*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Dù được Mozart khen ngợi, tử tước Tesla không hề đỏ mặt. Antonia lại không thể nhờ vả Mozart dạy dương cầm trước mặt anh.

Nhân lúc Mozart trò chuyện với phụ thân cậu ấy và ông chủ khách sạn, Antonia lườm Nikola, “Nhà giả kim thuật sư?”

Nikola mỉm cười, nhỏ giọng đáp: “Theo thần, vật chất quyết định ý thức. Người thì sao, điện hạ?”

Antonia không nói gì.

Có người ngoài ở đây, nói chuyện lén lút không thoải mái. Cô hỏi chuyện mình quan tâm nhất, “Bệ hạ giải quyết thân phận cho ngài?”

“Như người thấy.” Nikola nhìn cô.

Thôi được rồi.

Antonia thở phào nhẹ nhõm. Tuy thằng nhóc này luôn thần bí, đến cô cũng không hiểu được suy nghĩ của anh, nhưng tai họa ngầm lớn nhất đã được giải quyết.

Hết thảy đi vào quỹ đạo. Từ nay cô sẽ theo đội trưởng Leo học tập kỹ năng sống sót.

Sở dĩ muốn học bắn súng và kiếm thuật đều vì súng và kiếm là hai vũ khí bảo toàn tính mạng thời đại này. Đơn giản thô bạo, vừa có lợi vừa có hại.

Học trò sốt sắng, thầy giáo cũng được Nữ Hoàng ngầm chấp nhận. Chương trình học nhanh chóng bắt đầu.

“Điện hạ, đầu tiên dựng súng lên, mở nòng, nhét thuốc súng và đạn thật, lắp lại thật nhanh.”

Leo kiên nhẫn dạy cách thức nổ súng. Khẩu súng bạc tinh xảo của Antonia vào tay ông ấy chẳng khác nào khẩu súng đồ chơi.

Thật phức tạp.

“Tiếp đến quay nòng để thuốc súng bắt lửa. Sau đó ta cầm báng súng, nhấn cò súng, như vậy có thể bắn đạn ra ngoài.”

“Điện hạ thử xem?”

Antonia cầm súng, bắt chước tư thế nổ súng của ông ấy, nhắm cành cây phía đồng cỏ xa xa.

Đoàng!

Suýt nữa cô bị giật về sau, bàn tay vừa đau vừa nhức, không biết viên đạn bay đi đâu.

“Xùy.” Antonia buồn bực thở dài.

“Lần đầu bắn súng đều như vậy.” Leo mỉm cười, “Điện hạ, tập luyện nhiều sẽ tốt hơn.”

“Binh lính trên chiến trường cũng dùng súng như vậy sao? Khó quá.” Antonia lầu bầu.

“Vâng, vậy nên từng bước chuẩn bị đều phải thật chuẩn xác. Binh lính ưu tú nhất có thể bắn năm phát súng trong một phút. Người bình thường bắn hai phát trong một phút đã tốt lắm rồi.”

“Ngài có thể bắn mấy phát?” Antonia tò mò.

“Không phải thần không khiêm tốn, nhưng chỉ có binh lính xuất sắc nhất mới được làm đội trưởng đội hỏa thương, bảo vệ bệ hạ và Hoàng thất.”

“Dù thao tác hoàn toàn chính xác, chúng ta không tránh khỏi việc thuốc súng bị ẩm, thuốc súng không đủ nên không bắt lửa thành công. Chuyện này thường xuyên xảy ra trên chiến trường.”

Antonia nhớ lại ngày còn ở cung điện Versailles, trong lúc nhàm chán cô trò chuyện với thị vệ của mình, tò mò hỏi đội thị vệ Hoàng gia khác đội hỏa thương ở điểm nào.

Thị vệ nói rất nhiều thời điểm súng không tốt bằng kiếm, bởi vì quá trình dùng súng vô cùng phức tạp, vừa chậm lại dễ mắc lỗi, chưa chắc đã nổ súng thành công.

