Lần thứ hai, khi sợi dây câu chùng xuống thì Phi đã rút kinh nghiệm không giật lên ngay như lần trước, mà để cho đầu cần câu nặng hơn rồi mới giật mạnh! Sức trì rất mạnh, Phi phải lấy lại tư thế để không bị mất thăng bằng, anh buột miệng:

- Con này to hơn!

Lúc nãy anh đã bị sẩy một con khi đã giật lên khỏi mặt nước, nên lúc này Phi quyết không để bị hụt lần nữa, anh cố ghì chặt tay một chỗ để cho lưỡi câu bám sâu vào mép con cá.

Mặc dù vậy, hình như con cá bị mắc câu cũng đáo để lắm, nó kéo sợi dây câu chạy vòng vòng dưới mặt nước. Sức mạnh của nó khiến Phi đôi lần tưởng chừng không giữ nổi con cá. Anh ghì mạnh thêm một chút, và lúc ấy con cá từ dưới mặt nước vọt thẳng lên cao làm cho Phi phải kêu lên:

- Trời ơi, lớn quá!

Con cá dính câu lớn đến ngoài sức tưởng tượng của Phi và cả những người đậu ghe gần đó. Họ la lên:
- Quấn cần câu vào gốc cây chịu nó lại!

Phi chưa kịp làm thì một lần nữa con cá lại vọt lên như chọc tức anh và rồi... dây câu nhẹ tênh!

- Sẩy rồi!

Phi kéo vội sợi dây câu lên và chán nản lầm bầm:

- Đứt dây rồi!

Sợi dây câu bị đứt ngang, mất luôn lưỡi câu! Phi vứt luôn cần câu, đứng ngay dậy trước sự tiếc rẻ của mấy người chung quanh, họ bảo:

- Cậu sát cá lắm, nối lưỡi câu câu tiếp đi! Nói thật, tụi tôi ở xứ này mà câu cả chục năm nay chưa từng có được con cá cắn câu nào lớn đến như vậy! Chỉ tại dây câu nhỏ quá thôi. Hay là cậu đổi dây câu lớn của tôi đây mà câu...

Nhưng Phi vẫn lắc đầu:

- Không đến quá tam ba bận đâu, thôi tôi về đây!

Anh lên xe đạp đi thẳng. Tiếc thì có tiếc hai con cá câu hụt, nhưng đã xác định đi câu chỉ để gϊếŧ thì giờ, nên vài phút sau thì Phi đã quên chuyện câu cá và ghé vào quán nước ven sông mà từ hôm về đây tới nay ngày nào anh cũng ghé qua. Không phải bởi thức uống ngon hay khung cảnh nên thơ, mà chỉ vì cô chủ quán...
Sống ở thành phố lâu năm, quen nhiều cô gái đẹp, nhưng phải công nhận là chưa bao giờ Phi nhìn thấy một cô gái nào xinh xắn và quyến rũ đến lạ thường như cô gái này!

Vừa dừng xe lại thì Phi đã nghe từ trong quán có tiếng nói vọng ra:

- Cậu làm cho người đẹp giận rồi!

Phi bước vào quán và hỏi ngay:

- Mỹ Lan đâu?

Chị chủ quán nghiêm giọng:

- Nó giận cậu nên từ sáng tới giờ không ra bán. Giận thật đó!

Phi ngạc nhiên:

- Em đâu có làm gì mà giận?

- Chuyện cậu đi câu cá! Hôm qua cậu nói sáng nay đi câu cá là nó giận liền, bỏ bán luôn cả buổi tối!

Phi phân trần:

- Đi câu là thú vui của em mà, cô ấy cũng biết, sao lại giận...

- Nhưng tôi nghe cậu hứa với nó là bỏ câu, nên hôm qua nghe cậu quyết đi câu bữa nay, nó đùng đùng bỏ về luôn, cho tới giờ này vẫn không ra! Con nhỏ này tính khí nó vậy đó, hễ ai làm không vừa lòng là bỏ luôn không nói chuyện nữa. Đặc biệt là cậu...
Bà chủ quán biết giữa vị khách trẻ này và cô gái phụ bán với mình có cảm tình đặc biệt với nhau, mà ý bà cũng tán đồng chuyện đó, nên ngầm vun vén cho họ. Mỹ Lan là cô gái hiền lành, đẹp người, đẹp nết nên hầu như khách khứa tới quán đều mến mộ cô nàng, trong số đó có không ít những tay chơi, những tay hiếu sắc, nên khi thấy Lan và Phi thích nhau thì bà ngầm hài lòng. Bà thương Mỹ Lan như con nên muốn được một người như anh chàng Phi này để gọi là cháu rể!

Đã thất vọng vụ con cá, giờ lại thêm nỗi thất vọng lớn hơn, nên Phi không buồn ngồi lâu, anh vừa sửa soạn đứng lên thì bà chủ quán ghé tai nói nhỏ:

- Cậu đi vòng ra cửa sau, con Mỹ Lan nằm dưỡng bệnh trong đó!

Phi giật mình:

- Cô ấy bị sao vậy?

- Nó bảo giấu, nhưng với cậu thì tôi nói, nó bị ngã dập cái môi hơi nặng!
Không đợi bà ta nói thêm, Phi đã bỏ xe đạp đó, chạy một mạch vòng ra cửa sau cách đó không xa. Đây là nhà riêng của bà chủ quán nên ngoài bà thì không còn ai, ngoại trừ một người mà bà cho biết đang nằm trong đó.

- Mỹ Lan ơi!

Một tiếng thảng thốt từ bên trong:

- Đừng vào!

Nhưng Phi đã bước nhanh vào nhà, vừa kịp nhìn thấy Mỹ Lan mới quay mặt vào trong, tay còn che miệng:

- Em bị sao vậy?

- Đừng... đừng nhìn!

Cô nói xong thì bước hẳn vào trong, nói với ra:

- Anh về đi, để em nghỉ ngơi!

- Nhưng mà...

Giọng nàng gắt lên:

- Anh về đi kiếm mấy con cá của anh đi!

Cửa phòng bên trong đóng sầm lại. Phi không còn cách nào khác, anh lững thững bước ra. Anh gặp bà chủ quán ở bên ngoài, bà nói khẽ với Phi:

- Cậu yên tâm về đi, để rồi chị tìm cách nói cho. Con nhỏ coi bộ "kết" cậu lắm rồi đó, vậy liệu mà tính tới đi... Đồng ý không, chị ủng hộ!
Phi cười nửa muốn gật đầu, nhưng nửa còn ngượng... Hiểu ý, bà chủ quán bảo:

- Cậu về đi rồi nếu tối nay có rảnh thì mua mấy hộp sữa tới cho con nhỏ bồi dưỡng, nó bỏ ăn từ sáng đến giờ!

Phi đạp xe về chỗ trọ mà lòng cứ lo lo... Chẳng hiểu Mỹ Lan bị thương tích thế nào mà cô nàng có vẻ khó chịu bẳn gắt?

Khi về tới nhà rồi, anh nghe người chủ nhà trọ bảo:

- Lúc nãy có một cô gái trẻ lắm tới đây, cô ấy bảo tôi đưa cậu cái này rồi đi liền.

Phi tiếp nhận gói giấy và mở ra xem ngay. Anh giật mình kêu lên:

- Trời ơi!

Ông chủ nhà ngạc nhiên:

- Gì vậy cậu?

- Dạ... dạ không. Mà cô gái đó đi lâu chưa?

- Lâu rồi. Tôi có để ý xem cô ta đi hướng nào, nhưng bước ra thì cô ta đã biến đâu mất!

Phi nắm chặt vật trên tay, anh sững sờ. Bởi đó là chiếc lưỡi câu anh vừa bị đứt lúc giật con cá lên! Sao nó lại ở đây?
Không để lão chủ nhà nhìn thấy, Phi bước hẳn vào phòng mình rồi mới lấy chiếc lưỡi câu còn dính một khúc dây câu ra xem lại. Không thể lầm được, chiếc lưỡi câu do chính Phi giũa lại lưỡi cho nhọn hơn, đúng là chiếc này!

- Kỳ lạ...

Phi cứ lầm bầm mãi, cho đến khi trời vừa chập choạng tối thì anh lại đạp xe ra ngoài. Mua năm hộp sữa, một chục trứng gà, Phi mang tới quán ven sông. Nhưng chưa kịp vòng ra sau nhà thì bà chủ quán đã chặn anh lại và bảo:

- Không biết đi đâu mà nó ra ngoài từ khi trời còn nắng. Đi về hướng chỗ cậu câu cá hồi sáng...

Phi gửi trứng và sữa ở đó, rồi đạp nhanh theo hướng bà ta chỉ. Chỗ bờ sông mà buổi sáng dân câu cá hay ngồi câu bây giờ vắng lặng, không một bóng người, không một tàu ghe nào neo đậu. Phi vừa muốn trở về thì bất chợt anh nhìn thấy mộc bóng người từ dưới sông bước lên, cái bóng quen quen...
- Ai mà giờ này...

Phi có chủ ý nên bám theo mà không gây tiếng động. Người kia sau khi bước từ mé nước lên đã đi thẳng lên bờ và dừng lại giũ quần áo cho khô, trước khi bước đi rất nhanh. Phi bám sát theo và anh thảng thốt kêu lên:

- Mỹ Lan!

Tiếng kêu của Phi không lớn lắm, nhưng hình như cô nàng nghe được, bởi vậy rất nhanh, cô ta đi như chạy và chỉ phút chốc là đã biến mất ở phía cuối đường.

Phi tức tốc đuổi theo và mặc dù anh cố đạp xe khá nhanh, nhưng vẫn không làm sao thấy được nàng ta đi hướng nào? Anh phải quay trở lại quán. Nghe kể lại thì bà chủ quán sau một lúc suy nghĩ đã bảo:

- Hay là cậu thử đi tìm nhà ba mẹ của nó coi.

- Ở đâu vậy chị?

Bà chủ quán lắc đầu:

- Từ lúc tới quán làm nó chỉ nói là trú ngụ ở làng chài ven biển phía Gò Công, biển Tân Thành thì phải, còn cụ thể thế nào tôi cũng không rõ. Cậu chờ đến mai xem sao rồi hãy đi.
Không thể chờ qua một đêm, nên ngay tối hôm đó Phi đã ra bến xe đò mua vé đi Gò Công. Xứ này có lần anh đã tới, nên dù trời mới mờ sáng Phi cũng đi ngay ra phía biển...

Dò hỏi mãi, cuối cùng Phi cũng tới được làng chài ven biển Tân Thành. Chỉ vài trăm nóc nhà, nhưng việc đi hỏi tên một cô gái mà mình mới quen, đã rời xứ đi tha hương là một việc vô cùng khó khăn. Phi đã hỏi trên một chục nơi, nhưng ai cũng lắc đầu bảo:

- Ở đây đâu có ai tên Mỹ Lan mà cỡ tuổi đó!

Phi vẫn kiên nhẫn lần dò hỏi thêm, và trời cũng còn thương anh khi một bà lớn tuổi xác nhận:

- Ở xóm trên có một đứa con gái tuổi đôi mươi tên đó, nhưng hình như không có ở nhà.

Phi mừng quá hỏi tới:

- Nhà chỗ nào bác? Ba má cô ấy tên gì?

Bà lão tốt bụng, sốt sắng chỉ:

- Cậu đi lên xóm chài phía trên, hỏi nhà Tám Ri làm nghề cào nghêu, đó là nhà cha mẹ con nhỏ tên Mỹ Lan.
Mừng quýnh, Phi đi nhanh tới đó và gặp ngay một người đàn ông có gương mặt khắc khổ đang đứng trước nhà, anh hỏi:

- Bác cho cháu hỏi, đây có phải nhà bác Tám Ri không?

- Tôi là Tám Ri đây. Cậu là ai mà biết tôi?

- Dạ, may quá, cháu đã đi tìm nhà bác từ sáng tới giờ! Bác cho cháu hỏi thăm, chẳng hay cô Mỹ Lan có về đây không?

Người đàn ông nhìn sững Phi, môi ông ta mấp máy:

- Cậu... cậu kiếm... Mỹ Lan?

- Dạ, cháu là bạn của cô ấy, cháu...

- Cậu biết nó lâu chưa?

- Dạ mới đây...

Ông chụp lấy vai Phi lắc mạnh:

- Cậu gặp nó ở đâu? Nó còn sống phải không?

Thấy ông hỏi dồn dập, Phi phải nói rõ ràng hơn:

- Dạ, chỉ mới hôm qua thôi, cô ấy còn gặp cháu.

Ông già reo lên:

- Trời Phật còn thương tôi rồi! Mỹ Lan ơi, ba cứ tưởng...

Ông chợt kéo tay Phi lôi tuột vào nhà, chỉ tay lên bàn thờ giữa nhà:
- Tôi thờ nó đó!

Phi sửng sốt:

- Sao lại thế này?

Kéo ghế mời Phi ngồi, giọng ông chủ nhà đầy xúc động:

- Cách đây gần hai năm, trong lần ngồi xuồng đi cào nghêu với tôi, con Mỹ Lan bị sóng vỗ làm lật xuồng, nó rớt xuống sông rồi mất tích luôn! Sau bao ngày tìm kiếm mà không thấy xác con, tôi cứ nghĩ là nó đã chết chìm và xác đã giạt ra biển, nên về nhà làm lễ cầu siêu cho nó và thờ cho đến nay. Trời ơi, đúng là cậu mang tin lành đến cho gia đình chúng tôi! Vậy cậu hãy nói cho tôi biết, nó đang ở đâu?

Phi cũng vui lây với ông già, anh bảo:

- Ở bên Hàm Luông.

- Bến Tre hả? Đúng rồi, nó rớt xuống nước rồi trôi giạt qua bên đó mà tôi không nghĩ ra, cứ tưởng nó trôi ra biển mất xác!

Rồi ông chỉ lên tấm ảnh thờ lần nữa và nói:

- Sinh nó ra được có nửa tháng thì má nó bệnh sản hậu mà chết. Tôi đã ẵm đi cho bú nhờ mà nuôi nó tới khôn lớn. Không ngờ con nhà nghèo mà con nhỏ càng lớn càng đẹp ra, đẹp đến nỗi tôi phải lo... Cậu có nghe người ta nói hồng nhan bạc phận không? Thấy nó đẹp bất thường nên nhiều người trong làng này đã đôi lần quở, sợ e nó khó sống thọ! Tôi thương con nên rất ghét ai nói như vậy, tuy nhiên cũng cứ phập phồng lo sợ hoài. Cho đến khi xảy ra vụ chìm xuồng đó thì tôi lại càng nghĩ thiên hạ nói đúng, tôi khóc hết nước mắt luôn!
Nhìn ảnh chân dung trên bàn thờ Phi bất giác nói:

- Chưa chết mà đã được lên đó ngồi rồi, Mỹ Lan sẽ bất tử cho bác coi!

Ông già cũng vui lây:

- Chết hụt thì khó mà chết nữa lắm! Cám ơn trời Phật.

Ông mau mắn bước ra cửa vừa bảo Phi:

- Cậu ngồi chơi đợi tôi một lát, tôi chạy đi bắt con gà làm thịt mình ăn mừng!

Tính cản, nhưng trước niềm vui lớn của ông già, Phi phải chấp nhận. Lát sau, khi đã ngồi vào bàn ăn rồi anh mới nói thật:

- Tuy cháu mới gặp Mỹ Lan hôm trước, nhưng do cô ấy giận cháu nên bỏ nhà trọ đi đâu chưa rõ...

Ông già vẫn lạc quan:

- Cũng chẳng đi đâu mà lo. Con gái mà, giận đi quanh quẩn đâu đó rồi sẽ quay về thôi!

Sẵn đang vui trong lòng, ông buông đũa và bước vào nhà trong lấy ra một cuốn sổ bìa dày, đưa cho Phi xem:

- Cậu coi, con nhà nghèo, học chỉ mới đệ thất rồi nghỉ, vậy mà nó viết chữ đẹp còn hơn là mấy đứa học tú tài nữa!
Phi giở từng trang sổ ra, anh thấy tiêu đề là lưu bút thì khá thích thú, bởi ít ra anh cũng hiểu được đôi chút về cô gái này. Anh lật tiếp trang kế và lần này kêu lên:

- Sao kỳ vậy bác?

- Chuyện gì vậy cậu?

Phi ngỡ mắt mình đọc lầm, nên đọc lại lần nữa dòng chữ viết nắn nót: "Nếu người đó có duyên ắt sẽ biết đường mà tới nhà mình! Hãy tới đi Phi ơi!".

Phi đưa cho ông già xem và hỏi nhanh:

- Lúc còn đi học cô ấy có quen ai tên Phi không?

Ông già Tám lắc đầu đáp ngay:

- Không bao giờ! Con gái tôi từ nhỏ tới lớn, đến chết, chưa bao giờ quen với đứa con trai nào cả!

- Vậy tại sao...

Anh đưa cuốn lưu bút cho ông già xem và nói:

- Cháu cũng tên Phi. Nhưng quyển lưu bút này viết cách đây mấy năm. Lúc đó cháu và Mỹ Lan nào có quen biết nhau?

Ông Tám vừa nhìn thấy dòng chữ cũng kêu lên kinh ngạc:
- Sao kỳ lạ vậy?

Ông lại nhìn Phi và hỏi gặng:

- Đúng là cậu mới quen với con Mỹ Lan gần đây hả?

- Dạ đúng, chính xác là chỉ mới gần một tháng nay thôi. Vậy tại sao có chuyện trùng hợp lạ lùng thế này? Bác nhớ kỹ lại coi, trong đám bạn của Mỹ Lan ngày xưa có ai tên Phi không?

Ông Tám vẫn quả quyết:

- Hoàn toàn không!

Phi đánh bạo đề nghị:

- Bây giờ biết chắc là Mỹ Lan còn sống, vậy có thể nào bác cho con mượn tấm ảnh thờ này được không? Con chỉ mượn thôi, rồi sẽ đem trả lại bác sau này...

Tám Ri cũng có cảm tình với chàng trai này, nên ông gật đầu ngay:

- Được, cháu cứ lấy đi. Bây giờ ăn xong mình đi qua Hàm Luông liền. Tôi sẽ lấy ghe đi cho tiện.

Phi ôm bức ảnh trong lòng mà lâng lâng nhiều cảm xúc...

***

Bà chủ quán lắc đầu nói:

- Từ hôm cậu đi tới nay tôi không thấy con Mỹ Lan trở về.
Phi chỉ sang ông Tám, giới thiệu:

- Đây là bác Tám, cha ruột của Mỹ Lan.

Bà chủ quán chỉ vào phòng phía trong vừa nói:

- Mỹ Lan ở đây, được tôi coi như con, nên mặc dù là làm công, nhưng nó muốn làm lúc nào thì làm, nghỉ lúc nào cũng được. Mà con nhỏ dễ thương lắm, được khách hàng thương mến, nên hai bữa nay vắng mặt nó làm cho tôi điên đầu vì khách đòi bỏ đi quán khác.

Bà đích thân đưa ông Tám vào phòng, coi nơi ăn ngủ của con gái, Phi cũng bước theo. Khi vào trong phòng, vừa nhìn qua mấy món để trên bàn, anh chợt kêu lên:

- Cuốn sổ y như cuốn ở nhà bác đây, bác Tám!

Ông Tám Ri cũng vô cùng ngạc nhiên khi thấy đúng quyển sổ lưu bút đang nằm ở đây! Ông cầm lên và xác nhận:

- Quyển sổ này đây rồi!

Phi lật ra xem và càng kinh ngạc hơn:

- Quyển sổ đó, không sai bác Tám ơi!

Anh lật ra trang có dòng chữ: "Nếu người đó có duyên ắt biết đường mà tới nhà mình. Hãy tới đi Phi ơi!" Phi đưa cho ông già xem:
- Bác coi, đúng dòng chữ này!

Họ thuật cho bà chủ quán nghe, bà ta lắc đầu:

- Từ hôm qua đến giờ nó không trở về đây. Không có Mỹ Lan ở nhà thì tôi luôn khóa cửa sau này lại. Như vậy...

Ông Tám thừ người ra một lúc rồi bảo Phi:

- Làm gì thì bác cũng ở lại đây chờ nó...

Được sự đồng ý của bà chủ quán, tối đó ông Tám và Phi đều ngủ lại đúng trong phòng của Mỹ Lan. Phi trằn trọc mãi không ngủ được, vì mỗi lần nhắm mắt lại thì anh lại thấy hình ảnh của Mỹ Lan từ dưới sông leo lên...

Bất chợt vào lúc nửa đêm, Phi bật dậy và nói như trong cơn mơ:

- Đúng rồi! Đúng là Mỹ Lan bị thương ở miệng, cô ấy...

Bất kể sự có mặt của ông Tám và bà chủ quán đang ở nhà trong, Phi tốc chạy ra ngoài, vừa chạy vừa kêu to:

- Mỹ Lan!

Phi chạy một mạch ra bờ sông, chỗ anh câu cá, cũng là nơi anh đã nhìn thấy Mỹ Lan đi từ dưới nước lên, ngồi thấp xuống chỗ bờ kè, ẩn mình trong bóng tối, Phi chờ và hy vọng những gì mình nghĩ trong đầu là đúng...
Có hơn nửa giờ trôi qua... và cuối cùng điều chờ đợi của Phi không hề hoài công. Anh reo lên khẽ khi người đó từ dưới sông vừa ngoi lên:

- Mỹ Lan!

Không sai. Người đi lên bờ trong bộ quần áo ướt đẫm kia chính là Mỹ Lan! Cô không biết là có người theo dõi mình, nên sau khi giũ quần áo cho bớt ướt, cô bước thẳng về phía trước. Phi bám theo và chưa vội ra tay.

Đợi cho cô nàng bước tới một chỗ tối và vắng thì bất ngờ Phi xuất hiện. Anh chụp ngay cánh tay của nàng, nói đủ nghe:

- Anh sẽ không để mọi người thấy, nhưng em phải ở lại đây để nghe anh hỏi.

Mỹ Lan hốt hoảng thấy rõ, nhưng quá bất ngờ, nên cô chỉ quay mặt đi chỗ khác để giấu vết thương trên môi.

Phi đột ngột hỏi:

- Có phải miệng em vướng phải lưỡi câu không?

Câu hỏi đó khiến cho cô co rúm người lại, may mà có tay kéo lại của Phi, chứ nếu không thì cô nàng đã ngã quỵ xuống.
- Anh đã về nhà em, gặp ba em và đã đọc trang lưu bút do em viết. Như vậy em cần gì phải giấu anh nữa. Chỉ có điều...

Phi nhìn thẳng vào mắt Mỹ Lan và anh chợt sững sờ, bởi đôi mắt ấy đang đẫm đầy nước mắt và như đang lạc thần, đờ dại như mắt loài cá bị bắt lên khỏi nước!

- Kìa, em không nên...

Trong lúc lo nói, anh đã lơi tay ra và chỉ chờ có thế, Mỹ Lan rút tay ra và biến rất nhanh vào trong bóng tối! Phi gọi theo:

- Ba đang ở quán chờ em! Em phải về thăm ba, anh sẽ không nói gì chuyện của em cả!

Trong bóng tối vang lên giọng của Mỹ Lan:

- Em sẽ về đó, nhưng anh phải tới nơi mà em lưu địa chỉ lại trên bàn tay anh đó, nếu còn muốn gặp em!

Phi bật diêm lên và đọc được mấy chữ nổi rõ trong lòng bàn tay: Gần nhà máy xay lúa An Hòa, Bình Đại.

Những chữ này có lẽ nàng đã để lại lúc Phi nắm tay nàng siết chặt. Nó không phải viết bằng mực, nhưng hằn rõ và sắc nét.
Nhưng khi Phi đọc vừa xong thì nhìn lại tất cả chữ đã biến mất! Anh bất chợt rùng mình...

***

Nhà máy An Hòa...

Vừa bước vào nhà bên cạnh nhà máy xay lúa, Phi phải khựng lại, bởi ở giữa nhà có một bàn thờ khói hương nghi ngút và có hai ông bà già đang ngồi khóc. Chưa biết phải chào hỏi ra sao thì bỗng bà già đã reo lên:

- Nó tới kìa! Con là Phi phải không?

Ngạc nhiên quá đỗi, Phi ngập ngừng hỏi lại:

- Cháu là Phi... nhưng sao bác lại biết cháu?

Bà mừng rú lên:

- Vậy là nó nói đúng ông ơi! Con Ngọc Liên nhà mình đã có chồng rồi. Có chồng rồi!

Phi nghe bà la hoảng như vậy thì giật mình, nhìn quanh cố tìm xem có ai đứng sau lưng mình không. Nhưng tuyệt nhiên không, chỉ có mỗi mình anh đứng đó. Như vậy có nghĩa là bà ấy đang nói... mình! Phi lúng túng:

- Dạ... dạ cháu...

Bấy giờ ông già mới lên tiếng:
- Bà nhà tôi đang mừng cậu đó! Nói để cậu bớt thắc mắc, vợ chồng tôi đang đứng đây để đợi cậu tới. Bởi đêm qua con Ngọc Liên về báo là bữa nay cậu thế nào cũng tới đây! Ngọc Liên là con gái tôi, nó chết đã hơn tuần nay rồi mà đêm nào cũng về kêu khóc, bảo tụi tôi đi tìm xác nó! Nhưng tôi đã tìm khắp vùng này rồi mà chẳng thấy đâu...

Bà già nói chen vào:

- Tối qua nó nói rõ, muốn kiếm được xác nó thì chỉ có cậu thôi. Phải tìm cho ra cậu...

Nhìn lên bàn thờ, Phi giật mình, bởi ảnh thờ đúng là ảnh của... Mỹ Lan!

- Sao lại...

Biết ý của Phi, ông già giải thích:

- Chính vì cái hình này mà vợ chồng tôi khóc hết nước mắt từ nửa khuya đến giờ! Hình của con gái tôi đâu phải hình này, vậy mà tự nhiên khi thức dậy tôi đã thấy sự thể như vậy rồi! Nhà tôi lấy hình này xuống, để ảnh con gái tôi lên, thì chẳng hiểu sao lần nào ảnh con tôi cũng bị giật văng ra, thay ảnh này vào! Đó, cậu nhìn xem, ảnh con gái tôi đằng kia...
Ông bước tới lấy tấm ảnh rộng khung kính đàng hoàng, chân dung một cô gái tuy cũng đẹp, nhưng không sắc sảo bằng Mỹ Lan. Phi lẩm bẩm:

- Ảnh kia là Mỹ Lan mà!

- Cậu biết cô gái đó?

Phi thật lòng:

- Dạ biết. Cô ấy chính là bạn gái của cháu! Chính cô ấy xui cháu tới đây tìm...

Thật ra thì Mỹ Lan chỉ cho anh địa chỉ và bảo tới tìm mà không biết tìm ai và để làm gì... Bởi vậy Phi còn ngập ngừng.

Bà già lại reo lên:

- Đúng rồi! Con Ngọc Liên có nói, nó và cô Mỹ Lan nào đó đang yêu một người tên Phi. Đúng là cậu rồi!

- Dạ... nhưng mà cháu đâu biết gì về con gái hai bác. Tại sao cô ấy lại như thế này?

Câu hỏi chạm tới nỗi đau của họ, nên bà già khóc nức nở vừa nghẹn ngào:

- Con gái tôi nó bơi xuồng qua bên Hàm Luông thăm thân nhân, nửa đường bị gió bão chìm xuồng và mất tích cả tuần nay.
Phi chợt buột miệng:

- Lại cũng chết chìm!

- Cậu nói gì?

Ông già thấy Phi lẩm bẩm thì hỏi. Phi nhẹ lắc đầu:

- Dạ, không có gì...

Phi bước tới gần bàn thờ, nhìn bức ảnh anh chợt kêu lên:

- Tấm ảnh này ở nhà cháu mà?

Ở góc tấm ảnh của Mỹ Lan mà Phi mượn từ nhà của cô ấy, lúc cầm về khi ngồi trên ghe chính Phi đã dùng bút ký tên lên đó như biểu tỏ quyền sở hữu. Mà bức ảnh đang thờ này lại y như vậy!

Phi lặp lại lần nữa:

- Ảnh này của cháu.

Anh tiện tay lấy bức ảnh xuống và ôm trong lòng. Bà già thấy vậy liền cầm ảnh con gái mình đặt thay vào chỗ trống và hai vợ chồng mừng quá đỗi:

- Nó ở yên rồi!

Phi ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:

- Chuyện này có nhiều uẩn khúc, mà theo cháu nghĩ thì hồn con gái bác và người bạn của cháu đây đang gặp nhau. Cô bạn cháu cũng chết dưới sông...
Bà già chợt nhắc lại chuyện hồi nãy:

- Tôi không hiểu tại sao nó hoàn toàn xa lạ với cậu mà lại nói cậu sẽ là... chồng nó?

Phi kinh ngạc:

- Bác nói ai?

- Con Ngọc Liên, con gái tôi!

Phi xua tay:

- Không đâu bác! Cháu làm sao có thể.

Anh định nói thẳng ý mình là từ chối, nhưng lúc ấy bỗng mắt anh chạm vào ánh mắt từ bức ảnh chân dung của cô gái trên bàn thờ, Phi chợt rùng mình! Đôi mắt của cô nàng hình như là đang long lên, như muốn nói thành lời!

- Dạ thưa hai bác...

Phi định nói lời kiếu từ nhưng bỗng bụng anh nhói đau dữ dội! Người lảo đảo như muốn ngã, khiến ông già hốt hoảng:

- Cậu làm sao vậy?

Phi tối tăm mặt mũi, vịn vào thành ghế rồi hầu như không còn sức nữa, anh ngã khuỵu xuống đất. Trong mơ hồ, anh nghe như có tiếng kêu thảng thốt của chủ nhà, rồi hình như mọi người dìu anh lên...
***

Có lẽ khá lâu Phi mới tỉnh lại. Trời tối đen chung quanh và qua khung cửa sổ, anh có thể nhìn ra bên ngoài và nhận biết trời đang mưa rất lớn.

- Mình đang ở đâu?

Nhớ lại dần mọi việc. Phi sửng sốt kêu khẽ:

- Nhà cô gái ấy!

Quơ tay sang bên thì chạm vào cái khung ảnh, Phi cầm lên xem, trong bóng tối lờ mờ nhưng anh vẫn nhận ra trong ảnh là Mỹ Lan. Yên tâm phần nào. Phi định bước xuống giường, nhưng người anh như bị đóng đinh xuống giường, không tài nào xoay sở được.

Vừa khi ấy, ở tay bên này của Phi như có ai vừa đặt vào đó một khung hình thứ hai. Hai tay hai khung ảnh và Phi chợt hiểu, anh thầm kêu lên:

- Ảnh hai người!

Khi nhảy được xuống giường, Phi đốt đèn lên thì rõ ràng hai khung hình của Mỹ Lan và Ngọc Liên đều nằm trên giường anh! Lúc anh còn đang ngơ ngác thì ba má Ngọc Liên đã bước vào, họ hỏi bằng giọng ngạc nhiên:
- Cậu có hẹn với người nào tới đây không?

Phi lắc đầu:

- Dạ đâu có.

- Cậu ra ngoài coi, có người đang đợi cậu từ nãy giờ.

Phi hấp tấp bước theo họ ra nhà ngoài thì phải kêu lên:

- Mỹ Lan!

Cô gái tên Mỹ Lan đã ngồi ở phòng khách từ lúc nào rồi. Khi thấy Phi bước ra, cô vẫn bình thản đưa tay chỉ về phía bàn thờ:

- Trên bàn thờ phải thờ đủ hai người chứ sao chỉ có một người?

Phi nhìn lên thì không còn ảnh của Ngọc Liên, anh nhớ tới hai tấm ảnh đều trong phòng mình thì muốn nói, nhưng đã chậm hơn so với cô nàng. Cô quay sang ông bà già:

- Ba má cứ để cho anh ấy thờ cả hai ảnh trên bàn thờ, như vậy anh ấy mới yên lòng mà nghe lời ba má.

Bà già kêu lên:

- Kìa, sao cô lại kêu tụi tôi bằng ba má? Tôi đâu có...

Mỹ Lan bỗng sụp xuống lạy dài hai người:

- Con lạy ba má, hãy để cho anh ấy làm rể nhà này, thì cả hai đứa con mới được cùng nhau. Bằng không thì...
Cô quay sang Phi, nói với anh:

- Sao không lạy ba má đi!

Phi còn đang chưa biết phải làm sao thì tự dưng đôi chân anh tự động khuỵu xuống trong tư thế quỳ! Chẳng hẹn mà anh và Mỹ Lan cùng quỳ trước ông bà già Ngọc Liên, mà cũng là trước bàn thờ còn khói hương nghi ngút!

Ba má Ngọc Liên cũng chẳng biết sao, họ đành phải nói:

- Hai đứa đứng lên đi.

Đó như một lời công nhận, lúc đó Mỹ Lan mới kéo Phi đứng lên và nói:

- Con là Ngọc Liên đây, ba má làm như vậy là giải khó cho tụi con rồi! Con xin nói để ba má rõ, con đã chết chìm, hồn con sắp lạc vào mê cung địa phủ thì gặp được người con gái cùng cảnh ngộ với con cũng đang vật vờ sau khi trôi giạt từ xa đến. Cái số ở cõi âm của tụi con là như vậy, kẻ mất xác, người mất hồn, cuối cùng chỉ còn lại một mà thôi. Hồn con đây, trong xác của chị Mỹ Lan và hai chúng con đều có duyên với chỉ một người... này!
Nói xong, cô chỉ tay về phía Phi. Anh giật mình:

- Là tôi?

Mỹ Lan không trả lời, cô rất tự nhiên đi vào phòng nơi Phi vừa ngủ, khi trở ra trên tay cầm hai khung ảnh. Trịnh trọng đặt cả hai khung ảnh lên bàn thờ, vừa nói:

- Coi như ba má có hai đứa con gái. Cả hai tuy đã chết, nhưng thực tế thì ngày ngày vẫn sống với ba má tại đây. Còn bây giờ để tụi con, còn phải về thăm cha con bên kia nữa!

Cô kéo tay Phi:

- Đi anh, ba đang đợi ở quán bên Hàm Luông!

Họ đi ra trước sự thảng thốt của hai ông bà:

- Kìa, rồi ba má làm sao đây?

Họ vẫn đi thẳng như không có chuyện gì xảy ra. Khi ra tới ngoài rồi Phi mới hỏi:

- Có phải em là...

Mỹ Lan đáp tỉnh queo:

- Là hồn ma!

Khi đã xuống chiếc xuồng đậu sẵn ở bờ sông rồi, nàng mới nói tiếp:

- Một hồn ma không biết hại người. Mà trái lại còn bị người hại, suýt chết!
Nàng đưa tay lên sờ vết thương trên môi vẫn còn chưa lành:

- Cái lưỡi câu đó nếu em không thoát ra được, không chết vì đau thì cũng chết vì lên bờ không có nước thở!

Nhớ lại bữa câu cá đó, Phi hỏi:

- Em là hồn ma sao dính câu được?

Bấy giờ nàng mới cười:

- Cái nợ tình nó buộc em phải dính đó thôi. Em nói thật tại cái số của em phải trở thành vợ anh, cho nên anh câu hai lần em đều dính câu và phải đến kết cuộc này...

Đẩy xuồng ra giữa dòng, chợt Mỹ Lan nói tiếp:

- Anh về nhanh đi, để ông già đợi ở quán. Còn em...

Cô vừa dứt lời thì lao nhanh xuống nước.

- Kìa, Mỹ Lan!

Phi muốn phóng theo, nhưng chợt khựng lại. Anh lẩm bẩm:

- Cô ấy trở về với thế giới của mình!

***

Ông Tám Ri đã sốt ruột chờ đợi suốt ba ngày rồi mà vẫn chưa thấy con gái mình trở về. Ông cũng thắc mắc về sự vắng mặt của Phi. Phi chỉ nói với ông là đi có việc riêng và sẽ trở về ngay, vậy mà anh ta vẫn bặt vô âm tín.
Chiều hôm đó, chị chủ quán trấn an ông Tám:

- Chú Tám cứ ở đây nghỉ ngơi, thế nào rồi Mỹ Lan cũng trở về thôi. Mấy tháng làm ở đây chưa bao giờ nó đi lâu. Lần này có lẽ có chút chuyện gì đó...

Ông Tám không an tâm:

- Tối qua tôi cứ nhắm mắt lại là thấy nó ngồi khóc trên xuồng, miệng nó đầy máu. Tôi lo quá.

Thật ra chị chủ quán Tư Quắn cũng lo không kém. Chính chị cũng chiêm bao thấy giống như vậy. Chị còn nhìn thấy Mỹ Lan hụp lặn dưới nước mà mỗi khi trồi lên thì mặt cô cũng đầy máu? Chị không dám nói ra điều này sợ làm ông Tám lo thêm...

Đến bữa cơm chiều, mời đến lần thứ ba thì ông Tám Ri mới chịu ngồi vào bàn ăn, ông chưa kịp gắp thức ăn thì đã thấy trong chén mình có nửa miếng cá rô kho nằm sẵn. Ông ngạc nhiên hỏi:

- Cô Tư gắp cho tôi hả?

Tư Quắn lúc đó mới ngồi xuống ghế, cô trả lời:
- Dạ, đâu có. Con mới vào ngồi mà.

- Vậy sao...

Ông Tám nhìn nửa con cá toàn nạc, không lẫn miếng xương, vừa ngạc nhiên vừa thích thú:

- Tôi vốn rất sợ mắc xương, mà miếng cá này thì rất giống với những miếng cá mà thường ngày con Mỹ Lan vẫn thường hay gắp cho tôi mỗi khi ăn món cá!

Tuy ngạc nhiên, thắc mắc, nhưng ông Tám vẫn ăn. Ông còn nói:

- Con Mỹ Lan thích nhất là đọt lang chấm nước cá kho. Bữa nào dẫu trời mưa gió tầm tã nó vẫn đi hái đem về luộc để cha con ăn. Mà đọt lang luộc chấm nước cá kho ăn ngon miệng lắm, cô Tư đã ăn thử chưa?

Tư Quắn giở chiếc lồng bàn để cạnh bàn ra và nói:

- Không có đọt lang, cháu luộc đọt bí đây, chú dùng đỡ.

Nhưng khi chiếc lồng bàn giở ra thì Tư Quắn quá đỗi ngạc nhiên:

- Ủa, sao như thế này?

Thay vì dĩa đọt bí, trong đó lại là dĩa... đọt lang! Tư Quắn không tin vào mắt mình, chị cầm lên xem kỹ rồi lẩm bẩm:
- Chính tôi hái và luộc mà. Sao lại...

Ông Tám có ngạc nhiên, nhưng lại thích thú:

- Đúng là hai thứ mà con gái tôi thích.

Dẫu vẫn ăn, nhưng Tư Quắn vẫn không hết thắc mắc:

- Bữa nay lạ quá, chẳng khác nào như Mỹ Lan trực tiếp làm bữa cơm hôm nay.

Ông Tám cũng có cảm giác ấy nhưng ông vốn không nghĩ gì khác mà vẫn cứ ăn ngon lành. Lúc bữa ăn gần chấm dứt thì bỗng ở sau nhà bếp có tiếng va chạm mạnh, khiến Tư Quắn phải buông đũa và chạy xuống xem. Chị quá đỗi ngạc nhiên khi nhìn thấy hai chén chè đậu xanh ai đó đã múc sẵn còn bốc khói để trên chiếc mâm.

Lúc này Tư Quắn không còn bình tĩnh nữa, chị hỏi:

- Ai trong này vậy?

Chị quay tìm khắp nơi mà không thấy ai. Lúc ấy ông Tám cũng bước xuống, ông reo lên khi thấy mấy chén chè:

- Chè đậu xanh là món cha con tôi ưa thích đây mà.
Tư Quắn nghe tim mình đập liên hồi, chị đang nghĩ tới Mỹ Lan. Linh tính hình như cho chị biết có điều gì đó. Tuy nhiên nhất thời chị chưa dám nói thẳng ý mình ra...

Ăn xong bữa cơm, ông Tám có vẻ hài lòng:

- Lâu lắm rồi tôi mới được ăn một bữa giống như nhà mình. Đúng hơn là giống như cách nấu của con Mỹ Lan. Cô Tư nấu ăn khéo thật!

Tối đó thì Phi về tới. Vừa thấy anh, ông Tám đã hỏi:

- Con Mỹ Lan đâu?

Phi đã suy tính kỹ trên đường về, nên không giấu giếm:

- Dạ thưa bác, Mỹ Lan chẳng may...

Anh chưa kịp nói hết lời thì từ trong nhà bếp, một giọng nói quen thuộc đã vang lên:

- Dạ, con đây ba!

Mỹ Lan xuất hiện giữa sự ngạc nhiên chẳng riêng gì ông Tám và chủ quán, mà cả Phi cũng tròn mắt:

- Em... em...

Từ lúc Mỹ Lan nhào xuống sông thì Phi không nghĩ cô sẽ trở về gặp cha. Nhưng bây giờ cô đã có mặt, khiến Phi lúng túng. Cũng may là anh chỉ mới nói còn chưa rõ ràng và ông Tám cũng không kịp thắc mắc, mà chỉ vui mừng khôn xiết:
- Ba đã đợi con từ mấy bữa rồi! Mỹ Lan, con nói cho ba nghe coi, hôm con bị chìm xuồng rồi làm sao sống sót và trôi giạt qua tận đây?

- Dạ... con nhờ người ta cứu.

Cô hình như muốn né tránh kể lại sự việc, nhưng lúc này ông Tám bị niềm vui trong lòng lấn át cả mọi sự hoài nghi, ông phấn khởi nên nói huyên thuyên:

- Con đi ăn cơm đi, có cá rô kho tiêu, có cả chè đậu xanh nữa. Cô Tư đây nấu giống y như con vậy, ngon lắm!

Bất ngờ Mỹ Lan nhăn mặt:

- Cá rô hả? Con sợ món cá này, ăn dễ mắc xương! Còn chè đậu hả, đó là món con ghét nhất!

Câu nói làm cho ông Tám quá đỗi ngạc nhiên. Ông không ngờ chỉ một thời gian ngắn xa nhà mà cô con gái cưng của ông đã thay đổi tính tình quá nhiều như vậy.

Ông trách:

- Con mới đi có mấy tháng mà sao không còn giống con chút nào hết vậy Lan?

Chỉ có Phi là hiểu nguyên nhân. Anh không còn muốn nói ra sự thật nữa, nên tìm cách khỏa lấp:
- Con nghĩ có lẽ xa nhà lâu nên Mỹ Lan có nhiều thay đổi. Hơn nữa, cô ấy mới vừa trải qua một cơn bệnh, cho nên...

Anh tìm cách kéo Lan vào nhà sau, dặn khẽ:

- Em bây giờ chỉ có cái xác là của Mỹ Lan, còn phần hồn là Ngọc Liên, do vậy mọi thứ đều sẽ không hợp với ông già. Tốt hơn hết là hãy tìm cách tránh tiếp xúc với ông ấy.

Phi chủ động bàn với ông Tám:

- Bác Tám đã gặp được Mỹ Lan rồi, nhưng hiện nay cô ấy đang có giao ước làm việc với người ta dài hạn. Vậy bác ở chơi đây ít hôm rồi về bên nhà. Lâu lâu, khi nào rảnh Lan sẽ về thăm bác. Con sẽ...

Ông Tám bất ngờ nói:

- Ta có ý này... hay là ta gả con Mỹ Lan cho cậu! Có như vậy thì việc nó xa nhà ta mới yên tâm. Cậu chịu không?

Phi tuy đã có ý đó, nhưng anh vẫn làm ra vẻ:

- Dạ... chỉ sợ e...

Ông Tám gọi Mỹ Lan ra:
- Đây, có trước mặt cả cô Tư, ba quyết định gả con cho cậu Phi này, con ưng không?

Mỹ Lan cúi đầu e thẹn. Tư Quắn nói thêm vào:

- Ông Tám quyết định như vậy là hợp ý tụi nó rồi. Cậu Phi đây tuy nhà ở xa tới đây trọ, nhưng tôi biết chắc cậu ấy chưa vợ con gì. Mà lâu nay lui tới đây cậu ấy với Mỹ Lan cũng đã vừa ý nhau, hai đứa lại xứng lứa vừa đôi nữa, còn gì hơn!

Ông Tám lại có một quyết định gây ngạc nhiên hơn:

- Không cần lễ tiệc chi cho rườm rà. Ngay sáng mai nhờ cô Tư nấu cho ít món, mời một ít khách quen với cô, quen với con Mỹ Lan và bạn bè cậu Phi đây tới dự, tôi sẽ cho tổ chức một lễ cưới cho hai đứa nó!

Phi liếc mắt nhìn Mỹ Lan, anh muốn nói gì đó nhưng kịp dừng lại...

Sáng hôm sau, lễ cưới theo đúng ý ông Tám đã diễn ra.

Qua ngày hôm sau thì ông Tám được Phi mướn người ngồi cùng ghe đưa về tận nhà.
Chị chủ quán không hiểu sự tình, nên đề nghị:

- Hay là tôi nhường phần sau nhà này cho cô cậu ở, tôi dọn ra phần trước ở coi quán luôn?

Phi tế nhị từ chối:

- Cám ơn dì Tư, có lẽ để tụi này mướn một chỗ ở riêng cho yên tĩnh. Bởi... cô ấy đã có thai, cần nghỉ ngơi!

Tư Quắn trố mắt kinh ngạc:

- Thật vậy sao?

Trong khi đó thì Mỹ Lan lánh vào trong rất nhanh. Chờ cho Phi bước vào, cô trách:

- Sao anh ẩu vậy, em có thai hồi nào?

Phi cười:

- Phải nói như vậy bà ấy mới cho em nghỉ làm chứ. Bằng không thì làm sao giải thích...

Mỹ Lan hiểu thực trạng của mình nên nín thinh. Nhờ vậy mọi việc được giữ kín...

***

Chuyện của Mỹ Lan và Phi được giấu kín, không một ai nghi ngờ gì. Bởi họ mướn một căn nhà ở rất xa, nên cũng chẳng mấy ai lui tới thăm viếng. Thực tế thì Phi sống một mình suốt ngày. Chỉ vào ban đêm thì Mỹ Lan mới xuất hiện.
Một hôm nàng nói:

- Anh phải về bên nhà ba má em gấp, ông bà sắp hết số rồi. Về đứng ra làm đám cho đúng lễ.

Phi tưởng mình phải về Gò Công, anh đang chuẩn bị đi thì nàng nhắc:

- Em nói ba má tức ba má em ở Bình Đại, anh quên rồi sao!

Lúc này Phi mới nhớ là mình đang làm rể đến hai nhà. Anh ngượng nghịu nói:

- Ờ, anh biết rồi...

Từ đó về sau, cứ lâu lâu Phi lại về nhà, khi thì Gò Công, lúc thì Bình Đại. Anh đóng vai chàng rể... ảo một cách đáng khen.

Một năm sau...

Bỗng một đêm Mỹ Lan về, cô ẵm về một đứa bé còn trong tháng và nói:

- Anh hãy nuôi cho kỹ, con chúng ta đó!

Phi tưởng mình đang mơ:

- Thật... hả?

- Sao lại không thật, đã sống với nhau, dẫu là với hồn ma, cũng có con như thường chứ!

Phi một mình nuôi con rất chu đáo. Nếu có ai cắc cớ hỏi mẹ đứa bé đâu, nó sẽ vô tư trả lời:
- Hai mẹ của con đi làm ăn xa!

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play