*The Yellow River Piano Concerto - 黄河钢琴协奏曲: Hòa tấu Piano Hoàng Hà, lấy cảm hứng từ bài hát "Hoàng Hà Đại hợp xướng" trong thời kỳ Trung Quốc kháng chiến chống Nhật, năm 1969 được sáu vị nhạc sĩ cải biên thành bản hòa tấu cho đàn piano và rất được hoan nghênh trong Cuộc Đại cách mạng văn hóa vô sản. Bản concerto này đại diện cho tinh thần chiến đấu của người Trung Hoa và thể hiện quyết tâm của một quốc gia mới khai sinh, trong bối cảnh lịch sử đấu tranh lâu dài, sống động của sông Hoàng Hà.

*Khổng Tường Đông - 孔祥东 (22/10/1968): là một trong những nghệ sĩ dương cầm Trung Quốc nổi bật và năng động nhất trong làng âm nhạc quốc tế, được truyền thông ca ngợi là "Niềm tự hào của cả một thế hệ".

—---------------------------------------

Ôn Nguyệt An ngồi trên xe lăn, hơi gập người xuống nhìn thiếu niên nằm dưới gầm giường, nhẹ giọng gọi: "Sư ca."

Hạ Ngọc Lâu không có em trai em gái, lúc còn nhỏ rất thích làm anh trai, một hai cứ bắt Ôn Nguyệt An gọi mình là "anh hai" cho thỏa cơn nghiện.

Ôn Nguyệt An không chịu.

Hai người đều ngồi trên ghế đàn, Hạ Ngọc Lâu say sưa khoa tay múa chân, hắn đã cao hơn Ôn Nguyệt An không ít: "Anh vốn lớn tuổi hơn em, em gọi một tiếng anh trai thì có làm sao đâu?"

Ôn Nguyệt An nói: "Nhưng anh không phải anh trai em."

Hạ Ngọc Lâu phản bác: "Anh chính là anh trai em."

Ôn Nguyệt An: "Anh là con của cô Cố và thầy Hạ, em không phải."

Từ đầu cậu đã phân chia vai vế rành mạch, không cho mình là người nhà họ Hạ.

Hạ Ngọc Lâu suy nghĩ một lát, lục tìm từ tầng cao nhất trên giá sách chất đầy nhạc phổ quyển sách nhỏ hắn lén giấu —— một quyển truyện tranh kiếm hiệp cổ đại.

"Thôi được, em vốn nên gọi anh là anh trai, không gọi cũng không sao. Em ở nhà anh học đàn, lại nhập học sau anh, gọi sư ca chắc được chứ." Hạ Ngọc Lâu chỉ vào một khung tranh trong truyện, "Có điều, em xem này, 'nho dĩ văn loạn pháp, hiệp dĩ vũ phạm cấm*.' Chúng ta học đàn thì...... đại khái tính là võ đi. Nếu em đàn tốt hơn anh, vậy không cần theo quy củ này."

(*Nhà nho dùng văn loạn phép tắc, hiệp khách dùng võ phá ngăn cấm)

Khi đó Ôn Nguyệt An còn quá nhỏ, chỉ hiểu được một nửa: Hạ Ngọc Lâu muốn thi đàn với cậu.

Cậu đã chọn bài khó nhất, nhưng vẫn không thắng được.

Hạ Ngọc Lâu luyện đàn nhiều năm hơn Ôn Nguyệt An, đương nhiên chiến thắng rất nhẹ nhàng. Ôn Nguyệt An đàn bản nhạc khó năm phần, hắn đàn bản khó sáu phần là thắng được rồi, nhưng Hạ Ngọc Lâu xưa nay luôn thích hơn người, ở trường tiểu học trực thuộc Nhạc viện luôn đầu têu đi hạ thấp thể diện của người khác, vô cùng có năng lực, nhất định muốn đàn bản nhạc khó chín phần.

Hạ Ngọc Lâu đàn xong một bản, Ôn Nguyệt An vẫn nhìn chằm chằm vào ngón tay hắn, nửa ngày không nói lời nào.

Hạ Ngọc Lâu nở nụ cười —— lại là nụ cười như đang chơi xấu hoặc trêu chọc người khác.

Cười nửa ngày, hắn mới khoan thai nói: "Gọi đi nào."

Ôn Nguyệt An không gọi.

Hạ Ngọc Lâu nhướn mày, cong khóe miệng lên cao hơn nữa, lúc này hoàn toàn là muốn giở trò: "Thế thi lại lần nữa nhé?"

Ôn Nguyệt An mím môi: "Lần nữa."

"Không được." Hạ Ngọc Lâu cười lắc đầu, "Em phải gọi trước đã."

Ôn Nguyệt An không nói lời nào.

Hạ Ngọc Lâu đứng lên duỗi tay, lười biếng vươn vai, sau đó xoay người đi ra sân.

"Chỉ cần gọi là được thi lần nữa." Hắn cao giọng, dáng vẻ vừa nhàn nhã tự tại vừa vô cùng đắc ý, Ôn Nguyệt An chỉ cần nhìn bóng dáng từ sau lưng cũng biết hắn đang cười.

Qua nửa ngày, Ôn Nguyệt An mới do dự hướng ra cửa gọi một tiếng: "...... Sư ca."

Kỳ thật Hạ Ngọc Lâu đang dựa vào bức tường sát cửa, vừa thong thả cho cá chép ăn vừa chờ Ôn Nguyệt An gọi hắn, nhưng cuối cùng vẫn giả vờ mình không nghe thấy, muốn nghe nhiều thêm mấy tiếng nữa.

Đến khi hắn nghe thấy tiếng xe lăn chuyển động, liền dứt khoát nằm xuống bụi cỏ ngoài sân làm bộ đang ngủ.

Ôn Nguyệt An lăn xe đến cửa, gọi với ra bụi cỏ ở đằng xa: "Sư ca."

Chờ cậu hô thêm vài tiếng, Hạ Ngọc Lâu mới xoay người ngồi dậy, vỗ vỗ lá cỏ trên người, làm như không để tâm hỏi: "Chuyện gì?"

Sau đó, Ôn Nguyệt An thường xuyên thi đàn với Hạ Ngọc Lâu, ngoại trừ lần cuối cùng, còn lại cậu chưa từng thắng được hắn lần nào.

Cho nên tiếng sư ca này cậu phải gọi ròng rã từ tuổi nhi đồng đến tuổi thiếu niên.

Có một hôm, Ôn Nguyệt An tìm thấy Hạ Ngọc Lâu nằm dưới gầm giường mình, liền nói: "Sư ca, cô Cố nói em với anh phải đi luyện chép thư pháp."

Hạ Ngọc Lâu không mở mắt: "Chép cái gì?"

Ôn Nguyệt An trả lời: "《 Bia Tào Toàn 》."

*Bia Tào Toàn - 曹全碑: Tấm bia được dựng vào thời Đông Hán (23-220 SCN) để ca tụng công đức của Tào Toàn được khai quật ở Thiểm Tây, Trung Quốc. Đây là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho sự trưởng thành hoàn chỉnh của chữ viết chính thống cuối thời Đông Hán, nét chữ đều và ngay ngắn, vừa vuông vừa tròn, thanh tao đẹp đẽ, thường được dùng làm tư liệu để tập viết thư pháp. Chữ thời này gọi chung là viết theo lối Hán lệ.

Hạ Ngọc Lâu duỗi tay sờ một trang nhạc phổ che mặt lại: "《 Bia Tào Toàn 》quá ngay ngắn, không thú vị."

Ôn Nguyệt An thì muốn viết Hành thư* phong thái tao nhã, nhưng ngoài miệng lại nói: "Thế Bia Ngụy** thì sao?"

*Hành thư - 行书: một kiểu chữ Hán gần giống chữ Thảo nhưng dễ đọc hơn

**Bia Ngụy - 魏碑: chỉ chung loại ký tự được khắc trên bia đá vào thời Nam Bắc triều (420-588 SCN), thư pháp thời này mang phong cách chuyển tiếp, kế thừa quá khứ của Hán lệ và mở ra tương lai, đặt nền móng cho đường nét ký tự Trung Hoa hiện đại.

Hạ Ngọc Lâu nhắm mắt lại không biết nghĩ gì, qua nửa ngày mới bò ra khỏi gầm giường, lập tức trải giấy mài mực, nói là chép Bia Ngụy.

Cố Gia Bội thích Hán lệ, mà Hạ Ngọc Lâu thích Bia Ngụy giống Hạ Thận Bình.

Ngày Hạ Ngọc Lâu còn nhỏ, Hạ Thận Bình bắt hắn chép《 Bia Trương Mãnh Long 》* và 《 Bia Trịnh Văn Công 》*, chữ hắn có cốt cách mạnh mẽ như rồng như gấu, đều nhờ căn bản hay chép Bia Ngụy.

*Đều là bia đá khắc chữ có niên đại vào thời Nam Bắc triều (Bia Ngụy)

Nhiều năm về sau, Ôn Nguyệt An ghi chép lại hồi ký cũng cảm thấy quái lạ.

Cả một đời người có lẽ chỉ có vài ngày được xem là long trời lở đất, còn lại đều nhịp nhàng trôi qua không có gì bất thường. Thế nhưng ông lại miêu tả về những ngày bình thường nhàm chán đó quá nhiều, kể chuyện đánh đàn, kể chuyện luyện chữ, kể chuyện chơi cờ, giống như không biết mệt mỏi viết hết tờ này đến tờ khác về những chuyện vụn vặt, thậm chí lặp đi lặp lại, như thể không có ngày nào là không đáng để viết.

Còn đối với những sự kiện long trời lở đất, ông chỉ dùng vài nét bút nói sơ qua, thậm chí có trang giấy chỉ viết đúng một câu.

Ví dụ như, trong những tờ hồi ký về thời thơ ấu có một tờ chỉ viết hai dòng: Năm Nhâm Dần trời rét đậm, tuyết lớn, thầy Hạ bị người ta buộc tội là cánh hữu*, bị phạt đi lao động cải tạo ở xưởng đồ sứ, cô Cố dẫn chúng tôi ra ga tiễn thầy.

(*Trong thời kỳ Đại cách mạng văn hóa vô sản ở Trung Quốc, phe phái chính trị của ĐCS Trung Quốc bị chia rẽ rất mạnh, tất cả những người không theo (hoặc bị cho là không theo) phe Chủ tịch Mao Trạch Đông đều bị quy vào phe cánh hữu và bị trừng phạt dưới nhiều hình thức.)

Tuyết ở phương nam luôn kèm theo mưa phùn giá buốt, rơi xuống người liền tan thành nước, hơi lạnh thấm vào tận trong xương cốt, hơn nữa mưa tuyết còn bị gió thổi theo chiều nghiêng, che ô cũng không ngăn hết được.

Hạ Thận Bình xách hành lý, đeo ba lô, Cố Gia Bội ôm Ôn Nguyệt An, Hạ Ngọc Lâu và Hạ Ngọc Các che dù đi hai bên.

Đoàn người đạp băng tuyết đi đến ga tàu hỏa.

Mưa tuyết hôm ấy cũng không phải cảnh tượng đồng tuyết trắng mênh mang, tuyết dưới đất bị tan quá nhanh, còn bị chân người giẫm đạp lầy lội, nước bùn văng tung tóe lên hạt băng, chỉ cần bất cẩn chúng sẽ từ mũi giày thấm sâu vào trong vớ.

Xứ phương nam không hay có tuyết, Hạ Ngọc Các nhìn quanh một lát rồi hỏi: "Trong sách nói 'sơn vũ ngân xà, nguyên trì chá tượng'*, lại nói 'ngân trang tố khỏa, phân ngoại yêu nhiêu'**, sao con không thấy giống như thế?"

(*Sơn vũ ngân xà, nguyên trì chá tượng - 山舞银蛇, 原驰蜡象: đỉnh núi uốn lượn như rắn bạc, đồi nhấp nhô như voi trắng đang đi, câu miêu tả ẩn dụ vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng trong trời tuyết.

**Ngân trang tố khỏa, phân ngoại yêu nhiêu - 银装素裹, 分外妖娆: khoác trắng điểm bạc, xinh đẹp cực kỳ)

Hạ Ngọc Lâu nói: "Chị quên câu đầu tiên rồi, 'Phong cảnh Bắc Quốc'."

Hạ Ngọc Các không đồng ý: "Sao lại không công bằng như thế? Chẳng lẽ tuyết phương bắc mới sạch sẽ, còn tuyết phương nam thì dơ bẩn sao?"

Hạ Thận Bình chuyển hành lý sang bên tay cầm dù, tay kia sờ nhẹ đầu Hạ Ngọc Các, nhẹ nhàng nói: "Tuyết đương nhiên luôn sạch, chỉ có con người làm nó dơ bẩn mà thôi."

