Tiền riêng của cô không chỉ dựa vào việc tiết kiệm sinh hoạt phí, mà còn bởi tiết kiệm được số tiền lẻ khi mua đồ. Cô có diện mạo đáng yêu, miệng lưỡi thoa mật lại khéo xử lý, nên người bán thường xuyên bớt số tiền lẻ cho cô, tích lũy ngày qua tháng, cũng gom được mấy chục franc.
Có điều, hầu hết số tiền riêng của cô là từ cậu Felix cho.
Cậu Felix lớn hơn bà Rimbaud một tuổi, ông từng phục vụ trong quân đội tại châu Phi trong thời gian nhập ngũ, vì nước da rám nắng nên hàng xóm gọi ông là “người châu Phi”. Cậu Felix chưa kết hôn, sau khi kế thừa công việc kinh doanh của gia đình, cậu suốt ngày không có việc gì làm.
Đến năm 8 tuổi, Vitalie mới biết mình có một ông cậu rất giàu. Bà Rimbaud quyết định cho cô đi học, thế là cậu Felix đã lặn lội từ làng Roche cách Charleville 50 cây số tới, rất hào phóng cho bà Rimbaud 500 franc dùng để trả học phí và tiền nội trú cho Vitalie, hơn nữa còn hứa mỗi năm sau này cũng sẽ cho Vitalie 500 franc ăn học.
Vì cậu đã cho tiền, nên hễ đến ngày nghỉ là Vitalie sẽ về làng Roche thăm cậu. Cậu Felix thích cháu gái ngoan ngoãn đáng yêu, song lại không thích hai đứa cháu trai. Mà bà Rimbaud cũng không thích anh trai mình cho lắm, cảm thấy ông là người lông bông.
Nhưng chuyện này không liên quan đến Vitalie. Vì 500 franc mỗi năm, cô rất tình nguyện đến thăm cậu. Mỗi lần đến cậu lại cho cô thêm ít tiền tiêu vặt, số lượng không giống nhau, có lúc còn cho cô tới mấy chục franc.
***
Bánh mì trong nhà cũng có hạn, mỗi sáng sớm, bà Rimbaud sẽ cho Vitalie ít tiền lẻ, để cô đến tiệm bánh mì trên phố mua bánh mì cho cả ngày: bữa sáng, bữa trưa, bữa tối, dựa theo đầu người, mỗi người ăn 6 cái bánh mì tròn loại nhỏ mỗi ngày, không thể mua dư. Trong thời chiến, giá lúa mì tăng phi mã, mà bột làm bánh lại chủ yếu là bột lúa mì, nên giá bánh mì cũng tăng vọt theo, chứ hồi đầu nhà Rimbaud đâu đến mức phải đếm số lượng người ăn bánh mì.
Nhà có lò nướng, nhưng vì bột mì bị giới hạn lượng mua nên dù có tiền cũng khó mua được, đã lâu lắm rồi trong nhà không tự làm bánh.
Bà Rimbaud không có việc cần ra ngoài, công việc chính là chăm sóc bốn đứa nhỏ. Không chiến tranh thì tụi nhỏ phải đi học, hai cô con gái theo học nội trú tại trường dòng nữ, chỉ về nhà những ngày nghỉ, nên trọng điểm trong công việc của bà là chăm sóc hai cậu con trai.
Vì để Arthur thuận tiện đi học mà bà chuyển nhà nhiều lần, trong ký ức của Vitalie luôn là dọn nhà, thu dọn hành lý, sắp xếp hành lý.
Giữa và cuối thế kỷ 19 còn chưa có công ty chuyển nhà tiện lợi, gần như phải tự dọn dẹp thu xếp, rồi tự thuê xe để chở nội thất và hành lý. Bà Rimbaud là một người phụ nữ giỏi giang, cũng là một người phụ nữ bảo thủ, việc dọn nhà thường xuyên khiến bà mệt mỏi, nên thành ra càng không kiên nhẫn với tụi nhỏ.
Hai cậu con trai lần lượt trốn nhà đi xa đã khiến bà thêm phiền muộn. Một mặt, bà rất tức giận trước sự lỗ mãng và phản nghịch của các con, một mặt lại lo cho sự an toàn của chúng. Thế nên bà càng nghiêm khắc hơn với hai cô con gái, lúc nào cũng không quên giáo dục các cô phải nói năng cẩn thận, làm một cô gái tốt.
Ngày trước, nếu Vitalie muốn đến làng Roche thì có thể đi xe ngựa công cộng, tiền xe rất rẻ, trên nóc xe cũng có chỗ ngồi, chỉ tốn 2 centime; Nhưng bây giờ có quân Phổ đóng quân bên ngoài Charleville, quân của nước chiến thắng sẽ không có thái độ tốt với người dân nước bại trận, bà Rimbaud không cho lũ trẻ tùy tiện ra vì lo chúng sẽ gặp phải những tên lính Phổ tàn ác đó.
Vitalie chỉ có thể viết thư cho cậu, nói nhà cô ở trong thành phố, có rất nhiều thức ăn không thể mua được, ngày nào cũng thiếu ăn, muốn hỏi cậu có thể đưa mấy con gà, mấy túi bột mì đến trong nhà không, nếu có xúc xích thì cũng hy vọng cậu có thể đưa đến mấy cây. Cô viết ra hết số thức ăn mà cô nghĩ nhà Cuif ở làng Roche có thể có. Cô còn là một đứa trẻ, không cần cân nhắc tới vấn đề rốt cuộc nhà cậu có bao nhiêu thức ăn dự trữ, nếu cậu có khả năng thì dĩ nhiên sẽ cân nhắc có thể cho bọn họ bao nhiêu thức ăn.
May là chiến tranh không ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển của bưu điện, hôm trước cô mới gửi thư, hôm nay cậu đã đến Charleville, đem theo một ít thức ăn.
Quan hệ của bà Rimbaud và anh trai không tốt cũng không xấu, người anh đưa thức ăn cần thiết đến, bà cũng sẽ không kiểu cách từ chối.
***
Felix sai Vitalie đi chỗ khác rồi nói với bà Rimbaud: “Tụi nhỏ không đủ ăn, cô phải viết thư nói với anh sớm mới phải.”
“Em cũng hết cách rồi, ngày nào cũng phải kiểm soát chi phí sinh hoạt trong khoảng 5 franc.” Bà Rimbaud nói với vẻ mệt mỏi.
“5 franc? Ít quá. Có đủ mua bánh mì không?” Felix cau mày, “Anh không thể một lần đem nhiều đồ ăn đến được, cô dùng túi bột mì này làm bánh mì cho mấy cháu ăn trước, ít hôm nữa anh sẽ lại đến.”
Bà Rimbaud gật đầu rồi đứng dậy, đem túi bột mì cùng mấy cây xúc xích, mấy con vịt, một túi vải đựng rau cải cùng một tảng thịt bò nhận được cất vào trong tủ bếp.
Buổi tối giữ Felix ở lại ăn cơm, trong nhà nướng bánh sừng bò thơm phức, bánh crepe phết bơ, súp puff pastry hành tây, món chính là chân vịt quay, cả bốn đứa ăn no nê.
***
Nhà Rimbaud không có phòng dư để khách ngủ lại, bà Rimbaud ở phòng ngủ chính, hai đứa con trai mỗi người có phòng riêng, còn Vitalie và Isabelle chung phòng, thế nên, hoặc Frederic nhường phòng hoặc Arthur nhường phòng, mà trong trường hợp bình thường thì đều là con trai cả Frederic nhường phòng.
Cậu Felix không phải là người dí dỏm, Arthur không thích ông cậu này cho lắm, anh cho rằng ông ấy là người không có học vấn, lại còn thô lỗ.
Vitalie thì không như thế, cô cho rằng cậu không phải là thầy cô, không cần phải có nhiều kiến thức, chỉ cần ông thật lòng yêu thương cháu ngoại mình thì chính là một người cậu tốt, là người tốt.
Vitalie thay ga trải giường và chăn sạch cho cậu, lại châm mấy cây nến trên giá cắm nến.
“Cháu gái ngoan của cậu.” Felix vẫn gọi cô như bình thường, “Lại đây để cậu nhìn cháu nào.”
Ông đánh giá Vitalie: quá gầy, dáng vóc không cao, vẫn chưa trổ mã.
“Cháu phải ăn nhiều vào,” Ông bất mãn: “Nếu mẹ không cho cháu ăn nhiều thì cháu có thể tự mua đồ mà ăn.” Ông lấy túi tiền thêu hoa ra, lẩm bẩm, “Mẹ cháu quá thiên vị Arthur, cái thằng láo lếu! À, ở đây có 25 đồng vàng, là học phí của cháu năm nay. Cậu đã nói với mẹ cháu rồi, cháu không đi học nên năm nay cậu không đưa tiền cho bà ấy, bao giờ bà đưa cháu đến trường thì lúc đó cậu sẽ đưa tiền. Còn số tiền này cháu cứ cầm lấy trước, nếu đói thì mua ít bánh mì mà ăn, hoặc đến tiệm ăn uống. Bảo Frederic dẫn cháu đến tiệm.”
“Cám ơn cậu ạ.” Cậu đã cho tiền, dĩ nhiên cô sẽ không do dự. 25 đồng vàng tức là đồng xu vàng “Napoleon” có mệnh giá 20 franc. Cậu Felix không có khái niệm về tiền bạc, có vẻ ông không để ý đến chuyện đột nhiên Vitalie giữ “một số tiền lớn” —— đối với một đứa trẻ 12 tuổi, 500 franc quả thực là số tiền khổng lồ.
Cô cũng cảm thấy mình phải nên ăn nhiều vào. Có lúc Arthur chế giễu cô là “nhóc lùn tịt”, nhưng anh ấy cũng có cao đâu!
***
Trong tay có tiền, trong lòng không hoảng. Dù là ở thời đại nào thì có tiền mới là chân lý.
Đồng franc lúc này là đồng xu lưỡng kim bằng vàng và bạc, vàng thật trong đó có giá trị khá lớn. Kinh tế Pháp ổn định, giá cả không tăng cao trong nhiều thập kỷ, so với thời Napoleon 70 năm trước thì sức mua hiện tại cũng không chênh lệch nhiều, chẳng qua do Ardennes nơi này là vùng chiến sự nên gần đây, giá tăng cao đáng kinh ngạc. Đến khi các cuộc đàm phán bồi thường chiến tranh kết thúc, chính phủ mới ổn định giá cả.
Vitalie nghĩ thời gian vật giá tăng cao này chắc sẽ không kéo dài, cùng lắm là đến cuối năm, giá cả sẽ lần lượt hạ xuống, cô chỉ cần cố qua năm nay, đợi tới sang năm là có thể đến trường dòng nữ nội trú.
Không phải cô thích trường dòng. Ai cũng biết các xơ rất nghiêm khắc, ngày nào cũng đọc và chép Thánh Kinh, dạy các cô bé thêu thùa may vá, nấu nướng, còn chuyện đọc sách lại không được khích lệ, cũng không cho các cô đọc báo, tóm lại mục đích là dạy dỗ nên “vợ hiền mẹ đảm”.
Trình độ văn hóa của bà Rimbaud không cao, ngang với trình độ tốt nghiệp tiểu học ở đời sau, chỉ đủ để viết thư đọc báo, tính toán chi tiêu, và cũng chỉ hiểu được lời phê bình của thầy giáo trong việc học của các con. Bà không có khái niệm “tất thảy đều kém cỏi, chỉ có học mới giỏi”, nhưng Arthur được các thầy trong học viện Charleville khen nên bà có thể hiểu được khái niệm “đứa trẻ ưu tú”.
Còn về việc giáo dục các cô con gái thì bà không quá chú tâm, chỉ cần sau này các con giống mình là được.
Nhưng Vitalie muốn đến Paris học đại học – dưới sự thống trị của Napoleon Đệ Tam, trường đại học Sorbonne đã bắt đầu nhận nữ sinh nhập học.
***
Arthur khinh bỉ nói: “Muốn tăng kiến thức không nhất thiết phải lên đại học.” Đứa trẻ phản nghịch rất ngạo mạn, “Đọc hết sách anh đưa em là được.”
Vitalie lườm anh, “Sách của anh đã bán cho em, không còn là ‘sách của anh’ nữa.” Lần trước anh lén trốn nhà, không có tiền nên đành phải bán sách, khách hàng lớn Vitalie mua trọn cặp sách của anh, tổng cộng đưa anh 50 franc.
Arthur rất biết lắng nghe, “Được, giờ đã là ‘sách của em’ rồi. Lúc anh vắng nhà, em có đọc số sách đó không?”
“Có đọc một chút.” Vitalie mệt mỏi, “Em không có thời gian đọc sách, suốt ngày mẹ toàn bắt em làm việc.”
“Thì tối đọc.”
“Anh tưởng em là anh à?” Cô tức giận trợn mắt với anh, “Mẹ cho phép anh buổi tốt đốt rất nhiều nến đọc sách, còn em chỉ có một cây. Không đủ ánh sáng, em không đọc sách được.”
Mẹ rất thiên vị Arthur, đây là chuyện không thể thay đổi.
“Anh không tin. Em có tiền mà, chắc chắn em đã mua rất nhiều nến.”
Nhắc đến chuyện mua nến là cô lại đau lòng, rõ ràng đây cũng là thứ người lớn cần cung cấp, nhưng cô không thể không dùng đến kho bạc nhỏ của mình để mua.
Cô tức tối, “Cha bọn mình vẫn chưa chết mà, anh nói xem, có phải chúng ta nên đi tìm ông ấy, bắt ông ấy thanh toán các khoản tiền cấp dưỡng nuôi con trong những năm qua không?”
Arthur khiếp hồn trước suy nghĩ này của em gái, “Đi tìm cha?”
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT