Nàng họ Phương, con gái viên quan nhỏ ở vùng Tây Kết. Cha Diệu là người học chữ, theo Nho. Mẹ nàng là thiếp trong nhà, lúc nào cũng bị vợ cả, vợ ba và vợ tư ăn hiếp. Để được yên thân, Thúy Diệu luôn tỏ ra ngoan hiền, vô hại. Nàng cố lấy lòng phụ thân bằng cách cư xử thùy mị, luyện đàn, tập vẽ, học thơ. Cố gắng bao nhiêu cũng không được cha xem trọng, bởi nàng là phận gái. Từ ngày đứa con trai vợ ba ra đời, ông bố dành hết tình thương cho thằng con nối dõi, mẹ con Diệu lại càng khốn khổ trong sự ghẻ lạnh thờ ơ.

Năm tháng cũng không vì phiền muộn mà dừng lại…

Diệu 16 tuổi, phải tính chuyện lấy chồng. Nàng mặc dù bề ngoài liễu yếu đào tơ, gió thổi sẽ bay nhưng có bản chất là cây cỏ dại. Cỏ dại mọc ở đất cằn, không vì thiếu nước mà chết. Nó sẽ kiên cường chờ đợi, chờ một ngày mưa xuống để rễ uống tinh hoa, để chồi non nảy nở và khoát lên mình mùa xanh tươi mơn mởn.

Hết đám này tới đám nọ, bà mối ông mai là khách quen trong nhà. Phận làm con, cha mẹ đặt đâu phải ngồi đấy. Thúy Diệu có tài tới đâu cũng không có khả năng trái lời. Nàng có dáng người đẹp, tóc rất đen, mặt cũng không xấu, cho nên có rất nhiều nhà muốn hỏi cưới. Cha nàng ham phú quý mà bỏ qua đám thư sinh, nho sĩ nhà nghèo, chọn một lão phú hộ lớn tuổi hơn cả ông, gả nàng làm thiếp thứ chín.

Phương Thúy Diệu khóc một đêm dài, tất cả mộng mơ của nàng đều sụp đỗ. Diệu cầm nắm lá ngón nàng xin được từ người buôn thổ cẩm vùng núi Tây Kết, phen này chết đi có lẽ đời hết khổ. Nhưng nàng chưa 17, còn trẻ quá, mười bảy năm sống chưa hề đủ, Diệu chưa muốn chết.

Nắm lá cất vào khăn tay. Hãy để nàng sống thêm vài ngày, vài giờ… mắt trời vẫn sáng thế, cỏ vẫn xanh thế… để nàng nhìn thêm một lúc.

Sính lễ đã đưa tới, 26 tháng giêng là rước dâu, tết này thật thê lương.

23 tháng chạp, sườn Bắc vùng núi có biến, dân buôn thổ cẩm nhiều người nhìn thấy thanh niên trai tráng vác gỗ vác củi, dựng lò rèn, mài đao, vót chông, đặt bẫy… Tiếng đánh nhau, tiếng đốn củi, tiếng tập võ làm chim rừng sợ hãi bay đi hết.

Dân báo cho quan, cha Diệu viết công văn gửi lên kinh kỳ. Hai mươi lăm tháng chạp, Thập đạo tướng quân đem theo binh mã đến nhà. Họ đóng lại một đêm, chờ trời sáng sẽ lên núi xem tình hình. Là nữ nhi, Diệu không được ra mặt nhưng vì lính đông, người hầu trong nhà không phục vụ hết nên cha cho phép nàng che mặt đi bưng nước, dâng trà.

Người đó nhận tách trà sen thơm và mỉm cười gật đầu: “Đa tạ tiểu thư.”

Thúy Diệu không phải chưa từng thấy đàn ông, nhưng người đàn ông như Lê Hoàn thì chưa từng. Ngài có thứ khí chất rất đặc biệt, một chút bần hàn, giản dị của nhà nông, một chút nho nhã, tế nhị của thư sinh, một chút mạnh mẽ, oai hùng của chủ tướng và một chút dịu dàng dành cho phụ nữ như sự trận trọng, như yêu thương chiều chuộng.

Diệu biết nàng đa tình, người lạ mới quen chẳng có lý nào lại yêu mến nàng, nhất là khi ngài có địa vị quá cao. Có lẽ con người Lê Hoàn là vậy, luôn mềm mỏng, nhu hòa đối với phái đẹp…

Đêm đó Diệu nằm mộng, nàng và một người đàn ông cưỡi chung ngựa, quay đầu mới biết là Thập đạo tướng quân. Diệu muốn cười nhưng môi vừa hé đã thấy khuôn mặt háo sắc, già nua của lão phú hộ. Lão ôm nàng, đặt cái miệng dơ bẩn lên môi nàng mà nỉ non: “Bảo bối, yêu quá!”

Mỹ mộng giây lát đã thành ác mộng. Diệu bật dậy thì thấy trời tờ mờ sáng. Có tiếng hô duyệt binh ngoài sân. Đoàn người không biết đã mũ áo chỉnh tề từ bao giờ. Ngài cưỡi trên ngựa, tay nắm dây cương, đôi mày kiếm sắc bén mà nghiêm nghị. Toán binh thẳng hàng bước theo sau, không ai dám ra khỏi đội hình.

Diệu nắm song cửa, mái tóc rũ rượi ngã vào vách tường, mắt vẫn nhìn thân ảnh phía xa.

“Phải chi…”

Tin binh lính bị bao vây nơi vực núi làm cha Diệu hốt hoảng. Ông tức tốc phi ngựa cầu viện triều đình. Nghe nói Lê Hoàn trọng thương.

Đêm đó Thúy Diệu đem thức ăn, chút dược phẩm cầm máu, vải sạch một mình lần theo ánh trăng mà băng rừng. Nàng chưa bao giờ đi bộ xa như thế. Núi non dốc hiểm, thiếu nữ tắm trăng như con đom đóm bay không nổi mà chẳng muốn dừng. Rạng sáng nàng mới tìm thấy đoàn quân, kẻ đã chết, người bị thương. Phó tướng nhận ra nàng, vừa nghe nàng có thuốc thang liền đưa tới lều lớn. Hai vị đại phu đi theo quân đã bị giết, không có ai chăm sóc chủ soái. Thúy Diệu không biết y thuật nhưng chuyện lau chùi, băng bó thì làm được. Nàng giặt lụa, tẩy hết bùn đất cho người đó, cầm máu cho vết thương trên vai. Mấy giờ trôi qua, cuối cùng máu cũng không chảy nửa. Lê Hoàn sốt cao, đêm hôm sau vẫn chưa tỉnh. Diệu không ngại danh tiết, đều ở trong lều canh chừng. Trong cơn mê man, Lê Hoàn nắm tay nàng, miệng khẽ gọi

- Nga…

Một chữ “Nga”, không biết là nghĩa gì.

Mùng 1 tháng Giêng, cứu viện đến, Lê Hoàn tỉnh.

Mùng 2 tháng Giêng có trận đánh lớn.

Mùng 3 tháng Giêng giặc cỏ bị giết hết, binh lính cũng tổn thất một phần. Quân đóng lại qua đêm chờ sáng mùng 4 thì về kinh. Diệu bỏ nhà đi mấy ngày, không mang theo quần áo sạch, chờ tới đêm khuya mới lén lút ra con suối tắm. Binh lính có người mệt mỏi đã nghỉ ngơi, cũng có người vì chiến thắng mà đàn đúm uống rượu.

- Gái nhà ai?

Có tiếng gọi từ trên bờ. Thúy Diệu hốt hoảng quay đầu nhìn. Ba kẻ lạ mặt đang đứng đó, đã ngấm men say. Một tên hau háu mắt nhìn, một tên ngửa đầu uống rượu, một tên nhặt áo nàng lên cười rất tà.

- Đàn bà của tướng quân.

Có kẻ nào đó nói.

- Phải không? Hình như hai vị phu nhân đều ở lại thành mà.

- Không phải “phu nhân”, là gái hầu thôi…

Một tên ném chai rươu xuống dòng nước.

- Làm tướng sướng bây! Gái hầu cũng đẹp như vậy…

Thúy Diệu giấu người vào làn nước, mắt đã ngấn lệ. Nàng có la mấy lần mà không ai tới cứu. Một gã lửng thửng lội xuống suối, giọng nói nhừa nhựa

- Mỹ nhân, anh cho em tiền, hầu một đêm.

- ĐỪNG QUA ĐÂY!

- Bắt được rồi, nó giẫy ghê quá, hai mày giúp tao cái.

Lại thêm hai tên xuống nước. Chẳng mấy chốc, trong rừng vang lên tiếng nức nở của một cô gái, tiếng chửi tục của bọn ma men, tiếng thở dốc của hoan ái và máu trinh nữ thấm vào thảm cỏ.

Không biết gã nào là người đầu tiên, không biết chúng luân phiên mấy lần, cũng không biết nàng ngất rồi tỉnh ra sao. Khi Thúy Diệu nghĩ mình sắp chết thì có một vòng tay ôm nàng, một giọng nói trầm ấm gọi nàng

- Phương tiểu thư, Phương cô nương!

Áo lông ấm bao lấy cơ thể, cánh tay sắt nâng nàng lên. Diệu không mở mắt nổi, má nàng áp vào một vòm ngực ấm áp

- Tướng quân, cô gái này làm sao bây giờ?

- … ngươi báo về nhà Phương đại nhân, tiểu thư lâm trọng bệnh, ta đưa về kinh đô chữa trị… còn nữa, đem một hòm bạc đến tạ ơn!

Cơ thể dềnh dàng, nàng được ai đó bế lên xe ngựa. Giọng nói lạnh lẽo và u ám:

- Toàn quân nghe cho rõ, kẻ phạm tôi không đầu thú, kẻ biết chuyện không khai báo, ta đều giết!

Phương Thúy Diệu nằm trong phủ tướng, mỗi ngày đều có sự thăm hỏi của người ấy. Nghe nói ba tên ác nhân đã bị trị tội, nghe nói ngự y giỏi nhất đang bốc thuốc cho nàng, nghe nói hoàng đế ban cho danh gọi “chi hậu diệu nữ”, về sau không lo cơm ăn áo mặc, có thể vào hậu cung làm nữ quan. Ở quê nhà, không ai biết chuyện gì đã xảy ra, chỉ biết con gái Phương đại nhân làm được đại sự, hoàng đế ban thưởng và cho ở lại kinh kỳ.

Mọi chuyện đều tốt nhưng Thúy Diệu vẫn có một ao ước: Lê Hoàn.

Ai đã nếm qua sự dịu dàng của ngài thì không thể quên, ai từng có thời gian gần gũi thì không muốn rời. Phương Thúy Diệu là cỏ dại, vì thế mà nổi khát khao thường hay dai dẳng. Ba tháng trôi qua, hỉ mạch không thấy, nàng rơi nước mắt mà tạ ơn trời. Ngày đêm vẫn mang phong thái ngờ nghệch, bất minh, thêm cả vẻ hiền dịu nhẹ nhàng, một chút đài cát, thục nữ… nhưng người vẫn không ở lâu hơn một nén nhang.

Hai vị phu nhân đều đẹp nhưng Lê Hoàn không đặc biệt yêu người nào hơn, điều này khiến nàng hy vọng. Rồi một vận may cũng tới. Nam Việt Vương đem theo sứ thần Tống triều đến Đại Cồ Việt, hoàng đế bị ép phong vương, binh mã bị liệt vào chế độ “tỉnh phú”. Phủ tướng u ám nặng nề vì Lê Hoàn buồn bực mấy ngày liền. Đêm tiễn đoàn quân sang đất Tống, ngài uống rượu. Rượu mà một thứ kì dược, nó làm ta quên đời, làm ta bạo gan, làm ta tùy hứng, làm ta phạm sai lầm. Diệu oán kẻ uống rượu nhưng Lê Hoàn say thì lại khác.

Diệu biết mình là phụ nữ trục lợi, có âm mưu, có ghen tị, có dã tâm. Nhưng chẳng phải đàn bà trên đời đều thế sao? Mười bảy năm sống trên đời nàng chưa làm gì sai, luôn phấn đấu để sống tốt, ông trời cũng nên cho nàng chút công bằng.

Diệu không còn là gái trinh nhưng lần đó lại có cảm giác của trinh nữ. Bờ môi chàng rất nóng, nụ hôn cũng nóng và vòng tay như lửa. Chàng giống con thú hoang đói khát, cũng giống một chú mèo lười biếng vụng về. Diệu hiểu ra người này không yêu thích hoan lạc, cũng không cần hoan lạc. Ít nhất là đối với nàng. Chàng chìm đắm nhưng lại ngây thơ, làm theo bản năng và bất lực khi nhận ra điều đó. Thảo nào trong phủ chỉ có mấy đứa trẻ, cũng không quá hai vị phu nhân. Con cái là nghĩa vụ chứ không phải tình cảm.

- Ta sẽ đem sính lễ đến nhà Phương đại nhân.

Lê Hoàn vừa cài khuy áo vừa nhàn nhạt nói. Diệu vẫn nằm trên giường, nhưng nàng đột nhiên muốn hỏi

- Ngài có yêu em không?

Lê Hoàn hơi giật mình, đôi mắt nhìn nàng rất hiền và chân thành.

- Xin lỗi!

Hai chữ “Xin lỗi”, như vậy là không yêu.

- Thế chàng có yêu Lý Ngọc Lâm không?

- Ta đã hứa với cha nuôi sẽ bảo vệ Lâm nhi

- Thế còn Đỗ Nghi Lan?

- Ta nợ Lan nhi một mạng.

- Vậy còn em?

- Ta nợ nàng nhiều hơn một mạng!

Cửa khép lại, ngài đã đi rồi. Lê Hoàn đã không nghe được câu hỏi cuối cùng của Phương Thúy Diệu:

“Vậy còn “Nga” – tên chàng gọi suốt đêm, lẽ nào tình yêu của người đặt nơi đó…?”

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play