Phương Hạo biết, trên thế gian này, có vài điều sẽ vĩnh viễn chẳng bao giờ đổi thay.

✈️✈️

Sau khi bay trở lại với A330, Trần Gia Dư chủ yếu bay các tuyến châu Đại Dương như Bắc Kinh tới Sydney, Bắc Kinh tới Melbourne hoặc Bắc Kinh tới Auckland, đôi lúc trung chuyển sẽ dừng chân tại Quảng Châu, Thâm Quyến hoặc Hồng Kông. Vì là chuyến đường dài quốc tế, một ngày có một chuyến, cả hãng cũng chỉ có vỏn vẹn vài tổ lái A330 là thực hiện đường bay này nên lịch làm việc của Trần Gia Dư rất theo quy luật. Trừ những lúc có vấn đề trong điều phối tàu bay khiến thời gian bị đẩy lên sớm hoặc lùi lại thì hiếm khi thay đổi lịch bay do biến động nhân sự. Nhờ thế, Trần Gia Dư dễ dàng lên kế hoạch cũng như sắp xếp các hoạt động khác từ sớm.

Vì mỗi tuần có hai đến ba ngày không có mặt tại Bắc Kinh, thời gian ở Bắc Kinh nếu không phải về Lệ Cảnh thăm bố thì trên cơ bản anh đều ở cùng Phương Hạo. Hiện tại đến lượt đồ đạc của Phương Hạo được đặt hết bên cảng Lam Hà, từ đồ dùng vệ sinh, quần áo tới thực phẩm, nơi nào cũng có dấu vết của cậu ấy. Trần Gia Dư thậm chí còn hỏi đùa Phương Hạo: “Hay là chuyển cả máy pha cà phê sang đây nhé.”

Phương Hạo lúc đó không đồng ý, chỉ bảo: “Đấy là bảo vật trấn trạch của nhà em, chuyển nốt sang chỗ anh thì nhà em chẳng còn gì nữa, dứt khoát cho thuê luôn cho rồi.”

Nói xong, Phương Hạo cũng ngây người. Trước đây bọn họ chưa từng bàn bạc cẩn thận về việc sống chung, nếu hôm nay đã nhắc tới thì anh cũng không muốn tránh né.

“Vậy cũng được. Chúng ta bây giờ… Thời gian anh ở Bắc Kinh thì chúng ta cũng gần như là sống chung rồi. Bố anh sẽ không tới chỗ anh.” Trần Gia Dư trả lời rất trôi chảy.

Phương Hạo gật đầu, cũng nói: “Chờ tới cuối năm rồi bàn nhé. Đợt này em đang chuẩn bị cho cuộc đua, công việc cũng bận rộn, muốn chuyển nhà cần thời gian mà.”

Phương Hạo nhớ khi đó anh mới chạy bộ trở về, vừa tắm rửa xong, đang lau tóc. Trần Gia Dư ở trong phòng bếp cắt thái thức ăn và nấu nướng. Lúc nói đến chuyện này, Trần Gia Dư nhìn về phía anh, khoé mắt, đuôi mày đều ánh lên nét cười dịu dàng. Ngoài cửa sổ, mặt trời đang lững thững xuống núi, ánh sáng trong bếp đã tối đi rất nhiều, thế nhưng có lẽ vì Trần Gia Dư ở suốt trong bếp nên tạm thời chưa cảm nhận được. Phương Hạo đặt tay lên công tắc đèn bếp, sau một chốc do dự, anh lại hạ tay xuống. Ánh mắt Trần Gia Dư còn dịu dàng hơn ánh chiều tà. Hai người cứ vậy im lặng nhìn nhau, Phương Hạo tưởng chừng như đã trông thấy cuộc sống sau này khi hai người về chung nhà. Buổi sáng họ sẽ thức giấc bởi tiếng chuông báo thức khác nhau, buổi tối có thể ôm nhau chìm vào giấc ngủ, thi thoảng có thể đi mua sắm, xem triển lãm, xem phim, sắm sửa, hay đơn giản chỉ là cùng chuẩn bị một bữa ăn, giống như lúc này đây. Phương Hạo bỗng cảm thấy cuộc sống thật sự rất đỗi dễ dàng. Tất cả những quyết định đang treo lơ lửng hay những thấp thỏm bất an đều đã đáp đất, hiện tại cho dù là niềm hạnh phúc hay sự yên ổn đều đã nằm trong tầm tay anh. Phương Hạo đã sống ba mươi năm cuộc đời. Trước Trần Gia Dư, anh từng tự do khi độc thân, từng buông thả khi yêu đương, thế nhưng anh chưa từng được trải qua loại cảm xúc và trạng thái này. Tất cả những vấn đề nan giải trong cuộc sống đều đã được giải quyết. Tương lai là con đường thênh thang thẳng tắp, anh phóng tầm mắt là có thể thấy được vĩnh hằng.

Mang theo những cảm xúc ấy, Phương Hạo đặt chân lên vạch xuất phát của cuộc đua 100 kilomet vòng quanh đảo Hồng Kông.

Vì để tới xem cuộc đua của Phương Hạo, Trần Gia Dư thậm chí đã đối chiếu lịch làm việc của mình với cậu ấy từ rất sớm, sau đó đổi ca trực với một tổ lái khác có chuyến bay tới Hồng Kông rồi bay tiếp tới Sydney vào hai ngày trước cuộc đua. Như vậy, Phương Hạo có thể tới Hồng Kông trên chuyến bay của anh, có hai ngày để chuẩn bị và chỉnh đốn, trong thời gian đó Trần Gia Dư sẽ bay tới Sydney rồi bay trở lại, vừa hay về tới Hồng Kông đúng hôm cuộc đua của cậu ấy diễn ra, có thể bắt kịp vài tiếng cuối cùng.

Ban đầu, Phương Hạo cảm thấy như vậy quá vất vả cho Trần Gia Dư. Tuy tuyến quốc tế như bay tới Sydney đều được bố trí tổ lái kép, thế nhưng ngộ nhỡ gặp phải một vài yếu tố khó lường thì anh ấy sẽ không thể về kịp. Hơn nữa, liệu có thể hoàn thành cuộc đua hay không vẫn còn chưa thể nói chắc. Trước đây anh chỉ tập chạy chặng 60 tới 70 kilomet, tuy lần này đang trong trạng thái rất tốt nhưng cuộc đua dù sao cũng là cuộc đua, không chỉ kỹ năng chạy bộ mà còn phải nghiên cứu chuyện uống nước, bổ sung năng lượng, thực phẩm, chỉ cần không chú ý ở một điểm nhỏ nào đó là có thể ảnh hưởng trạng thái. Anh sợ Trần Gia Dư đổi qua đổi lại, cuối cùng lại thành công cốc.

Trần Gia Dư chỉ bảo: “Mẹ em bận việc không thể đi được, Thịnh Kiệt đang ở Anh, ở vạch đích chờ em là việc đương nhiên anh nên làm. Cho dù trễ một, hai tiếng thì theo anh tính toán hẳn là vẫn có thể tới kịp khi em về đích.”

Trần Gia Dư cất công sắp xếp vé hạng nhất trên chuyến bay từ Bắc Kinh tới Hồng Kông cho Phương Hạo. Anh thấy Phương Hạo vì để được nghỉ thêm hai ngày mà mấy hôm trước đó đều đi làm, vậy nên đã chuẩn bị vị trí ngồi thật đẹp để cậu ấy ít nhất có thể nghỉ ngơi thật tốt.

Năm giờ sáng, Trần Gia Dư lái xe tới sân bay. Sau khi anh ấy đi check-in thì Phương Hạo cũng đi kiểm tra an ninh. Thật ra, Phương Hạo có thể ra khỏi nhà sau Trần Gia Dư nửa tiếng. Quy trình chuẩn bị trước chuyến bay đối với các chặng bay quốc tế cần phải có mặt trước hai tiếng, hôm trước đó Phương Hạo còn mới trực ca đêm, song anh vẫn khăng khăng muốn đi cùng Trần Gia Dư nên hai người đi chung xe tới.

Lúc lên máy bay, Phương Hạo đeo tai nghe, cúi đầu đi vào trong khoang hành khách. Các tiếp viên chào hỏi từng vị khách đang bước lên máy bay ở trước mặt, kiểm tra vị trí ngồi của bọn họ để chỉ đường. Lúc Phương Hạo ngước lên, không ngờ lại thấy Trần Gia Dư cũng đứng ở đó, đang dựa người bên cửa buồng lái, mỉm cười với anh. Phương Hạo đã đi máy bay rất nhiều lần, anh biết lúc hành khách lên máy bay, phi công về cơ bản đều ngồi trong buồng lái, thực hiện checklist hoặc đơn thuần là ngồi im đó, chào đón hành khách không thuộc nhiệm vụ của bọn họ. Trần Gia Dư cố tình hoàn thành xong bước kiểm tra checklist rồi ra đây đứng, dựa bên cửa buồng lái chào đón anh.

Trần Gia Dư rất cao, lúc bước qua cửa buồng lái phải hơi cong lưng cúi đầu. Thời tiết tháng Mười se se lạnh. Trần Gia Dư không còn mặc áo đồng phục mùa hè ngắn tay nữa mà mặc nguyên bộ đồng phục gồm áo khoác và sơ-mi dài tay. Phương Hạo lúc này mới nhận ra, đây là lần đầu tiên anh được trông thấy Trần Gia Dư trong trạng thái làm việc, thậm chí còn ngây ngẩn mất một giây – Anh ấy đẹp tới vô thực.

Phương Hạo khẽ mỉm cười. Sau đó không đợi tiếp viên tới hỏi, anh đã như trêu chọc mà lấy thẻ lên tàu bay của mình ra cho Trần Gia Dư xem.

Tiếp viên không biết nội tình bên trong, nghĩ thầm: Sao có thể để một cơ trưởng như Trần Gia Dư dẫn đường cho hành khách được. Cô vội vươn tay ra tính làm thay: “Chào anh, anh đưa thẻ lên tàu bay cho tôi xem nhé.”

Sau cùng, Trần Gia Dư phải cản lại, bảo: “Không sao đâu, là bạn tôi.” Sau đó, anh nói với Phương Hạo: “7A, vị trí sát cửa sổ bên tay phải.”

Tâm trạng Phương Hạo rất vui vẻ. Anh tiếp tục mỉm cười, nói: “Cảm ơn cơ trưởng Trần.”

Trần Gia Dư áp sát Phương Hạo, trên tay vẫn còn cầm tấm vé của cậu ấy. Anh nói ở mức chỉ hai người họ nghe thấy: “Ngủ thêm chút nữa đi. Tối qua em ngủ muộn như thế.”

Phương Hạo khẽ đáp “Ừm”. Thật ra anh đã bị một câu vu vơ của anh ấy trêu chọc tới mức toàn thân nóng rực, cơn buồn ngủ sau khi chỉ được ngủ năm tiếng đồng hồ cũng đã bị quét sạch. Tuy nhiên, hành khách đang ùn ùn kéo lên tàu bay, anh cũng không tiện nói gì thêm.

Trần Gia Dư dặn dò Phương Hạo khi nào tới nơi, xuống máy bay thì tới cổng chờ anh mấy phút, sau đó mới quay trở lại buồng lái.

Sau khi máy bay hạ cánh, Trần Gia Dư ngay lập tức phải tiếp tục bay tới Sydney cùng chính đội ngũ phi hành đoàn này trên con tàu bay này. Sau khi hành khách xuống hết, anh tranh thủ thời gian rảnh khi Bộ phận mặt đất đang tra nạp nhiên liệu, cố tình đi xuống máy bay.

Phương Hạo quả nhiên đang kéo hành lý, đứng ở cổng chờ anh. Trần Gia Dư sải bước đi tới, dẫn cậu ấy đi ra ngoài vài bước rồi ôm cậu ấy thật chặt giữa đám đông nhộn nhịp.