Đối với binh lính bảo vệ quân chủ và Hoàng thất, kiếm mới là vũ khí hữu hiệu.



“Có lẽ ta nên luyện kiếm.” Antonia lè lưỡi.

“Thần có thể dạy người.” Leo không ngạc nhiên.

Nữ Hoàng dặn dò ông ấy từ trước, công chúa nhỏ chỉ hứng thú một thời gian, chơi với cô vài hôm là được. Cô sẽ nhanh chóng cả thèm chóng chán.

“Muốn dùng kiếm phải có sức khỏe. Hiện tại người hơi gầy.”

Đối với bé gái tầm tuổi này, đúng là Antonia khá gầy.

Năm mười lăm tuổi gả sang Pháp, cô cũng từng bị nói gầy yếu, không đầy đặn quyến rũ như phụ nữ Pháp.

Nhưng cô mặc kệ họ. Cô cảm thấy đẹp mới là chân ái, những trào lưu sau này cũng chứng minh sự sáng suốt của cô.

Ngày đầu tiên khá mệt mỏi, vậy nên buổi tối Antonia ăn cơm với anh trai chị dâu, bất giác gặm nhiều thêm một cái móng giò, khiến phu nhân Brands ghé mắt mấy lần. 

Antonia giả vờ không nghe thấy phu nhân Brands hắng giọng, bình tĩnh cắt miếng thịt nhỏ, từ tốn nhấm nuốt.

Thịt quay vàng óng phết lớp mỡ bóng mượt, bởi vì được hầm cách thủy nên hương vị đậm đà, kích thích vị giác người ăn.

Năm đó ở Versailles, Antonia và Louis XVI từng thưởng thức bữa ăn khổng lồ.

Dựa theo quy tắc kỳ quái của cung đình Pháp, mỗi lần vợ chồng họ ăn uống đều có người vây xem. Antonia không cảm thấy ngon miệng.

Buổi sáng uống coffe hoặc chocolate nóng, buổi trưa ăn thịt trắng. Buổi tối ăn cánh gà, vài cái bánh quy, uống một bát canh thịt nhỏ.

Trong lúc ăn cơm còn phải chờ Louis, vậy nên Antonia thích ăn cơm một mình hơn.

Cô lại ăn một cái móng giò.



Tuy Antonia chê móng giò béo, lúc trước chưa bao giờ ăn nhiều, nhưng mệt mỏi cả ngày, cô cảm thấy hương vị khá ngon.

Chẳng trách Joseph thích món này nhất.

Antonia liếc anh trai, ngạc nhiên phát hiện anh ấy không động vào món ăn yêu thích, thẫn thờ suy nghĩ gì đó.

“Anh sao thế?” Antonia lẩm bẩm: “Hôm nay chỉ có một mình em ăn ngon. Hai người đều ăn ít, em cũng không dám nói gì.”

“Đừng để ý chàng.” Isabella mỉm cười, “Em còn nhỏ, phải ăn nhiều mới xinh đẹp, cưới Vương tử anh tuấn. Về phần chàng, dù sao cũng không cần công chúa xinh đẹp.”

Dạo này cô ấy cười nhiều hơn, thoạt nhìn tinh thần rất tốt.

Joseph ngạc nhiên, tủi thân đặt dĩa xuống, “Isabella! Em là công chúa xinh đẹp nhất lòng ta. Chẳng lẽ ta không phải Hoàng tử anh tuấn nhất lòng em?”

Isabella bụm miệng phì cười.

Antonia hài lòng ngắm đôi vợ chồng son. Dạo gần đây quan hệ giữa họ cải thiện, càng lúc càng giống đôi vợ chồng ngọt ngào mới hơn hai mươi.

Xem ra nhờ lần trước Antonia dặn dò, Joseph biết rất nhiều “bí mật của phái nữ.” Tuy anh ấy dở khóc dở cười, nhưng thật sự nghe lọt tai.

Không tệ, vẫn cứu được.

Cười đủ rồi, Isabella nắm tay Joseph, quay đầu nhìn Antonia, “Joseph sắp đàm phán với Đức, vậy nên tâm trạng không tốt. Dạo gần đây chàng ăn không ngon.”

“Ồ…” Antonia đăm chiêu, nhỏ giọng hỏi: “Nga và Pháp cũng đi đúng không ạ?”

“Ừ.” Joseph gật đầu.

Antonia đoán được đại khái kết quả.

Chiến tranh kéo dài suốt bảy năm, hơn nữa Nga phản chiến, thế cục vô cùng rõ ràng.

Pháp và Nga đình chiến với Phổ, Mỹ cắt thuộc địa cho Anh.

Khi đó tình nhân của Quốc Vương Pháp – phu nhân Pompadour [1] an ủi Louis XV: “Chúng ta còn sống là được, cho dù sau này hồng thủy ngập trời.”

Kiếp trước cô còn nhỏ, không nhớ rõ chi tiết, nhưng cô biết chuyện lớn sắp xảy ra, cũng biết sẽ có vô số người bộc lộ tài năng sau vụ đàm phán. Chiến tranh kết thúc, chính trường Châu Âu thay máu. Các quan viên nắm giữ bí mật thất thế, buộc phải thoái vị nhường cho lớp trẻ.

“Anh, em nghe nói phu nhân Pompadour bị bệnh.” Antonia thì thầm, “Sức khỏe cô ấy không tốt, chỉ sợ không sống được lâu.”

“Hả? Thật sao?” Joseph ngạc nhiên.

Phu nhân Pompadour là tình nhân, cũng là tri kỷ của Louis XV, nắm giữ vị trí vô cùng quan trọng trong cung đình Pháp. Lúc đó Thủ Tướng Wenzel thông qua cô ấy, Quốc Vương Pháp mới đồng ý đàm phán với họ.

Phu nhân Pompadour là một trong những nhân vật chủ chốt thúc đẩy liên minh Áo – Pháp.



“Quốc Vương Pháp không thích bàn tán chuyện này, nhưng mọi người ở cung điện mùa đông đều biết.” Antonia ám chỉ nơi mình nghe ngóng được tin tức.

Cô biết vị phu nhân này không sống được bao lâu, bởi vì một năm sau cô ấy sẽ bệnh chết.

“Đây đúng là tin tức quan trọng…” Joseph trầm ngâm nhíu mày.

Mấy năm nay quan viên Áo luôn tiếp xúc với quan viên cấp cao nước Pháp. Nếu phải đổi mới quan hệ hợp tác, bọn họ cần tính toán ngay từ bây giờ.

“Em còn nghe một số tin đồn về các quan ngoại giao trẻ tuổi nước Pháp. Có lẽ mấy năm sau họ sẽ được Quốc Vương Pháp nâng đỡ lên vị trí quan trọng.”

Antonia nói mấy cái tên quen thuộc, “Ừm… em cũng nghe được ở cung điện mùa đông.”

Joseph nghi ngờ, “Antonia, em có nghe nhầm không? Đến cả bá tước Mercy cũng không biết.”

Anh ấy chưa bao giờ nghe qua những cái tên này.

Quan trọng hơn cả, Mercy là quan ngoại giao cấp cao nước Áo. Anh ấy không nắm được tin tức, nhưng công chúa nhỏ lại biết rõ mười mươi?

“Đừng nghi ngờ em!” Antonia nhăn mũi, “Bởi vì em còn nhỏ, người lớn không để em vào mắt. Em rất dễ nghe lén.”

Isabella ngồi bên im lặng lắng nghe, không khỏi cười lớn, “Không ngờ em gái nhỏ nhà ta tới cung điện mùa đông làm khách còn hữu dụng hơn vô số gián điệp mật thám.”

“Được rồi, tuân mệnh điện hạ Antonia, anh sẽ bàn bạc với bệ hạ.” Joseph cũng mỉm cười.

“Còn nữa…”

Antonia ngẫm nghĩ, thầm thở dài.

“Cẩn thận Nga.”

...

Cơn gió lạnh trải khắp lục địa Âu Á, xuyên qua khe núi, thổi một phần về nước Áo phương nam, thổi phần còn lại về thủ đô Berlin nước Phổ nằm ở phương tây. Cơn gió len vào cửa sổ cung điện Charlottenburg [2], thổi tắt ngọn nến bên cửa sổ.

Một bàn tay thô to rắn chắc cầm giá nến khác, đốt sáng ngọn nến vừa tắt.

Ánh lửa chiếu sáng khuôn mặt lạnh lẽo, đôi mắt xanh lam hơi nheo lại, trào phúng hỏi: “Bị phát hiện? Xem ra cô nàng kia không ngu ngốc như ta nghĩ.”

“Bệ hạ, Nữ Hoàng Maria Theresa rất tức giận trước hành động của ngài. Hơn nữa điều này trái với nguyên tắc các quốc gia, hành vi của chúng ta không được chính nghĩa…”

“Chính nghĩa?” Quốc Vương Friedrich cười nhạo, “Chỉ mục sư mới quan tâm chính nghĩa hay không chính nghĩa. Ta là quân chủ một nước, ta chỉ biết ai mạnh hơn, người đó mới là chính nghĩa.” (*) 

Bộ trưởng đứng sau ông ta bất đắc dĩ đáp: “Đúng là thế, nhưng thưa bệ hạ, chuyện này ảnh hưởng tới danh dự của ngài. Các quan ngoại giao của nước ta…”

“Schneider, đừng ủ rũ.”

Friedrich vỗ vai ông ấy, “Ngoại giao không có vũ khí hậu thuẫn chẳng khác nào âm nhạc không có dụng cụ.” (*)

“Chà, nữ thổ phỉ nước Đức còn bước lên vương tọa nước Nga. Có đồng minh như cô ta khá tốt.”

“Bệ hạ…” Bộ trưởng cật lực khuyên bảo: “Chiến tranh dần đi đến hồi kết, Áo và Pháp thường xuyên qua lại, theo thần chúng ta nên cảnh giác…”

“Hừ, cảnh giác bệ hạ trốn dưới váy phụ nữ, thống trị đất nước thối nát?” Friedrich cười lớn.

Bộ trưởng không hé răng.

Ông ấy biết Quốc Vương đang chỉ ai. Bệ hạ luôn khinh thường Louis XV chỉ biết nghe theo tình nhân Pompadour, gọi Louis XV là “bệ hạ trốn dưới váy phụ nữ”.

“Xùy, Áo có thể làm gì? Liên hôn?” Friedrich nở nụ cười trào phúng, “Đúng là truyền thống tốt đẹp. Chẳng phải năm đó họ suýt ghép đôi ta và Theresa sao?”

Nếu bọn họ thực sự kết hôn, hiện tại Châu Âu đã thống nhất.

Thời điểm Friedrich II mua vũ khí của chồng Maria Theresa để chống lại quân đội của bà, ông ta khá thương hại bà… Đương nhiên cũng thương hại túi tiền của mình.

Ngẫm lại mới thấy đáng sợ. Nếu bọn họ kết hôn, đứa trẻ có tài năng của ông ta và khả năng quân sự của bà, không biết sẽ gây tai họa cho bao nhiêu nước.

“Bệ hạ, liên hôn của Áo mang lại hiệu quả rất lớn.” Bộ trưởng không tính toán buông tha, “Nếu chúng ta cứ tiếp tục chiến tranh, dân chúng sẽ oán hận…”

“Được rồi, Schneider, đừng lề mề giống Theresa.”

Friedrich II mỉm cười, quay đầu nhìn cửa sổ, “Để Pháp và Áo chơi trò chơi đổi công chúa đi, ta lựa chọn chiến đấu như những người trưởng thành.”

“Về phần quốc nội… Ta và nhân dân của ta đã giao kèo, họ làm chuyện họ thích, ta làm chuyện ta thích.” (*).

Bộ trưởng im lặng.

“Nói đi cũng phải nói lại.” Friedrich II đăm chiêu gõ cửa sổ, “Schneider, nếu ta nhớ không nhầm, gián điệp của ta nói con gái của Maria Theresa tham gia thí nghiệm công khai, hình như còn là công chúa út?”

“Vâng ạ.”

“Đây không phải phong cách của cô nàng kia.” Friedrich II lắc đầu, “Theresa không phải ta và Ekaterina.”

Cô nàng kia khóc lóc sám hối, lại không chút do dự đẩy con gái vào nấm mồ hôn nhân, nhưng đây không phải phong cách của Maria Theresa.

“Chẳng lẽ… công chúa út tự tiện hành động?”

Ông ta lẩm bẩm, “…Ta nhớ báo cáo viết cô nhóc rất xinh đẹp, sau này trưởng thành sẽ là một mỹ nhân.”

Càng đẹp, giá càng cao.

Nếu báo cáo gián điệp nói là thật, vậy mọi chuyện rất thú vị.

____

Một số bình luận của cư dân mạng Trung:

– Tôi thật sự không hiểu… Rõ ràng Maria Theresa từng băng qua chiến trường đẫm máu… vì sao lại lựa chọn để con gái liên hôn? Dù sao bà cũng là người phụ nữ vừa mạnh vừa thông minh…

– Mười sáu (Louis XVI) ăn uống bình thường chán, mười bốn (Louis XIV) mới ăn nhiều. Nhưng mười bốn vận động mạnh, thể lực tốt. Thời đó đồ ăn Pháp chứa nhiều calo, Marie và mười sáu tuổi trung niên béo lên không ít.

– Friedrich II là dạng người “không lo trong cung điện không có phụ nữ”, lịch sử cũng viết ông không có tình nhân… Nếu người như ông kết hôn với Maria Theresa một lòng với Habsburg, nói không chừng hai người sẽ không có con… Cho dù kết hôn, hai người cũng khó có thể thống nhất Châu Âu (Còn lâu Anh, Pháp mới trơ mắt nhìn Đức thâu tóm. Huống chi năm đó Friedrich II cầu hôn Maria Theresa, điều kiện tiên quyết là ông phải từ bỏ quyền thừa kế Phổ.)

– Quả thật… thời trẻ Friedrich II và Maria Theresa từng quen nhau, hai người coi như thanh mai trúc mã. Cha Marie Theresa – Karl VI rất thích Friedrich II (Friedrich II bỏ trốn khỏi Anh bị Anh bắt về, Karl VI còn viết thư mong Friedrich Wilhelm I (cha Friedrich II) tha thứ Friedrich II. Dù sao với tính tình của Friedrich Wilhelm I, rất có thể ông ấy sẽ giết chết con trai mình). Karl VI luôn mong hai người sẽ thành một đôi, đáng tiếc tính cách hai người không hợp nhau (dù là khiếu thẩm mỹ hay quan điểm tôn giáo). Friedrich II sẵn sàng từ bỏ quyền thừa kế Phổ để cầu hôn Maria Theresa, nhưng cuối cùng hai người vẫn không thành (Maria Theresa lựa chọn người mình yêu, sau cùng kết hôn với Franz. Cho dù vậy Karl VI vẫn muốn Friedrich II bảo vệ em gái, kết quả Friedrich II quay đầu tấn công Maria Theresa =))))

_________

[1] Madame de Pompadour là người tình nổi tiếng của Vua Louis XV nước Pháp, kế cạnh Madame du Barry. Không chỉ nổi tiếng là người tình, bà còn nổi tiếng vì là biểu tượng thời trang, fashionista của Pháp trước khi Marie Antoinette xuất hiện. Ngoài ra bà còn là bảo trợ nghệ thuật, giúp cho trường phái Rococo cũng như các tầng lớp trí thức của Thời kỳ Khai sáng phát triển ở Pháp.

Tên thật của bà là Jeanne Antoinette Poisson, thuộc tầng lớp trung lưu. Bà được bảo hộ bởi người cha nuôi là một nhà tài chính đồng thời là quan thu thuế giàu có, có tin đồn người cha nuôi này là cha ruột của bà. Jeanne Antoinette lúc bé hay bệnh tật và mắc chứng ho gà, lúc bé được mẹ đưa đi xem bói và thầy bói nói rằng tương lai bà sẽ người là chiếm giữ trái tim nhà vua, cũng vì vậy người nhà đặt biệt danh cho bà là Reinette (Tiểu nữ vương, Nữ hoàng bé).

Người cha nuôi tìm thầy dạy và cho bà một nền giáo dục toàn diện, bà học khiêu vũ, vẽ tranh, hội họa, sân khấu, nghệ thuật. Năm mười chín tuổi, Jeanne Antoinette được gả cho cháu trai của người cha nuôi, hai vợ chồng được tặng số của hồi môn hậu hĩnh đồng thời được chọn làm đối tượng thừa kế gia tài của ông ta, bất chấp việc ông ta còn các anh em và con cháu khác trong nhà. Hai vợ chồng Jeanne Antoinette có với nhau một đứa con trai và một đứa con gái, đứa con trai chết yểu còn đứa con gái qua đời khi mới chín, mười tuổi. Người chồng yêu Jeanne Antoinette nhưng hôn nhân đổ vỡ khi bà trở thành tình nhân của Louis XV.

Trước khi trở thành tình nhân, Jeanne Antoinette mở các salon ở Paris, những salon này giống hội quán nghệ thuật nơi tập hợp tầng lớp tri thức cùng nhau đặt ra câu hỏi, thảo luận, nghiên cứu về thơ ca, hội họa, âm nhạc, nghệ thuật, triết học hoặc chính trị. Hình thức kinh doanh salon này rất phổ biến ở Châu Âu vào thế kỷ XVII và XVIII, góp phần thúc đẩy Chủ nghĩa Khai sáng phát triển vào thế kỷ XVIII. Nhờ vào việc làm bà chủ salon, Jeanne Antoinette học được cách giao tiếp ứng xử để ứng dụng khi bước chân đến Cung điện Versailles sau này.

Danh tiếng về bà chủ salon duyên dáng ở Paris được triều thần ở Versailles ca ngợi và truyền đến tai Louis XV. Một hôm nhà vua đi săn ở Paris, khu vực săn bắn gần salon của Jeanne Antoinette và vua gặp được bà, hoặc nói đúng hơn là Jeanne Antoinette tận dụng thời cơ có một không này xuất hiện trước mặt nhà vua để gây ấn tượng. Sau đó, Jeanne Antoinette nhận được thư mời của nhà vua, đến Cung điện Versailles tham dự vũ hội hóa trang nhân dịp chúc mừng hôn lễ của Thái tử Pháp. Trong vũ hội, Louis XV bày tỏ tình cảm và tuyên bố Jeanne Antoinette sẽ là người tình của ông trước quan khách. Ông bắt người chồng ly thân với Jeanne Antoinette, và để giữ người đẹp ở bên mình, nhà vua phong bà làm Nữ hầu tước Pompadour, ban đất đai và nhà cửa cho bà, chuẩn bị cả chỗ ở của bà gần nhà vua ngay trong Cung điện Versailles.

Trở thành Nữ hầu tước, được mọi người gọi là Madame de Pompadour, bà cố ứng xử khéo léo để lấy lòng hoàng gia, bà còn bày tỏ bản thân luôn tôn trọng hoàng hậu. Sống ở Cung điện Versailles không lâu, Madame de Pompadour đã học thuộc các quy tắc ứng xử trong cung đình, giữ luôn vai trò sắp xếp lịch trình và công việc cho nhà vua.

Về ngoại giao và chính trị, Madame de Pompadour đàm phán và đưa Pháp ký kết đồng minh với Áo – xưa kia vốn là kẻ thù của Pháp. Trong cuộc Chiến tranh Bảy năm, liên minh Pháp, Áo, Nga đánh với Anh và Phổ, hậu quả là Pháp mất các vùng thuộc địa ở Bắc Mỹ vào tay Anh.

Madame de Pompadour là tình nhân đồng thời là người bạn tri kỷ mà Louis XV tin tưởng. Bà hiểu rõ và nắm bắt sở thích của nhà vua, biết ông ta là hạng người cả thèm chóng chán, bà đề xuất những thú tiêu khiển và những bữa tiệc đánh trúng tâm lý nhà vua. Bà cũng biết rất nhiều triều thần và nhiều phụ nữ không ưa bà, đố kị bà, và muốn hạ bệ bà. Vì thế trong mối quan hệ với Louis XV, bà không cấm cản nhà vua quen thêm người đàn bà khác, trái lại bà để ông ta vui chơi với những phụ nữ thuộc tầng lớp thấp và những ả gái điếm. Bởi theo quan điểm của bà, những người phụ nữ thấp kém vô giáo dục kia chả thể nào cướp được địa vị của bà, còn hơn để một người phụ nữ trẻ trung, xinh đẹp, thông minh chinh phục được nhà vua và tước đi mọi thứ của bà, mà dạng phụ nữ đó ở Cung điện Versailles không hề thiếu.

Về nghệ thuật, bà là mạnh thường quân bảo trợ cho hội họa, điêu khắc, âm nhạc, nghệ thuật chế tác trang sức và đồ kim hoàn. Bà mở xưởng sản xuất đồ sứ ở Sevres, một trong những xưởng sản xuất đồ sứ tốt nhất Châu Âu. Rất nhiều nghệ sĩ, nhà điêu khắc, nghệ thuật được bà bảo trợ và phát triển nên phong cách nghệ thuật Rococo nổi tiếng ở Châu Âu thế kỷ XVIII. Sau này đến lượt Marie Antoinette tiếp bước và phát triển thêm.

Về thời trang thì không có gì để bàn, bà luôn là tâm điểm của Versailles, những bộ váy đắt tiền dùng gam màu pastel hoặc màu sáng, các họa tiết thêu hoa và gắn nơ bướm trên váy, những kiểu tóc bà từng chưng diện, đều trở thành mốt của các quý bà Pháp. Thậm chí ngày nay, phim ảnh lấy bối cảnh Âu cổ và thời trang đôi lúc cũng cảm hứng từ bộ trang phục bà mặc trong bức tranh của bà. Kiểu tóc vào thời Madame de Pompadour nói chung bới cao gọn gàng và sát da đầu, trang trí thêm hoa, trâm, ngọc trai hoặc nơ bướm. Kiểu tóc tổ ong to đùng phải đến thời điểm Marie Antoinette trở thành Hoàng hậu nước Pháp mới thịnh hành.

Sáu năm chiếm giữ địa vị trong lòng Louis XV, Madame de Pompadour trở yếu dần, cơn ho gà từ bé của bà chuyển biến thành bệnh lao, và qua đời ở tuổi bốn mươi hai.

Credit: Công Chúa Xứ Hoa – Tình Yêu, Máu và Nước Mắt







[2] Cung Charlottenburg: Xây dựng năm 1705 và được đặt theo tên Sophia Charlotte xứ Hanover, sau này là Hoàng Hậu Phổ.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play