trượng, cành lá xum xuê, không biết che rợp tới mấy ngàn trượng. Có chim hạc bay đến làm tổ, nên đất chỗ đó gọi là đất Bạch Hạc. Cây trải qua không biết bao nhiêu năm, khô héo rồi biến thành yêu tinh, rất dũng mãnh, có thể giết người hại vật. Kinh Dương Vương dùng thuật thần đánh thắng cây tinh này. Cây tinh này hơi chịu khuất phục nhưng vẫn nay đây mai đó, biến hóa khôn lường, thường ăn thịt người. Dân phải lập đền thờ. Hàng năm tới ngày 30 tháng chạp, theo lệ phải mang người sống tới nộp, cây tinh mới để cho được yên ổn. Dân thường gọi cây tinh này là thần Xương Cuồng. Ở biên giới tây nam giáp liền với nước Mi Hầu, vua sai dân mọi ở Bà Lộ (nay là phủ Diễn Châu) bắt giống người mọi sống ở Sơn Nguyên tới nạp, như vậy đã thành lệ thường mọi năm. Tới khi Tần Thủy Hoàng bổ Nhâm Ngao làm quan lệnh Long Xuyên, Nhâm Ngao muốn bỏ tệ lệ ấy đi, cấm không được nạp lễ người sống, thần Xương Cuồng tức giận vật chết Nhâm Ngao. Vì thế, sau lại phải phụng thờ nhiều hơn nữa.

Đến đời vua Đinh Tiên Hoàng có pháp sư Du Văn Tường vốn người phương bắc, đức hạnh thanh cao, khoảng 40 tuổi, đã từng đi qua nhiều nước, biết được tiếng các dân mọi, học được thuật làm mình vàng và răng đồng, sang nước Nam ta lúc hơn 80 tuổi. Tiên Hoàng lấy lễ thầy trò mà tiếp, pháp sư bèn dạy cho pháp thuật để làm trò vui cho thần Xương Cuồng xem mà giết y. Người biết pháp thuật này có Thượng Kỵ, Thượng Can, Thượng Đát, Thượng Toái, Thượng Hiểm Can thường làm người cưỡi ngựa hoặc làm bọn con hát. Hàng năm tới tháng 11 lại dựng lầu cầu vồng cao 20 trượng, dựng một cây đứng ở trong, tết vỏ gai làm dây thừng dài 136 thước, đường kính rộng 3 tấc, lấy mây mà quấn ngoài rồi chôn hai đầu dây xuống đất, giữa gác lên cây. Thượng Kỵ đứng lên trên dây mà chạy nhanh 3, 4 lần, đi đi lại lại mà không ngã. Kỵ đầu đội khăn đen, mình mặc quần đen. Dây của Thượng Can dài 150 thước, có một chỗ mắc chạc ba. Hai người mỗi người cầm 1 cán cờ đi trên dây, gặp nhau ở chỗ chạc ba thì lại tránh, lên xuống mà không ngã. Khi thì Thượng Đát lấy một tấm gỗ lớn rộng 1 thước 3 tấc, dày 7 tấc đặt lên trên cây cao 17 thước, Đát đứng ở trên nhảy 2, 3 lầni, tiến tiến lùi lùi. Khi thì Thượng Toái lấy tre đan thành lồng hình như cái lờ bắt cá, dài 3 thước, tròn 4 thước rồi chui vào đứng thẳng mình mà không ngã. Khi thì Thượng Câu vỗ tay nhảy nhót, miệng la hét kêu gào, chuyển động chân tay, rờ xương vỗ bụng, tiến lên lùi xuống, hoặc làm người cưỡi ngựa phi nhay, cúi mình xuống nhặt lấy vật ở dưới đất mà không rơi khỏi lưng ngựa. Khi thì Thượng Hiểm Can ngả mình nằm ngửa, lấy thân đỡ một cái gậy dài rồi cho đứa trẻ trèo lên. Khi thì cho bọn ca hát gõ trống khua chiêng, ca múa rầm rĩ. Lại giết súc vật mà tế. Thần Xương Cuồng tới xem, pháp sư đọc mật chú rồi lấy kiếm ra chém. Thần Xương Cuồng cùng bộ hạ đều chết hết. Lệ làm lễ nạp dâng người sống hàng năm bèn bỏ, dân lại sống yên lành như xưa.

(Nguyễn Hữu Vinh dịch)
.

Bình:

• Ba truyện khắc phục Cá tinh, Chồn tinh và Cây tinh này đi ngay sau truyện khởi thủy lập quốc Họ Hồng Bàng, nói về các giai đoạn kiến tạo đất nước. Trước tiên ta có “người”, tức là “dân tộc”—họ Hồng Bàng; sau đó là “lãnh thổ” và “văn hóa”.

Về lãnh thổ thì truyện Cá tinh nói về biển, và truyện Chồn tinh nói về lục địa.

Về văn hóa, thì Cá tinh nói về thử thách từ ngoài vào–từ thiên nhiên hoặc ngoại thù; Chồn tinh nói về thử thách từ gian tham trong xã hội; và Cây tinh về sự xuống cấp các giá trị đạo đức văn hóa.

• “Tinh” là giai đoạn thần vật hay linh vật (animism), trong đó mọi thứ quanh ta sông, suối, đá, cá. chồn, cây đều có thể là thần linh. Đây thường là tôn giáo đầu tiên thời sơ khai của mọi dân tộc trên thế giới. Cho nên khi nói đến khó khăn người xưa nghĩ đến ma tinh là chuyện thường, như là Cá tinh, Chồn tinh và Cây tinh.

Triết lý nhân chủ:

Ai diệt Cá tinh, Chồn tinh và Cây tinh?

Cá tinh thi Lạc Long Quân diệt, và Chồn tinh cũng do Lạc Long Quân trấn yểm. Cây tinh thì Kinh Dương Vương, bố của Lạc Long Quân đã yểm trấn một phần; sau này do Du Văn Tường và 5 đệ tử diệt. Đây là một điểm rất thú vị và quan trọng trong việc phát triển tâm thức Việt Nam.

Thần thoại các nước, như thần thoại Hy Lạp, gốc gác của văn minh tây phương, thì thường phải có thần trị thần, hay thần trị quỷ. Con người coi như bất lực hoàn toàn. Trong thần thoại Việt Nam, con người trị quỷ thần. Chẳng có thần thánh nào khác. Ngay trong cả truyện Cá tinh, thì tiên phật trên trời xuống cũng chỉ giúp đào cảng để tránh bão, chứ chằng làm gì với yêu tinh cả.

Đây là triết lý nhân chủ–con người là chính. Con người tự khắc phục khó khăn quanh mình.

Lãnh thổ

• Truyện Cá tinh nói về khắc phục thử thách của đại dương, biểu hiệu bằng Cá tinh dữ dằn.

Loại người ăn thịt người và người “mọi” trong truyện có lẽ là các dân tộc đi biển sống tại các hải đảo vùng Thái Bình Dương.

Truyện này còn là kỳ tích về một số các địa danh miền biển—Bạch Long Vĩ, Đảo đầu chó, Cẩu Mạn Cầu, cảng Phật đào. (Tuy nhiên, ngày nay ta không biết các địa danh này ở đâu).

Điều thú vị là đuôi Cá tinh, sau khi bị chặt đi thì thành đuôi rồng trắng (Bạch Long Vĩ), tức là lên một cấp, từ cá thành rồng. Đây có lẽ là truyền thống tốt với người chết của ta—chết là hết thù, và còn được tôn trọng và nâng cao.

• Truyện Chồn tinh nói về khắc phục khó khăn trên đất liền, biểu hiệu bằng Chồn tinh.

Truyện này có sự chơi chữ thú vị của hai từ “Hồ” đồng âm nhưng khác nghĩa. Âm “Hồ” trong tiếng Hán có thể là “chồn” hay “hồ nước”. Âm “hồ” trong tiếng Việt là “hồ nước”. Trong truyện có “Hồ ly tinh” (chồn tinh) và “Hồ Tây” (hồ nước). Vài chữ Hồ trong truyện có thể hiểu cả hai nghĩa (Hồ Thôn, Hồ Đồng).

Truyện này còn là kỳ tích về một số địa danh trong vùng châu thổ sông Hồng.

Hiện tượng nước dâng lên núi giết chồn, cũng như truyện Sơn Tinh Thủy Tinh sau này, có lẽ đến từ các trận lụt hàng năm trong mùa mưa lũ.

Truyện này cũng nhắc đến việc L‎ý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Đại La và đổi tên lại là Thăng Long. Đây là một quyết định chiến lược lớn và sáng suốt. Hoa Lư là nơi núi non sông nước hiểm trở, dùng làm nơi phòng thủ quân sự thì rất tốt, song không phát triển kinh tế được. Dời đô về Thăng Long là lo phát triển kinh tế, và dùng sức mạnh kinh tế để tạo sức mạnh cho quốc gia. Tức là một bước tiến rất lớn trong tư tưởng trị quốc.

Văn Hóa

• Truyện Cá tinh có thể nói là truyện về thử thách từ bên ngoài vào–hoặc là thử thách thiên nhiên, hoặc là thù địch từ bên ngoài. Biện pháp đối phó với thử thách từ bên ngoài là đối phó thẳng mặt. Hạn hán, lụt lội, bão táp… hay quân xâm lăng từ bên ngoài tới, thì cứ phải nhào vào đối phó trực diện, không sợ hãi, như đến ngay trước miệng cá tinh và tống lửa ngay vào miệng nó.

• Truyện Chồn tinh là nói về sự gian tham xảo quyệt trong xã hội, như gian tham xảo quyệt của Chồn tinh chín đuôi. Số 9 là số lớn nhất trong các số đơn. Tức là sự xảo trá quỷ quyệt này rất cao siêu.

Tính gian xảo sống chung với chúng ta như chồn hóa người sống chung với người, đặc biệt là những người có khuynh hướng xấu, biểu hiệu bằng y phục màu trắng. Trong truyện Cá tinh có nói Cá tinh biến thành gà trắng gáy để lừa các tiên ngưng đào cảng và bay về trời. Truyện Chồn tinh thì nói đến người mọi áo trắng. Trong ngũ hành, màu trắng thuộc hành kim, là hướng Tây, hướng mặt trời lặn, hướng chết chóc.

Chồn tinh này lại ở trên núi, tức là sự gian xảo ở trên cao, ý ‎ nói gian xảo trong tầng lớp ăn trên ngồi trốc trong xã hội, không phải là gian xảo của đám người nghèo đói. Chính gian xảo của đám người cao cấp trong xã hội mới là gian xảo loại Chồn tinh, không phải loại trộm vặt của dân nghèo.

Muốn phá gian xảo cấp Chồn tinh thì ta phải rửa sạch gian xảo bằng “dâng nước lên phá vỡ hang đá”. Chỉ một chú chồn mà phải dâng nước ngập lụt toàn mặt đất lên đến tận hang đá trên đỉnh núi, cho thấy trừ gian xảo trong tầng lớp cao cấp xã hội là việc rất khó khăn và rất lớn. Đó phải là cố gắng làm ngập lụt toàn xã hội như là dâng nước ngập khắp nơi.

Và gian xảo này thì chẳng thể diệt được (vì nó nằm trong quả tim con người), mà chỉ có thể trấn yểm được, bằng đạo đức, biểu hiệu bằng chùa La. Nếu chùa mà không được duy trì tốt thì sẽ sụp, và lúc đó trấn yểm cũng hết hiệu lực, như truyện Cây tinh sau.

• Truyện Cây tinh là nói về sự sụp đổ của đạo đức và văn hóa nghệ thuật.

Cây chiên đàn, theo kinh sách Phật, là loại cây rất cao, có hương thơm trong gỗ, vì vậy nó thường được xem là loại cây cao quý, đôi khi được xem là Cây Thần. Người ta hay dùng gỗ chiên đàn để khắc tượng Phật.

Cây chiên đàn trong truyện này cao tốt đến nỗi Bạch Hạc đến làm tổ. Hạc trắng là loại thần điểu. Các vị tiên trong huyền thoại hay cỡi hạc trắng ngao du khắp vũ trụ. Chiên đàn có tổ bạch hạc tượng trưng cho một nền văn hóa đạo đức tốt, sản sinh ra tâm thánh thiện của con người.

Khi nền văn hóa đạo đức này chết đi, nó thực sự không chết, nhưng sẽ biến thành cái ngược lại, tức là thành tinh ăn thịt người sống, một loại tinh cực kỳ điên rồ gọi là Xương Cuồng. Loại tinh này còn kinh sợ hơn chồn tinh gian xảo. Chồn tinh còn lén lén lút lút bắt người xấu tính, nhưng Cây tinh thì bắt người ta phải dâng người sống đến tận miệng mình. Tức là, khi văn hóa đạo đức mà suy sụp thì mọi người phải hoàn toàn quỳ gối trước yêu tinh.

Và rốt cuộc chỉ đám người nghèo hèn dốt nát là khổ nhất, như là “mọi” bị bắt đi cúng yêu tinh. Bị yêu tinh ăn là bị mất chính mình cho suy đồi đạo đức,

Muốn giết được tinh này thì phải dùng “đạo đức” và “văn hóa nghệ thuật.”

“Đạo đức” biểu hiệu bằng pháp sư Du Văn Tường từ Trung quốc sang. Cần nhắc thêm là truyện Cây tinh nói đến đời Đinh Tiên Hoàng, là thời vừa xong chiến tranh thập nhị sứ quân, nền đạo đức văn hóa đã rất suy sụp. Đó cũng là thời Phật giáo bắt đầu du nhập mạnh mẽ vào Việt Nam, và tạo nên Lý‎ Công Uẩn, người trở thành vua L‎ý Thái Tổ chỉ một thời gian ngắn sau khi Đinh Tiên Hoàng mất.

“Văn hóa nghệ thuật” biểu hiệu bằng năm anh em họ Thượng (tức là “cao”), học trò của pháp sư Du Văn Tường, chuyên làm con hát. Có nghĩa là nền văn hóa nghệ thuật phải đặt trên căn bản đạo đức, chứ không phải nghệ thuật nào cũng được.

Chỉ đạo đức và văn hóa nghệ thuật phục vụ đạo đức mới trừ được Cây tinh.

“Lại giết súc vật mà tế” có nghĩa là lại phải cần tiền để phổ biến đạo đức và văn hóa nghệ thuật.

Lúc đó thần xương cuồng mới có thể bị diệt.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play