Năm đó Diệp Trình lên sáu tuổi, trước giờ nó vẫn theo cha mẹ bôn ba bên ngoài làm công kiếm tiền, là bảo bối của cha mẹ, cho dù sau này có thêm một đứa em gái, cha mẹ vẫn như trước mang nó theo bên người, còn em gái nó Diệp Bình vừa cai sữa xong đã được đưa về quê, gửi nuôi trong nhà cô nó.
Thẳng đến hai năm trước, cha nó đột nhiên đổ bệnh, đưa đến bệnh viện kiểm tra ra là bị Aids, không đến một năm thì qua đời. Hai mẹ con nó quay về thôn sống. Bởi vì mẹ Diệp Trình sau khi kiểm tra cũng phát hiện bị Aids, nên tuy rằng khi đó trong nhà đã chẳng còn tiền, nhưng mẹ nó vẫn chạy vạy vay mượn từ thân thích để đưa hai con đi kiểm tra. May sao cả hai đứa nhỏ đều không dính phải loại virus đáng sợ này.
Vì thế, em gái Diệp Bình vẫn tiếp tục sống trong nhà cô ruột, còn Diệp Trình, mẹ nó mấy lần muốn đưa nó đi, nhưng bất đắc dĩ chẳng ai nguyện ý thu nhận nó cả.
Vào những năm đầu thập niên 90, hiểu biết của mọi người về con đường lây truyền Aids còn chưa nhiều, rất nhiều người coi loại virus này như yêu ma quỉ quái. Một đứa nhỏ sống chung với cặp vợ chồng bị Aids nhiều năm như vậy, ai dám nhận chứ? Lại nói, các gia đình trong thôn cũng chẳng thiếu trẻ con, có thiếu cũng chỉ là thiếu tiền nuôi dưỡng mà thôi.
Đại khái là vì thiếu hiểu biết, lại không được chữa trị, nên mẹ Diệp Trình vào mùa đông năm trước cũng đã qua đời. Bởi vì chẳng có thân thích nào chịu nhận nuôi, đầu năm ấy, phúc lợi xã hội cũng không phải quá tốt, hơn nữa thôn Diệp Trình nằm trên miền núi xa xôi hẻo lánh, nên ba bốn tháng qua đi, Diệp Trình vẫn cứ như vậy một mình một người sống trong tiểu viện lụi bại này.
Bà ngoại cứ cách một hai ngày lại ghé qua một lần, những lúc khác, Diệp Trình tự nuôi sống chính mình, trong nhà nó có một luống rau, đây là mẹ khi còn sống dạy nó cách khai khẩn, bón phân tưới nước như thế nào.
Tầm này năm ngoái, thân thể mẹ đã rất suy yếu, rất nhiều thời điểm còn cần Diệp Trình chăm sóc, bà ngoại có đôi khi cũng qua giúp nó lau người cho mẹ, vì chuyện này, bà còn đặc biệt nhờ người lên trấn trên mua giùm một đôi găng tay cao su vừa lớn vừa dày.
Vô luận là việc nhà hay cuốc đất trồng rau, làm lâu đều sẽ quen, tuy Diệp Trình năm nay mới sáu tuổi, thỉnh thoảng vẫn nấu hỏng cơm, cũng thường để rau bị sâu ăn hoặc héo úa, nhưng cho dù vậy, nó vẫn có thể tự nuôi sống chính mình cùng Tiểu Hôi.
Diệp Trình một mình ngồi xổm trong viện, bên cạnh là con chó nó nuôi tên Tiểu Hôi. Tiểu Hôi năm nay bốn tuổi, nhỏ hơn Diệp Trình hai tuổi, nhưng ngồi dưới đất lại vẫn cao hơn Diệp Trình rất nhiều.
Lần trước bà ngoại tới có nói với nó, tối nay có thể sẽ tới làm cơm chiều cho nó, vì thế Diệp Trình vừa thấy mặt trời xuống núi, liền ngồi xổm ngay trước viện.
