Gặp lại bà Mun Minh Khánh rất vui mừng. Trưa hôm đó Minh Khánh đãi bà một bữa cơm cá nướng tươm tất. Bà Mun vừa nhồm nhoàm chén cơm, vừa kể cho Minh Khánh nghe về chuyến phiêu lưu của bà. Thì ra trên đường từ chùa Khánh Lương trở về, lúc qua trấn Thanh Đô, bà Mun tình cờ gặp được một người bạn cũ. Đó là một con cáo thành tinh tên là Rau Heo. Hiện giờ nó đang là sủng vật số một của Vân Thanh Nương Nương trên núi Sầm. Bà Mun thấy Minh Khánh lộ vẻ nghi hoặc bèn giải thích. Con cáo có cái tên như vậy bởi vì trước khi thành tinh, nó chỉ là một con cáo tầm thường. Thời bấy giờ ở vùng mà nó sống, việc trộm gà trộm vịt cực kỳ khó khăn và nguy hiểm. Người dân tìm mọi cách để săn lùng những vị khách không mời như nó. Kiếm ăn khó khăn buộc con cáo phải chén rau để sống qua ngày.

Trong một lần vào nhà người ta ăn trộm, bị truy sát gấp quá, con cáo phi thân vào cái máng lợn của nhà chủ. Cũng nhờ đó, nó phát hiện ra một món ngon thú vị là rau heo trộn cám. Thế là những khi đói kém, con cáo lại mò vào tranh ăn rau với đám heo. Sau này trong một lần đang sục mõm trong máng, con cáo vớ được một cây rau khoai lang thành tinh. Thế là con cáo cũng trở thành cáo tinh. Mấy chục năm sau, nó lại vớ được một cây rau muống thành tinh. Lần này con cáo bắt đầu học được phép thuật. Dần dần nó nổi danh trong đám yêu tinh và được đặt biệt danh “Rau Heo”. Con cáo cố gắng từ chối cái tên không lấy gì làm đẹp nhưng không may cho nó, chỉ ít lâu sau nó bị Vân Thanh Nương Nương bắt làm sủng vật. Nàng đưa con cáo về núi Sầm. Từ đó cái tên Rau Heo được gắn liền với con cáo.

Hai người bạn một mèo một cáo sau ba trăm năm mới gặp lại nhau, mừng mừng tủi tủi, nước mắt lã chã. Thế rồi một mèo một cáo cùng nhau thức suốt một đêm trên mái nhà để kể cho nhau nghe chuyện cũ. Tình bạn vượt qua biên giới của giống loài càng trở nên thắm thiết và hữu nghị hơn khi Rau Heo rủ bà Mun đi đánh chén. Như thường lệ bà Mun không bao giờ từ chối những bữa ăn, hơn nữa là những bữa ăn chùa thế này. Hậu quả là trong cơn chè chén quên trời đất, và bà Mun vô tình chậm mất chuyến xe trở về nhà. Thế là bà đi theo con cáo ăn ăn uống uống suốt mấy ngày cho đến khi con cáo cạn tiền phải về núi xin nương nương tiếp viện. Lúc này tứ cố vô thân, không xu dính túi, bà Mun đành lê tấm thân ục ịch nhảy xe ngựa chui để về phủ lộ Bình An tìm Minh Khánh.

Trên đường về, nhờ vào mùi Minh Khánh để lại trên gốc cây, bà Mun mới lần theo dấu vào làng tìm hắn. Ăn no rồi, bà nghiễm nhiên nhảy phốc lên vai Minh Khánh, nằm chiễm chệ. Một người một mèo lững thững trở về nhà ông cụ Trầm để thu dọn đồ đạc. Về đến cửa Minh Khánh đã nghe tiếng cười nói râm ran trong nhà. Bà Mun thì vểnh mũi, “Khịt khịt” mấy tiếng rồi phán: “Chắc chắn có heo quay.” Minh Khánh phì cười, cảm thấy bà càng ngày càng giống họ gâu. Bà Mun không thèm để ý cái nhìn chế giễu của hắn, tiếp tục vểnh râu liếm mép. Bước qua con ngõ nhỏ giữa hàng râm bụt, chưa đến sân thì Minh Khánh đã nghe tiếng cụ Trầm gọi. Hắn đành bước vào căn nhà chính.

Vợ chồng ông cụ Trầm đang tiếp đãi khách. Đó là đôi vợ chồng già có đứa con bị bệnh mà Minh Khánh đã gặp trong đêm. Minh Khánh thấy cụ Trầm gọi bà ta là bà Cung. Hai vợ chồng già thấy Minh Khánh có vẻ mừng rỡ, đều đứng lên, cúi lạy: “Lạy thầy ạ. Thầy đã đỡ bệnh chưa ạ?” Minh Khánh sửng sốt nhưng theo bản năng vẫn cúi thấp đầu đáp lễ lại. “Cảm ơn ông bà đã quan tâm, bần đạo đã đỡ nhiều rồi.” Ông cụ Trầm cười, nói hộ: “Hôm trước, hai ông bà được thầy dặn dò, về nhà làm theo. Hôm nay con trai ông bà đã khỏi bệnh, có thể đi học, đi cày được rồi. Hai ông bà liền sắm sửa lễ mọn đến tạ thầy.” Minh Khánh nhìn trên bàn, trong mâm ngoài nải chuối, còn có một con lợn quay vàng, và một đĩa xôi lớn. Bên cạnh còn có một bao màu đỏ chắc là đựng tiền.



Hai ông bà Cung cũng nói: “Nhờ ơn thầy, con trai chúng con cuối cùng cũng được bình an vô sự. Ơn thầy gia đình chúng con không biết cảm tạ thế nào cho hết. Hôm nay chúng con sắm sửa lễ mọn, của ít lòng thành đến tạ thầy ạ.” Minh Khánh xua tay: “Bần đạo cũng không làm gì to tát cả. Hai ông bà cứ quá lời. Lễ này xin ông bà mang về đi.” Bà Cung thưa: “Ấy chết, xin thầy đừng khách khí. Không có thầy thì đến khi xuống đất vợ chồng chúng con cũng chẳng nhắm mắt nổi vì không biết đời con đời cháu rồi sẽ ra sao. Với thầy chỉ là việc nhỏ, với gia đình chúng con đó là ơn mấy đời không hết.” Hai người cùng cụ Trầm nói mãi Minh Khánh cuối cùng mới chịu nhận lễ.Thế nhưng Hắn chỉ nhận lợn quay, xôi chuối, còn túi bạc, hắn nhất quyết bắt ông bà Cung cầm về.

Trong lúc chờ ông cụ Trầm dọn cơm, ông bà Cung vừa uống nước, vừa kể chuyện cho Minh Khánh nghe. Câu chuyện bắt đầu từ hai mươi năm trước, khi cha mẹ bà Cung mất cùng trong một năm, để lại cho bà Cung căn nhà cùng người em gái ít tuổi. Bà Cung sống cùng một người em gái trong căn nhà thừa kế của cha mẹ. Cuộc sống êm đềm cứ trôi đi cho đến lúc bà Cung lấy chồng. Đó là lúc tình cảm chị em bị rạn nứt. Căn nhà, ruộng vườn bố mẹ để lại trở thành thứ khiến chị em bà mẫu thuẫn với nhau. Có những lúc không giải quyết nổi, phải mời họ hàng, láng giềng đến để giải quyết.

Cuối cùng nhờ vào một số tiền lớn hối lộ cho lý trưởng, bà Cung thắng kiện và chiếm được căn nhà cha mẹ để lại. Cô em gái được bà bồi thường cho một số vàng, nhưng không có nhà phải bỏ làng mà đi. Bà Cung lúc đầu cũng có lo lắng cho em nhưng sau vì công việc đồng áng, buôn bán lại mang thai đứa con đầu long, bà cũng quên mất. Mãi cho đến lúc con trai ông bà được ba tuổi, thì bà mới gặp lại em gái.

Đó là một đêm mưa rả rich. Bà Cung đang ngủ thì có tiếng chó sủa. Bà dựng chồng dậy, nói với ông: “Mình ơi, hình như có ai đang đập cửa.” Chồng bà càu nhàu mấy tiếng rồi cũng đốt đèn, khoác áo đi ra ngoài sân. Bà Cung thì đứng nơi cửa. Gió lạnh từ ngoài thổi vào làm bà run run. Một lúc sau bà nghe chồng hô: “Mình ơi, có ai đang nằm ngoài cửa.” Bà nghe vậy cũng chạy ra ngoài. Chồng bà vội vàng mở cổng. Bà Cung rọi đèn lên. Đó là một người phụ nữ gầy gò với cái bụng to tròn như đang mang thai. Bộ quần áo nâu sồng rách không đủ để che hết da thịt khiến nhiều chỗ tím tái vì lạnh. Lúc này, tóc người phụ nữ xõa r ache hết khuôn mặt khiến bà Cung cũng không nhận ra là ai. Bà Cung giục chồng: “Mình ơi, mau đỡ người ta vào nhà. Lạnh thế này để người ta nằm đây thì chết mất.”

Chồng bà nghe lời đỡ người phụ nữ vào nhà. Bà Cung xuống bếp đun ít cháo nóng. Lúc bà bưng bát cháo lên thì nghe chồng gọi, giọng hoảng hốt “ Mình ơi, mình ơi..” Bà Cung chạy lên nhà thì thấy máu đang chảy ra từ giữa hai chân người phụ nữ. Bà Cung vội giục chồng đi tìm thầy lang. Trong lúc chồng đi tìm thầy, bà Cung định cho người phụ nữ ăn cháo nóng. Vén tóc người phụ nữ lên, bà Cung mới nhận ra đấy là khuôn mặt quen thuộc của em gái. Bát cháo tuột khỏi tay rơi cái choang, cháo nóng văng tung tóe. Bà Cung vừa cảm thấy sợ hãi, vừa cảm thấy đau long, cháo nóng rơi đầy trên chân nhưng bà không để ý, chỉ đưa tay lên vuốt ve khuôn mặt em gái một lúc lâu. Có vẻ như bị cháo nóng làm tỉnh giấc, người phụ nữ mở mắt ra, nhìn thấy bà: thốt lên hai chữ: “Chị ơi!” rồi lại ngất đi.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play