Hắc y nhân thấy người vừa đến liền quay người bỏ chạy. Bạch Vân thi triển khinh công đuổi theo. Chỉ nhô lên hụp xuống ba lần, Bạch Vân đã chắn trước mặt hắc y nhân. Người mặc áo đen có thêu họa tiết màu đỏ cũng đã đến. Một trước một sau, cùng với Bạch Vân vây hắc y nhân vào giữa. Hắc y nhân nhìn Bạch Vân thốt:
“Tiểu tử, mau tránh đường.”
Bạch Vân cười nói:
“Trời hãy còn sớm, các hạ sao vội thế?”
Người mặc áo đen có thêu họa tiết màu đỏ nói:
“Bạch Vân, để ta lãnh giáo thương pháp của vị tiền bối đây.”
Bạch Vân đang cảm thấy rất khó hiểu: “vì sao hắc y nhân thấy Phùng hộ pháp liền bỏ chạy?” Lại nghe Phùng hộ pháp gọi hắc y nhân là “tiền bối” càng thấy khó hiểu hơn. Những luồng suy nghĩ lướt nhanh trong đầu, rồi mắt gã chợt sáng lên. Gã nói:
“A, nhớ ra rồi. Là…”
Vừa nói đến đây, một nhánh cây khô nằm dưới đất bị hắc y nhân dùng cán thương, quét về phía Bạch Vân. Bạch Vân chưa nói hết câu đã phải né tránh. Nhìn lại thì thấy Phùng hộ pháp và hắc y nhân đã giao đấu với nhau rồi. Trải qua năm chiêu thì Phùng hộ pháp nhảy ra sau, quỳ xuống đất dập đầu ba cái. Việc này làm mặt của Bạch Vân nghệch ra. Gã không ngờ hai người đang giao đấu lại có thể xảy ra một màn kì lạ đến thế này. Hắc y nhân chờ Phùng hộ pháp lạy xong, nói:
“Ngươi đứng dậy đi. Ta không xứng.”
Bạch Vân đi lại gần nói:
“Phùng bá bá che giấu thật hay.”
Hắc y nhân kéo tấm khăn che mặt xuống, chính là Phùng bá bá – Phùng quản gia của Kình Ngư bang. Lão quay sang nhìn Bạch Vân nói:
“Tiểu tử ngươi còn khờ khạo lắm.”
Bạch Vân cười nói:
“Tại hạ sẽ coi đó là một lời khen.”
Phùng Thế Thanh hai mắt long lanh, giọng ngập ngừng hỏi:
“Có thật là cha đó không? Đứa con này bôn ba khắp nơi tìm cha hơn ba mươi năm, thế nhưng chẳng có chút manh mối nào. Hôm nay… trời cao thật có mắt mà.”
Ánh mắt của Phùng bá bá nhòe đi, nhưng lão cố che giấu. Lão hỏi:
“Ngươi… đến đây làm gì?”
Phùng Thế Thanh cung kính đáp:
“Giáo chủ phân phó con đến giúp ngư dân một tay.”
Phùng bá bá ánh mắt xa xăm. Hồi lâu, lão hỏi:
“Khương giáo chủ vẫn mạnh chứ?”
Phùng Thế Thanh đáp:
“Giáo chủ vừa bị người ám toán, phải bế quan chữa thương.”
Phùng bá bá quát:
“Có việc này sao? Các ngươi làm hộ pháp kiểu gì thế?”
Phùng Thế Thanh quỳ một chân xuống:
“Đó là lỗi của con. Cũng may giáo chủ võ công trác tuyệt nên giáo ta chưa bị diệt.”
Phùng bá bá trợn mắt:
“Cũng may chưa bị diệt? Nói năng thật hồ đồ.”
Phùng Thế Thanh cúi đầu:
“Cha dạy rất phải.”
Rồi hắn tiếp luôn:
“Cha, cha quay về giáo đi. Đông Phương giáo đang rất cần người.”
Phùng bá bá như hồi tưởng lại quá khứ, lão kể:
“Phùng Hoa ta từ xưa đến nay chỉ phục có hai người. Một người là Khương giáo chủ, một người là Cuồng đại ca. Khương giáo chủ là rồng trong cõi người. Môn võ công nào đến tay, đều được người phát huy hết những tinh hoa của nó. Cái tên Khương Khiếu Thông đã nói lên tất cả: mọi thứ đều tinh thông. Còn Cuồng đại ca là người bộc trực, hết lòng vì người khác, tính tình rất cương liệt. Nếu không có hai người họ thì đã không có Phùng Hoa này.”
Bạch Vân chợt hỏi:
“Cuồng đại ca mà Phùng bá bá nhắc đến, có phải là Cuồng Chiến?”
Phùng Hoa gật đầu, lão nói:
“Ngày xưa ta và Cuồng đại ca kết nghĩa kim lang. Thề cùng nhau ra sức vì Đông Phương giáo. Nhưng do một thoáng hồ đồ nên mới dẫn đến nhiều sự việc đáng tiếc xảy ra. Haizz, bây giờ ta còn mặt mũi nào mà quay về Đông Phương giáo nữa chứ?”
Phùng Thế Thanh gào lên:
“Cha.”
Phùng Hoa lắc đầu:
“Bây giờ đã có lứa trẻ các ngươi thay thế, bổn giáo hẳn sẽ càng phát dương quang đại. Ta không có hứng thú với chuyện giang hồ nữa, sống tiêu diêu tự tại ở vùng biển quả thật rất thanh thản.”
Thấy Phùng Thế Thanh định nói tiếp, Phùng Hoa giơ tay ra ngăn cản. Lão nói:
“Chuyện nhà không bàn nữa. Lần này ngươi đến đây rất kịp thời, nếu chỉ có một tên bạch miêu này: ngư dân không thắng nổi đâu.”
Bạch Vân chắp tay:
“Không biết Phùng bá bá có cao kiến gì?”
Phùng Hoa nói:
“Kêu ngươi là bạch miêu không sai đâu. Khinh công của ngươi rất tuyệt, nhưng mà ngư dân đâu thể nhanh như ngươi. Trận này ngươi muốn dùng chữ “nhanh” để đối phó với hung nô thì chắc chắn sẽ thua.”
Lão quay sang Phùng Thế Thanh nói:
“Ngươi hãy dùng danh nghĩa Đông Phương giáo, chỉ dạy thương pháp cho ngư dân. Thấy bọn họ “múa đao”, ta ngán ngẩm lắm rồi.”
Phùng Thế Thanh đáp dạ liền nghe Phùng Hoa nói:
“Đi ngay.”
Phùng Thế Thanh gặp lại cha mình thì vui mừng khôn xiết. Tuy không muốn rời đi nhưng hắn cố gắng kìm lòng lại, hiện giờ việc nước là quan trọng. Phùng Thế Thanh cúi người chào Phùng Hoa rồi quay người phóng đi. Hồi lâu, Phùng Hoa cùng Bạch Vân vẫn không nói với nhau thêm lời nào. Bỗng Phùng Hoa hỏi:
“Sư phụ ngươi là ai thế?”
Bạch Vân nói:
“Tại hạ không có sư phụ.”
Phùng Hoa thoáng đổi sắc hỏi:
“Thế Vi cước độc bộ hành ngươi học ở đâu?”
Lần này đến phiên Bạch Vân kinh ngạc, gã hàm hồ cho qua:
“Tình cờ học được.”
Phùng Hoa than:
“Môn khinh công này đã thất truyền nhiều năm. Nay lại xuất hiện trên giang hồ, phong ba sẽ lại nổi lên cho xem.”
Bạch Vân hỏi:
“Môn võ công này ghê gớm đến vậy?”
Phùng Hoa giải thích:
“Môn khinh công này được xem là vô địch thiên hạ. Kẻ ham muốn nó nhiều không đếm xuể. Kẻ cuối cùng sử dụng môn khinh công này đã chết dưới sự truy sát của những người muốn chiếm đoạt nó.”
Phùng Hoa liếc Bạch Vân nói:
“Ngày đó Đông Phương giáo cũng tham gia.”
Bạch Vân cười nói:
“Phùng bá bá đã rời bỏ giang hồ rồi mà?”
Phùng Hoa nói:
“Ta nhắc nhở ngươi mà thôi. Giang hồ hiểm ác, không từ thủ đoạn để được mục đích: đó mới chân chính là giang hồ.”
Bạch Vân chắp tay:
“Tại hạ sẽ nhớ rõ.”
Phùng Hoa lại hỏi:
“Ngươi có muốn biết vì sao ta theo dõi ngươi?”
Bạch Vân im lặng chờ lão nói. Lão kể:
“Ngày trước ta vì ghen tuông, nghe lời dèm pha của kẻ khác mà đánh nhau với Cuồng đại ca. Lúc đó ta như kẻ điên, ta không tin tưởng vào Cuồng đại ca và vợ mình, ta luôn nghĩ bọn họ có tư tình. Vợ ta vì chuyện này mà trong lòng thấp thỏm không yên, đã lâm trọng bệnh. Vợ ta vừa mất thì lòng ta cũng nguội lạnh, không ở lại Đông Phương giáo nữa, ta bỏ đi. Ngày sau khi bình tĩnh lại, suy nghĩ rõ ràng về mọi việc thì thấy bản thân mình đã quá đa nghi. Ta muốn quay về tìm con mình thì lại nghe tin Cuồng gia phản giáo, bị giáo chủ ra lệnh truy sát toàn gia từ trên xuống dưới. Nghe tin này, ta liền cấp tốc đến Cuồng gia cứu người nhưng khi đến: chỉ thấy có hai đứa nhỏ đang khóc lóc thảm thiết. Ta đưa bọn chúng đến đây sinh sống. Nuôi dưỡng và dạy dỗ chúng, để lòng ta cảm thấy bớt xấu hổ với Cuồng đại ca. Ngày ngày ta đều hy vọng giáo chủ nghĩ chút tình xưa mà mở một con đường sống, cho những giọt máu cuối cùng của Cuồng gia.”
Phùng Hoa ngước nhìn bầu trời than:
“Cái chết của Cuồng Sa cũng có một phần lỗi của ta.”
Bạch Vân chen vào:
“Phùng bá bá sai rồi, cái chết của Cuồng Sa là do Vạn Độc môn gây ra.”
Phùng Hoa giật mình, lão hỏi:
“Vạn Độc môn?”
Bạch Vân thuật lại mọi việc cho Phùng Hoa nghe. Lão nghe xong liền nổi giận đùng đùng. Lão nói:
“Hay cho Vạn Độc môn. Món nợ này ta nhất định sẽ đòi cả vốn lẫn lời.”
Bạch Vân nhắc nhở:
“Vạn Độc môn tại hạ cũng muốn đi một chuyến. Nhưng hiện giờ chuyện đánh đuổi hung nô là quan trọng hơn cả.”
Phùng Hoa gật đầu:
“Ngươi đã có Thanh nhi giúp đỡ, trận này đã có hi vọng thắng.”
Lão tiếp:
“Từ giờ Thanh Nga phải trông cậy vào ngươi rồi. Ta phải đi đây.”