Suốt dọc đường Cố Gia Bội không nói gì, lúc này mới thấp giọng nói một câu: "Thứ dơ bẩn chính là con người."

Hạ Thận Bình thở dài: "Gia Bội."

Hai chữ này lập tức bị gió thổi bay mất, một cái tên giữa bầu trời mưa tuyết trở nên nhẹ tựa lông hồng.

"Lạnh quá, lạnh chết mất." Hạ Ngọc Các không cẩn thận giẫm trúng một vũng nước, vội vàng rụt chân về, "Bao giờ chúng ta mới đến ga tàu?"

Hạ Thận Bình bế Hạ Ngọc Các lên bằng một tay: "Nhanh thôi."

Đồng hồ lớn trên nóc ga tàu hỏa đã hiện ra hình dáng trong màn tuyết.

Cố Gia Bội siết chặt cánh tay ôm chắc Ôn Nguyệt An: "Đi bộ trong tuyết để hy vọng đường dài thêm một chút, nhưng vẫn là lần đầu tiên."

Mặt đất vang lên tiếng đạp tuyết lạo xạo.

Từng tiếng từng tiếng.

Phía trước truyền đến tiếng chuông báo hiệu.

Từng tiếng từng tiếng.

Bọn họ đến ga tàu, nhưng tàu hỏa vẫn chưa đến, Hạ Thận Bình lấy từ trong ba lô ra một túi kẹo: "Mọi người ăn đi."

Hạ Ngọc Lâu mở túi ra, chia cho Cố Gia Bội, Hạ Ngọc Các, Ôn Nguyệt An mỗi người một viên, sau đó nhét túi kẹo vào lại ba lô Hạ Thận Bình.

Trong trí nhớ của Ôn Nguyệt An, chính là vào ngày hôm đó, cậu cầm viên kẹo trên tay còn chưa kịp cho vào miệng, trông thấy Hạ Ngọc Lâu đứng trên sân ga trong gió lạnh phần phật, nhận hành lý trên vai Hạ Thận Bình, chỉ bằng thời gian con tàu màu xanh kia dừng lại mà trong phút chốc từ một đứa trẻ biến thành một thiếu niên.

Tiếng còi thật dài vang lên, tàu hỏa đã đến.

Tàu chỉ dừng trên ga đúng mười phút.

Hạ Ngọc Lâu xếp hành lý của Hạ Thận Bình lên giá, liếc nhìn đồng hồ trên nóc ga tàu, nói với Hạ Thận Bình còn đang đứng bên ngoài: "Ba, chỉ còn chín phút, ba lên tàu đi."

"Chín phút à." Hạ Thận Bình trầm ngâm, "Ngọc Lâu, con xuống đây."

Hạ Ngọc Lâu nhảy xuống tàu.

"Ngọc Lâu, con nhớ cho kỹ......" Hạ Thận Bình mở tay áo ra, cởi chiếc đồng hồ trên cổ tay mình, đeo lên tay Hạ Ngọc Lâu, "Chín phút, có thể đánh được hai lần bản《 Khúc ngẫu hứng giả tưởng 》của Chopin."

(*Khúc ngẫu hứng giả tưởng - Fantaisie-Impromptu in C‑sharp Minor, (Op. 66): được sáng tác năm 1834 và được xuất bản sau khi Chopin qua đời.)

Đồng hồ dây da màu nâu, mặt kim loại bạc, là nhãn hiệu tiếng nước ngoài Hạ Ngọc Lâu chưa từng thấy qua.

Hạ Thận Bình lúc này vẫn cao lớn hơn Hạ Ngọc Lâu rất nhiều, dây đồng hồ đã cài đến nút trong cùng nhưng vẫn lớn hơn cổ tay Hạ Ngọc Lâu một vòng.

"Ba đặt làm." Hạ Thận Bình nói, "Biết có một ngày sẽ đưa cho con, chỉ là không ngờ ngày đó...... tới sớm như vậy."

Ông nói xong thì đi đến bên cạnh Cố Gia Bội nhẹ nhàng nắm tay bà, lại nói với ba đứa trẻ: "Nguyệt An còn nhỏ, nhưng Ngọc Các và Ngọc Lâu thì không còn nhỏ nữa, biết ba phải đi đâu không? Đi cải tạo. Ba gây ra ít chuyện sai lầm, cho nên phải đi lao động cải tạo."

Hạ Thận Bình suy nghĩ một lát, ánh mắt đảo qua mắt ba đứa trẻ, giải thích: "Giống như những thứ dơ bẩn trên mặt đất, cần phải bị quét đi."

Hạ Ngọc Các hỏi: "Ba, ba làm sai chuyện gì?"

Hạ Thận Bình phóng tầm mắt tìm điểm cuối đường ray, mãi cho đến khi phải lên tàu xuất phát cũng không trả lời.

Ông bước lên bậc thang sắt, quay đầu lại nói: "Ba cũng không biết, nhưng mà ——"

"Tu ——"

Tiếng còi tàu thật dài cùng với tiếng đoàn tàu lăn bánh ầm ầm vang lên át đi giọng nói của Hạ Thận Bình.

"Nhưng mà, âm nhạc luôn trong sạch, đàn, đương nhiên cũng trong sạch."

Đứng trước cỗ máy khổng lồ, âm thanh của một người luôn quá yếu ớt, cho dù có nói gì cũng chỉ là phát ra âm thanh cho chính lòng mình nghe.

Hạ Ngọc Lâu đuổi theo xe lửa, kêu lên: "Ba, ba vừa nói gì thế?"

Hạ Thận Bình lấy túi kẹo vừa rồi ra khỏi ba lô, ném về phía Hạ Ngọc Lâu đuổi theo sau tàu: "Chỉ cần một ngày ba còn sống thì con vẫn là trẻ con, vẫn được tiếp tục ăn kẹo."

Cái túi tan tác giữa không trung, kẹo văng đầy đất. Bao kẹo này chỉ có một cái gói lớn, không có giấy gói từng viên kẹo, mặt ngoài kẹo lập tức bị lấm lem đầy đất cát.

Cái túi bọc bên ngoài bị gió thổi dạt qua một đường ray khác, nhanh chóng bị một đoàn tàu đen như mực nổ máy vang dội xẹt qua nghiền cho nát bấy.

Bóng con tàu màu xanh ngày một nhỏ dần, cuối cùng biến mất giữa trời mưa tuyết.

Hạ Ngọc Lâu quỳ dưới đất, nhặt từng viên kẹo lên nhét vào miệng, không biết đã ngậm bao nhiêu viên, mãi cho đến khi miệng không chứa nổi nữa mới thôi.

Hắn mang quai hàm căng phồng trở về, trong tay còn ôm theo một nắm kẹo nhặt từ dưới đất.

Cố Gia Bội nói: "Ngọc Lâu, đừng ăn nữa."

Hạ Ngọc Lâu ngậm một miệng kẹo cứng ngắc, khó khăn kéo khóe môi lên cười nói: "Con chỉ còn được ăn ngày hôm nay nữa thôi."

Ôn Nguyệt An lấy một viên kẹo từ trong tay Hạ Ngọc Lâu, cũng nhét vào miệng mình.

Đó là ngày cuối cùng trong đời Hạ Ngọc Lâu ăn kẹo, nhưng Ôn Nguyệt An vẫn được ăn thêm rất nhiều năm, đều là Hạ Ngọc Lâu cho cậu.

Một năm đó, không ai bắt bọn họ chép Bia Ngụy nữa, thế nhưng Hạ Ngọc Lâu vẫn tiếp tục chép đều đặn, chép rất nhiều, chờ đến ngày Hạ Thận Bình trở về, chồng giấy chép Bia Ngụy đã cao bằng đầu người.

—-------------------------

Đang có mood xin đừng đọc...

Tại sao trong truyện đề tài Âm nhạc cổ điển mà em còn phải học cả thư pháp với lịch sử vậy tác giả ơi??:D Chị có biết là em đi GG với baidu riết rồi trên mạng xã hội em nó toàn quảng cáo sách học với vở tập viết thư pháp không dị??? OTL

À mà vì đây là điểm mù tri thức của mình, không hề tự tin về độ chính xác nên kiến thức coi đại khái tham khảo để phục vụ việc đọc hiểu nội dung truyện thôi nha, nhiều khi dịch phần râu ria không đúng lắm phát tán sai thông tin thì mình lại thành tội đồ mất...

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play