*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Bà Rimbaud không đánh con, nhưng vẻ mặt nghiêm túc cùng cách giáo dục nghiêm khắc cũng đủ khiến bọn trẻ sợ hãi. Cũng chỉ có hai cậu con trai mới dám phản kháng, nhất là Arthur – con cưng của mẹ. Nhưng anh cũng biết sợ, chỉ cần mẹ dọa, nói anh không muốn về nhà nữa thì mãi mãi đừng có về, là Arthur sẽ ngoan ngoan nghe lời về nhà.

Vitalie có thể hiểu được mẹ, nhưng lại không tán thành. Có điều cô mới là một đứa trẻ, không thể thay đổi được suy nghĩ của mẹ. Cô chỉ biết tự an ủi mình, tốt xấu gì bà Rimbaud cũng có chút ít của cải, không đến nỗi để con cái ăn đói mặc rách, so ra đã hơn dân nghèo nhiều lắm rồi.

Bà Rimbaud quá bảo thủ tằn tiện, bà không nói ra lời yêu thương với các con, trái lại đôi lúc còn giận tụi nhỏ đáng ghét. Làm bà mẹ đơn thân đúng là rất mệt, nhưng nói như thế nào đây? Con đường này là tự bà chọn, ngày trước mắt mù chọn phải người chồng không đáng tin, hiện tại không thể không tiếp nhận hậu quả.

Với phụ nữ, kết hôn là chuyện mất nhiều hơn được, không tìm được người đàn ông đáng tin thì còn không bằng sống độc thân.

***

Để trở thành một người nội trợ giỏi, chuyện cần học liên tục là làm việc nhà, nấu ăn và học quản lý sổ sách. Mẹ của bà Rimbaud mất khi bà còn rất nhỏ, trong gia đình chỉ có một cô gái là bà, con gái lớn lên mà không có mẹ thì rất vất vả, rất nhiều chuyện nhà phải tự mò mẫm một mình. Vì vậy bà rất nghiêm khắc với Vitalie – vì bà không có mẹ dạy bảo, lại kết hôn muộn, nên rất không muốn con gái cũng lãng phí tuổi trẻ trong chuyện hôn nhân.

Bà đối xử với Vitalie như một người lớn, có chuyện gì cũng nói với cô, ví dụ như sinh hoạt phí của một tháng là bao nhiêu franc, chi phí hằng ngày tốt nhất chỉ nên trong vòng 5 franc đổ lại, tốt nhất là 4 franc, một tháng khoảng 120 đến 150 franc, một năm khoảng 1500 franc, tốt nhất là không được vượt quá 200 franc; bọn nhỏ phải cố giữ gìn sức khỏe không được đau ốm, tiền thuốc men là một khoản chi rất lớn, cũng khó kiểm soát kỹ.

Của hồi môn 30.000 franc năm ấy dùng đến bây giờ đã chẳng còn lại bao nhiêu, may sau khi ông ngoại qua đời, bà Rimbaud được thừa kế ít ruộng đất ở làng Roche, có thu nhập từ tiền thuê ruộng, nếu không thời gian qua khó mà sống nổi.

Vitalie nhân đó thăm dò: “Cha có cho chúng ta sinh hoạt phí không?”

Bà Rimbaud xụ mặt, nghiêm túc nhìn cô, một lúc sau mới miễn cưỡng trả lời: “Mấy năm trước có cho.”

“Cho mấy năm rồi? Vì sao sau đó không cho nữa? Không phải ông ấy có tiền trợ cấp sĩ quan sao? Con nhớ tiền trợ cấp cho đại úy trong quân đội không ít đâu.”

“Đúng là không ít, nhưng…” Bà Rimbaud buồn rầu thở dài, “Đừng hỏi chuyện này nữa. Lại đây, để mẹ xem con thêu hoa thế nào rồi.”

Vitalie đưa miếng vải đã thêu cho bà xem, “Hai người… ly hôn rồi ạ?”

Bà Rimbaud vừa cầm miếng vải, lập tức ngạc nhiên nhìn con gái, “Con nói gì! Ly hôn? Trời ơi! Con lấy đâu ra suy nghĩ này vậy!”

“Ông ấy đã không đưa sinh hoạt phí thì vì sao mẹ không đi tìm ông ấy đòi?”

Bà Rimbaud mím môi, “Đây không phải là chuyện con nên hỏi.”

“Con là con gái của ông ấy, ông ấy nên trang trải chi phí sinh hoạt cho con mới đúng. Nếu ông ấy không muốn có con thì đừng kết hôn.”

“Vitalie!”

“Mẹ, mẹ dễ tính quá. Giống như con ở trường dòng, nếu mẹ quá dễ tính thì bọn con gái đó sẽ ăn hiếp mình, bọn chúng sẽ giật dây buộc tóc, lại còn trấn lột tiền tiêu vặt, nếu không đưa, đến tối chúng sẽ xúm lại đánh đập.”

Bà Rimbaud vừa bực lại vừa buồn cười, “Nên đấy là nguyên nhân mà mỗi hai tháng là con được tiễn về?”

Vitalie nhún vai, “Bọn chúng thấy con gầy gò nhỏ con nên toàn ăn hiếp. Mẹ, con không muốn đến trường dòng nữa đâu.” Cô nhân đó đề xuất yêu cầu.

“Không phải con muốn đến trường à?”

“Con muốn đi học ở các trường như học viện Charleville, chứ không phải là trường dòng gì hết. Các xơ không cho con đọc sách, bọn họ thấy con quá nghèo nên xem thường con.”

“Làm gì có chuyện đó? Các xơ rất khiêm tốn tốt bụng, họ là người hầu của thượng đế mà.”

Vitalie bĩu môi, “Nhưng bọn họ vẫn phải ăn uống vệ sinh ngủ nghỉ thôi, bọn họ chỉ là ‘người’, mà người thì cũng có khuyết điểm. Mẹ, con thấy trước cuối năm nay, trường dòng sẽ không để chúng con về lại nữa đâu, con có thể ở nhà học được không? Con nghe nói, nếu học được tốc ký thì sau này có thể ra ngoài tìm việc. Mà học tốc ký thì phải học viết, các xơ không biết nhiều chữ để dạy, bọn họ nói chỉ cần có thể viết thư để người ta đọc hiểu là đủ, con gái không cần học nhiều tri thức làm gì. Rõ ràng chuyện này không đúng.”

Bà Rimbaud do dự, “Giờ con còn nhỏ, nói gì mà tìm việc. Sau này, bốn đứa các con mỗi người một phần đất ở làng Roche, con và Isabelle là nữ, trong tay phải có nhiều tiền mới tốt.” Bà được thừa hưởng cơ nghiệp từ gia đình và được hưởng lợi rất nhiều, nên bà cho rằng việc con gái mình được thừa kế tài sản trong tương lai cũng không có gì lạ, điều này Vitalie cũng đồng ý.

Thái độ của bà Rimbaud có vẻ lạ, có lẽ cho rằng việc chạy đến Dijon tìm chồng đòi tiền là chuyện đáng xấu hổ? Hay là quá rắc rối? Nên cô cũng không khư khư thảo luận việc này nữa. Có điều chuyện này tạm thời không vội, Vitalie định tháng sau đến làng Roche thì sẽ hỏi ý kiến cậu. Nếu thật sự có khả năng, cô sẽ xúi cậu dẫn mình và Frederic đến Dijon, Frederic là con cả, anh ấy cũng nên làm chuyện gì đó cho trong nhà rồi.

***

Không biết Arthur chuồn đi lúc nào, tận đến giờ cơm trưa, bà Rimbaud mới phát hiện con trai không ở nhà.

Anh đem theo mấy bộ y phục, đem luôn cả áo khoác nhung hay mặc đến trường, bà Rimbaud lục tung tủ quần áo, tức tới nỗi hai mắt đỏ bừng.

“Cái thằng hỗn láo này!” Bà vừa giận vừa bất đắc dĩ, “Vitalie, nhanh đến nhà ga tìm xem! Frederic, đi cùng Vitalie.”

Frederic không tình nguyện mặc áo khoác vào, dẫn Vitalie ra khỏi cửa, đi tới ga tàu.

***

Họ đi xe ngựa công cộng trên phố đến nhà ga. Xe ngựa công cộng là phương tiện giao thông công cộng của thời đại này, xe rất dài có thể ngồi được hơn chục người, trên nóc cũng có thể ngồi được vài người. Thông thường để tiết kiệm chi phí, các chàng trai sẽ chọn ngồi trên nóc xe. Nhưng hiện tại là mùa đông, trời quá lạnh, có tiết kiệm tiền cũng không phải tiết kiệm khoản này. Frederic dẫn Vitalie ngồi trong xe, tiền xe không đắt lắm. Hai người chỉ mất 3 sou. Lái xe cho Frederic ôm Vitalie ngồi trên chân, như thế có thể dư được một chỗ ngồi, vì vậy chỉ tính phí một ghế rưỡi.

(*Ảnh minh họa xe ngựa công cộng thời bấy giờ. )



Charleville có diện tích không lớn, từ nhà Rimbaud đến ga tàu cũng không xa, chỉ mười mấy phút đồng hồ là tới nơi. Frederic và Vitalie tìm trong ngoài nhà ga một lượt, nhưng đương nhiên không tìm thấy Arthur.

“Anh thấy mẹ không cần phải để chúng ta tới tìm nó. Chắc chắn nó đã lên tàu đến Paris rồi.” Frederic thở dài.

“Dù gì cũng phải đến xem.”

“Phí tiền!” Anh sẵng giọng.

“Đi thôi, về nhà đi, em đói rồi.” Hai người bọn họ còn chưa kịp ăn trưa thì đã phải ra đây.

“Em có đem theo tiền không? Chúng ta ăn ở ngoài rồi về sau.” Anh đáng thương nói: “Hai cái bánh mì nhỏ xíu, anh thực sự không no.”

Vitalie đảo mắt xem thường anh: Đáng giận! Các anh sao ai cũng thế vậy! Bọn họ biết cô có tiền riêng, lần nào cũng đòi cô tiêu tiền, Frederic thì chủ yếu muốn ra ngoài lén ăn, Arthur thì còn yêu cầu nhiều hơn, ngoài ăn ra còn muốn ít bạc mua sách nữa.

“Không được. Nếu chúng ta ăn ở ngoài rồi về nhà không ăn được nữa, thì mẹ sẽ biết em có tiền.”

“Đừng lo, anh sẽ ăn hết sạch phần cơm trưa của anh!” Sức ăn của con trai trong thời kỳ trưởng thành rất khỏe, không cần lo đến vấn đề không ăn nổi.

“Chúng ta có thể đi bộ về, như thế sẽ tiết kiệm được tiền xe. Mình ăn chút gì đó ở trên đường đi.”

“Được. Nếu em đi không nổi thì anh cũng có thể cõng em.”

Trên đường, hai người đi ngang qua tiệm bánh ngọt, mua hai chiếc bánh giòn sữa hạnh nhân, lại mua thêm bánh mì dài mà sau này được gọi là Baguette.

“Bánh mì dài là cơm tối.” Cô để anh trai cầm chiếc túi giấy đựng bánh mì, sau đó đưa cho anh một cái bánh mì giòn sữa hạnh nhân, “Mau ăn đi.”

***

Hai anh em không tìm được Arthur bỏ nhà ra đi, bà Rimbaud cũng đành bất đắc dĩ chấp nhận hiện thực. Bà không nói gì với tụi nhỏ, chỉ bảo hai đứa mau ăn cơm.

Hôm qua Felix có đưa thịt đến để ăn, hôm nay cắt một nửa số xúc xích rồi hấp chín, một đứa trẻ chỉ có thể được chia vài miếng. Vitalie không thích ăn xúc xích nên đã chia hết cho anh trai với em gái. Cô có tiền trong tay, dự định vài ngày nữa sẽ bí mật đi ăn nhà hàng một bữa no nê, cũng chẳng quan tâm đến chút thịt này ở nhà.

Hầy, đúng là có tiền mới hạnh phúc, muốn ăn cái gì thì ăn!

Ăn cơm xong, Isabelle dọn dẹp bàn ăn, rửa bát đũa. Bà Rimbaud khó chịu trong người nên đã về phòng nằm. Vitalie rót cho mẹ một cốc nước nóng, hòa thêm ít mứt chanh rồi đưa tới phòng mẹ.

Bà Rimbaud nằm trên giường, vì mệt mỏi nên không nói chuyện với con gái.

Vitalie cẩn thận rời khỏi phòng, khép cửa lại, âm thầm thở phào.

***

Quay về phòng mình, cô lấy sách của Arthur ra xem.

Cô không hiểu sách vở ghi chép của anh lắm, tuy Arthur là đứa trẻ thiên tài song lại không phải là thầy giáo giỏi; Frederic thì càng khỏi nhắc đến, học lực của anh trong lớp hầu như toàn đếm ngược từ dưới lên. Nếu cô muốn đến học viện Charleville học thì có rất nhiều nội dung cần giảng giải kỹ, ví dụ như tiếng Latinh mà Arthur học, ví dụ như giáo viên sẽ giảng giải phân tích và sáng tác thi từ.

Arthur có viết một vài bài thơ, cả tiếng Latinh lẫn tiếng Pháp, có rất nhiều bài tuy còn vụng nhưng đã cho thấy thiên phú và điểm sáng ở anh —— 

“Tuổi mười bảy say mê nhưng nhút nhát

Chiều lang thang, ly nước đá chanh đường

Quán cà phê, ánh đèn vàng hiu hắt

Vườn cây xanh lững thững dáng chiều buông



Làn hương dại thơm lừng đêm tháng sáu

Nghe mơ hồ gió thoảng dáng hương xưa

Không xa lắm, tiếng ồn ào đô thị

Rượu nồng cay mùi nho chín xuân thì…”

(*Tôn Thất Phú Sĩ phỏng dịch.)

Bài thơ “Truyền thuyết” này tổng cộng có bốn phần, không tới 20 câu, viết trên đường rời nhà đi năm đó, nghe nói anh đã gặp một thiếu nữ xinh đẹp ở trên tàu, anh yêu cô gái ấy…

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play