Phải hai tuần sau thì Văn mới bình phục và rời khỏi bệnh viện Rạch Giá. Thay vì trở về Sài Gòn ngay theo lệnh của mẹ, nhưng Văn lại quyết định một lần nữa xuống Hà Tiên. Anh trở lại bãi biển Mũi Nai, quyết tìm lại ngôi nhà trọ mà ở đó anh đã gặp những con người kỳ lạ.
Nhưng như một giấc mơ, dẫu đã đi tìm cả buổi mà vẫn chưa tìm ra đúng nơi anh từng ở hồi tuần trước. Hỏi thì ai cũng lắc đầu bảo:
- Ở đây làm gì có ngôi nhà trọ đó.
Bãi tắm Mũi Nai khá nhỏ, vào thời ấy chỉ có đúng hai nhà trọ, mà cả hai Văn đều tới và đều thất vọng, bởi từ phòng ốc cho tới con người, chẳng có nơi nào giống với nơi kia. Kể cả hai căn phòng nằm phía sau như chỗ ở của Xuân Lan cũng không hề có. Vậy hóa ra những gì vừa trải qua là một giấc mơ sao?
Văn hoang mang, nghi ngờ cả trí nhớ của mình... Nhưng cuối cùng anh vẫn quả quyết rằng những gì đã xảy ra là thật. Bởi vật còn lại trên cổ tay anh đã nói lên tất cả, đó là xâu chuỗi màu tím. Nó càng lúc càng như bám chặt lấy thịt da Văn, mặc dù lúc ở bệnh viện hình như người ta đã có ý lột nó ra nhưng không thành công. Giờ đây tuy nó không còn gây ra cảm giác lạnh buốt như lúc mới đeo, nhưng dẫu cho có như thế thì Văn vẫn không có ý muốn cởi nó ra nữa.
Văn cố kiên nhẫn nán tại Mũi Nai thêm một đêm. Anh thuê một phòng và đêm đó có ý thức rất khuya để đợi... nhưng đến quá nửa đêm, do quá mỏi mệt nên Văn thiếp đi cho đến sáng. Vừa thức dậy, Văn đã bàng hoàng khi trên cổ tay mình không còn thấy xâu chuỗi nữa! Mọi cửa nẻo đều đóng kín nên khó có người ngoài lọt vào. Mà cho dù có người khác thì cũng chẳng làm sao lột xâu chuỗi ra được. Vậy mà...
Văn bần thần rất lâu, bỏ cả bữa ăn sáng chỉ để tập trung đi tìm xem có ai đeo xâu chuỗi ấy trên cổ. Nhất là những đứa bé, gặp đứa nào Văn cũng cố tình lại gần và nhìn kỹ...
Đến trưa hôm đó, chẳng còn hy vọng gì nên Văn định chỉ ở cho hết một ngày tiền phòng nữa rồi sẽ đi. Nhưng khi anh trở về phòng trọ thì quá đỗi ngạc nhiên khi thấy phòng của mình đã có người khác trú ngụ! Hỏi ra thì chủ nhà trọ chưa từng cho anh thuê phòng, bằng chứng là trong sổ lưu trú không hề có tên anh vào đêm qua.
Sau một hồi cãi vã, Văn đành phải hỏi thuê phòng khác, nhưng đã bị từ chối với lý do nhà trọ hết phòng. Quá bực mình, Văn sang nhà trọ còn lại. Nhưng điều không ngờ đã xảy ra: nhà trọ ấy cũng báo là hết phòng.
Bực quá, Văn hỏi:
- Ở bãi biển này làm gì có khách nhiều đến đỗi cả hai nhà trọ mà hết cả phòng?
Chủ phòng trọ đưa sổ cho Văn xem thì quả nhiên cả mấy chục phòng đều đã có người ở! Văn đành tiu nghỉu gọi xe ra chợ Hà Tiên với ý định trở về Sài Gòn ngay. Nhưng lúc ấy đã quá trưa, nên bến xe vắng tanh. Phòng bán vé báo cho Văn biết là đã hết xe, muốn đi phải mua vé trước và chờ sáng ngày hôm sau. Tối đó, Văn đành phải thuê phòng khách sạn ở lại. Khi đăng ký ở khách sạn Giang Thành, Văn nghe cô tiếp tân bảo:
- Cũng may cho anh, bữa nay có nhiều khách từ tỉnh khác tới, người ta đặt chỗ trước hết cả hai chục phòng ở đây. Căn phòng này vốn là của hai mẹ con một vị khách đã ở đây mấy ngày rồi, đáng lẽ cô ấy còn ở lại tới chủ nhật này, nhưng chẳng hiểu sao lại đột ngột trả phòng và đi lúc sáng nay, nên mới còn trống cho anh mướn đấy.
Văn hơi tò mò:
-Hai mẹ con đó tên gì vậy cô?
Cô lễ tân nhìn Văn vừa cười cười:
- Chà, bộ đi tìm người yêu hả? Cô ấy tên là... Xuân Lan và đứa bé cỡ ba tuổi...
Vừa nghe đến đó, Văn đã cuống lên:
- Cô ấy đâu?
Cô lễ tân đáp:
- Đi từ sớm rồi. Nghe nói về Cần Thơ.
Văn hỏi một câu hơi quá tò mò:
- Cần Thơ mà huyện, xã nào cô có biết không? Vậy mà chẳng ngờ cô lễ tân lại biết:
- Hôm qua nghe cô ấy nói quê mình ở gần chợ Ô Môn, Cần Thơ.
- Ô Môn!
Tự dưng Văn giật mình! Hình như anh đã có nghe ai đó nói quê cũng ở địa danh này... Nhất thời Văn chưa thể nhớ đó là quê của ai, nhưng trong đầu Văn cứ lởn vởn mấy từ Ô Môn... Ô Môn...
Văn nghĩ, đây là sự ngẫu nhiên đến lạ lùng. Anh vô tình lại thuê đúng căn phòng người mà mình muốn đi tìm! Phải chăng đó là cơ duyên?
Mải nghĩ miên man nên khi cô lễ tân đưa xâu chìa khóa phòng mà Văn vẫn còn lơ đãng nhìn đi nơi khác...
- Chìa khóa phòng của anh đây.
Văn lững thững đi tìm phòng. Anh định sau khi nhận phòng rồi sẽ đi một vòng quanh chợ, để may ra còn có thể gặp mẹ con cô ấy...
Nhưng khi vừa mở cửa phòng, bật đèn lên thì Văn ngạc nhiên khi nhìn thấy xâu chuỗi màu tím đang nằm trên gối. ***
Xe đò dừng ở đầu cầu Ô Môn, Văn lưỡng lự một lúc rồi mới bước xuống. Việc Văn quyết định ghé nơi này là một hành động mạo hiểm. Bởi đây là lần đầu anh đến nơi này. Nhìn nhà cửa hai bên đường, chưa thấy có vẻ gì là thị trấn thì Văn lại càng lo, liệu nếu không tìm ra chỗ cần tìm mà trời tối thì làm cách nào để ngủ tạm, trong khi chẳng hề thấy có nhà trọ nào quanh đây?
Gọi một chiếc xe ôm, Văn hỏi bác tài:
- Gần đây có nơi nào trọ qua đêm không bác?
Nhìn qua Văn một lượt bác tài đáp:
- Tìm khách sạn sang trọng như ở Cần Thơ thì không có, chứ phòng trọ bình dân thì thiếu gì. Mà cậu muốn ở gần đây hay vào trong thị trấn?
- Thị trấn còn cách bao xa bác?
- Khoảng năm trăm thước thôi, nhưng mấy người muốn ngủ qua đêm rồi sáng mai đón xe đò đi Sài Gòn thì người ta thường ở chỗ nhà trọ gần đây. Cậu Hai cần chỗ nào? Leo lên xe xong, thay vì về chỗ trọ, Văn lại bảo:
- Bác chạy cho cháu mấy vòng thị trấn này, bao nhiều tiền cháu sẽ trả.
Bác tài mỉm cười:
- Chà, dân thành thị lần đầu về chợ quê muốn ngắm mấy cô gái quê phải không?
Văn thấy ông ta vui nên cũng đùa.
- Gái quê dễ thương hơn con gái thành thị bác ơi!
Bác tài cười lớn tiếng:
- Coi bộ muốn kiếm vợ xứ này hay sao vậy?
Văn vui miệng đùa:
- Nếu kiếm thì có dễ không bác?
Ông già đáp ngay:
- Dễ ợt.
- Bác biết có ai làm mai cho cháu được không?
Văn nói đùa, nhưng ông già lại tưởng thật:
- Cái vụ đó thì tôi dám nhận lời lắm à! Tôi có đứa cháu gái, năm nay chỉ mới 21 tuổi, đẹp như gái thành thị, chỉ có điều...
Đã lỡ đùa rồi nên Văn đùa tới luôn:
- Kể cả gái đã từng có chồng rồi cũng được, miễn hiền và ngoan và đạt yêu cầu! Ông già nói luôn:
- Nó lỡ có một con rồi...
Tự dưng Văn chợt nghĩ tới Xuân Lan:
- Con được mấy tuổi bác?
- Cỡ ba tuổi! Cậu dám lấy gái có con rồi không? Tôi xem tướng cậu năm nay có lẽ cũng gần ba chục, mà chọn gái còn son thì e khó...
Văn cười:
- Son hay không son đều được cả, miễn hạp nhãn!
- Cậu nói thật không, tôi giới thiệu liền?
- Con của bác?
- Không, tôi có quen với chỗ này, họ có một đứa con gái tuy tuổi còn trẻ mà đã lỡ...
Văn chưa kịp có thêm ý kiến gì thì đã được đưa tới một nơi cách thị trấn Ô Môn chừng nửa cây số xe ngưng trước một ngôi nhà ngói xưa khá rộng. nhưng vắng người.
- Cậu xuống đi, trong nhà có người đang đợi cậu!
Lời vừa dứt thì bác tài cũng vừa nhấn bàn đạp, mà không cần lấy tiền xe. Chiếc xe lôi vọt đi trước sự ngỡ ngàng của Văn: - Kìa bác...
Văn chưa biết phải làm gì thì đã nghe người trong nhà nói vọng ra:
- Đã tới rồi thì vào nhà đi chứ?
Rồi một bà cụ từ trong bước ra, nheo mắt nhìn khách cho rõ. Văn cúi chào:
- Dạ, kính chào bà. Con đi kiếm nhà một người tên là... Xuân Lan. Chẳng hay bà có biết vùng này có ai tên đó không ạ?
Bà cụ mở cổng rào ra, vừa nói:
- Đã tới rồi thì vào đi, còn hỏi gì?
Ngạc nhiên bởi thái độ bà cụ và cả ông lái xe lôi. Văn phải hỏi lại:
- Cháu cần tìm một người tên là Xuân Lan, vậy bác có biết?
Bà cụ không trả lời, lại khóa cổng, rồi đi thẳng vào trong sau khi nói.
- Cậu ngồi ở phòng khách đợi.
Bà bỏ đi ra nhà sau, khiến Văn càng khó xử hơn. Anh cứ lúng túng không biết phải làm sao thì chợt nhìn thấy trên tường có một khung ảnh lớn, trong đó có hàng chục bức ảnh nhỏ hơn, mà một trong những tấn ảnh đó khiến cho Văn phải giật mình: - Sao lại là họ?
Anh bước vào gần hơn để nhìn và bàng hoàng kêu lên:
- Chính là họ rồi!
Trong ảnh là cha mẹ của Ngọc Mai và cả ảnh của cô nữa, có lẽ chụp cách năm ba năm gì đó. Trông Ngọc Mai chẳng khác gì lúc về nhà chồng!
- Đây là...
Văn vừa buột miệng thốt ra chưa dứt lời, thì sau lưng anh đã có người lên tiếng:
- Ngạc nhiên phải không? Trái đất tròn mà...
Nghe tiếng quen quen, Văn quay lại đã kêu lên:
- Kìa... má!
Bà mẹ của Ngọc Mai đang đứng giữa phòng khách với bộ mặt lạnh lùng! Văn tưởng như mình nhìn lầm:
- Má... sao má lại ở đây?
Bà Thảnh ngồi xuống ghế và chỉ chiếc ghế đối diện:
- Cậu ngồi xuống đây.
Văn như người từ trên trời rơi xuống, anh ngồi mà lúng túng thấy rõ:
- Con... con không hề biết má ở đây. Con chỉ...
- Chỉ đi tìm người con gái tên Xuân Lan phải không? Bị lật tẩy, Văn càng cuống lên:
- Dạ... sao... sao má biết? Nhưng mà con chỉ tìm để trả lại cô ấy xâu chuỗi...
Không ngờ bà mẹ vợ đã tinh ranh hơn Văn tưởng:
- Xâu chuỗi màu tím là của con Ngọc Mai, cậu lại tìm tới trả cho người khác là sao? Hay là có mới nới cũ?
Trước câu hỏi quá hóc búa, Văn như con gà mắc tóc.
- Dạ... con... con...
- Sao anh không nói rõ xâu chuỗi đó là của con bé Ngọc Ngà!
Người vừa thốt ra câu nói đó chính là Xuân Lan, xuất hiện cùng với con bé Ngà, nó vừa trông thấy Văn thì nhào tới và reo lên:
- Chú!
Lúc này trên mặt bà Thảnh mới hết căng thẳng, bà quay sang bảo:
- May cho cậu, nếu không có con nhỏ này...
Bà nói xong thì đứng lên đi vào liền, khiến Văn có muốn hỏi thêm cũng không được. Anh nhìn Xuân Lan với tất cả sự kinh ngạc:
- Sao cô cũng ở đây?
Nàng cười: - Thì đây là nhà em mà!
- Vậy còn...
- Anh muốn hỏi người vừa rồi hả, đó là dì ruột của em, từ Sài Gòn mới về để... đợi gặp anh!
Câu nói này càng làm cho Văn hoang mang:
- Sao lại có chuyện đó?
Nàng cười thành tiếng:
- Bộ anh tưởng tự nhiên anh biết nơi này mà tới sao? ở khách sạn Giang Thành hôm qua, đâu phải tự dưng người ta chỉ cho anh biết em ở xứ này? Cũng như lúc nãy, làm sao bác đạp xe lôi biết anh mà chở đến tận đây?
Văn rùng mình:
- Thì ra...
- Anh cũng đừng lo, mọi điều cũng chỉ tạo cơ hội cho anh đến gặp người mà anh ngại gặp nhất mà thôi và anh đã gặp rồi đó. Nhưng xem ra dì em cũng không đến đỗi quá căng thẳng với anh, khác với thái độ của bà suốt ba năm nay. Bà chỉ muốn gặp và ăn tươi nuốt sống anh thôi, chắc anh biết nguyên do?
- Vậy cô là...
- Em đã nói rồi, em là cháu của dì Thảnh. Nhớ lại chuyện xâu chuỗi và những gì xảy ra ở Hà Tiên, Văn hỏi dồn:
- Vậy chuyện của Ngọc Mai, chuyện về xâu chuỗi kia...
Xuân Lan nhẹ lắc đầu:
- Mọi việc không phải do tôi. Anh muốn biết thì cứ hỏi dì tôi. Còn bây giờ...
Cô quay lại, tìm thì chẳng còn thấy bé Ngọc Ngà đâu. Nàng hoảng hốt:
- Ngà ơi, con ở đâu?
Chẳng nghe con bé trả lời, cô càng quýnh lên. Văn cũng hoảng, anh cùng chạy đi tìm. Cả hai chạy khắp nhà, ra cả ngoài sân vườn cũng chẳng thấy. Lúc này Xuân Lan đã thấy run, cô líu cả lưỡi:
- Không... không được... không xong rồi!
Văn hỏi mãi cô ta mới nói rõ hơn:
- Để cho con bé đi coi như nó sẽ trở về với mẹ nó, và như vậy có nghĩa là... là... anh phải đi khỏi đây ngay!
Văn ngơ ngác:
- Cô nói gì tôi không hiểu? Vậy hóa ra cô không phải là mẹ của bé Ngọc Ngà sao? Và tại sao tôi không được ở lại đây? Nàng nói như hét:
- Anh đi ngay đi!
Nói xong, nàng ta gục xuống khiến Văn càng hoảng sợ hơn:
- Kìa, cô Lan. Cô sao vậy?
Xuân Lan lịm dần và suýt ngã xuống đất, may mà Văn đã đỡ kịp. Anh gọi lớn:
- Cô tỉnh lại đi, cô Lan!
Cô nàng chỉ còn là cái xác biết thở nhè nhẹ... Văn chẳng còn cách nào hơn nên phải bế cô lên, định bước vào nhà thì anh nghe Lan thì thào:
- Đừng vào đó, hãy đưa em ra ngoài...
Văn làm theo như cái máy. Anh đưa Xuân Lan ra ngoài cổng, vừa nhìn thấy một chiếc xe lôi trờ tới, anh gọi:
- Chở đi bệnh xá gần nhất!
Xe chạy một lúc thì đột nhiên ngừng ngay cửa một nhà trọ, Văn khoát tay:
- Không phải đây!
Nhưng một lần nữa, anh nghe giọng thì thào của Xuân Lan:
- Cứ đưa em lên đây!
Một người trong phòng trọ bước ra giúp đưa cô vào phòng. Họ nói:
- Cô này là khách ở đây mà. Văn nói cho họ rõ:
- Không, nhà cô ấy ở gần đây cô ấy bị bệnh nên tôi phải đưa đi bệnh viện ngay!
Nhân viên tiếp tân quả quyết:
- Cô Xuân Lan này ở đây từ hôm qua với một đứa bé, lúc nãy nó chạy về trước và đang ở trong phòng!
Vừa khi ấy, bé Ngọc Ngà từ trong chạy ra, nó một lần nữa mừng rỡ khi gặp Văn:
- Chú, con chờ chú về.
Văn còn thắc mắc nhưng không thể hỏi đứa bé ba tuổi, vả lại anh còn phải lo cứu chữa cho Xuân Lan trước. Nhân viên nhà trọ nói cho Văn biết:
- Cô ấy nói lúc sáng rằng mình về chơi nhà người quen, tôi cứ tưởng đến chiều cô ấy mới về, nên vừa rồi có một cô bạn của cô ấy tới đây tìm, tôi đã chỉ cho vào phòng đợi, bây giờ chắc còn trong đó.
Bé Ngà nói:
- Đi rồi, chỉ để lại cái này.
Nó đưa ra cho Văn một cái bọc, trong đó có một gói giấy được gói khá chu đáo: - Con về phòng thì không gặp cô ấy, nhưng khi con vào trong phòng rồi thì cô ấy đứng từ ngoài nói vọng vào, dặn con lấy cái bọc này đưa cho má Xuân Lan hoặc người nào đi cùng má Lan cũng được. Vậy chú cũng là người được gửi cái này, chú mở ra xem đi.
Văn không định mở, nhưng nghe con bé nói vậy anh mở ra xem thử. Vật gói kỹ kia khi được mở ra khiến cho Văn điếng hồn, đó là bức ảnh chụp Ngọc Mai lúc vừa tự tử đang còn nằm yên trên giường!
- Trời ơi!
Văn chỉ kêu được mấy tiếng rồi thì lảo đảo, mặt xanh tái! Con bé Ngà không hiểu chuyện gì, nó hoảng sợ:
- Chú, chú làm sao vậy chú?
Văn cố lắm mới nói được mấy tiếng:
- Ngọc... Mai...
Bé Ngà bỗng ôm cứng lấy Văn, như sợ anh chết. Nó gào lên:
- Chú ơi, chú!
Xuân Lan lúc ấy kêu lên ú ớ:
- Đừng đừng hại người ta... đừng... Con bé Ngà cũng hét lớn:
- Đừng hại chú này! Con thương chú ấy!
Vừa nói nó lại càng siết chặt Văn hơn như sợ ai đó bắt mất anh, đến nỗi Văn cũng phải ngạc nhiên:
- Chú có sao đâu con?
Bé Ngà vẫn không lơi tay nó càng la lớn hơn và cứ xoay người hết bên này lại qua bên kia, như đang cố che chở cho anh khỏi bị ai đó tấn công! Và đến khi Văn không còn đủ sức để đứng vững thì một lần nữa con bé lại thét lên:
- Mẹ, đừng hại người ta!
Rồi như liều mình, nó ngã nhoài lên thân thể vừa đổ xuống của Văn, chẳng khác gì tấm lá chắn. Lúc ấy thì Xuân Lan cũng đã nằm yên. Vậy bé Ngà sợ ai? Chẳng thể lý giải được, bởi lúc ấy cả Văn và Xuân Lan đều đã ngất đi. Chỉ còn chị chủ nhà trọ, chị hốt hoảng giục mấy người làm lo cấp cứu cho hai người. Tuy nhiên, khi mấy người kia kéo bé Ngà ra khỏi người Văn thì con bé nhất quyết không bỏ ra, nó gào lên: - Đừng để mẹ gϊếŧ chú này!
Cho đến khi họ đưa Văn vào phòng mà con bé vẫn còn ôm cứng anh. Chị chủ nhà trọ nói với một nhân viên:
- Chạy vào xóm trong, chỗ gần nhà máy xay có một ngôi nhà ngói xưa, cô này có bà con ở đó, báo cho họ biết cô ấy đang bị bệnh ngoài này, kêu họ ra ngay.
Người nhân viên chạy đi một lúc khá lâu, khi trở về đã lắc đầu báo:
- Em kiếm nãy giờ mà có ngôi nhà ngói xưa nào đâu, chỉ có một cái nhà lớn, nhưng khi nhìn vào thấy chỉ có mồ mả chung quanh chứ đâu có người ở!
Chị chủ phòng trọ ngạc nhiên:
- Tôi cũng nhớ ở đó không có người nào ở, mà sao cô này lại nói có bà dì ở đó! Mày có hỏi kỹ mấy người chung quanh đó không?
- Dạ có, ai cũng nói nhà ấy đã bỏ hoang từ lâu rồi, cách đây mấy năm có chôn một người, thành ra nơi ấy gần như là cái nghĩa trang gia đình, chứ đâu phải nhà ở. Vẫn chưa tin hẳn, nên chị chủ phòng trọ lại sai một người khác đi hỏi. Vài mươi phút sau người này về, cũng báo y như vậy:
- Đó đúng là một nghĩa địa gia tộc, nghe nói của một bà nhà giàu nào đó ở Sài Gòn, quê quán ở xứ này, nên bây giờ khu đất đó dùng làm nơi chôn người chết. Ngôi mộ nào cũng xây đá kiên cố lắm, nhưng ngôi nhà ngói lớn thì không ai ở đã từ lâu rồi.
Trong lúc họ còn đang bàn tán thì Văn tỉnh lại. Anh nhìn thấy bé Ngà vẫn đang bám chặt lấy anh và đã ngủ khì thì xúc động lắm, định gỡ bé ra cho nó ngủ trên giường, nhưng con bé dù đang ngủ vẫn cự tuyệt, không chịu buông tay ra!
Chị chủ nhà hỏi Văn:
- Lúc nãy cậu đưa cô này về từ đâu vậy?
Nghe Văn kể, chị ta kêu lên:
- Chỗ đó là nghĩa địa chứ đâu phải nhà!
Văn không tin, anh định gửi bé Ngà lại để tự đi xem thực hư, nhưng con bé vẫn nhất định không rời ra, nên cuối cùng Văn đành phải bế nó theo, kêu xe lôi chạy trở về chỗ lúc nãy. Tận mắt chứng kiến mà Văn vẫn còn chưa tin, anh hỏi một người gần đó, người ta nói rành rẽ: - Đây là đất hương hỏa của ông Cả mà ngày xưa người ta gọi là Cả Tự, khi ông mất đi thì để lại cho người con gái tên Thảnh, nhưng sau đó bà này cũng chuyển lên Sài Gòn ở, rất ít khi về đây. Ngôi nhà dần dần xuống cấp, cuối cùng bà Thảnh dùng khu đất ấy làm từ đường thờ tổ tiên. Nhưng chỉ được một thời gian thì việc thờ tự cũng chẳng ai lo, nên hầu như ngôi nhà đành bỏ hoang. Chỉ có khu đất rộng gần một mẫu chung quanh đã lần hồi biến thành nghĩa trang gia tộc. Hình như có đến gần mười ngôi mộ được chôn trong đó, mà mới nhất là mộ của người con gái bà Thảnh chết cách đây ba bốn năm, được đem về mai táng và thỉnh thoảng bà có về nhang khói. Nhưng mới đây nghe tin bà ấy cũng đã chết, nhưng mộ phần thì không thấy đem về đây, có lẽ đã được hỏa táng rồi cũng nên. Nghe bà ta kể rành rọt như vậy nên Văn không thể không tin, sau một lúc lưỡng lự, anh quyết định vào bên trong khuôn viên ngôi nhà. Vẫn là ngôi nhà mà anh tới lúc sáng, nhưng bây giờ nó là một ngôi nhà hoang, rêu phong, nhện giăng đầy. Văn đứng thẫn thờ khá lâu rồi chợt nhớ, anh bế bé Ngà ra thẳng sau vườn, nơi có đến chục ngôi mộ đá nằm san sát nhau. Một ngôi mộ mới nhất, nổi bật hơn nằm ở cuối dãy, mà vừa thoạt nhìn thấy Văn đã thót tim! Khi bước lại gần bỗng bé Ngà khóc thét lên và co quắp người lại ôm cứng lấy Văn, anh phải dỗ nó:
- Cháu đừng sợ, chú chỉ xem qua rồi đi ra ngay!
Ánh mắt của Văn dừng lại ở dòng chữ trên mộ bia: Phần mộ Lê Thị Ngọc Mai. Bên trên dòng chữ là ảnh chân dung của Mai, gương mặt buồn hiu.
- Ngọc Mai!
Văn kêu lên rồi đứng chết lặng. Trong lúc bé Ngà kéo tay anh giục đi: - Đi đi chú! Đi đi...
Văn bước đi mà mắt cứ ngoái lại nhìn vào ngôi mộ.
Nó như có một mãnh lực kỳ lạ, khiến Văn cứ muốn chạy trở lại. Rồi văng vẳng bên tai Văn nghe như có tiếng ai đó gọi tên mình. Anh vừa định lên tiếng thì bàn tay nhỏ nhắn của bé Ngà đã bụm ngang miệng, khiến anh không thể thốt lên được. Và một lần nữa con bé lại giục:
- Đi nhanh lên đi chú!
Mãi đến khi tới ngoài cổng, con bé mới òa lên khóc và nói rất nhỏ vào tai Văn:
- Người ta đang muốn bắt chú đi, chú mau chạy đi!
Thấy Văn vẫn còn nấn ná chưa chịu bỏ đi, con bé lại giục.
- Chạy nhanh lên!
Lúc này chợt Văn nghe như có bước chân người phía sau lưng, anh cảm nhận hơi thở của ai đó sát vào gáy mình, đồng thời có một mùi hương rất quen thuộc phả vào mũi anh... Văn buột miệng:
- Ngọc Mai!
Đúng là loại nước hoa mà Ngọc Mai thường dùng khi còn sống, khi ấy Văn vẫn thường nói chỉ duy nhất nàng mới dùng loại nước hoa pha lẫn giữa hương của đàn ông với phụ nữ... Lúc này Văn cảm giác như có luồng hơi lạnh buốt đang phủ lên gáy mình và hình như... Bỗng con bé Ngà hét lên một tiếng rồi buông tay ra khỏi Văn! Anh hốt hoảng khi nhìn quanh không thấy con bé.
- Cháu ơi! Cháu ở đâu?
Văn điếng hồn khi con bé tự dưng biến mất, mà quên là lúc ấy cái cảm giác lành lạnh sau gáy cũng không còn...
Văn trở về nhà với bộ dạng thất thần. Vừa bước vào cửa nhà trọ, anh đã nghe tiếng khóc nức nở của ai đó từ bên trong. Và khi anh vào hẳn phòng khách thì đã nghe Xuân Lan gào lên:
- Con bé chết rồi!
Văn đang như kẻ mất hồn, đã giật mình:
- Cái gì, bé Ngà đâu?
Chỉ đứa bé đang nằm im trong lòng, mắt nhắm nghiền, Xuân Lan nói qua màn nước mắt:
- Nó chết rồi!
Hốt hoảng. Văn cúi xuống chạm tay vào mũi con bé, không còn tín hiệu của hơi thở, Văn gào lên:
- Trời ơi, chú hại cháu rồi! Đột nhiên Văn hét vào mặt Xuân Lan:
- Chính cô! Cô là nguyên nhân làm cho con bé chết!
Lan ngơ ngác:
- Anh nói gì vậy? Chính em vừa tỉnh lại thì đã thấy con nhỏ nằm bên cạnh rồi. Lúc nãy nó lại đi với anh, vậy ai đã làm gì con bé?
Câu hỏi khiến Văn nhớ lại diễn biến câu chuyện vừa rồi, anh buông tiếng thở dài:
- Ngọc Mai...
Xuân Lan hoảng hốt:
- Anh vừa nói gì? Anh gặp chị ấy?
Văn không giấu:
- Tôi vừa cùng bé Ngà vào ngôi nhà hoang và ra nghĩa địa...
Anh vừa nói tới đó thì Xuân Lan đã thất thần kêu lên:
- Anh dẫn xác đến đó là tới số rồi.
Rồi cô nhìn lại bé Ngà:
- Nhưng sao con bé lại như thế này? Nó là con..
Nàng định nói hết ý, nhưng bỗng ngừng bặt và vẻ sợ hãi lộ rõ. Văn hỏi:
- Cô sao vậy?
Xuân Lan không trả lời, rồi bất ngờ cô ôm bé Ngà đứng vụt dậy và chạy biến ra ngoài. Văn gọi theo. - Cô Xuân Lan, đừng đưa con bé đi.
Nhưng bóng cô nàng và bé Ngà phút chốc đã không còn thấy nữa...
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT