Trận mưa dữ dội kéo sang ngày thứ ba mà vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Nước trên cánh đồng cỏ năng đã tràn như mặt biển mênh mông. Từ chỗ neo xuồng, Tứ đưa mắt nhìn ra chẳng khác nào đang lênh đênh giữa đại dương ngàn trùng...

Ôm xác người vợ trẻ chết từ nửa đêm hôm qua mà lòng Tứ nát như tương. Anh đã khóc cạn nước mắt và van vái cho trời ngừng mưa, để anh còn có thể kéo chiếc xuồng bể nát, không còn khả năng chèo chống, hầu đưa xác vợ vào nơi nào đó khô ráo để an táng. Vậy mà ước nguyện đó tới giờ này Tứ vẫn chưa thể thực hiện được. Mà xem ra khó mà làm theo ý, bởi nước càng lúc càng dâng cao, từng cơn sóng cao hơn nửa thước cứ đánh ập tới theo cơn gió rít từng hồi.

Tứ đâu lạ gì mùa nước lũ vùng Đồng Tháp Mười này, nhưng đây là lần đầu tiên anh kẹt giữa muôn trùng biển nước, mà lại trong hoàn cảnh ngặt nghèo này. Kim Lệ, cô vợ vừa cưới chưa được một năm của anh nhè giữa trời mưa lũ lại lâm bạo bệnh và chết chỉ sau nửa giờ vật lộn với cơn đau lạ. Kẹt giữa biển nước, trong lúc chiếc xuồng ba lá của anh lại vướng phải cọc bể mũi, không thể chèo chống được, và Tứ chỉ còn biết neo lại gốc cây gáo nằm trơ trọi giữa đồng mà chịu trận.
Lạy trời cho mưa ngừng lại, cho có ai đó đi qua đây. Tứ đã van vái cả trăm lần mà vẫn chưa có hiệu quả gì. Mưa vẫn nặng hạt, bóng dáng các xuồng ghe khác thì hầu như không thể có, bởi chẳng ai dám đi giữa biển nước như thế này, nếu không muốn vong mạng.

- Đành thôi!

Tuy nhiên, khi nhìn lại xác vợ đã bắt đầu tái nhợt, lòng Tứ lại nhói đau. Nàng đã vong mạng rồi mà còn phải chịu đựng nằm trơ ra như thế này đến bao giờ nữa? Đã nghĩ tới cách táng bằng cột xác treo lên cháng ba cây, đợi khi nước rút thì đem xuống mai táng lại. Nhưng ngặt nỗi chung quanh Tứ bây giờ một sợi dây cũng không có, chỉ có chiếc mền duy nhất thì làm sao thực hiện được việc treo xác vợ lên cây.

Nghĩ nát óc, cuối cùng Tứ đành phải ôm chặt vợ vào lòng, khóc rống lên cho nỗi thống khổ vơi bớt và cũng để có sức mà chống chọi lại với cái lạnh đã bắt đầu thấm vào thịt da chàng trai cường tráng như Tứ. Lần đầu tiên sau ba ngày đêm chịu trận, Tứ mới cảm thấy lạnh và kiệt sức. Trong một thoáng bi quan, Tứ lẩm bẩm:
- Thôi thì đành chết theo cô ấy cho xong.

Anh dụi đầu vào xác vợ, lịm đi...

***

- Nè, cậu kia, người đã bớt sốt rồi, tỉnh chưa?

Tứ nghe văng vẳng ai gọi mình mà không tài nào mở mắt ra được. Tiếng gọi kia lặp lại:

- Cậu kia...!

Lần này thì Tứ choàng tỉnh. Anh vừa mở mắt ra đã thảng thốt kêu lên:

- Kim Lệ!

Tứ không thấy xác vợ bên cạnh nên hốt hoảng. Chợt nhìn thấy người đàn ông lạ đang chăm chú nhìn mình, Tứ hỏi liền:

- Vợ tôi đâu?

Người đàn ông lớn tuổi, mình trần, đầu tóc dài, da sạm nắng, nhẹ lắc đầu:

- Tôi tới đây chỉ còn kịp nhìn thấy cậu đang chới với giữa sóng nước, còn chiếc xuồng thì lật úp, tôi kéo cậu được thì một cơn gió lớn ập tới, mọi thứ chẳng còn lại gì!

Tứ gào lên:

- Trời ơi, vợ tôi!

Anh bất kể sức mình đang yếu, đã nhào đại xuống nước, quơ tay mò tìm xác vợ. Ông lão quát lớn:
- Cậu muốn chết phải không!

Vừa nói, ông vừa phóng theo và bằng một động tác thành thạo, đã chụp được tay Tứ, xốc anh từ phía sau, kéo trở lại cây gáo to, nơi mà mấy ngày rồi Tứ đã bám víu. Tứ vẫn vùng vẫy và gào to hơn:

- Mình ơi! Lệ ơi!

Ông già trấn an:

- Dẫu sao thì cô ấy cũng đã mất tích rồi. Nước lũ mênh mông như thế này thì làm sao mà kiếm tìm cho được lúc này. Chỉ cầu trời cho cô ấy bám víu được vật gì đó để sống sót...

Tứ gào lên thê lương hơn:

- Cô ấy đã chết rồi, còn bám víu nơi đâu nữa mà bám, trời ơi!

Ông già im bặt, đưa mắt nhìn Tứ, rồi nhẹ lắc đầu:

- Thì ra là vậy...

Một lúc nữa, khi thấy Tứ im lặng, ông lại tiếp:

- Mùa lũ này mà gặp cảnh như cậu thì ai cũng chịu bó tay thôi. Cầu trời cho xác cô ấy trôi tấp vào đâu đó, rồi một là có người chôn giúp, còn không thì đợi trời êm một chút, tôi sẽ giúp cậu đi tìm. Tôi rành vùng này lắm, phía dưới gió kia là cánh đồng tràm dày đặc, mọi thứ đều có thể bị vướng lại khi trôi dạt vào đó.
Tứ reo lên:

- Đúng vậy phải không? Nơi đó có xa không chú?

Ông già gật đầu:

- Chừng năm cây số thôi, nhưng do nước tràn đồng nên giờ đây ta không nhìn thấy gì. Đợi mưa tạnh bớt đã...

Lúc này ông già mới hỏi kỹ và Tứ thuật lại mọi chuyện. Nghe xong ông nói:

- Cư dân sống trong vùng này vẫn thường gặp cảnh như cậu, và người ta có một cách để mai táng người chứ không chỉ riêng treo xác trên cây đâu. Cậu đã nghe nói cách đào huyệt ngay khi nước ngập quá đầu chưa?

Tứ lắc đầu:

- Dạ chưa.

- Đó gọi là thủy táng. Tức chôn trong nước, chôn giữa khi nước còn tràn đồng.

Rồi ông giải thích cặn kẽ hơn:

- Cách không táng, tức treo xác trên cành cây chờ nước rút sẽ chôn lại thì tuy có khô ráo, tiện lợi, nhưng đâu phải người nào cũng có điều kiện để làm, vì nó đòi hỏi phải có ván làm quan tài cho kỹ, rồi phải biết cách và có dây cột chặt, để treo, để giữ cho quan tài không rớt, không bốc mùi hôi. Đó là chưa nói lũ quạ diều quái quỷ xứ này, chúng hung hăng, dữ dằn, có thể cả ngàn con bâu tới mổ thủng ván quan tài để moi xác chết! Cho nên người ta nghĩ tới và chọn cách thủy táng nhiều hơn.
- Nhưng nước ngập quá đầu thế này làm sao đào huyệt mà chôn?

- Vậy mà có cách!

Ông già còn kể vài cách nữa, như bó xác trong lá chuối, bẹ chuối ràng buộc thật chặt, giống như người gói bánh tét rồi thả trôi theo xuồng, kéo về chỗ đất liền...

Nghe đến đâu Tứ đau lòng đến đó, bởi nếu biết trước thì anh có thể làm theo và chắc chắn là không để mất xác vợ như thế này.

Trời tối dần. Lúc này ông già mới kể chuyện mình:

- Tôi đi lấy củi bên Mộc Hóa rồi gặp mưa bão, chiếc ghe chở củi hơn 5 tấn đã bị gió thổi bạt vào rừng vỡ ra từng mảnh. Tôi bơi lội giỏi, nhưng cũng chịu được có nửa ngày rồi may bám được một cây chuối, và mặc cho nó trôi. Hơn một ngày đêm như vậy, cho đến khi vô tình tấp vô đây, vừa lúc tôi thấy cậu đang chới với sắp chìm, tôi kéo được cậu và cây chuối cũng vướng lại, và... tôi chịu chung số phận với cậu như giờ đây.
Nhờ có kinh nghiệm nên ông ta bày cho Tứ cách bám thân cây, mỗi người một cháng ba, đu ngang như cách mấy con khỉ, vượn ngủ trên cành. Ông dặn:

- Mình không thể thức mãi khi còn kẹt lại đây, nhưng phải biết cách quàng tay thế nào để lỡ có ngủ quên thì không bị ngã xuống nước. Cậu biết rồi đó, với nước chảy cuồn cuộn thế này, chỉ cần rơi xuống thì vài chục giây sau mình đã bị đẩy đi cả trăm, cả ngàn thước rồi!

Tứ đâu còn thiết gì sự sống lúc này, nhưng sợ nói ra sẽ bị ông già chê trách, nên anh chỉ im lặng và ứa nước mắt khi nhớ tới cô vợ trẻ mình giờ đây thân xác đang bập bềnh trên sóng nước, chẳng biết trôi về đâu?

- Cậu lại khóc đó sao? Chuyện đã lỡ rồi, phải bình tĩnh để còn nghĩ cách đi tìm xác vợ nữa chứ! Nhắm mắt lại ngủ một giấc đi, để tôi thức canh cho. Ngoài ra tôi còn đang nghĩ cách để bắt con chuột, con rắn gì đó ăn cầm hơi. Cậu biết làm sao mình bắt mấy con đó không.
Dẫu đang nẫu ruột, nhưng nghe ông ta hỏi vậy, Tứ cũng tò mò:

- Không còn chỗ nào thì làm sao bắt được chúng?

- Vậy mà có đó. Cậu đừng động đậy, tôi sẽ bắt con rắn đang ở ngay sau lưng cậu cho coi!

Ông ta vừa dứt lời thì cánh tay đã vươn nhanh về phía cành cây sau đầu của Tứ, vừa reo lên:

- Có thứ để cầm hơi rồi!

Ông ta nắm trong tay một con rắn to bằng ngón chân cái nó đang ra sức vùng vẫy để thoát thân, nhưng do bị chộp ngang cổ nên sau một lúc cựa quậy đã phải nằm yên. Ông già bảo:

- Đây là rắn hổ đất, để nó cắn thì chỉ vài phút sau là vong mạng liền! Cũng may, con này nó lên cây trước ta và cũng đang mất cảnh giác, chứ nếu không thì lúc nãy cậu đã bị nó mổ rồi! Bây giờ cậu há miệng ra, hút ít máu của nó, rồi sau đó tôi lấy mật, đầu lòng của nó ra chia nhau mà ăn. Còn thịt thì ăn sau. Nó sẽ giúp ta qua cơn đói đêm nay. Chắc là cậu đói lắm rồi!
Đúng là Tứ đã đói quá, bởi mấy hôm rồi anh có ăn uống gì đâu, nhưng nghe ông ta nói cách ăn thịt rắn như thế tự dưng Tứ muốn lợm giọng, anh lắc đầu:

- Cháu không ăn được.

Ông già cười ngất:

- Không được cũng ráng mà ăn! Lúc này có bất cứ cái gì bỏ vào bụng đều tốt cả. Nào, há miệng ra!

Bằng động tác thuần thục. Ông ta dùng móng tay bấm ngang đuôi con rắn, phần đuôi gần đứt lìa ra, máu từ trong đó vọt ra. Và nhanh ngoài sức tưởng tượng của Tứ, ông cho ngay tia máu đó vào miệng đang há to ra vì ngạc nhiên của Tứ, anh chàng bị tia máu bắn vào và nuốt ực một cái!

Hớp đầu tiên Tứ muốn nôn ra ngay, nhưng liền đó thì như có ai bơm vào, anh nuốt gần không kịp!

- Xong rồi đó, phần tim gan, mật của nó để tôi!

Ông ta dùng tay moi mấy thứ đó ra và cho vào miệng nuốt một cách ngon lành mà không cần nhai!
Tứ cảm giác như huyết quản mình cuộn lên bởi có thêm máu rắn, trong vài giây, anh suýt nôn ra, nhưng ngay lập tức cảm giác ấy chấm dứt, cùng lúc anh thiếp đi...

***

Cũng không biết là bao lâu...

Khi Tứ bừng tỉnh lại thì thấy ở chân trời phía xa một màu hồng lóe lên. Cùng lúc là tiếng kêu của ông già:

- Hết mưa rồi!

Tuy là hết mưa, nhưng nước vẫn còn chảy cuồn cuộn, gió vẫn mạnh, tạo ra những đợt sóng cao vỗ vào gốc cây chỗ Tứ và ông già đang bám, khiến thân cây rung lên từng hồi. Tứ chống tay vừa định ngồi dậy trên cháng ba cây thì ông già đưa tay lên miệng, ra dấu cho anh không được cử động. Đoán là có một con rắn nữa, nên Tứ trân người không dám nhúc nhích. Ông già lại một lần nữa vươn tay ra, và... có tiếng kêu chí chóe. Ông ta cười khoái chí:

- Lão tý này nộp mạng hơi muộn đây!
Một con chuột cống nhum thật to, có lẽ đã bò lên cây trong lúc hai người ngủ say. Ông già thích thú:

- Con rắn mình phơi khô chưa ăn tới thì lại có thêm lương thực dự trữ nữa, lo gì đói!

Có lẽ do mải nói nên ông ta hơi lơi tay, con chuột thật nhanh, nó vùng thoát và nhảy ngay xuống nước! Tứ kêu lên:

- Nó chạy mất rồi!

Cũng vừa khi ấy, bỗng mắt Tứ dán chặt vào một vật gì đó khá lớn đang nổi lềnh bềnh trên mặt nước, bị vướng vào gốc cây gáo.

- Xác người!

Ông già cũng đã nhìn thấy, ông bảo:

- Một phụ nữ!

Tứ như mũi tên, lao ngược từ trên xuống, nhanh đến nỗi ông già không kịp có phản ứng gì. Tiếng reo như bắt được vàng của Tứ:

- Vợ tôi!

Bất kể hiểm nguy, Tứ nhảy ngay xuống nước và ôm chặt lấy cái xác đang lềnh bềnh kia. Đúng là Kim Lệ!

- Trời còn thương con mà!
Từ trên cây, ông già nhanh nhảu tuột xuống và bảo:

- Cậu giữ một tay, còn tay kia thì bám vào thân cây kẻo sóng vỗ bung ra ngoài bây giờ!

Nhờ được nhắc nên Tứ giữ được xác vợ, đồng thời cũng không bị dòng nước cuốn đi. Nhưng anh vẫn lo:

- Làm sao đem xác vợ cháu lên cây hả chú?

- Cậu cố giữ lấy đi, để tôi bẻ mấy cành cây dài, mình cắm xuống đất để giữ xác lại.

Ông già rất nhanh, leo lên ngọn cây và kéo mạnh mấy cái, lần lượt bốn cành cây dài trên hai thước được bẻ gãy.

Nhờ trời tạnh mưa, nên ông già thực hiện cắm bốn nhánh cây xuống nước, rào một vòng quanh gốc cây gáo được dễ dàng. Rồi ông giục Tứ:

- Cậu phải dứt khoát không được chần chừ, phải nghĩ việc giữ được xác cô ấy ở lại đây là chính, chớ đừng ngại việc cô ấy có bị ngâm nước hay không. Cậu chấp nhận thủy táng?
Tìm lại được xác vợ là niềm vui mừng lớn đối với Tứ, nên anh chịu liền:

- Sao cũng được!

Ông già hình như đã quen với việc chôn người trong hoàn cảnh như vậy, nên ông vừa lặn xuống cắm cọc vừa luôn miệng nói:

- Tấm lòng của cậu đã đánh động cõi âm phủ, nên mới khiến xác cô nhà quay trở lại đây. Một việc mà hầu như là không tưởng!

Sau khi cắm được bốn cành cây tạm thời giữ cái xác không để sóng cuốn đi, ông già vừa đeo vào gốc cây vừa khấn:

- Linh hồn cô... Kim Lệ sống khôn thác thiêng, phù hộ cho tôi và anh bạn này đây mai táng cho cô tại gốc cây này. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo này, thì xin cô hãy vui lòng chấp nhận ở tạm dưới nước. Đợi đến khi nước rút thì cậu ấy sẽ đưa cô lên, cải táng đến một nơi đàng hoàng hơn.

Tứ cũng khấn:

- Nếu thương anh thì em hãy ráng chịu lạnh, Lệ ơi! Nếu cần thì anh cũng ở lại đây mãi mãi với em...
Ông già nghiêm giọng:

- Giờ phút này cậu không được bi quan, nói càn. Cứ chôn xác cho cô ấy đã.

Cuộc thủy táng diễn ra suôn sẻ. Nhờ có kinh nghiệm, nên chỉ sau một giờ, ông già đã giúp Tứ đào được ngay dưới gốc cây gáo một hố huyệt khá sâu, ước chừng đã vừa cái xác ông bảo Tứ:

- Cậu vái lần nữa, xin cô ấy giúp cho mình chôn được dễ dàng đi!

Tứ với hai hàng nước mắt ôm xác vợ mếu máo:

- Xin em cho anh được gửi em lại đây! Mong em hãy...

Lời Tứ nói chưa dứt thì thật bất ngờ, cái xác như bị ai kéo ghì xuống, nó chìm từ từ... Tứ hốt hoảng:

- Chú Hai ơi!

Ông già giục:

- Cậu giữ cái đầu cô ấy, tôi giữ hai chân!

Cái xác chìm nhẹ nhàng xuống và thật kỳ diệu, nhắm đúng cái lỗ huyệt mới đào dưới nước và... nằm gọn trong đó! Ông già làm các động tác thật nhanh, chỉ một lúc sau thì những đất bùn được đào lên đã lấp trở lại. Đồng thời, ông dùng bốn cành cây to kia, hợp với Tứ cắm chéo góc, gài trên phần mộ, không cho xác trôi lên. Công việc không dễ, nhưng cuối cùng họ cũng làm được. Công việc vừa xong thì mặt trời đã lên ngay đỉnh đầu. Ông già bảo:
- Bây giờ cậu có thể nghỉ ngơi, và đợi xem nếu có vật gì trôi ngang đây mình có thể bám vào và rời đi được rồi. Tôi đã làm dấu thân cây gáo này, đợi khi nước rút mình trở lại tìm cũng không khó.

Tứ cương quyết:

- Cháu sẽ ở lại đây.

Ông già biết có nói thêm gì thì cũng khó lòng thuyết phục được anh ta, nên chỉ khẽ lắc đầu rồi im lặng. Trên khóe mắt ông, hai hàng lệ lần đầu tiên tuôn chảy...

Phải hơn một tháng sau thì nước mới rút hết. Hai tuần trước khi nước rút thì Tứ lại ngã bệnh, sốt cao, suýt chết ngay trên cháng ba cây gáo, nếu không có ông già Hai thì Tứ đã không còn. Số là trước đó hơn một tuần, vào một đêm tối trời, chẳng hiểu sao khi đang cùng nằm ngủ với Tứ trên cây, lão già Hai bỗng bị rơi xuống nước và mất tích! Điều này cũng hơi lạ, bởi ông già là dân thiện nghệ, đâu dễ bị một tai nạn như thế.
Sau cú sốc đó, nếu là người khác thì Tứ đã bỏ cuộc, không còn bám lại thân cây để chịu trận nữa, tuy nhiên chẳng hiểu nhờ sức mạnh vô hình nào thúc đẩy, anh chàng vẫn tiếp tục tồn tại, với chỉ hai thức ăn lặp đi lặp lại khá quen thuộc đó là những con rắn và chuột. Nhờ bắt chước được ông già Hai nên chuyện bắt rắn độc đối với Tứ trở nên quá dễ dàng. Mà những con vật này cũng lạ, cứ cách một đêm thì một con lại bò lên cây và... chờ được Tứ hóa kiếp! Có thể nói, việc ăn thịt sống của Tứ đã thành bình thường, mà nếu không có nó thì anh đã theo vợ từ mấy tuần qua rồi!

Tuy nhiên, sức chịu đựng của con người cũng có giới hạn, mà với Tứ thì bấy nhiêu thời gian ấy đã là quá nhiều. Hai tuần sau khi nước bắt đầu rút thì vào một đêm, Tứ hôn mê do cơn sốt dữ.
Khi tỉnh lại thì Tứ thấy mình nằm ở một trạm xá, chung quanh toàn những người lạ. Hỏi ra thì một người nằm gần giường cho Tứ biết rằng anh được một cô gái đưa vào đây trong tình trạng hầu như không còn sự sống. Cơ thể suy nhược, người nóng sốt cao độ và hôn mê sâu. Người ta đã tính chuyển anh lên bệnh viện tuyến trên, nhưng chẳng hiểu sao, khi cô gái kia cho anh uống một thứ nước nấu từ củ mài thì bỗng nhiên Tứ tỉnh lại.

Tứ quá đỗi ngạc nhiên, hỏi thăm cô gái:

- Cô ấy đâu rồi?

Người nằm cạnh giường Tứ bảo:

- Sáng sớm nay còn thấy cô ấy ở đây. Nhưng hồi nãy, trước khi cậu tỉnh lại thì cô ấy ôm mấy bộ quần áo rồi bước ra ngoài, mất biệt luôn. Chắc là về nhà rồi. Đó là vợ cậu hay ai mà tận tình quá, ở đây suốt. Nếu không có cô ta thì cậu khó lòng qua khỏi!
Tứ bận tâm tìm hiểu xem cô gái ấy là ai thì ít, mà đầu óc mãi quay cuồng nhớ lại coi cây gáo giữa đồng mà anh đã bám suốt tháng trời kia là ở đâu?

- Đồng Tháp Mười có bao nhiêu cây gáo?

Tứ hỏi một bệnh nhân gần bên thì được anh ta cười, lắc đầu:

- Ông nội tôi nhớ cũng không hết nữa! Tháp Mười là rừng tràm, nhưng chen lẫn là các loại cây khác như gáo, dừa cũng không phải ít. Biết đâu mà nói!

Tứ lẩm bẩm:

- Ông già Hai có làm dấu, chắc là kiếm được...

- Nhưng lỡ cây bị trốc gốc, nước cuốn đi mất thì sao?

Câu nói bất ngờ của ai đó khiến Tứ giật mình quay lại, và anh mừng rú lên:

- Kìa, chú Hai!

Ông già Hai xuất hiện thật đột ngột, và còn lạ hơn khi đi theo sau ông là một cô gái, mà vừa nhìn thấy cô, anh chàng bệnh nhân giường bên cạnh đã reo lên:

- Cô này đó!

Cô gái không lộ chút gì là quen biết những người trong phòng bệnh, mà trái lại, cô còn đứng nép sau lưng ông già với sự e ấp... Ông già Hai phải lên tiếng giải thích:
- Đây là đứa cháu tôi, chính nó đã đưa tôi tới đây và gặp cậu.

Anh bệnh nhân bên cạnh ngạc nhiên hỏi:

- Ủa, cô này ở đây mấy hôm nay mà?

Ông già Hai nhìn đứa cháu gái của mình rồi nói:

- Có thể quý vị đã nhìn lầm. Người ở đây mấy hôm nay là đứa em song sinh của nó. Chúng là cháu gọi tôi bằng ông ngoại.

Rồi ông quay sang Tứ, kể:

- Tôi phải bỏ đi trong khi nước chưa rút là để định hướng chính xác cây gáo đó. Bởi khi nước rút rồi thì từ bờ kinh vào đó rất xa, lại khó lòng tìm được. Chị em Mai Linh, Mai Lý này là người đi tìm chỗ của cậu, bởi khi ấy tôi bị trọng bệnh không đi được. Chính nhờ nó mà cậu mới được cứu thoát. Nó ở đây nuôi cậu theo ý của tôi đó. Bây giờ tới phiên con em. Mai Lý, nó sẽ ở lại đây cho đến lúc cậu khỏe, có thể đi được thì sẽ cùng với nó trở lại chỗ chôn xác vợ cậu. Cứ yên tâm mà dưỡng bệnh đi, sắp gặp lại vợ rồi!
Lời nói của ông già Hai khiến Tứ mừng khôn xiết, anh hỏi dồn:

- Ngay chiều nay đi được không chú Hai?

Ông già lắc đầu:

- Nước mới rút, đồng ruộng còn bùn sình nhiều, xuồng ghe đi không được, mà lội bộ thì cũng không xong. Phải đợi vài tuần nữa. Vả lại, lúc này cậu còn quá yếu mà đi cái nỗi gì!

Ông dặn cô cháu gái:

- Mỗi ngày ba lần, con mang cơm vào cho cậu Tứ đây. Hỏi không được thì ra dấu, hỏi coi cậu ấy thích món gì, cần dặn điều gì, nhớ làm theo cho đúng nghe chưa!

Rồi ông giải thích:

- Con nhỏ bị câm điếc bẩm sinh, nhưng được cái là rất nhạy, chỉ cần ra dấu là nó hiểu mình muốn nói gì. Nó tên là Mai Lý.

Ông già còn bày ra vô số thức ăn và vài món đồ dùng cá nhân dành cho Tứ, ông bảo:

- Biết cậu thiếu thốn mấy thứ này, nên tôi đem vào. Cậu nhớ cái này không?
Ông đưa cho Tứ cây lược sừng mà vừa nhìn là Tứ đã kêu lên:

- Của vợ cháu!

- Tôi đoán là vậy, bởi hôm rồi trên đường trở lại tìm cậu, tình cờ tôi gặp một chiếc xuồng ba lá vỡ đôi nằm trên một gò đất cao, trong xuồng không có vật gì quý, chỉ có cây lược này nằm kẹt dưới khoang xuồng, bên cạnh còn có một cái quần xà lỏn màu nâu, có vá một miếng vải sọc mà vừa nhìn cách vá và màu vải, tôi nghĩ ngay tới cậu. Bởi cậu cũng có một cái quần vá y kiểu đó. Đúng không?

Tứ gật đầu:

- Dạ, chính vợ cháu đã vá hai cái quần đó bằng vải vạt áo của cô ấy. Vừa vá xong lúc trên xuồng, trước lúc cô ấy chết chỉ nửa buổi!

- Tội nghiệp...

Ông già buông tiếng thở dài rồi quay đi chỗ khác như tránh không cho Tứ thấy hai giọt nước mắt của mình.

Những người bệnh cùng phòng sau khi biết chuyện đã không ngớt lời ca ngợi lòng tốt của ông già Hai. Họ bảo rằng giữa thời buổi này khó mà kiếm được một người có lương tâm như ông ta.
Tuy nhiên, cũng có người xầm xì:

- Biết đâu được. Lão ta có đến hai cô cháu gái chưa chồng, một cô lại tật nguyền, nay thấy chàng trai chết vợ như Tứ thì chắc là có ý muốn kiếm cháu rể đây!

Tuy nói vậy, nhưng trong mấy ngày sau đó, ai cũng phải công nhận rằng cô gái câm cháu ngoại ông già Hai là một người siêng năng, tính tình ôn hòa và rất tử tế. Cô nàng làm đúng những gì ông dặn, ngày ba lần đưa cơm vào bệnh viện rồi thì đi về, ai hỏi gì cũng không quan tâm. Chính Tứ cũng ngạc nhiên và áy náy. Anh ngỏ ý qua ra dấu rằng muốn gặp ông già Hai, thì cô ta chỉ xua tay từ chối.

Cho đến một buổi sáng, khi ấy có một người lạ xách cặp lồng cơm đưa vào cho Tứ và nói:

- Cô Mai Lý đưa cơm thường ngày vừa bị nạn, cô ấy bước từ dưới xuồng lên chẳng may hụt chân, ngã xuống và va đầu vào cọc nhọn, máu chảy ra nhiều và chìm lỉm luôn, mọi người ra sức mò tìm mà chưa được! Tôi là người đi chung xuồng với cô ấy từ trong kinh ra, nên biết cô đưa cơm vào cho bệnh nhân, tôi đem tới giùm.
Nói xong người ấy đi mất, khiến cho Tứ hốt hoảng, nhảy đại xuống giường và chạy bay đi ra bến chợ. Tuy nhiên, gần nửa buổi sau đó, Tứ đã hỏi khắp khu vực đó về tai nạn như người nọ đã nói thì chẳng một ai biết. Họ còn ngạc nhiên hỏi lại:

- Sao anh không bảo người báo tin dẫn ra đây chỉ coi tai nạn ở chỗ nào?

Vừa lo lắng, vừa thất vọng, Tứ đành thất thểu quay về bệnh viện. Tới nơi, anh càng ngạc nhiên hơn khi nghe mấy người chung phòng kể lại:

- Cô gái câm mới vừa ở đây đi ra, có chết chóc gì đâu.

Tứ định chạy theo tìm, thì một người đưa cho anh gói giấy nhỏ và bảo:

- Cô ấy không nói được, nhưng qua cử chỉ tụi tôi biết cô ta muốn nhờ đưa cho anh cái này.

Tứ mở ra xem thì kinh ngạc:

- Bộ quần áo của vợ tôi!

Anh nhớ hôm xảy ra cái chết cho Kim Lệ thì cô đang mặc bộ đồ này, vậy sao bây giờ nó lại ở đây? Không hỏi thêm gì nữa, cầm bộ quần áo đó Tứ chạy bừa ra cửa. Vừa chạy anh vừa gọi to:
- Cô Mai Lý! Cô ở đâu?

Trở ra bến đò, còn đang ngơ ngác tìm thì chợt Tứ thấy một chiếc xuồng nhỏ đậu ở bên, trên xuồng có một người ngồi như chờ khách. Anh hỏi lớn:

- Xuồng này là xuồng chở khách phải không?

Người đội nón lá che kín khuôn mặt đáp vừa đủ cho Tứ nghe:

- Phải.

Tứ nhảy xuống xuồng và bảo:

- Làm ơn đưa tôi dọc theo sông này, đi mấy vòng bến chợ để tôi tìm người quen. Tôi sẽ trả tiền như một chuyến đi xa!

Người nọ lẳng lặng đẩy xuồng ra giữa dòng, lúc ấy mới cất tiếng nói:

- Không có tiền trong túi mà dám bao đò, kể cũng gan thật!

Tứ hơi giật mình. Đúng là trong túi anh lúc ấy chẳng có đồng xu dính túi. Mấy tháng bị nạn, rồi nằm bệnh viện đều nhờ người khác, Tứ làm gì có tiền!

- Tôi...

Người chèo đò bỗng cất tiếng cười giòn:

- Tôi sẽ chở anh đi miễn phí, miễn là anh trả lời tôi câu hỏi này. Bằng không tôi cho anh lội sông mà trở vô bờ.
Giọng cô ta không phải đùa. Tứ cũng nghiêm giọng:

- Tôi không quịt, chỉ vì không sẵn tiền thôi. Nhưng rồi tôi sẽ trả công đàng hoàng. Chị hỏi gì?

- Anh đi kiếm con gái hay tìm vợ?

Câu hỏi bất ngờ, nhưng trong lòng của Tứ đã định sẵn ý tứ rồi, anh đáp không do dự:

- Tìm vợ, nhưng âm dương cách trở biết làm sao tìm? Nhưng tìm người lấy cắp mấy thứ của vợ thì đúng là tôi đang đi tìm họ!

Câu trả lời của Tứ quả là khó hiểu với người lạ, nhưng chẳng ngờ người chèo đò lại hiểu:

- Nói đúng, không dối trá. Vậy tôi tặng luôn cho chiếc xuồng, cứ đi thẳng phía trước mặt, thế nào cũng gặp!

Vừa dứt lời thì chợt như một làn khói vút lên, phút chốc Tứ không còn nhìn thấy nàng ta đâu...!

- Kìa, chị!

Chiếc xuồng không có người bơi nên quay tròn theo dòng nước. Tứ phải bước ra sau cầm cây dầm và điều khiển cho nó xuôi dòng. Vô tình anh đi đúng theo hướng người ấy chỉ. Nước xuôi nên chẳng mấy chốc, xuồng của Tứ đi khá xa xuống phía hạ lưu.
Nhìn thấy cái cồn lớn phía trước và con sông chia làm hai ngả, Tứ chưa biết phải rẽ về ngả nào, thì chợt có người từ bên kia cồn đưa tay ngoắt và gọi ơi ới. Ngỡ gọi ai, nhưng sau đó thấy họ cứ nhằm vào mình mà vẫy tay nên Tứ hỏi lớn:

- Hỏi tôi phải không?

Đúng là họ gọi anh, nên sau vài giây lưỡng lự, Tứ chèo xuồng hướng qua đó. Đến gần, anh mới nghe người phụ nữ lớn tuổi lên tiếng hỏi:

- Cậu đi tìm cô gái câm phải không?

Tứ giật mình:

- Tôi... đúng là tôi...

- Người ta đang đợi anh tới.

Nói xong, bà ta quay bước và mất hút sau đám lau sậy. Dẫu không muốn, nhưng chẳng hiểu sao Tứ vẫn cột xuồng lại rồi nhảy lên bờ, men theo con đường có lát đá thẳng tắp, đi lên một ngôi nhà ngói xưa khá lớn. Không thấy bóng người nào, Tứ khựng lại, nhưng từ trong đã có tiếng nói vọng ra:
- Muốn gặp vợ mà không vào đây thì làm sao gặp?

Tứ như đang mơ, anh không chút suy nghĩ, đã chạy rất nhanh vào nhà. Nhưng khi vừa bước lên bậc thềm anh đã phải khựng lại. Bởi trước mặt anh là một cỗ quan tài nằm án ngữ giữ nhà, nhưng có ai chung quanh!

Căng mắt nhìn khắp nơi, vẫn chẳng có bóng người, Tứ cất tiếng hỏi:

- Ai trong nhà vậy?

Không ai đáp, Tứ không dám bước tới, thì vừa lúc anh thấy một bóng người xuất hiện phía sau cỗ quan tài.

- Cô Mai Lý!

Đúng là cô gái câm Mai Lý. Cô ta chỉ nhìn thoáng qua rồi đi thẳng tới bên quan tài, và thật bất ngờ, đưa tay đẩy nắp quan tài sang một bên, Tứ nhìn vào và không khỏi rùng mình khi thấy trong đó hai bộ xương người nằm sóng đôi.

Tứ bước lùi một bước, chưa kịp hỏi thì đã nghe một giọng thật quen vang lên:

- Nếu còn thương vợ thì chọn đúng hài cốt của cô ấy. Chọn sai tức là cậu không còn duyên nợ với người ta nữa, mà điều đó cũng có nghĩa là bao nhiêu công sức của tôi cũng bỏ sông bỏ biển cả.
Tứ quay lại và kêu lên:

- Chú Hai!

Người vừa tới chính là ông già Hai. Ông ta bước tránh khỏi chỗ đó vừa giục:

- Cậu cứ chạm tay vào hài cốt nào thì số phận cậu nằm ở đó. Trong số hai hài cốt có một cái là vợ cậu.

Tứ ngơ ngác:

- Sao vợ tôi lại ở đây?

Ông già kéo ghế ngồi xuống gần đó, lạnh lùng nói tiếp:

- Lúc này cậu cần làm hơn là hỏi. Nhanh lên, kẻo không còn kịp nữa!

Tứ còn chần chừ thì đột nhiên như có ai đó xô từ sau, và... hai tay anh ngẫu nhiên chụp lên bộ xương người nằm bên trái.

- Trời ơi!

Tiếng kêu đó là của ông già Hai. Tứ linh tính như có điều gì đó, anh bật dậy thật nhanh, nhưng cũng không còn kịp nữa, khi anh quay lại nhìn thì ông già đã bật ngửa ra sau và... hộc máu, nằm bất động!

- Chú Hai!

Trước sự kinh ngạc của Tứ, thân xác ông già Hai từ từ tan biến và chỉ trong phút chốc, chỉ còn lại bộ xương.
Tứ còn chưa kịp phản ứng gì thì đã nghe có tiếng động từ sau lưng. Vừa quay lại thì cỗ quan tài chẳng còn thấy nữa, thay vào đó là chiếc xuồng ba lá bể làm đôi.

- Xuồng của mình...?

Nhìn kỹ lại thì đó chính là chiếc xuồng mà vợ chồng Tứ đã đi và gặp bão lũ. Trên xuồng vẫn còn nguyên cái túi mà trong đó có mấy bộ quần áo của Kim Lệ. Và dĩ nhiên, có cả bộ xương khô lúc nãy nữa!

- Chuyện gì thế này?

Mặc dù không tin đây là sự thật, nhưng trước những bằng chứng đó, Tứ cũng không thể nào bỏ qua, anh ngồi xuống vịn vào chiếc xuồng và mắt thì cứ nhìn chằm chằm vào bộ xương. Không còn ông già Hai thì lấy ai để anh hỏi rõ ngọn nguồn? Phải chăng chính ông đã đào hài cốt Kim Lệ đem về đây?

Bao nhiêu câu hỏi mà Tứ không làm sao giải được. Anh đành ngồi giữa ngôi nhà hoang đó với nỗi hoang mang...
Trời tối dần..

Chợt nhớ tới cô gái câm, Tứ tức tốc chạy ra nhà sau tìm và lại một phen ngẩn người ra khi nhìn thấy cỗ quan tài thứ hai đang nằm ở gian nhà sau!

Nãy giờ Tứ bình tĩnh bao nhiêu thì giờ đây anh cảm thấy run bấy nhiêu. Anh không sợ ma, nhưng lại nghĩ mình đang lọt vào một mưu đồ gì đó mà với sức mình Tứ không thể nào đương cự lại nổi. Anh nói như cố ý nói với ai đó chung quanh:

- Tôi chỉ có cái tội duy nhất là mất vợ, tôi thương vợ tôi nên đi tìm. Vậy nếu ai đó thương thì để cho tôi tìm được vợ, bằng không thì tôi xin chết tại đây cũng được, tôi xin chấp nhận!

Anh nói xong thì ngồi bệt xuống đất, nhắm nghiền mắt lại, chờ...

***

- Oan nghiệt! Đúng là oan nghiệt mà!

Giọng nói đó khiến cho Tứ giật mình mở mắt ra, và anh há hốc mồm:

- Bà ngoại!

Tứ tưởng mình còn trong mơ, anh lúng túng:
- Ngoại, sao ngoại...

Bà ngoại anh ôm chầm lấy cháu, mắt vẫn không rời khung cảnh trước mắt. Bà lặp lại lời nói:

- Đúng là oan nghiệt mà!

Tứ ngạc nhiên:

- Ngoại nói gì?

- Con biết đây là đâu không?

Rồi không đợi cháu trả lời, bà nói luôn:

- Đây chính là nhà chồng của má con, tức là nhà ông nội con đó!

Tứ ngơ ngác:

- Sao kỳ vậy ngoại? Từ nào đến giờ con nghe ngoại nói nhà nội con ở xa lắm mà...?

Bà Tám Trầu thở dài:

- Ngoại giấu con. Chỉ vì bên nội con đâu có nhận mẹ con và con đâu mà con cần biết.

Tứ chỉ những cỗ quan tài:

- Tại sao nhà này toàn là áo quan không vậy ngoại?

Bà không đáp, mà lên tiếng thay bà là một người lạ khác, chính là người phụ nữ đứng vẫy tay ra dấu cho Tứ lúc ở ngoài bờ sông. Bà ta bước ra từ nhà bếp, lại gần bên bà Tám Trầu, nhẹ giọng:

- Chị để tôi kể cho nó nghe.
Rồi bà quay sang Tứ:

- Ta là cô út của con. Chính ta mà ra cớ sự như thế này!

Bà nhìn bà Tám như chờ sự cảm thông, và bà được lời động viên:

- Cô cứ nói hết cho nó nghe đi.

Út Chanh vốn người xưa nay lắm mồm mép vậy mà giờ đây cô ta cũng tỏ ra ấp úng:

- Nhà này kể cả má con là năm. Ngày xưa đông vui nhất trong làng này. Nhưng chỉ có một đêm thôi thì mọi thứ ra nông nỗi này và chấm dứt hết!

Bà ta nói tới đó thì oà lên khóc ngất, khiến cho Tứ càng thêm khó hiểu:

- Con không hiểu gì hết!

Giọng bà ta trở nên thê lương khôn tả:

- Chỉ có những người nằm trong các quan tài này mới có thể hiểu thôi. Nhưng khi họ thành xác chết thì họ lại không nói gì, mặc dù ta đã van lơn họ, yêu cầu họ về nói cho ta biết ta phải làm sao...

Biết là cứ để bà ta tiếp tục nói kiểu đó thì Tứ thêm rối trí mà thôi, nên bà Tám Trầu chặn lời:
- Để ngoại nói. Đúng ra chuyện này ngoại hoàn toàn không biết. Cho mãi tới ngày hôm kia, má con về báo mộng, nói rõ đầu đuôi thì ngoại mới bàng hoàng! Thì ra từ gần mười năm nay, ngoại cứ ngỡ là má con đi buôn xa rồi chết mất tích khi băng xuồng qua sông cái, ngờ đâu lại chết ngay trong nhà này. Mà người gây ra những cái chết đó lại là người này, cô út của con!

Bà cô già của Tứ ngừng khóc, nhưng giọng thì vẫn còn run:

- Đầu tiên là ông bà nội con. Họ chết đột ngột sau khi ăn bữa cơm do má con nấu, với mấy món ăn má con mua được và muốn đãi cha mẹ chồng. Ta vốn ganh ghét má con kể từ ngày bà về làm dâu nhà này, không muốn chị ấy càng ngày càng được lòng cha mẹ ta, nên ta đã lén bỏ thêm vào thức ăn một thứ thuốc mà ông thầy bán cho ta bảo rằng chỉ có tác dụng làm cho đi tiêu chảy. Mục đích của ta là chỉ làm cho cha mẹ ta chửi chị dâu một trận cho bõ ghét! Nào ngờ do ta bỏ quá liều nên thuốc tiêu chảy trở thành thuốc độc. Cho nên sau một đêm, cả cha mẹ ta đều chết hết!
Bà ngừng lại một lúc rồi tiếp:

- Mặc cảm tội lỗi càng khiến cho ta thêm thù ghét má con, ta cho rằng má con vào nhà này chỉ toàn đem đến điều rủi, vận xui, nên thay vì hối hận, ta lại quay sang quyết tâm phải loại trừ luôn má con ra khỏi nhà này. Và rồi ngay sáng hôm đó, trong lúc cả nhà đang bận lo tang lễ, ta đã âm thầm bảo cặp rằn Hai chèo ghe đưa má con đi xuống kinh Thầy Cai ở Đồng Tháp Mười với nhiệm vụ thu lúa ruộng. Thật ra chuyện ấy có thể để sau đám tang làm cũng được, nhưng ta có ý đồ, nên giục thằng Hai cặp rằn đi gấp. Con có biết tại sao không? Bởi ta biết Hai cặp rằng vốn đem lòng thương má con mà không dám thổ lộ, nên dịp đó là lửa gần rơm, giữa cảnh đồng vắng người thưa, chắc chắn sẽ xảy ra chuyện. Và chuyện đã xảy ra thật... Nhưng lại không chỉ xảy ra cho mình má con...
Bà ta lại ôm mặt khóc. Lần này sự xúc động đã không cho bà ta tiếp tục nói được nữa. Bà ngoại của Tứ phải chen vào:

- Kể từ khi má con lấy chồng nhà giàu thì ít khi về nhà. Do nhà chồng khó, mà ngoại cũng không đi thăm được, bởi không lần nào ngoại xách giỏ tới thăm mà được gặp má con. Bởi con người này. Cô út con đây là người nắm quyền trong nhà, muốn quyết cái gì thì mọi người phải nghe theo, kể cả việc cho chị dâu mình được quyền tiếp thân nhân hay không! Bởi vậy, lâu ngày rồi ngoại cũng chán, nghĩ thôi, miễn con gái mình có chỗ nương thân, còn sống khỏe là được rồi... Cho đến một đêm, khi ngoại đang ngủ thì nghe có tiếng ai kêu lên dưới bến sông, ngoại giật mình chạy xuống thì thấy có một chiếc xuồng nhỏ tấp vào bờ, trên xuồng có một đứa trẻ chừng vài tháng tuổi đang nằm khóc oe oe! Ngoại chưa biết là con ai thì chợt nhìn thấy trên chiếc khăn quấn ngang mình của đứa bé có viết dòng chữ: "Nó là cháu ngoại của má, hãy giữ và nuôi nó lớn khôn. Đừng nói cho nó biết gì về bên nội nó cả. Nếu má không làm được như vậy thì con chết không nhắm mắt!"
Bà Tám lại phải ngừng kể do nước mắt ràn rụa, mãi một lúc bà mới tiếp:

- Con đã về với ngoại như vậy đó. Rồi từ đó, bà cháu mình không hề biết thêm gì về tin tức của má con nữa. Chỉ nghe nói má con chết trong một chuyến đi buôn xa, thế thôi...

Tứ đưa mắt nhìn sang bà cô già. Út Chanh bằng một động tác bất ngờ, đã quỳ sụp xuống dưới chân hai bà cháu Tứ:

- Cho tôi tạ tội!

Bà Tám đỡ chị ta dậy:

- Mười năm nay tôi chưa nghe má thằng Tứ nói cụ thể về cái chết của nó. Tôi nghĩ có lẽ do nó chết dưới sông nước nên ắt đường về. Bỗng mới đây, nó về trong đêm và báo cho tôi biết là phải tìm tới đây để cứu vợ chồng thằng Tứ! Nó bảo người cô già ích kỷ của thằng Tứ lại tiếp tục muốn diệt tận gốc rễ giọt máu cuối cùng là thằng Tứ và vợ nó. Tôi già cả nên chậm chân, mãi tới bữa nay mới mò tới được đây. Chỉ may còn gặp cháu ngoại mình, chứ con vợ nó...
Bà nói tới đó thì hốt hoảng nhìn quanh:

- Vợ con đâu, Tứ?

Tứ đau buồn:

- Không kịp rồi ngoại ơi, vợ con đã chết trong mưa bão rồi! Đến trời cũng không thương dòng họ nhà mình nữa mà...

Bất chợt, bà cô già của Tứ nói:

- Không phải do trời đâu, mà là do người đó.

Tứ nhíu mày:

- Bà nói vậy là sao?

Chỉ mấy cỗ quan tài, bà ta nói:

- Tôi mù quáng, nghe theo lời một tay thầy số, hắn ta xúi tôi gom hết xác chết của dòng họ, kể cả dâu rể, sau đó đem phân tán mỗi người một nơi để chôn, chứ không được chôn trong đất nhà. Bởi vậy mới có chuyện mả ba má tôi thì chôn trên đất giồng cách đây mấy chục cây số, còn mả anh Hai tôi thì lại chôn ở đất chùa bên Trà Vinh. Còn mả của...

Bà ta ngừng lại, đưa mắt nhìn Tứ và bà Tám, một lúc lâu mới nói tiếp:

- Mộ của má thằng Tứ thì chôn ở... cây gáo trong đồng. Tứ vừa nghe tới đó thì hốt hoảng:
- Cây gáo trong đồng nào?

Út Chanh nói mà như khóc:

- Tôi cũng không nhớ rõ là ở đồng hào. Chỉ biết là thằng Hai cặp rằn nó gϊếŧ rồi vùi xác ở đó.

Tứ hỏi lại:

- Hai cặp rằn là ai?

Út Chanh chỉ lên nhà trên:

- Già Hai mới vừa hộc máu chết đó.

Tứ kêu lên:

- Chính ông ta sao.

Anh đứng bật dậy định chạy đi, nhưng bà ngoại anh đã kêu lại, nói:

- Má mày đã về nói hết với ngoại rồi. Nó bảo ngày trước Hai cặp rằn nghe theo lời xúi của Út Chanh đây, còn dọc đường đã cưỡng bức má con, dĩ nhiên là nó không chịu, chống cự quyết liệt và cuối cùng đã cắn lưỡi tự tử chết. Xác nó được Hai cặp rằn chôn dưới gốc cây gáo.

Tứ bàng hoàng:

- Gốc cây gáo, phải chăng đúng là cây gáo đó? Như vậy thì...

Út Chanh lại chỉ tay về phía một trong hai cỗ quan tài:

- Một cái là của má cậu, còn cái kia chính là... của vợ cậu đó!
Tưởng mình nghe lầm nên Tứ hỏi lại:

- Bà nói thật chứ?

- Người sắp chết không dám nói dối!

Bà ta nói xong đứng dậy liền. Lúc này Tứ mới để ý thấy dáng đi của bà ta không được vững vàng lắm. Và thay vì đi trở lên nhà trên, bà ta lại thẳng ra phía sau, nơi có một khoảng vườn rộng, cây cối um tùm. Vừa đi bà ta vừa nói to, cốt cho bà cháu của Tứ nghe:

- Trước đây tôi không cho chôn ai cùng dòng họ trong đất nhà, chỉ sợ họ làm chủ vĩnh viễn mảnh đất này. Nhưng tôi đã lầm, đâu cần phải bám giữ nó thì nó mới thuộc về mình. Như má cậu, dẫu chôn tận ngoài đồng hoang, vậy mà cuối cùng cũng lại về đây. Tôi xin thua và xin vĩnh biệt!

Bà ta đi nhanh và biến mất trong vòm cây...

Tứ muốn chạy theo để hỏi thêm, nhưng vừa khi ấy thì cô gái câm xuất hiện, khiến cho Tứ lại một lần nữa kinh ngạc. Anh kinh ngạc bởi lúc này cô ta không ra dấu, mà lại lên tiếng:
- Bà ấy đáng lẽ phải có ngày này từ lâu rồi mới phải! Nhưng chậm cũng không phải là không tới.

Thấy Tứ nhìn mình, cô gái nói thêm:

- Em là đứa con gái câm, mồ côi cha mẹ, bà Út Chanh tiếng là nuôi làm con, nhưng thật ra em ở đợ trong nhà này để trừ nợ lúa cho ba má em từ mấy chục năm trước. Em không nghĩ mình sẽ có ngày nói được nhưng chẳng hiểu sao kể từ khi em theo ông già Hai vào chỗ cây gáo để đào hai bó hài cốt đem về đây thì bỗng hết câm!

Tứ quá đỗi ngạc nhiên:

- Cô đào hài cốt của ai?

- Thì của hai người thân mà anh đang trông đợi! Mẹ và vợ anh đó!

Trong lúc Tứ và bà ngoại anh đang ngơ ngác thì cô gái nói thêm:

- Em tin người chết đã giúp em có được điều kỳ diệu này! Mà cụ thể là vợ anh. Hôm đào xuống gốc cây gáo, chính em đã gặp được chiếc lược của chị ấy, vừa khi cầm chiếc lược ấy lên thì tự nhiên em bật thành tiếng reo, là tiếng đầu tiên trong đời! Em cám ơn chị ấy...
Cô ta lại nói ra điều mà ai nấy đều sửng sốt:

- Mụ Út Chanh nghe theo lời ông thầy tướng số, bảo phải gom hết hài cốt những người từng bị mụ ta hại về, để lão ta làm phép trừ hậu họa. Nhưng lạ lùng làm sao, kể từ khi hai bộ hài cốt mà em lấy lên từ gốc cây gáo đem về thì không đêm nào mụ ta ngủ được yên. Đêm nào cũng nghe mụ ấy khóc van và có lúc kêu thét lên vì sợ! Em đã rình coi và thấy mụ ấy quỳ lạy hai người đàn bà mà em đoán đó là mẹ và vợ anh! Mụ ta đi đến kết cuộc như lúc này có lẽ do ý của hai người ấy. Em tin là oan hồn đã báo được thù rồi.

***

Vậy là vụ tai nạn ở gốc cây gáo giữa Đồng Tháp Mười đã có hồi kết. Mà cũng không phải vô tình mà Tứ bị mất vợ và kẹt hơn nửa tháng ở giữa vùng nước lũ đó. Tất cả là định mệnh. Tứ đã tìm lại được hài cốt của mẹ mình sau ngót mười năm thất lạc, và cái xác trôi sông của Kim Lệ lại là cánh cửa mở toang màn bí ẩn chung quanh một nghi án, mà nếu không có sự huyền bí đó thì xem như vĩnh viễn chìm vào quên lãng...
Bà Tám Trầu nói với Tứ:

- Ngoại không biết gì chuyện tâm linh, nhưng qua vụ này, ngoại có thể quả quyết với con rằng đời sống con người ta không chỉ có kiếp sống hiện thời. Nó còn có một kiếp nữa. Bởi vậy, ngoại muốn con hãy lấy đó mà tự răn mình. Có luân hồi hay không ngoại không biết, nhưng quả báo thì có. Nhất định có...

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play