Thời tiết ở Lâm Tước rất kì lạ, tuần trước khi đến đây lạnh tới nỗi phải mặc áo bông. Nhưng lần này lại nóng bức phải mặc áo ngắn tay. Hoa hoa cỏ cỏ trong khu vườn nhỏ nhà họ Khương thay nhau nở rộ. Lúc trước không hề phát hiện ra Khương Vinh Diệu có trồng một chậu hoa hướng dương.
“Sao thế anh rể, ngắm hoa buổi sáng hả.” Khương Dực mang dép lê, tiện tay ngắt một nhánh cỏ ngậm vào miệng: “Em tốt bụng cảnh báo anh trước nha, hôm nay đừng chọc lão Khương, sắc mặt ông ấy y như tấm lưới nướng thịt ấy.”
Trác Dụ liếc cậu, biểu cảm khó nói.
Khương Dực cười tít mắt: “Không vòng vo nữa, em biết là vì chuyện của anh. Đừng thấy ba em ngày nào cũng là một ông già tích cực vui vẻ được nhiều người yêu quý mà lầm nhé, thật ra ông ấy khá khó tính đó, nhất là trong những chuyện về chị em.”
Trác Dụ cũng ngắt một nhánh cỏ đuôi chó mọc dọc bên mép bồn hoa dài: “Sao anh cảm giác em như được nhặt về vậy.”
“Em quen rồi, vô học, lười biếng, họ đã tiếp nhận sự thật này từ lâu. Nhưng chị em thì khác, là hy vọng của cả gia tộc.”
Trác Dụ không thể khen ngợi, đành miễn cưỡng nói: “Ừ, tâm lý tốt đấy.”
“Vậy nên anh phải học hỏi em nha.” Khương Dực chống đầu gối đứng dậy: “Mấy ngày nay anh có nghe thấy gì cũng đừng để trong lòng.”
Có cực kỳ nhiều hàng xóm nuối đuôi nhau đến nhà họ Khương, Trác Dụ quen mắt một hai người gì đó. Thỉnh thoảng Hướng Giản Đan lại cười rồi liếc mắt về phía Trác Dụ. Anh không hiểu rõ tiếng địa phương ở đây nhưng có thể cảm nhận được nội dung trò chuyện của họ có liên quan đến mình.
Mấy nhóm người cứ đến như vậy khiến lòng Trác Dụ hoảng loạn không thôi. Đúng lúc này, một người gọi là thím Lý đưa theo một đứa cháu gái nhỏ chừng năm tuổi đến cùng mình. Trác Dụ cầm xe đồ chơi dụ cô bé: “Có muốn cái này không?”
Cô bé ngây thơ gật đầu.
“Vậy cháu giúp chú một việc, có thể nói cho chú biết bà nội và họ đang nói gì với nhau không?”
“Họ bảo chú không đi làm, không kiếm tiền nên chị Khương Khương sắp xếp cho chú về nhà ông ở.” Cô bé dùng nói non nớt phiên dịch xong, chẳng ngờ lại xem thường chiếc xe đồ chơi cũ này: “Chú ơi, chú có kẹo không ạ?”
Trong lòng chú đau khổ vô cùng.
Trác Dụ bỗng nhiên hiểu được ẩn ý trong câu nói của Khương Dực. Thị trấn nhỏ chỉ lớn từng đó, ai ai cũng biết, heo nhà ai sinh con cũng có thể bàn ra bàn vào rõ là lâu. Một chuyện khiến cả thị trấn náo động chính là Khương Uyển Phồn đột nhiên kết hôn. Có lẽ Trác Dụ không hề biết rằng, nhân dân ở thị trấn đã biết rõ chữ bát, số thẻ căn cước của anh còn hơn cả chính bản thân anh.
“Cuối cùng anh cũng phát hiện ra rồi à, em sợ nói thẳng quá anh lại không chịu nổi.” Khương Dực biếng nhác nói: “Họ đã tám chuyện anh từ chức hai ngày hai đêm rồi. Anh xem những người đến đây hai ngày qua, họ không phải đến tám chuyện với mẹ em đâu, mà là đến nhìn anh đấy.”
Sắc mặt Trác Dụ sa sầm: “Anh có gì mà nhìn?”
“Đẹp trai đấy.” Đuôi mắt Khương Dực xếch lên: “Một người đàn ông mới kết hôn đã sa ngã, có thể sẽ khó coi mà.”
“Anh chỉ thất nghiệp thôi.” Không phải sa ngã.
“Ở chỗ bọn em là cùng một ý cả.” Khương Dực an ủi anh qua loa: “Anh đừng bận tâm quá, chờ khi nào anh có công ăn việc làm lại là chiều gió sẽ thay đổi thôi.”
Trác Dụ trầm mặc không biết nói gì.
Khương Dực như có thuật đọc tâm: “Anh đừng bao giờ nghĩ đến chuyện rời đi bây giờ. Nếu mà anh đi, mọi người sẽ bảo anh chột dạ, xấu hổ, không dám đối mặt đó.”
Trác Dụ nhắm mắt hỏi: “Vậy anh nên làm sao?”
“Đừng để trong lòng là được.”
“…”
Trác Dụ nhắn tin Wechat cho Khương Uyển Phồn để bày tỏ sự buồn rầu của mình.
Nhưng anh canh chừng điện thoại đến trưa vẫn không nhận được một chữ hồi âm nào.
Giữa trưa, khi đã không nhịn được nữa, anh quyết định gọi điện thoại cho cô. Chuông điện thoại reo đến tiếng cuối cùng mới được bắt máy, Lữ Lữ hỏi: “Anh rể, cô giáo em đang bận rồi, anh có việc gì không? Em chuyển lời giúp anh.”
Trác Dụ nghẹn trong lòng, hoảng hốt khôn xiết.
Im lặng chưa đến ba giây, đang định mở miệng nói chuyện thì Lữ Lữ vội vàng bảo: “Không có gì thì em cúp máy trước đây, tạm biệt.”
Âm thanh tút tút ngắn ngủi lặp lại bên tai, Trác Dụ cầm điện thoại trong tay. Thân điện thoại như mọc đầy gai, châm chích tay vô cùng.
Đến tầm năm sáu giờ chiều, sau khi ăn bữa tối xong sớm, Kỳ Sương bảo Trác Dụ ra ngoài đi dạo cùng mình: “Đi một vòng quanh vườn nhỏ phía Tây rồi chúng ta đến nhà thím uống chút trà nhé.”
Chẳng hiểu sao Trác Dụ lại thấy sợ, cảm giác bản thân như một con khỉ bị mọi người vây xem hăng say. Mới ra khỏi cửa chưa đến hai phút thì có tiếng nhạc hùng dũng vang vọng khắp cả thị trấn nhỏ. Mỗi ngày vào thời gian này sẽ thông báo một số tình hình chính sách, tin tức thời sự rồi sẽ kết thúc sau nửa tiếng.
Trong lòng Trác Dụ không bình tĩnh nổi, anh đỡ Kỳ Sương đi bộ chậm rãi.
“Cháu rể à, cháu mới về hai ngày, sao cảm giác vẫn còn mệt mỏi uể oải vậy.” Bà nội quan tâm hỏi.
Trác Dụ muộn phiền lắm, sao mà không mệt mỏi cho được, lời đồn đại chỉnh đốn cả con người anh, hoàn toàn không còn chút tinh thần nào.
“Cháu ở lại lâu chút, hiếm khi mới được nghỉ mà.” Bà nội vỗ vỗ mu bàn tay anh: “Bà làm đồ ăn ngon cho cháu.”
Anh chỉ ước thu dọn hành lý và trở về ngay trong đêm nay thôi.
Lúc này, phần phát tin tức của đài phát thanh kết thúc theo thông lệ, một đoạn giai điệu của nhạc kết thúc mới tinh vang lên. Trác Dụ chỉ cảm thấy giai điệu này hơi quen tai, sau khi nghe giọng ca sĩ mới nhớ ra đây là một ca sĩ nam mà Trác Di Hiểu thích.
Nghe đến đoạn điệp khúc, Trác Dụ càng ngày càng cảm thấy sai sai.
Kỳ Sương cũng thấy lạ: “Ố, hôm nay Tiểu Trịnh đổi nhạc kết thúc rồi này.”
Trác Dụ hỏi theo bản năng: “Tiểu Trịnh là ai ạ?”
“Là một thằng bé rất tốt, đẹp trai, gầy gầy mà còn lịch sự nữa.” Kỳ Sương nói: “Trước kia thằng bé cũng từng theo đuổi Khương Khương đó, thích Khương Khương muốn chết luôn.”
Trác Dụ: “…”
Được lắm, dùng việc công để báo thù riêng có đúng không?
Hay cho một bài hát “Loại đàn ông kiểu gì đây”.
Nếu anh vẫn còn tính tự giác của một người đàn ông, có phân nửa tinh thần trách nhiệm của một người chồng, có một chút trách nhiệm đối với gia đình và vợ của mình thì nên đi làm kiếm tiền nuôi gia đình ngay lập tức, ngay lập tức.
10 giờ tối, Khương Uyển Phồn về nhà và trông thấy giày da, vali hành lý ở huyền quan, trái lại cũng chẳng lấy làm lạ. Cô dựa vào bức tường ở huyền quan, cười cười nhìn người nào đó đang hoảng loạn tinh thần ngồi ở ghế sofa.
“Em còn cười à.” Giờ phút này, Trác Dụ ngập tràn khí chất của một người chồng đang oán hận.
“Tủi thân rồi à? Không chịu nổi hửm?” Khương Uyển Phồn cười tít mắt hỏi: “Những thiệt thòi anh chịu ở nhà cô anh còn nhiều hơn cái này, có thấy anh than phiền gì đâu. Sếp Dụ à, làm người không nên tiêu chuẩn kép đâu.”
Trác Dụ lại phát hiện một điều riêng biệt mới của vợ mình, vô cùng đen tối.
“Em không tố cáo với ba mẹ.” Khương Uyển Phồn buông tay, phủi sạch tội cho mình một cách hợp tình hợp lý.
Trác Dụ nghẹn họng trước câu nói của cô.
Ai bảo làm đàn ông ăn bám dễ nào, không có tố chất tâm lý thì không thể đảm đương việc này đâu.
__
Tháng tư, mưa nhiều liên miên nhưng nhiệt độ lại tăng cao, không còn lúc ấm lúc lạnh nữa. Lúc tiết trời trong trẻo nóng bức, mới sẩm tối sáu giờ mà đã có bóng dáng của mùa hè. Một đường cầu vồng vạch ngang qua trời tại một góc nghiêng từ trên tòa cao ốc cao vút ở khu trung tâm. Màu sắc nhàn nhạt tựa khói, giống như tranh màu nước có độ bão hòa thấp làm cho những người đang rảo bước trên làn đường dành cho người đi bộ liên tục ngẩng đầu ngắm nhìn và chụp ảnh lại.
Khi Khương Uyển Phồn tìm thấy Trác Di Hiểu, cô bé đang vẽ ảnh chân dung cho một đứa trẻ, hơn nữa còn thêm cầu vồng sau cơn mưa cho nền tranh vô cùng phù hợp. Mẹ đứa trẻ luôn mồm khen ngợi, lúc trả tiền còn cho cô bé thêm 6,66 tệ.
Trác Di Hiểu dựng một chiếc giá vẽ trước mặt, còn mình thì ngồi trên băng ghế đẩu nhỏ, bên chân là dụng cụ vẽ đơn sơ. Trước giá vẽ có một tấm bảng đề giá cả rất đơn giản: Tốc họa, chỉ 5 phút có tranh, 20 tệ.
Khương Uyển Phồn đi đến: “Giá này có phải hơi thấp không?”
Trác Di Hiểu ngạc nhiên kêu lên: “Chị ơi!”
“Lữ Lữ đi mua đồ ở bên này trông thấy em.” Khương Uyển Phồn lấy một tờ giấy vẽ đã bỏ đi lót xuống đất, sau đó ngồi cạnh Trác Di Hiểu: “Sao lại đến đây mở sạp thế này? Thực hành bài tập à?”
Trác Di Hiểu thẹn thùng gãi gãi mặt, nhỏ giọng nói: “Không phải anh em đã nghỉ làm sao, em muốn tự kiếm tiền sinh hoạt ạ.”
Khương Uyển Phồn cau mày, đau lòng vì cô em gái hiểu chuyện này.
“Đúng rồi, chị ơi, có phải anh em xích mích với cô không?” Trác Di Hiểu do dự hồi lâu, cuối cùng vẫn quyết định nói với cô: “Cô có gọi cho em hai cuộc, bảo em về nhà ăn cơm, em từ chối nên cô không vui.”
Khương Uyển Phồn rất bình tĩnh: “Em muốn về thì cứ về, không sao cả. Mặc dù anh em không còn làm ở công ty nữa nhưng em và họ vẫn mãi là người một nhà.”
Trong sự hiểu biết của Khương Uyển Phồn, khi bàn về một việc gì đó, nếu cô châm ngòi thổi gió thì việc làm này chẳng khác gì hành vi lợi dụng tình cảm và bắt cóc đạo đức hết.
“Chị ơi, em không muốn, em từ chối rồi, làm cô không vui.” Trác Di Hiểu mím môi. Cô bé vốn không phải một cô gái có tính cách kiên định, làm được đến bước này đã khiến Khương Uyển Phồn kinh ngạc lắm rồi.
“Lúc ở công ty của dượng, anh em không vui gì cả. Em đã từng thấy anh ngồi một mình trong thư phòng hút thuốc dày đặc khói nhiều lần rồi. Tuy anh ấy không nói gì nhưng em đã thấy lúc anh ấy vui vẻ rồi đó.” Trác Di Hiểu khoa tay múa chân giơ hai ngón tay lên: “Hai lần ạ. Một lần là anh thấy tham gia cuộc thi trượt tuyết quốc tế ở Thụy Sĩ, phá vỡ kỷ lục của tuyển thủ quán quân không phải người bản địa. Dáng vẻ và thần thái anh ấy khi mặc đồ trượt tuyết đẹp trai lắm.”
Khương Uyển Phồn cười cười: “Lần còn lại thì sao?”
“Kết hôn với chị đó ạ.”
…
Khi Trác Dụ nhận được tin nhắn chuyển tiền 388 tệ trên Wechat của em gái, tâm trạng anh phức tạp vô cùng.
Trác Di Hiểu: Em vẽ tranh giúp anh kiếm chút tiền.
Trác Di Hiểu: Vẽ 3 tiếng đã kiếm nhiều như vậy rồi nè!
Trác Dụ cảm thấy cuộc sống ở nhà chờ đi làm lại này không thể kéo dài thêm dù chỉ một giây nào nữa. Anh gọi Tạ Hựu Địch ra ngoài, hai người uống rượu ở chỗ cũ. Chủ quán bar vừa thấy đã vẫy tay gọi: “Anh Dụ.”
Trác Dụ gật đầu: “Như cũ.”
Tạ Hựu Địch ngăn lại: “Lấy nước trái cây cho cậu ta đi, đàn ông đã kết hôn mà uống rượu gì chứ.”
Chủ quán bar hỏi: “Anh Dụ chuẩn bị có em bé ạ?”
Trác Dụ nghiêm túc nói bậy nói bạ: “Ừ, sinh đôi.”
Tạ Hựu Địch giễu cợt, chuyển hộp thuốc lá và bật lửa sang tay trái: “Vậy cậu cũng đừng hút.”
Trác Dụ kể lại “câu chuyện trấn nhỏ” ở Lâm Tước, Tạ Hựu Địch cười suýt thì ngã thẳng khỏi ghế chân cao: “Chỉ vì mấy lời đồn này mà cậu khổ não như vậy hả?”
“Không đi làm là một sai lầm, các cô chú bác ở đó khiến tôi cảm thấy tôi sinh ra là phải cố gắng phấn đấu, không thể lười biếng, buông thả dù chỉ một giây cũng là tội lỗi.” Đến giờ Trác Dụ vẫn còn đôi chút hoảng loạn.
Tạ Hựu Địch cạn lời: “Cậu mới nghỉ làm chưa tới một tuần, thời gian người ta nghỉ đông còn nhiều hơn mấy ngày này. Kết hôn thôi mà, biến mình thành người nịnh bợ có gì hay?”
“Đúng là không hay.” Trác Dụ không hề nghĩ suy đáp: “Nhưng cô ấy là Khương Uyển Phồn mà.”
Tạ Hựu Địch nói tục một tiếng, cười mắng anh: “Chẳng có tiền đồ!”
Trác Dụ cụng ly với anh ấy, vui vẻ thừa nhận.
“Vậy tiếp tới cậu định làm gì?” Tạ Hựu Địch hỏi chuyện quan trọng: “Theo tôi biết thì có kha khá công ty đưa ra lời mời với cậu mà. Thậm chí “Đỉnh Dược” còn ra điều kiện cho cậu tự ra số còn gì. Cậu thì sao, có ý tưởng gì?”
Trác Dụ lắc đầu.
Tạ Hựu Địch lại hỏi: “Thế là chuẩn bị tự lập nghiệp à?”
Trác Dụ đặt ly xuống, đáy ly chạm vào mặt đá cẩm thạch của quầy bar phát ra tiếng vang lanh lảnh. Trong lòng anh đã có câu trả lời từ sớm, bình thản đáp: “Tối nay tôi bay đến Bắc Kinh.”
Tạ Hựu Địch ngẩn ngơ: “Làm gì?”
“Tìm một người.”
…
Khi biết anh muốn đến Bắc Kinh, Khương Uyển Phồn chỉ hỏi hai câu:
- Có muốn em đi cùng anh không.
- Lúc nào anh về.
Đây là câu nói an tâm nhất mà Trác Dụ từng nghe. Thậm chí cô còn chẳng hỏi gì nhiều, cũng không lo lắng tò mò, ánh mắt vừa kiên định vừa ung dung hệt như hậu thuẫn kiên cường.
Trác Dụ nhẹ nhàng ôm lấy cô, giọng hơi khàn: “Chuyện này có lẽ sẽ hơi khó khăn.”
Khương Uyển Phồn nói: “Chỉ cần là việc anh thích làm thì không khó khăn.”
“Khương Khương, anh…”
“Em vẫn luôn ở đây.”
__
Hơn 11 giờ đêm, chuyến bay hạ cánh tại sân bay thủ đô.
Trong thời gian máy bay thong thả đáp xuống, Trác Dụ mở tấm che nắng ra, ngắm nhìn ánh đèn trên đường băng hệt như tiết tấu nhịp thở, lóe lên lại biến mất rồi lại lóe lên, thay thế nhau không tắt. Lúc còn làm việc ở “Triệu Lâm”, có công việc phải chạy đi chạy lại đến Bắc Kinh là chuyện bình thường, suy nghĩ đã chết lặng không còn chút thời gian thư thả. Hoặc có lẽ là trong cõi lòng anh muốn xem công việc như một cái cớ để che giấu cảm xúc háo hức chân thực.
Nhưng lần này, Trác Dụ biết rõ điều mình sắp đối mặt là gì, cũng có thể có khả năng không đạt được kết quả tốt. Song anh không hề sợ hãi, càng không muốn lùi bước.
Muộn như vậy mà vẫn có rất nhiều người đến sân bay đón người. Ngô Lặc liếc thấy anh, giọng vang lớn: “Trác Dụ, bên này!”
Sắc mặt Trác Dụ không thay đổi nhưng tay xách vali hành lý và bước chân lại vô thức nhanh hơn.
Ngô Lặc dang một bên cánh tay: “Đến cái nào?”
Trác Dụ cười giơ tay lên, đụng vai phải vào vai trái anh ấy: “Đến thì đến.”
Đây là “ám hiệu” đặc biệt của riêng hai người, Ngô Lặc hét một tiếng “má”, cảm xúc kích động vô cùng: “Mẹ nó, cuối cùng cũng nhớ đến anh em rồi đúng không! Mấy năm qua kiếm nhiều tiền đủ rồi nhỉ? Có phải tôi nên gọi cậu là sếp Dụ không!”
Trác Dụ cười cười: “Ừ, cậu gọi đi.”
“Gọi cái rắm.” Ngô Lặc khoác vai anh, dùng sức đánh hai cú xem như giải tỏa sự hờn giận.
Trác Dụ đứng vững, không tránh cũng không lùi: “Đủ chưa? Còn đánh không?”
Ngô Lặc lườm anh: “Được đấy, vẫn kiêu như năm ấy.”
Ra khỏi sân bay, trên đường đưa anh đến khách sạn, Ngô Lặc vừa lái xe vừa liếc trộm.
Hôm nay máy bay lắc lư kinh khủng khiến Trác Dụ không nghỉ ngơi ổn định. Anh nhắm mắt day ấn đường, lười biếng nói: “Tự trọng chút, tôi đã kết hôn rồi, đừng khiến tôi hiểu lầm, tôi hơi sợ đấy.”
“Đẹp.” Trác Dụ mở mắt ra, tinh thần tức khắc tỉnh táo lại: “Có xem hình không?”
Anh mở ví ra, là ảnh chụp chung của hai người.
Ánh mắt Ngô Lặc sáng rực lên, gật đầu liên tục, khen ngợi thật lòng: “Đẹp, đẹp, khí chất đỉnh đó.”
“Dừng xe lại bên lề đi.”
“Làm gì?”
“Tôi còn nhiều hình lắm, có thể xem từ từ.”
Ngô Lặc đứng tim trong một giây, sau đó kịp hiểu ra, ung dung bảo: “Là vì cô ấy đúng không, nên cậu mới lạc đường biết quay đầu, làm người lần nữa.”
Trác Dụ cúi đầu cười: “Ừ.”
“Nhưng mà cậu không dễ qua được cửa ải chỗ lão Từ đâu.” Ngô Lặc thở dài: “Năm đó ông ấy xem trọng cậu biết bao, đào tạo cậu như một mầm non, kết quả thì sao?”
Yết hầu nơi cổ Trác Dụ nghèn nghẹn, thừa nhận đáp: “Là tôi đã phụ sự tín nhiệm của thầy.”
“Không chỉ là tín nhiệm đâu, nếu thật sự chỉ là hai chữ này thì trong thời gian mấy năm qua, ông ấy sẽ không nói nói câu nào với cậu như thế.” Ngô Lặc nói: “Năm ngoái tôi và vài học sinh đi thăm ông ấy, lúc ăn cơm chung có khoe khoang nói tên cậu ra, thế là mặt lão Từ lạnh ngay lập tức, im lặng tự uống hai ly. Bữa cơm đó cũng không còn tâm trạng nào mà ăn nữa, chưa tâm sự bao nhiêu đã kết thúc. Lão Từ vẫn nhớ đến cậu, mạnh miệng mềm lòng, cậu cố mà dỗ đi.”
Trái tim Trác Dụ như bị dao cứa, khó chịu đến cùng cực. Anh cất giọng khàn đáp: “Ừ.”
Ngô Lặc yên tâm hơn, tốt bụng nhắc nhở: “Nếu đã nghĩ thông suốt rồi thì ngày mai đến gặp luôn, không cần biết ông ấy nói gì, cậu cứ chịu đựng.”
Nếu thật sự chỉ là “nói” thôi thì Trác Dụ cảm thấy đây không phải là tác phong của Từ Tá Khắc.
Ngày hôm sau, trời vừa hửng sáng, Ngô Lặc đã đưa Trác Dụ đến cổng hoa viên của tiểu khu.
Vào giờ này, Từ Tá Khắc đang chạy bộ buổi sáng, canh đúng thời gian đã trông thấy ông mặc một bộ đồ thể thao trắng xuất hiện ở ngã rẽ. Từ Tá Khắc hơn 50 tuổi nhưng vóc dáng vẫn cao ráo khỏe mạnh, tư thế chạy bộ chuẩn chỉnh nhẹ nhàng, không hề có cảm giác béo múp của người đàn ông trung niên.
Từ Tá Khắc tháo kính mát xuống, vẻ mặt kinh ngạc: “Nhóc con, sao cậu đến đây?”
Ngô Lặc cười tít mắt đáp: “Không phải em đến một mình đâu, thầy xem còn có ai nữa này?!”
Trác Dụ xách hai hộp cherry làm quà, hít một hơi thật sâu rồi bước ra: “Thầy, là em.”
Trong ánh nắng ban mai ngày xuân, sắc đỏ hồng và xanh biêng biếc của hoa cỏ, chỉ cần sắc mặt Từ Tá Khắc vui vẻ thì đó chính là một vở kịch đoàn viên sau xa cách tuyệt vời nhất. Bầu không khí yên tĩnh chỉ nghe tiếng chim hót, vẻ mặt Từ Tá Khắc vô cảm, đôi mắt nhìn chằm chằm vào Trác Dụ không rời. Không có quá nhiều chi tiết tiết lộ nên Trác Dụ cũng không thể nào đoán được sự chuyển đổi cảm xúc của người thầy cũ của mình. Ánh mắt Từ Tá Khắc vẫn hệt như năm ấy, sắc bén, mạnh mẽ và có cảm giác bị áp bức cực mạnh. Đúng như thế này, từng chút từng chút khơi gợi những ký ức ẩn sâu trong tâm trí Trác Dụ. Sự nể sợ và kính trọng anh dành cho Từ Tá Khắc không phai giảm chút nào.
Không cần đáp lại, chỉ người cũ gặp nhau mà đã làm mắt Trác Dụ nóng lên.
Anh kìm lòng chẳng đặng tiến về trước một bước, trầm giọng gọi một tiếng: “Thầy ơi.”
Từ Tá Khắc vẫn đứng bất động tại chỗ không đáp lại.
Ngô Lặc đứng một bên cười tít mắt, lên tiếng xoa dịu không khí: “Cậu ta cố ý đến Bắc Kinh hỏi thăm sức khỏe thầy đó, có nhiều lời muốn nói với thầy lắm. Thầy cho một cơ hội nhé, mắng cậu ta hay đánh cậu ta gì cũng được, em sẽ quay video gửi vào nhóm để mọi người xem, em không để lại mặt mũi cho cậu ta luôn, được không ạ?”
Vừa dứt lời thì Từ Tá Khắc sải bước về trước, đi thẳng vượt qua hai người vào trong hành lang.
Trác Dụ nín thở, gần quê hương lòng thêm hồi hộp. Anh chỉ biết đứng yên tại chỗ, tiến thoái lưỡng nan.
Ngô Lặc hiếm khi thấy vẻ mặt anh thế này, trái lại cũng cảm thấy có đôi chút đáng thương: “Không sao, từ từ thôi. Lão Từ thấy cậu mà không đánh đã khiến tôi kinh ngạc lắm rồi. Đây là khởi đầu tốt mà, đừng hoảng nhé.”
Chẳng mấy chốc, Từ Tá Khắc lại đi ra, trong tay cầm thêm một xô nước màu xanh lá. Ông xách nó bằng một tay, mục tiêu rõ ràng, đi thẳng đến bên cạnh Trác Dụ. Giây tiếp theo, ông giơ tay lên hắt nước, “rào” —– Nước lạnh đổ xuống, động tác nhanh nhẹn, xối từ trên đầu Trác Dụ xuống.
Sau đó Từ Tá Khắc đặt mạnh xô nước xuống mặt đất, hai tay chống nạnh, lạnh lùng thốt lên năm chữ: “Thằng súc sinh, cút đi.”
__
Lời tác giả:
Đàn ông không có việc làm, giống như cải trắng thối rữa.
Ca khúc “Kiểu đàn ông gì đây” phát tuần hoàn!
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT