dịch: Uyên Uyên
Chương 11
Vết thương của Lâm Du bị nhiễm trùng, lại nằm trong từ đường cả đêm nên đến sáng hôm sau đã sốt cao thành công. Ngay sáng sớm Văn Chu Nghiêu đã bế cậu ra khỏi từ đường, toàn bộ lửa giận của Lâm Bách Tòng đều hóa thành lo lắng rõ ràng khi thấy con trai mặt mũi tái nhợt nằm trên giường.
"Chú Lâm đừng lo, lúc trời sắp sáng con đã cho em uống thuốc hạ sốt rồi."
Trên chiếc bàn tròn giữa phòng, Văn Chu Nghiêu rót trà đặt vào tay Lâm Bách Tòng.
Lâm Du ngủ rồi.
Lâm Bách Tòng cầm ly trà, bồi hồi nhìn thiếu niên đã cao lớn trước mặt, "Lúc con mới tới nhà họ Lâm cũng chỉ lớn bằng thằng oắt con Lâm Du thôi đúng không?"
"Dạ." Văn Chu Nghiêu ngồi xuống đối diện, cười cười, "Lúc đó con mới đứng tới eo chú Lâm."
"Thời gian qua nhanh thật." Lâm Bách Tòng vẫn luôn xem Văn Chu Nghiêu như con trai ruột, nhưng không như sự nuông chiều và thiên vị với Lâm Du, với anh, Lâm Bách Tòng luôn khoan dung ủng hộ, chú nói: "Nếu thằng con này chín chắn được bằng một nửa con lúc đó thì chú với mẹ nó sẽ thọ thêm được mấy năm."
"Trong lòng em ấy cũng khó chịu lắm." Văn Chu Nghiêu nói.
Lâm Bách Tòng thở dài, "Chú biết chứ. Ngẫm kĩ lại, chuyện này cũng không hoàn toàn là xấu, quả thật nhà họ Lâm đã an nhàn quá lâu." Chú nói rồi đưa mắt nhìn về phía giường, chợt đổi giọng: "Nhưng đây cũng không phải lý do cho nó phạm lỗi. Chú biết sớm muộn gì nó cũng gây chuyện mà. Đứa con này, chí cao hơn trời, lòng chứa nghiệp lớn."
Văn Chu Nghiêu nhìn Lâm Bách Tòng lặng im nhấp trà, nhất thời bỗng không nghe ra chú đang tức giận hay tán dương nhiều hơn.
Lâm Bách Tòng uống vài ngụm rồi đặt ly xuống, nhìn Văn Chu Nghiêu tổng kết lại: "Đứa con này, thiếu dạy dỗ."
Tay Văn Chu Nghiêu khựng lại, "Chú, chú đã có quyết định gì rồi đúng không?"
"Đời ông cố nhà họ Lâm từng có một phân nhánh, lấy cái cũ của kỹ nghệ điêu khắc gỗ truyền thống để dung nhập với ưu điểm của các gia tộc khác rồi tự lập thành trường phái mới, vì đã từ bỏ những giá trị cốt lõi nhất nên không được chủ gia đình thừa nhận." Lâm Bách Tòng nói tới thì đứng lên, tiện tay lấy một quyển sách trên giá xuống lật xem. Bao năm qua cách trang hoàng trong phòng Lâm Du vẫn không thay đổi nhiều, chỉ là sách trên giá này ngày càng nhiều, từ thẩm định tranh ảnh nghệ thuật, đến thiết kế mỹ thuật, công nghệ chế tác, bao gồm rất nhiều phương diện, phạm vi cũng rộng.
Lâm Bách Tòng nói thế này: "Trường phái ấy của nhà họ Lâm đến nay chỉ còn một người, người lớn như chú phải gọi là chú họ. Là một ông cụ tính tình kỳ quặc lắm, sống một thân một mình cạnh chùa Thanh Sơn của Kiến Kinh, không con cái cũng chẳng nhận đồ đệ, nhưng vẫn còn chút tình nghĩa với nhà họ Lâm. Chú đã báo với ông ấy rồi, khi nào vết thương của Lâm Du lành, con dành một ngày đưa nó sang đó đi."
Sắp phải đưa Lâm Du đi rồi.
Văn Chu Nghiêu thật sự không ngờ tới.
Anh nhíu mày, "Chú Lâm..."
"Sao vậy? Con không yên tâm hả?" Lâm Bách Tòng quay đầu nhìn Văn Chu Nghiêu, vỗ vai anh rồi nói: "Chu Nghiêu, trước đây chú Lâm từng nói hy vọng con có thể dõi theo nó lớn lên, nhưng Lâm Du không bao giờ là trách nhiệm của con, con không cần phải khiêng nó trên vai mà đi cho hết đường. Con phải nhớ kỹ điều này."
Có gì đó thoáng qua trong mắt Văn Chu Nghiêu, anh trầm ngâm, "Chú Lâm, con chưa từng cảm thấy vậy."
Không phải hành lý, càng không thể gọi là gánh nặng.
"Vậy à." Lâm Bách Tòng lại bật cười, nói: "Thằng oắt con đó thật sự rất dễ khiến người ta yêu thương đúng không, nhưng mà, nhất thiết phải cho nó ra ngoài một thời gian để rèn giũa lại tính tình."
Văn Chu Nghiêu liếc mắt nhìn về phía Lâm Du đang ngủ.
Sợ là cậu sẽ làm ầm ĩ lên.
Lâm Du hoàn toàn không biết trong lúc mình ngủ, cha cậu đã vung tay, quyết định một khoảng thời gian rất dài sau đó cậu sẽ phải sống trong cảnh không còn tự do.
Trong thời gian cậu dưỡng thương, tranh thủ ngày nghỉ, Trương Gia Duệ đến thăm nhà họ Lâm lần đầu tiên.
Đi qua hàng hiên kiến trúc đình viện cổ xưa, sau khi vào cửa, câu đầu tiên của Trương Gia Duệ từ nhỏ đã lớn lên trong vòng vây của tài xế và bảo mẫu là: "Lâm Du, cậu lại lừa tớ."
Lâm Du ngồi trên giường ăn mứt táo, nghe vậy liền dừng lại hỏi: "Lừa là sao? Tớ lừa cậu bao giờ?"
"Thôi đi, tự cậu không biết à? Còn nữa trước đây tớ hỏi nhà cậu làm nghề gì, cậu nói là khắc gỗ. Tớ còn tưởng là thợ mộc, kết quả thì sao? Nhà cậu là danh gia vọng tộc trong truyền thuyết đúng không. Nếu là thời xưa thì cậu là thiếu gia con nhà hào môn rồi?"
Lâm Du kín đáo đảo mắt, lên tiếng: "Vậy xin hỏi vị công tử con nhà giàu đúng nghĩa ngài đây, cậu có thấy thiếu gia nào dậy sớm hơn gà ngủ trễ hơn chó, bị đánh xong chẳng có đến một nha hoàn hầu hạ chưa?"
"Cái đó rõ ràng là do cậu không biết hài lòng." Trương Gia Duệ bước tới giành đồ ăn vặt trong tay cậu, hỏi cậu: "Vết thương của cậu sao rồi? Tớ nghe Lâm Hạo nói cậu còn không xuống giường nổi hả."
Lâm Hạo ngạc nhiên: "Cậu quen biết Lâm Hạo từ lúc nào vậy?"
"Mới vừa rồi á." Trương Gia Duệ ném một miếng mứt táo lên rồi há miệng đón, đón hụt, miếng mứt rớt xuống giường Lâm Du.
Lâm Du nhặt lên ném vào cậu chàng, ghét cực kỳ: "Tránh xa giường tớ ra."
Trương Gia Duệ là dạng người cơ hội điển hình, sự thân thiết sau khi quen biết Lâm Du thật sự không phải thứ một gia đình bình thường có thể hun đúc thành.
Lâm Du: "Tớ còn chưa hỏi cậu, sao hôm nay cậu lại đến đây?"
"Cậu không tới trường nên tớ chán lắm." Trương Gia Duệ bỏ qua lời cảnh cáo tránh xa giường cậu ra, trông như định ngồi lên.
Lâm Du tung chân lên đá.
Trương Gia Duệ trợn tròn mắt tránh, "Tớ là khách đó, không niềm nở chút được à?"
"Ngồi đâu trong phòng cũng được, ngoại trừ giường."
"Cậu phiền thế nhỉ." Trương Gia Duệ than phiền.
Cậu nhóc ú đành chấp nhận số phận, khiêng cái ghế gần đó sang ngồi cạnh giường Lâm Du rồi lấy quyển vở trong cặp sách ra bảo: "Đây là bài cô mới giảng mấy hôm nay, tớ chép lại cho cậu rồi."
Sau đó mới nói vào trọng điểm: "Mấy hôm nữa trường tổ chức dã ngoại, cậu đi không?"
"Đi đâu vậy?" Lâm Du hỏi.
Trương Gia Duệ: "Kênh Tuyến Vân."
Lâm Du thầm nghĩ đó chẳng phải là cái đường ống nước sao, cách Kiến Kinh không đến hai mươi dặm về phía tây bắc. Kiếp trước khi còn nhỏ Lâm Du rất thường theo Lâm Thước Lâm Hạo ra ngoại thành chơi, chẳng nơi nào ở ngoại thành mà bọn họ chưa đặt chân tới.
Trương Gia Duệ có vẻ hào hứng lắm, "Đi nhé đi nhé, tuần trước lớp kế bên mới được đi đó, chúng nó nói có thể xuống sông bắt cá, có cả cua đồng nữa, tớ chưa đi bao giờ."
"Vậy trước giờ cậu hay làm gì?" Lâm Du hỏi.
Trương Gia Duệ ngây thơ đáp: "Cả nhà tham gia hòa nhạc, hoặc là tiệc sinh nhật gì đó. Nhưng tớ không thích mấy chỗ đó chút nào, rất nhiều nữ sinh ăn vận như bắp rang bơ còn tưởng mình là công chúa."
Lâm Du thở dài câm nín, không biết nên cảm thán đây chúng là một cậu thiếu gia trong sống trong ổ vàng ổ bạc thật sự hay nên khen cho năng khiếu hài hước bẩm sinh của nhóc ú này nữa.
"Không đi." Lâm Du từ chối rất thẳng thừng.
Sắc mặt Trương Gia Duệ suy sụp tức thì, cứ như Lâm Du nói thêm một câu nữa thôi là cậu chàng khóc ngay tắp lự.
Lâm Du lớn thế rồi mới tham gia hoạt động dã ngoại lần đầu tiên, dường như đây là một chuyện rất trọng đại với cả gia đình. Trời chưa sáng Dương Hoài Ngọc và Lâm Mạn Xu đã dậy sắp xếp hành lý cho cậu rồi làm bánh quy mang theo để ăn dã ngoại.
"Mẹ." Lâm Du xách cái cặp hình gấu bông, bất lực lên tiếng: "Con lớp sáu rồi, không phải sáu tuổi."
"Nói như lớn lắm không bằng." Dương Hoài Ngọc quở cậu, ngồi xuống nới dây đeo cặp ra rồi xoa má cậu nói: "Em bé dễ thương quá đi."
Lâm Du chu mỏ thơm chụt lên má Dương Hoài Ngọc, để lòng kiêu hãnh như sắp tiễn con lên bục nhận giải thưởng quốc tế của cô được thỏa mãn.
Dương Hoài Ngọc cười mãi không ngừng, cũng thơm lại cậu, dặn dò: "Ra ngoài đừng chạy lung tung nhé, đi theo thầy cô và các bạn, còn nữa, không được ăn đồ cay bậy bạ, vết thương trên lưng con chưa khỏi đâu, coi chừng có sẹo đó."
"Con biết mà." Lâm Du gật đầu dạ hết mọi điều.
Gần đây Lâm Bách Tòng bận vắt giò lên cổ vì chuyện Lâm Du gây ra trước đó, Lâm Du biết hết.
Việc cậu làm được cũng có hạn, nhưng khi cậu lấy các thành phẩm đẽo khắc tỉ mỉ cất trong phòng mấy năm nay ra nói làm quà tạ lỗi với các khách hàng lâu năm bị trễ hẹn giao hàng, Lâm Bách Tòng lại ngăn cậu.
Lâm Du lên kế hoạch chuyện này đã lâu, nhưng tới trước mặt cha cậu chỉ còn lại một câu: "Bố anh còn chưa già mà, chưa tới lượt oắt con nhà anh khoe mẽ đâu."
Người cha như ngọn núi vững chãi mà kiên định, che chắn tất cả gió sương mưa tuyết bên ngoài.
Biết trường tổ chức đi dã ngoại, Lâm Bách Tòng cũng gật đầu tán đồng.
Cha cậu nói là: "Con ra ngoài đi chơi đi, bố đỡ thấy đỡ phải ngứa mắt."
Kế hoạch đi chơi của Lâm Du cứ thế là thành.
Sáng sớm tinh mơ là tài xế nhà Trương Gia Duệ đã đến đón Lâm Du, ngồi trong xe vừa hay thấy được cảnh gia đình Lâm Du tiễn cậu ra.
Lúc Lâm Du lên xe, đối diện với ánh mắt của Trương Gia Duệ, thì nghe cậu chàng nói: "Giờ tớ mới phát hiện, chắc tớ mới là đứa được bố mẹ nhặt về."
Còn hô toáng lên: "Cậu có biết xấu hổ không, em bé?!"
Lâm Du nở nụ cười thương mại với cậu nhóc ú: "Không nhé."
Xe rời đường Thịnh Trường chưa tới một cây số thì bắt đầu thấy cảnh phồn hoa sầm uất của khu trung tâm, hai bên đường hàng quán san sát, tiếng rao của những người gánh hàng rong vang lên du dương văng vẳng.
Lâm Du ngắm cảnh ven đường hồi lâu, đột nhiên lên tiếng: "Chú tài xế ơi dừng xe chút ạ!"
"Sao vậy bạn nhỏ?" Chú tài xế rất hiền hòa, đậu xe lại bên đường theo lời cậu.
Lâm Du thò đầu ra khỏi cửa sổ, hô lớn về phía ngã rẽ bên kia đường, "Anh ơi!"
Người Trương Gia Duệ run lên như phản xạ có điều kiện, quay đầu lại: "Không phải chứ, sao anh cậu lại ở đây?"
Lâm Du ừ một tiếng.
Tiếng chuông reng rẻng vang lên từ ngã rẽ bên kia, bảy tám thiếu nam thiếu nữ đạp xe lần lượt chạy sang bên này từ khúc ngoặt phía đối diện. Văn Chu Nghiêu đột ngột xuất hiện trước mắt, chiếc áo sơ mi mặc ngoài áo thun không cài nút bay phần phật theo gió.
Anh vén tay áo lên tới khuỷu tay, một sự tồn tại chỉ chỉ lướt ngang tầm mắt thôi cũng khiến người ta kiềm lòng được mà quay đầu.
Cùng lúc tiếng gọi anh kia vang lên, chiếc xe đạp sườn ngang chạy trước nhất bẻ lái sang, ngay sau đó là tiếng thắng xe kêu két, Văn Chu Nghiêu chống một chân xuống đất dừng trước mặt Lâm Du.
Mắt Lâm Du cong cong, "Anh đi đâu vậy?"
Lâm Du vừa dứt lời là có tiếng ai liếng thoắng phía sau: "Văn Chu Nghiêu, sao thế? Cậu qua đó chi vậy?"
Văn Chu Nghiêu quay đầu nhìn lại rồi nhìn Lâm Du, "Anh đang trên đường đi học thêm, sau đó còn có hoạt động chính thức của câu lạc bộ bắn súng." Anh nhìn chiếc ba lô gấu bông phồng phồng trước ngực cậu, cong môi nhẹ đến khó nhận ra, dặn: "Đi chơi vui nhé, về nhà đúng giờ, nghe không?"
"Em biết rồi." Lâm Du hậm hức đáp.
Ngay lúc ấy phía sau anh lại có tiếng nói: "Chu Nghiêu, ai đây, em trai cậu hả?"
Lâm Du thấy một người đẹp tóc dài phất phơ văn nhã.
Văn Chu Nghiêu ừm một tiếng, Lâm Du mặt dày cười cười với người ta, bảo: "Chào chị."
Nữ sinh kia che miệng cười, nói với Văn Chu Nghiêu: "Em trai cậu dễ thương ghê, không như em tớ, ba ngày không bị đánh là không yên được."
Văn Chu Nghiêu không nói gì, đưa tay véo má Lâm Du.
Anh giục cậu: "Đi đi, chú ý an toàn."
"Dạ." Lâm Du ngoan ngoãn lùi vào ghế.
Xe tiếp tục lăn bánh, trong gương chiếu hậu, nhóm thiếu niên tập hợp lại rồi nhanh chóng rời đi.
Nữ sinh vừa rồi đạp nhanh hơn để chạy tới sóng vai với Văn Chu Nghiêu, dường như bọn họ đang thảo luận chuyện gì rất sôi nổi, thi thoảng những người chạy sau lại đùa giỡn ầm ĩ.
Lâm Du xoa xoa chỗ thịt mềm mới bị Văn Chu Nghiêu véo, liếc về sau thêm cái nữa.
Lòng thầm nghĩ, anh mình đang yêu sớm đấy à?
Chương 12
Lâm Du trăn trở mãi chuyện này suốt đường đi, vấn đề này lớn không lớn nhỏ không nhỏ, dù sao thì cũng không tới lượt cậu quản thúc anh mình mặt này, Lâm Du hiểu rõ hơn ai hết.
Ngoài nửa năm đầu tiên Văn Chu Nghiêu mới đến nhà họ Lâm gần như Lâm Du ở suốt bên cạnh anh, thời gian sau đó hướng đi của hai người khác hẳn nhau. Trọng tâm của Lâm Du nằm ở gia đình và khắc gỗ, anh cậu thì ngày càng cứng cáp đủ lông đủ cánh, đến hiện tại đã có suy nghĩ và các quy tắc xử sự tương tối trưởng thành.
Nhưng các thiếu nam thiếu nữ đang độ trẻ trung đó đang vào kì dễ động lòng xuân nhất.
Ngày trước mười bốn tuổi là Lâm Du yêu sớm, mười sáu tuổi đã dám gân cổ lên công khai với gia đình, bước đi một mạch không quay đầu lại.
Anh cậu không giống người quyết định lỗ mãng, nhưng hiện tại Lâm Bách Tòng đang dồn hết tâm trí vào mớ bòng bong trong nhà, Dương Hoài Ngọc lại là phụ nữ không tiện nói rất nhiều thứ, nhà họ Lâm lại không có quy tắc giáo dục phương diện nhạy cảm này.
"Lâm Du!" Trương Gia Duệ đột nhiên lớn tiếng.
Lâm Du hoảng hốt hoàn hồn lại, hỏi: "Chuyện gì?"
"Tớ hỏi cậu đang nghĩ gì?" Trương Gia Duệ thắc mắc, "Gọi mấy tiếng rồi mà cậu không trả lời."
"À không có gì." Lâm Du điều chỉnh lại tinh thần đang lơ đãng, nhìn quanh rồi hỏi: "Tới rồi à?"
"Đúng vậy." Trương Gia Duệ kéo chiếc ba lô trên ghế, hối hả kéo Lâm Du xuống xe, "Nhanh nào, cô với các bạn đang chờ kìa, tại sáng sớm cậu cứ rề rà đó."
Lâm Du để cho cậu chàng lôi đi, không hào hứng mấy.
Kênh Tuyến Vân vẫn không khác mấy so với ký ức của Lâm Du, phong cảnh trong khe núi cũng không tệ, hai giáo viên hướng dẫn một đám nhóc con chỉ chờ được bay nhảy chạy khắp đồi núi.
Cậu chủ nhỏ Trương Gia Duệ thì cứ như chim sổ lồng, vừa tới nơi là nhảy ngay xuống suối mò cua.
Lâm Du ngồi trên một tảng đá cạnh khe suối, nhìn cái xẻng mini cô giáo phát trong tay, đang cảm nhận một cách sâu sắc sự sai lầm của quyết định tham gia dã ngoại.
"Sao cậu không đi chơi?" Đột nhiên có tiếng nói sau lưng.
Lâm Du quay đầu nhìn thì thấy một cô bé đứng sau, chiếc băng đô màu vàng nâu cố định mái tóc, mặt trái xoan, một người đẹp nhí đúng chuẩn. Có điều biểu cảm trông biết ngay là dạng cũng không được hòa đồng.
"Không muốn đi." Lâm Du hỏi: "Cậu thì sao?"
Con người luôn phân biệt xấu đẹp, không chỉ tuổi của anh cậu mới gặp vấn đề yêu sớm, ngay cả mấy đứa nhóc còn chưa tốt nghiệp tiểu học này cũng thường ân cần săn sóc các bạn nữ xinh xắn.
Lưu Thải Vân là lớp trưởng, bạn nữ được cả lớp công nhận là xinh nhất.
Cô bé đi tới ngồi xuống cạnh Lâm Du, đáp: "Tớ không có hứng thú, các bạn ấy ấu trĩ chết đi được."
"Trương Gia Duệ cũng ấu trĩ hả?" Lâm Du hỏi.
Đối phương gật đầu ngay không do dự.
Hình như nhóc ú thích cô bé này lắm, Lâm Du lẳng lặng thắp cho cậu chàng hai cây nến trong lòng, bày tỏ sự thương tiếc cho mối tình đầu đã được định sẵn là không có kết quả của cậu chàng.
"Cậu đã quyết định vào trường cấp hai nào chưa?" Lưu Thải Vân hỏi tiếp.
Lâm Du cũng đang chán, cậu lấy đồ ăn vặt Dương Hoài Ngọc dậy sớm chuẩn bị cho trong ba lô ra, chia cho bạn nữ duy nhất chịu nói chuyện với cậu đang ngồi cạnh, sau đó mới nói: "Chắc là Nhất Trung."
Đây là lời hẹn với anh cậu từ rất lâu trước đây, lúc đó anh cậu không nhảy lớp để tốt nghiệp sớm, Lâm Du còn nghĩ muốn vào thẳng trường cấp hai của Nhất Trung.
"Tớ cũng vậy." Lưu Thải Vân nói: "Hy vọng đến lúc đó vẫn được học cùng lớp với cậu."
Lâm Du ngồi khoanh chân trên tảng đá, nghe vậy thì gật đầu.
Lưu Thải Vân quay sang nhìn cậu.
Lâm Du trông trẻ con hơn bạn đồng trang lứa một chút, cả mặt mũi lẫn phong thái. Nhìn tư thế khoanh chân khó hiểu cậu đang ngồi trên tảng đá kìa, ba lô trước ngực còn mở toang, thi thoảng lại thò tay vào kiếm đồ ăn vặt, ăn rất an nhàn tự tại.
Nhưng Lưu Thải Vân lại không thấy cậu đáng ghét như các bạn nam khác.
Lưu Thải Vân: "Muốn mau lớn lên quá đi."
Lâm Du: "Ầy, muốn làm trẻ con mãi quá đi."
Lưu Thải Vân: "..."
Một đứa bé nôn nóng muốn lớn lên với một đứa nhỏ mà tâm hồn đã già cỗi ngồi đối diện nhau thở dài trở thành ký ức duy nhất mà Lâm Du còn chút ấn tượng về kênh Tuyến Vân buổi chiều hôm ấy.
Mà cũng vì chuyện này, khiến cậu nhóc ú Trương Gia Duệ suýt tuyệt giao với cậu.
Lý do là cậu lại đi chia đồ ăn vặt cho Lưu Thải Vân, mình thì không được ăn miếng nào. Lâm Du nghĩ cái tên trai thẳng như thép không gỉ nhà cậu, đáng đời không có bé gái xinh xắn nào thích.
Hoạt động dã ngoại của Lâm Du kết thúc, việc đầu tiên sau khi về nhà là kiểm tra.
Quả nhiên thành công phát hiện anh cậu về muộn.
"Anh con đâu?"
"Anh con đâu rồi?"
Lâm Mạn Xu đang hâm bữa tối trong bếp quay lại nói với chị dâu Dương Hoài Ngọc: "Chị xem em bé kìa, con nhà người ta về thì tìm bố tìm mẹ, nó về tới chỉ biết chạy khắp nơi tìm anh cả nó."
Dương Hoài Ngọc vờ đau xót, "Thôi, chị cũng quen rồi." Nói xong quay lại bảo Lâm Du: "Con đấy, đừng có bám theo sau mông anh cả ngày mãi, con tự lo cho bản thân chút đi có được không."
"Đúng rồi." Vô tình thím hai Từ Tuệ bưng chén bước vào bếp, vừa gặp là nói: "Tới chừng Tiểu Du lên núi rồi thím xem con đi đâu tìm anh cả của con."
"Núi gì ạ?" Lâm Du ngạc nhiên hỏi lại.
Sau đó cậu thấy cô út và mẹ mình nhìn nhau, trong mắt là sự bất đắc dĩ với cái miệng tép nhảy của Từ Tuệ.
Từ Tuệ cũng nhận ra anh chị hai chưa nói cho Lâm Du biết chuyện này, quay lại ngại ngùng bổ khuyết: "Không sao, bố con định cho con đến chỗ ông chú họ của con ở ít hôm ấy mà, gần đây trong nhà cũng rối reng. Ây dà, cũng không phải đưa con đi luôn, thường ngày vẫn ở nhà, chỉ sang đó vào kỳ nghỉ thôi."
Nhưng đã sắp đến kỳ nghỉ hè dài hơn hai tháng rồi.
Biết tin trong tình huống thế này với Lâm Du mà nói không khác gì sét đánh ngang tai.
Cả hai đời của Lâm Du đều chưa từng gặp ông chú này, nhưng chung một ngành nghề, ít nhiều gì cũng từng nghe tiếng. Kỹ thuật của ông khác với kiểu truyền thống lâu đời của Lâm Bách Tòng, rất đậm phong cách cá nhân, mỗi một tác phẩm đều là mặt hàng quý hiếm.
Nhưng trọng điểm là tính tình kỳ quặc, được người ta đặt cho biệt hiệu "Lâm Lập Dị".
Dương Hoài Ngọc thấy con trai phản ứng như thế vội cởi tạp dề chạy tới ôm cậu, dỗ dành: "Không sao, thím hai con nói chuyện không nghĩ nhiều, ý bố con là cho con sang đó học tập, nghề điêu khắc không có điểm dừng. Các anh họ của con như Lâm Thước đều lớn lớp hơn con, không hợp cho sang đó nên mới để con đi."
Mắt Lâm Du bỗng đỏ ửng lên, chợt hỏi: "Mẹ, mẹ với bố không cần con nữa à?"
Câu này thật không khác gì cứa một dao vào tim Dương Hoài Ngọc.
"Đứa con ngốc này nói cái gì vậy?" Dương Hoài Ngọc đánh vào cánh tay Lâm Du, "Làm sao bố mẹ không cần con được."
Nhưng nước mắt Lâm Du đã tuôn rơi tanh tách không sao dừng được.
Cậu khóc không thành tiếng, chỉ ngơ ngác đứng sững đó, làm Dương Hoài Ngọc hoảng hồn.
"Em bé con sao vậy?" Dương Hoài Ngọc vội dùng tay áo lau nước mắt cho cậu, "Đừng khóc đừng khóc, mẹ nói thật mà."
Lâm Mạn Xu cũng chạy vội tới dỗ dành cậu.
Từ Tuệ cũng không ngờ lại thành ra thế này, đứng một bên không biết phải làm sao, bối rối nói: "Em đâu có nói gì?"
Thật ra cô cũng muốn cho con mình đi, nhưng đành thôi vì thực tế không cho phép, đặc biệt sau khi nghe nói ông chú ấy sống một mình lại khó chịu, cô cũng không muốn cho con mình đến đó chịu khổ nữa thật.
Nhưng xét cho cùng thì đây cũng đâu phải chuyện xấu.
Từ Tuệ không hiểu, không một ai ở đây hiểu được.
Vì Lâm Du đã từng trải qua sự từ bỏ và bị vứt bỏ thật sự.
Công khai, rời khỏi nhà, cậu từng chủ động bổ một khe sâu giữa mình và người nhà, quay lưng đi một cách quyết đoán và cô độc. Trên thực tế cậu không biết được về sau trong lòng Lâm Bách Tòng và Dương Hoài Ngọc còn xem cậu là con trai hay không, mãi đến khi cậu hối hận muốn quay đầu thì mới biết khe sâu sau lưng mình đã thành lạch trời.
Là âm dương cách biệt.
Bọn họ dùng tử biệt để vứt bỏ cậu.
Lâm Du cảm thấy hụt hơi, trong trận bệnh khi còn nhỏ cậu cũng từng khóc như thế này. Dương Hoài Ngọc tái mặt tại chỗ, vừa vỗ nhẹ vào lưng cậu vừa luống cuống dỗ: "Không sao, em bé của mẹ, mình không đi nữa, không đi nữa."
Nhưng Lâm Du không bình tĩnh lại được.
Thật ra cậu cũng biết đưa cậu lên núi không phải muốn đuổi cậu đi.
Nhưng có lẽ vì những ngày tháng vừa qua quá yên lành tốt đẹp, với Lâm Du mà nói thật không khác gì một tấm gương mong manh có thể vỡ tan bất kỳ lúc nào. Chuyện của nhà họ Thịnh ở Giang Nam vừa mới bắt đầu, bản thân cậu đang nằm trong trạng thái chờ kết quả vô cùng căng thẳng.
Một biến số nhỏ nhất cũng sẽ gây tác động đến thần kinh nhạy cảm của cậu.
"Lâm Du!" Ngay khi ấy có người hối hả chạy vào cửa, đặt tay lên sau cổ cậu.
Văn Chu Nghiêu về muộn đã vào nhà rồi.
Lúc đi tới nhà anh mặc đồ mới thay, mày nhăn nhíu cực kỳ nghiêm túc, anh ngồi xổm xuống nhìn vào mắt Lâm Du, "Được rồi, ngừng lại nào."
Trong những thời điểm thế này giọng của anh có tác dụng kỳ diệu với Lâm Du.
Vợ chồng nhà họ Văn qua đời bất ngờ, nhưng dù là Văn Chu Nghiêu tới bên cậu vào thời khắc cuối cùng của kiếp trước, hay là anh cả Văn Chu Nghiêu ngũ quan trẻ trung như trả lùi mười mấy năm trước mắt, tiếng nói ấy đều có thể xuyên qua mịt mù sương trắng, đến bên tai Lâm Du.
Là sự tồn tại không một ai khác có thể thay thế được.
Lâm Du nhắm mắt lại, chớp cho rơi hàng nước đọng trên lông mi, khi thấy rõ người trước mặt nước mắt cậu bỗng dừng lại như kỳ tích. Cậu bước chậm tới, vòng tay ôm cổ Văn Chu Nghiêu, dụi mặt vào hõm cổ anh.
Động tác như chú chim non này khiến phía Dương Hoài Ngọc thở phào nhẹ nhõm.
Dương Hoài Ngọc thật sự câm nín với con mình, nhìn cái ót của cậu lắc đầu rồi nói với Văn Chu Nghiêu: "Chu Nghiêu, con dẫn em về phòng trước đi, cơm tối xong dì nói Mạn Xu đi gọi hai đứa."
"Dạ." Văn Chu Nghiêu đáp lời.
Trên áo Văn Chu Nghiêu có mùi thơm thoang thoảng, mùi bột giặt còn vương.
Anh ôm cậu, nghiêng đầu nói bên tai Lâm Du: "Mọi người đi cả rồi, đứng lên nào, về thôi."
Lâm Du lắc đầu.
Trước nay khi ở cạnh Văn Chu Nghiêu cậu chưa từng xem mình là người trưởng thành, kiếp trước người này là anh cả trên danh nghĩa, kiếp này từ nhỏ đến lớn đều là anh của cậu.
Mà mất mặt với anh đâu chỉ mới một hai lần, đơn giản là cậu không muốn thế.
Văn Chu Nghiêu để yên cho cậu ôm, nửa phút sau cũng đành chiều theo, anh bế cậu đứng lên.
Tư thế trông hệt như gấu ôm cây.
Lâm Du đeo trước ngực người ta, chân quặp vào eo Văn Chu Nghiêu.
Một tay Văn Chu Nghiêu ôm eo cậu, tay kia đỡ đùi, rồi cứ thế bế cậu rời sân trước, đi qua cửa ngăn vào sân trong.
Đúng lúc vô tình gặp chú Phú vội về lấy đồ cho Lâm Bách Tòng.
Chú thấy thế thì ngạc nhiên hỏi: "Sao vậy con?"
"Không sao đâu ạ." Văn Chu Nghiêu trả lời: "Nhõng nhẽo ấy mà."
Chú Phú cười bất lực, lắc đầu nói: "Lớn thế rồi còn nhõng nhẽo với anh nữa."
Lâm Du ngước một con mắt lên khỏi vai Văn Chu Nghiêu, nức nở: "Cũng chỉ được làm trong lúc này thôi."
Cậu nhớ tới chuyện mình nghi ngờ Văn Chu Nghiêu yêu sớm, rồi lại sắp phải lên núi ở, ai biết được sau này kẻ ôm anh cậu là yêu quái phương nào.
Chương 13
Văn Chu Nghiêu ôm cậu về phòng mình. Bây giờ ở đây có không ít đồ đạc của Lâm Du, từ quần áo nón nảy đến đồ dùng cá nhân, với Văn Chu Nghiêu cậu chưa từng có thứ gọi là giới hạn nên có giữa người với người.
"Sao lại khóc?" Văn Chu Nghiêu bỏ cậu xuống rồi mới hỏi được câu này.
Hiện tại Lâm Du đã thoát ra khỏi cảm xúc ban đầu, cậu hỏi anh mình: "Có phải anh cũng biết chuyện bố em định đưa em từ lâu rồi không?"
"Phải." Văn Chu Nghiêu gật đầu.
Lâm Du ngồi trên mép giường cúi đầu im lặng.
Văn Chu Nghiêu nhìn cậu một lúc, "Chỉ vì thế thôi sao?"
"Ừm." Lâm Du đáp mà không ngẩng đầu.
Văn Chu Nghiêu: "Nói thật nào."
Dù đã lớn đến thế này, Văn Chu Nghiêu cũng chẳng đếm được mấy lần cậu khóc to, bị người ta chọc ghẹo sắp phải chia bố cho người khác không khóc, đi học một mình không khóc, bị đám du côn cắc ké đánh trật tay vì hai anh em Lâm Thước cũng không khóc, cả khi bị đánh nát cả lưng vì phạm lỗi cũng chưa từng thế này.
Những lúc giả vờ giả vịt ăn vạ làm nũng không tính.
Văn Chu Nghiêu chưa từng gặp đứa nhỏ nào ít khóc như cậu.
Lâm Du ngẩng lên nhìn Văn Chu Nghiêu rồi quay đi tránh ánh mắt anh mình, lấp liếm: "Em sợ bố mẹ không cần em nữa."
"Em biết là không thể nào mà." Từ đầu Văn Chu Nghiêu đã biết khi cậu biết tin chắc chắn sẽ không chịu, nhưng khóc một trận không một điềm báo rồi bây giờ lại "Em có tâm sự, nhưng em không nói ra đâu" thế này là điều Văn Chu Nghiêu không hề đoán trước được.
Anh thở dài đi tới trước mặt Lâm Du.
"Ngẩng đầu." Văn Chu Nghiêu bảo.
Lâm Du liền ngẩng lên nhìn anh.
Văn Chu Nghiêu đưa tay chạm nhẹ vào mi mắt hơi sưng của cậu, lên tiếng: "Nơi ông chú sống cách đây không xa lắm, đạp xe một tiếng là tới rồi. Khung cảnh xung quanh cũng không tệ, ngôi chùa cạnh đó cũng vắng khách đến viếng. Tối đa hai tháng, vào năm học thì em không cần phải ở bên đó mỗi ngày."
Nói đến đây Văn Chu Nghiêu còn thêm một câu: "Anh có thời gian sẽ đến thăm em."
Lâm Du hơi sững sờ.
"Anh đến đó rồi à?" Cậu hỏi.
Văn Chu Nghiêu ừm một tiếng, bỏ tay xuống, nói theo hướng giảm nhẹ nhất: "Là rừng thiêng nước độc thật thì chú Lâm cũng không nỡ để em đi, không biết bao nhiêu người muốn đến chỗ ông chú bái sư học nghề mà ông ấy không nhận ai cả. Chắc chú Lâm cũng mất không ít công sức. Chú ấy hy vọng em học thành tài."
Lâm Du biết ý định của Lâm Bách Tòng.
Cậu chỉ không ngờ Văn Chu Nghiêu còn đặc biệt đi tiền trạm trước.
Bỗng dưng cậu hơi tò mò, liền hỏi: "Anh, nếu lúc ấy anh đến nơi thấy chỗ đó không ổn chút nào thì anh sẽ làm sao?"
Văn Chu Nghiêu nghe hỏi thì hơi nhướng mày
Rồi anh nói: "Có vậy thì em cũng phải đi."
Mặt Lâm Du đông cứng vài giây, môi giật giật.
Quả nhiên rất thiết diện vô tư.
Nhưng Lâm Du ngẫm lại vẫn thấy chuyện này không ổn. Mấy năm nay cậu chưa từng thật sự đi xa khỏi ngôi nhà này, tuy vẫn ở trong thành phố Kiến Kinh, nhưng tận hai tháng ròng, cứ nghĩ tới là Lâm Du lại thấy thấp thỏm.
Tuy mấy năm nay Lâm Du học tập rất khắc khổ cần cù, cũng xem như hướng cho hai anh em Lâm Thước đi đúng đường.
Nhưng dù sao tuổi bà nội cũng cao rồi, dù Lâm Du mong bà không phải lo lắng nhiều dường nào thì thời gian vẫn vô tình mang đi quá nhiều thứ. Chuyện phía nhà họ Thịnh Giang Nam để lại quá nhiều vấn đề ảnh hưởng lâu dài. Mấy năm nay chuyện yêu đương của cô út Mạn Xu không có động thái mới nào, đến nay Lâm Du vẫn chưa thấy được bóng dáng tên đàn ông khốn khϊếp kiếp trước.
Quá nhiều vấn đề, cậu không thể rời đi được.
"Anh." Lâm Du vội ngẩng lên đưa tay kéo eo anh cậu, cậu ngửa đầu mở to đôi mắt đen bóng gọi: "Anh ơi."
Tới lúc này thì không cần mặt mũi gì nữa hết.
"Chuyện gì?" Văn Chu Nghiêu cúi đầu hỏi cậu.
Lâm Du nói thẳng: "Em không muốn đi."
"Cho nên?"
Lâm Du mím môi, nói trong khó nhọc: "Anh nói với bố em có được không?"
Lâm Du đã được cảm nhận sâu sắc rằng trẻ con thì không có nhân quyền. Văn Chu Nghiêu lại khác, anh đã lên cấp ba rồi, Lâm Bách Tòng gần như đối xử với anh như người gần trưởng thành, trong mọi chuyện đều giữ thái độ bàn bạc trao đổi.
Anh ấy nói sẽ có tác dụng hơn mình.
Văn Chu Nghiêu véo cằm cậu, trần thuật sự thật: "Bản thân em cũng biết mà, chuyện này không thể thương lượng lại được."
Lâm Du cụp hàng mi xuống, cậu biết, chỉ là cậu... vẫn ôm tâm lý may mắn mà thôi.
"Lâm Du." Văn Chu Nghiêu lại gọi tên cậu, ánh mắt anh có chút gì rất phức tạp, anh hỏi cậu: "Rốt cuộc em đang lo lắng chuyện gì?"
Lâm Du lầm bầm: "Phải lo lắng nhiều chuyện lắm."
Văn Chu Nghiêu bật cười khẽ.
"Anh không cảm thấy chuyến đi này của em là chuyện xấu." Văn Chu Nghiêu bỏ bàn tay đang hành động ấu trĩ của Lâm Du ra khỏi eo mình, quay lưng tới tủ lấy quần áo Lâm Du tự ném vào trong đó ra bảo cậu thay rồi mới nói: "Em căng thẳng quá rồi, tuy mọi người đều không biết sao em luôn thế này, nhưng chuyện nhất định sẽ không tệ như những gì em lo lắng, được không?"
Văn Chu Nghiêu rất ít khi dỗ dành cậu, càng không cần nói đến thái độ và cách nói dịu dàng thế này.
Không biết tại sao Lâm Du lại thỏa hiệp.
Cậu bị Văn Chu Nghiêu thuyết phục rồi.
Cậu đi.
Đến tối Lâm Bách Tòng đặc biệt nhắc đến chuyện này trên bàn ăn.
Mọi người trong nhà đều đủ mặt, bà cụ thì không bằng lòng cho Lâm Du đi lắm, cả buổi tối cứ nhắc mãi con người Lâm Lập Dị không ổn không được như nào như nào, cuối cùng nói: "Tiểu Du ở nhà có gì không tốt đâu, cái ông già đó vừa cứng vừa thối cứ như mấy tảng đá trong hố xí, lỡ ông ấy đánh Tiểu Du thì sao? Tới lúc đó chẳng có ai bên cạnh để giúp bé ngoan của tôi."
"Mẹ, coi kìa mẹ nói đi đâu vậy." Lâm Bách Tòng rất bất đắc dĩ, chú gắp thức ăn cho bà cụ rồi nói: "Thằng nhóc này bị mẹ và người trong nhà chiều hư rồi nên mới dám làm ra chuyện tày trời như đắc tội với nhà họ Thịnh, cho ra ngoài để được dạy dỗ chút cũng tốt mà."
"Nó hư gì mà cần dạy dỗ?" Bà cụ không hài lòng, chỉ vào Lâm Bách Tòng mắng: "Cái người làm bố như anh lại máu lạnh nhất."
Lâm Du cười nhìn bà cụ bênh vực mình.
Nhưng dù thế nào thì chuyện đi học tập đã là đinh đóng cột rồi.
Bầu không khí trên bàn ăn cũng không thể nói là vui vẻ được, sau đó mọi người còn nhắc đến chuyện chú ba Lâm Chính Quân sắp về, đến đây bầu không khí mới dịu xuống.
Lâm Bách Tòng nói: "Mấy năm nay chú ấy cứ lênh đênh trên biển suốt, mấy hôm trước mới gửi thư về, chắc sắp về tới rồi. Trong thư còn nói lần này về là sẽ không ra biển nữa."
Mắt bà cụ đỏ ửng lên, làm con cháu ngồi đầy cả bàn cuống cuồng an ủi.
Ra biển vốn rất nguy hiểm, quanh năm suốt tháng không liên lạc được với gia đình.
Mọi người trong phòng đều biết bà cụ sợ một ngày nào đó chú ba sẽ chết bên ngoài, rồi đến một người đưa tin về cũng không có.
Lâm Du rất nhớ mong chú ba, chú tư dù ở nước ngoài thì lễ tết vẫn gặp mặt được.
Chỉ mình chú ba, suốt mấy năm nay Lâm Du chưa được gặp.
Kiếp trước cuối cùng chỉ còn lại những dòng thư đến vội, cho tới ngày sau cùng Lâm Du cũng không biết tình hình chú ba ra sao. Kiếp này lại ở hai bên bờ đại dương, đến nay mới có tin báo về.
"Khi nào chú về ạ?" Lâm Du hỏi, "Sẽ không trùng hợp ngay lúc con đi chứ?"
"Còn lâu lắm, mấy tháng nữa cơ, lúc đó con đã lên cấp hai rồi." Lâm Bách Tòng hỏi Lâm Du: "Con còn nhớ chú ba trông thế nào không?"
Dương Hoài Ngọc nói: "Làm sao con nhớ được, lúc Chính Quân rời nhà nó còn chưa được năm tuổi."
"Con biết mà." Lâm Du nói, "Trong phòng bà nội có hình của chú ba, trong tất cả các chú, bao gồm cả bố con, chú ba đẹp trai nhất."
Bà cụ bật cười, gõ vào cậu, "Câu này phải để chú ba con nghe thấy, thể nào nó cũng vui."
"Đúng rồi, Chu Nghiêu chắc còn nhớ chứ hả." Lâm Bách Tòng chuyển hướng sao Văn Chu Nghiêu, "Ba con vào nam ra bắc kiến thức uyên bác, lúc đó chú ba con bị nhốt trong nhà không được đi đâu, ngày nào cũng canh ba con để hỏi thăm chuyện bên ngoài. Lúc đó nó cũng thích con lắm, trong thư còn hỏi thăm con mấy lần. Trước đây nó hay nói con còn nhỏ mà không cởi mở như ba con chút nào, cứ nghiêm mặt tối ngày nên hay chọc ghẹo con lắm."
Văn Chu Nghiêu đặt đôi đũa trong tay xuống, cười nói: "Dạ, con có nhớ, mấy năm trước còn nhận được thư riêng của chú ấy."
Thật ra nhà họ Lâm không hề tránh nhắc tới vợ chồng nhà họ Văn trước mặt Văn Chu Nghiêu.
Có lẽ cũng chính vì sự thản nhiên đó, nên mới khiến sự mất mát ấy trở thành một khiếm khuyết chứ không phải khổ sở trong lòng Văn Chu Nghiêu.
Nhưng Lâm Du thì đã ngây người vì những chuyện về chú ba.
Chi tiết khi còn nhỏ chắc chắn cậu không biết rồi.
"Nhưng sao em chưa từng nghe anh nói?" Lâm Du ngạc nhiên hỏi Văn Chu Nghiêu.
Văn Chu Nghiêu nghiêng đầu nhìn cậu, Lâm Bách Tòng tiếp lời: "Cả ngày ngoài ăn với ngủ ra con còn biết gì nữa đâu? À, con còn biết gây chuyện nữa."
Lâm Du biết ngay bố già còn bực mình với cậu.
Chuyện con dấu cậu xử lý hơi tệ, nhưng cũng hết cách rồi mà.
Không giải thích được cũng đâu phải tại cậu hoàn toàn.
Lâm Du và cơm, "Bỏ đi, con biết mình được nhặt về nuôi mà."
"Oắt con." Dương Hoài Ngọc trêu cậu: "Ai mới khóc nhè trước lúc ăn cơm ấy nhỉ? Tâm trạng con thay đổi nhanh thế."
Chú ba sắp về làm Lâm Du thấy nhẹ lòng hơn nhiều, đám mây đen che phủ vì sắp phải xa nhà tan bớt. Cậu đột nhiên quay sang nói với Văn Chu Nghiêu bên cạnh: "Anh, em là em của anh đúng không?"
"Em thấy sao?" Văn Chu Nghiêu chưa từng nói xuôi theo ý cậu.
"Phải mà." Lâm Du khẳng định rồi nói: "Cho nên chắc chắn anh sẽ không vì yêu đương mà quên đi em trai đúng không? Em sống bên ngoài một thân một mình tội nghiệp lắm, anh nói có thời gian sẽ đến thăm em, anh nói phải giữ lời đó."
Cậu chỉ nói nhỏ vào tai Văn Chu Nghiêu, không biết sao lại bị thím hai đang vào bếp lấy thêm thức ăn nghe thấy.
Tật nói chuyện oang oang của Từ Tuệ được phát huy rất nhuần nhuyễn, cô ngạc nhiên tròn mắt nói: "Yêu đương rồi à? Ai yêu vậy? Anh cả con hả Tiểu Du?"
Văn Chu Nghiêu thấy cả bàn người đang cùng quay sang nhìn mình, rồi nhìn lại nhóc con đang ngửa mặt nhìn trời im lặng giả chết bên cạnh.
Anh bình thản lên tiếp đáp: "Không có đâu ạ, thím hai nghe nhầm rồi."
"Không thể nào, rõ ràng thím mới nghe Tiểu Du nói mà." Từ Tuệ nhấn mạnh.
Lâm Thước luôn không thèm tham gia vào các cuộc đối thoại của người lớn đã ăn xong và rời bàn rồi. Cậu chàng đang tuổi phản nghịch, thời kỳ dở hơi mà lúc nào cũng nghĩ bà mẹ cả thế giới đều ngu dốt, nghe mẹ mình nhắc đến Văn Chu Nghiêu lập tức đảo mắt trắng dã ra, nói: "Mấy đứa con gái trong trường ấy hả, đời nào lọt được vào mắt anh cả."
"Đứa gì mà đứa, nói chuyện cho có giáo dục một tí đi chứ?" Lâm Trường Xuân lập tức tát đầu cậu chàng.
Lâm Thước xoa xoa cái đầu đinh tròn vo mới cắt, kéo em trai Lâm Hạo cãi bướng: "Con có nói sai gì đâu? Lâm Du cứ như trẻ bại não, suy nghĩ chẳng khi nào giống người thường mà cả nhà lúc nào cũng thấy nó đúng. Mọi người hỏi Lâm Hạo, hỏi bất kỳ ai khác thử xem, ai cũng biết không thể có chuyện anh cả yêu đương."
"Tại sao?" Lâm Du ngạc nhiên, thậm chí còn bỏ qua không tính toán Lâm Thước có đang mắng đầu óc cậu có vấn đề không.
Anh cậu không đủ ưu tú sao? Các cô gái trong trường không đủ trẻ trung xinh đẹp à?
Đang thời kỳ rộng mở nhất, lần trước mắt cậu bị mờ à?
Mắt Lâm Thước đảo hết thấy được tròng đen luôn rồi, cậu chàng nói: "Anh cả mà yêu đương thì còn chỗ cho em quấn lấy anh ấy chắc."
"Đúng đúng." Dương Hoài Ngọc hùa theo, "Cô nào mà chịu nổi cái thói nhõng nhẽo đeo anh như sam của con."
Lâm Du tự dưng thành tảng đá ngáng chân trên con đường anh mình yêu đương: "..."
Cậu... cũng đâu có... nhõng nhẽo đeo anh mấy... đúng không?
Lâm Bách Tòng nói với Văn Chu Nghiêu với thái độ rất tân tiến: "Yêu đương ấy à, giờ mấy đứa còn nhỏ, tốt nhất đừng để ảnh hưởng đến học hành. Sau này vẫn có thể từ từ tiến tới, với con thì chú yên tâm."
Văn Chu Nghiêu gật đầu, "Con biết mà chú Lâm, con có chừng mực."
Lâm Du lập tức nổi tính tò mò, cậu hỏi chú: "Vậy chừng nào con lớn bằng anh cũng được ạ?"
Lâm Bách Tòng bình thản liếc nhìn cậu, "Con mà dám yêu sớm, bố đánh gãy chân."
Lâm Du bị tiêu chuẩn kép của bố già làm hóa đá.
Rồi cậu nghĩ, cả đời này của con sẽ không yêu đương lẫn không kết hôn, số phận đã định bố không có cơ hội đó đâu.
Chương 14
Ngày Lâm Du lên đường sương phủ trắng trời, sáng sớm có mưa phùn lất phất, hơi nước mát lạnh tan trong không khí. Chùa Thanh Sơn nằm ở phía tây nam Kiến Kinh, nhìn từ xa, mái ngói đỏ lấp ló giữa dải xanh bạt ngàn của núi rừng, sương mù vấn vít quanh lưng núi như dải lụa quấn hững hờ, điểm cho tiếng chuông chùa vang vọng mãi trong buổi sớm mai thật hư ảo xa xôi quá đỗi.
Trên đường đi tâm trạng Lâm Du cũng không tệ lắm.
Một mình Văn Chu Nghiêu tiễn cậu, người trong nhà rất tinh ý không đối xử một cách trịnh trọng như sự chia ly ngắn ngủi này là chuyện lớn lao gì. Hình như còn sợ cậu đổi ý giữa đường rồi quậy tung lên.
Vừa hơn chín giờ là hai người đến nơi.
Trước mắt là khu nhà khách hoàn toàn vượt khỏi sự tưởng tượng của Lâm Du, nấp trong mảnh đất bằng giữa sườn núi, xung quanh có khá nhiều nhà cửa đông đúc. Mục tiêu của hai người là một căn hai tầng, có cửa sổ kính trong suốt, một chiếc sân rộng và cả một khu rừng trúc bao la bên ngoài bức tường.
Kiếp trước Lâm Du từng gặp rất nhiều vị tai to mặt lớn hạ cánh an toàn tuổi trung niên.
Bọn họ thích nhất là chạy về những nơi thế này xây tổ, nói văn vẻ là vui thú ruộng vườn, trên thực tế đều thối nát đến tận cùng.
"Chắc chắn là đây à?" Lâm Du hỏi anh cậu.
Văn Chu Nghiêu ừm một tiếng, bước tới gõ cửa, thuận miệng hỏi cậu: "Sao thế?"
"Không có gì." Lâm Du im miệng.
Cậu định nói đây không giống chỗ một ông già cô đơn sống chút nào nhưng sợ bị anh mắng nên thôi dứt khoát không nói nữa.
Một người phụ nữ trung niên khoảng hơn bốn mươi tuổi mở cửa, thấy hai thiếu niên một lớn một nhỏ trước cửa thì nói: "Hai đứa là thợ cả bé Du và Chu Nghiêu đúng không, ông Lâm đang làm việc, vào nhà chờ trước đã."
Đột nhiên được gọi như thế, Lâm Du vẫn chưa quen lắm.
Văn Chu Nghiêu gật đầu bảo: "Làm phiền thím."
"Không có, không phiền gì cả." Bà thím cười dẫn hai người vào trong, vừa đi vừa nói: "Tuy thường có người đến chỗ ông Lâm, nhưng đa số là người nghe danh đến thăm viếng, trước giờ ông ấy chẳng gặp ai cả."
Vị này là thím giúp việc theo ông chú đã nhiều năm, thường được gọi là thím Quế.
Thường ngày thím phụ trách ba bữa cơm và quét dọn đơn giản.
Đến lúc này thì cuối cùng Lâm Du cũng có cảm giác thân quen, không vì gì khác, chỉ cái tính kỹ lưỡng màu mè đó thôi là biết ngay người một nhà rồi.
Văn Chu Nghiêu theo thím Quế đi sắp xếp chỗ ăn chỗ ngủ cho cậu, Lâm Du thì đi một vòng quanh sân.
Cuối cùng cậu nghe thấy tiếng đẽo mài quen thuộc sau cánh cửa đóng kín của một căn phòng trong góc.
Người học điêu khắc lâu năm chỉ nghe tiếng thôi đã phán đoán được người thợ đang sử dụng máy mài dòng nào, đây là kết quả của sự nhạy bén bẩm sinh và bao ngày tháng luyện tập.
Lâm Du vô thức bước đến, nhìn vào bên trong qua ô cửa sổ.
Thật ra hình tượng của Lâm Lập Dị không khác tưởng tượng của Lâm Du nhiều lắm, trông không lớn hơn Lâm Bách Tòng quá nhiều, tóc đã hoa râm, gầy gò, sống lưng hơi khọm, đang mặc một chiếc tạp dề màu xám tro đo đạc phôi gỗ bên chân.
"Muốn xem thì vào mà xem, lén la lén lút đó làm gì?"
Lâm Du bị bắt quả tang liền hiên ngang đẩy cửa bước vào.
"Ông... chú họ." Lúc thật sự gọi ra miệng cứ thấy là lạ.
Quả nhiên ông lão ngẩng đầu lên nhìn cậu, vòng sang phía bên kia của chiếc ghế đang ngồi, hầm hừ nói: "Chú cháu gì, họ hàng đại bác bắn không tới. Bố của anh cả đời đều lễ mễ thế, tôi thấy con anh ta cũng chả khác gì."
Lâm Du nghẹn cơn tức trong cổ họng.
Nhưng dù sao cậu cũng là phận con cháu nên cố điều chỉnh biểu cảm lại rồi nói: "Đúng là con chẳng được nửa phần như bố con, ông muốn mắng thì mắng con đi ạ, đâu cần mắng bố già nhà con cứ."
Tên thật của Lâm Lập Dị là Lâm Đức An, nghe vậy thì dừng tay, cầm chiếc khăn lông cạnh đó lên lau lau.
Ông nhìn cậu: "Học đạo hiếu cũng khá đấy."
Nhất thời Lâm Du thật không biết ông ấy đang khen ngợi hay châm biếm nữa, vì dù sao ông chú này của cậu không thể tính là đứa con hiếu thảo thật sự được, người trong lẫn ngoài giới đều biết chuyện ông quay lưng với gia đình ngày trẻ.
Huống chi Lâm Du thật sự không gánh nổi chữ hiếu, kiếp trước suýt chút cậu làm Lâm Bách Tòng tức chết.
Lâm Đức An lia mắt quan sát từ đầu đến chân Lâm Du, tiện tay ném cái khăn qua một bên rồi ra hiệu về phía phôi gỗ sau lưng, bảo cậu: "Bắt đầu đi, xem xem kỹ năng của anh thế nào."
Cứ thế bắt đầu à?
Lâm Du còn hơi hoang mang, nhưng vẫn nghe lời bước tới, hỏi: "Khắc gì ạ?"
"Gì cũng được."
Các kỹ thuật căn bản của Lâm Du tương đối vững, chỉ cần cầm công cụ trong tay là về cơ bản lòng không còn tạp niệm. Cậu nhìn quanh phòng, cuối cùng mắt dừng trên một bức tranh treo trên tường.
Cậu mà tiến vào trạng thái làm việc là sẽ quên hết mọi thứ, Lâm Du không nhớ được đã bao lâu trôi qua.
Khi cậu hoàn hồn lại vung vẫy cổ tay nhức mỏi mới thấy Văn Chu Nghiêu đã đứng trong phòng từ bao giờ.
Lâm Du trực tiếp bỏ qua bước vạch mẫu, với người ở tuổi của cậu mà nói thì như thế có hơi tự cao. Vạch mẫu, đục vỡ, gọt tỉa, đánh bóng, trong quá trình hình thành tác phẩm, mỗi một công đoạn đều không được qua loa.
Nhưng phôi đục đang được đặt trên bàn bây giờ vẫn khiến Lâm Đức An phải cầm lên ngắm rất lâu.
Cảm hứng cho tác phẩm này đến từ bức tranh Hổ nghỉ trong rừng được treo trên tường.
Nhìn thoáng qua thì đường nét và cách khắc hổ tương đối gồ ghề, nhưng những đường khắc xù xì lộn xộn đó trông như tùy tiện mà lại khắc họa rất tốt tính hoang dã và linh hồn của con vật sống trong tự nhiên.
Cậu tới hơn mười tuổi, năng lực và mầm mống này...
Lâm Du: "Thời gian có hạn, con chỉ làm được tới bước này thôi."
Lâm Đức An cười to mấy tiếng rồi mới gật đầu bảo: "Tôi cứ nghĩ người theo đuổi chi tiết hoàn mỹ như bố anh cũng chỉ dạy ra được những cái xác rỗng chỉ có bề ngoài. Nhưng xem ra anh ta cũng hiểu tính của anh, không dám phá hoại tài năng thiên bẩm của anh lấy một chút, còn khổ công khổ sức đưa anh đến đây."
"Lâm Du: "Là sao ạ?"
Lâm Bách Tòng rất ít hạn chế cậu về mặt điêu khắc, mất năm nay chú dạy cậu nhiều lý thuyết hơn hẳn thực hành.
Lâm Đức An: "Cái danh hiệu thợ cả bé Du từ đâu mà có vậy?"
"Vì mấy năm nay con làm được vài tác phẩm, giá bán ra cũng xem như khả quan."
"Đều là thứ tự mình thấy vừa lòng nhất?"
"Dạ không ạ."
Lâm Du hơi hiểu ý rồi, ông đang nói Lâm Bách Tòng cố ý kiềm hãm không cho cậu liều lĩnh.
Lâm Đức An nói: "Nhà họ Lâm ở Kiến Kinh, nhà họ Chu ở Triều Châu, họ Nam ở Thuận Dương và họ Tần ở Hoài Xuyên là các gia tộc lớn hưng thịnh nhất trong giới điêu khắc gỗ hiện nay, cũng đại biểu cho các hệ phái và phong cách kỹ thuật khác nhau. Trong lòng bố anh cũng biết vấn đề của nhà họ Lâm trong mấy năm nay nằm ở đâu, kết quả của không chịu tiến tới trong điêu khắc truyền thống chính là bị thời gian và trào lưu nhấn chìm. Nhà họ Lâm toàn loại cổ hủ, hiếm được người đến tuổi trung niên còn giác ngộ tư tưởng được như bố anh."
Mới đầu Lâm Du nghe còn thấy xuôi tai, đến câu cuối cùng là biết mình không thể hy vọng quá nhiều vào ông ấy.
Trên tay Lâm Du bây giờ toàn là bụi và mùn cưa, cậu giơ cao hai tay bĩu môi với anh cả.
Lâm Đức An: "Bắt đầu từ hôm nay, chuyển sang gọi là thầy đi."
"Dạ?" Lâm Du vẫn đang tập trung chú ý vào đôi tay.
Văn Chu Nghiêu bước đến vỗ ót cậu, "Gọi đi."
Lâm Du a một tiếng, ngoan ngoãn gọi: "Thưa thầy."
"Đây là cũng là ý của bố con." Lâm Đức An nói: "Đời này thầy không định nhận học trò, nhưng đã mang họ Lâm mấy chục năm rồi, dạy con cũng không xem như phá lệ. Bố con đã trải đường sẵn, cái gì dạy được thầy sẽ cố hết sức, học được bao nhiêu thì phải xem bản thân con."
Lâm Du cũng nghiêm chỉnh hơn, "Dạ thưa thầy, con sẽ học tập chăm chỉ."
Nghề mộc và con đường kiếp trước Lâm Du đi khác biệt nhau hoàn toàn, trước đây là vì một người, bây giờ vì rất nhiều người.
Nghề này khắc chệch một đường thôi cũng không sao cứu vãn lại được, phải bỏ cả khối gỗ đi làm lại.
Cũng như cuộc đời mà cậu đang sống.
Lâm Đức An ừm một tiếng, lúc ra cửa đi ngang chỗ cậu thì dừng chân lại, "Trước tiên sửa cái tính xấu đó của anh đi."
"Tính gì ạ?" Lâm Du tròn mắt nhìn ông.
Lâm Đức An: "Không có tay à? Giơ đó chờ ai lau cho?"
Lâm Du vốn đang giơ tay chờ anh cậu lấy khăn lông lau cho thật: "... Chuyện này ảnh hưởng đến thầy ạ..."
"Có." Tính ông lão thật sự khó chịu, ông trừng mắt: "Tôi thấy xốn con mắt."
Cũng không phải lúc nào Lâm Du cũng thế này, khi Văn Chu Nghiêu không ở cạnh cậu khá khẩm hơn nhiều. Ban đầu cậu cố ý làm vậy để anh mình quen việc tiếp xúc thân mật với người khác, dần dà tập thành tính chỉ cần có Văn Chu Nghiêu là Lâm Du sẽ quay đầu lại tìm như thói quen.
"Sửa, con sửa mà." Lâm Du dài giọng nói bằng vẻ mặt "con hứa rồi đó nhưng mà con nhất định không sửa đâu".
Văn Chu Nghiêu ra hiệu bảo cậu đừng đùa dai rồi nắm tay cậu tỉ mỉ lau sạch sẽ.
Còn vừa làm vừa nói với Lâm Đức An: "Thầy Lâm, sáng sớm mai là con đi rồi, sau này Lâm Du phải làm phiền thầy."
"Mấy người nuôi nó thành như thế còn muốn tôi phải nhường nhịn nó à?" Lâm Đức An nhìn Văn Chu Nghiêu.
"Sao lại không nhường nhịn con được?" Lâm Du hỏi, "Con còn là trẻ con mà."
Lâm Đức An: "Thế cô giáo mầm non không dạy anh phải biết kính lão đắc thọ à?"
"Nhưng con là búp măng non của Tổ quốc."
"Kỹ thuật tỉa cây của tôi khá lắm đấy."
"Anh." Lâm Du ôm đùi, "Em muốn về nhà."
Ngoài lúc làm gỗ, một già một trẻ này chẳng khi nào đứng đắn đàng hoàng được.
Văn Chu Nghiêu: "Nói chung, nhường nhau mà sống."
Đêm đầu tiên trên núi Lâm Du ngủ cùng Văn Chu Nghiêu. Trước lúc ngủ cậu còn than thở thể nào mình cũng đánh nhau với Lâm Lập Dị, thở than trên núi thường cúp nước, với người ra khỏi phòng làm việc ngày tắm ba lần như cậu thật sự là không sống nổi, còn than trách Văn Chu Nghiêu mà đi là mình không còn ai để tâm sự.
Cứ lầm bầm lẩm lẩm mãi, đến khi tự bản thân mình ngủ quên.
Chỉ cần có Văn Chu Nghiêu ở bên là cậu lại nói rất nhiều.
Nửa đêm thì dùng hết tay chân quấn chặt lấy người nằm cạnh mà không hay biết gì.
Sáng hôm sau thức dậy thì gác cằm trên ngực anh cậu nhập nhèm nói: "Tối qua mơ thấy bị một bầy chó hoang đuổi, kết quả sau đó con hổ em khắc lúc sáng đột nhiên sống dậy, dùng dây trói tay chân em lại hô to 'Nghiệt súc, định chạy đi đâu hả!'." Cậu cụng trán vào lồng ngực Văn Chu Nghiêu, tự chọc cười bản thân: "Mệt chết luôn, chạy suốt cả đêm, nhất định là quả báo."
Văn Chu Nghiêu, người đã giữ chặt tay chân người ta suốt cả đêm: "..."
Anh đẩy cậu, "Dậy thôi, em bé nghiệt súc."
Tới lượt Lâm Du: "..."
Ăn sáng xong thì tiễn Văn Chu Nghiêu xuống núi.
Lạ thường là Lâm Du không nhai đi nhai lại bảo anh mình nhớ đến thăm thường xuyên.
Văn Chu Nghiêu mặc áo sơ mi trắng, đứng cạnh con đường mòn phủ trắng sương sớm, vẫy tay với đứa bé đứng cạnh cửa đang đưa mắt tiễn mình đi, "Đi đây."
"Anh!" Đột nhiên Lâm Du hô lớn gọi anh.
Văn Chu Nghiêu quay đầu trên đường mòn.
Lâm Du: "Chú ý an toàn."
Lâm Lập Dị chờ anh đi khuất rồi mới bước ra, nhìn nhìn đứa nhỏ bên cạnh rồi lên tiếng: "Không nỡ rời à? Từ từ sẽ quen thôi, gặp mặt rồi chia ly mới là lẽ thường của nhân gian."
"Thầy ơi, thầy nói chuyện nghe khó ưa thật đấy ạ." Lâm Du rời mắt khỏi con đường mòn, "Nhưng thầy nói đúng. Cuộc đời anh con thênh thang lắm, trời mới biết mấy cái thứ để đầy trong phòng thầy có lai lịch rõ ràng không, ở lâu lại làm vấy bẩn anh con."
"Anh đói đòn đấy à?" Lâm Đức An lớn tiếng, "Anh của anh là hoa sen trong đầm chắc? Không hôi tanh mùi bùn hả?"
"Dĩ nhiên, căn chính miêu hồng, xuất thân trong sạch."
Cho nên không thể để có một chút vấn đề nhỏ nào về bối cảnh của anh ấy.
Lâm Lập Dị: "Thế trong lòng có trong sạch không? Cứ bênh cho lắm vào đi, thể nào cũng có lúc anh được nếm mùi!"
Chương 15
Cứ thế, Lâm Du bắt đầu những ngày tháng gần như đoạn tuyệt với trần thế. Cuộc sống trên núi rất thanh tĩnh, sáu rưỡi sáng dậy ăn sáng, trưa đục vỡ chiều gọt tỉa, tới tối thì cãi nhau với Lâm Lập Dị vì bất đồng quan điểm trong các phương diện.
Cả thím Quế cũng cười nói từ khi cậu đến chim sẻ trong rừng ít hẳn đi.
Hai thầy trò đều cứng đầu, độ tôn sư trọng đạo của Lâm Du khi trên trời lúc dưới đất, biên độ của đồ thị hình sin thường xuyên khiến Lâm Đức An tức xì khói. Mà người thầy cũng không ra dáng thầy mấy, ngoài chạm khắc gỗ ra thì không được điểm nào, ông còn có một thói quen xấu là mê rượu. Trước đây uống một mình, từ lúc Lâm Du đến thì kéo cậu uống chung.
"Thầy à." Lâm Du ngồi khoanh chân trên chiếc đệm cạnh cửa sổ, trên chiếc bàn thấp có hai bình rượu gạo thím Quế vừa hâm nóng, cậu tự bước tới rót cho Lâm Đức An một ly đẩy qua rồi nói: "Thầy uống ít thôi."
"Con thử thêm chút nữa không?" Ông lão cầm ly, hỏi cậu bằng ánh mắt lấp lóe.
Môi Lâm Du giật giật, "Thầy thôi đi ạ, con mới bao lớn, vậy mà thầy cũng làm được."
"Không có chí tiến thủ gì cả." Lâm Lập Dị nói: "Lúc thầy lớn bằng con đã bắt đầu uống trộm rượu nhà giấu trong hầm rồi, nếu không vì sau đó có lần sơ ý ngủ quên trong hầm thì chắc chắn không ai phát hiện ra được đâu."
"Chuyện đó có gì đáng tự hào đâu?" Lâm Du cạn lời.
Kiếp trước Lâm Du từng uống rượu hỏng cả bao tử nên gần như có sự bài xích sinh lý đối với thứ này. Nhưng thi thoảng cậu cũng sẽ ngồi cùng Lâm Đức An. Trên núi nhiều mưa, cũng như hiện tại khi hai người đang ngồi đối diện nhau trước cửa sổ.
Một độc ẩm, một ngẩn người.
"Thầy rất thích oắt con con." Lâm Đức An bắt đầu thấm rượu nói với Lâm Du, "Con giống người nhà họ Lâm, nhưng cũng rất khác."
Lâm Du hỏi: "Người nhà họ Lâm thế nào ạ?"
Dường như Lâm Lập Dị đã chìm vào hồi ức, nhìn ra cửa sổ thẫn thờ một lúc lâu.
Cuối cùng tổng kết lại là: "Mỗi một đời của nhà họ Lâm khởi nguồn từ lớp trên, cho tới khi về với cát bụi luôn chú trọng truyền thừa liền mạch. Sự liền mạch ấy chính là gốc rễ, nếu hư hỏng bắt đầu từ gốc rễ thì vận số cũng đến điểm cuối. Trên người con có thứ những người khác không có."
Ánh mắt Lâm Du nghiêm túc hơn hẳn ban đầu, "Là gì ạ?"
"Chấp niệm."
Lâm Du sửng sốt.
Lâm Lập Dị: "Đến một cảnh giới nào đó thứ một người thợ thủ công theo đuổi không còn là hình ảnh bên ngoài nữa, không biết bao nhiêu người sống đến cuối đời cũng không đạt được điều mình mong cầu trong lòng. Những kẻ điên đại không phải thiểu số đâu." Ông lão nốc cạn rượu trong tay, cười cười với Lâm Du rồi nói: "Oắt con, thầy đã gặp không ít người trong nghề này rồi, có đầy kẻ tài năng cao hơn con, kỹ thuật giỏi hơn con gấp trăm lần, nhưng chỉ độc một thứ, sức dai, là rất nhiều người trưởng thành đều không bằng một phần mười của con. Nhưng, chấp niệm thành tâm ma, có thể giúp con cũng có thể hại con, con có hiểu không?"
Đây là lần đầu tiên Lâm Lập Dị nhắc đến chuyện này với cậu từ khi cậu đến đây.
Lâm Du không đáp lại ngay, cậu ném trả vấn đề cho ông, "Thầy cũng có chấp niệm sao?"
"Có chứ, sao lại không có được." Ông lão hơi say rồi, trông có vẻ bần thần, tự rót cho mình một ly nữa rồi mới nói tiếp: "Cái chí thời còn trẻ cảm thấy trên thế gian không có con đường nào mình không thể san bằng, không có điểm cuối nào không thể đặt chân đến. Nhưng chỉ kịp chớp mắt mà khí thế nghiêng trời đã thành không còn sức vãn hồi. Thầy cũng có điều hối hận."
Mấy chữ cuối cùng hòa trong rượu trôi xuống cổ họng.
Không biết tại sao, cổ Lâm Du như nghẹn cứng, khàn giọng không thể nói được tiếng nào.
Lâm Du nhìn ông lão thiếu đứng đắn đã say đến bắt đầu hơi mất trí, nhớ lại vận mệnh của nhánh họ Lâm tách ra từ nhiều năm trước này. Ai cũng nói cả đời Lâm Lập Dị ngông cuồng hành xử chẳng ra sao, đến cuối cùng vẫn có sự chua xót và trầm lặng không đáng nói cho người ngoài biết.
"Thầy say rồi." Lâm Du đứng lên nói, "Để con dìu thầy về nghỉ."
"Vậy con đã nhớ lời thầy nói chưa?"
"Nhớ rồi ạ." Lâm Du đáp.
Lâm Lập Dị nhìn người cực chuẩn, nhưng Lâm Du biết ông không cách nào nghĩ ra chuyện cậu là một người trưởng thành trong thân xác trẻ con.
Quả thật Lâm Du đang bị chấp niệm trong lòng trói buộc, nhưng đồng thời cậu cũng rất tỉnh táo.
So với Lâm Đức An cô đơn lúc tuổi già, Lâm Du vốn là người từng bị lửa đỏ thiêu đốt trong đường cùng, chỉ có thể nói cậu may mắn hơn, được mở mắt quay đầu, dù kiếp này phải mang xiềng xích nhưng vẫn có thể đi lại con đường đời mình thêm lần nữa.
Trên con đường lát đá trong sân, một già một trẻ dìu nhau, lần đầu tiên cảm thấy gần gũi nhau đến thế.
Lâm Đức An bỗng dưng dừng chân, "Đúng rồi, tuần trước con nói lần sau anh con lên là mai hả?"
"Hình như vậy ạ." Lâm Du đáp.
"Nguy rồi nguy rồi." Ông lão cuống quýt quay đầu trở lại, nói: "Không thể để anh con phát hiện thấy hai bình rượu thầy mới nhờ người ta xuống núi mang lên được. Lần trước nó tới xong khuân hết của để dành của thầy mang đi. Nó vơ vét kinh lắm, đúng là không phải con người."
Lâm Du thầm nghĩ rõ ràng người xui xẻo là con, cậu chỉ bị ông lão ép uống một tí, rồi lại xui rủi bị Văn Chu Nghiêu bắt quả tang. Làm anh cậu sầm mặt với cậu cả một ngày trời.
Thật ra Văn Chu Nghiêu không có nhiều thời gian, trên cơ bản chưa bắt gặp chuyện vui gì, tình huống thường gặp nhất là thấy hai thầy trò mặt mũi lấm lem bước ra khỏi phòng làm việc sau cả ngày vùi đầu trong đó.
Mà Lâm Du thì không phải lúc nào cũng ở trên núi. Lâm Đức An không phải người luôn nghiêm khắc giữ gìn nền nếp gia phong như Lâm Bách Tòng, ông quen biết với rất nhiều người bên ngoài, cách ít lâu sẽ ra ngoài đi một vòng.
Sưu tầm vật liệu quý, tìm cảm hứng cho tác phẩm, giao lưu kinh nghiệm với các thợ khắc mộc từ hệ phái khác.
Khi kỳ nghỉ của Lâm Du gần kết thúc, cậu theo Lâm Lập Dị đi xa một chuyến.
Xuất phát từ Kiến Kinh, vòng xuống Tô Giang, rồi đánh một vòng quanh các thành thị cuối phía nam.
Cậu không báo cho gia đình biết về chuyến đi này.
Còn chuyện người nhà có biết tin từ chỗ Lâm Đức An không thì Lâm Du không cố ý hỏi thăm.
Trong chuyến đi này Lâm Du ngồi chung xe với nhà cung cấp gỗ, nghe người khắc đồ chơi bên đường kể chuyện vu vơ, theo Lâm Đức An tìm gặp một người thợ thủ công lão làng trong chốn rừng thiêng nước độc đúng nghĩa.
Hiện tại, Lâm Du ở tuổi này đã đi được một quãng đường rất dài.
Dài đến nỗi khi cậu quay đầu nhìn lại, Kiến Kinh đã vào thu.
Hôm ấy, vừa xế trưa.
Trạm xe lửa đâu đâu cũng nghịt người, Lâm Du vừa kéo Lâm Đức An bước ra khỏi cửa trạm là thấy những người đang đứng chờ cạnh con đường.
Lâm Thước, Lâm Hạo với cô út và cả Văn Chu Nghiêu đều có mặt.
"Sao mọi người đến đây?" Lâm Du chạy đến ngạc nhiên hỏi.
Cô út cười bảo: "Thì đến đón con chứ sao nữa, con không nói tiếng nào đã chạy xa như vậy, trong nhà ai cũng lo."
Lâm Thước đứng cạnh anh cả Văn Chu Nghiêu, nghe vậy thì làm bộ nôn ọe.
May mà mấy năm nay Lâm Hạo không học theo thói ăn nói cay nghiệt của Lâm Thước, cậu chàng đi tới cạnh Lâm Du đo thử, "Sao anh thấy em cao lên nhiều rồi nhỉ, cũng đâu phải lâu lắm rồi không gặp nhau."
"Vậy hả?" Lâm Du đáp lại rồi bước tới cạnh Văn Chu Nghiêu.
Cậu so vai với anh mình, ngón tay làm dấu cự ly trán mình cao hơn vai anh rồi ngước lên hỏi: "Em có cao lên không?"
"Ừm." Văn Chu Nghiêu nhìn thoáng qua khuôn mặt phơi nắng hơn nửa tháng cũng không đen đi của cậu, lên tiếng: "Cao hơn một chút."
Lâm Du nghe vậy thì vui hẳn lên.
Kiếp trước chiều cao khi trưởng thành của cậu cũng chỉ một mét bảy tám, mà bây giờ anh cậu và Lâm Thước đều đã vượt mức tiêu chuẩn đó, Lâm Hạo thì thấp hơn một tí, nhưng cũng trông to cao hơn Lâm Du vừa mới trổ mã tuổi thiếu niên nhiều.
Nhà họ Lâm không ai thấp cả, mẹ cậu Dương Hoài Ngọc cũng cao tầm đó, Lâm Du thật sự không biết sao mình lại kéo chân cả nhà.
Nhưng cậu vẫn còn không gian để phát huy, Lâm Du tự thuyết phục mình như thế.
Lâm Mạn Xu ngắt lời bọn trẻ tâm sự, vỗ tay bảo: "Được rồi, về nhà thôi, chắc ở nhà đã nấu nướng xong cả rồi đang chờ vào tiệc đấy."
Tất cả mọi người cùng mời Lâm Đức An đến nhà họ Lâm.
Người nhà lâu rồi không gặp Lâm Du, ai cũng nói cậu khác rất nhiều.
Bản thân Lâm Du thì lại chẳng có cảm giác gì.
Bầu không khí trên bàn ăn rất vui vẻ, Lâm Bách Tòng đặc biệt khui một chai rượu quý chiêu đãi Lâm Đức An, nói thằng oắt con Lâm Du làm phiền chú nhiều quá. Lâm Du nhìn cảnh ấy, trong lòng thầm nghĩ tuy sau lưng thầy mình chê bai bố mình đủ điều, nhưng trước mặt vẫn lịch sự nhận uống ly rượu ấy nhỉ.
Hai người nhắc chuyện quá khứ, nhưng rất ăn ý không làm ai nao lòng.
Lâm Du thì tập trung chiến đấu với đồ ăn trong chén.
Rồi cậu phát hiện mẹ và bà nội cứ nhìn mình mãi.
"Chuyện gì vậy ạ?" Lâm Du hoang mang.
Bà nội cậu: "Đen rồi."
Mẹ cậu: "Gầy rồi."
Rồi lại bổ sung: "Nhưng mà em bé vẫn dễ thương lắm."
Lâm Du sống bên ngoài lâu như vậy, lại theo Lâm Lập Dị ăn gió nằm sương trên đường, xa nhà thời gian dài làm kỹ năng nhõng nhẽo tụt giảm theo chiều hướng nhảy vực, nhất thời không chống đỡ nổi trước thể chế cưng chiều trẻ ba tuổi này.
Vai cậu giật giật, liền cầm chén cọ vào vai anh cậu.
Văn Chu Nghiêu nghiêng đầu cầm đũa gõ trán cậu, "Không ăn uống tử tế mà làm gì đó?"
"Em vẫn quen với việc anh mắng em hơn." Lâm Du ngẩng đầu nói rất chân thành.
Văn Chu Nghiêu nhướng mày: "Ra ngoài gây chuyện gì rồi à?"
Lâm Du lập tức ngồi thẳng thớm lại.
"Không có ạ." Cậu nói.
Mọi sự đều sóng yên biển lặng, cậu có thể lặng lẽ trưởng thành ở nơi mà gia đình không nhìn thấy. Nhà họ Lâm cũng không thay đổi quá nhiều vì cậu xa nhà. Những điều cậu lo lắng trước đây đều không xảy ra.
Lâm Du còn biết được tên nữ sinh đi cùng anh cậu khi hai người tình cờ gặp nhau trên đường lần trước, cũng biết anh mình không yêu sớm thật.
Người yêu sớm là Lâm Thước, với một em gái lớp Chín, trong kì nghỉ hè phụ huynh người ta đến nhà làm ầm lên, suýt nữa chú hai đánh cậu chàng tàn phế.
Sau mùa hè này, cùng lúc tác phẩm đầu tiên của Lâm Du được tiến cử đi dự thi thuận lợi qua vòng sơ tuyển rồi được trưng bày trên bục triển lãm, tin tức nhà họ Thịnh ở Giang Nam gặp chuyện truyền ra.
Cả sự kiện không hề có điềm báo nào, nhưng gần như trực tiếp bị phán án tử.
Hơn nữa còn sớm hơn thời điểm trong kiếp trước khoảng một tháng.
Vì chuyện này mà khi đó Lâm Du bị đánh một trận thê thảm, rồi bị đưa đến chỗ thầy Lâm Đức An.
Bây giờ nhà họ Lâm thoát thân an toàn không tổn hại nửa phần khỏi dòng nước lũ đó, gần như khiến trái tim của mỗi một người trong nhà lăn một vòng trên lưỡi dao sắc, rồi lại bình an về lại chỗ cũ.
Ánh mắt mọi người nhìn Lâm Du cứ như đang quyết tâm muốn tìm cho ra chứng cứ cậu bị linh hồn nào khác nhập vào.
Lâm Du nói: "Là vô tình thật mà, mọi người hỏi bao nhiêu lần cũng thế thôi. Con ở trong ngày suốt ngày làm sao biết được gì, nếu biết thật thì có để bị bố già đánh cho một trận không."
"Có lẽ ý trời là thế." Bà cụ ôm Lâm Du cảm thán, rồi lại cười nói: "Đây là cứu tinh của nhà họ Lâm đây, phải cung phụng cho tử tế."
"Bà nội, vậy con sẽ tổn thọ đó." Lâm Du nói.
"Phỉ phui cái mồm." Bà cụ quở, "Ăn nói vớ vẩn."
Thật ra cảm giác bứt rứt căng thẳng chưa từng dừng lại lấy một giây trong Lâm Du có liên quan mật thiết đến việc kiếp trước cậu chết vào năm hai mươi sáu tuổi. Giống như một cột mốc không giờ phút nào thôi nhắc nhở cậu có một từ gọi là vận mệnh.
Cậu đang sống như cuộc đời này chỉ dài hai mươi sáu năm, trừ đi năm năm trước khi quay lại thì chỉ còn chưa đến hai mươi mốt năm.
Trước mắt vào năm nay, cuối cùng nhà họ Lâm cũng vươn mình ra khỏi ngọn nguồn căn bản của xu thế tụt dốc thời gian trước.
Tuy Lâm Thước Lâm Hạo vẫn chưa thể xem là thành thục, nhưng trong lớp người trẻ cũng được tính là xuất sắc nổi trội.
Còn bản thân cậu.
Tác phẩm được đưa đi dự thi cuối cùng lấy hạng nhất.
Đó là một bức khắc hình ông lão ăn xin, cạnh ông có một đứa bé, áo quần lam lũ nhưng cụ cười lại hồn nhiên thuần khiết. Sự cách biệt lớn về tuổi tác và cảm xúc hoàn toàn khác nhau của ánh mắt khiến tác phẩm này mang đầy tính tự sự.
Có người nhận xét, đây là một tác phẩm có hơi ấm.
Thứ chỉ thuộc về riêng mình cái tên Lâm Du, phong cách cá nhân nổi bật của cậu đã ghi dấu ấn lên thời đại bây giờ, kết thúc thời kỳ ẩn mình lắng đọng, chân chính chiếm cứ một vị trí trong giới.
Không phải thợ cả bé nhà họ Lâm, không phải con trai của Lâm Bách Tòng.
Là Lâm Du.