Mười sáu tuổi, biệt danh của tôi là “Anh Đào Lớn”.
Anh đào, đồng âm với tên của tôi – Đào Oánh.
Bạn cùng bàn của tôi – Hạ Vi Vi từng nói: “Đào Oánh, cậu giống anh đào thật đấy! Cậu biết không, hạn sử dụng của anh đào không đến hai mươi ngày,
cho nên nó là loại quả dễ bị hỏng nhất.”
Khi nói những lời này, cậu ta ngẩng cao đầu, gương mặt trắng nõn và cần cổ
thon dài tạo thành một đường cong tuyệt đẹp, như được mạ một lớp màu
vàng óng dưới ánh mặt trời rực rỡ.
Mà ở xung quanh tôi, sẽ vang lên vô số tiếng cười thầm.
Tôi không để ý đến cậu ta, chỉ cúi đầu chăm chăm nhìn vào sách. Nhưng một
chữ tôi cũng không bỏ vào mắt, bởi vì tiếng cười không che giấu xung
quanh khiến trong đầu tôi tràn ngập xấu hổ và nhục nhã. Tay tôi khe khẽ
run, có cái gì đó thấm đẫm lông mi tôi, nhưng đã bị kìm nén lại, dù khóe mắt cay cay vẫn không trào ra được.
Mười sáu tuổi, ấy là thời thanh xuân đầy oan ức của tôi.
Nhưng mà tôi đâu có tư cách gì để phản kháng? Tôi của mười sáu tuổi có gương
mặt bầu bĩnh, trên mặt còn có vài nốt mụn ảnh hưởng đến thị giác, thành
tích thì không tốt, top 60 trong một lớp có 71 người; tính cách thì lầm
lì, nhưng là một người rất hay đọc trộm sách ngoại khóa [1], bị giáo
viên bắt được rất nhiều lần, viết kiểm điểm cũng nhiều không kém. Không
xinh đẹp, không thông minh, không hướng ngoại, không cầu tiến, cho nên
chẳng ai thích tôi.
[1] Loại sách nằm ngoài chương trình học, ví dụ như truyện, tiểu thuyết, sách báo,…
Hơn nữa, ngoài không đẹp và không thông minh ra, tôi còn thuận tay trái.
Mặc dù tay tôi chẳng khác gì những cô gái khác — trắng trẻo, thon dài,
trông rất mảnh khảnh. Nhưng mà tay trái của tôi giống như có linh hồn
vậy: Nó giống như tay phải của người khác, có thể viết chữ đẹp bằng bút
máy, có thể vẽ rất nhiều hình chibi sống động ở đầu và cuối sách giáo
khoa, cũng bởi vì như thế cho nên nó có vẻ quá khác biệt.
Không một ai muốn ngồi phía bên trái tôi.
Bởi vì điều đó có nghĩa là: Khi người đó đang hùng hục chép bài, chỉ cần lơ đãng một tí, bị khuỷu tay trái của tôi chạm vào một cái, dòng chữ tự
nhiên bị lệch ra, thế là toang. Thậm chí một âm thanh “lạch cạch” vang
lên, bút trên tay rơi thẳng xuống đất. Có lẽ đó chỉ là một âm thanh rất
nhỏ, nhưng vì nhiều lần như vậy cho nên sẽ nhận lại vài ánh mắt: Cảm
thông, phiền chán, hả hê khi người khác gặp họa,… Ánh mắt vô cùng kỳ
quặc mang theo một chút khó xử khiến cho tôi càng thêm xấu hổ.
Cho nên, không có ai muốn ngồi cùng bàn với tôi.
Và mỗi lúc ấy, tôi có thể nghe thấy tiếng thở dài cố ý phóng đại của Hạ Vi Vi, và cả tiếng phàn nàn của cậu ta: “Anh đào thật là dễ hỏng, dính đến là khó chịu.”
Tôi cắn răng, trầm mặc. Nhưng bàn tay cầm bút đang siết lại, đến nỗi mạch máu trên mu bàn tay nổi lên rõ ràng.
Mười sáu tuổi, ấy là thời thanh xuân ngấm ngầm chịu đựng của tôi.
Hạ Vi Vi là cô gái như vậy — từ tỉnh thành chuyển đến thành phố nhỏ bên bờ biển của chúng tôi, chắc hoàn cảnh gia đình cũng không tồi. Mặc dù
không quá xinh đẹp, không quá xuất chúng nhưng mọi thứ đều tạm được. Là
một cô gái thích nói chuyện, có tính bất cứ lúc nào ở bất cứ đâu cũng
thích nêu lên cái nhìn của bản thân, dù đó là nhận xét không tốt đi
chăng nữa.
Hơn nữa tôi biết, vì đổi chỗ
ngồi, Hạ Vi Vi đã đi tìm chủ nhiệm lớp ít nhất ba lần. Nhưng chủ nhiệm
lớp không đồng ý với yêu cầu của Hạ Vi Vi, cô ấy chỉ đổi vị trí của tôi
và Hạ Vi Vi — bây giờ, Hạ Vi Vi ngồi bên phải tôi. Thế là tôi không còn
chạm phải bút của Hạ Vi Vi nữa.
Nhưng mà
vì phòng học nhỏ cho nên cứ hai bàn ngang lại được xếp cạnh nhau. Mà
trong lớp tôi có một quy tắc bất thành văn, chính là cứ hai tuần chỗ
ngồi của mọi người sẽ được chuyển sang bên phải theo chiều kim đồng hồ,
nghe nói như vậy tốt cho thị lực. Vì thế, cứ hai tuần sẽ có người phải
ngồi cạnh tôi, cũng sẽ có người luôn bị tôi đụng vào.
Dần dần, tôi quen với việc nhìn thấy bạn học bên tay trái nhíu mày, có khi còn phát ra âm thanh bực bội mất kiên nhẫn.
Ngoại trừ im lặng, tôi còn có thể làm gì được nữa?
Mười sáu tuổi, giá trị của cuộc đời chính là đi học và đi thi. Lúc thành
tích tốt sẽ vui vẻ, mà khi thành tích không tốt thì chỉ biết bày tỏ nỗi
buồn cho riêng mình.
Cuộc trò chuyện thường thấy sẽ như thế này:
“Cậu hạng mấy? Bao nhiêu điểm?” Giọng điệu bình tĩnh, pha lẫn chút quan tâm tò mò.
“Có ích gì đâu, chín mươi mấy cũng không đỗ đại học, tớ học lệch.” Nói đi nói lại, vẫn nhắc đến chuyện thi đại học.
Tất cả mọi người đều đã từng như vậy đúng không?
Nhưng với tôi thì không.
Mười sáu tuổi, tôi không thích những bài tập lặp đi lặp lại nhiều lần vẫn
không hiểu, không thích những giáo viên trong đầu toàn là “đại học”,
“thi vào đại học”, tôi biết tôi chắc chắn không thi đậu đại học, nhưng
mà tôi cũng không biết đỗ đại học có gì hay — bởi vì tôi không biết tôi
nên thi vào đâu, học cái gì. Đối với tôi, thi đại học là một mệnh đề vô
nghĩa, xem nhẹ nó đã lâu, dần dần cảm thấy nó chẳng còn liên quan đến
mình nữa.
Thực ra chẳng ai biết rằng: Mỗi ngày tôi đến trường đi học, sống ngày nào hay ngày nấy, là bởi vì ngoại trừ đi học ra tôi chẳng biết mình có thể đi đâu được nữa.
Nhưng có thể thấy, cô Vương chủ nhiệm lớp rất là đau đầu với tôi.
Giống như bây giờ — đây là lần thứ ba trong tháng cô Vương nổi giận trước mặt tôi.
“Đào Oánh, em có còn muốn thi đại học nữa không?” Cô Vương tóc hoa râm tức
giận phát run, trên tay cô ấy là cuốn tiểu thuyết tôi mới đọc được một
nửa, xung quanh im lặng, không có bất kỳ tiếng động nào.
Là tiết ngoại ngữ, tiết ngoại ngữ của cô Vương chủ nhiệm lớp, thế mà tôi lại đọc tiểu thuyết!
Tôi đứng dậy, khoanh tay, trông rất ngoan ngoãn. Chẳng phải lần đầu bị bắt
được, không xấu hổ, không chán nản từ lâu rồi. Mắt liếc nhìn những người xung quanh: có người ngẩng đầu, nhưng lại nhanh chóng cúi đầu xuống,
vùi đầu đọc sách giáo khoa tiếng Anh. Ai cũng có tương lai của mình, tôi chẳng giống bọn họ chút nào.
“Đào Oánh,
gọi cha mẹ em đến.” Cô Vương cố gắng kìm nén cơn tức giận của mình,
nhưng tôi vẫn có thể cảm nhận được năng lượng rất lớn, hay nói cách khác là áp lực, tích tụ xung quanh tôi.
Tôi không nói gì, chỉ cúi đầu.
Lúc này, ở phía trước bên trái tôi, có một ánh mắt nhìn sang. Có lẽ chỉ lơ
đãng lướt qua, nhưng trong nháy mắt tôi ngẩng đầu lên ấy, đột nhiên chạm phải ánh mắt của cậu.
Trong nháy mắt ấy, tôi chợt ngây người.
Trương Dịch?!
Trong lớp này, Trương Dịch là người duy nhất tôi không muốn bộc lộ sự nhếch nhác, xấu hổ của bản thân trước mặt cậu ấy.
Mặt tôi lập tức đỏ bừng, như thể cuối cùng cũng nhớ ra điều gì đó, hận
không thể chui xuống một cái lỗ nẻ nào đó, càng sâu càng tốt. Trong lòng thầm nghĩ: Sao cậu ấy lại ngoảnh đầu lại? Vì sao lại là cậu ấy? Vì sao
phải ngoảnh đầu nhìn lúc này? Vì sao lại là tôi?
Một trái tim, một trái tim không biết hối cải, một trái tim chẳng quan tâm
đến điều gì, trong khoảnh khắc ấy đã chìm xuống vực sâu vạn trượng, tựa
như chiếc thuyền chìm vào biển sâu.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT