Tân Mùi (971), Thái Bình năm thứ hai, Tống Khai Bảo [1] năm thứ tư. Đại Cồ Việt quốc thái dân an, Đinh triều lớn mạnh, bá tánh an cư lập nghiệp.
Về phần tôi, cách đây không lâu, đã được hoàng đế ban cho chút địa vị trong hoàng cung. Là vị muội muội mà Dương hậu yêu mến nhất, gọi nôm na thì cũng là “muội thê” của Đinh Tiên Hoàng rồi. Việc hoàng hậu từ dân gian đem theo một cô em ruột cùng nhập cung hình như chưa xảy ra trước đây, cũng chẳng biết phải ban cho danh hiệu gì nên Đinh Tiên Hoàng tạm gọi là “Dương quyến nữ”. Chữ “quyến” trong “gia quyến”, tạm hiểu là cô gái họ Dương và là người nhà của người thuộc hoàng tộc. Ôi, thật rắc rối, tóm lại là cái tên gọi có chút khác nhưng thực ra tôi cũng chỉ là “a hoàn cao cấp” của Dương hậu mà thôi. Về cơ bản, không ai coi tôi ra gì nhưng vì nể mặt Hoàng hậu cũng không ai dám làm khó dễ với tôi.
Ở kinh thành Hoa Lư, hệ thống chính quyền trung ương đã đi vào nề nếp, vua Đinh Tiên Hoàng tiếp tục công cuộc trấn hưng đất nước. Vua cho phát hành tiền đồng có lỗ vuông mặt trước đúc bốn chữ “Thái Bình Hưng Bảo”, bên sau đúc chữ “丁”(Đinh)
Vào một ngày khô ráo hiếm có trong tháng 8, tại vườn thượng uyển thuộc cung Thiên Long…
Đinh Tiên Hoàng xòe bàn tay, khuôn mặt cười vui hớn hở, chòm râu đen trắng run run khi ông nói:
- Dương hậu, nàng xem, loại tiền này ngày mai sẽ có mặt trong cả nước… trẫm đem tới tặng nàng những đồng tiền đầu tiên!
Vân Nga ngồi trên ghế may, vươn ngón tay cầm lấy một đồng xu, giơ lên cao nhìn rất kĩ. Vẻ chăm chú của Vân Nga khiến vua rất hài lòng.
- Sao hả? Nhìn rất tốt đúng không? Những thợ làm trong xưởng đúc bạc đều là những tay lành nghề, đã được Đinh ngoại giáp (ý nói Đinh Điền 丁佃) chọn lựa kĩ càng!
Vân Nga mỉm cười, dịu dàng nhìn hoàng đế, vừa nói vừa nhận lấy những đồng còn lại trong tay ngài.
- Hoàng thượng anh minh, tiền này có mang niên hiệu Thái Bình, quả là chuyện đáng mừng của Việt quốc ta.
Phất Kim công chúa cũng đã được phụ hoàng tặng một túi đầy tiền. Cô ngồi dưới chân hoàng đế nũng nịu ngả đầu vào đùi cha:
- Phụ hoàng! Tiền trong nước đâu phải không có. Vì sao người phải tốn công phí sức đúc thêm tiền mới?
Đinh Tiên Hoàng nhìn con gái, lắc đầu:
- Kim nhi ngốc ngếch, lẽ nào con không rõ dụng ý của trẫm? Ái khanh, nàng nói thử xem, vì sao trẫm phải bỏ công tìm thợ đúc loại bạc mới này?
Dương hậu cúi đầu nhìn bàn tay đang đùa nghịch với nắm tiền đồng, khóe miệng xinh đẹp cười duyên dáng:
- Bẩm chúa thượng, thần thiếp đoán người không muốn tiếp tục sử dụng tiền đồng của triều đình phương Bắc, cũng như việc hoàng thượng đặt tên nước là Đại Cồ Việt, chữ “Cồ” không phải tiếng hán mà là tiếng nôm, cũng mang nghĩa “to lớn”, chữ “Việt” trong Lạc Việt [2] như thế dù đọc bằng ngôn ngữ gì cũng thấy giang sơn ta bao la, quan trọng là có thêm hơi hướng dân tộc. Ngoài ra, chúa thượng cho lập 5 hậu, phong con trưởng làm Vương chứ không làm Thái tử,… tất cả đều có ý khẳng định sự khác biệt, nền tự chủ của giang sơn Đại Cồ Việt chúng ta. Tiền này có đúc niên hiệu riêng và cả tên triều. Hình tròn tượng trưng cho trời, lỗ vuông tượng trưng cho đất. Phải chăng lấy tích Bánh Chưng Bánh Giầy thời Hùng Vương?
Đinh Tiên Hoàng thoáng sững người, lại dịu dàng nhìn Vân Nga, khuôn mặt thoáng vẻ ngạc nhiên lại vừa khen ngợi. Rồi vua cười, tiếng vọng ồm ồm khắp điện Thiên Long:
- Ha ha ha… vẫn là nàng đi guốc trong bụng trẫm! Kim nhi, con xem, đến bao giờ thì con mới sâu sắc bằng một nửa Dương hậu?
Công chúa Phất Kim tỏ vẻ giận dỗi, cô nhét túi tiền vào vạc áo, phủi tay đứng dậy:
- Phụ hoàng, người lúc nào cũng chê cười nư nhi, thử hỏi không có nữ nhi người làm sao dễ dàng thu phục giang sơn này vào trong tay? Mẫu hậu của nữ nhi không được thông tuệ như Dương hậu, dĩ nhiên nữ nhi cũng phải khờ khạo một chút, như vậy mới hợp lẽ tự nhiên!
Ánh mắt công chúa nhìn về phía Vân Nga tỉ và tôi, trong lời nói rõ ràng có chút hiềm khích. Vân Nga đáp lại bằng nụ cười ôn hòa:
- Công chúa, bổn cung sao dám so về tài trí với Cồ Quốc Hoàng hậu_ Tỉ hướng về phía bệ hạ, cười_Bệ hạ, người lại đùa thần thiếp rồi. Mấy hôm trước, Kiều Nga muội muội ta còn sang thỉnh an người, mong học được một chút tài nghệ thêu thùa của Trần hậu. Cái đó ta là lỗi tại ta, không thể dạy cho tiểu muội mình.
Để phụ họa cho tỉ tỉ, tôi cũng gật đầu hùa theo:
- Phải đó, phải đó! Hoàng hậu đúng là có bàn tay kim chỉ, hoa mẫu đơn người thêu đẹp tới nỗi con bướm trắng cũng ngỡ hoa thật mà đậu vào!
Quả nhiên công chúa Phất Kim dễ giận dễ quên, chỉ nói vài câu đã dỗ được cái tính trẻ con của cô. Con gái xuất giá rồi mà vẫn còn hồn nhiên như thiếu nữ chưa chồng.
- Dĩ nhiên rồi! Ngươi còn chưa thấy chiếc khăn choàng “Xuân Sắc”, mẫu hậu đã thêu lên đấy một trăm bông hoa lê tuyệt đẹp… à phải rồi! Có một tấm lụa đỏ thêu đóa bạch cúc gọi là “Ẩn Dung”, là khăn dùng làm mạng che mặt. Màu đỏ tươi rói làm nền, một đóa bạch cúc nở xòe rực rỡ bên trái. Vì ta không dùng nên vẫn còn để ở chỗ mẫu hậu. Hôm nào rảnh bổn công chúa sẽ tới hỏi người, xin “Ẩn Dung” về tặng cho Dương quyến nữ, đảm bảo cô sẽ thích!
Nói rồi công chúa hành lễ, ra khỏi điện Thiên Long, tôi định đa tạ một tiếng cũng không kịp. Phất Kim công chúa còn lớn hơn Vân Nga một tuổi, đã lấy chồng tử thuở 15. Nói về hôn sự đó thì khá rắc rối. Phò mã tên là Ngô Nhật Khánh, chính là con trai của Kiểu Quốc hoàng hậu Dương Hân Nga và còn là con cháu dòng họ Ngô Vương (Ngô Quyền). Năm 965, Ngô Nhật Khánh (吳日慶) nổi dậy ở Đường Lâm, là một trong 12 sứ quân, tự xưng là Ngô Lãm Công. Đinh Bộ Lĩnh đối với Ngô Nhật Khánh và Ngô Xương Xí (吳昌熾) không dùng binh mà dùng mưu để dụ hàng. Ông cưới mẹ Nhật Khánh, sau phong Kiểu Quốc hoàng hậu, lại gả công chúa Phất Kim cho y. Sự thông gia chồng chéo này là để củng cố quan hệ, từ đó thu phục được vùng Đường Lâm.
Hoàng hậu Dương này cũng là người có tư sắc, tư tài. Bà nay đã 46, lớn tuổi hơn nhà vua. Chữ “Hân” phát âm gần giống chữ “Vân”, có lẽ vì thế mà gây sự hiểu lầm. Các tài liệu về sau có cái cho rằng mẹ Ngô Nhật Khánh là Dương Vân Nga, là vợ của Ngô Xương Văn. Thế hóa ra tỉ tỉ tôi trở thành hoàng hậu 3 triều đại Ngô-Đinh-Lê sao??? Không không, là lầm lẫn cả ấy mà!
Công chúa Phất Kim tuy đã gả cho nhà họ Ngô nhưng vẫn thường về cung thăm phụ hoàng và mẫu hậu. Mẹ cô chính là Cồ Quốc hoàng hậu Trần Nương, người vợ thứ hai của Đinh Tiên Hoàng từ khi ông chưa làm vua.
Ây da, cái quan hệ của gia đình hoàng tộc này quá ư rắc rối, hai bà xui gia lại có chung một chồng. Nhưng dù thế nào thì cũng không ảnh hưởng lớn tới tỉ muội tôi. Các bà hoàng hậu cũng ít khi hội hè, cung ai nấy sống, việc ai nấy lo. Chốn hậu cung thực ra cũng không quá ác liệt như trong phim ảnh. Nếu có ai đó muốn hô mưa gọi gió thì chỉ có thể là Ca Ông hoàng hậu. Cùng với tỉ tỉ, Phạm Kiều Oanh là hai hoàng hậu trẻ nhất, được rước về sau khi hoàng đế lên ngôi. Đầu năm nay, cô ta đã hoài thai, xem chừng sẽ sinh quý tử.
Tôi vừa nghĩ ngợi vừa thuận tay xếp một con cá sấu bằng giấy. Chất liệu giấy thời nhà Đinh hiển nhiên không bằng thế kỉ 21. Độ dai miễn cưỡng cũng có thể chơi Origami [3] được. Cái trò này là tôi học được từ một cô bạn trong lớp. Từ bắt chước đã trở nên thành thục, có thể xếp những hình thù phức tạp, công phu.
Chút tài lẻ này rất có hiệu quả trong việc mua vui cho hoàng đế. Ngài cực kì hứng thú với những món đồ chơi tôi làm ra. Hồi đầu tháng này, có một lô cống phẩm của nước lân bang đem đến. Đinh Tiên hoàng đem vải vóc thượng hạng phát đều cho 5 vị hoàng hậu, riêng tỉ tỉ được một chiếc vòng kiềng ngọc bích quý giá và tôi thì được tặng cả hộp giấy lụa nhiều màu. Thứ giấy này có thể xem là loại cao cấp nhất trong tất cả các loại giấy ở thế kỉ X. Hoàng đế quả nhiên là sợ tốn cơm tốn gạo nuôi kẻ ăn không ngồi rồi, nên mới tạo cho tôi một số “công ăn việc làm” (nè nè! Làm ơn đừng bôi nhọ nhân vật lịch sử nhé! >_<) Dù thế nào thì chuyện này cũng tốt, sự thú vị từ những thứ tôi làm ra đã thu hút nhà vua, khiến ngài cứ hai ba ngày là ghé điện Vân Sàng, hôm nay còn đặt biệt triệu hai tỉ muội tôi vào cung Thiên Long chơi.
Lại nói về Vân Nga, người này quả thực đã hết thuốc chữa. Thà chị ấy suốt đời không để mắt tới ai còn hơn cả ngày tương tư ông hoàng đế già bằng tuổi chú. Tình yêu của chị ấy làm tôi thấy khó tin, nói chi là người ngoài. Bọn họ có nói chị vì tham vinh hoa phú quý nên tiếp cận nhà vua thì vẫn hợp lý hơn chuyện chị ấy yêu ngài thật lòng. Nếu là thế kỉ 21, thế nào Vân Nga tỉ cũng bị báo chí phê bình là “kiều nữ săn đại gia”. Mấy cô người mẫu, diễn viên chỉ mười mấy hai mươi cặp kè với một ông trùm nhiều đô la là chuyện thường thấy. Còn thế kỉ X này có nàng Vân Nga vừa lên 19 yêu Đinh Tiên Hoàng đã qua 45, ôi tình yêu, cho tôi xin đi!!!
Nói thế nào thì đây vẫn là một sự thật phũ phàng. Dù chuyện ăn mặc của vua quan đã có Ti thải phường lo nhưng chị vẫn ngày ngày cặm cụi khâu áo cho hoàng đế. Mỗi sáng thức dậy chị ở trước gương đồng trang điểm rất lâu. Một đêm không nghe công công báo hoàng đế nghỉ lại, chị đều ủ dột hỏi tôi: “Có phải chúa thượng rất bận hay không? Hay là người bị bệnh rồi, chắc là bệ hạ gần đây mệt mỏi lắm!” Nếu nhiều ngày liền không thấy mặt vua, chị sẽ nắm lấy tay tôi lo sợ hỏi: “Kiều Nga, muội nói xem có phải ta làm gì sai khiến hoàng thượng nổi giận, không thèm nhìn mặt nữa?” Nếu hay tin hoàng đế đang ở chỗ một bà hoàng hậu khác chị sẽ vùi đầu vào luyện cầm kì thi họa vì chị cho rằng: “Chắc chắn ta kém cỏi hơn các hoàng hậu khác nên không thể khiến hoàng thượng hài lòng”.
Vân Nga thật lạ lùng, dường như mọi việc chị ấy đều quy trách nhiệm cho bản thân. Chị không nghĩ là các nàng kia giở trò, câu kéo nhà vua, cũng không biết ghen tuông. Hay là cách ghen của chị ấy khác người? À phải, Vân Nga ghen sắc đẹp, ghen tài nghệ nên mới cố hoàn thiện bản thân. Dường như tình yêu khiến chị có sự thấu hiểu đối với Đinh Tiên Hoàng. Mỗi lời nói, mỗi hành động của vua chị đều hiểu ra tầng nghĩa thứ 2, thứ 3 ddesns nghĩ thứ n trong khi người khác không thấy. Ôi thôi, nhìn đôi nam nữ tuổi tác lệch lạc này quyến luyến nhau, tôi thà ngồi cả ngày xếp 100 con ếch còn hay hơn!
- Dương quyến nữ, khanh lại sáng tác thêm kiểu mới rồi à? Làm xong chưa? Đưa trẫm nhìn thử nào!
Tôi bị giọng nói ồm ồm của Đinh Tiên Hoàng làm giật mình. Con cá sấu cũng vừa lúc tới giai đoạn cuối, chỉ cần bẻ ngược miếng giấy thì đầu và tứ chi liền lộ ra.
- Chà chà, giống y như thật! Dương quyến nữ, bàn tay của khanh quả là khéo léo, rất giống Dương hậu.
Cái lão già hoàng đế này! Khi ông bảo mắt tôi sáng đẹp thì bổ sung thêm “y như mắt của Dương hậu”, khen tôi hát hay cũng kèm theo “hay như giọng Dương hậu”. Vậy mà tới lúc tôi bất cẩn làm đỗ đĩa nho xuống đất, ngài lại lắc đầu cười: “Dương quyến nữ thật vụng về, xem ra chưa cẩn thận bằng tỉ tỉ của khanh”. Ui da, có phải ngài cũng mắc cùng loại bệnh với Vân Nga tỉ rồi không???
- Hoàng thượng, Kiều Nga rất có óc sáng tạo, về mặt này thì thần thiếp không bì được. Chúa thượng còn nhớ lần đầu ngài nghe tiếng hát khi tới Nga My không?
Đinh Tiên Hoàng vẫn đang ngắm nghía con cá sấu, một tay giơ lên vuốt râu lơ đễnh đáp:
- Nhớ chứ, là chính trẫm bị tiếng hát của nàng mê hoặc.
Dương Vân Nga che miệng cười, lắc đầu:
- Người hát là Kiều Nga không phải thần thiếp. Giai điệu cũng là muội muội sáng tác, chỉ có lời là thiếp viết thêm.
Lúc này vua mới giật mình, quay đầu nhìn hai chị em tôi:
- Nàng bảo sao? Đó là giọng hát của Dương quyến nữ?
Tỉ tỉ gật đầu xác định, còn ngập ngừng nói:
- Xin hoàng thượng thứ tội, vì sự việc bất ngờ quá, tới giờ thiếp mới nói rõ với người…
Đinh Tiên Hoàng híp mắt, ngẩn đầu nhìn ngọn cây cao như đang hồi tưởng điều gì. Lúc sau vua cười ha hả, choàng tay qua vai hoàng hậu, nhẹ nhàng bảo:
- Không sao, không sao. Thảo nào trẫm có cảm giác tiếng hát thứ hai có phần trong trẻo hơn, đúng là vì không cùng một người. Như vậy thì phải ban thưởng hậu hĩnh cho Dương quyến nữ rồi, không có khanh thì trẫm đã không tìm được Dương hậu.
Cái lão hoàng đế chết bầm!!! Sao trên đời lại có ông vua nhanh trở mặt như vậy? Kiểu này thì làm sao xử phạt được lũ nịnh thần? Chính ông ta còn nịnh vợ gấp bội!
Tôi thấy bực tức vì bị đôi phu thê này kẻ tung lên thiên đường, kẻ đạp ngay xuống đất, vô cùng tàn nhẫn! Chỉ muốn giật lại con cá sấu yêu, thề từ nay không thèm xếp đồ chơi cho lão hoàng đế nữa. Lúc tôi phát hỏa mà không biết trút giận vào đâu thì tự nhiên có một tấm bia chạy tới:
- Muôn tâu thánh thượng! Thập đạo tướng quân, Điện tiền đô chỉ huy sứ xin cầu kiến!
Lại cái giọng eo éo của lão thái giám. Đinh Tiên Hoàng cúi đầu nhìn bóng cây (ý nói xem giờ), kinh hô:
- Lê Hoàn đang ở đây? Về nhanh như vậy sao? Mau mau cho truyền vào.
Và thế là cái bia lù lù đi tới. Ngay từ đầu tôi đã xác định, kẻ thù số 1 của tôi tại thành Hoa Lư chính là Lê Hoàn, số 2 là ả Phạm Kiều Oanh. Thập đạo tướng quân không mặc giáp phục như mọi khi mà khoát lên mình một bộ áo vải nhẹ nhàng. Tóc dài vẫn cột đuôi ngựa như thế, kiếm vắt bên hông, dáng đi kiểu mẫu của người tập võ. Lại nói về dung nhan của hắn ta. Ấn tượng lớn nhất của tôi mãi mãi là cái mũi cao thẳng. Nước da sẫm màu dĩ nhiên vì tính chất công việc. Chiều cao vô cùng lý tưởng nhưng nếu là thế kỉ 21 thì ở mức bình thường. Vóc dáng người Việt Nam ngày xưa thì ra nhỏ bé như vậy, chắc là vì chưa có sữa hưu cao cổ!
- Miễn lễ! Không phải sáng nay vừa lên đường sao? Mới 3 canh giờ đã trở về, lẽ nào…?
Lê Hoàn đứng dậy chấp hai tay sau lưng, đầu cúi thấp
- Muôn tâu thánh thượng, quả là đã xảy ra chuyện. Lúc nhận mật thư, thần và gian tế bị tấn công bất ngờ, chuyện này e là…
Tướng quân dừng lại, mắt nhìn về phía tỉ tỉ và tôi:
- Khanh cứ nói. Dương hậu và Dương quyến nữ đều là người nhà của trẫm, tuyệt đối có thể tin tưởng.
Lê Hoàn nhíu mày, tiếp lời một cách vô cùng miễn cưỡng:
- Thần cho rằng, bên ta cũng có gian tế của nhà Tống (宋朝). Họ biết được chính xác thời gian chúng ta liên lạc với nhau nên mai phục giết người, cướp mật thư.
Vẻ mặt Đinh Tiên Hoàng ngưng trọng:
- Vậy người kia thế nào?
Lê Hoàn lập tức ôm quyền quỳ phục xuống:
- Hoàng thượng tha tội, thần vô năng đã không bảo vệ được gian tế.
Đinh Tiên Hoàng nhìn trời thở dài:
- Trẫm cũng biết chuyện này không dễ dàng… Xem ra, Đại Cồ Việt ta phải sai sứ sang nhà Tống rồi! Dương hậu, nàng bảo xem ta nên phái ai đi?
Tỉ tỉ vuốt tóc thoáng vẻ nghĩ ngợi:
- Thần thiếp ngu muội không dám can thiệp chuyện chính sự nhưng nếu chúa thượng đã hỏi thì… thiếp nghĩ Nam Việt Vương là phù hợp nhất!
Đinh Tiên Hoàng vuốt râu, ánh mắt thâm thúy nhìn vào chòm mây phía xa xa:
- Đinh Liễn, con trai trưởng làm sứ thần, như vậy đủ uy nghiêm lại thể hiện khí phách triều đình ta. Hay lắm! Đây là cao kiến! Cứ thế đi, đợi tháng tư năm sau, khi chuyện chính sự ổn định, trẫm sẽ phong Nam Việt Vương làm Đại Cồ Việt sứ quân, mang theo cống phẩm khởi hành đến Tống triều! Còn chuyện nội gián mà khanh nói thì ta giao cho khanh và Đinh quốc công lo liệu. Ngày mai sẽ có chiếu chỉ ban xuống!
Lê Hoàn nãy giờ vẫn còn quỳ, cúi đầu cung kính đáp:
- Mạt tướng tuân lệnh!
Đinh Tiên Hoàng khoát tay cho lui. Thập đạo tướng quân đi ba bước thì bỗng quay đầu nói thêm:
- Trước mắt chưa rõ trằng đen, thỉnh bệ hạ nên đề cao cảnh giác, dù là người thân cận…
Nè nè không lầm chứ? Ánh mắt gã tướng quân rõ ràng đang nhìn về phía tôi. Chẳng lẽ anh ta nghi ngờ tôi? Bổn cô nương cho ngươi biết, ta đây ngoài việc giỏi xếp giấy và là người tới từ tương lai thì không có gì đặt biệt hết. Tôi trừng mắt, hất cằm một cách lưu manh về phía hắn ta. Ngày trước tôi luôn dùng chiêu này với bất cứ đứa bạn nào trong lớp dám chọc tức tôi. Kết quả là Lê Hoàn như gặp phải quỷ, vẻ mặt ngỡ ngàng lùi về sau hai bước. Chắc là cả đời anh ta chưa gặp cô nương nào “bản lĩnh” như tôi, dám nhãn đấu với Thập đạo tướng quân. Lúc này có tiếng của hoàng đế vang lên:
- Được rồi được rồi, chẳng lẽ khanh nghi ngờ Dương quyến nữ? Cả ngày nàng ta ở cùng tỉ tỉ trong điện Vân Sàng, có đi ra khỏi Tây cung bao giờ đâu?
Lê Hoàn vẫn không chịu buông tha:
- Đó là do hoàng thượng không biết. Dương quyến nữ đến cả Nam Thành còn dám lẻn vào nữa là…
Đinh Tiên Hoàng liền sững sốt:
- Khanh vừa nói cái gì?
Tôi toát cả mồ hôi. Không phải chứ? Hóa ra lần đó đã bị phát hiện sao?
Tôi chẳng qua kìm lòng không được, chui vào xe bò để lén ngó qua bên trong Nam thành. Chuyến xe vào rồi ra, tôi còn không đặt chân xuống cục gạch nào của thành Tràng An! Không lẽ trong đó có gắn camera theo dõi? Bậy bậy bậy à! Thế kỉ X làm gì có cái thứ đó.
Nhưng dù có bị vạch mặt thì tôi cũng đâu làm gì nên tội, tôi luôn ngoan ngoãn trốn trong đống rơm, chỉ chừa hai con mắt ngó nghiêng. Cùng lắm là có nhìn trộm đám lính tráng tắm dưới sông một chút. Mà cảnh đó cũng có gì lạ đâu, trong phim có hoài mà mấy anh í còn “manly” hơn kìa!
Cứ tưởng sẽ bị Lê Hoàn tố giác, ai dè hắn ta lại ậm ừ:
- Không… thần có ý là Nam thành khó vào còn những nơi khác chắc gian tế đều đi lại dễ dàng, cần đề cao cảnh giác. Bệ hạ vạn tuế, mạt tướng xin phép lui!
Như vậy là Lê Hoàn ra khỏi vườn thượng uyển của điện Thiên Long mà không làm tôi xấu mặt. Được được, xem như người này cũng biết phải trái. Vì luôn tin tưởng Lê Hoàn nên nhà vua không dò xét kĩ. Còn tôi thì biết rõ tương lai anh ta sẽ là Lê Đại Hành-hoàng đế đầu tiên nhà Tiền Lê. Tôi muốn tìm manh mối cho thấy anh ta có mưu đồ đoạt vị, mỗi lúc có dịp gặp mặt đều căng hai con mắt nhìn cho kĩ. Từ cái nhíu mày, cái nhếch môi, cái sờ mũi cho tới ngón tay co lại ra sao, hai chân đứng thẳng thế nào… vì lẽ đó mà lần này tôi phát hiện cánh tay phải của Thập đạo tướng quân không bình thường. Ống tay áo dài phủ đến cổ tay, phần trên dường như to hơn so với tay bên trái, hình như giấu vật gì bên trong. Nếu nhìn kĩ thì anh ta chắp tay sau lưng, lấy bàn tay phải nắm lấy cổ tay trái. Trong khi bình thường luôn dùng tay trái nắm cổ tay phải.
Đáng ngờ, đáng ngờ mà! Xem ra tôi phải nhanh chóng đi điều tra xem sao! Bất cứ dấu hiệu nào đe họa tới hạnh phúc của Vân Nga tỉ tôi đều không bỏ qua. Dù biết lịch sử không thể thay đổi nhưng chí ít tôi vẫn thể hiện mình đang cố gắng hết sức trong sự nghiệp “bảo vệ chính nghĩa, tiêu diệt cái ác”.
———————————————————-
[1] Nhà Tống lấy niên hiệu Khai Bảo năm thứ tư.
[2]: Đại Cồ Việt: Nói về chữ “Việt’ Trong Đại cồ việt cũng giống như chữ Việt trong Việt Nam, Đại Việt, Nam Việt. Thời kì TQ bành trướng chinh phục cách vùng đất lân cận, họ đặt những cái tên riêng cho các chủng tộc người. Đối với công đồng các bộ lạc và xã hội man sơ phía Nam, người Hán đều gọi chung là “Việt”. Nhưng thực chất, tổ tiên chúng ta là người “Lạc”, là con chúa lấy họ của Lạc Long Quân trong truyền thuyết. Chữ Lạc có trước và truyền thuyết có sau. Điều này giải thích sự tích Con rồng cháu tiên là lời lý giải về nguồn gốc tộc Lạc phía Nam.
Về sau, TQ với nền văn minh phát triển nhất Á Châu thời đó đã đồng hóa các bộ phận ngoại tộc, khiến người Lạc cho rằng họ là tộc Việt – tộc ng’ bị chinh phục phía Nam. Muốn gìn giữ nguồn gốc và khẳng định sự khác biệt, từ “Lạc Việt” ra đời. Chúng ta thực chất là ng’ Lạc Việt, công nhận sự dính líu và bị thu phục từ Trung Hoa nhưng đồng thời khẳng định nguồn gốc riêng biệt, tự tự hào tự chủ của tộc Lạc.
Sau này, các triều đại phong kiến tự chủ cũng dùng chữ Việt trong Lạc Việt mà đặt quốc hiệu. Ai cũng biết ng’ Việt này là Lạc Việt, đây là một sự công nhận đại chúng, giống như quy tắc ngầm mà các thành phần tộc người ở Á Châu công nhận. Việt là nước Việt chúng ta, đến ngày nay ko ai tranh chữ Việt này và cũng ko mấy ng’ tự hỏi vì sao là Việt? Việt Nam, Đại Việt, là tổ quốc, là người mình, người mình, dân mình.
[3] Origami: kĩ thuật xếp giấy Nhật Bản.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT