Hôm nay 15 tháng chạp, Đào Vĩnh Thịnh đến nhà mời Đào Tam gia đi một chuyến.
Đào Tam gia nhìn đôi mắt đầy tơ máu của Đào Vĩnh Thịnh thì trong lòng hiểu rõ. Chỉ sợ Đào lão đại không trụ được nữa rồi vì thế ông thở dài nói với vợ một tiếng và ra ngoài.
Đào Vĩnh Thịnh nói: “Tam gia đi trước nhé, cháu còn phải mời Ngũ gia nữa!”
Đào Tam gia xua tay nói: “Chúng ta cùng đi thôi!”
Nói xong hai người cùng đi tới nhà Đào Ngũ gia. Rất nhanh ba người cùng tề tựu và đi về phía thôn đông. Dọc đường đi Đào Tam gia và Đào Ngũ gia đều im lặng, Đào Vĩnh Thịnh đi phía sau thường lau mắt.
Đào Đại gia đã bị bệnh tật tra tấn đến không còn hình người, sắc mặt xám ngắt, hốc mắt trũng sâu, xương gò má gồ lên. Có lẽ là hồi quang phản chiếu nên tinh thần của ông tỉnh táo hơn nhiều, thấy Đào Tam gia và Ngũ gia tới ông ấy còn giơ tay cười tiếp đón.
Đào Tam gia chỉ thấy trong lòng đau xót, một hàng nước mắt rơi xuống. Ông vội vàng đi về phía trước nắm lấy tay Đào Đại gia và gọi: “Đào lão đại!”
Đào Ngũ gia cũng bi thương đứng ở một bên, trong phòng đã có không ít người, đều là bậc đức cao vọng trọng trong thôn và con cháu nhà Đào Đại gia. Có lẽ ông ấy biết mình sắp đi nên cố ý để Vĩnh Thịnh đi mời mọi người tới.
Đào Đại gia vỗ vỗ tay Đào Tam gia rồi lại dựa lên đệm và cười nói: “Khóc cái gì? Các ngươi nên chúc mừng ta mới đúng, sống lâu như vậy lại bị bệnh lâu như vậy rốt cuộc cũng được giải thoát rồi.”
Đào Đại gia nói xong thì nghỉ tạm một lát mới nói tiếp: “Hôm nay ta gọi mọi người tới là muốn dặn dò hậu sự. Con cháu trong nhà đông đảo, mấy người các ông có thể canh chừng và quan tâm tới tụi nó thì tốt quá.”
Đào Tam gia nói: “Có lời gì muốn nói thì ông mau nói đi!”
Đào Đại gia tiếp tục: “Năm đó vì nạn đói và chiến loạn nên ta làm chủ phân ruộng đất trong tộc cho mọi người. Mấy năm nay mọi người đồng tâm hiệp lực nên ngày tháng trôi qua cũng an ổn. Chờ ta đi rồi, con trai cả của ta là Trường Diệu sẽ làm tộc trưởng. Mấy người các ông giúp đỡ hắn giải quyết mọi việc trong tộc. Ngày tháng thái bình sợ là khó mà lâu được, nếu có thiên tai và chiến loạn thì nhớ phải đồng lòng vượt qua khó khăn!”
Đào Trường Diệu đứng ở bên cạnh cha mình nghe thế thì quỳ xuống khóc rống lên: “Cha, con nhất định sẽ chăm sóc mọi người thật tốt!”
Đào Đại gia giơ tay nói: “Đứng lên đi! Mùa đông rồi, đừng để đầu gối bị lạnh!”
Đào Trường Diệu đứng dậy và ngồi xuống đầu giường vỗ ngực thuận khí cho cha mình.
Đào Đại gia lại nói tiếp: “Tộc lương là phải canh thật tốt, đó là lương thực chúng ta tích cóp nhiều năm, là cọng rơm cứu mạng lúc thiên tai đó!”
Đào Trường Diệu gật đầu thế là Đào Đại gia lại nói: “Bốn anh em con đã phân gia hết rồi, cuộc sống cũng đều tốt. Người ta thường nói cha mẹ còn ở thì không phân gia, nhưng Đào lão đại ta không để ý cái đó. Sau khi phân gia ta thấy khá tốt, chẳng có mâu thuẫn gì! Chờ ta đi rồi bốn anh em các con phải hỗ trợ lẫn nhau, không được vì việc nhỏ mà gây sự bất hòa!”
Đào Trường Diệu, Đào Trường Tổ, Đào Trường Lễ và Đào Trường Hiền vội quỳ xuống đảm bảo với cha mình. Lúc này Đào Đại gia mới gật đầu tìm kiếm trong đám người vây quanh và gọi: “Tố Phân, Tố Phân.” Đây là khuê danh của Đào đại nãi nãi Vương thị.
Bà ấy vốn đang tránh sau mọi người khóc thút thít nhưng vừa nghe thấy chồng gọi thế là vội đi tới cầm tay Đào Đại gia khóc: “Lão nhân, ta ở đây!”
Đào Đại gia cười nói: “Tố Phân à, bao nhiêu năm nay bà đi theo ta chịu khổ, chúng ta làm vợ chồng 60 năm cũng coi như tới cuối cùng rồi. Con cháu có phúc của con cháu, người duy nhất ta không nỡ bỏ lại chính là bà!”
Vương thị khóc đến không thở nổi: “Lão nhân, con cháu đều hiếu thuận! Ông cứ yên tâm!”
Đào Đại gia gật đầu nhìn Đào Trường Diệu nói: “Trường Diệu, con là con cả, hiện tại ta giao cả tộc cho con, và cả mẹ con nữa. Ta đi rồi con phải chăm sóc bà ấy cho tốt!”
Trường Điệu lau nước mắt và gật đầu thế là Đào Đại gia mới cười nói: “Đám cháu cũng đều đã thành người, ông nội vẫn nói một câu ấy: làm người nhất định phải đi đường ngay, đừng làm việc gì thương thiên hại lý!”
Mấy đứa Đào Vĩnh Thịnh, Đào Vĩnh Tân đều quỳ xuống dập đầu. Đào Đại gia lại nói: “Thiện Nhi cũng sắp 10 tuổi rồi, là đứa nhỏ ngoan. Mấy đứa chắc trai khác ta thấy cũng không tồi, phải nuôi tụi nó thật tốt, đừng để đứa nào đi lệch đường!”
Người nhà Đào Đại gia đều gật đầu. Lúc này cái gì cần nói đã nói, vì thế ông ấy xua tay: “Thôi mọi người về đi, lúc này cuối năm nhà ai cũng bận, ta cũng chẳng tiễn nữa. Trường Diệu, con tiễn mọi người về đi!”
Đào Tam gia và mọi người lưu luyến nhìn Đào Đại gia vài lần mới thương tâm rời đi.
Đêm đó vào giờ Dậu canh ba, Đào Đại gia qua đời.
Quan tài và áo liệm của ông ấy đã sớm chuẩn bị tốt, nhân lúc ông ấy mới vừa đi, tay chân còn mềm người nhà vội giúp ông ấy lau người, thay áo liệm và đặt vào quan tài. Linh đường bày ở từ đường của tộc, đây là quy củ trong thôn, chỉ cần không phải chết non thì đều có thể bày linh đường ở đây.
Người trong thôn đều chủ động tới hỗ trợ, có người lên núi chặt nhánh cây bách, có người lên trấn trên mua nến và giấy thơm. Câu đối phúng điếu là do Đào Trường Hiền tự mình viết, Đào Trường Tổ thì đi mời đám người thổi kèn đánh chiêng trống. Thầy phong thủy ắt không thể thiếu, phải để ông ấy xem qua nơi nào hợp xây mộ thì mới ổn. Sau khi phối hợp sinh thần bát tự của Đào Đại gia ông ấy định ra ngày đưa tang là 18 tháng chạp.
Trong ba ngày này thân thích và người quen lục tục tới phúng viếng Đào Đại gia. Thậm chí có vài người già còn khóc tới ngất xỉu khiến mọi người sợ tới mức vội ấn huyệt mới tỉnh lại. Người vừa tỉnh đã lại khóc, còn gọi tên Đào Đại gia bảo ông ấy đi trước, bọn họ rất nhanh sẽ đi theo!
Đào Trường Diệu là con cả, Đào Vĩnh Thịnh là đích tôn, Đào Thanh Thiện là chắt cả đều mặc đồ trắng đứng phía trước còn những người khác đứng phía sau cảm tạ mọi người tới phúng viếng.
Lễ phúng viếng chính được tổ chức tối ngày 17 tháng chạp, già trẻ cả thôn đều tới từ đường. Ngoài ra còn có thân thích và người quen của Đào Đại gia, người tới chật kín cả linh đường. Không khí trang nghiêm, ngoài những người vẫn khóc thút thít thì còn có tiếng khóc nháo của đám trẻ chưa hiểu chuyện.
Trên bãi đất trống đối diện linh đường có một cái đài, trên đó để ba băng ghế. Việc phúng viếng ở Đào gia thôn còn được gọi là ‘kịch diễn trên băng ghế’. Nghĩa là người ta sẽ diễn lại một vở kịch kể lại cả đời người đã khuất. Người kể chuyện là tấn nghi, diễn viên chính là con cả Đào Trường Diệu, đạo cụ chính là một cái băng ghế. Vừa tới giờ thì chiêng trống và kèn sáo đã vang lên, nhạc công ngồi ở băng ghế hai bên thổi khúc nhạc buồn. Tấn nghi đã tìm hiểu cả đời của Đào Đại gia vì thế vừa bắt đầu vở diễn hắn đã khóc nức nở, một tay lôi kéo Đào Trường Diệu, một tay nâng băng ghế đi một bước lại khóc xướng một vài câu kể về cuộc đời Đào Đại gia. Sau đó hắn sẽ buông băng ghế và ngồi xuống một mình, Đào Trường Diệu vẫn sẽ phải đứng đó chờ tấn nghi khóc xướng xong mới đứng dậy nâng băng ghế đi về phía trước. Cứ vậy lặp lại 10 vòng, mãi tới khi khóc xướng xong cuộc đời của Đào Đại giao thì mới coi như hoàn thành.
Tấn nghi chuyên làm nghề này nên tiếng khóc bi thương nức nở, lại thêm tiếng chiêng trống kèn nhạc buồn bã, cộng với tiếng thút thít của mọi người khiến không khí càng thêm thê lương. Con cháu Đào Đại gia cũng khóc lóc, mọi người cực kỳ khổ sở.
Một vở kịch này rất lâu, người chịu tội nhất là con cả Đào Trường Diệu. Ông ấy vẫn phải đứng, không thể uống nước hay nói chuyện, xúc động cũng không được khóc. Chờ diễn xong thì Đào Trường Diệu đã khổ không nói nổi. Đào Vĩnh Thịnh nhanh chóng đỡ cha mình vào phòng nghỉ ngơi. Tra tấn này cũng là phần đặc sắc của vở diễn, chính là để con cháu nhớ rõ vất vả của ông cha, còn cả ân tình nữa.
Vở kịch xong rồi các thôn dân cũng mang theo mắt sưng về nhà. Sáng sớm hôm sau bọn họ lại tụ tập trước nhà Đào Đại gia chờ đưa quan đi hạ táng. Quan tài nặng cần 8 người khiêng, đường từ nhà tới huyệt mộ cũng cần có thầy phong thủy tính kỹ. Đội ngũ đưa ma mang theo tiếng khóc rống cùng tiễn Đào Đại gia tới một miếng đất địa thế cao trong nghĩa địa của tộc. Vị trí đã được đánh dấu bằng tro bếp, lúc này lao động trong thôn nhanh chóng đào xong hố. Thầy phong thủy chỉ huy người nhà đốt rơm rạ bỏ vào hố nói là để giết hết kiến bọ đảm bảo người chết được an lành. Sau đó ông cho người đốt vàng mã, chờ đến giờ lành là hạ quan tài. Tám người nâng quan đồng tâm hiệp lực để quan tài vào hố. Lúc lấp đất mọi người lại khóc.
Một nắm đất vàng là vùi lấp một sinh mệnh, chỉ để lại một đống đất nho nhỏ mà thôi!
Tiền giấy màu trắng rải một đường, cờ trắng vây quanh ngôi mộ, con cháu mặc đồ tang đồng loạt khom người với nấm mồ. Thầy phong thủy cầm cái chậu đựng ngũ cốc hoa màu bên cạnh cứ niệm kinh mãi, người đưa ma theo thứ tự sẽ đi lên vốc chút lương thực trong chậu và bỏ vào túi. Đây là chúc phúc của người chết.
Đào Đại gia xuống mồ bình an, đây gọi là hỉ tang. Đào Trường Diệu chuẩn bị cơm đãi mọi người, gia chủ các nhà trong thôn đều đi. Cơm trong lễ tang không giống tiệc cưới, không có thịt chưng thái lát và thái tảng để mang về. Tuy đây cũng là hỉ tang nhưng rốt cuộc vẫn có một chữ tang nên không thể mang đồ ăn về nhà. Thôn dân ăn cơm này sẽ được chủ nhà khom người tiễn lúc ăn xong ra về.
Phần sau là hóa vàng mã, cái này do con cháu của người đã khuất lo. Cứ cách 7 ngày bọn họ lại tới mộ hóa vàng, mãi tới khi đủ bảy lần 7, 49 ngày mới coi như xong tang sự.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT