Chương 4
Tôi đặt một chiếc taxi trong hai ngày và cùng tay phóng viên ảnh đội tuyết chạy khắp Hakodate để xem xét các quán ăn trong thành phố.
Tôi rất giỏi điều tra, tôi làm việc này rất có hệ thống và hiệu quả. Điều quan trọng nhất đối với loại công việc này là phải chuẩn bị trước và lập kế hoạch chi tiết. Mấu chốt là ở đó. Nếu cần thu thập tài liệu trước khi bắt tay vào việc, ta sẽ không thể thắng nổi các tổ chức chuyên tập hợp thông tin cho người trong ngành. Chỉ cần đăng ký làm thành viên và đóng hội phí; họ sẽ kiếm cho ta gần như tất cả mọi thứ. Vì vậy, nếu ta đang tình cờ điều tra về các quán ăn ở Hakodate, họ có thể đào lên cho bạn cả tá. Họ sử dụng siêu máy tính cỡ lớn, sắp xếp dữ liệu vào file, in ra giấy và thậm chí còn giao tận nhà. Tất nhiên chẳng rẻ chút nào nhưng nó hoàn toàn xứng đáng với khoản thời gian ta tiết kiệm được.
Ngoài ra, tôi cũng tự mình đi kiếm thông tin. Có những phòng đọc sách chuyên cung cấp tài liệu du lịch, những thư viện sưu tập báo chí và các ấn phẩm địa phương. Từ tất cả các nguồn này, tôi chọn ra những địa điểm khả quan rồi gọi điện cho họ để xem họ làm việc giờ nào. Làm như vậy, tôi sẽ tránh được rất nhiều rắc rối khi đi thực tế. Sau đó, tôi kẻ ô trong sổ ghi chép và vạch kế hoạch cho từng ngày một. Tôi xem bản đồ và đánh dấu lộ trình dự kiến. Cố gắng giảm các nhân tố không chắc chắn xuống mức tối thiểu.
Khi đến Hakodate, tay phóng viên ảnh và tôi đi một vòng khắp các nhà hàng đó theo thứ tự. Có khoảng ba mươi địa điểm. Chúng tôi ăn một ít - vừa đủ để nếm được hương vị - còn thì bỏ thừa phần lớn thức ăn. Nâng cao chất lượng tiêu dùng. Vì vẫn đang ở giai đoạn điều tra bí mật, nên chúng tôi không chụp ảnh. Chỉ khi đã rời khỏi nhà hàng, tay phóng viên ảnh và tôi mới thảo luận về các món ăn và đánh giá chúng theo thang điểm từ không đến mười. Nếu được cho qua, nhà hàng sẽ ở lại trong danh sách, nếu không, nó sẽ bị loại. Chúng tôi dự định gạch bỏ ít nhất là một nửa. Sử dụng chiến lược song song, chúng tôi cũng đọc thêm cả báo chí địa phương, lập danh sách những địa điểm trước đó đã bỏ sót, chọn thêm chừng năm quán nữa. Chúng tôi cũng đến những nơi này và gạch tên các quán không-tốt-lắm. Rồi chúng tôi có danh sách cuối cùng. Tôi gọi điện, giới thiệu tên tờ tạp chí, bảo họ rằng chúng tôi muốn làm chuyên đề về họ, bài viết kèm theo ảnh. Tất cả chỉ mất có hai ngày. Buổi tối, tôi ở lại trong khách sạn, vạch ra các ý chính cho bài viết.
Ngày hôm sau, trong khi tay phóng viên ảnh chụp hình các món ăn và cách bày biện bàn ăn, tôi nói chuyện với chủ nhà hàng. Tiết kiệm thời gian. Và như vậy, chúng tôi gói gọn chuyến đi này trong vòng ba ngày. Đương nhiên, trong số đồng nghiệp của tôi cũng có những người có thể làm nhanh hơn. Nhưng họ chẳng điều tra gì cả. Họ đến vài nhà hàng nổi tiếng hơn cả, ngó nghiêng qua quýt mà chẳng buồn ăn thứ gì rồi viết những lời bình sơ sài. Nhưng đấy là việc của họ, không phải của tôi. Nói thẳng, tôi không cho rằng có nhiều người chịu bỏ công bỏ sức như tôi cho những bài phóng sự kiểu này. Đó là loại công việc khiến người ta kiệt sức nếu quá coi trọng nó, nhưng ta cũng có thể chỉ cần ngồi không chẳng làm gì cả. Nhưng tệ nhất là dù có sốt sắng hay lười nhác, sản phẩm cuối cùng gần như không hề cho thấy sự khác biệt. Bề ngoài thì sàn sàn như nhau. Chỉ ở những mức tinh tế hơn mới thấy được dấu ấn của sự khác biệt.
Tôi không giải thích chuyện này ra để tự tâng bốc hay vì bất cứ lý do nào khác.
Tôi chỉ muốn các bạn có được cái nhìn tổng quan về công việc của tôi, hiểu thêm về tính chất của những gì tôi phải bỏ ra.
Đến đêm thứ ba, tôi đã viết xong bản thảo.
Ngày thứ tư tôi để trống, phòng trường hợp có gì đột xuất.
Nhưng vì công việc đã hoàn tất, và chẳng còn gì khác phải bận tâm.
Ng.uồ.n .từ. s.it.e .Tr.uy.en.Gi.Cu.ng.Co..c.om. chúng tôi thuê một chiếc xe và thoải mái dành cả ngày trượt tuyết khắp vùng. Tối đó, hai chúng tôi nghỉ chân uống rượu bên nồi lẩu nóng. Coi như có một ngày nghỉ ngơi trọn vẹn. Tôi giao bản thảo cho tay phóng viên ảnh. Và thế là xong. Nhiệm vụ của tôi đã hoàn tất, công việc giờ chuyển sang tay người khác.
Nhưng tối đó, trước khi lên đường, tôi gọi cho dịch vụ tổng đài ở Sapporo hỏi số điện thoại của khách sạn Cá Heo. Tôi không phải chờ lâu. Tôi ngồi dậy trên giường và thở phào nhẹ nhõm. Ít ra là khách sạn Cá Heo vẫn chưa sập tiệm. Thật nhẹ nhõm, tôi nghĩ vậy. Bởi cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu một cái khách sạn bí hiểm như thế bị sập tiệm. Tôi hít một hơi thật sâu rồi quay số - người ta nhấc máy ngay tiếng chuông đầu tiên. Như thể họ chỉ chầu chực chờ điện thoại kêu vậy. Thực sự là tôi quá ngỡ ngàng.
"Xin chào, khách sạn Cá Heo nghe!" một giọng vui vẻ cất lên.
Đó là một phụ nữ trẻ. Một phụ nữ ư? Chuyện gì vậy? Tôi không nhớ là ở đó có một phụ nữ.
Tôi không tính đến điều này, bèn hỏi xem có đúng địa chỉ đó không. Chính xác, đó chính là địa chỉ khách sạn Cá Heo mà tôi biết. Có lẽ khách sạn đã tuyển thêm nhân viên mới, cháu gái của ông chủ chẳng hạn. Chẳng có lạ cả. Tôi nói với cô gái là mình muốn đặt phòng.
"Rất cảm ơn ông," cô nhỏ nhẹ đáp. "Xin ông, chờ ột chút, tôi sẽ chuyển máy cho ông sang bộ phận đặt phòng.
Bộ phận đặt phòng?Giờ thì tôi thực sự bối rối. Tôi không sao tiêu hóa nổi thông tin này. Chuyện quái gì đã xảy ra với cái khách sạn cũ nát đó vậy?
"Xin lỗi đã để quý khách phải đợi lâu. Đây là bộ phận đặt phòng. Tôi có thể giúp gì cho quý khách?" Lần này là giọng một thanh niên. Âm sắc lanh lợi và thân thiện đúng kiểu nhân viên khách sạn chuyên nghiệp. Tôi càng thấy tò mò hơn.
Tôi đặt một phòng đơn trong ba ngày. Tôi nói tên và cho anh ta số điện thoại của mình ở Tokyo.
"Vâng, thưa ông. Ba đêm, từ ngày mai, phòng đơn của ông sẽ sẵn sàng."
Tôi chẳng nghĩ ra được gì để nói tiếp, bèn cám ơn anh ta và cúp máy, không hiểu nổi chuyện gì đang xảy ra nữa. Liệu tôi có nên yêu cầu giải thích không? Thôi không sao, mọi chuyện sẽ rõ ràng khi tôi đến đó. Hơn nữa, tôi cũng không thểkhôngđi. Tôi không còn lựa chọn nào khác cả.
Tôi nhờ người phục vụ khách sạn kiểm tra lại lịch trình các chuyến tàu đến Sapporo. Sau đó, tôi gọi dịch vụ buồng yêu cầu mang lên một chai whiskey cùng ít đá, và thức xem một bộ phim chiếu muộn trên ti vi. Một phim cao bồi miền Tây của Clint Eastwood. Suốt cuốn phim, Clint không cười lấy một tiếng, không cả nhếch mép. Tôi đã cố để cười, nhưng anh ta cứ đăm đăm mãi cái bộ mặt cứng đờ ấy. Bộ phim kết thúc và tôi cũng đã nốc kha khá whiskey, tôi liền tắt đèn và ngủ một mạch đến sáng. Nếu có mơ thì tôi cũng chẳng nhớ gì nữa.
Tuyết là tất cả những gì tôi thấy bên ngoài cửa sổ chuyến tàu tốc hành buổi sớm. Bầu trời trong trẻo quang đãng, bởi vậy nên ánh nắng dần trở nên gay gắt. Tôi không thấy hành khách nào nhìn ra ngoài cửa sổ. Tuyết rơi chẳng có gì đáng để họ nhìn.
Vì bỏ mất bữa sáng nên chưa đến 12 giờ tôi đã phải mò đến toa ăn. Tôi chọn bia và trứng ốp la. Cạnh chỗ tôi ngồi có một người đàn ông khoảng năm mươi, ông ta mặc vest đen thắt cà vạt, đang uống bia với bánh mì kẹp thịt nguội. Trông ông ta giống một kỹ sư cơ khí, và hóa ra lại đúng là như vậy. Ông ta bắt chuyện với tôi trước, kể rằng mình làm nhiệm vụ bảo trì máy bay phản lực cho Lực lượng Phòng vệ. Sau đó ông ta giảng giải cho tôi làm thế nào máy bay chiến đấu và máy bay ném bom của Xô viết xâm phạm được vào không phận Nhật Bản, dù vậy ông ta chẳng có vẻ gì là phiền lòng về chuyện đó. Ông ta quan tâm hơn đến hiệu quả kinh tế của loại máy bay Phantom F4. Chúng ngốn không biết bao nhiêu là nhiên liệu mỗi lần xuất kích khẩn cấp, thật lãng phí khủng khiếp. "Nếu người Nhật chế tạo ra chúng, tôi cá là sẽ tiết kiệm nhiên liệu hơn. Và tính năng thì không hề kém cạnh! Chẳng có lý gì chúng ta lại không chế tạo được máy bay chiến đấu giá rẻ nếu muốn."
Đó là lúc tôi đưa ra triết lý của mình, rằng sự lãng phí là mỹ đức lớn nhất mà một người trong xã hội tư bản bậc cao có thể đạt được. Việc Nhật Bản mua máy bay Phantom của Mỹ và tiêu tốn một lượng lớn nhiên liệu trong những lần xuất kích khẩn cấp góp phần làm cho nền kinh tế thế giới vận hành nhanh hơn, và chính sự vận hành đó đã nâng chủ nghĩa tư bản lên giai đoạn phát triển cao hơn. Nếu ngăn chặn mọi sự lãng phí lại, khủng hoảng kinh tế quy mô lớn chắc chắn sẽ xảy ra, và cuối cùng nền kinh tế toàn cầu sẽ sụp đổ. Sự lãng phí chính là nhiên liệu âu thuẫn, và mâu thuẫn sẽ hoạt hóa nền kinh tế, và một nền kinh tế hoạt động sôi nổi sẽ càng sinh ra nhiều lãng phí hơn.
Ồ, có lẽ vậy, ông kỹ sư gật gù, nhưng một người lớn lên trong chiến tranh và từng phải sống thiếu thốn như ông không thể hiểu nổi kết cấu xã hội hiện hay. "Thế hệ chúng tôi không giống những người trẻ các cậu," ông nói, gượng cười. "Chúng tôi không thể hiểu những vấn đề phức tạp của các cậu".
Thực ra cũng không thể nói là tôi hiểu rõ được những thứ ấy, nhưng tôi chẳng có hứng để tiếp tục cuộc trò chuyện này, nên tôi im lặng. Không, tôi không hiểu được những thứ ấy, chỉ là tôi nhận thức được chúng là cái gì. Có sự khác biệt cơ bản giữa hai mệnh đề đó. Tôi nghĩ việc tốt hơn cả mình có thể làm lúc này là ăn nốt món trứng và đứng dậy.
Tôi ngủ khoảng ba mươi phút, sau đó trong suốt hành trình còn lại tôi đọc cuốn tiểu sử Jack London mua ở gần ga Hakodate. So với cuộc đời sôi nổi và lãng mạn của Jack London, sự tồn tại của tôi chỉ giống như một con sóc nhỏ gục đầu vào quả óc chó, gà gật ngủ mong đến mùa xuân. Cho đến thời điểm hiện tại, nó là như vậy. Nhưng những cuốn tiểu sử thường phải thế. Ý tôi là, ai thèm đọc về cuộc đời tẻ nhạt của một kẻ vô danh làm việc ở thư viện thành phố Kawashaki chứ? Nói cách khác, những gì chúng ta đang tìm kiếm là một kiểu bù đắp cho những gì bản thân phải chịu đựng.
Đến Sapporo, tôi quyết định thả bộ đến khách sạn. Đó là một buổi chiều dễ chịu, rồi chỉ mang theo một chiếc túi khoác ngang vai.
Đường phố bị phủ kín một lớp tuyết mỏng lép nhép bùn, mọi người qua lại đều phải mở to mắt, cẩn thận nhón chân. Không khí rất vui vẻ. Những cô nữ sinh trung học vừa đi vừa trò chuyện ríu rít, má ửng hồng, miệng phả ra làn hơi trắng mỏng tưởng như có thể viết lên đó những đoạn đối thoại trong truyện tranh. Tôi tiếp tục tản bộ, nhìn ngắm thành phố. Đã bốn năm rưỡi trôi qua kể từ lần cuối tôi tới Sapporo. Vậy mà tưởng như còn lâu hơn thế nhiều.
Dọc đường tôi dừng lại ở một quán cà phê. Mọi sự xung quanh tôi không có gì lạ, những chuyện thường ngày ở một thành phố đang diễn ra hết sức bình thường, những việc thường nhật. Những đôi tình nhìn trò chuyện thì thầm, mấy tay doanh nhân dán mắt vào bảng thống kê, đám sinh viên thì đang lập kế hoạch cho chuyến trượt tuyết sắp tới và bàn tán về album mới của nhóm Police. Quang cảnh quen thuộc này dễ thấy ở bất cứ thành phố nào của Nhật Bản. Sẽ chẳng có gì là lạc điệu nếu chuyển dịch cảnh tượng đang diễn ra tại quán cà phê này đến Yokohama hay Fukuoka. Dù như vậy - hoặc đúng hơn là chính vì vậy - mà tôi ở đây, ngồi trong cái quán này uống cà phê mà vẫn cảm thấy cô đơn ghê gớm. Tôi chỉ là một người ngoài. Tôi không thuộc về nơi này.
Tất nhiên, cùng một lý lẽ như thế, tôi cũng không thể nói rằng mình thực sự thuộc về Tokyo và các quán cà phê ở đó. Nhưng ở đó tôi chưa bao giờ cảm thấy cô đơn nhường này. Ở đó tôi nhâm nhi cà phê, đọc sách, trải qua một ngày mà chẳng cần suy nghĩ gì đặc biệt, chỉ bởi vì tôi là một phần của cảnh trí quen thuộc ở đó. Còn ở đây, tôi chẳng có mối liên hệ với ai cả. Và thực tế là tôi đến đây để tìm lại chính mình.
Tôi trả tiền rồi ra khỏi quán. Sau đó, không nghĩ ngợi, tôi đi một mạch đến khách sạn.
Tôi không nhớ đường lắm và cũng hơi lo là mình sẽ đi lạc. Tôi không bị lạc. Ai lại lạc đường được cơ chứ? Khách sạn Cá Heo giờ đây đã biến thành một bản giao hưởng rực rỡ của thép và kính gồm hai mươi sáu tầng được dựng theo lối kiến trúc hiện đại của trường phái Bauhaus(1), cờ các nước tung bay dọc lối đi dành cho xe hơi, những nhân viên trực cửa mặc đồng phục gọn gàng đang ra hiệu cho taxi, một chiếc thang máy bằng kính chạy thẳng lên nhà hàng trên tầng áp mái. Một bức phù điêu cá heo được khắc lên một trong mấy cột đá cẩm thạch ngay trước cửa ra vào, bên dưới còn khắc dòng chữ:
LHôtel Dauphin
Tôi đứng ngây ra ở đó phải đến hai mươi giây, miệng há hốc, mắt nhìn trân trân. Rồi tôi thở hắt ra một hơi rất dài, dài đến mức tưởng như vươn thẳng được tới tận cung trăng. Ngạc nhiên không phải là từ chính xác để miêu tả cảm xúc của tôi lúc này.