Hồ Cường bị chém lắm nhát, mất máu nhiều, khi đến bệnh viện thì đã hôn mê. May mà chưa bị thương vào chỗ phạm, không lâu sau đã hết nguy hiểm. Thôi Minh Trí cũng không bị gì nặng nhưng lại phải khâu hai mấy mũi như lần trước, cũng bị ám ảnh tâm lý ra trò.
Hoa Quả Lĩnh nguy hiểm đầy rẫy, lần trước thì hứng đá, lần này ăn dao, chỉ sợ dự án chưa hoàn thành đã đi đời nhà ma.
Buổi tối, Hồ Cường tỉnh lại, thấy hắn đang ở bên giường bệnh chỉ đạo hộ lý chăm sóc mình, lòng cảm kích lấn át ngờ vực, nhân lúc hộ lý không có mặt quay sang xin lỗi hắn thật lòng.
“Tiểu Thôi, may có cậu mà tôi mới giữ được tính mạng. Chuyện lần trước là tôi hiểu lầm cậu. Cậu là thằng đàn ông đàng hoàng, không biết làm cái việc đâm thọc mách lẻo.”
Thôi Minh Trí mất rồi lại được, cuối cùng cũng nhặt được tí vui mừng, rộng lượng an ủi anh ta: “Đồng nghiệp với nhau cả, có chỗ hiểu lầm nhỏ thì giải thích rõ là xong. Bác sĩ bảo tay chân anh đều không sao đâu, nhưng cũng phải dưỡng thương mươi hôm đấy.”
Hồ Cường nghe nói công an đã bắt tay vào điều tra, mai còn sẽ đến tìm anh ta để lấy lời khai, hỏi: “Cậu bảo bọn kia là dạng gì? Tôi trông không giống cướp đường.”
Thôi Minh Trí đoán anh ta cũng có cái nhìn riêng, thở dài: “Tôi cũng thấy không giống. Chắc chắn là Bì Phát Đạt sai đến. Bọn nó tuy xuống tay phũ đấy nhưng lại cố tình không gây thương tích chỗ hiểm yếu, rõ ràng chỉ muốn doạ dẫm chúng ta.”
Bì Phát Đạt hoành hành ở xã Liên Hoa không kiêng dè gì, tay chân lâu la thành đàn, không ít người địa phương bị y đánh đập đến tàn phế. Vừa rồi hẳn là y căm bên công ty lên huyện uỷ tìm viện binh, lôi thư ký của chủ tịch huyện về răn dạy y nên mới xúi bẩy bọn trẻ trâu chặn đường úp sọt.
Cái này toàn là phỏng đoán, chẳng có chứng cứ, chẳng ai làm gì được y.
Hồ Cường định ngồi dậy nói chuyện, vô tình động đến vết thương, đau nghiến răng trợn mắt, ôm nỗi hờn, mắng: “Đám chó đẻ này quá coi thường phép nước, phải bắt hết chúng nó lại bắn sạch!”
Tập đoàn Quan Vũ trình báo vụ này lên công an tỉnh, cảnh sát đặc biệt chú ý, cử người lập tổ chuyên án điều tra. Nhưng sự việc xảy ra ở địa điểm hẻo lánh quá, không có thiết bị theo dõi, cũng không có người chứng kiến, manh mối duy nhất là hình ảnh do camera hành trình của ô tô ghi lại và dấu vân tay của đám côn đồ để lại trên xe. Xã Liên Hoa mấy chục ngàn người, việc đối chiếu sàng lọc cần thời gian, trong ngắn hạn khó phá án được.
Việc sửa quốc lộ về lại cái máng lợn, dân thôn Bạch Liên vẫn không ngừng tìm đến gây sự, dân thôn bên cũng mượn gió bẻ măng, hùa theo để vòi tiền. Ban ngày thì chặn đường ra oai, ban đêm đổ rác thải sinh hoạt vào công trường, vứt cả phân người lẫn phân súc vật. Có người là họ hàng đàn em của Bì Phát Đạt còn táo bạo trắng trợn phi xe tải đến lấy trộm xi-măng cát đá phục vụ việc làm đường.
Công an xã Liên Hoa lực lượng mỏng, lưới mắt to không ngăn được tôm cá bé, gặp mấy ông già bà cả ngang ngược lại càng bó tay. Chủ tịch huyện kiến nghị bên thi công đàm phán với đại diện của thôn, sẵn sàng tốn tiền đổi bình yên.
Thôi Minh Trí đến gặp bí thư đảng uỷ xã Ngưu Bảo Hà xin giúp đỡ. Ông chú này ngồi im rít thuốc nghe hắn kể khổ xong, cũng như thợ cắm hoa ôm cây xương rồng, kêu giời lên vì khó.
“Tiểu Thôi, tôi không trốn tránh trách nhiệm đâu nhưng tình hình xã này phức tạp hơn anh tưởng nhiều. Xã Liên Hoa có 13 thôn, Tết nhất tôi toàn phải xách quà cáp đến biếu nhà giàu các thôn. Chuyện kiểu này người thành phố các anh nghe chắc không tin nhưng sự thật nó đúng như thế đấy. Chúng tôi cũng chẳng muốn đâu, nhưng công tác ở cơ sở cần phải trông vào mấy nhà giàu đó. Họ mà không ủng hộ thì các việc đào mương khoan giếng, trồng cây khai hoang, sửa sang điện nước dù có đem lại lợi ích cho dân cũng chẳng triển khai được.”
Thôi Minh Trí nhà ở quê, biết những điều ông ta nói đều là sự thật. Chính quyền cơ sở suy yếu, khoảng trống quyền lực chừa đất phát triển cho đám người “cầm đầu nông thôn”. Họ có thể đóng vai trò hỗ trợ việc quản lý xây dựng địa phương. Người phẩm chất tốt thì gọi là “người hiền làng quê”, kẻ đạo đức kém thì thành “cường hào ác bá”. Không có một mô hình nào phù hợp với tất cả, đây cũng là mấu chốt của sự buông lỏng quản lý từ các ban ngành ở trên.
“Bí thư Ngưu, quê tôi cũng ở nông thôn Tây Bắc. Tình hình ở đấy cũng không khác ở đây là bao. Từ khi các cấp uỷ đảng ở nông thôn tan rã, làng quê liền biến thành cõi riêng của các dòng họ. Hơn nữa, phần đông nông dân thiếu ý thức về quyền lợi, rất nhiều du côn ác bá nhờ mua chuộc mà trúng cử thành cán bộ thôn. Nghe bố mẹ tôi bảo, hồi trước đi bầu cử còn nhìn thấy phiếu bầu, giờ thì chẳng thấy mặt mũi cái phiếu đâu. Dòng họ này làm trưởng thôn mấy năm lại bán chức cho dòng họ khác lấy mấy trăm ngàn. Dân làng bình thường chẳng có tiếng nói gì cả.”
Ngưu Bảo Hà nghe thế càng cảm thán: “Muốn thay đổi tình trạng này thì phải củng cố tổ chức đảng cơ sở, chờ chính sách thành thị và nông thôn thống nhất như nhau thì mới mong có chuyển biến tốt. Nhưng đây có phải việc xong được trong một sớm một chiều đâu.”
Dù sao thì trong thời gian thực hiện dự án Hoa Quả Lĩnh cũng đừng mong gì.
Thôi Minh Trí ủ ê cạn lời, trái lại còn thành thùng nước gạo cho ông Ngưu trút hết nỗi niềm oán thán vốn chỉ dám kể lể với người ngoài.
“Bây giờ công việc chính của cán bộ xã chúng tôi là hỗ trợ hộ nghèo, tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng và thúc đẩy điều chỉnh ngành nông nghiệp. Nghe có vẻ toàn việc ất ơ, chi tiền là xong, nhưng ở quê nhắc đến tiền thì mệt lắm. Nếu ai cũng nghèo còn đỡ, bình an vô sự. Có tiền một cái là so bì hơn kém. Mày lấy thừa một xu tao nhận thiếu một cắc cũng có thể đánh nhau vỡ đầu chảy máu. Chuyện bét nhè anh có thể tưởng tượng hay không thể tưởng tượng được đều lôi ra tranh cãi ỏm tỏi. Các anh đến làm dự án, tiếng tăm lớn đến mức ai cũng biết nó là món béo bở. Bao nhiêu người đã ngóc cổ chờ được đớp vài miếng. Có đòi hỏi vô lý gây rắc rối cũng yên tâm vì cảnh sát muốn bắt họ cũng đau đầu. Anh bảo Bì Phát Đạt xúi giục dân làng cản trở việc xây dựng của các anh, nhưng nó là cán bộ do dân làng bầu ra thông qua bầu cử dân chủ, chính quyền xã cũng chẳng làm được gì chúng nó. Trừ lương cán bộ thôn ư? Chúng nó không thèm khoản tiền đấy luôn nhé. Bầu cử lại ư? Chúng nó người đông thế mạnh, họ hàng bạn bè cả đống, lại mua chuộc một số người nghĩ ngắn, cuối cùng người được bầu lên lại là nó hoặc vây cánh nhà nó, bảo người ta phải đối phó làm sao? Đừng nói một bí thư đảng uỷ xã như tôi, đến bí thư huyện uỷ động vào cũng toạc cả đầu ấy chứ.”
Chứ còn gì nữa! Lúc trước Lư Bình chính vì kiềng đám Bì Phát Đạt nên mới kiên quyết ấn công trình sửa đường vào tay Bất động sản Quan Vũ, muốn họ làm quân tiên phong mở lối tấn công ổ phỉ. Việc xong xuôi anh ta không tốn quân tốt nào, tranh công đòi thưởng, chẳng cần biết phận râu ria bên dưới đầu rơi máu chảy ra sao. Thật là bôi dầu vào đầu kim, vừa nhọn vừa trơn (vừa quái vừa gian).
Thôi Minh Trí loay hoay ở xã Liên Hoa năm hôm, hết đường xoay xở còn bị thương tích bầm dập, tái dại gọi Soái Ninh xin chi viện.
(Hết phần 49, xin mời đón đọc phần 50. Nếu muốn đọc các phần trước, xin mời click vào dòng chữ Album Tiểu thuyết “Người nối nghiệp chân chính” phía trên!)
Người dịch: Trần Thị Minh Đức & Trần Thu Trang (FB/VerandadeJulia)
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT