dịch: Uyên Uyên

Chương 31

Sống lưng Lâm Du lạnh buốt, lập tức có dự cảm chẳng lành.

Quay đầu lại nhìn thì quả nhiên, Văn Chu Nghiêu đang lao vào cửa như cơn gió lốc, bước chân như tóe lửa, vội vội vàng vàng.

"Anh." Lâm Du cất tiếng gọi.

Văn Chu Nghiêu liếc mắt nhìn cậu rồi gật đầu chào Sở Thiên Hướng đứng cạnh, "Chú."

Sở Thiên Hướng thấy Lâm Du chột dạ ra mặt thì buồn cười cực, cứ như cậu công tử nhỏ ngồi trên sô pha điềm nhiên ra điều kiện với người khác mới rồi đã biết mất không còn tung tích. Chú âm thầm khụ một tiếng rồi nói với Văn Chu Nghiêu: "Nếu cháu đã tới đây rồi thì tự dẫn em về nhé, bọn chú không theo nữa. Lần sau có thời gian thì đến chỗ chú ăn cơm."

"Dạ." Văn Chu Nghiêu đáp, "Cảm ơn chú."

Sở Thiên Hướng vỗ vai Văn Chu Nghiêu, môi cong cong, "Bình tĩnh chút, đừng làm nó sợ."


Rồi là dẫn người rời đi.

Vốn dĩ giờ này trong đại sảnh cũng chẳng có mấy ai, đặc biệt là lúc nãy ông chủ Tiêu đó làm hùng làm hổ lên, rồi nhóm Sở Thiên Hướng kéo đến, người có mắt nhìn đều chạy từ sớm.

Văn Chu Nghiêu xách áo khoác, cúi đầu nhìn người trước mặt, giọng không chút cảm xúc: "Lâm Du, em có gì muốn nói với anh không?"

"Vậy phải xem..." Lâm Du do dự, liếm môi rồi nói: "Anh biết được bao nhiêu rồi."

"Đừng có giả ngây giả dại với anh." Đến lúc này Văn Chu Nghiêu cũng để lộ sự tức giận, "Tự em nói rõ ràng chi tiết từ đầu tới cuối tất cả mọi chuyện cho anh nghe."

Lâm Du nuốt nước miếng, thò tay định nắm tay áo anh.

Nhưng cậu bị Văn Chu Nghiêu vung tay tránh. Anh liếc nhìn cậu, nhíu mày, "Đừng có giở trò đó, sao em không nhìn lại xem mình bao lớn rồi?"

"Nhưng em đúng là con nít mà." Trước mắt Lâm Du thật sự không biết phải nói sao nữa, nghĩ tới đâu nói đại tới đó: "Em còn nhỏ dại mà."


"Nhỏ dại?" Văn Chu Nghiêu nheo mắt, chụp lấy cổ tay Lâm Du nói: "Lâm Du, em còn nhỏ dại, mà em dám dùng dao với người khác?"

Lâm Du thật không hiểu nổi rốt cuộc làm cách nào anh biết được chuyện cậu đâm người ta trong thời gian ngắn như thế.

May mà cậu cũng quen rúm ró lại trước mặt anh rồi, lập tức đáp: "Em sai rồi, em không nên làm người ta bị thương."

Sắc mặt Văn Chu Nghiêu không hề khá lên chút nào.

Anh nắm cánh tay Lâm Du xách cậu ra ngoài.

Rồi anh dừng lại trước cửa, nhìn cậu dưới ánh đèn vàng sáng hấp háy trên đỉnh đầu, nói: "Lâm Du, tới tận lúc này em vẫn chưa hiểu rõ vấn đề của mình nằm ở đâu, là em không nên làm người khác bị thương à?"

"Cách làm quá thô bạo." Lâm Du nói.

Cậu vừa dứt lời là Văn Chu Nghiêu hít sâu mấy hơi.

Lâm Du cũng vô thức nín thở theo. Văn Chu Nghiêu thật sự đang rất cố gắng kiềm cơn giận lại để nói chuyện với cậu. Lâm Du rất ít khi thấy anh để lộ cảm xúc ra ngoài thế này, nhất thời cũng không biết nói sao.


Vì nói gì cũng không thoát được trận mắng.

Văn Chu Nghiêu lập tức đá vào sau gối cậu một cái.

Lâm Du đổ nhào xuống, ngơ ngẩn cả người, cậu ngẩng phắt lên tròn mắt nhìn anh mình.

Tuy anh dùng lực rất nhẹ thôi, nhưng Lâm Du vẫn hoàn toàn hóa đá vì anh ra tay với mình.

Ngoài những lần hất cậu xuống giường khi còn nhỏ, đây là lần đầu tiên Văn Chu Nghiêu ra tay với cậu trong suốt bao nhiêu năm nay.

Cậu nghe Văn Chu Nghiêu nói: "Ý anh nói là, rõ ràng em có rất nhiều lựa chọn để tránh đi, nhưng vẫn dùng cách nguy hiểm nhất. Cứ gặp chuyện gì là nghĩ tới chuyện tự xông tới đầu tiên. Anh đã nhắc đến vấn đề này với em hơn một lần rồi, em có để lọt tai không? Trước đây là thế, bây giờ vẫn thế. Có phải không bị thương tổn nặng thì em sẽ không nhớ được không?"

"Không mà!" Lâm Du phủ nhận ngay lập tức, cậu giơ tay, "Em thề đó, tuyệt đối không có."
Văn Chu Nghiêu chỉ nhìn cậu, không nói gì.

Lâm Du liền sáp lại, xác định anh mình sẽ không ra tay nữa mới nói tiếp: "Chuyện hôm nay hoàn toàn ngoài dự liệu. Đâu phải em chạy đi kiếm chuyện đâu, là tình thế bức bách mà anh."

Hiển nhiên Văn Chu Nghiêu lười tranh cãi chuyện đó với cậu. Anh nheo mắt nhìn mặt cậu một lúc mới lên tiếng: "Anh biết từ nhỏ em đã suy nghĩ nhiều, cũng đủ thông minh. Nhưng Lâm Du, người ta cũng không ngu ngốc đâu. Em có từng nghĩ nếu một hôm nào đó em thật sự gặp phải tường đồng vách sắt, em không kịp gọi điện thoại cho chú Thiên Hướng, không kịp báo về nhà, không kịp cho anh biết thì sẽ như thế nào không? Người bị thương chỉ có mình em thôi sao? Là rất nhiều người, là những người em luôn quan tâm lo lắng. Em lẫn lộn trước sau rồi, đã hiểu chưa?"
Lâm Du giật mình, như có thứ gì đâm thẳng vào đáy lòng, khiến cậu hoảng hốt luống cuống tay chân.

Cậu rất ít khi có suy nghĩ mình làm sai thật rồi.

Vì cậu biết mục tiêu của mình là gì, biết rõ cái gì tốt, cái gì không thể có được.

Cậu cứ luôn nghĩ mình từng trải qua một lần nên sẽ sáng suốt hơn ai hết.

Nhưng vào thời khắc này, cậu mới nhận ra người thật sự sáng suốt là Văn Chu Nghiêu.

Từ đầu tới cuối anh đều không hẳn là người trong cuộc như Lâm Du, anh không hề nhìn thấu sự sa sút của nhà họ Lâm, cũng không hoàn toàn hiểu hết sự thịnh suy luân phiên của ngành nghề này.

Nhưng anh nhìn thấu điều căn bản nhất.

Là thứ Lâm Du muốn bảo vệ từ đầu, nhưng về sau lại như lạc trong sương mù, không phân biệt được thứ nào nặng thứ nào nhẹ.

Là tình cảm.

Khi tác phẩm không còn hơi ấm thì dưới lớp kỹ thuật hoa lệ cũng trống rỗng.
Cũng như một khi con người đã rời đi, biến mất khỏi thế giới này, thì tất cả chỉ còn là ảo vọng và uổng phí.

Cậu rất quan trọng, phải giữ gìn bản thân mình trước mới có thể yêu thương những người bên cạnh.

Nhưng cậu cứ hay quên mất.

Đây mới là nguyên nhân cơ bản khiến Văn Chu Nghiêu nổi giận.

Lâm Du ngơ ngác quá lâu, như phản ứng khi cậu đâm lưỡi dao vào cơ thể một con người bỗng quay trở lại. Không khí hít vào chỉ toàn mùi máu tươi.

Bao tử bắt đầu cồn cào, là phản ứng sinh lý đến muộn.

Trong hai tiếng trước, cậu ép bản thân mình quên đi cảnh tượng đó, tỉnh táo đối diện với phiền phức theo sau.

Cậu đã làm được, nhưng trên thực tế thứ cảm xúc không cách nào hóa giải được ấy vẫn ở đó sâu trong ký ức cậu.

Là sợ hãi, nỗi sợ khi dùng công cụ quan trọng nhất đời này của cậu để làm hại một người.
Có lẽ sắc mặt cậu bỗng tái nhợt đi trong thời gian quá ngắn, khi lòng bàn tay ấm nóng của Văn Chu Nghiêu chạm lên cổ cậu, Lâm Du mới giật mình ngẩng đầu nhìn anh.

Văn Chu Nghiêu cau mày nhìn cậu đầy lo lắng, anh hỏi: "Không sao chứ?"

"Không sao." Lâm Du lắc đầu.

Cậu vừa dứt lời thì bỗng quay phắt qua cúi đầu nôn thốc nôn tháo vào đường cống sát lề đường.

Phản ứng sinh lý rất dữ dội, cậu nôn đến hoa cả mắt, cổ họng nóng rát, cơ thể hoàn toàn mất khống chế.

Một chai nước được đặt vào tay cho cậu súc miệng, đồng thời động tác vỗ nhẹ trên lưng cuối cùng cũng giúp cậu từ từ ổn định lại.

"Em không sao, qua cơn là hết rồi." Lâm Du cong lưng, xua tay thều thào nói với Văn Chu Nghiêu.

Một giây sau hai bàn tay xuyên dưới nách nhấc hẳn cả người cậu lên.

Lâm Du không biết sắc mặt mình lúc này trông thế nào, nhưng mặt anh cậu thì tuyệt đối tệ hơn lúc dạy dỗ cậu vừa nãy rất nhiều.
Một tay anh cầm chiếc khăn không biết lấy từ đâu ra lau nước dính trên môi Lâm Du lúc cậu súc miệng, tay kia lên sau eo cậu vừa xoa vừa hỏi: "Còn muốn nôn không? Đưa em vào bệnh viện xem thử."

"Hả?" Lâm Du suýt không kịp hoàn hồn lại khỏi giọng hỏi han quá sức nhẹ nhàng của anh, khi nghe ra thì vội lắc đầu: "Không sao, đâu có nghiêm trọng thế."

"Em chắc không?" Sắc mặt Văn Chu Nghiêu vẫn thế. Anh cất khăn đi, lau mồ hôi lạnh rịn trên trán cậu vì phản ứng sinh lý kịch liệt, nói: "Em sắp nôn hết mật xanh mật vàng ra rồi."

Lâm Du hơi xấu hổ.

Bản thân cậu cũng đang hơi bủn rủn vì nôn ọe quá nhiều, liền tựa luôn vào để Văn Chu Nghiêu đỡ. Cậu gác đầu lên ngực anh, thở ra một hơi dài rồi nói: "Nôn xong là đỡ rồi, chỉ là em... nghĩ tới cái tên bị mình đâm cho một dao thôi."

"Anh đoán được." Ngón tay Văn Chu Nghiêu vân vê thùy tai cậu, rồi anh nói: "Với tình huống lúc đó lỗi không phải do em, do gã gieo gió gặt bão thôi. Quên đi."
Khi nói ra bốn chữ gieo gió gặt bão ấy, giọng anh lạnh băng.

Lâm Du dụi đầu vào ngực anh ừm một tiếng.

Lâm Du sống hai kiếp, thời học sinh cũng từng đánh nhau, về sau ra đời cũng từng có xung đột với người khác. Nhưng tính ra thì đây là lần đầu cậu cầm dao làm tổn thương ai đó.

Khi cậu tỉnh lại lần nữa cũng từng nghĩ, đã quay lại một lần, dao kiếm súng ống có là gì đâu.

Nhưng khi gặp chuyện cậu mới biết chuyện chẳng hề đơn giản.

Mùi hương của Văn Chu Nghiêu bao lấy cậu, là mùi gỗ vô cùng quen thuộc với Lâm Du, rất nhẹ, rất dễ chịu. Trong nhà chỉ mình Dương Hoài Ngọc có thói quen xông hơi định kỳ, mỗi lần tổng vệ sinh đều sẽ thắp một ít trong mỗi phòng.

Lâm Du giữ nguyên tư thế ấy rất lâu mới bình ổn lại được.

"Chân nhũn ra rồi, anh ơi." Lâm Du xoay lại kề mặt bên kia vào ngực anh, giọng thều thào.
Văn Chu Nghiêu cúi xuống nhìn xoáy tóc trên đỉnh đầu cậu, véo cổ kéo cậu đứng thẳng lên rồi cúi xuống nói: "Xong chuyện thì nhõng nhẽo, có chuyện lại chả biết mở mồm ra, tự đi đi."

"Anh máu lạnh quá vậy." Lâm Du than vãn.

Lâm Du còn ghi hận chuyện tối nay Văn Chu Nghiêu đã đá mình một cái nên cố ý kiếm chuyện với anh. Cậu vòng ra sau lưng Văn Chu Nghiêu đột ngột nhảy phốc lên, làm Văn Chu Nghiêu loạng choạng, vừa giữ chân cậu vừa lảo đảo chạy tới mấy bước.

"Lâm Du!" Văn Chu Nghiêu quát tên cậu.

Lâm Du nhận ra sự nghiến răng nghiến lợi trong đó, thầm nghĩ cũng hiếm hoi lắm mới làm anh mình giận được. Cậu vòng hai tay ôm cổ Văn Chu Nghiêu, cười nói: "Anh, không lừa anh đâu, nhũn chân thật mà, làm phiền anh cõng em về vậy."

Văn Chu Nghiêu quay lại hừ lạnh, "Chắc em không biết ở đây cách đường Thịnh Trường bao xa nhỉ?"
Đương nhiên Lâm Du biết chứ.

Cậu nhìn sang bên đường một lúc rồi vỗ vai Văn Chu Nghiêu nói: "Muộn thế này rồi trên đường không còn xe nữa, anh cõng em đi một đoạn trước đã, bắt được xe em sẽ xuống."

"Chiều quá thành hư." Văn Chu Nghiêu mắng.

Tuy ngoài miệng nói thế nhưng anh vẫn sốc Lâm Du lên rồi cõng cậu bước lên con đường về nhà.

Mùa này về đêm gió thổi rất lạnh, Văn Chu Nghiêu cõng một người thong thả bước tới.

Thân hình một mét bảy mấy của Lâm Du mềm rũ trên lưng anh cứ như không còn xương cốt. Cậu gác cằm lên vai anh, mồm nói chuyện với anh câu được câu mất.

Chẳng gì ngoài không được nói với mọi người trong nhà, về trễ vậy phải yểm hộ cho em đó này nọ.

Văn Chu Nghiêu không đáp lại nhiều, nhưng Lâm Du biết anh sẽ làm.

Rồi hai người bước lên cây cầu dây thép nổi tiếng nhất trong Kiến Kinh. Gió thổi vù vù bên tai.
Lâm Du xách áo khoác của anh mình trong tay, hỏi anh: "Anh, lạnh không."

"Không lạnh." Văn Chu Nghiêu đáp.

Lâm Du rúc vào cổ anh nói: "Em không tin, em cảm giác mũi em cóng đỏ hết luôn rồi."

Lâm Du nói rồi định đưa tay ủ má cho Văn Chu Nghiêu.

Ngón tay đến sát rồi bỗng nắm lại, cuối cùng chỉ áp mu bàn tay lên đầu mũi anh, âm ấm.

Văn Chu Nghiêu: "Làm gì đấy?"

Lâm Du: "Không có gì, sực nhớ ra hôm nay tay dính máu, bẩn."

Lâm Du không ngờ anh mình đột nhiên dừng bước, rồi nói: "Mở tay ra."

Lâm Du chưa hiểu gì, liền xòe tay ra trước mặt anh.

Rồi chợt Văn Chu Nghiêu cúi xuống dụi đầu mũi và đôi môi mình vào lòng bàn tay cậu.

"Không bẩn." Anh nói.

Chương 32

Chuyện Lâm Du làm người ta bị thương được giấu toàn bộ gia đình. Cậu cũng không có ý định để Lâm Bách Tòng biết chuyện mình đang nhúng tay vào phương diện kinh doanh. Dù sao thì từ trước nay Lâm Bách Tòng luôn nghĩ cả đời này cậu ăn cơm nghề thủ công là được rồi, chuyện tương lai phải chờ tương lai mới biết.
Lâm Du đâu thể chờ đến tận tương lai được, câu phòng trước tính sau chẳng gì ngoài nhắc người ta phải chuẩn bị từ sớm.

Hai ngày sau cậu tìm phía Sở Thiên Hướng nhờ hỗ trợ thăm dò cơ sở của gã họ Tiêu.

Cậu nghĩ mình phải đích thân đến Tây Nam xem thử một chuyến.

Bàn cơm tối vẫn có đủ cả đại gia đình già trẻ lớn bé.

Lâm Du nhắc tới rồi hỏi Lâm Bách Tòng: "Bố, mấy hôm nữa bố phải đến phía nam đúng không?"

"Đúng rồi." Lâm Bách Tòng nhìn sang cậu rồi đáp: "Mấy năm nay từ sau khi nhà họ Thịnh sụp chúng ta vẫn liên tục tìm kiếm nguồn cung mới, năm nào cũng phải đi vài chuyến. Nhưng lần này không phải việc gì lớn, trên núi bên đó có một lô gỗ lim và long não, nhà mình đã đặt trước rồi, giờ đi xem hàng thôi."

"Để con đi thay bố cho." Lâm Du nói.

Lâm Du vừa dứt lời, cả bàn đều giật mình.
Một lát sau Dương Hoài Ngọc ngồi cạnh mới nói bằng giọng hoài nghi: "Em bé, con..."

"Bọn con cũng đi!" Lâm Thước giơ đôi đũa trong tay lên, nói thật to: "Bọn con chưa được đi xa nhà lần nào, cũng muốn đi xem thử."

Lâm Hạo gật đầu lia lịa hùa theo: "Đúng đúng đúng, bọn con đi hết."

Lâm Du bị hai cậu anh làm phiền chết đi được, lườm sang bảo: "Ai thèm đi chung với các anh?"

"Chỉ mình em được ra ngoài chơi thôi à? Đừng có mơ." Lâm Thước vặn lại.

Lâm Du lười cãi với cậu chàng, cậu nói với Lâm Bách Tòng: "Bố, bố cũng nói lần này chỉ là đi xem hàng thôi mà. Con cũng từng theo thầy đến vài nơi rồi. Hơn nữa con cũng phân biệt được hàng tốt hay xấu mà. Bố cho con..." Lâm Du chợt nghĩ một mình cậu đúng là khó lòng thuyết phục được bố mình, liền sửa lại thành: "Cho bọn con đi thử xem sao."
Đến đây hai anh em Lâm Thước cũng biết phải đỡ lời, lập tức lên tiếng: "Đúng rồi bác cả, bác cho bọn con ra ngoài trải nghiệm rèn luyện đi."

Lâm Hạo: "Đúng rồi, dù sao thành tích học tập của bọn con cũng không được như anh cả, cũng chẳng mong sau này có học lực cao nổi trội hơn người ta."

Vừa dứt lời là Lâm Du gõ lên đầu cậu ngốc ấy một cái.

Quả nhiên, Lâm Bách Tòng liếc sang Lâm Hạo, lên tiếng: "Đúng là gia đình chưa từng yêu cầu mấy đứa đạt thành tích cao, nhưng cho mấy đứa đi học cũng mong mấy đứa được hiểu biết. Ai cho mấy đứa có thứ suy nghĩ đó, nếu ngay từ đầu đã nghĩ vậy thì có khác gì vào trường để sống cho qua ngày đâu. Còn chẳng bằng đừng học ngay từ đầu!"

Lâm Hạo muộn màng nhận ra mình nói lỡ lời, rụt cổ chữa lời: "Con sai rồi."

Văn Chu Nghiêu lên tiếng rất đúng lúc: "Chú Lâm, Lâm Hạo cũng không có ý đó đâu, kết quả học tập của em ấy tiến bộ hơn trước rất nhiều rồi."
Văn Chu Nghiêu vừa cất tiếng là Lâm Bách Tòng liếc nhìn Lâm Hạo bằng ánh mắt hận mài sắt không nên kim.

Chú gõ bàn rồi nói: "Mấy đứa oắt con các anh nghe cho rõ lời tôi nói đây, làm gì thì cũng phải học hành cho tử tế, không đi đường ngang ngõ tắt với tôi được đâu. Không yêu cầu phải đứng nhất khối liên tục như anh cả mấy đứa. Nhưng để tôi phát hiện ra các anh mượn cớ ra ngoài để ăn chơi đàng điếm thì chờ xem tôi dạy dỗ các anh cho ra hồn."

Ban đầu cả bọn vẫn chưa hiểu được.

Vài giây sau Lâm Du mới giật mình ngẩng đầu lên: "Bố, bố đồng ý cho bọn con đi ạ?"

"Cũng không còn nhỏ nữa." Lâm Bách Tòng nhìn mấy anh em phảng phất như vừa lớn bổng lên từ một đám nhóc con thành những thiếu niên trẻ tuổi chỉ trong một cái chớp mắt trên bàn, nói: "Đến lúc đi cho biết đó biết đây rồi."
Dương Hoài Ngọc không yên tâm, lo lắng hỏi: "Vậy được không? Chúng nó còn chưa có kinh nghiệm đối nhân xử thế, lỡ gặp chuyện gì thì sao?"

"Không sao đâu mẹ." Lâm Du an ủi, "Con lớn rồi mà, con sẽ trông chừng các anh."

"Rốt cuộc là ai trông chừng ai hả?" Lâm Thước hô.

Lâm Bách Tòng tiếp lời: "Đừng chủ động gây chuyện là ổn, sang bên đó sẽ có một người phụ trách họ Hoàng đón mấy đứa. Bác sẽ gửi lời trước. Đừng có gây phiền phức cho người ta biết chưa?"

"Không đâu không đâu, bảo đảm không mà bác." Lâm Thước đáp.

Chuyện này tạm quyết định như thế.

Lâm Du nghiêng đầu nhìn Văn Chu Nghiêu đang cầm muỗng ăn canh bên cạnh.

Cậu chống cằm hỏi anh: "Anh, anh có muốn gì không? Tới đó em mang về cho anh."

Văn Chu Nghiêu nhìn sang cậu rồi đáp: "Không cần."

"Quả nhiên Tiểu Du thiên vị." Lâm Mạn Xu nghe lời hai người nói chuyện liền cười trêu: "Bao nhiêu người trong nhà đang ngồi đây, sao chỉ hỏi mình anh cả con thế?"
Lâm Du dụi mũi, nói: "Anh con đang học hành căng thẳng, nếu không đã đi cùng bọn con rồi, xem như bồi thường thôi."

Từ đầu trong kế hoạch của Lâm Du đã không có mặt anh. Anh cậu bận lắm, thời gian còn lại thường ngày ngoài những lúc học hành cũng chẳng được thảnh thơi chút nào, trong tay còn có một bộ phận việc vặt Lâm Bách Tòng giao cho.

Hoàn toàn không cần thiết phải bỏ công bỏ sức bỏ thời gian chạy chuyến này.

Lại là Lâm Hạo vô tư lự: "Em thấy anh cả đi chung luôn cho rồi, anh có học hay không thì thành tích vẫn thế mà."

"Im đi!" Lâm Du đá cậu chàng dưới mặt bàn, "Anh tưởng anh cả cũng như anh chắc? Chẳng có việc tử tế để làm."

"Lâm Du!" Lâm Hạo bị đá phát cáu, trừng mắt với cậu: "Bản thân anh cả còn chưa nói tiếng nào kia kìa. Đừng mỗi lần nhắc tới anh cả là em lại giãy lên như con lừa bướng vậy được không!"
"Được rồi, ồn ào quá!" Lâm Bách Tòng lên tiếng, tất cả mọi người im lặng.

Thấy đã yên tĩnh, Lâm Bách Tòng mới hỏi Văn Chu Nghiêu: "Chu Nghiêu, ý con như nào? Chú thấy là, với thành tích của con thì nhân chuyến này ra ngoài đổi gió cũng không ảnh hưởng gì, xem như đi thư giãn đầu óc."

Văn Chu Nghiêu đặt muỗng xuống, cười nói: "Con không đi đâu ạ chú Lâm. Chuyện nhỏ như vậy các em có thể làm tốt mà."

Lâm Bách Tòng gật đầu, "Không đi cũng được, tập trung ôn thi quan trọng hơn."

Tối hôm ấy Lâm Du tắm rửa xong thì để mái tóc ướt đẫm đội cái khăn lông đi gõ cửa phòng anh cậu.

"Vào đi." Lâm Du nghe tiếng anh liền đẩy cửa vào.

Lâm Du cầm khăn chà chà lên tóc, đi tới hỏi: "Vẫn đang giải đề ạ?"

Văn Chu Nghiêu ngồi chiếc bàn gỗ sẫm màu, tựa hờ vào lưng ghế, ngẩng lên nhìn cậu rồi nói: "Không phải, đây là sổ sách trong nhà nửa năm nay."
"Sổ sách?" Lâm Du đi tới thò tay lật lật, "Lời hay lỗ hả anh?"

"Lời." Văn Chu Nghiêu đập bàn tay ướt nhẹp của cậu ra, "Đừng đụng vào."

Lâm Du rụt tay lại.

Cậu không hề thấy lạ vì anh nắm rõ sổ sách thu chi trong nhà. Lâm Bách Tòng giáo dục trẻ con trong nhà từ rất nhỏ, một trong các môn là cho cả bọn tính toán sổ sách. Sau đó chú phát hiện trong phương diện này Văn Chu Nghiêu có tài nhất nên bao năm nay sổ sách lời lỗ cuối năm cơ bản đều qua tay anh cả.

Lâm Du không đưa tay đụng nữa, cậu đi tới cạnh anh cúi xuống hỏi: "Giờ này mà anh vẫn xem, có vấn đề gì sao?"

Văn Chu Nghiêu gõ gõ vào một trang trong sổ: "Nhìn chỗ này đi."

"Chỗ này sao ạ?" Lâm Du tập trung nhìn.

Cậu xem một lát thì nhanh chóng nhận ra vấn đề, liền ngẩng đầu lên nói với anh: "Đây là cửa hàng đồ gia dụng mới mở năm ngoái mà? Gần một năm rồi, doanh thu luôn cao mà, sao đột nhiên lại lỗ nhiều thế?"
Văn Chu Nghiêu: "Em còn nhớ quản lý cửa hàng này họ gì không?"

"Hình như họ Chu." Lâm Du ngẫm nghĩ rồi cau mày, "Em nhớ người đó được chú hai tuyển, nói là nhân tài tinh anh kiệt xuất mời về từ vùng ven biển nào đó, rất am hiểu phương thức kinh doanh hiện đại. Cả bố em cũng từng khen."

"Hắn trốn rồi." Văn Chu Nghiêu nói.

"Trốn rồi?" Lâm Du cao giọng hỏi lại, cậu thật không dám tin, "Hắn trốn gì chứ?"

Văn Chu Nghiêu đóng sập quyển sổ lại, kể: "Hắn không chỉ trốn một mình mà còn kéo theo cả những thợ chính thuộc đội thiết kế nòng cốt, mang đi tất cả bản vẽ các tác phẩm đang kinh doanh và chế tác trong một năm vừa qua của cửa hàng."

Lâm Du lập tức hiểu ra, gân xanh nhảy bần bật trên trán.

Cậu kiềm chế một lúc mới hỏi: "Chuyện lớn như vậy mà sao không nghe ai trong nhà nhắc đến hết vậy?"
"Anh cũng chỉ mới phát hiện ra sổ sách không đúng vào tối qua rồi hỏi chú Lâm mới biết." Văn Chu Nghiêu đưa đầu ngón chân sang đụng đụng mắt cá chân cậu, ý bảo đừng có ngây ra đó, lau khô tóc trước đi, sau đó anh mới nói tiếp: "Em nghĩ xem, hắn là người được chú hai tiến cử. Bây giờ xảy ra chuyện, xét cho cùng nguyên do vẫn xuất phát từ trong gia đình mình. Đưa ra truy cứu công khai sẽ ảnh hưởng đến tình cảm."

Lâm Du cũng hiểu điều này, nhưng đây thật sự không phải chuyện nhỏ.

Tuy cửa hàng đó không phải một nguồn thu lớn của nhà họ Lâm nhưng cũng đã đầu tư vào không ít. Hơn một năm nay Lâm Bách Tòng và Lâm Trường Xuân cũng bỏ rất nhiều công sức vào đó.

Ít nhiều gì Lâm Du cũng biết dự định của hai người, kỳ thực cửa hàng ấy chuẩn bị cho chú ba, chỉ là vẫn chưa nói với chú ấy thôi.
Ai mà không biết tâm bệnh của bà cụ chứ, bà không hài lòng với nghề nghiệp của chú ba từ lâu rồi.

Là anh lớn bên trên, hai người định sau khi đưa vào kinh doanh ổn định sẽ bảo chú ba yên tâm ở lại Kiến Kinh. Dù sau này chú ấy không kết hôn thật thì cũng có sự bảo đảm cho tương lai.

Từ khi bắt đầu kinh doanh cửa hàng đó luôn rất ăn nên làm ra, chính nhờ thiết kế mới lạ, thành phẩm độc đáo. Thợ thầy ở đó đều được điều ra từ xưởng gốc của nhà họ Lâm, tay nghề cũng đã đến mức vô cùng nhuần nhuyễn.

Bây giờ nói đi là đi, tương đương với trực tiếp dọn sạch cửa hàng đó.

Lâm Du hơi chua chát trong lòng, đồng thời cũng thấy khó chịu.

Cậu khó chịu vì đời này chắc chắn chú ba sẽ không kết hôn với người phụ nữ nào, nguyện vọng của bà cụ nhất định sẽ không thành. Hơn nữa thái độ của Hướng Nghị thể hiện rằng mối quan hệ của hai người vẫn mập mờ chưa dứt khoát. Để giấu người nhà không chắc gì chú ba sẽ thật sự ở lâu tại Kiến Kinh.
Cũng khó chịu vì kế hoạch của bố mình và chú hai thành công dã tràng.

"Được rồi." Văn Chu Nghiêu đứng lên khỏi ghế, "Đã báo cảnh sát rồi, mấy hôm nay chú Phú vẫn theo sát tình hình, sẽ có kết quả sớm thôi. Với sự việc này, em thông minh thế sẽ hiểu đạo lý tiền tài làm mờ mắt người nhỉ."

"Em biết mà." Lâm Du vắt khăn lông lên thành ghế, cụp mắt nói: "Trước lợi ích khổng lồ, rất ít người có thể nhắm mắt làm ngơ, chỉ là em..."

Bẩm sinh ghét phản bội.

Trong mắt cậu mọi sự quay lưng và trốn tránh đều không đáng được tha thứ.

Lâm Du lùi về phía giường Văn Chu Nghiêu, cởi giày ngồi khoanh chân lên đó.

Đột nhiên cậu nhìn Văn Chu Nghiêu mà nói: "Lần này em nói với bố là về nam xem hàng, thật ra là đi dò đường làm ăn."

Văn Chu Nghiêu nhìn cậu.

Trước giờ chưa khi nào Lâm Du nghiêm túc nói với anh chuyện gì như thế, cậu nói: "Anh, em sẽ làm rạng danh kỹ thuật của nhà họ Lâm, khiến nghề mộc của nhà họ Lâm ghi một dấu son vào lịch sử thời đại, mãi mãi bất diệt. Nhưng trước mắt em cần tiền, rất rất nhiều tiền."
Có tiền mới giữ được cơ nghiệp đời đời của nhà họ Lâm, mới nuôi được bằng đó người trong tay.

Hàng hóa ứ đọng đã trở thành vấn đề thấy được của ngành mộc hiện nay, đặc biệt là những tác phẩm mỹ nghệ cỡ lớn. Cả gia tộc có tiếng lành đồn xa như nhà họ Lâm cũng không thể không dựa vào những ngành nghề khác có liên quan để nuôi sống thứ được gọi là nghệ thuật.

Kế thừa kỹ thuật truyền thống của gia tộc là điều trọng yếu nhất, nhưng đi đến hôm nay, trên thực tế Lâm Du cũng đang làm lại nghề cũ.

Nghề của kiếp trước.

Cậu sở hữu kinh nghiệm trên thương trường, biết cách phát triển đường lối và các mối quan hệ như thế nào và hiểu được thị trường.

Quay đầu nhìn lại, thật ra quá khứ mà cậu không muốn liếc mắt đó cũng chẳng phải hoàn toàn không đáng nhìn.
Đây là lần đầu tiên cậu để lộ dã tâm và mục đích của mình trước mặt Văn Chu Nghiêu, từ đứa bé con nhỏ xíu của nhà họ Lâm, đến bản thân đầy dã tâm hiện tại. Lâm Du nhìn anh, trong lòng rất thấp thỏm.

Nhưng cậu không ngờ Văn Chu Nghiêu chỉ nhướng mày tặc lưỡi rồi bước đến bên giường búng búng vào trán mình, hỏi: "Cảm thấy mình bây giờ trông rất tham tiền đúng không?"

"Lẽ nào không phải?" Lâm Du hơi đau đau nên đưa tay xoa trán.

Văn Chu Nghiêu bật cười mấy tiếng, anh nói: "Lâm Du, em nhổng mông lên thôi anh cũng biết em định làm gì rồi. Anh đã nhờ chú Thiên Hướng tìm sẵn tài xế bản địa cho mấy đứa rồi, muốn làm gì cứ làm. Anh chỉ có một yêu cầu, chú ý an toàn."

Lâm Du ngơ ngẩn nhìn anh mình.

Người này luôn thế, kiếp trước đã thế, kiếp này vẫn thế.

Dường như anh luôn ở sau lưng, là nguồn căn của yên định, là nơi linh hồn nghỉ lại.
Lâm Du: "Anh sắp xếp sẵn cả tài xế rồi mà không đi với bọn em thật à?"

Cứ như người hung dữ cãi cọ với người ta trên bàn ăn không phải là bản thân cậu ấy.

Văn Chu Nghiêu véo nựng cằm cậu, "Không đi, anh có việc."

Chương 33

Cửa hàng đồ gia dụng có chuyện, nếu không phải Lâm Du đã chốt kế hoạch xuôi nam từ trước thì cũng không chọn rời khỏi nhà vào thời điểm này. Nhưng khi Văn Chu Nghiêu nói anh sẽ ở nhà thì mọi sự lo lắng của Lâm Du như đều thành yên lòng.

Còn anh cậu ở nhà mà, chỉ cần có anh là Lâm Du sẽ vững tin.

Trước khi đi, Lâm Du đến chỗ bà cụ một chuyến. Vừa khéo cô út Lâm Mạn Xu với chị họ Triệu Dĩnh Tinh cũng có mặt, đang ngồi tụm lại cắt giấy hoa dán cửa sổ.

Mai vàng nở rồi, mùi hương thanh mát ập vào mũi.

"Đang cắt gì vậy ạ?" Lâm Du đứng sau lưng thình lình rút đồ trong tay cô út đưa ra trước ánh nắng trưa lật tới lật lui xem một lúc lâu cũng không nhìn ra được là gì, hoang mang hỏi: "Hình này, là một con... heo ạ?"
Cô út đứng dậy véo tai cậu ngay lập tức: "Nói lại lần nữa nghe thử?"

Bà cụ với Triệu Dĩnh Tinh ngồi cạnh cười ngất.

Triệu Dĩnh Tinh nói: "Đây là uyên ương."

Lâm Du nhanh chóng giơ tay đầu hàng, "Tại mắt con bị mờ đó cô út, tuyệt đối không phải tại kỹ thuật của cô không ổn."

Cuối cùng Lâm Mạn Xu cũng chịu thả cậu ra, cô ngồi xuống cạnh bà cụ lườm liếc cậu mà nói: "Đúng là em bé nhà mình lớn thật rồi, học ai được cái kiểu đãi bôi ấy vậy hả?"

Lâm Du sợ lại bị "hạ độc thủ", cậu xoa tai trốn sang chỗ bà cụ rồi mới nói: "Cháu đi chuyến này về sẽ mang cho cô hai khúc vải may xường xám của cửa hàng Nghê Thường nha? Cô nhắc từ lâu lắm rồi mà."

"Xem như oắt con nhà anh có lương tâm." Lâm Mạn Xu nói.

Bà cụ cười nhìn cậu cố ý nịnh nọt cô út rồi mới để cây kéo trong tay xuống, hỏi cậu: "Chuẩn bị đồ đạc ra ngoài sao rồi hả con? Lần này có ít cũng phải độ mười ngày nhỉ."
"Chuẩn bị gần xong hết rồi bà ạ." Lâm Du lủi tới cạnh bà cụ, miệng lầm bầm: "Mẹ con đóng sẵn đến mấy bao tải, đã nói mang ít ít đồ thôi mà mẹ không chịu nghe."

Bà cụ cười mắng: "Mẹ con sợ bé ngoan nhà mình ra ngoài thiếu thốn ấy mà."

"Con biết mà." Lâm Du cười nói, "Mách bà một tí cho vui thôi ạ."

Bà cụ xỉa vào cái đầu cậu đang gác trên cánh tay, "Cái mồm của anh đấy, sắp thành thanh niên rồi mà vẫn y hệt lúc nhỏ."

"Thì với bà lúc nào con cũng là em bé mà."

Lâm Du bất chấp vẻ cạn lời của cô út và chị họ, cố ý chọc cho bà cụ cười ha hả.

Rốt cuộc Lâm Mạn Xu cũng không cắt nổi nữa, cô gom hết đồ vào giỏ rồi hỏi Lâm Du: "Đúng rồi, Lâm Hạo và Lâm Thước đâu? Cả ngày nay không thấy mặt hai đứa nó."

Lâm Du kéo cái giỏ trúc qua, đáp: "Đi tìm bạn học rồi ạ, sắp đi xa nhà mà nên phải họp mặt bạn bè."
Bà cụ vỗ đẩy bàn tay cậu thò tới định cầm kéo ra, nói: "Hai anh của con chúng nó có chân đi, một đứa hoạt bát một đứa thật thà. Chuyến này bà thấy con còn phải trông chừng chúng nó. Nếu được tính như anh cả con thì bố với chú hai con nhẹ gánh hơn biết bao nhiêu."

Lâm Du đoán có lẽ bà cụ cũng biết phần nào về chuyện của cửa hàng đồ gia dụng.

Cậu nói: "Thì còn có con đây mà, hơn nữa, anh con là ngàn năm có một, ai mà cũng như anh ấy thì có mà chết."

"Suốt ngày chỉ biết khoe anh thôi." Lâm Mạn Xu cười cậu.

Triệu Dĩnh Tinh ngồi cạnh tuy không tiếp lời nhưng cũng bình thản mỉm cười. Chuyện với Văn Chu Nghiêu trước đây dường như không mang đến quá nhiều khoảng cách. Lâm Du cũng thở phào nhẹ nhõm.

Lâm Du vẫn định thò tay cầm kéo của bà cụ, lại bị tét tay.

Bà cụ mắng cậu: "Đàn ông con trai còn định cầm kéo cắt hoa đấy à, coi có được không."
Lâm Du ngớ người vài giây rồi mới dở khóc dở cười giải thích: "Bà ơi, con định lấy kéo cắt vài cành hoa trong vườn của bà lát nữa mang về. Mà cắt giấy cũng chỉ là một môn thủ công thôi, không phân nam nữ mà."

"Trong phòng có kéo cắt cành đấy, đi mà lấy."

Bà cụ rỗi rãi nên dạy cô út với chị họ mấy môn nữ công gia chánh, bà cảm thấy con gái thì phải cho ra con gái. Bà cụ nhớ lại rồi nói: "Thời bà còn con gái ở trong nhà bố mẹ, nữ công gia chánh, tính toán sổ sách, gì cũng phải biết tất. Đâu có như các cô các chị bây giờ, chỉ mỗi học hành, cơm còn không biết nấu, sau này làm sao mà đi lấy chồng được."

Lâm Du đang cởϊ áσ khoác vén tay áo rồi nhón chân lên cắt cành hoa đẹp nhất.

Cô út đứng cạnh giữ áo cho cậu, nhân tiện thì thầm: "Bà nội con vẫn còn tư tưởng thời phong kiến. Bà từng phải như thế nên nghĩ con gái trong nhà mình cũng phải biết mới được."
Lâm Du quay lại cười với cô, "Không sao, cô út nhà mình vô địch chốn kinh kỳ, sau này thích người thế nào là có thế ấy thôi."

"Ố, hiếm thấy nha." Lâm Mạn Xu liếc cậu, "Cô nhớ lúc con mới vài tuổi đầu, còn đang ẵm trên tay đã lải nhải với cô mỗi ngày bảo đàn ông trên đời chẳng ai tốt lành cả, đổi ý rồi à?"

"Dạ không." Lâm Du nói: "Con đang duyệt trước cho cô thôi."

Cậu ghé sát tai cô hỏi nhỏ: "Có phải bà nội bảo cô đi xem mắt rồi không?"

"Sao con biết?" Lâm Mạn Xu trừng mắt.

Lâm Du quay đầu đi, cắt một cành rồi nói: "Cô út, dù sao bà nội cũng từng gặp rất nhiều người, trải qua rất nhiều chuyện. Người mà bà nội thấy vừa ý thể nào cũng không quá tệ. Con nghĩ là cô có thể tiếp xúc thử xem sao, đừng có lén lút ra ngoài quen biết với mấy gã đàn ông vớ va vớn vẩn đấy."
Lâm Mạn Xu cầm lấy cành hoa cậu đưa, trả lời: "Cô lại không hiểu hơn anh à, anh cứ như ông cụ non. Ông cụ non nhà họ Lâm ơi, cắt hoa của cụ đi ạ, lúc cụ còn bé dễ cưng hơn nhiều."

Lâm Du cười cười không nói gì.

"Tận tình răn dạy" bao nhiêu năm nay rồi, Lâm Du cũng mong cô út sẽ không bước vào vết xe đổ kiếp trước.

Cây mai trong vườn của bà cụ đều không cao lắm, lúc sau Lâm Du trèo hẳn lên cây.

"Con cẩn thận đấy." Bà cụ ngồi dưới nhắc cậu mấy lần.

Lâm Du đáp lại: "Con biết mà."

Khi cậu đứng vững trên cành mai thì thấy anh mình đi từ ngoài vào.

Văn Chu Nghiêu mặc chiếc áo choàng sẫm màu, vừa vào cửa là thấy ngay Lâm Du trên cây.

Tóc Lâm Du dài ra rồi, vừa che khuất vành tai.

Giữa những cành mai đan xen, thiếu niên mặc chiếc áo sơ mi mỏng và quần bò, thân hình cao gầy, chân dài eo nhỏ. Văn Chu Nghiêu đứng tại chỗ nhìn thật lâu cho tới khi Lâm Du thấy anh rồi vẫy tay cười rạng rỡ gọi to: "Anh ơi!"
"Đứng cho vững!" Giọng Văn Chu Nghiêu trầm xuống.

"Chu Nghiêu sang đấy à." Bà cụ vẫy tay gọi anh sang ngồi xuống.

Văn Chu Nghiêu nghe lời bước tới, đặt đồ trong tay lên bàn đá rồi nói: "Bà nội, đây là chút tổ yến đặc biệt mang từ Tây Xuyên về biếu bà."

Bà cụ nhận lấy vô cùng tự nhiên, cười bảo: "Cảm ơn ông cháu giúp bà nhé. Ông ấy vẫn khỏe chứ?"

"Không lâu trước cháu vừa nhận được tin, ông rất khỏe ạ." Văn Chu Nghiêu đáp.

Bà cụ gật đầu, vô tình thấy Lâm Du đứng từ chỗ cao gần hai mét định nhảy xuống phía sau, bà vội bảo: "Chu Nghiêu, cháu sang đó, đỡ nó xuống cho bà. Gọi mấy lần rồi vẫn cứ trèo cao đến thế."

Đương nhiên Lâm Du nghe thấy lời bà, rồi sau đó thấy anh mình đứng lên đi tới thật.

Cậu vội nói: "Được rồi được rồi, em tự xuống, không nhảy mà, xuống từ từ đây."
Cậu nói dứt câu thì Văn Chu Nghiêu đã tới dưới tán cây, anh nói như không hề nghe thấy lời Lâm Du: "Ngồi xuống trước đã."

Lâm Du thấy sắc mặt anh, chỉ đành nghe lời ngồi xuống trên cành cây.

Cậu vừa cố gắng ngồi vững được thì một đôi tay đưa tới, chưa kịp chú ý thấy đã bị kéo xuống. Lâm Du rơi xuống được anh bế ngang eo.

Cậu tròn mắt ngẩng đầu lên nhìn anh mình đầy hoang mang: "Tư thế này hơi quá đó anh."

Bế đúng kiểu công chúa, trông hết sức thiếu khí phách.

Văn Chu Nghiêu thả cậu xuống rồi cụp mắt liếc cậu, hỏi: "Lớn thế rồi mới nghĩ tới chuyện trèo cây, phản lão hoàn đồng à?"

Lâm Du rầu quá chừng.

Hai người vừa nói chuyện vừa bước về phía bàn đá. Lâm Du cũng nghe thấy đoạn đối thoại của bà nội và Văn Chu Nghiêu mới rồi, cậu nhìn mấy thứ trên bàn hỏi: "Bà nội, anh con biếu gì cho bà vậy?"
"Mấy năm nay anh con biếu quà phụng dưỡng bà nhiều lắm đấy." Bà cụ trêu cậu: "Thế của con đâu?"

"Quà biếu của con phải chờ sau." Lâm Du nói: "Nhưng tuyệt đối không thua anh con đâu."

Đồ biếu từ Tây Xuyên, đoạn đối thoại vừa nãy, hiển nhiên những năm gần đây nhà họ Văn đã liên hệ với bên này rồi, hơn nữa cũng duy trì mối quan hệ không tệ.

Sau đó Lâm Du và Văn Chu Nghiêu cùng rời chỗ bà cụ.

"Anh từng gặp ông nội anh chưa?" Lâm Du vừa bước trên con đường lát đá vừa hỏi.

Văn Chu Nghiêu đi cạnh sau cậu khoảng nửa bước, trả lời: "Chưa."

"Bên đó không yêu cầu à?" Lâm Du lại hỏi.

"Chờ thi đại học xong." Văn Chu Nghiêu không hề có ý giấu cậu, "Anh sẽ đến Tây Xuyên một chuyến trước."

Lâm Du ừm một tiếng.

Văn Chu Nghiêu nghiêng đầu liếc nhìn cậu, "Sao thế? Không muốn anh đi à?"
Lâm Du suy nghĩ rồi lắc đầu, "Thật ra cũng không phải, anh, với mọi quyết định do anh tự đưa ra, em đều ủng hộ hết."

Tuy cậu vẫn có điều băn khoăn vì những chuyện trong quá khứ, tình hình phía nhà họ Văn rất phức tạp, cậu chỉ không hy vọng anh bị ép hoặc thấy không vui.

Nhưng nếu là lựa chọn của anh thì cậu không có lý do gì để ngăn cản.

Bọn họ đều có sứ mệnh và việc phải hoàn thành của riêng mình, không thể vì kiếp này hai người lớn lên cùng nhau, ở cạnh nhau quanh năm mà tự tiện quyết định con đường của đối phương.

Văn Chu Nghiêu cười cười, vỗ vai cậu nói: "Được rồi, đã nói là chỉ sang đó một chuyến thôi."

Lâm Du lại ừm một tiếng, không nói gì nữa.

Thật ra dù là Kiến Kinh hay Tây Xuyên thì với Lâm Du cũng chẳng khác biệt là mấy.

Văn Chu Nghiêu là Văn Chu Nghiêu, cả đời này cũng không thoát khỏi sự thật là anh là anh của cậu.
Lâm Du chia hoa cắt từ vườn của bà cụ thành hai bó, lấy hai chiếc bình gốm trong chái nhỏ ra rửa sạch, lần lượt cắm hoa vào rồi mang vào phòng Văn Chu Nghiêu.

Một bình trên bàn học, một bình trên bệ cửa sổ.

Văn Chu Nghiêu đang lật sách cạnh giá sách, thấy cậu loay hoay cạnh cửa sổ mãi thì tựa vào giá hỏi: "Em trèo cây hái cả buổi rồi để ở chỗ anh hết à?"

"Đúng rồi, cố ý cắt cho anh mà." Lâm Du tiếp tục chỉnh sửa không quay đầu lại.

Cho nên cậu không thấy được Văn Chu Nghiêu sau lưng mình đã sững lại trong một thoáng.

Nhưng anh nhanh chóng hoàn hồn lại, thung dung hỏi: "Bỗng dưng lại tặng hoa cho người khác?"

"Bỗng dưng gì chứ." Cuối cùng Lâm Du cũng vừa lòng, cậu lùi lại hai bước ngắm nghía rồi nói: "Cho tới nay, những người đã được nhận hoa từ em ngoại trừ, để em nghĩ xem, mẹ, cô út, bà nội, à với cô chủ nhiệm tiểu học, thì chỉ có mình anh thôi."
Văn Chu Nghiêu cười thành tiếng, "Vậy cảm ơn em nhé."

"Đừng khách sáo." Lâm Du nhướng mày quay lại, "Mùa nào chưng hoa nấy. Lần này em phải ra ngoài khá lâu, nếu chưa hết mùa hoa thì khi nào về em đổi bó khác cho anh."

Văn Chu Nghiêu ngẩng đầu khỏi sách để nhìn cậu.

Rồi anh lại cúi xuống, đáp: "Ừ, anh nhớ đấy."

Chương 34

Đoàn tàu lửa xanh lá xuyên qua núi non trùng điệp và đồng ruộng bát ngát còn mờ sương sớm, tiếng sầm sập đánh tan sự yên tĩnh ven đường đi. Lâm Du ngồi dậy trên chiếc giường nhỏ trong toa, vén rèm che nắng nhìn ra bên ngoài, vừa lúc thấy được lọn khói vấn vít từ mái nhà dân xa xa.

Vé tàu được Lâm Bách Tòng đặt sẵn, vé giường nằm, mỗi gian bốn người, giường tầng.

Lâm Thước và Lâm Hạo hưng phấn suốt đường đi chọn giường đối diện Lâm Du, hiện vẫn chưa dậy.
Lâm Du nhìn đồng hồ, sắp đến trạm dừng dọc đường, cậu thấy còn sớm nên ra hành lang rửa mặt trước.

Đúng lúc ấy gian kế bên có đứa bé cáu kỉnh buổi sớm cất tiếng khóc thủng cả màng nhĩ.

Lâm Du lấy kẹo que trên người ra dỗ cậu nhóc mất một lúc, khi cậu quay lại thì thấy cửa gian của mình mở hé, cứ tưởng Lâm Thước Lâm Hạo dậy rồi.

Cậu thuận tay đẩy cửa vào, "Hai người..."

Khi thấy rõ cảnh tượng bên trong cậu lập tức im bặt.

Thứ đầu tiên ập vào mắt khi vừa vào cửa là chiếc túi to đặt bên phải. Người mới đến đang chất đồ lên chiếc giường phía trên giường Lâm Du.

Lâm Thước đang ngồi tựa vào đầu giường phát hiện thấy Lâm Du về đầu tiên, lên tiếng: "Đứng đó làm gì, à, đây là người bạn đã mua vé tầng trên giường em. Tên gì ấy nhỉ? Bọn anh mới tán dóc vài câu, cậu ấy cũng học Nhất Trung đó. Tình cờ về nam thăm người thân đúng ngay dịp này, em thấy trùng hợp không?"
Người mới đến quay đầu lại, cười cười nói với Lâm Du: "Đúng rồi, em tên Tưởng Thế Trạch. Lâm Du, lâu rồi không gặp."

"Hai đứa biết nhau hả?" Lâm Thước nhìn người này rồi ngó người kia, ngạc nhiên hỏi.

Lâm Du nhìn Tưởng Thế Trạch chằm chằm, trở tay đóng phành cửa lại.

Lâm Hạo ở giường trên giật mình tỉnh giấc ngay tại chỗ, cậu chàng ngồi bật dậy dáo dác nhìn quanh, "Sao đấy sao đấy? Động đất hả?"

Lâm Du thẳng tay ném đồ dùng cá nhân lên giường rồi tiến tới vài bước.

Cậu đến gần Tưởng Thế Trạch, nheo mắt, "Cố ý hả? Theo dõi tôi à?"

Tưởng Thế Trạch hôm nay rất khác bình thường, hắn nhìn Lâm Du chăm chú như muốn tìm lại bóng dáng mình đã từng rất quen thuộc từ cơ thể thiếu niên của cậu. Lâm Du quá hiểu hắn, người này sẽ không đột ngột biến mất thời gian dài vậy rồi bỗng dưng xuất hiện ở đây, chắc chắn hắn biết gì đó.
Quả nhiên, Tưởng Thế Trạch nói: "Tiểu Du, em vẫn định giấu anh à?"

"Ấy ấy khoan." Lâm Thước lộn người dậy khỏi giường tầng dưới. Cậu chàng nhận ra sắc mặt Lâm Du không bình thường, biết lúc này phải quay lưng về phía Tưởng Thế Trạch, nhíu mày khẽ hỏi cậu: "Chuyện gì vậy?"

"Không liên quan đến các anh." Lâm Du nói.

Trong giây phút ấy, đột nhiên Lâm Thước có cảm giác mình chẳng hề quen biết cậu.

Theo lý mà nói, Lâm Du là em út nhỏ nhất trong nhà, khi ra ngoài bọn họ phải chăm sóc cậu mới đúng. Nhưng từ khi gặp cái người tên Tưởng Thế Trạch này, cậu như bị bao phủ trong bầu không khí căng thẳng, hơn nữa còn là loại cảm thụ mà bọn họ rất khó hiểu được.

Cứ như giữa hai người này có một quầng từ trường mà người khác không sao tiếp cận được.

Lâm Thước nhận định hẳn hai người đã có chuyện gì đó không thể nói với người khác, hơn nữa còn là chuyện không vui vẻ gì.
Dám hỏi trong nhà bây giờ ai có thể khiến tổ tông nhỏ nhà họ Lâm có biểu cảm thế này chứ.

"Có chuyện gì thì lên tiếng." Lâm Thước nhướng mày đá mắt với Lâm Du, "Đừng để tới lúc lớn chuyện rồi anh phải gánh."

Không cần biết khi ở nhà như thế nào, nhưng che chở người nhà là truyền thống gia đình của nhà họ Lâm rồi.

Lâm Du không đáp lại Lâm Thước, chỉ nhìn Tưởng Thế Trạch bảo: "Ra ngoài nói chuyện."

Chỗ tiếp nối giữa các toa có một phòng hút thuốc nằm sát cửa.

Lâm Du tựa vào vách xe, nhìn Tưởng Thế Trạch đang bước theo, hỏi: "Làm sao anh biết được?"

"Cuối cùng em cũng thừa nhận rồi." Tưởng Thế Trạch nói rồi tựa vào bức vách đối diện Lâm Du. Hắn nhìn ra cửa sổ rồi nói: "Trước đây anh đã thấy không đúng lắm, về sau giáo viên trong trường gọi anh lên nói chuyện là trên cơ bản anh đã xác định." Hắn quay đầu nhìn Lâm Du, dừng vài giây rồi bỗng nói: "Anh công khai với bố mẹ rồi."
Sắc mặt Lâm Du sững lại một thoáng rồi bật cười lạnh: "Anh nói chuyện đó với tôi làm gì?"

"Lâm Du anh biết trước đây mình thật sự quá đáng, anh không phải con người." Tưởng Thế Trạch càng nói càng kích động, hắn đứng thẳng lên bước về phía Lâm Du, nói: "Chỉ là anh... muốn bù đắp cho em."

"Bù đắp cho tôi?" Dường như Lâm Du vừa nghe thấy câu nói hài hước nhất thế giới.

Cậu bật cười thành tiếng thật, rồi nhìn Tưởng Thế Trạch nói: "Anh cảm thấy công khai với bố mẹ anh là bù đắp cho tôi đấy à?" Lâm Du nói rồi thay đổi biểu cảm ngay tắp lự, "Tưởng Thế Trạch, đừng tự suy diễn rồi tự cảm động lấy vậy được không?"

"Lâm Du, anh..."

"Anh im miệng!" Lâm Du ngắt lời hắn.

Đúng lúc có người đi ngang rồi nhìn nhìn hai cậu thiếu niên đang cãi nhau rành rành bằng ánh mắt lấy làm lạ. Rõ ràng đều còn rất trẻ mà sắc mặt đều sa sầm, đặc biệt là cái cậu trông trẻ hơn, trông cung cách không hề giống học sinh.
Lâm Du hoàn toàn không để tâm đến suy nghĩ của người qua đường. Từ khi biết chuyện Tưởng Thế Trạch nhớ được những gì đã xảy ra, cậu đã đoán chắc sớm muộn gì cũng có ngày này. Kiếp này dường như cậu chưa từng trải qua sóng to gió lớn thật sự, tràn đầy trong ký ức là cuộc sống thường ngày, có lúc gà bay chó sủa, nhưng đại đa số thời gian đều rất yên bình.

Nhưng những ký ức ấy đã lấp đầy cậu, xóa nhòa những tháng năm mà bây giờ nghĩ lại thấy mông lung như một giấc mộng.

Lâm Du bước tới cạnh cửa sổ, tàu lửa lại lăn bánh, cảnh vật trước mắt từ từ lùi ra xa.

Giọng cậu không cao, nhưng vẫn rõ ràng từng tiếng giữa âm thanh đoàn tàu khởi động rầm rập.

"Tưởng Thế Trạch, chắc anh biết tôi là người thế nào nhỉ." Nói hết câu này cậu quay đầu nhìn Tưởng Thế Trạch, "Khi đó tôi ép anh nói rõ ràng mọi chuyện với gia đình sao? Hay là tôi ép anh kết hôn? Chuyện công ty tôi chẳng muốn nói nữa, do bản thân tôi không biết đề phòng thôi, tôi chấp nhận. Nhưng sao anh không tự hỏi lại bản thân xem, rốt cuộc tại sao bây giờ anh lại hối hận? Đúng rồi, đừng giở cái giọng anh còn yêu tôi ra đây, làm tôi buồn nôn mất."
"Anh biết anh đã làm em tổn thương." Tưởng Thế Trạch giữ vai Lâm Du lại, cúi xuống nói: "Tiểu Du, xin lỗi, anh nghiêm túc xin lỗi em. Nhưng trời cao đã cho chúng ta cơ hội này, chẳng phải nên dùng nó để bù đắp lại sao? Không ai hiểu nhau hơn chúng ta. Mười năm, em quên được sao? Chúng ta mới là những người thân cận nhất trên thế gian này. Anh thề với em, nhất định sẽ bồi thường cho em, cho anh một cơ hội được không?"

Lâm Du nghiêng đầu liếc nhìn bàn tay trên vai mình.

Rồi cậu quay lại nhìn Tưởng Thế Trạch, "Khi anh thử tôi ở trường, anh có biết tại sao tôi không thừa nhận không?"

"Tại sao?" Tưởng Thế Trạch hỏi.

"Vì... Tôi chừa đường lớn anh không đi, cứ chạy tới muốn chịu đòn, vậy thì tôi thành toàn cho anh vậy!"

"Bốp!" Lâm Du đấm thẳng vào xương gò má hắn.

Người này hoàn toàn không có cơ sở đánh đấm, thời học sinh còn chơi bóng rổ, sau này vào ngồi trong văn phòng càng bỏ bê việc rèn luyện.
Tưởng Thế Trạch loạng choạng lùi về sau đập vào vách xe.

Lâm Du sấn tới xách cổ áo hắn, nhắm vào khóe miệng hắn bồi thêm một đấm, máu me nhoe nhoét đầy miệng Tưởng Thế Trạch.

Hắn giữ tay Lâm Du, đau đớn ra mặt phải thở dốc: "Lâm Du, có gì chúng ta từ từ nói."

"Ai muốn từ từ nói chuyện với anh hả." Lâm Du lôi hắn xuống sàn, một cú, hai cú, ba cú...

Đến khi Tưởng Thế Trạch không nói được tiếng nào nữa Lâm Du mới xách cổ áo hắn lên cúi đầu nghiến răng nói: "Tưởng Thế Trạch, bây giờ hiểu rồi chứ? Không phải tôi không quên được mười năm đó, mà tôi luôn luôn nhớ, anh đáng chết. Kiếp trước Lâm Du tôi khϊếp nhược đến mấy cũng không tới lượt kẻ nói phản bội là phản bội, quay đầu là quay đầu như Tưởng Thế Trạch như anh mở miệng, bù đắp? Đi chết đi!"
Lâm Du vừa ném hắn ra, còn chưa kịp đứng lên thì đã có một đám người chạy bình bịch tới.

May mà đang là sáng sớm, gần như không có ai đi lại trên hành lang nên bọn họ mới chậm chạp như vậy.

Người đầu tiên giữ Lâm Du lại là Lâm Thước, cậu chàng ôm eo Lâm Du từ sau lưng kéo cậu ra.

Miệng còn hô hào: "Tổ tông của con ơi, làm cái gì vậy hả?! Sao lại đánh nhau với người ta vậy?"

Lâm Du để yên cho Lâm Thước kéo mình lên rồi mới nhìn các nhân viên tàu dìu Tưởng Thế Trạch mặt đầy máu dậy.

Lâm Thước nhìn nhìn mặt Tưởng Thế Trạch, có vẻ rất không nỡ nhìn, sau đó cậu chàng đưa tay che mặt để nói nhỏ với Lâm Du: "Em gặp phiền phức rồi đó biết không?"

"Cần anh nói chắc." Lâm Du liếc cậu chàng, cúi đầu nhìn các khớp ngón tay rách da của mình, nhíu mày.

Trong số những người vừa đến có hai phục vụ của tàu.
Họ quan sát tuổi tác hai người rồi quát: "Chuyện gì đây? Đang yên lành sao lại đánh hau?"

"Chào anh." Những lúc thế này thì Lâm Thước lại rất chín chắn, cậu chàng bước tới chỉ vào Lâm Du rồi nói: "Đây là em của em. Bọn em cũng quen biết cậu ấy nữa, là bạn cùng trường với em em. Con trai mà, cãi cọ mấy câu xung đột một tí cũng bình thường thôi."

"Quen thì cũng đâu thể đánh người ta đến mức này chứ!"

Anh phục vụ nhìn Lâm Du và Tưởng Thế Trạch rồi cuối cùng hướng mắt về phía người bị đánh, hỏi: "Em xác định mình có quen biết với đối phương chứ?"

Tưởng Thế Trạch lau máu trên môi, đưa mắt nhìn Lâm Du.

Rồi hắn gật đầu đáp: "Phải, bọn em quen nhau."

"Thanh niên các cậu cũng thật là, nếu đã quen biết thì có gì cứ từ từ mà nói chuyện, sao phải đánh nhau chứ." Phục vụ tàu cũng không muốn phiền phức thêm nên cố gắng giảng hòa, anh chàng nói với Lâm Du: "Nếu đã vậy, em này, em xem mình đã đánh bạn đến mức này rồi. Em xin lỗi cậu ấy một tiếng rồi coi như chuyện này cho qua vậy."
Lâm Thước ho thêm tiếng nữa, nói nhỏ vào tai cậu: "Anh hùng không sợ cái thiệt trước mắt."

Vốn Lâm Thước tin chắc Lâm Du sẽ gật đầu, tuy nhóc con này tung hoành trong nhà nhưng nhìn kiểu rúm ró trước mặt anh cả là biết nó rất thức thời. Nhưng cậu chàng không sao ngờ được cậu lại ung dung đáp lời phục vụ tàu rằng: "Sao anh không thử hỏi xem cậu ta dám nhận lời xin lỗi của tôi không?"

Lâm Thước suýt hộc máu, một giây sau thì câm nín hẳn.

Người bị đánh còn thật sự đáp rằng: "Không cần xin lỗi đâu, chuyện riêng của bọn em, giải quyết riêng là được rồi."

...

Nửa tiếng sau, trong toa xe của bọn họ, Tưởng Thế Trạch đứng cạnh Lâm Du, nói như chốn không người: "Bớt giận chưa?"

Vết thương trên mặt hắn đã được phục vụ tàu xử lý đơn giản, nhưng vẫn xanh xanh tím tím, nhìn biết ngay Lâm Du đã rất nặng tay.
Lâm Du ngồi ở đầu giường, gác tay trên chiếc bàn nhỏ giữa đường đi gọt táo.

Gọt xong đưa cho Lâm Hạo đang chìa tay xuống từ giường trên đối diện, như không hề nghe thấy.

Lâm Thước nhận ra chút manh mối, xác định được Tưởng Thế Trạch này đã làm gì đó có lỗi với Lâm Du, hơn nữa còn rất nghiêm trọng.

Nghĩa là chắc chắn Lâm Du đã chịu thiệt thòi.

Không có Văn Chu Nghiêu ở đây, cậu chàng tự giác nhận trách nhiệm người anh lớn, nhíu mày đứng lên nói với Tưởng Thế Trạch: "Cậu này, rốt cuộc cậu tìm Lâm Du có việc gì? Cứ việc nói với tôi."

Tưởng Thế Trạch liếc nhìn Lâm Thước, không trả lời, vẫn chỉ nhìn Lâm Du chằm chằm.

"Ngồi lại đi." Lâm Du nói với Lâm Thước mà không ngẩng đầu, rồi cậu tự đứng lên nói với Tưởng Thế Trạch: "Nếu cậu đi để thăm người thân thì bọn tôi cũng có việc phải làm, chiều đến nơi thì xem như chưa từng gặp nhau. Đừng ép tôi phải động thủ nữa Tưởng Thế Trạch, cậu biết hậu quả của việc đi quá giới hạn mà."
Dù Lâm Thước và Lâm Hạo ít nghĩ theo hướng kia đến mấy thì để lâu chắc chắn cũng sẽ nhận ra gì đó thôi.

Đến lúc đó, cậu mờ mờ ám ám với một thằng con trai, vấn đề đó tuyệt đối hơn xa chuyện cậu ra tay đánh người.

Tưởng Thế Trạch biết giới hạn của cậu ở đâu, hắn lên tiếng: "Được, tớ đảm bảo sau khi xuống tàu sẽ không đi theo cậu."

Bốn giờ tàu đến trạm.

Quả nhiên các thành phố phía nam khác hẳn Kiến Kinh, ở đây lạnh mà ẩm thấp, khí hậu cũng không hanh khô như phương bắc.

Người đón bọn họ là tài xế Văn Chu Nghiêu đã tìm sẵn, khoảng tầm ba mươi, bất ngờ là anh ta nói tiếng bắc rất lưu loát.

"Tài xế Vu." Lâm Du ngồi vào ghế phó lái, hỏi: "Nghe giọng anh có vẻ không giống người địa phương?"

"Phải mà." Anh tài xế cười ha hả giải thích: "Nhưng anh ở Tây Xuyên mười mấy năm rồi, mới về đây năm ngoái thôi."
"Tây Xuyên?" Lâm Du ngồi sau nói: "Là chỗ bố anh cả sinh ra à."

"Anh cả cũng được sinh ra ở đó luôn mà." Lâm Thước tiếp lời: "Bác cả nói trước đây chú Văn với cô Chử Văn Tú sinh ra anh cả ở Tây Xuyên trước rồi mới dọn tới Kiến Kinh."

"Đúng rồi." Anh tài xế Vu thích nói chuyện, nhưng với những gì không nên nói thì chẳng nhắc nửa lời, chỉ bảo: "Anh cũng nghe nói vậy. Tuy anh mới về không lâu nhưng cũng rành đường đi bên này lắm. Mấy đứa muốn đi đâu cứ tìm anh là được."

"Cảm ơn anh Vu." Lâm Du nói.

"Có gì đâu." Tài xế Vu cười nói: "Anh của em đích thân gọi điện thoại dặn mà, chắc chắn phải tiếp đãi mấy đứa tử tế rồi."

Lâm Thước lập tức bám vào thành thò đầu lên xen mồm: "Tài xế Vu, anh nhớ nói với anh cả là Lâm Du đánh nhau với người ta trên tàu."

"Có chuyện gì vậy?" Tài xế Vu hỏi ngay.
Lâm Du chụp tờ báo phía trước xe ụp vào mặt Lâm Thước, nghiến răng, "Ngậm cái mồm thối của anh lại!"

Rồi cậu cười cười với tài xế Vu, "Anh ấy nói bậy bạ đấy ạ."

Chương 35

Khi cả bọn đến trạm đã là chiều, nhưng vẫn còn cách chỗ bọn họ muốn đến ít nhất mười tiếng đi xe nữa, cho nên tài xế Vu dẫn ba người đi ăn trước rồi thuê một khách sạn trong thành phố.

Lúc nhận phòng tài xế Vu còn nói: "Huyện Mạo Sơn mà mấy đứa muốn tới còn xa đây lắm, phải đổi những hai tuyến xe buýt. Hôm nay ở lại đây đã, sáng mai anh đến đón mấy đứa xuất phát."

Lâm Du: "Tài xế Vu, muộn chút được không ạ?"

Tài xế Vu: "Vậy mười giờ sáng nhé? Em có việc gì à?"

"Vâng ạ." Lâm Du gật đầu, "Thật ra cũng không có gì, lần đầu tiên đến mà nên em muốn đi dạo chút."

Tài xế Vu: "Đi dạo quanh cũng hay, tuy ăn uống vui chơi ở chỗ bọn anh không bì được với thành phố lớn như Kiến Kinh nhưng cũng có điểm đặc sắc riêng."
Lâm Du nói vâng.

"Em định đi dạo thật đấy à?" Lúc lên lầu Lâm Thước xách túi đi cạnh Lâm Du sẵn tiện hỏi.

Lâm Du liếc nhìn cậu chàng, "Sao lại không được đi dạo, nghề mộc của nhà họ Nam ở Thuận Dương xuất chúng ở vùng này đó, đi xem thử cũng đâu thiệt gì. Hơn nữa anh không nhận ra mấy năm nay việc kinh doanh của bọn họ dần có xu hướng vượt mặt nhà họ Tần ở Hoài Xuyên à?"

Lâm Thước cạn lời chốc lát rồi nói: "Cái đi dạo mà em nói hoàn toàn không giống ý anh nói."

Lâm Du lười trả lời cậu chàng.

Sáng sớm hôm sau vốn Lâm Du định ra phố một mình, kết quả Lâm Thước Lâm Hạo lại một hai đòi góp vui.

Kiếp trước Lâm Du cũng từng ở phía nam đến mười năm, nhưng trên thực tế ngoài công tác ra thì cậu chưa từng thăm thú đây đó cho tử tế.

Lâm Du thấy Tưởng Thế Trạch trước một hàng trang sức.
"Hai người đi trước đi, em xem thêm chút nữa." Lâm Du xua Lâm Thước Lâm Hạo đi.

Quả nhiên, Tưởng Thế Trạch nhanh chóng bước tới.

Lâm Du cầm một sợi dây chuyền thập giá kiểu của nam lên, đặt trong lòng bàn tay ngắm rồi nói: "Có những người hứa hẹn cũng như đánh rắm ấy, quả nhiên không thể tin được."

Tưởng Thế Trạch đã thay đồ, mặt dán tận mấy miếng băng cá nhân, trông khá là đáng chú ý.

Cả chủ sạp thấy hắn bước tới cũng liếc nhìn mấy lần.

Tưởng Thế Trạch đứng cạnh nói: "Anh không cố ý, chỉ là hôm qua thấy tài xế đến đón bọn em đi, rồi hỏi thăm thử. Em... có biết hắn từng ngồi tù không. Anh lo cho em mà."

Tay Lâm Du khựng lại, nghe vậy thì nghiêng đầu liếc nhìn hắn.

"Anh định nói gì?" Lâm Du hỏi.

Tưởng Thế Trạch: "Anh biết bọn em định đến huyện Mạo Sơn, nhưng người đó thật sự rất nguy hiểm. Anh có thể tìm giúp người dẫn bọn em..."
"Đủ rồi." Lâm Du nhíu mày ngắt lời, cậu nhìn hắn nói: "Tưởng Thế Trạch, tôi nhớ trước đây anh đâu có lắm lời thế. Tôi nhắc anh một lần cuối cùng, đừng có theo bọn tôi nữa, cũng đừng có dò hỏi cuộc sống và hành tung của bọn tôi."

Lâm Du nhờ chủ sạp gói sợi dây chuyền trong tay lại, chủ sạp nói sợi dây rất hợp với cậu.

Lâm Du: "Không phải cháu đeo đâu ạ, mua để tặng."

Mấy thứ bán ở sạp lề đường như thế này đều rất rẻ, cậu chỉ vô tình phát hiện hai chữ cái khắc ở mặt sau sợi dây chuyền này tình cờ là Chu Nghiêu, thấy trùng hợp nên muốn mua thôi.

Tính ra cho tới nay cậu đã tặng Văn Chu Nghiêu không ít thứ.

Đa phần là mấy thứ nho nhỏ linh ta linh tinh, không chọn thời gian hay những dịp lễ tết cố định nào, có lúc bỗng dưng nghĩ tới là tặng.

Đến nay ngăn kéo bàn trong phòng Văn Chu Nghiêu vẫn còn bình sữa Lâm Du từng bú khi còn nhỏ, con dao khắc đầu tiên mà cậu dùng, cả chiếc ba lô hình gấu bông cậu đeo năm năm sáu tuổi nữa.
Tập tính cất giữ đồ đạc này rất giống loài động vật nào đó, nhưng cậu lại không chịu tự cất mà một hai phải để ở chỗ anh. Thật ra đa số lần cũng là để trêu anh cậu thôi, tại Văn Chu Nghiêu lúc còn nhỏ chẳng giống trẻ con chút nào hết.

Nhưng Văn Chu Nghiêu cứ liên tục nhận lấy thật, cả Lâm Du cũng thấy rất có ý nghĩa kỉ niệm khi kéo ra xem.

Lâm Du trả tiền, cầm lấy chiếc túi ông chủ đưa rồi quay đầu đi.

Tưởng Thế Trạch đuổi theo, lên tiếng: "Lâm Du, anh đang nói nghiêm túc đó. Em không thể xem nhẹ an toàn của bản thân chỉ vì cáu kỉnh với anh được. Nơi đây là đất khách, không phải Kiến Kinh."

Lâm Du dừng chân đứng lại bên đường, quay đầu.

"Cáu kỉnh?" Lâm Du nhướng mày, "Anh xứng à?"

Sắc mặt Tưởng Thế Trạch sượng sùng hẳn, nhưng hắn cố kiềm lại mà nói: "Đừng cứng đầu nữa Lâm Du, anh đang nghiêm túc với em đấy."
"Có lẽ với sự việc này, anh thật sự có chút ý tốt." Lâm Du lùi lại một bước đứng trên đường lát đá cho người đi bộ, nhìn thẳng vào Tưởng Thế Trạch giờ chẳng cao hơn cậu là bao để nói: "Nhưng Tưởng Thế Trạch à, cái vẻ mềm mỏng nhẫn nhịn hiện giờ của anh đối với tôi chẳng có gì ngoài nực cười. Ngoài ra, tài xế Vu là người do anh tôi tìm, hiểu chưa?"

Sắc mặt Tưởng Thế Trạch khó coi hơn hẳn, "Tên Văn Chu Nghiêu đó à?"

"Phải." Lâm Du đáp: "Đừng nói là anh ta từng ngồi tù, có từng gϊếŧ người phóng hỏa thì với tôi cũng không thành vấn đề."

"Em tin tưởng tên họ Văn đó vậy sao?"

Lâm Du: "Chứ không lẽ tin anh?"

Ngay từ lần đầu tiên Tưởng Thế Trạch gặp Văn Chu Nghiêu đã luôn cảm thấy quan hệ giữa anh và Lâm Du không tầm thường.

Lâm Du có không chỉ một người anh, nhưng Văn Chu Nghiêu thì khác.
Cộng thêm việc Tưởng Thế Trạch nhớ được kiếp trước cuối đời mình đã xuống dốc như thế nào, cái tên Văn Chu Nghiêu để lại ấn tượng sâu sắc trong đầu hắn, bây giờ nghĩ lại vẫn thấy kinh hoàng.

Thái độ bảo vệ của Lâm Du kí©ɧ ŧɧí©ɧ điểm yếu ớt trong thần kinh của hắn, khiến Tưởng Thế Trạch buột miệng nói mà không lựa lời: "Lâm Du, tư tưởng của em đã dị dạng rồi em không nhận ra à? Anh biết trước đây mình làm không tốt, khiến em và người nhà bị chia cắt sớm. Nhưng em có thấy đứa em trai nào như em không, nói câu nào cũng anh anh anh anh, trong lòng em thật sự hy vọng hắn là anh của em à?"

Tưởng Thế Trạch nói xong mới nhận ra mặt Lâm Du đã lạnh buốt, vội vàng bước tới sửa lời: "Lâm Du, anh không có ý đó, không nói em có vấn đề."

Lâm Du lên gối thẳng vào bao tử Tưởng Thế Trạch làm mặt hắn tái đi, cong gập người ngay tại chỗ.
Lâm Du ngồi xổm xuống trên bậc đá, nhìn lên khuôn mặt khổ sở của Tưởng Thế Trạch.

"Đừng có đặt mấy thứ suy nghĩ bẩn thỉu đó của anh lên anh ấy, hiểu chưa?"

Lâm Du nói rồi đứng lên định đi, Tưởng Thế Trạch giữ cậu lại.

"Nhất định phải mắng như thế à?" Hắn hỏi.

Lâm Du hất tay ra, "Chứ không thì sao?"

"Lâm Du!" Tưởng Thế Trạch lại gọi cậu lại, "Anh hỏi một câu cuối cùng, em trả lời anh thật lòng"

"Hỏi."

"Trước đây... có phải em đã liên lạc với Văn Chu Nghiêu, cho nên mới bỏ đi cương quyết, không hề quay đầu như thế?"

Lâm Du quay đầu, nhíu mày, "Ý anh là sao?"

"Em dám bảo đảm tuyệt đối không có không?" Dường như Tưởng Thế Trạch vẫn canh cánh trong lòng mãi chuyện này, hắn nói: "Nếu không thì lúc đó tại sao hắn cứ cắn chặt anh không tha. Công ty phá sản, hôn nhân thất bại đều có bóng hắn giật dây. Lâm Du, anh cũng không ngu đâu, anh chỉ muốn biết chân tướng."
Ban đầu Lâm Du còn chưa hiểu ý hắn, nhưng khi đã hết câu, cậu liền hiểu ra.

Lâm Du không hề biết về sau Tưởng Thế Trạch như thế nào, càng không biết lại là...

Lâm Du ngẩn người rất lâu...

Chuyện kiếp trước cậu đã quên nhiều, chỉ nhớ được bóng dáng trước mộ bia ngày cuối cùng, nhớ được màn tuyết ngày hôm ấy.

Thì ra, anh đã làm nhiều như vậy.

Lời cuối cùng Lâm Du nói với Tưởng Thế Trạch là: "Anh đừng tưởng bản thân mình là một tên khốn khϊếp với đạo đức mạt hạng thì người khác cũng sẽ làm chuyện giống anh. Nhưng hôm nay, tôi vẫn phải cảm ơn anh một tiếng."

Lâm Du từng nghĩ, năm ấy anh cậu bôn ba dặm trường nhặt xác cho cậu là vì tình nghĩa thế hệ cha chú.

Lâm Du rất muốn hỏi anh, Lâm Du cậu có gì đáng cho anh làm đến mức ấy.

Lâm Du chưa từng nóng lòng gặp ai đến thế, dù cho đời này anh không còn ký ức kiếp trước, nhưng Lâm Du vẫn vô cùng muốn gặp anh.
Mười giờ cả bọn y hẹn có mặt ở trạm xe gặp tài xế Vu rồi đi thẳng đến huyện Mạo Sơn.

Kế hoạch của Lâm Du là cố gắng rút ngắn hành trình hết mức có thể, nhưng cả bọn vừa đến huyện Mạo Sơn, còn chưa kịp gặp chú Hoàng phụ trách mà Lâm Bách Tòng nói đã gặp chuyện công nhân bên này làm loạn.

Chú Hoàng này cũng đã bốn mươi mấy gần năm mươi rồi. Chú là một trong những người làm nghề gỗ sớm nhất huyện Mạo Sơn, kiếm được cũng khá, nhưng mấy năm nay việc kinh doanh trì trệ, phải nợ lương rất nhiều công nhân.

Chú Hoàng dẫn nhóm Lâm Du đến nhà mình.

Vừa đi vừa nói: "Lô hàng anh Lâm đặt vẫn chưa bắt đầu sản xuất, phải xem phía núi Ngọc Dương thế nào đã. Nhưng mấy đứa cũng thấy tình hình chỗ chú rồi đó, trước mắt chắc không cách nào dẫn mấy đứa đi được. Mấy đứa chịu khó ở lại đây mấy hôm trước đã nhé."
Chuyện bất đắc dĩ, cả bọn đành phải ở lại.

Nhà của chú Hoàng là dạng nhà vườn điển hình của phía nam, trồng rất nhiều hoa huệ mưa.

Chỉ là các công nhân đình công thường xuyên tìm đến, những người ở đây cũng khó tránh bị liên đới đến chật vật.

Khi rảnh Lâm Du cũng hay theo chú Hoàng đi đây đi đó, cậu không bỏ qua bất kì thứ gì cần xem hay thu thập.

Ngày thật sự xuất phát đến núi Ngọc Dương cách hôm bọn họ đến huyện Mạo Sơn gần một tuần lễ.

Hôm đó thời tiết không được đẹp, chú Hoàng có một chiếc xe thùng rất lớn để tự chuyển hàng, nói là có thể lái đến chân núi Ngọc Dương.

Có điều đi đường đất nên xóc nảy điên đảo.

Bọn Lâm Du ngồi trong cabin phía sau, xe rung lắc làm cả bọn nghiêng ngả. Lâm Hạo than vãn: "Anh cứ tưởng chuyến này ra ngoài vui lắm. Nhưng bao nhiêu ngày nay, ngoài cực khổ ra chẳng còn gì khác."
"Vốn cũng đâu phải đi để anh chơi." Lâm Du nói.

Trong lúc nói chuyện xe dằn trúng một cái ổ gà lớn, Lâm Thước đập đầu vào thanh sắt kế bên, còn chửi tục.

Chú Hoàng ngồi trước nói lớn: "Mấy đứa nhỏ giữ chặt nha, đường đi bên này vậy đó, lồi lõm dữ lắm."

"Dạ biết rồi chú Hoàng, chú cứ lái đi ạ."

Không ai ngờ được giữa đường lại gặp mưa, còn là mưa như trút nước.

Giữa con đường đất neo nhà vắng khách, tiếng mưa dội vào thân xe kêu rầm rầm.

Cả bọn Lâm Du đứng bên đường, người bê bết bùn đất, nghẹn ngào nhìn nửa cái bánh xe lún trong bùn sình.

"Làm sao bây giờ?!" Lâm Hạo gào hỏi trong tiếng mưa.

Lâm Du chớp chớp cho rơi nước mưa vẫn liên tục chảy xuống mi mắt, đứng yên tại chỗ không nhúc nhích, một lát sau mới nói: "Làm sao được nữa? Hoàn toàn không đẩy nổi, chờ chú Hoàng tìm người đến vậy."
"Xui thế không biết!" Lâm Thước đá cục đá bên chân.

Cậu chàng vừa đá xong thì sững lại, hỏi: "Ê nghe xem, có xe đến phải không?"

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play