“Em yêu à, chúc em may mắn.” Anh thì thầm bên tai Phương Hạo: “Hẹn gặp lại ở vạch đích. Em sẽ làm được.”

Phương Hạo không nói gì. Anh siết chặt vòng tay ôm lấy Trần Gia Dư, phải hơn mười giây sau mới buông tay: “Em hơi muốn hôn anh, làm sao bây giờ?”

Trần Gia Dư bật cười. Thật lòng anh cũng muốn, nhưng dù sao sân bay này người qua người lại, anh còn đang mặc đồng phục phi công. Anh bèn khẽ hôn lên ngón tay mình rồi chạm chỗ trên ngón tay đó lên má Phương Hạo: “Trước cho anh nợ nhé, tới vạch đích sẽ bù cho em.”

Tới tận khi tiếng súng phát lệnh vang lên, Phương Hạo cũng không thể quên lời này của Trần Gia Dư. Cuộc đua đường trường 100 kilomet thuộc hạng mục siêu marathon. Vì cuộc đua này, anh đã bắt đầu chuẩn bị từ năm ngoài tới nay là tròn mười một tháng. Cho dù kế hoạch nhiều lần bị gián đoạn do công việc ngày đêm đảo lộn, thế nhưng anh vẫn kiên trì tới cuối. Thật ra, khoảnh khắc đứng tại vạch xuất phát, anh cảm thấy bản thân đã thành công được một nửa rồi. Trong hòm thư điện thoại có tin nhắn Trần Gia Dư gửi tới cho anh trước khi cất cánh tại sân bay Sydney. Lúc anh bắt đầu chạy cũng là lúc Trần Gia Dư đang bay trên bầu trời, vậy nên anh ấy đã gửi lời chúc tới trước. Nội dung vẫn như thế –「Chúc em may mắn, song anh biết em cũng không cần lời này. Em nhất định sẽ làm được. Anh yêu em, hẹn gặp em tại vạch đích.」

Lần này, Phương Hạo duy trì được phong độ ổn định tới mốc 50 kilomet. Trong cuộc đua siêu marathon, cứ cách mỗi mốc chặng đua sẽ có một trạm cung cấp để bổ sung nước, chất điện giải và thức ăn. Trong cuộc đua tại Bắc Kinh ba năm về trước, anh vì không ăn nổi bất cứ thứ gì nên về sau mới không thể hoàn thành cuộc đua. Lúc chạy tới kilomet thứ 70, Phương Hạo lại có cảm giác tương tự. Dưới sự kích thích của adrenalin, anh không thấy đói, chỉ cảm thấy toàn thân nóng như bốc hoả, tim đập nhanh tới mức không ổn định lại được. Hồng Kông nóng ẩm quanh năm, thật sự không phải địa điểm lý tưởng để tổ chức những cuộc đua kiểu này.

Anh phải ép bản thân ngồi lại chỗ trạm cung cấp, ăn chút thịt bò khô cùng hai túi gel năng lượng[1].

Bắt đầu từ kilomet thứ 75, anh cảm nhận được sự kiệt quệ về mặt sinh lý không cách nào có thể chống cự nổi. Ở mấy kilomet trước đó, anh còn có thể dựa vào việc ngắm cảnh đẹp và nghe nhạc trong tai nghe để vượt qua, anh cũng biết rõ thể lực dự trữ của mình đủ để ứng phó. Thế nhưng bây giờ, thật sự đã bước vào giai đoạn mấu chốt của cuộc đua, mỗi kilomet đều dài như hai kilomet trước đó, mỗi bước chạy đều tiêu tốn phần sức lực của hai bước chạy trước đó.

Anh cắn răng, cố gắng tập trung tinh thần chiến đấu với sự khó chịu ở mặt thể chất này. Phương Hạo trước giờ luôn cảm thấy chạy bộ là môn thể thao nhàm chán nhất cũng như thú vị nhất. Nhàm chán ở chỗ nhịp độ, tiết tấu của nó chỉ có độc như vậy, chân trái theo chân phải, chân phải theo chân trái, thay phiên nhau bước hàng trăm ngàn bước mà nhịp bước chẳng hề biến đổi. Thế nhưng nó cũng rất thú vị vì bạn sẽ có cơ hội nhìn lại chính mình. So với người bình thường thì Phương Hạo chạy khá nhanh. Hồi đại học anh từng luyện tập môn điền kinh 10.000 mét nhưng thi đấu lại chẳng có mấy thành tích. Song, cũng nhờ vậy mà anh khám phá ra siêu marathon và chạy địa hình cực hạn. Từ đó trở đi, đối với anh, chạy bộ không còn đơn thuần là tốc độ nữa. Chạy bộ không chỉ thử thách mức độ cực hạn của thể lực mà còn cả tâm lý. Đây là bài học giúp anh sống chung với chính mình. Anh học được cách kiểm soát nỗi đau, kiểm soát sự mệt mỏi, cũng kiểm soát được cảm xúc của bản thân.

Khi gần chạy tới kilomet thứ 80, trời bỗng mưa lất phất, tình trạng đường sá trở nên tệ hơn, hai chân anh nặng như chì. Lúc này đây, anh quyết định dung túng bản thân, mở ra hòm bảo vật ánh trăng mà trước đó anh không nỡ mở. Phương Hạo tắt nhạc, cũng không tiếp tục nhìn sang hai bên đường nữa, anh bắt đầu nhớ lại một năm qua của anh và Trần Gia Dư.

(Hòm bảo vật ánh trăng: bản gốc tiếng Trung là “月光宝盒”, cụm từ này bắt nguồn từ bộ phim Đại thoại Tây Du của Châu Tinh Trì, chỉ một chiếc hòm ma thuật có khả năng du hành xuyên thời gian và không gian. Nó được coi là biểu tượng của tình yêu, là công cụ giúp tìm tới tình yêu đích thực)

Bắt đầu từ vụ việc chuyến bay của hãng KLM nổ lốp, Trần Gia Dư không nắm rõ tình huống khẩn nguy, vì quyền lợi của chuyến bay của mình mà liên tục tranh cãi với anh, đặt ra nghi vấn đối với quyết định của anh. Sau đó bọn họ đối đầu trực diện, lời nói của Phương Hạo đã khiến anh ấy phải nhận thua. Anh ấy cũng có chừng mực, không tiếp tục tranh cãi về vấn đề này nữa. Tiếp sau đó, trong bữa tiệc chia tay Lư Yên, Phương Hạo ngồi bên cạnh anh ấy, tối sau khi uống rượu được anh ấy lái xe chở về nhà.

Đó cũng là lần đầu tiên bọn họ trò chuyện về thời Đại học. Anh nhớ bản thân đã say rồi nhưng Trần Gia Dư lại tán gẫu với anh hết chuyện này tới chuyện khác.

Về sau, Trần Gia Dư vận dụng hết mọi sự lãng mạn, ngày ngày đòi anh đường cất hạ cánh 17L. Trong chuyện này, hai người họ một kẻ nguyện đánh, một kẻ nguyện chịu. Sau này khi nghĩ lại, Phương Hạo mới cảm thấy thời gian đó bọn họ đúng là rất mập mờ. Sự mập mờ chất chồng lên tới đỉnh điểm nhưng rồi lại bị lần hiểu nhầm do vụ việc đèn hạ cánh phá tan. Phương Hạo nghĩ bản thân anh cả đời này sẽ không thể nào quên nổi dáng vẻ rời đi trong đêm mưa của Trần Gia Dư cùng ánh mắt anh ấy nhìn anh lúc đó. Rõ ràng họ chỉ cách nhau vài mét nhưng lại như thể xa ngàn dặm.

Cũng may, về sau Trần Gia Dư đã hứa suốt phần đời còn lại,  Phương Hạo sẽ không bao giờ phải trông thấy ánh mắt như vậy ở anh ấy nữa.

Anh chạy qua cột mốc 80 kilomet, rồi tiếp tục vượt qua mốc 85 kilomet. Anh tiếp tục suy nghĩ. Sau khi trải qua trận chiến tranh lạnh vô duyên vô cớ đợt vụ việc đèn hạ cánh, phải mất đi rồi anh mới nhận ra lòng mình trống rỗng, vậy nên anh đã tìm cách bù đắp một cách thật chân thành. Trần Gia Dư tuy có phần chậm chạp nhưng cũng đã vì chuyện này mà thể hiện những cảm xúc chân thật của mình, chia sẻ cùng anh suy nghĩ của anh ấy về vụ việc hạ cánh khẩn cấp tại Hồng Kông. Chính khoảnh khắc đó, Phương Hạo đã thật sự rung động trước Trần Gia Dư.

Anh nhớ tới buổi tối hôm tiệc sinh nhật, Trần Gia Dư đã đưa tay chạm lên mắt anh. Anh nhớ cả hôm Trần Gia Dư mất ngủ, chỉ với một cú điện thoại của anh ấy là anh đã tới xem phim cùng anh ấy. Đêm đó, trong bóng tối và hỗn loạn, cơ thể họ dán chặt lấy nhau, cùng trải qua cuộc tình ái. Anh cũng nhớ tới tối hôm trước ngày kỷ niệm ba năm vụ việc hạ cánh khẩn cấp tại Hồng Kông, Trần Gia Dư ôm anh ngồi lên nóc tủ trưng bày, hai người sau đó lăn lộn tới mức xung quanh tanh bành. Anh yêu sự dịu dàng và bao dung của anh ấy, yêu sự nhiệt tình và tùy hứng của anh ấy, ngay cả những thói xấu ẩn giấu cùng chút ấu trĩ đôi lúc của anh ấy, anh cũng yêu.

Ở kilomet thứ 90, Phương Hạo lấy điện thoại ra xem, quả nhiên có tin nhắn Trần Gia Dư gửi tới trước đó. Anh ấy nhắn:「Anh hạ cánh rồi, đang dõi theo em qua website. Cố lên em nhé.」

Sau đó một lúc là một tin nhắn khác:「Anh tới rồi. Anh đợi em.」

Trên người các vận động viên có thẻ nhận dạng điện tử để ghi lại vị trí, người thân và bạn bè có thể kiểm tra tình hình thông qua số hiệu. Có lẽ lúc Trần Gia Dư vừa hạ cánh, chưa tới nơi đã lên website kiểm tra rồi. Phương Hạo có thời gian đọc tin nhắn nhưng không còn sức lực để nhắn tin trả lời. Hiện tại, mỗi bước chạy, anh đều cảm nhận rõ sự rệu rã của cơ bắp cùng cơn đau như kim châm nơi lòng bàn chân. Axit lactic đã tích tụ vượt ngưỡng[2], độ khó để duy trì tốc độ tăng lên theo cấp số nhân so với trước đó.

Phương Hạo lại nghĩ tới những chuyện đã xảy ra sau Tết, khúc mắc đối với vụ việc hạ cánh khẩn cấp tại Hồng Kông của Trần Gia Dư, những điều anh ấy giấu anh. Bọn họ bắt đầu xảy ra cãi vã, xuất hiện rạn nứt và khoảng cách. Và rồi một lần nữa sự cố xảy ra, vụ việc chuyến bay số hiệu 1713 hạ cánh khẩn cấp đã trực tiếp xé rách vết thương ban đầu. Thế nhưng, Phương Hạo tự hỏi bản thân, ngay cả trong thời khắc bức bối và tuyệt vọng nhất, anh cũng chưa từng nghĩ tới chuyện chia tay. Thậm chí, trước khi Trần Gia Dư đặt ra câu hỏi đó, hai chữ “chia tay” còn chưa từng xuất hiện trong đầu anh.

Cũng phải đợi tới khi mọi chuyện lắng xuống, vài tháng trôi qua, Phương Hạo mới dám nhắc lại chuyện cũ. Anh hỏi ngược lại Trần Gia Dư: “Anh từng nghĩ tới chuyện chia tay chưa?”

Trần Gia Dư trả lời: “Lúc đó bản thân anh không hề nghĩ tới, anh sẽ không chia tay với em. Nhưng anh nghĩ nếu em nhắc tới chuyện chia tay, dù khả năng chỉ là rất nhỏ…”

Phương Hạo nhớ rất rõ giọng Trần Gia Dư khi nói tới đây có chút không ổn.

“Thì anh chắc chắn sẽ rất buồn, rất đau khổ.” Lúc đó Trần Gia Dư đã nói: “Nhưng trong anh còn một cảm giác khác, rằng hiện thực quả đúng là không như trong truyện cổ tích, đến cả ông trời cũng muốn thu lại người đối tốt với anh là em. Nếu em thật sự nhắc tới, anh chắc sẽ chấp nhận, chẳng qua cũng sẽ thấy tiếc nuối. Sau cùng… anh vẫn không xứng đáng với sự tốt đẹp của em.”

Nghe những lời anh ấy nói, mắt Phương Hạo đỏ hoe. Anh nói năng lộn xộn, chỉ biết lặp đi lặp lại mấy từ đó: “Anh xứng đáng mà. Trần Gia Dư, anh xứng đáng. Cho dù không phải em, em không nói em muốn chia tay, em thật sự chưa từng có ý đó, thế nhưng cho dù không phải là em thì anh cũng xứng đáng.”

Phương Hạo rất có lòng tin, Trần Gia Dư lại có rất ít, anh trao hết những gì mình có cho anh ấy. Ngược lại anh thiếu sự lãng mạn cùng bốc đồng, Trần Gia Dư không ngừng truyền cho anh những điều ấy.

Phương Hạo cảm thấy ở từng giai đoạn biết nhau, quen nhau, bên nhau, cả hai người họ đều có sự thoả hiệp cũng như chủ động nỗ lực. Không ai bỏ ra quá nhiều, cũng chẳng ai bỏ ra quá ít. Giống như hai người bịt mắt bắt đầu đi từ hai bên đầu cầu, sau đó gặp nhau, phát hiện vừa khéo ở ngay trung tâm cầu, có thể dùng hai chữ “vừa vặn” để hình dung.

Giây phút này đây, anh đang chạy không biết mệt mỏi trên con đường không rõ tên tại đảo Hồng Kông. Anh là một trong số hàng ngàn vận động viên tham gia cuộc đua. Từ trên không trung nhìn xuống, anh chỉ là một chấm đen đang chậm rãi nhưng kiên trì di chuyển về trước. Còn Trần Gia Dư vào giây phút anh bắt đầu chạy thì đang bay trên trời, điều khiển chiếc Airbus trong tay, thực hiện hơn trăm bước thủ tục, chẳng biết sẽ bay qua vùng trời phía trên đại dương nào, hòn đảo nào. Thế nhưng xuôi theo cuộc đua dần tới hồi kết, quãng đường anh đã chạy qua ngày một dài thêm, Phương Hạo biết Trần Gia Dư đang ngày một gần anh hơn.

Cuộc đời dài đằng đẵng nhưng vẫn là sống qua từng ngày. Cuộc đua 100 kilomet này cũng là chạy dần từng bước. Kilomet thứ 95, vẫn còn ba mươi phút nữa mới chạm đích. Anh chạy về phía trước trong tình trạng tê mỏi, cứng nhắc. Cơ thể càng ngày càng nặng nề nhưng trái tim càng lúc càng nhẹ bẫng.

Phương Hạo biết, Trần Gia Dư đang chờ anh ở vạch đích. Anh xuyên qua gió mưa ở năm kilomet cuối tựa như vượt qua tất cả những chuyện trong quá khứ. Hình như anh đã nhìn thấy khuôn mặt anh ấy, đôi mắt anh ấy đang nhìn thẳng về phía anh.

Phương Hạo biết, trên thế gian này, có vài điều sẽ vĩnh viễn chẳng bao giờ đổi thay.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play