Trong hơn mười khuôn mặt lo sốt vó, có ai đấy đã nhếch môi đưa ra lời đề nghị tàn khốc này.
(1) Area bombardment (ném bom khu vực): là một loại tấn công trên không, trong đó bom được thả trên khu vực mục tiêu chọn trước. Thuật ngữ "Area bombardment" đã xuất hiện trong Thế chiến II. Mục đích: phá vỡ việc sản xuất vật chất quân sự, phá vỡ đường dây liên lạc, chuyển hướng các nguồn lực công nghiệp và quân sự của kẻ thù từ chiến trường chính sang phòng không và sửa chữa cơ sở hạ tầng, và làm mất tinh thần người dân của kẻ thù.
Nước T có diện tích lãnh thổ khá nhỏ, dân số chỉ khoảng năm triệu người, tài lực lại còn kém cỏi; tuy nhiên do vị trí địa lý đặc biệt và bị hạn chế bởi môi trường xung quanh, nước T thường xuyên bị các cường quốc trên toàn thế giới xâm nhập hòng tái cơ cấu tổ chức, thậm chí quá trình ra quyết định chính trị cũng chịu ảnh hưởng bởi họ.
Đối mặt với ngày 32, những tiểu quốc như thế là vô lực nhất.
Trước hết, tình báo tương đối chậm trễ. Thoạt đầu khi biết về sự kiện ngày 32, nước T đã cho rằng đấy là thủ đoạn của một nhóm lừa đảo xuyên quốc gia nên không báo lên Phủ chủ tịch. Ngay cả khi họ tiếp tục nhận được thông tin tình báo, và thậm chí biết rằng nhiều quốc gia hùng mạnh đang có hành động chống lại ngày 32, vì không có nguồn tình báo trực tiếp, mạng lưới phủ rộng và đáng tin cậy tuyệt đối, họ những đinh ninh rằng đây là một âm mưu và là sự đối đầu giữa các cường quốc; còn những tiểu quốc như họ, chỉ cần đóng tròn vai là vị khách quan vọng.
Đến khi mọi sự trở nên căng thẳng và thế giới bước vào thời kỳ khủng hoảng, nước T mới hay mình đã "lửa sém lông mày". Mặc cho ngày 32 là thật hay giả, đây đã là một vấn đề mang tính toàn cầu; họ cần phải hành động càng sớm càng tốt.
Thành quả đầu tiên mà họ gặt hái, là tìm được một cơ phó hàng không dân dụng tuyên bố bản thân có thể bước vào thế giới ấy. Theo anh ta, rằng mình đang hỗ trợ cơ trưởng thực hiện chuyến bay hàng không dân dụng quốc tế, thì ngày 32 thình lình ập xuống, cơ trưởng cùng toàn bộ nhân viên và hành khách đồng loạt bốc hơi, chính anh ta là người kịp thời nắm quyền điều khiển để tránh sự cố đáng tiếc xảy ra.
Cũng như không thể xác định tính xác thực của ngày 32, họ vẫn chẳng có cách nào chắc chắn anh chàng cơ phó kia là một trong những kẻ hiếm hoi "được" đi vào thế giới ấy. Họ đành phải cược một vố thật lớn: Cử chỉ huy lực lượng không quân đến huấn luyện đặc biệt, giúp vị cơ phó này thuần thục máy bay chiến đấu quân sự trong thời gian ngắn nhất, và hướng dẫn anh ta cách tiến vào căn cứ chủ chốt của nước T trong ngày 32.
Ném bom khu vực (area bombardment) là gợi ý của chỉ huy lực lượng không quân, cũng là những gì mà cơ phó hàng không dân dụng có khả năng làm tốt nhất. Dẫu sao diện tích lãnh thổ nhỏ, ném bom một cách toàn diện mà không cần khảo sát cũng là một lựa chọn hợp lý. Nếu không, chỉ cần đôi ba ngày (thực tế là bốn, năm tháng), toàn bộ quốc gia ắt hẳn bị san bằng trong ngày 32 và khi ấy, mọi đe dọa hiển nhiên chẳng còn giá trị tồn tại.
Trong đó, nhân tố không ổn định và mang tính uy hiếp cao nhất là những người hãy đang tồn tại trong thế giới ấy.
Các chính sách phản gián (2) của những tiểu quốc này thường không tập trung vào việc ngăn chặn gián điệp từ các quốc gia khác đang hoạt động trên lãnh thổ, mà là triệt bỏ những cá nhân có xu hướng xúi giục hoặc mua chuộc người dân. Tiền bạc là điều kiện xúi giục thấp kém nhất; điều hấp dẫn chết người là quốc tịch của vài quốc gia lớn, và giấy giới thiệu nhập học vào các trường danh tiếng cho bản thân hoặc con cháu. Tất thảy những thứ này chỉ để thể hiện một điều, rằng họ ắt có một cuộc sống sung túc hơn, một tương lai tốt đẹp hơn; và chính những cám dỗ ấy, đã khiến nhiều quan chức cấp cao trở thành gián điệp của quốc gia khác.
(2) Phản gián: là một hoạt động nhằm bảo vệ chương trình tình báo của một cơ quan chống lại dịch vụ tình báo của phe đối lập.
Vì thế, một khi người nước T bước vào ngày 32, đặc biệt những người dân bình thường có cuộc sống tương đối khó khăn là đối tượng dễ bị mua chuộc nhất. Điều này trái lại còn gây tổn hại cho chính họ.
Những anh hùng quyết chí bảo vệ đất nước nghèo khó nghiễm nhiên đáng khâm phục, song những kẻ đang loay hoay bên bờ vực sinh tồn, phản bội một quốc gia không thể che chở chính mình, mặc cho đồng bào phỉ nhổ chỉ trích, thì chính họ – những nhà lãnh đạo đất nước không đủ năng lực bảo hộ con dân, lấy tư cách gì đi trách móc người khác?
Không cách nào ngăn cản, không cách nào chỉ trích, chỉ có thể ném bom khu vực vì nó, mang đến lợi ích quốc gia cao nhất. Nó có thể phá tan hoàn toàn cuộc khủng hoảng cục bộ mà đất nước nhỏ yếu này đang gặp phải; như vậy sau đó, lòng họ mới an.
Nhưng một số người khác có mặt tại Phủ chủ tịch không mấy đồng tình: một mặt cho rằng hành vi này vô cùng phi nhân đạo; và mặt khác, cũng có dã tâm muốn thử.
Ngày 32 là một đòn bất ngờ và là một cơ hội chưa từng có, hơn nữa nó còn đối xử bình đẳng với tất cả các nước. Đây, có lẽ là một cơ hội để bọn họ phản công.
Họ có thể lợi dụng ngày 32 nhằm tìm kiếm cơ mật từ các quốc gia khác, chẳng hạn như cấu hình kỹ thuật của bom hạt nhân, v.v. Họ không hy vọng có thể phát triển công nghệ được đánh cắp trong thế giới ấy, họ chỉ muốn "mượn" điều này để đàm phán với các cường quốc tại thời điểm quan trọng, yêu cầu bọn chúng can thiệp ít hơn vào sự vụ nội bộ và rút khỏi các căn cứ quân sự, bằng không sẽ giao những cơ mật ấy đến các nước thù địch kia; ngoài ra, họ có thể xin viện trợ từ các quốc gia trung lập, và buộc các nước hùng mạnh lui về hàng ngũ mà nó nên đứng.
Tất nhiên, kế sách như thế có thể dẫn đến cơn thịnh nộ từ các cường quốc. Nhưng đối với độc lập và tự chủ chủ quyền quốc gia, thì nó hoàn toàn xứng đáng cho họ mạo hiểm.
"Tạm thời đừng quá hấp tấp." Tổng thống nước T nói. "Chúng ta cứ làm từng bước. Đầu tiên thanh lọc những địa điểm trọng yếu, rồi sau đó bàn lại cho bước tiếp theo."
Họ tự an ủi, rằng nước T chỉ là một quốc gia nhỏ bé, không có gì xứng đáng để người khác phải tiêu tốn tiền bạc mua chuộc gián điệp, họ có thể từ từ tìm cách.
Mặt khác, các nước lớn trên thế giới hiển nhiên biết rằng ngoài sự thèm khát từ quốc gia thù địch, còn có nhiều nước nhỏ và các tổ chức phản quốc, phản chính phủ muốn "thừa nước đục thả câu"; do vậy, nhiệm vụ tối quan trọng của họ ngay lúc này là tiêu hủy hoàn toàn cơ mật bên trong. Để xâm nhập và cướp đoạt bí mật của các quốc gia khác trong ngày 32, trừ phi được trời cao ưu ái, thì họ cần phải chờ đến khi có đủ nguồn lực và thông tin chi tiết hơn.
Ba ngày sau như đã hẹn, Dịch A Lam được hộ tống đến sân bay thành phố Nam Lâm. Họ đi trên những chuyên cơ đã được kiểm tra nghiêm ngặt, song để che giấu tai mắt, mọi người không cất cánh tại sân bay quân sự mà trà trộn vào máy bay công vụ ở sân bay công cộng.
Khi Dịch A Lam, Nhạc Khê Minh và bà của y được tiếp viên hàng không dẫn lên phi cơ, Lư Lương Tuấn, Trịnh Đạc và Châu Yến An đã ngồi chờ họ từ sớm.
Châu Yến An mỉm cười hiền hòa với Dịch A Lam, đại diện cho một thái độ thân thiện và hoan nghênh rất ư thuần khiết. Thế nhưng khi mẹ có mặt ở đây, Dịch A Lam tự dưng cảm thấy chột dạ, vô thức né tránh.
Lư Lương Tuấn thay mặt Tổ công tác khẩn cấp Ngày 32, bày tỏ lòng cảm kích đối với Nhạc Khê Minh vì sự hợp tác của bà; cả hai trò chuyện một lúc trước khi ngồi vào chỗ.
Đương lúc đi ngang qua Châu Yến An, Nhạc Khê Minh thoáng dừng bước.
Châu Yến An quả thật bắt mắt không gì bàn cãi, những cảnh sát đặc nhiệm ăn vận thường phục để giữ an toàn trong suốt chuyến bay còn chẳng bằng một góc của anh. Đó không phải là vẻ ngoài điển trai, không phải chiếc mũi cao mà người phương Đông hằng ao ước, mà chính khí chất ổn trọng lắng đọng qua thời gian, cùng vẻ nam tính quyến rũ ấy, mới là điểm khiến người ta rung động.
Trong một thế giới hoang đường đầy phi lý, sức mạnh của Châu Yến An có thể khiến bất cứ ai dưới sự bảo vệ của anh nguyện vĩnh viễn chìm đắm trong đó.
Nhạc Khê Minh gật đầu chào hỏi, "Cậu là Châu Yến An phải không? A Lam có nói, may mắn gặp được cậu vào ngày 32 lần đầu tiên, nếu không thì đã chẳng biết bây giờ như thế nào. Tôi cũng rất cảm kích cậu, vì đã luôn vươn tay giúp đỡ A Lam trong mỗi lần thằng bé gặp nguy hiểm."
Châu Yến An nhoẻn cười: "Dì khách sáo rồi ạ, đó là việc cháu nên làm."
Nhạc Khê Minh nở nụ cười hiền: "Tôi giao A Lam cho cậu đấy. Hy vọng các cậu chăm sóc tốt cho thằng bé. Tôi không trông mong gì khác, chỉ mong A Lam khỏe mạnh, bình an vô sự, có thể sống một đời bình thường như những người khác. A Lam từng trải qua nhiều biến cố, nhưng cũng chưa gặp phải tình huống nào ngoài sức tưởng tượng. Thằng bé còn yếu ớt lắm. Tôi ở đây xin cảm ơn cậu trước."
Lư Lương Tuấn nghe vậy bèn xen vào, "Chị ơi, chị nói gì vậy. Dịch A Lam là cục cưng bé bỏng của chúng tôi, cho dù Châu Yến An đi trước một bước cũng không khiến A Lam gặp phải chuyện gì. Một khi vấn đề này được giải quyết, A Lam chính là anh hùng của dân tộc. Muốn sống một đời như thế nào, chỉ cần một câu nói của cậu ấy thôi."
Châu Yến An khảng khái: "Cháu nhất định liều cả mạng này bảo hộ cho Dịch A Lam."
Nhạc Khê Minh thoáng trầm tư, đoạn lắc đầu: "Đừng nói thế, nghe nặng nề lắm. Làm hết sức mình – vâng theo ông trời, là tốt rồi."
Bà ngồi trở lại bên Dịch A Lam, nắm lấy tay y rồi thấp giọng: "A Lam à, làm hết sức mình – vâng theo ông trời. Đừng ép buộc chính mình, nghe con."
Một cơn đau nhói như tia chớp, chạy từ lòng bàn tay đến thẳng trái tim, khiến ngực Dịch A Lam tê buốt. Y vốn dĩ đang nghĩ, vì sao mẹ lại cố tình nói những lời ấy với đám người Châu Yến An. Chưa nói đến chính phủ nhất định bảo vệ y, nếu thực sự gặp phải nguy hiểm thì không thể chỉ bằng một câu gửi gắm của bà, họ sẽ nhất định cử người đến cứu y.
Y đương nhiên biết, tất thảy những điều này đều bắt nguồn từ sự lo lắng và quan tâm không thể kiểm soát của mẹ. Từng ngón tay run rẩy của bà đã chứng tỏ, rằng không có người hay vật nào khác quan trọng hơn Dịch A Lam trong sinh mệnh bà. Nếu một ngày nào đó Dịch A Lam phải hy sinh, Nhạc Khê Minh có lẽ sẽ rơi lệ và kiêu hãnh về đứa con trai quả cảm của mình; song ngay lúc này, trong mắt trong tim của bà, Dịch A Lam còn sống là điều quan trọng nhất và, chẳng một thứ nào có thể so sánh.
Phi cơ cất cánh, kéo theo là một sự rung lắc nhè nhẹ. Trong cơn chấn động ấy, Dịch A Lam rời khỏi thành phố Nam Lâm nơi mình sinh ra, để chào đón một cuộc sống hoàn toàn khác cùng gia đình nơi miền đất mới.
Vừa hạ cánh xuống thành phố Bắc Sơn, cảnh sát đặc nhiệm trên chuyên cơ đã chia thành hai nhóm: một nhóm hộ tống Nhạc Khê Minh và bà nội đến gặp nhân viên an ninh trực thuộc Bệnh viên Quân khu; nhóm còn lại hộ tống Dịch A Lam và ba người khác đến thẳng tòa cao ốc Tổ công tác khẩn cấp Ngày 32.
Dịch A Lam và Nhạc Khê Minh cứ ngỡ rằng gia đình họ ít nhất có thể quây quần bên nhau ăn bữa cơm chia tay; nhưng chẳng ngờ, lời tạm biệt lại đến sớm như vậy.
Sợ thu hút sự chú ý, Dịch A Lam và mẹ chẳng có nổi một cái ôm đã phải tách ra.
Lư Lương Tuấn an ủi: "Một thời gian sau, tôi sẽ thu xếp cho mọi người gặp mặt. Việc phải làm bây giờ là cắt đứt liên lạc càng sớm càng tốt, đây cũng vì muốn tốt cho cả đôi bên. Dịch A Lam sẽ không bị uy hiếp bởi người nhà, và người nhà cũng không sợ sẽ liên lụy đến Dịch A Lam."
Hết chương 33
///
Trong chương này, tác giả có nhắc đến phần "du học sinh" và "bằng cấp", dẫn đến một cuộc tranh cãi khá kịch liệt (trong supertopic). Mình chuyển ngữ sương sương lại, để những bạn có cùng mối nghi ngờ sẽ hiểu thêm về tác giả nhé.
TOPIC (.): Có phải là ảo tưởng của tôi không? Sao luôn cảm thấy tác giả cố ý nhằm vào du học sinh nhỉ? Chương trước thì bảo gián điệp, chương này lại nói bằng cấp có thể đổi lấy phản bội tổ quốc? Buồn cười quá, du học sinh làm gì có khả năng đó. Nhiều du học sinh giống người bình thường lắm, cố gắng hết sức đi du học trong một hai năm, rồi sớm trở về TQ. Vả lại, miễn thành tích học tập tốt, họ có thể nộp đơn chứ đâu cần phản quốc...
Bình luận 1 (A Đốm): Tôi cảm thấy việc đề cập đến tiêu chuẩn tuyển sinh của một trường nổi tiếng đã hạ thấp tính logic và kết cấu tác phẩm. Tại sao lại so sánh nửa đời sau vô ưu vô lo của gián điệp với tiêu chuẩn nhập học của một trường nổi tiếng? Mục đích là gì? Có tiền là mua được bằng cấp, nếu phản quốc làm gián điệp và phần thưởng chỉ là trúng tuyển vào một trường danh giá, thì tôi thấy bủn xỉn quá rồi.
Bình luận 2 (A Đốm): Sao tác giả nghĩ rằng tiền bạc là mức thấp nhất của sự xúi giục thế? Thái quá nhé. Bạn phải tốt nghiệp loại giỏi một trường nổi tiếng thì mới có tương lai chứ? Thay vì thế, tại sao không thu xếp cho người ta một công việc nhàn nhã, ngồi không hưởng cả đời, chẳng sợ người khác trả thù?
Bình luận 3 (Đừng yêu tôi, chúng ta không có kết quả đâu): Ôi, cái từ "nhằm vào" của chủ topic hơi "ố dề" nha. Có lẽ dạo gần đây mấy cô cậu du học sinh ăn nói lố lăng, điển hình là XX. Bây giờ còn mãn ý kia kìa, thế mà nhiều người vẫn ngỏ lời tuyển sinh nó...
Bình luận 4 (Thèm ăn xoài): Tôi cảm thấy chẳng có gì ở đây cả... Mỗi người đều có chí hướng riêng, kinh nghiệm sống của mỗi người khác nhau và mục tiêu họ theo đuổi cũng khác. Một số người có thể lập kế hoạch, phấn đấu cho tương lai vượt trội; nhưng một số người sẽ bằng lòng với hiện trạng. Đối mặt với ngày 32, xét trên nhiều quốc gia, đương nhiên cũng phải xét trên nhiều góc độ. Tâm lý con người là phức tạp nhất mà.
Bình luận 5 (A Đốm): À, tôi nghĩ XX cũng chẳng phải là một sinh viên quốc tế đâu, mặc dù Đại học YY không muốn "cõng cái nồi" này. Khi nói đến những bình luận phản động ôm thái độ thù hận, các giáo sư văn học, lịch sử, triết học trong nước do Giáo sư AA và Giáo sư BB đứng đầu mới là những người đăng tải nhiều nhất (nhưng chẳng hiểu sao không ai chỉ trích nhóm này, chắc vậy).
Tất nhiên vẫn có người thiển cận và người lập kế hoạch cho tương lai, nhưng xin đừng bao giờ cho rằng "Điều kiện nhập học vào các trường nổi tiếng" là một phần trong kế hoạch. Nói thật, tôi thấy đây là điều kiện kém an toàn nhất. Xét trên toàn diện cũng không sai, nhưng tác giả lại đặt tiêu chuẩn nhập học vào trường danh giá lên trên cám dỗ tiền bạc... Theo logic, bằng cấp này bất quá là "hàng buy 1 get 1" thôi...
Bình luận 6 (Tác giả trả lời): Trước hết, tôi phải trịnh trọng tuyên bố rằng tôi không nhằm vào sinh viên quốc tế. Tôi cũng có nhiều người bạn là du học sinh, trong đó có một cậu em rất tốt với tôi (chỉ đơn giản là bạn bè). Tôi biết gia đình cậu ấy đã phải bán một căn nhà để cho cậu ấy có một môi trường du học tốt hơn. Nó không dễ dàng đối với tất cả chúng ta, và bản thân tôi cũng khao khát được đi du học.
Trước khi đặt bút viết tác phẩm này, tôi đã tra kha khá tài liệu (tất nhiên, tôi chẳng thể tìm thấy những dữ liệu chính thống; hầu hết, tôi lấy cảm hứng từ các bộ phim gián điệp, phim truyền hình Mỹ và các bản tin thời sự. Khoảng thời gian trước có Ngày An ninh Quốc gia, một vài phương tiện truyền thông đã đăng phim tài liệu và hoạt động phản gián, tôi xem rất nhiều). Theo quan điểm khách quan, dẫu bạn ở quốc gia nào, du học sinh cũng là con đường đột phá cho việc tuyển dụng và lừa gạt thành gián điệp (ở một mình, có kiến thức nhất định, tương lai chắc chắn có đất dụng võ, v.v.).
Mỗi quần thể đều có cái tốt cái xấu, và từng nhóm khác nhau có những điều kiện khác nhau (dựa trên đặc điểm của họ). Tôi chưa viết đến, cũng có thể bút lực tôi còn yếu.
Trong tác phẩm của mình, tôi không hề phủ nhận nhóm du học sinh mà chỉ nêu một số hiện tượng khách quan đang tồn tại. Tôi không khái quát, mong bạn đọc cũng đừng làm thế. Tôi thực sự xin lỗi nếu bất kỳ độc giả nào cảm thấy khó chịu vì tác phẩm này, tôi hoàn toàn không có ý xấu.
Bình luận 7 (Tác giả trả lời): Nội dung chương này chỉ hướng đến một quốc gia nhỏ và không ổn định như nước T. Quốc gia ổn định hơn, an ổn hơn, có nhiều không gian phát triển cho bản thân và thế hệ sau hơn, thì đối với những kẻ quyết phản quốc, chắc chắn sẽ có nhiều cám dỗ hơn là đồng tiền thuần túy.
Bình luận 8 (Thỏ Nhỏ Mở Cửa): Tôi không có cảm giác là tác giả cố tình "nhằm vào" đâu. Như trong ngày 32, sinh viên quốc tế có vai trò cực lớn, bao gồm cả việc trở thành gián điệp thu thập tình báo hoặc bị xúi giục gì gì đấy, hoặc có thể là cả hai luôn. Những sinh viên quốc tế có trình độ cao đi theo giảng viên hướng dẫn hoặc những người có vị thế tương tự, sẽ được tiếp xúc với rất nhiều thông tin đi đầu trong ngành; nếu họ có ý đồ xấu, rất dễ dàng tuồn thông tin ra ngoài. Đây là một khả năng có tính tồn tại rất lớn nhé. Xét cho cùng, những người bình thường thì không thể tiếp xúc với mấy cái đó mà. Tác giả không phải cố tình nhằm vào đối tượng nào đâu.
[...]
Bình luận N (Bạch Hiểu Thương): Văn là văn, logic trong văn là thế. Đâu phải nói trên toàn bộ du học sinh. Chủ topic nói tác giả cố tình nhằm vào, tôi thấy hơi quá đáng đấy.
Bình luận N+1 (.): Xin lỗi, do tôi nhạy cảm quá! Biết tác giả không có ý này là tôi vui rồi. Xin lỗi vì đã hiểu nhầm. Tác phẩm này hay lắm, nghệ cả củ luôn!
///
Mình: Thực ra mình chưa từng nghĩ đến tác giả cố ý nhắm vào ai đó cả; nhưng bản thân không nghĩ tới, chưa chắc người khác đã không. Đó là lý do vì sao mình đưa supertopic đó vào đấy, mong rằng các bạn đừng hiểu nhầm tác giả nhé.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT