*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.“Nương nương, hoa mai nở rồi.”
Thức ăn trong nhà ngày càng tốt hơn, khí sắc của Vân Thường cũng ngày càng yếu dần, tâm trạng lại thoải mái lạ thường, nàng thường đi theo Chu Hoài Lễ, kể chút chuyện về quá khứ của nàng, kể chuyện lúc nàng còn là Thục phi, kể chuyện lúc nàng vẫn còn là ca nữ, như đang vội vàng kể lại câu chuyện cả đời mình cho hắn nghe.
Phần lớn thời gian Chu Hoài Lễ đều im lặng lắng nghe nàng kể, ngẫu nhiên có một lần hắn nói với nàng: “Nếu người và tôi không vào cung, thì tốt biết mấy.”
Vân Thường mỉm cười, mi mắt cong cong. “Nhưng nếu như vậy chúng ta sẽ không gặp được nhau.”
Giọng nói của nàng trong trẻo rõ ràng. “Mọi thứ trên đời này, vận mệnh định sẵn đều có nhân quả.”
Chu Hoài Lễ vuốt ve gương mặt của nàng, đau đớn khó nói thành lời.
Vân Thường bắt lấy tay hắn, nhẹ nhàng nắm. “Thật ra ta biết cả rồi.”
Nàng nhìn Chu Hoài Lễ, ánh mắt có lưu luyến vô tận. “Cha ta chết vì Chân Tâm Thống, ta chỉ không ngờ rằng nó đến với ta...... lại nhanh như vậy.”
Chu Hoài Lễ cẩn thận ôm nàng vào lòng, cố gắng bình tĩnh nói: “Đừng sợ, Như Ý đã nói, chỉ cần uống thuốc thật tốt, có thể trì hoãn không phát bệnh, đừng sợ......”
Vân Thường ừ một tiếng, trong lòng biết rõ mình không còn nhiều thời gian nữa. Mấy lần gần đây lúc Như Ý tới bắt mạch cho nàng, ánh mắt càng lúc càng nặng nề, nàng thấy cũng hiểu được.
Nàng chỉ lo lắng, lo lắng cho Chu Hoài Lễ, một mình hắn, làm sao đối mặt với những năm tháng dài đằng đẵng sau này đây.
Đầu tháng tám, Vân Thường ngất lịm mấy lần, thân thể mong manh như nắm cỏ khô, Như Ý lắc đầu với Chu Hoài Lễ, hết thảy đều lặng im.
Nhưng Chu Hoài Lễ vẫn sắc thuốc như trước, cho Vân Thường uống một ngày hai lần, nói với nàng rằng nàng sẽ khỏe hơn, mọi thứ rồi sẽ tốt thôi.
Mãi đến đêm mười lăm tháng tám, Vân Thường không còn dáng vẻ ốm yếu nữa, nét mặt rạng rỡ, giống như đã trở lại là Thục phi nương nương của buổi đầu gặp gỡ Chu Hoài Lễ.
Nàng kê một cái bàn giữa sân, trên bàn bày chút ít trái cây.
Ánh trăng trên trời tròn vành vạnh, nàng tựa vào vai Chu Hoài Lễ, giống như một năm trước, lúc đó, mẫu thân vẫn còn, nhà vẫn còn, quê hương cũng còn đó.
“Ta đã nói mỗi năm chúng ta đều sẽ đón tết Trung thu cùng nhau, là ta nuốt lời.”
Chu Hoài Lễ nắm tay nàng thật chặt. “Sẽ không đâu, người sẽ sống lâu trăm tuổi, tôi sẽ cùng người sống lâu trăm tuổi.”
“Tiểu Lễ Tử,” Giọng của Vân Thường càng lúc càng nhẹ đi. “Ngươi có thích ta không......”
Mọi vật xung quanh lặng im như tờ, hai mắt của nàng tùy ý nhắm lại, không nhìn thấy đôi mắt đẫm lệ của Chu Hoài Lễ.
“Người đối với tôi, đâu chỉ là thích.”
Là giữ vẹn lời thề
[1] , là đến chết mới thôi.
“Ông già! Dậy đi! Dậy đi!” Đứa bé kháu khỉnh lay lay ông lão đang ngủ gục trên sạp.
Ông lão đầu tóc bạc trắng nheo đôi mắt mông lung lại hỏi: “Nhị Hổ, có chuyện gì vậy?”
Đứa nhỏ tên Nhị Hổ chỉ ra ngoài cửa sổ. “Bên ngoài tuyết đã rơi!” Nói xong quay đầu lại hỏi: “Ông già, người gặp ác mộng sao? Sao lại còn chảy cả nước mắt nữa?”
Ông lão xoa xoa mắt, lão đã già lắm rồi, đôi mắt như phủ một lớp bụi mờ xám.
Lão dùng ngón tay vuốt ve đồng ngọc giữa cổ mình, ngơ ngác nói: “Là một giấc mơ.”
Hồng mai trong viện nở vừa kịp lúc, kịp lúc tuyết rơi mà nở rộ, tỏa ra hương thơm trong trẻo tươi mát.
Ông lão cầm lấy áo tơi
[2] cùng nón trúc treo ở trên tường, mặc vào rồi bước ra cửa.
[2] Áo tơi (Soa y: 蓑衣) hoặc áo lá là cách gọi một loại áo khoác hờ để tránh mưa nắng của người Á Đông từ xưa, nay vẫn còn được dùng tuy ít hơn.
Nhị Hổ rất tò mò về ông lão kỳ quái này, nghe đồn rằng ông là một thái giám, nghe đồn ông mới đến đây hồi Trung thu, cũng nghe nói ông đã đến mai hương này từ nhiều năm trước. Sau khi đến ở nơi này, mỗi năm ông lại trồng một cây hồng mai trong sân nhà, mãi cho tới giờ hồng mai đã nở đầy sân.
Ông lão bước đến một gốc mai nở rực rỡ ở giữa sân, tuyết rơi dày trên nón ông, ông đưa ngón tay già nua chạm nhẹ vào cánh hoa, dịu dàng khẽ chạm như đang vuốt ve gương mặt người thương.
“Nương nương, hoa mai nở rồi.”
HẾT
*Áo tơi:
[1] Nguyên bản là câu thành ngữ “Vĩ Sinh bảo trụ” (尾生抱柱) để chỉ việc kiên thủ tín ước, nghĩa là quyết giữ vẹn lời thề. Có nguồn gốc từ tích sau đây:
Vĩ Sinh có quen với một cô gái xinh đẹp rồi hai người hẹn ước chuyện trăm năm với nhau. Nhưng cha mẹ cô gái chê Vĩ Sinh nhà nghèo nên không chấp nhận. Cô gái quyết giữ đúng lời thề, định cùng Vĩ Sinh bỏ trốn. Hai người hẹn gặp nhau tại một chiếc cầu gỗ ở phía ngoài Hàn Thành để cùng nhau trốn đi. Lúc trời về chiều, Vĩ Sinh đến chiếc cầu đợi trước. Không ngờ phút chốc mây đen phủ kín trời, gió to thổi mạnh, sấm vang chớp giật rồi nước lũ từ núi tràn về cuốn theo bùn đất làm ngập cả cầu nên Vĩ Sinh cũng bị ngập tới đầu. Nhớ lời hẹn ước, Vĩ Sinh quyết không gặp không đi. Nhưng chung quanh chỉ có nước cuộn trào mà không thấy bóng dáng cô gái. Sinh một tấc không đi, một li không rời, dù có chết cũng ôm lấy trụ cầu nên bị nước lũ dìm chết. Phần cô gái thì bị cha mẹ nhốt chặt trong nhà nhưng đến nửa đêm nàng cũng trốn đi được. Đội gió gội mưa, nàng ra đến nơi ước hẹn thì cũng vừa lúc nước đang rút dần và nhìn thấy Vĩ Sinh ôm chặt trụ cầu mà chết. Cô khóc lóc thảm thiết rồi cũng trầm mình xuống dòng nước đang chảy mà chết theo chàng. (Nguồn: Báo thanhnien.vn)