Sắc trời chạng vạng, ba bóng người đi ra từ sâu bên trong rừng cây.

Trong miếu không nhóm lửa, hai bên nhìn nhau, lại cách màn mưa nên đều không nhìn rõ.

Lát sau, Tiêu Mãn Y lặng lẽ lui ra phía sau một bước, vốn định trở lại trong miếu, báo cho mấy người khác trong trang Lưu Vân đi trước một bước. Nhưng gió chợt nổi lên lay động vòng tay của nàng ấy, trong tiếng mưa rả rích, bỗng nhiên phát ra tiếng leng keng.

Hai bên yên lặng nửa khắc, chợt trong rừng có một người mở miệng nói:

– Yên Hoa?

Tiêu Mãn Y và Mục Diễn Phong đồng thời ngơ ngẩn, nhìn nhau rồi đi thẳng vào trong rừng mặc kệ nước mưa.

Vu Hoàn Chi trầm ngâm chốc lát, cũng cầm tay hoa đào Nam, đi về phía trước.

Đỉnh núi Thiên Bình nguy cơ tứ phía, mặc dù nghe thấy âm thanh của nhau, trong lòng cũng phải đề phòng.

Cách xa một trượng, bốn người bỗng dừng chân lại.

Một lát sau, Nam Sương và Tiêu Mãn Y nhìn nhau mà cười. Vu Hoàn Chi cũng thở phào nhẹ nhõm, khom người gọi:

– Thiếu chủ.

Vẻ mặt Mục Diễn Phong nhẹ nhõm đi nhưng vẫn không thể che giấu tâm sự nặng nề, chốc lát, hắn đưa mắt dời về phía sau Vu Hoàn Chi, ngạc kinh nói:

– Âu Dương Vô Quá.

Âu Dương Vô Quá hừ lạnh một tiếng, không để ý đến bốn người, phất tay áo vào trong căn miếu đổ nát.

Đỉnh núi Thiên Bình vẫn có mùi khói súng, mùi máu tanh vẫn chưa phai nhạt đi vì được nước mưa cọ rửa. Sau khi Vu Hoàn Chi và Mục Diễn Phong thương lượng qua tình hình thoát khỏi đỉnh núi, đều cho rằng nơi này không thể ở lâu.

Nếu chỉ luận võ công, mấy người họ tuyệt không nói chơi. Nhưng Âu Dương Nhạc nhiều thuộc hạ, nếu lại có cao thủ bao vây chặn đánh thì đám người Mục Diễn Phong chạy trời không khỏi nắng.

Hai người lại lên kế hoạch tuyến đường xuống núi.

Quyết không thể trở về trang Lưu Vân. Sở dĩ Âu Dương Nhạc mãi chưa đuổi theo, nhất định là đã phân tán nhân mã đến mai phục ở trang Lưu Vân. Sau khi xuống núi có hai con đường có thể đi: một là vòng qua dãy nũi phía nam, đi qua trấn nhỏ, xuôi dòng trôi xuống; hai là đi đường núi vòng qua trấn Vân Thượng, đến Tô châu rồi quyết định nơi đi.

Mặc dù đường trước an toàn nhưng con đường lại hết sức khó lường. Con đường thứ hai nhất định có nguy cơ tứ phía, nhưng nếu có thể thuận lợi ra khỏi thành Tô châu thì mấy người có thể tạm thời thoát khỏi nguy cơ.

Giang Lam Sinh nghe lời bàn của hai người xong, bỗng nhiên dựa vào đống cỏ khô lười biếng hỏi một câu:

– Đích đến của các người ở đâu?

Vu Hoàn Chi và Mục Diễn Phong liếc nhau, lại trầm mặc.

Nam Sương tiếp lời:

– Về kinh.

Kinh thành đường xá xa xôi nhưng ở dưới chân thiên tử. Nếu họ đến kinh thành thì chắc Âu Dương Nhạc không dám phái người hành động thiếu suy nghĩ, như vậy, Mục Diễn Phong có thể bàn bạc kỹ hơn, phản kích lúc đường cùng.

Huống chi, ba người Mục Chiêu, Vu Kinh Viễn cùng với Nam Cửu Dương đều ở kinh thành, đến đó cũng có người tiếp ứng.

Tội cái là con đường đến kinh thành này.

Nếu họ đã biết đi kinh thành là lựa chọn tốt nhất trước mắt thì chắc chắn Âu Dương Nhạc cũng có thể ngờ tới.

Lên bắc có thể đi đường bộ, cũng có thể đi đường thủy. Nếu đi thuyền, mặc dù tốc độ nhanh nhưng không khác nào được ăn cả ngã về không, một khi trên thuyền có người của Âu Dương Nhạc thì rất dễ gặp phải kết cục đồng quy vu tận. Vì vậy, họ chỉ có thể lựa chọn đi đường bộ.

Đường bộ khúc chiết, núi xa sông dài, nhất định cực kỳ nguy hiểm.

Trầm ngâm chốc lát, Vu Hoàn Chi gật đầu:

– Được, đến kinh thành.

Mục Diễn Phong ngẩn ra, ngước mắt nhìn y:

– Cậu Vu?

– Đến kinh thành. – Vu Hoàn Chi như chém đinh chặt sắt – Thiên hạ to lớn không chỗ không loạn, nếu có thể đến kinh thành thì chúng ta có thể chiếm được thời gian. Nếu chiếm được thời gian thì có thể tìm đường sống trong chỗ chết.

Mục Diễn Phong ngước mắt nhìn mưa bụi đầy trời, trăng non mông lung chiếu vào trong đôi mắt của hắn – Tôi đề phòng nhiều năm rồi, không ngờ hôm nay vẫn thất bại thảm hại.

Vu Hoàn Chi cũng ngước mắt lên nhìn vầng trăng non đó, cười nhạt nói:

– Tôi từng nghe, trời định giáng cho người nào trách nhiệm lớn lao, ắt trước tiên làm cho khốn khó tâm trí, nhọc nhằn gân cốt, thân xác bị đói khát, chịu nỗi khổ sở nghèo túng, làm việc gì cũng không thuận lợi.

– Những lời này bị người ta đọc nhiều rồi, đọc lâu rồi thì cũng tầm thường. Nhưng thiếu chủ thường nói với tôi, cảm thấy cả đời thuận lợi, không nhiều long đong, lúc này nghĩ đến lời ấy lại thấy rất hợp. – Vu Hoàn Chi nói – Cục diện hôm nay không phải thất bại thảm hại gì cả mà là trời giáng trách nhiệm lớn lao, làm việc gì cũng không thuận lợi mà thôi.

Mục Diễn Phong trầm ngâm chốc lát, bỗng nhiên bật cười.

Mặc dù giữa đêm im ắng lạnh lẽo, tiếng cười của hắn vẫn tiêu sái sang sảng, như một ánh mặt trời bừng bừng sức sống:

– Cậu Vu, đến kinh thành rồi, cậu định làm thế nào?

Vu Hoàn Chi nhướng mày, khóe miệng vẫn chứa một nụ cười nhạt:

– Vốn dự định dẫn Sương tìm một nơi tốt đẹp để ở lại. – Y dừng lại rồi nói tiếp – Nhưng cục diện hôm nay không thể không thu dọn một phen. Có lẽ tôi sẽ luyện thành bảy thức Mộ Tuyết trước, đến lúc đó sẽ để thiếu chủ sai khiến.

– Được! – Mục Diễn Phong gật đầu, mắt lộ ra vẻ khen ngợi – Nếu đến kinh thành rồi, tất nhiên tôi sẽ gắng lĩnh ngộ kiếm pháp Thiên Nhất, cha nói sau khi chín tầng, cửu cửu quy nhất.

Sau khi chín tầng, cửu cửu quy nhất. Là tâm quyết không truyền ra ngoài của kiếm pháp Thiên Nhất, kiếm pháp này chia làm chín tầng, nhưng lại có người nói, nếu có thể luyện nhuần nhuyễn chín tầng, cộng thêm năng lực lĩnh ngộ của người tu luyện được trời ưu ái thì có lẽ có thể đột phá cửa ải ẩn giấu, từ đó người cùng kiếm hợp thành một thể, lúc ra chiêu, kiếm khí lượn lờ như mây, tiêu diệt cả ngàn cả vạn kẻ địch chỉ trong nháy mắt.

Nam Sương nghe hai người nói xong, không khỏi bật cười:

– Em cũng cảm thấy phải dạy dỗ Âu Dương Nhạc. Anh chớ buồn, mẹ em nói, việc đời như trăng, trăng tròn rồi khuyết, lên xuống bất định. Phải tĩnh tâm, thong dong mới có thể ứng đối như thường.

Tiêu Mãn Y nghe vậy “Ôi” một tiếng, hỏi:

– Hoa Đào Nhỏ, cô nhìn trộm mới biết nhảy khúc Kinh Loan sao? Làm sao biết những lời này?

Vừa dứt lời, bốn người Vu Hoàn Chi nhìn nhau.

Một lúc lâu sau, ánh mắt Tiêu Mãn Y vụt sáng, như ngộ ra điều gì, lúng ta lúng túng nói:

– Trong khúc Kinh Loan, đoạn khó nhất không phải ở chỗ cao trào của khúc nhạc mà ở đoạn trèo mây lên trăng đến ánh trăng đầy trời. Đoạn này, làn điệu thê lương lại kì dị, thầy tôi từng nói, muốn nhảy tốt đoạn này nhất định phải dung tình vào cảnh, trong lòng phải cảm thán việc đời như trăng, trăng tròn rồi khuyết, lên xuống bất định. Vậy thì lúc múa cũng phải tĩnh tâm, thong dong, mới có thể ứng đối như thường.

– Từ trèo mây lên trăng đến ánh trăng đầy trời… – Vu Hoàn Chi nhíu mày suy nghĩ sâu xa, đột nhiên hỏi – Cô nương Mãn Y, phối nhạc của khúc Kinh Loan xuất xứ từ triều nào, đất nào?

Tiêu Mãn Y ngẩn người, bỗng nhiên bật cười:

– À, trùng hợp thầy từng đề cập tới cái này, là làn điệu lưu truyền những năm cuối thời Nam triều.

– Quả nhiên… – Vu Hoàn Chi trầm giọng nói, lát sau, y cong môi cười – Chuyển Nguyệt, thanh ca, lệ mãn khâm… Thì ra là thế.

Vu Hoàn Chi ngước mắt nhìn lên trên núi, trầm tư chốc lát rồi hỏi:

– Thiếu chủ, có thể nám lại thời gian uống cạn chén trà không?

Mục Diễn Phong liếc vào trong miếu, mọi người đã băng bó xong vết thương nhưng nét mặt vẫn có vẻ mệt mỏi bèn đáp:

– Được.

Vu Hoàn Chi lấy sách Chuyển Nguyệt ra từ trong ngực, đưa cho Tiêu Mãn Y, hỏi:

– Cô nương Mãn Y có biết làm phổ giảm tự[1] của đàn cổ không?”

Tiêu Mãn Y ngẩn người, hỏi:

– Anh muốn phổ giảm tự của đoạn làn điệu đó ư? – Nàng ấy nhíu mày suy nghĩ một lát, lại nói – Đoạn đó rất kỳ quặc, lấy đàn nhị làm điệu chính, vốn có đàn tam thập lục, tỳ bà hòa cùng có thể làm nền trầm thấp dịu dàng, nếu nghe riêng thì vô cùng quái dị.

Nàng ấy dừng một chút rồi lại nói:

– Chi bằng tôi ngâm nga trước cho anh nghe.

Hết một khúc. Vẻ mặt Vu Hoàn Chi cực kì ngạc nhiên, Mục Diễn Phong và Nam Sương cũng nghe ra kỳ quặc. Làn điệu quanh co từng đợt, nếu dùng riêng để diễn tả vẻ réo rắt thảm thiết của ánh trăng thưa thớt thì cũng hợp, nhưng nếu hát đơn độc khỏi khúc Kinh Loan thì vô cùng quái dị.

Vu Hoàn Chi nhặt khúc gỗ tại chỗ đó, dùng nội lực ép mạnh, đầu gỗ lập tức nứt thành mấy cây đũa nhỏ. Nam Sương thấy thế liền vội vàng lấy cây đốt lửa từ trong ngực ra.

Vu Hoàn Chi lấy cây đốt lửa châm lửa, đốt trụi đuôi đũa nhỏ rồi đưa cho Tiêu Mãn Y:

– Làm phiền cô nương Mãn Y dùng phổ giảm tự ghi lại đoạn này.

Tiêu Mãn Y nhận đũa không hề chần chừ, tìm một trang trắng trong sách Chuyển Nguyệt rồi ghi lại.

Lúc này Mục Diễn Phong mới hỏi:

– Cậu Vu đã hiểu ra bí ẩn của phổ Chuyển Nguyệt rồi ư?

Vu Hoàn Chi nói:

– Chưa hiểu hết, nhưng nếu cô nương Mãn Y chép khúc phổ ra thì chắc tất cả huyền cơ sẽ được giải quyết dễ dàng.

Bốn người đứng ở dưới mái hiên hành lang, nhỏ giọng thầm thì, cách tiếng mưa rơi rả rích, người trong miếu cũng không thể nghe rõ lời họ nói.

Nam Sương lại hỏi:

– Vậy vừa rồi công tử Hoàn nói, Chuyển Nguyệt, thanh ca, lệ mãn khâm, là có ý gì?

– Là tôi luôn tìm nhầm lối. – Vu Hoàn Chi nói – Tôi chỉ mải suy nghĩ hàm nghĩa cả câu nhưng chưa chú ý từng từ.

– Chuyển Nguyệt chỉ phổ Chuyển Nguyệt, lệ mãn khâm đại khái là nói đến đoạn làn điệu từ trèo mây lên trăng đến ánh trăng đầy trời mà Mãn Y vừa nói. Tôi có thể đoán được chuyện này. – Mục Diễn Phong nói – Nhưng thanh ca là chỉ gì?

– A! – Hoa đào Nam bỗng dưng kêu lên – Nam triều…

Vu Hoàn Chi gật đầu:

– Thiếu chủ có còn nhớ quyền pháp, tranh hoa chim và phổ đàn trên sách Chuyển Nguyệt? – Nói đoạn, ánh mắt y rơi vào khúc phổ dần dần hiện ra trên trang giấy – Năm bước quyền pháp, thiếu một, là muốn nói cho chúng ta biết, trong phổ Chuyển Nguyệt cũng có vật năm thiếu một. Xưa nay làn điệu phân thành năm âm cung, thương, giác, trưng, vũ. Tôi từng kiểm tra sách Chuyển Nguyệt, khúc phổ phía sau cũng thiếu một trong năm âm.

– Trước kia tôi nghĩ quá phân tán. Chỉ biết giữa quyền pháp và khúc phổ có liên quan đến năm thiếu một. Mỗi khúc phổ ứng với một bức tranh. Tôi tưởng rằng nếu khúc Kinh Loan đã là điệu múa thì chắc là sẽ ứng với quyền pháp kia, nào ngờ cũng không phải như vậy.

– Thiếu chủ nói không sai, Chuyển Nguyệt thanh ca lệ mãn khâm. Ba chữ lệ mãn khâm là chỉ đoạn làn điệu này. Sở dĩ đoạn làn điệu này quái dị là vì khuyết một âm. – Nói đến đây, y dừng lại – Khúc Chuyển Nguyệt bắt nguồn từ Nam triều. Mà ở Nam triều, thanh ca được gọi là khúc Thanh Thương. Âm thiếu trong đoạn khúc phổ này chính là Thương.

Tiêu Mãn Y nghe xong, động tác trong tay dừng lại, ngước mắt nói:

– Nhưng trước giờ khúc đàn thay đổi khôn lường, dù anh tìm được âm Thương này thì chỉ việc điền âm vào điệu, dẫn điệu vào khúc thế nào đã có ngàn vạn loại biến hóa rồi.

Vu Hoàn Chi nở nụ cười nhẹ, ánh mắt rơi vào vai trái Nam Sương:

– Nàng còn nhớ mỗi khúc phổ đều ứng với tranh hoa chim chứ?

Nam Sương ngẩn ra:

– Ý công tử Hoàn là… một màu xuân?

– Chính là một màu xuân. – Vu Hoàn Chi cười nói.
[1] Một cách viết phổ nhạc bằng chữ cho đàn.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play