Nó đã hơi đói bụng, lúc trưa nấu cơm không cẩn thận nấu hỏng, có thể vì cho hơi ít nước, nên cơm vẫn chưa chín kỹ. Cho dù có dưa muối bà ngoại cho hôm trước, nó cũng chỉ ăn được có một chén cơm. Còn lại hơn phân nửa nồi cơm, ngay cả Tiểu Hôi cũng chẳng muốn ăn, đành để lại cho hai con gà mái nuôi lấy trứng ăn.
Chiều nay Diệp Trình vừa mới lấy được thêm hai quả trứng từ trong chuồng gà, hai con gà mái này đẻ rất tốt, cái rổ nhà nó đã đựng được nửa rổ trứng rồi. Bà ngoại dặn nó phải trông coi gà cẩn thận, gần đây thôn bên cạnh xuất hiện một đám du thủ du thực, cả ngày lăng quăng khắp nơi, trộm cắp không ít của dân. Hai con gà mái này mà bị bắt đi, Diệp Trình từ nay về sau ngay cả trứng gà cũng chẳng có mà ăn.
"Trình à, ngồi đây làm gì vậy? Ra xem bà ngoại mang gì tới này." Bà ngoại Diệp Trình tên là Thái Kim Chi, năm nay gần sáu mươi tuổi, cả đời sinh được ba đứa con, trong đó con trai cả chưa được mười tuổi đã chết non, con gái út, cũng chính là mẹ Diệp Trình, mùa đông năm trước cũng đã qua đời, hiện giờ đang ở cùng gia đình con trai thứ hai, cậu của Diệp Trình.
"Gì thế ạ?" Diệp Trình lại gần, nhìn nhìn bà ngoại lấy từ dưới tạp dề ra một túi nilon màu lam, bên trong không biết đựng gì mà nhô lên thành một cục.
"Nhìn xem đây là cái gì?" Thái Kim Chi mở hé miệng túi ra một chút, Diệp Trình liền ghé đầu lại nhìn.
"Xương sườn!" Diệp Trình vui đến sắp hỏng rồi, bà ngoại trước đây từng mang qua cho nó một lần, thứ này ăn rất ngon, tối nay Tiểu Hôi cũng sẽ có xương để gặm rồi.
"Hôm nay nhà thím Nhị trong thôn lại giết heo, bà nhờ bà Vương hàng xóm mua giùm một dẻ xương sườn về, bà biết mi thích ăn cái này nhất, mới trộm giấu vào trong chạn bát. Nếu để hai con sói con nhà cậu mi thấy được thì làm gì còn thừa lại được chút nào chứ....." Thái Kim Chi một bên lẩm bẩm một bên đóng cổng lại, vươn tay lấy dao thớt treo trên cột xuống, bang bang vài phát đã lưu loát chặt dẻ xương sườn thành mấy mảnh, Diệp Trình trông mong đứng một bên nhìn xem.
"Mi nói xem thím Nhị kia, bán thịt thì bán thịt đi, nói nhiều vậy làm gì không biết. Lần trước bà tới chỗ mụ ta mua cho mi miếng gan lợn, mụ vừa quay đi đã chạy tới kể cho mợ mi nghe, mợ mi tức lắm*, ngay đến cả Đại Phán Nhị Phán cũng mắng bà bất công, hừ, đúng là đám sói con không có lương tâm...."
*nguyên văn 'Tị tử bất thị tị tử kiểm bất thị kiểm': mũi không còn là mũi, mặt không còn là mặt, chỉ người trong trạng thái cực kì không vui, quá tức giận (mặt mày cau có)
"Sau đó bà đuổi theo mắng cho mụ một trận, xem mụ ta lần sau còn lắm miệng nữa không. Bất quá chúng ta ở nơi thâm sơn cùng cốc này, chỉ có mình chồng mụ làm nghề giết heo, chứ nếu có nhà khác, bà đã sớm đổi rồi, thèm vào mua của mụ."
"Đừng chỉ đứng đó chảy nước miếng nữa, mau đi nhóm lửa đi!" Thái Kim Chi đặt vài miếng xương sườn đã chặt vào trong bát con, thêm vài hạt muối, vài giọt tương, để lên mặt nồi cơm chưng. Bà phân phó Diệp Trình đi nhóm lửa, bản thân đeo bao tay, bắt đầu quét tước nhà trong nhà ngoài.
Bếp lò của nhà Diệp Trình đặt ngay trong viện, phía trên chỉ có duy nhất một mái hiên che chắn, hơn nữa chỉ có một bệ bếp.
"Trình à, hôm qua mi giặt quần áo rồi à?"
"Vâng." Diệp Trình một bên nhóm lửa một bên nhìn chằm chằm cái nồi, cơm sôi bốc lên nhiệt khí, mang theo mùi thịt đã lâu không ngửi thấy.
"Trong nhà còn bột giặt không?"
"Dạ còn ạ." Lúc mẹ còn sống có nhờ người lên trấn trên mua giùm hai bao lớn, Diệp Trình đoán nó đại khái có thể dùng được vài năm.
Theo mùi sườn càng lúc càng đậm trong viện, ngay cả Tiểu Hôi cũng nhịn không được sán lại gần, nhưng đây rõ ràng là một con chó được dạy bảo tốt, chỉ dám quanh quẩn gần bếp lò mà thôi.
"Được rồi, chắc cũng sắp chín rồi, đi nghỉ một chút đi."
"Cháu đi tưới rau." Diệp Trình nuốt nước miếng, cố lắm mới rời cái bếp được.
Một luống rau này Diệp Trình trồng đủ loại rau, thời điểm này lên tốt nhất là cải thìa.
"Hôm nay tiết trời ấm áp, chắc hành lá sẽ nảy mầm đấy, Trình à, mi nhớ tưới nước cho chúng, qua mấy bữa nữa bà ngoại làm trứng chưng hành cho mà ăn."
"Hôm nay lại đẻ thêm hai quả trứng đấy bà, hôm qua thì có một quả."
"Hai con gà mái này đúng là bảo bối mà, bữa nay có sườn rồi thì trứng cứ để dành lại đó, chờ khi tích được nhiều nhiều bà ngoại sẽ giúp mi mang lên trấn trên bán, lấy tiền mua cho mi bộ quần áo mới."
"Mua cho bà đôi găng tay trước đi ạ." Đôi găng tay bà ngoại Diệp Trình dùng đã thủng vài lỗ rồi.
"Mi đứa nhỏ này, sao lại đột nhiên nghĩ đến cái này chứ." Thái Kim Chi xoay người về phía miệng lò thêm lửa, còn phải đun một lúc thì cơm mới chín được. "Đứa nhỏ đáng thương, về sau phải làm sao mới được đây?" Chẳng biết sao mà bà vừa nói dứt câu mắt đã ầng ậng nước.
Trước kia lúc Diệp Trình dắt Tiểu Hôi đi chơi quanh thôn, cũng từng nghe người khác nói mình đáng thương, nhưng nó cũng chẳng biết cuộc sống của mình thì có vấn đề gì, một mình nó sống trong tiểu viện này, có Tiểu Hôi bầu bạn, còn có hai con gà mái rất chăm đẻ trứng, bà ngoại cũng thường qua thăm, có đôi khi còn mang cho nó chút đồ ăn ngon, nó thật chẳng hiểu sao người khác lại nói nó như vậy nữa.
Nhưng mà tháng trước lúc nó đổ bệnh, một mình nó nằm trong phòng mê man ngủ, thật lâu thật lâu sau, khát khô cả cổ cũng không có sức ngồi dậy rót nước, đành phải cố ngủ cho qua. Tiểu Hôi cũng đâu biết rót nước, nó cũng chẳng dám qua nhà cậu tìm bà ngoại, lúc trước Tiểu Hôi từng qua đó một lần, kết quả bị cậu của Diệp Trình hung hăng đập cho hai cái đòn gánh, sau đó không dám đi nữa. Nhưng nó ngược lại cắp hai quả trứng gà đến để lên đầu giường Diệp Trình, Diệp Trình không muốn ăn trứng gà sống, nên đành để cạnh gối đầu, sau lại không biết qua bao lâu, bà ngoại qua thăm mới rót cho nó được một chén nước.
Thái Kim Chi sau đó đi tìm cậu của Diệp Trình, bảo y cõng đứa nhỏ lên trấn trên tiêm thuốc, Diệp Trình nghe thấy y mắng bà ngoại, nói cái gì mà bà già này muốn bị tuyệt hậu à, nó bị bệnh giống cha mẹ nó đấy, bà chỉ còn có đứa con độc nhất này thôi, không phải muốn......
Cuối cùng không biết thế nào mà nó vẫn lên được trấn trên, bác sĩ nói nó cũng không bị bệnh gì, chỉ là sốt cao thôi. Lần bị ốm này, Diệp Trình phải nằm nhà một tuần mới có thể xuống giường hoạt động được. Bà ngoại nói có người sốt cao quá còn có thể bị ngốc ấy, Diệp Trình cảm thấy mình cũng không bị ngốc, nhưng chẳng hiểu sao người trong thôn lại trở nên là lạ, cứ mỗi lần nó vừa ra ngoài, những người đó lại tránh đi thật xa, nếu có đứa nhỏ nào tới gần nó, người lớn trong nhà nhất định sẽ lớn giọng mắng.
Thậm chí có người còn mắng cả nó, cụ thể mắng cái gì thì Diệp Trình quên rồi, có vẻ rất ghét thấy Diệp Trình chơi đùa trong thôn. Vậy thì không chơi trong thôn nữa, dù sao sân nhà nó cũng đủ lớn, còn có Tiểu Hôi bên cạnh, chơi trong sân cũng chẳng sao. Về sau Diệp Trình dần dần không còn ra ngoài nữa, chỉ là bà ngoại nói gần đây nó càng ngày càng ít nói, còn nhỏ tuổi mà như vậy là không tốt.
Xương sườn quả thật ăn rất ngon, bà ngoại nói mỗi lần chỉ được ăn hai miếng thôi, đợi đến khi nó ăn hết chỗ xương sườn này, bà sẽ lại đến.
Nhưng Diệp Trình còn chưa đem chỗ xương sườn trong cái bát con kia ăn hết, bà ngoại đã nháo một trận với mợ. Người trong thôn đều nói là bà ngoại trộm tiền của mợ đi mua sườn cho nó ăn, có đôi khi bọn họ đứng ngay cửa nhà Diệp Trình buôn chuyện, nó liền trộm hé cửa ra một chút, đứng đó nghe.
Diệp Trình lúc này còn quá nhỏ, đối với lời trong miệng những người đó, nó cũng chỉ nghe hiểu được một nửa. Nó chỉ biết bà ngoại bây giờ thật lâu không thể qua nhà nó, chờ cho tới khi bà đến, lại ôm Diệp Trình chẳng hiểu gì khóc, một hồi than chính mình mệnh khổ, một hồi than mẹ Diệp Trình mệnh khổ, một hồi lại than Diệp Trình mệnh khổ.
Diệp Trình ngồi ven đường cái xe đến xe đi, người người vội vàng bận rộn lướt qua người nó, có người lưng đeo ba lô, cũng có người vừa đi vừa ăn sáng, sau đó đột nhiên có một người dừng lại trước mặt nó, ném vào trong cái bát mẻ của nó một mao tiền.
Tiếng đồng xu rơi vào bát vang lên thanh thúy, cho dù ô tô trên đường bấm còi không ngừng, thanh âm ấy vẫn rõ ràng lọt vào tai Diệp Trình.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT