Mặc dù đã về hưu từ nhiều năm, nhưng quan tri phủ họ Hoàng, tục gọi Hoàng Nhân đại gia, vẫn được mọi người biết tiếng. Dù là tiếng ác, nhưng dẫu sao không một ai ở phủ Diên Sơn, vùng ven biển này lại không quen tên, thuộc nết ông ta. Họ Hoàng còn khá nổi tiếng ở khoảng dù giàu sang tột bậc, chức trọng quyền cao, cái gì cũng có, chỉ tiếc một đều là không có con! Đây là điều bất hạnh duy nhất mà vợ chồng ông ta mắc phải. Đến nỗi khi ngã bệnh nặng, dẫu thầy thuốc cấm đoán, nhưng suốt mấy tháng trời nằm trị bệnh, ông ta cũng bắt bà vợ trẻ hơn ông đến hơn chục tuổi phải ngày đêm ở bên cạnh. Một phần để hầu hạ, chăm sóc bệnh, nhưng mặt khác, quan trọng hơn là để giúp lão ta có con!

Với người khác thì chuyện có một vài đứa con nó dễ như ăn cơm, uống nước hằng ngày, vậy mà lão Hoàng lại cực khó, đúng hơn là nan giải vô cùng!
Biết chồng bệnh, nhưng vì thấy ông quá thiết tha, gần như là lời trối trăng mỗi khi yêu cầu bà cho lão một đứa con nối dõi. Hoàng phu nhân, tên tục là Nguyệt Ánh đã phải hứa để chồng yên tâm:

- Mình cứ ráng uống thuốc, nhất là thuốc bổ, em sẽ cố có kết quả kỳ này!

Và hình như trời không phụ lòng lão ta, một tuần trăng sau Hoàng phu nhân báo tin:

- Em đã... có dấu hiệu!

Đang rất yếu sức, vậy mà khi nghe tin ấy, lão Hoàng đã bật dậy ngay, hổn hển nói:

- Nếu đúng vậy... tôi... tôi tri ân bà. Tôi...

Lão chỉ nói được có vậy rồi ngã vật ra nằm thiêm thiếp. Đó là hậu quả của nhiều lần thức dậy nửa đêm (theo lời dặn của thầy thuốc) ráng sức lên đỉnh vu sơn đi tìm con!

Lão Hoàng qua đời chỉ sau đó một tuần. Bà Nguyệt Ánh thương khóc chồng thì ít mà lo cho cái thai mới tượng hình thì nhiều. Chẳng hiểu sao, kể từ khi bà cấn thai thì hầu như đêm nào cũng thấy ác mộng. Mà những cơn ác mộng đều giống nhau: bà thấy một đứa bé khôi ngô tuấn tú cứ đứng ngay trước mặt bà mà cười và đòi đánh!
Khi tỉnh dậy, bà thắp nhang khấn vái. Mỗi lần như vậy thì bà yên được vài giờ, rồi sau đó lại tiếp tục bị ác mộng hành hạ.

Chuyện tưởng chỉ có vậy. Nào ngờ khi cái thai được chín tháng mười ngày theo thông lệ thì bà Ánh chẳng có dấu hiệu gì của một cuộc chuyển dạ, chờ thêm chục ngày nữa vẫn chẳng có tín hiệu. Đi khám thai thì thầy thuốc sau khi xem mạch đã phán một câu gọn lỏn:

- Chưa có dấu hiệu sinh, ít nhất cũng một tháng nữa!

Bà Nguyệt Ánh cãi lại:

- Tôi tính ngày tháng rất kỹ, sao lại có chuyện trễ đến như vậy?

Vị lương y quả quyết:

- Đó là tôi nói sớm, chớ thật ra chẳng hề có một biểu hiện gì về sinh sản trong vòng một vài tháng tới cả!

Không tin ông thầy thuốc này, bà cho gia nhân đi rước những lương y nổi tiếng hơn về. Sau khi khám kỹ, họ cũng nói y như vậy:
- Chưa có dấu hiệu sinh!

Có đến mười thầy thuốc đã nói như vậy cho nên bà Ánh không còn nhờ ai nữa. Bà tự an ủi:

- Có lẽ do mình lớn tuổi rồi nên mang thai không như người bình thường. Thôi thì mặc, lúc nào sinh cũng được miễn không có biến chứng gì thì không cần lo.

Kết quả thật ngoài sức tưởng tượng: Bà Ánh mang thai đến tháng thứ mười bốn thì có triệu chứng thất thường.

Bà ta nghe đau bụng rồi kêu gào đau đớn. Cuộc chuyển dạ sinh kỳ lạ đã trải qua năm ngày ròng lăn lộn, kêu la mà bà ta vẫn chưa sinh được! Thật ra đó không phải là chuyển bụng sinh.

Một buổi chiều, trong lúc người nhà đi vắng thì có một vị đạo sĩ mặc đạo bào màu đen rất lạ, đột ngột ghé qua. Vừa bước vào tới cửa ông ta đã lên tiếng:

- Ở đây nghiệp chướng nặng quá, sao không giải nó đi?
Bà Ánh đang nằm kêu la trên ghế trường kỷ, nghe vậy ngẩng lên nhìn và khó chịu khi thấy người lạ. Tuy nhiên, lúc đó vị đạo sĩ lại lên tiếng:

- Nghiệp chướng nơi này nặng lắm, không khéo lại nguy đây!

Gợi tò mò, Nguyệt Ánh hỏi:

- Nghiệp chướng gì?

Ông ta chỉ thẳng vô bụng của bà Ánh, bảo:

- Ở đây!

Nghĩ lão ta điên, bà Ánh quát lớn:

- Ông ở đâu vào đây nói nhảm, đi đi!

Mặc cho bà ta đuổi, lão đạo sĩ vẫn trầm tĩnh nói tiếp:

- Tôi chẳng mắc mớ gì chuyện này, nhưng khi đi ngang qua đây phát hiện được, tôi chẳng thể làm ngơ. Bà sắp gặp tai nạn lớn, một là bà chết, hay là... đứa bé trong bụng phải chết!

Vừa nghe lão ta nói tới đó, bà Nguyệt Ánh đã thét lên:

- Nói bậy!

Rồi bà ta ôm lấy bụng của mình, như sợ bị xâm hại.

- Đây là đứa con mà chồng tôi lúc sắp chết cũng muốn có nó cho bằng được. Ông chẳng biết gì thì hãy đi ra đi!
Bà lớn tiếng, đáng lý phật ý, nhưng vị đạo sĩ vẫn không tỏ ra chút phiền lòng, ông tiếp tục nói:

- Mạng sống của bà tùy thuộc vào vật trong bụng mà bà đang mang.

- Ông im đi!

Bà Nguyệt Ánh cố đứng lên để đi vào trong, tránh phải nghe người khách lạ này nói nữa. Đứng nhìn theo bà, vị đạo sĩ khẽ lắc đầu:

- Nghiệp chướng khó trừ!

Nói xong, ông lặng lẽ bỏ đi. Khi ra tới ngoài rồi ông vẫn còn ray rứt nên quay vào nói, cố tình cho chủ nhà nghe:

- Vẫn còn chưa muộn! Nếu bà muốn sống thì chiều nay tìm tôi ở bến đò.

Ông ta đi rồi, lúc này trong nhà bà Ánh bỗng gào lên:

- Trời ơi!

Bà kêu được mấy tiếng đó rồi ngất đi.

Đến chiều, lúc vừa tỉnh lại thì bà nôn nóng đòi người nhà dẫn đi ra bến đò. Bà dặn:

- Phải tìm cho được lão đạo sĩ. Ông ta sẽ làm hại con tôi.

Lúc ra tới chỗ bến vắng, bà đã gặp ngay ông đạo sĩ mà không cần tìm. Vừa trông thấy bà, ông chỉ một chiếc xuồng nhỏ và bảo:
- Bà hãy xuống xuồng đi, nó sẽ giúp bà được toại nguyện. Vẫn còn kịp!

Bà Nguyệt Ánh nhìn thẳng vào ông ta, giọng giận dữ:

- Tôi tìm để hỏi tội ông, tại sao ông cứ muốn hại con tôi? Lúc hôn mê, tôi được nó báo là ông đang tìm cách gϊếŧ nó. Vậy là sao?

Vị đạo sĩ nghiêm giọng:

- Chỉ bởi tôi muốn cứu bà. Bà đâu biết thứ bà mang trong người là mối họa lớn cho bà, cho cả sản nghiệp của bà nữa! Hãy làm theo lời tôi đi!

Ông nói dứt lời thì bất thần dùng tay đẩy nhẹ, khiến cho bà Ánh mất thăng bằng nhào ngay xuống chiếc xuồng đang không có người. Cũng may là dù ngã bất ngờ nhưng bà chẳng sao, kể cả cái thai trong bụng cũng không hề hấn gì.

Chiếc xuồng không ai bơi nhưng đã tự động rời bến, khiến bà Ánh phải la lên:

- Tôi không biết lội, không biết bơi xuồng, phải kéo tôi vào mau lên!
Vị đạo sĩ vẫn lờ đi, ông ngửa mặt lên trời, lẩm bẩm gì trong miệng mà người đứng gần cũng không nghe được.

Trời đang lặng gió, bỗng sóng nổi lên, rồi gió như lốc xoáy, khiến chiếc xuồng quay như chong chóng. Tiếng của bà Ánh lúc đầu còn la lớn, nhưng chỉ một lúc sau thì im bặt.

Khi gió ngừng thì chiếc xuồng đã tự động cập bến, Bà Ánh hầu như chẳng còn biết gì nữa. Lúc này ông đạo sĩ mới gọi lớn:

- Đưa bà ấy về, nhớ là không được để bà ấy một mình đi ra ngoài.

Dặn xong, ông vừa định bước đi thì bất ngờ ông nghe một tiếng khóc của trẻ con vang lên. Sững sờ giây lát, rồi ông nhẹ lắc đầu thở dài:

- Số kiếp cả thôi! Đành chịu.

Đứa hài nhi do bà Ánh sinh ra trong hoàn cảnh này đáng lý rất lo ngại, tuy nhiên nhìn nó chòi đạp và cất tiếng khóc thì có vẻ bình thường. Giây lát sau nó lại nín khóc và đưa tay quơ quơ như thèm sữa hay khát nước, ông đạo sĩ phải xua tay bảo mấy gia đinh của bà Ánh vừa có mặt kịp thời:
- Hãy mang bà ấy về. Mọi việc là do số trời cả!

Ông bước đi vừa lắc đầu chán nản...

***

Bà Nguyệt Ánh dù sinh nở bất thường, nhưng cuối cùng cũng có được một đứa con trai như bà hằng mong đợi. Thằng bé ra đời chậm hơn bình thường đến bốn tháng, nên sau khi sinh đã có những biểu hiện khác người. Nó biết đi khi vừa được sáu tháng tuổi và biết nói như một đứa trẻ lên năm khi mới tám tháng! Điều ấy là bất thường và kỳ lạ, nhưng vì quá thương con, quý trọng giọt máu duy nhất của chồng còn để lại, nên bà Ánh hầu như không quan tâm những gì khác, ngoài tình thương yêu dành cho con, ngày đêm nâng niu chăm sóc cho cậu quý tử của mình.

Khi thằng bé Bảo An đầy năm, bà Nguyệt Ánh chuẩn bị một lễ thôi nôi thật lớn, mời hầu như khắp mọi người trong vùng. Dẫu chồng không còn đương chức, nhất là ông đã chết, nhưng tiếng tăm của nhà họ Hoàng vẫn còn lớn, nên lời mời của bà vẫn được hưởng ứng tích cực.
Mới sáng sớm ngày lễ thôi nôi mà đã có mấy chục người từ những nơi rất xa kéo đến. Đến trưa, tức thời khắc chính thức khai tiệc thì hầu như cái khuôn viên rộng lớn của dinh thự Hoàng Nhân đã không còn một chỗ trống. Trong số khách dự có cả vị đạo sĩ áo đen lần trước. Ông lặng lẽ chen vào giữa đám đông như mọi người, rồi hầu như chẳng còn thấy bóng dáng nữa...

Một đứa bé ở tuổi thôi nôi thì thông thường đều do mẹ hoặc người nhà bế ra để chào khách dự tiệc, nhưng ở đây thì khác. Bởi cậu bé Bảo An đã lớn như một đứa bé lên năm tuổi nên chính nó tự đi ra và bất ngờ đứng lên bàn cất tiếng:

- Chào bà con! Bữa nay bà con xa gần đều có mặt, trong số này có người tốt cũng có kẻ xấu, nên tôi muốn nhìn mặt kẻ xấu trước. Vậy ai là kẻ xấu hãy bước ra!
Dĩ nhiên không ai chịu nhận mình là kẻ xấu, cho nên thằng bé kêu gọi tới lần thứ hai mà vẫn chưa một ai bước ra. Chẳng những thế, trong số khách mời có nhiều người tỏ ra bực bội, tự hỏi, tại sao lại để một đứa nhóc con như thế nói năng hỗn láo, phạm thượng!

- Tư cách gì mà thằng nhỏ này lại ăn nói như thế?

Người vừa lên tiếng chính là anh rể của lão Hoàng. Tuy ông nay đã khá lớn, nên khi giận phát âm có phần run và nghẹn. Ông ta vừa dứt lời thì thằng bé phá lên cười:

- Chờ hoài cuối cùng cũng chường mặt ra. Lão tính tới đây hôm nay là nhằm mục đích khác, chứ đâu chỉ đi dự đám thôi nôi, phải không?

Bị thằng nhóc nói đúng tim đen, nên lão già tên gọi là Sáu Hết quát luôn:

- Tao tới đây đòi món nợ mà ba mày còn nợ của tao ngày trước, mẹ con bay phải trả lại cho tao!
Lão vừa nói vừa bước ra, tới ngay trước mặt bà Nguyệt Ánh và thằng bé Bảo An đưa tay chỉ vào nó:

- Thím dạy con như vậy sao? Nó là con nít, sao đủ tư cách để hoạnh họe người lớn đáng tuổi cô bác nó? Kẻ xấu là sao mà người tốt là thế nào?

Bà Ánh chưa kịp đáp thì thằng bé đã hớt ngang:

- Tốt là không bòn rút nhà này, còn kẻ xấu là tìm cách chống lại nhà họ Hoàng và còn đi vu khống, nói xấu ba tôi nữa. Chính ông đã đi rêu rao là ba tôi ở ác, tham lam đủ điều, ông còn chối không?

Ông Sáu Hết giận đến run người:

- Thằng ranh con hỗn láo. Chính ba mày ngày còn làm quan đã lấy hết đất đai của tao đem bán, rồi còn vu cáo tao là phản tặc, khiến tao bị tù đày nhiều năm trời, gia đình ly tán, sản nghiệp tiêu tan, đây tay trắng lại mang bệnh sắp chết đây!

Chẳng những không nao núng, thằng bé còn ngửa mặt cười vang:
- Vui quá, lại có một thằng hề già ra làm trò! Còn ai là kẻ xấu nữa không, bước ra hết đi.

Noi gương lão Sáu Hết, có đến gần chục người nữa bước ra đứng dàn hàng ngang vừa lên lếng:

- Bữa nay chúng tôi tới đây là để đòi nợ, đòi sự công bằng. Nhà họ Hoàng phải trả ngay đất đai, tài sản cho chúng tôi!

- Còn ai nữa ra luôn!

Giọng thằng bé đầy thách thức, nó lại quay khắp hướng với nụ cười nửa miệng y như một người trưởng thành. Bỗng một người xuất hiện, người mà vừa trông thấy thì bà Ánh đang đứng cạnh con đã phải giật mình.

Đó là ông đạo sĩ mặc đạo bào đen. Bà lắp bắp:

- Ông... ông tới đây làm gì? Đâu có ai mời.

Lão vẫn bình tĩnh:

- Ở đây hôm nay chỉ có một số người được mời, còn lại là những người tới để đòi nợ như quý vị đây vừa nói. Tôi cũng đòi nợ như mọi người đây!
Thằng bé quen thói trịch thượng như nãy giờ, nó nhìn ông đạo sĩ vừa hất hàm:

- Ông bước lại gần đây coi!

Bà Nguyệt Ánh muốn ngăn con lại nhưng không còn kịp nữa, ông đạo sĩ đã bước tới và với giọng chậm rãi như thường lệ:

- Nghiệt súc quá ngông cuồng! Lần trước ta không cương quyết nên ngươi mới lọt ra đời được, còn bây giờ...

Lão đưa tay lên, từ trong tay áo rơi ra một tấm vải màu vàng, vừa chụp lấy lão vừa hô to:

- Nghiệt súc, biến!

Bị bất ngờ nên thằng bé chới với, đến khi thấy nguy nó chỉ còn biết thụp người xuống. Cũng may vừa khi ấy bà Nguyệt Ánh đã nhanh trí, lấy cả thân mình của bà đè lên con vừa bảo:

- Nằm yên!

Mọi người chỉ nghe một tiếng kêu thét lên sau đó và khi nhìn lại họ đều hốt hoảng, bởi bà Nguyệt Ánh đã nằm bất động, khóe miệng tuôn đầy máu! Trong khi thằng bé thì đã nhanh chân lủi trốn mất trong đám đông khách khứa.
Lão đạo sĩ một lần nữa thở dài:

- Trời hại nhà họ Hoàng này rồi!

Nhiều người chưa hiểu chuyện đã vây quanh ông, hỏi dồn:

- Chuyện gì đã xảy ra vậy? Liệu bà Hoàng có sao không?

Lão đạo sĩ sau khi đưa tay bắt mạch cho bà Ánh đã trấn an:

- Bà ấy không sao, chỉ bị nội thương nhẹ thôi, rồi sẽ tỉnh lại ngay mà.

Rồi lão giải thích thêm:

- Lúc nãy nếu bà ấy không che chở cho nó thì thằng con nghiệt súc kia đã phải tàn đời rồi. Tôi phải ra tay như vậy là chỉ để cứu cái nhà này khỏi họa diệt vong thôi. Nó là oan gia là kết tinh của bao nhiêu oan hồn uổng tử đầu thai về để hại dòng họ Hoàng này táng tận, tiêu vong!

Vài người trong thân tộc vốn không rõ chuyện ác của Hoàng đại nhân ngày trước, nên tỏ ra không đồng tình.

- Dù sao thằng bé cũng là giọt máu hiếm hoi còn lại của họ Hoàng, sao ông làm như vậy?
Lão đạo sĩ lắc đầu:

- Các vị không biết đó thôi, nó đâu phải là người! Không thấy sao, mới có một tuổi mà nói năng hành động như một người lớn và còn hỗn láo, trịch thượng nữa. Nếu để nó tồn tại thì cái nhà này không mấy chốc chẳng còn gì.

- Nhưng dẫu sao...

Vừa lúc đó bà Nguyệt Ánh tỉnh lại, bà quên cả đau đớn gào khóc, kêu gọi con trai:

- Bảo An ơi, chạy đi con! Hãy chạy và trốn đi, đừng để lão ta gϊếŧ con!

Lão đạo sĩ nhẹ giọng:

- Tôi không gϊếŧ nó, chỉ muốn thu nạp để tách nó ra khỏi đây. Nhưng tôi đành chịu thất bại, bởi ngoài có bà đỡ cho nó còn được lũ yêu tinh đồng bọn theo rất đông, lần này tôi không làm gì được thì lần sao khó mà thành công. Thôi, tùy bà, tôi xin cáo từ!

Ông đi nhanh ra cửa rồi mất dạng.

Bà Nguyệt Ánh hơi ngượng với mọi người, nên chống chế:
- Do nó là con cầu tự mà, nên tôi cưng chiều, khiến nó hỗn hào. Nhưng trẻ con mà, rồi mình sẽ uốn nắn nó từ từ...

Bà lủi thủi đi vào nhà, miệng cứ gào kêu tên con...

***

Bà Nguyệt Ánh không chết, nhưng từ hôm đó bà hầu như hôn mê. Bảo An bỏ đi đâu mất không thấy bóng.

Nhưng trong nhà lại xảy ra những chuyện khá ly kỳ: Bọn gia nhân báo rằng ở phòng ngủ của bà Ánh đêm nào cũng có bóng người ra vào!

Bà Ánh hôn mê có đến cả tuần sau. Rồi cuối cùng bà tỉnh lại trong trạng thái như người đau nặng lâu ngày. Người bà gầy rạc sụt cân đến không ngờ, trọng lượng mất đi gần phân nửa!

Người nhà kể chuyện về bóng người ra vào phòng bà mỗi đêm, bà Ánh nhẹ lắc đầu bảo:

- Đâu có ai ra vào. Tôi không ăn uống, cũng không dậy được thì làm sao tiếp xúc với ai.

Khi xem lại đồ đạc trong phòng, bà giật mình:
- Sao mất hết nhiều thứ?

Bà ráng dậy, lần tới chỗ tủ đựng nữ trang tiền bạc thì bàng hoàng:

- Trời ơi. Tiền bạc... nữ trang... không còn...

Bà chỉ nói được mấy tiếng rồi lại ngất. Tôi tớ trong nhà bị nghi là thủ phạm nên cùng tập trung lại, chờ bà hồi tỉnh họ cùng thề thốt:

- Tụi con ở với bà từ lâu nay, không hề dám tham lam gì, xin bà đừng nghi oan!

Bà Ánh dịu giọng hơn thường khi:

- Ta biết ai lấy rồi, các ngươi không phải lo.

Bà nói xong thì ôm mặt khóc nức nở. Đám gia nhân không hỏi, nhưng họ đều có chung nhận định như bà.

Vài người trong số họ nói với nhau:

- Thằng Bảo An chắc là ma quỷ, chứ người gì mà mới một tuổi đã lớn xác và khôn lanh như vậy? Chính nó đó chứ không ai, nó đã vào phòng bà chủ để lấy cắp tiền.

- Nhưng nó còn con nít thì lấy nhiều tiền để làm gì? Nếu có, chắc là cũng do ai đó xúi giục. Mà mấy hôm nay nó đi đâu không thấy về, hay là đã bị ông đạo sĩ bữa đó làm gì rồi?
Họ lo lắng cũng bằng thừa, bởi ngay chiều hôm đó Bảo An ra về. Nó khinh khỉnh với mọi người trong nhà, cũng chẳng lên phòng thăm mẹ, nó vào phòng riêng vốn là thư phòng của ông Hoàng ngày trước và đóng cửa lại. Khi họ đem chuyện báo lại cho bà Ánh nghe, chẳng những không rầy la, bà còn dặn mấy đứa phục vụ:

- Tụi bay phải canh xem cậu cần gì thì phục vụ cho cậu. Đừng nói gì chuyện mất đồ hết.

Vú em của Bảo An là Thị Hai nhận trách nhiệm chuyện đó. Chị lên phòng gõ cửa thì từ trong, Bảo An nạt lớn:

- Để tao yên!

Thị Hai lên tiếng:

- Tôi nè cậu Hai, nếu cậu cần gì thì cứ gọi, tôi nằm ngủ ở ngay ngoài này chờ phục vụ cậu!

Giọng của Bảo An dịu lại:

- Thị Hai hả, ừ được. Mày vào đây tao bảo.

Thị Hai đã là vú nuôi nó từ lúc mới lọt lòng, cả việc bú mớm chị cũng đích thân lo, bởi chị là gái một con, từng có sữa con so rất ngon, bởi đứa con mới sinh ra của chị đã phải bỏ do bạo bệnh.
Nghe giọng điệu không bình thường của Bảo An, chị có hơi lạ, nhưng không nghĩ gì khác, chị đẩy cửa bước vào phòng.

- Gài cửa lại...

- Dạ, cậu Hai.

Việc phải xưng dạ thưa với một thằng nhóc đã là kỳ, lại còn phải nghe nó kêu mình bằng mày này mày nọ nữa, Thị Hai bực lắm nhưng ráng chịu đựng bởi thân phận tôi đòi.

- Lại gần đây bóp chân cho tao coi, đi qua nay mỏi nhừ cả hai chân!

Thị Hai đẩy đưa:

- Bà kiếm cậu khắp nơi, bà khóc thương vì nhớ cậu đến phát bệnh nằm liệt giường mấy hôm nay.

Chợt nó hỏi:

- Bà ấy có hỏi gì tôi không?

- Dạ có, à mà không! Bà chỉ hỏi không biết cậu đi đâu.

- Vậy thôi sao? Còn chuyện tiền bạc...

Thị Hai ngạc nhiên:

- Cậu hỏi tiền bạc gì? Bộ cậu...

Bỗng nó phá lên cười:

- Hỏi chơi vậy chớ tôi biết bà ấy phát hiện ra vụ mất tiền, và bà ấy nghi cho tôi lấy! Mà haha... tôi lấy thì đã sao, bà ấy còn thiếu gì tiền ba tôi để lại nữa!
Thị Hai trố mắt:

- Cậu Hai lấy thật hả?

Thằng bé trợn mắt nhìn lại Thị Hai:

- Làm gì ngạc nhiên dữ vậy? Mày có muốn xài không tôi cho?

Thị Hai hốt hoảng:

- Cậu Hai đừng làm tôi sợ! Tôi không bao giờ dám...

Thằng bé bất thần vùng dậy, chụp lấy Thị Hai kéo về phía mình khiến chị ta không làm chủ được, phải ngã sấp lên người nó:

- Đừng làm vậy cậu Hai! Đừng...

Nhưng chị ta đã bị Bảo An chặn ngang miệng bằng sức mạnh đáng ngạc nhiên...

- Kêu lên là tao gϊếŧ chết liền. Tao đâu phải là thằng bé con Bảo An đâu, cứ nhìn lại tao coi.

Lúc này Thị Hai không còn hồn vía nữa, nhưng cũng liếc nhanh về phía nó, rõ ràng người đang khống chế chị là một ai đó khác, chứ chẳng phải Bảo An!

Tuy nhiên, giọng vẫn là giọng của nó:

- Tao đi lang thang mấy ngày nay mà tới đâu người ta cũng từ chối không cho tao vào mặc dù đó là những kỹ viện, những lầu xanh. Họ nói tao còn con nít, cấm vào! Mà tao thì đang phát triển thành người lớn, tao muốn được cái mà người lớn có. Vậy thôi, mày chiều tao, lén lút giữa tao với mày thôi, mọi việc sẽ không ai hay... rồi tao cho tiền đời mày sẽ hết khổ, hết cơ cực. Nghe tao thì yên mà không nghe thì mày biết rồi, tao có thể gϊếŧ chết bất cứ đứa nào mà tao muốn! Thế nào theo tao chứ? Hãy nói ừ đi trong khi tao còn năn nỉ...
Thị Hai chết điếng trong lòng, nói thuận thì quyết là không, mà chống cự lại thì chỉ có nước chết! Thằng tiểu quỷ này xưa nay muốn gì được nấy. Nay hình dáng nó hiện tại lại không phải là nó, mà với sức một đứa cường tráng như vậy làm sao chị chống lại được?

Đang còn lưỡng lự, bỗng có người gọi bên ngoài:

- Bà chủ kêu Hai ơi!

Chỉ chờ có thế, Thị Hai vùng ra định chạy đi, thì bất chợt thằng quỷ kéo mạnh lại, chị ta vô phương cựa quậy.

- Để tao!

Hắn nói vọng ra:

- Tao sai con Hai đi chợ rồi!

Có thể bên ngoài biết Thị Hai chưa đi đâu nhưng ai dám cãi lời. Họ lên báo cho bà chủ như vậy rồi nhìn nhau lắc đầu.

Bà Nguyệt Ánh thay vì rầy con, bà lại chỉ đăm chiêu một chút rồi im lặng. Từ đó, bà cũng chẳng nhắc tới số tiền bạc nữ trang bị mất.

Thằng con tiểu quỷ của bà thì đang làm một chuyện động trời ngay trong nhà mà hầu như bà không quan tâm, hay là có biết mà lờ đi...
Nửa đêm hôm đó, chính tên khốn kiếp ấy bước ra khỏi phòng rồi tỉnh như không, hô lớn:

- Con Hai chết rồi!

Khi mọi người chạy lên thì thấy Thị Hai nằm sóng sài dưới sàn, chết mà không kín thân thể! Lúc này, chính bà Ánh khi nhìn Bảo An trước mặt mình cũng phải kinh ngạc, bởi đó là một thanh niên lực lưỡng chứ không phải là đứa con bé bỏng của bà!

Trong khi mọi người hãi hùng thì Bảo An dửng dưng bước ra ngoài, buông lại một câu lạnh lùng:

- Đổi phòng khác cho tôi!

Bà Nguyệt Ánh cũng chiều theo:

- Đổi phòng cho cậu Hai.

Rồi bà cố bước theo con ra ngoài định nói gì đó nhưng Bảo An hình như biết mà vẫn tảng lờ, đi luôn. Người mẹ đau khổ chỉ biết nhìn theo rồi ôm mặt khóc.

***

Nhờ tiền bạc và cũng nhờ mối quan hệ cũ của ông Hoàng nên chuyện động trời về cái chết của cô hầu gái bị xếp hồ sơ, không truy cứu. Bà Ánh phải tốn khá bộn. Rõ ràng là bà muốn được yên thân và cũng muốn cho đứa con trai cầu tự của mình không bị tai tiếng.
Nhưng chừng như nghiệp chướng không giới hạn đó. Chỉ một tháng sau thì chuyện gì đến đã đến!

Một buổi sáng, khi bà Ánh còn đang nằm trong phòng riêng thì bên ngoài có tiếng người la hét vang. Lát sau mấy con hầu chạy vào báo tin dữ:

- Bà ơi, cậu Hai nguy rồi!

- Chuyện gì mà nguy?

- Người ta kéo tới đòi bắt cậu Hai vì tội... giαи ɖâʍ với vợ và con người ta!

Bà Ánh vừa chạy ra đã nhìn thấy cả chục người đang ra sức xô đổ cổng rào. Cũng may, vừa khi ấy có mấy tay lính lệ của làng tới, họ chặn lại:

- Có chuyện gì thì ra nhà làng mà kiện cáo, sao lại phá nhà người ta?

Mấy người đang giận dữ đã gào lên:

- Làng xã các người bênh nhau, có thưa kiện cũng như không! Thằng tiểu yêu nhà này nó làm loạn xóm làng, gây tang tóc cho mọi người mà quân lính các người có ra tay không, hay là để yên cho nó làm tới?
Một lính lệ nói lớn:

- Sao không ra tay! Mới rồi làng đã bắt nó ra đóng gông ngoài sân làng rồi!

Anh ta quay sang bà Ánh:

- Thằng con nhà bà phạm tội tày trời, hãm hiếp gϊếŧ cả nhà người ta, nên bị bắt sắp giải lên quan rồi!

- Trời ơi, con tôi!

Bà Ánh chỉ kêu được mấy tiếng rồi đứng như trời trồng. Lát sau, bà mới xua tay:

- Không. Không có chuyện đó! Con tôi còn nhỏ làm sao nó làm được chuyện tày đình ấy mà mấy người vu oan!

Khi mấy tên lính lệ dìu bà ra tận nhà làng thì rõ ràng trước mắt là Bảo An đang bị cùm tay chân. Vừa nhìn thấy mẹ, nó đã lồng lộn lên:

- Thả tao ra, không thì cả lũ bay phải chết hết!

Bà Ánh bất nhẫn khi nhìn con trong tình cảnh ấy, nhưng bà cũng đành phải chịu thôi. Ngay trưa hôm đó, người ta áp giải thằng tiểu quỷ lên quan huyện. Người này vốn là bạn đồng liêu với ông Hoàng ngày trước, cũng muốn nhẹ tay với Bảo An. Tuy nhiên, vừa gặp mặt ông thằng khốn kiếp đã chỉ thẳng vào ông hét lớn:
- Mày phải cứu tao ra, không thì tao sẽ gϊếŧ hết cả nhà mày!

Trước thái độ quá đáng của nó, bà Ánh phải lên tiếng:

- Không được hỗn!

Bất ngờ, nó quay sang bà trợn mắt lên:

- Bà chết tới nơi mà còn chưa biết sao?

Huyện lệnh Đinh Liêm đập bàn quát lớn:

- Súc sinh!

Rồi ông ra lệnh cho lính lệ nọc hắn ra đánh hai chục hèo. Rất lạ là dù bị đánh tóe máu, nhưng hắn vẫn gào thét chửi bới chứ không kêu đau. Bà Ánh bất nhẫn quay mặt đi chỗ khác, hồi lâu khi quay lại thì người ta đã đưa Bảo An đi rồi. Hỏi thì bà được viên huyện lệnh đáp vắn tắt:

- Phải đưa ngay nó lên phủ, để người ta trị tội nó. Thằng bé này tuy tuổi còn trẻ con, nhưng hành động là người lớn nên không thể xem thườmg được.

***

Do Bảo An tuổi còn nhỏ nên không ghép tội hết được, mặc dù đó là trọng tội, phải chết. Khi đưa lên phủ, họ truyền giam vào nhà lao chờ lệnh. Huyện quan Đinh Liêm muốn làm tiền nhà họ Hoàng, nên cho người tâm phúc tìm tới nhà gặp bà Nguyệt Ánh. Nhưng khi họ tới nơi thì hay tin bà Ánh đã về thành phố để khiếu nại.
Tưởng bà ta cố ý lánh mặt, nên huyện quan ra lệnh hành quyết ngay, dù đó là một lệnh trái luật. Tuy nhiên, khi lính vào nhà lao để dẫn phạm nhân ra thì chỉ còn thấy cái xác của một đứa bé nằm đó, nhưng không phải là xác của Bảo An!

Chuyện báo lên quan huyện, lão Đinh Liêm hốt hoảng đến tận nơi xem thực hư. Và lão ta chết điếng khi nhìn thấy cái xác. Đó là đứa con trai lên ba của ông ta...

- Trời ơi!

Lão kêu lên và ngất tại chỗ.

Trong khi đó thì ở bến đò nơi bà Nguyệt Ánh trên đường đi khiếu kiện, đã bất ngờ gặp lại vị đạo sĩ. Bà hơi khó chịu nhưng không cách nào hơn là phải chào hỏi lấy lệ, rồi định xuống đò thì ông đạo sĩ đã lên tiếng:

- Bà đi làm gì cho mất công. Nó tới đây bây giờ.

Bà Ánh nhìn lại phía sau thì thấy một xe ngựa chạy nhanh tới và thả xuống một người.
- Con!

Bảo An không đáp, chạy nhanh xuống đò và đuổi hết những người cùng đi:

- Lên hết, để tôi đi!

Mấy người kia biết nó nên vừa thấy đã muốn tránh xa. Còn lại trên đò chỉ có hai mẹ con. Nhưng thằng khốn ấy không hề nhìn mẹ nó, lại tự tay chèo con đò ra giữa dòng.

Lão đạo sĩ kêu lớn:

- Bà hãy nhảy xuống sông lội vào bờ đi, nếu không muốn chết chung với thằng đó!

Bà Nguyệt Ánh đời nào chịu nghe, bà còn bước lại gần con hơn, cất giọng trìu mến:

- Làm sao con thoát ra được vậy? Mẹ lo cho con quá.

Bất ngờ tên khốn kiếp dùng tay gạt ngang, khiến cho bà Ánh lảo đảo và ngã xuống sông. Đã không ra tay cứu mẹ, mà hắn còn ngửa mặt lên trời cười như điên như dại! Nhanh như chớp, lão đạo sĩ phóng xuống và nhanh tay chụp được bà Ánh kéo lên.

Vừa lúc ấy, con đò mà Bảo An đang chèo chống bỗng chao đảo rồi quay tít như chong chóng. Tiếng la hét vang lên:
- Cứu tôi! Cứu!

Nhưng chẳng một ai nhảy xuống cứu. Khi con đò ngừng lại thì người ta chẳng còn thấy bóng dáng Bảo An đâu. Mặt nước chỗ gần con đò ấy có máu trào lên. Rồi mọi thứ trở lại bình yên...

Ông đạo sĩ thở dài:

- Đành thôi, chẳng còn cách nào hơn.

Bà Nguyệt Ánh chợt hiểu, bàng hoàng định kêu lên, nhưng vội ngừng lại ngay. Trong đầu bà sáng ra và hiểu rằng mình không nên làm gì.

Giọng lão đạo sĩ vẫn đều đều:

- Đáng lý nó đã chết trong ngục rồi, nhưng bọn bảo hộ cho nó là lũ oan hồn cứ cố tình giải thoát cho nó, còn gϊếŧ hại thêm một mạng người nữa, để cho nó ra đây gặp bà, trừ nốt người mà nó cho là cản trở việc tiêu diệt nhà họ Hoàng. Cũng may tôi đã hay được. Giờ đây thì mọi việc qua rồi, đứa con nghiệp chướng đó đã vĩnh viễn không trở lại nữa. Nó chính là một giọt máu gần ngày sinh của một người đàn bà bị chồng bà gϊếŧ hại khi chị ta cự tuyệt sự cưỡng bức của ông Hoàng. Nó đầu thai vào là để báo oán đó.
Bà Ánh không còn cố tình bênh vực cho con nữa, bà lẳng lặng nghe rồi ôm mặt khóc. Lão đạo sĩ phải an ủi:

- Bà may mắn thoát nạn rồi. Tuy rằng sau này bà sẽ chẳng còn gì cả. Nhưng ở đời đâu chỉ giàu sang mới sống được. Rồi mọi việc sẽ đâu vào đó...

Ông nói xong lại bỏ đi.

Bà Nguyệt Ánh thẫn thờ một lúc rồi cũng trở về nhà.

Ngày hôm sau...

Toàn bộ gia sản của dòng họ Hoàng đều bị tịch biên bởi quan huyện Đinh Liêm. Chẳng biết có phải đó là từ trên hay không, chỉ biết là sau khi thực hiện được việc ấy thì ông ta vui lắm. Hình như đó là một việc trả thù riêng tư!

Bà Nguyệt Ánh trắng tay, khăn gói trở về quê cũ. Đáng lý thất vọng lắm, nhưng tự dưng lòng bà cảm thấy thanh thản không còn vướng bận bất cứ chuyện gì nữa...

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play